Trang

Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2015

252. THƯ GỞI CHÍNH PHỦ VỀ ĐHNS.


CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM.
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc.

THƯ TRÌNH BÀY.
“V/v: Mở Đại Hội Nhơn Sanh của ĐĐTKPĐ
Ngày 10. 04. Ất Mùi/ 20.05. 2015 tại Tòa Thánh Tây Ninh”.

Kính gởi: .......................................................................................

Chúng tôi là những công dân Việt Nam tín ngưỡng Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ (ĐĐTKPĐ) gọi tắc là Đạo Cao Đài; Tổ Đình tại Tòa Thánh Tây Ninh xin trình bày đến chính quyền các cấp nguyện vọng mở Đại Hội Nhơn Sanh cho ĐĐTKPĐ đã bị gián đoạn hơn 40 năm nay.

Kính quí vị!
Tiền nhân có dạy: Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách (Nước nhà cường thịnh hay suy yếu người thấp kém vẫn có trách nhiệm). Chúng tôi là những người tu hành theo ĐĐTKPĐ dù ở vào diện hạ thừa hay thượng thừa vẫn còn có trách nhiệm với quốc gia xã hội, với ĐĐTKPĐ nên xin bày tỏ đôi điều cần yếu về tôn giáo trong xã hội hiện nay.
A/- THỰC TẾ ĐĐTKPĐ HIỆN NAY.
Thực tế hiện nay là ĐĐTKPĐ không có Hội Thánh để hướng dẫn người đạo sinh hoạt tôn giáo (không có hành chánh tôn giáo). Danh hiệu (ĐĐTKPĐ) và cơ ngơi (Tòa Thánh Tây Ninh) bị chi phái chiếm mất.
I/- Chi phái đang chiếm danh hiệu và cơ ngơi ĐĐTKPĐ.
1/- Chứng cứ từ xã hội:
1.1/- Báo Xa Lộ Pháp Luật số 36, ngày 17/8/2013, trang 16 cột bốn dòng 26:  ...Hiện nay, Cao Đài Tây Ninh được nhà nước công nhận là một trong chín chi phái Cao Đài hoạt động hợp pháp ở Việt Nam....
Điều nầy có nghĩa là ĐĐTKPĐ lập năm 1926 tại Chùa Gò Kén, Làng Long Thành, Tỉnh Tây Ninh, Nam Phần  Việt Nam có Tổ Đình là Tòa Thánh Tây Ninh đã và đang bị một chi phái chiếm. Chi phái đó do Hội Đồng Chưởng Quản (HĐCQ) lập ra và được chính phủ công nhận ngày 09. 05. 1997.
1.2/- Đơn Khởi Kiện ngày 17.02. 2009.
Nhiều công dân Việt Nam đã nộp Đơn Khởi Kiện về việc chi phái HĐCQ chiếm dụng danh hiệu và cơ ngơi ĐĐTKPĐ đến chính quyền. Tòa Án Tỉnh Tây-Ninh có Biên Nhận Đơn Khởi-Kiện ngày 15-04-2009 và Biên nhận Hồ-sơ bổ-túc  ngày 03-03-2010.
UBND Tỉnh Tây Ninh có 02 công văn: số 1012 ngày 31-03-2011 và số 2022 ngày 18-06-2011: Khởi-kiện về cơ-ngơi và danh-hiệu Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ bị chi-phái chiếm dụng.
2/- Chứng cứ từ Tôn Giáo.
2.1/- Hiến chương 1965:
ĐIỀU THỨ 1. - Danh hiệu là: Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ, gọi tắt là (Đạo Cao Đài).
ĐIỀU THỨ 2.- Hội Thánh Cao Đài đặt địa điểm Trung Ương tại Tòa Thánh Tây Ninh.
ĐIỀU THỨ 27. - Hiến Chương nầy sẽ là Luật căn bản thống nhứt đối với tất cả Chi Phái Cao Đài nào ngày sau chấp nhận và ký tên.
Lập tại TÒA THÁNH TRUNG ƯƠNG
    
Ngày 19 tháng 12 Giáp Thìn
    
(21-01-1965 dl.)
2.2/- Hiến chương 1997: được cấp pháp nhân ngày 09-05-1997.
Điều 1: Danh hiệu Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Cao Đài Tây Ninh, gọi tắt là Đạo Cao Đài Tây Ninh.
Hiến Chương 1997 có ghi lập tại Tòa Thánh Tây Ninh ngày 05- 04- 1997 nhưng không có tư cách Trung ương vì đó là một chi phái.
ĐỐI CHIẾU & NHẬN XÉT: Danh hiệu gốc Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ (06 chữ) là tôn giáo Cao Đài lập năm 1926 khác với danh hiệu Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Cao Đài Tây Ninh (10 chữ) là tôn giáo Cao Đài Tây Ninh lập năm 1997. Hiến chương 1965 ghi rõ tư cách Trung ương nhiều lần. Hiến chương 1997 của chi phái không có tư cách Trung ương.
3/- Chứng cứ từ Liên Hiệp Quốc.
3.1/- Ngày 27-10-1998, ông Amor đặc-phái-viên Liên-Hiệp-Quốc viết trong sổ lưu-niệm tại Tòa-Thánh Tây-Ninh: “YÊU-CẦU TRẢ LẠI QUYỀN HỘI-THÁNH CAO-ĐÀI TÒA-THÁNH TÂY-NINH ”.
3.2/- Tháng 07-2014 phái đoàn Ông Heiner Bielefeldt Báo Cáo Viên Đặc Biệt của Liên Hiệp Quốc về Tự Do Tôn Giáo, Tín Ngưỡng đến Việt Nam quan sát và nhận xét: ...có tình trạng vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng ở Việt Nam, nhất là đối với Phật giáo Hòa Hảo và những người theo đạo Cao Đài...
3.3/- Ngày 31. 01. 2015 ông Heiner Bielefeldt báo cáo viên đặc biệt về tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng báo cáo trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc (A/HRC/28/66/Add2) về  kết quả của chuyến viếng thăm, làm việc tại Việt Nam từ 21 đến 31/07/2014. Trích nguyên văn như sau:
III. Khuôn khổ pháp lý và chuẩn mực của tự do tôn giáo, tín ngưỡng trong nước
A. Quy phạm pháp luật liên quan đến tự do tôn giáo, tín ngưỡng.
12. Việt Nam đã phê chuẩn hầu hết các văn kiện nhân quyền quốc tế, kể cả Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị...
IV.  Quyền tự trị của các cộng đồng tôn giáo hoặc tín ngưỡng .
48.  .... các tín đồ Cao Đài được chia thành hai nhóm: những người đặt dưới sự lãnh đạo của Hội đồng Chưởng quản Cao Đài do chính phủ thành lập, và những người muốn thực hành tôn giáo độc lập. Các mối quan hệ giữa hai nhóm này có vẻ căng thẳng. Trong khi đó, các tổ chức Cao Đài được công nhận chính thức buộc tội nhóm bất đồng chính kiến về "ý định ly khai" và tạo ra "tình trạng rối" trong dân chúng; trong khi các tín đồ Cao Đài độc lập thấy truyền thống tốt đẹp của họ bị hủy hoại bởi sự can thiệp của Chính phủ. Họ khẳng định rằng sự can thiệp này đã dẫn tới nhiều thay đổi áp đặt trong đạo Cao Đài.
49.  ...kỳ vọng Chính phủ đảm bảo sự hoạt động tự do của các cộng đồng Cao Đài độc lập và tạo điều kiện giúp họ phát triển một cách thuận lợi phù hợp với ý muốn của họ. Tình hình hiện nay của các nhóm Cao Đài độc lập chắc chắn là không phù hợp với quyền tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng, vì cộng đồng của họ không còn các cơ sở thích hợp cho việc thờ phượng và giảng dạy; và đồng thời họ bị áp lực để tham gia các tổ chức chính thức.
VI.  Báo cáo về vi phạm tự do tôn giáo, tín ngưỡng
68. Không có một sinh hoạt tôn giáo nào của Đạo Cao Đài độc lập được nhà nước cho phép vì chính Đạo Cao Đài bị coi là bất hợp pháp. Các tín đồ của Cao Đài gặp khó khăn ngay cả khi họ sinh hoạt tôn giáo tại nhà mình. ...
VII. Kết luận và khuyến nghị
82. ...trong tình thế hiện nay, sự tồn tại của các tôn giáo độc lập rất bấp bênh và bị hạn chế, đây là một sự vi phạm trắng trợn điều 18 của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị, mà Việt Nam đã là một quốc gia thành viên từ năm 1982. Các điều luật về hoạt động tôn giáo sắp được đưa ra bàn thảo, và có thể được ban hành vào năm 2016, là một cơ hội để chỉnh đốn lại tình trạng này.
83. Trong bối cảnh này, Báo cáo viên đặc biệt xin đưa ra các khuyến cáo sau đây:
 (a) Chính phủ nên giảm bớt sự kiểm soát cũng như hạn chế các hoạt động tôn giáo để đưa đến các sinh hoạt đa dạng và tự do của các tôn giáo tại Việt Nam. Trong bối cảnh này, tình trạng hoạt động của các cộng đồng tôn giáo hay tín ngưỡng độc lập được xem như là một thẩm định về sự dung dị xã hội nói chung;
 (b) Điều 38 của Pháp lệnh 21 về tín ngưỡng và tôn giáo nói về các hiệp ước quốc tế quan trọng có tính cách phủ quyết những luật lệ quốc nội không thích ứng, cần được thực hiện tối đa. Điều này đòi hỏi những cải cách sâu rộng từ việc làm luật cho đến việc thực thi các điều luật này;
 (c) Các quy định pháp lý liên quan đến tự do tôn giáo hay tín ngưỡng cần được tu chỉnh cho phù hợp với Điều 18 Công ước Quốc tế.... (hết trích)
Tóm lại: Thực tế và pháp lý của ĐĐTKPĐ tại Việt Nam đúng với Báo Cáo Viên LHQ đã báo cáo. ĐĐTKPĐ bị chi phái HĐCQ chiếm dụng danh hiệu và cơ ngơi là một sự thật. Chi phái HĐCQ ngang nhiên thực hiện được công việc trái pháp luật như vậy là có trách nhiệm của chính quyền các cấp từ địa phương đến trung ương trong đó. Sự việc nầy đã được cả thế giới biết rất rõ ràng nên chính phủ cần giải quyết minh bạch.
B/- PHƯƠNG PHÁP GIẢI QUYẾT.
Tự do tín ngưỡng là quyền tất yếu và phổ quát (không phải xin cho, không lệ thuộc hay không được "tạo ra" bằng bất kỳ thủ tục hành chính nào) nên chúng tôi tôn trọng quyền lập chi phái để tu của HĐCQ và quyền cho phép chi phái sinh hoạt tôn giáo của chính phủ.
 Vấn đề chúng tôi nêu ra ở đây là chi phái do HĐCQ lập ra đã ngang nhiên chiếm dụng danh hiệu và cơ ngơi của ĐĐTKPĐ. Chúng tôi đề nghị chi phái cứ về nơi chi phái lập nên mà tu (Nhà ai nấy ở, việc ai nấy làm). Chúng tôi muốn phục hồi ĐĐTKPĐ từ Đại Hội Nhơn Sanh.
Muốn cho ĐĐTKPĐ (Đạo Cao Đài) được sinh hoạt tôn giáo thì phải có Hội Thánh Cao Đài. Muốn có Hội Thánh Cao Đài thì phải có Đại Hội Nhơn Sanh để toàn đạo công cử nhân sự cầm quyền hành chánh tôn giáo. Đó là phương pháp phục hồi ĐĐTKPĐ đúng với pháp luật đạo.
Ngày 20. 09. 2014 người theo ĐĐTKPĐ đã phát động chương trình mở Đại Hội Nhơn Sanh vào ngày 27. 05. 2015. Đến nay đã thu thập được trên 700 người ký tên vào nguyện vọng mở ĐHNS đến chính phủ.
Đại Hội Nhơn Sanh của Đạo Cao Đài ngày 27. 05. 2015 chính là phép thử cho chính quyền Việt Nam về tự do tôn giáo.
I/- CƠ SỞ PHÁP LÝ MỞ ĐẠI HỘI NHƠN SANH.
1/- Pháp lệnh Số 21/2004/PL-UBTVQH11 Ngày 18.6.2004 về TÍN NGƯỠNG TÔN GIÁO. Điều 38.
Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định khác với quy định của Pháp lệnh này thì thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế đó.
2/- Thánh Lịnh 257 ngày 11-01-Đinh Dậu (10-02-1957).
...Vậy thì dù cho cội Đạo bị cốt từ trên tới gốc đi nữa thì nó vẫn nẫy chồi, biến thành năm bảy cây khác. Đó đã chỉ rõ rằng Hội  Thánh của Đạo Cao Đài chẳng hề bị tuyệt.
Ấy vậy chiếu theo khuôn luật trên: Hễ quyền trên của ai đã bị  quỉ  quyền truất phế thì dưới phải tiếp tục cầm quyền Thiêng liêng của Đạo.
...Nói cho cùng nước:  Chức sắc Thiên Phong mà bị bắt  đi nữa thì dưới nầy các Bàn Trị Sự và Tín Đồ cùng công cử người thay thế cho họ.
Thánh Lịnh dạy: Các Bàn Trị Sự và Tín Đồ công cử thì đó chính là Đại Hội Nhơn Sanh để xây dựng lại Hội Thánh Cao Đài mà chúng tôi đang trình bày đến chính phủ.
II/- HIỆU ỨNG TÍCH CỰC TỪ ĐẠI HỘI NHƠN SANH.
Đức Chí Tôn dạy ngày 01. 02. 1927:....Ấy vậy các con phải lưu tâm mà chấn hưng mối Đạo, ấy là kế bảo tồn quốc túy, lại là phương châm thoát tục. Cơ Trời Thầy không lẽ tỏ ra đây, song các con nên biết xét mình là đứng vào địa vị tối cao hơn muôn loại, nên các con phải có trí độ phi phàm mới đủ tư cách làm người....(TNHT Q 1).
 Thiễn nghĩ Đại Hội Nhơn Sanh của ĐĐTKPĐ sẽ thể hiện:
1/- Tinh thần hòa bình chung sống hay hòa hợp hòa giải.
Đức Chí Tôn dạy:... Không thương được thì cấm ghét...
Do vậy Đạo Cao Đài có công thức hòa bình chung sống. Có nghĩa là tạo tinh thần cộng yêu hòa ái với mọi cá nhân và tập thể không phân biệt màu da sắc tóc, ngôn ngữ hay chính kiến... Mọi việc đều tuân theo qui luật của tự nhiên và xã hội: ...không thổi một ngọn đèn hầu tàn, không bẻ một cành lau dù đã chớp... (Kinh Thánh).
Từ năm 1978 chính quyền đã không công bằng với hệ tư tưởng ĐĐTKPĐ, với các tiền bối khai đạo như Đức Quyền Giáo Tông Thượng Trung Nhựt, với Đức Hộ Pháp... với người theo ĐĐTKPĐ. Nhưng lòng tín ngưỡng ĐĐTKPĐ của người đạo vẫn còn nguyên vẹn trong thử thách.
1.1/- Tại cuộc họp ngày 25.3.2015 về cải cách thủ tục hải quan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: "Không thể để tình trạng Việt Nam cứ đứng chót trong ASEAN như thời gian qua. Chúng ta giờ đang đứng chót ở ASEAN, có cái còn thấp hơn Lào, Campuchia, Myanmar thì làm sao đất nước mình, dân tộc mình chấp nhận được”.
Có kết quả trên đây là do chính sách của chính phủ bị sai. Chính phủ đã không quan tâm đầy đủ đến ý kiến của người dân. Chính phủ muốn thay đổi kết quả trên cần phải sửa sai đường lối và lắng nghe dân.
1.2/- Họp các Bộ vào chiều 26/3/2015 Thủ Tướng phát biểu:
"...bây giờ không có toàn dân làm kinh tế thì không có thắng lợi được đâu... Phải coi doanh nghiệp tư nhân là một động lực, đây là của nhân dân chúng ta, không ai thay nhân dân được hết,"
Như vậy Chính phủ cũng không thể quản lý các tôn giáo nói chung và ĐĐTKPĐ nói riêng như thời gian vừa qua. Hãy trả lại cho Césa cái gì của Césa. Hãy trả lại tôn giáo cho người tôn giáo. Chính phủ đừng trói buộc tôn giáo thì sẽ có chuyển biến rất tích cực.
Người theo ĐĐTKPĐ tổ chức sinh hoạt tôn giáo sẽ tốt hơn tình trạng hiện nay. Nó cũng giống như chính phủ cỡi trói cho nông dân thì lập tức đất nước thoát ra cảnh thiếu ăn và có lúa gạo xuất khẩu. Tòa Thánh Vatican của Công Giáo có uy tín để nguyên thủ, lãnh đạo các quốc gia tìm đến diện kiến Đức Giáo Hoàng là nhờ nơi tự do tôn giáo mà có.
2/- Phép thử cho chính quyền về tự do tôn giáo.
Hiện tình Việt Nam đang có 02 nhu cầu cấp thiết: Mua vũ khí quốc phòng hiện đại và tối tân của Hoa Kỳ để bảo vệ tổ quốc. Gia nhập TPP để phát triễn kinh tế đất nước.
Cả hai nhu cầu đều liên quan trực tiếp đến Hoa Kỳ. Chính phủ Mỹ thông qua Đại Sứ Mỹ đã xác định: ...điều này thật sự tùy thuộc vào những tiến bộ hơn nữa về nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam....
Tôn trọng quyền tự do tôn giáo góp phần giải quyết 02 nhu cầu trên. Do vậy Đại Hội Nhơn Sanh của ĐĐTKPĐ chính là một trong những phép thử xác định chính quyền Việt Nam có tôn trọng những điều ước quốc tế mà chính phủ đã ký kết hay không... (điều 38 của Pháp lệnh 21).
3- Chấn hưng tôn giáo là góp phần chấn hưng xã hội.
Dân tộc Việt Nam có đức tin mạnh mẽ, có óc thông minh, có chữ quốc ngữ rất dễ học, có tính cần cù, có tài nguyên dồi dào... nhưng đất nước đang ở một vị thế đau đớn nên Thủ Tướng nhận định là:... Chúng ta giờ đang đứng chót ở ASEAN..., có cái còn thấp hơn Lào, Campuchia, Myanmar thì làm sao đất nước mình, dân tộc mình chấp nhận được”...
Muốn có kết quả tốt hơn thì phải thay đổi cách thức điều hành xã hội, không thể làm như trước được nữa (vì nó đã thất bại). Điều căn bản nhất trong chấn hưng và phát triễn là xây dựng cho kỳ được con người có đạo đức. Con người có đạo đức thì bất kỳ trong thể chế nào, trong hoàn cảnh nào họ cũng sẽ sống tốt và phụng sự tốt. Nhà cầm quyền, nhà khoa học, luật sư, bác sĩ, kỹ sư, giáo sư cho đến em học sinh... không có đạo đức chỉ là hạng người làm tai hại cho xã hội mà thôi... Tham nhũng tràn lan và trở thành quốc nạn là do con người thiếu đạo đức mà ra.
Con người là sản phẩm của giáo dục. Nên Đạo Cao Đài lấy tên chung cho các trường học là: ĐẠO ĐỨC HỌC ĐƯỜNG. Công thức giáo dục của ĐĐTKPĐ là  dùng đạo đức đào tạo ra người có tri thức. Muốn chấn hưng xã hội phải dụng đạo đức chân chính. Tôn giáo chân chính mới sản sinh ra đạo đức chân chính.  Thế nào là đạo đức chân chính?
Đạo đức thể hiện qua hành động là đạo đức chân chính. Nghĩa là mổi người phải ăn thật, nói thật, làm thật. Muốn hướng dẫn tín đồ sống chân thật thì bản thân nhà tôn giáo phải chân thật, tổ chức tôn giáo phải chân thật. Tổ chức tôn giáo gian dối trên thực tế (chiếm dụng danh hiệu và cơ ngơi ĐĐTKPĐ) rồi mượn lớp áo giáo phẩm để rao giảng đạo đức thì đó là đạo đức giả hiệu, làm nhơ bẩn tôn giáo và xã hội.
ĐĐTKPĐ có đủ thể pháp và bí pháp để rèn luyện con người thực hiện cuộc cách mạng bản thân qua 04 công thức: cần mẫn, thanh liêm, nhơn nghĩa và chí nhẫn. Đạo dâng hiến phương án xây dựng một thế giới hòa bình, đại đồng và đồng tiến trên nền tảng bác ái - công bằng:
Cầu xin trăm họ bình an,
Nước giàu dân mạnh, thanh nhàn muôn năm.
Bữu pháp nhân quyền của Đạo Cao Đài là dân mạnh. Dân mạnh thì quan chức không dám tham nhũng. Không có tham nhũng thì xã hội minh bạch và đương nhiên là nước phải giàu. Dân mạnh thể hiện trong xã hội là công thức Lập Quyền Dân; thể hiện trong tôn giáo là Lập Quyền Nhơn Sanh qua Đại Hội Nhơn Sanh.
Chúng tôi hiểu được trách nhiệm, bổn phận của mình nên trình bày phương cách chấn hưng ĐĐTKPĐ, góp phần chấn hưng xã hội. Làm sáng tỏ rằng đạo đức là quốc hồn quốc túy của dân tộc.  Chúng tôi xin trình bày lẽ thật về Đại Hội Nhơn Sanh đến chính phủ đồng thời xin phép được gặp quí ngài để thỉnh ý vào ngày..... tháng...... năm.........
Trân trọng kính chào.
Địa chỉ liên lạc:
Võ Văn Quang nhà số 214 Đường Nguyễn Văn Khạ Tổ 09, Khu phố 03, Thị Trấn Củ Chi, TP Hồ Chí Minh.
Điện Thoại số: 01639 540 129.
Việt Nam ngày 04 tháng 04 năm 2015.
Đồng ký tên.

ĐÍNH KÈM:
1/- Nguyện Vọng mở ĐHNS.
2/- Nguyện Vọng ĐHNS giai đoạn 02.
3/- Công cử phái viên nghị viên.
4/- 02 Biên Nhận và 02 công văn.
...........................................................................................................................................................................................................................................