Trang

Thứ Sáu, 15 tháng 6, 2018

2710. BNS HBCS SỐ 14: THÀNH LẬP HỘI-THÁNH-EM ĐẠI-ĐẠO TAM-KỲ PHỔ-ĐỘ

BNS HBCS SỐ 14.
THÀNH LẬP HỘI-THÁNH-EM ĐẠI-ĐẠO TAM-KỲ PHỔ-ĐỘ



ĐẠI-ĐẠO TAM-KỲ PHỔ-ĐỘ
Cửu-Thập Tam-Niên
TÒA-THÁNH TÂY-NINH
VI BẰNG
“V/V: Chọn danh-xưng chính-thức để phát huy nội lực, đẩy mạnh quốc-tế-vận và đối trọng với chi phái 1997: Hội-Thánh-Em Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ”.
Lúc 19 giờ ngày 25. 04. Mậu Tuất (08. 06. 2018) (giờ VN) đồng đạo tại Việt Nam và hải ngoại đã mở phiên họp về nhu cầu phải có một tổ chức chung với trách nhiệm và danh hiệu phù hợp với pháp luật đạo (đặc biệt là Thánh Lịnh 257, của Đức Hộ Pháp: Hễ quyền trên của ai đã bị quỉ quyền truất phế thì dưới phải tiếp tục cầm quyền Thiêng liêng của Đạo... ) để xây dựng lại nền đạo và đối phó với tà quyền
Họp qua gotomeeting và đã báo tin có phiên họp trước một tuần lễ.

A/- Thành phần tham dự:
. Chủ tọa: Hiền tỷ Lễ Sanh Lê Hương Muội.
. Khách mời TS Nguyễn Đình Thắng. Giám đốc tổ chức BPSOS.
. Ô Nguyễn Quốc Tuấn, BPSOS.
. Đồng đạo trong và ngoài nước (danh sách đính kèm).
. Thư ký: Đạo hữu Dương Xuân Lương.
B/- Nội dung (đã phổ biến trước).
1/ Trình bày nhu cầu phải có một tổ chức chung với trách nhiệm và danh hiệu phù hợp với pháp luật đạo để tranh đấu cho đạo quyền.
2/- Thông qua 03 văn bản: Tuyên bố của tổ chức được thành lập, Tuyên ngôn sứ mạng, Quy tắc hành đạo.
3/- Vận động thành lập Ban chấp hành tổ chức mới.
C/ Diễn tiến phiên họp.
1/ Hiền tỷ Lễ Sanh Hương Muội trình bày mục đích phiên họp là cần phải có một tổ chức phù hợp với pháp luật đạo đặc biệt là Thánh Lịnh 257 của Đức Hộ Pháp để phát huy nội lực xây dựng lại nền đạo, chính danh trong việc quốc tế vận, tranh đấu cho đạo quyền và là một đối trọng với chi phái 1997. Sau đó mời những người tham gia phiên họp tự giới thiệu ngắn gọn: Họ và tên, phẩm, địa phương.
2/ Hiền huynh Đỗ Minh Đức (Đạo hữu) xin phép trình bày:
Nhu cầu chánh đáng hiện nay là đồng đạo phải có sự tổ chức để phát huy nội lực xây dựng lại nền đạo, chính danh trong việc quốc tế vận và đối trọng với chi phái 1997. Hiền huynh Đức đề nghị sử dụng danh hiệu: Hội-Thánh-Em Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ.
Danh xưng như thế là phù hợp với pháp luật đạo, với Thánh Lịnh 257 và đáp ứng nhu cầu xây dựng lại nền đạo trong hoàn cảnh Hội Thánh Anh đã bị cốt, đặc biệt là đủ tư cách để tranh đấu cho đạo quyền. Tổ chức nầy có sự phối hợp giữa đồng đạo trong nước và hải ngoại. Theo Điều 10 hiến chương 1965, Bàn Trị Sự là cơ quan hành đạo trong thôn xã gồm: 01 Chánh Trị Sự, 01 Phó Trị Sự và 01 Thông Sự. Bàn Trị Sự còn gọi là Hội Thánh Em (Hạnh Đường BTS).
Thánh lịnh 257 dạy rõ: Vậy thì dù cho cội Đạo bị cốt từ trên tới gốc đi nữa thì nó vẫn nẩy chồi, biến thành năm bảy cây khác. Đó đã chỉ rõ rằng Hội Thánh của Đạo Cao Đài chẳng hề bị tuyệt.
Hiện nay Hội Thánh Anh đã bị cốt (giải thể). Cho nên Bàn Trị Sự, Chức việc và Đạo hữu có trách nhiệm khôi phục lại Hội Thánh Anh. Hội Thánh Em từng địa phương ví như hạt đậu, chưa đủ sức để thực hiện quốc tế vận và chưa thể tạo thành thế lực đối trọng với chi phái 1997.
Phải tổ chức lại bằng cách gom tất cả các hạt đậu lại vào cái chum vàng: Hội-Thánh-Em Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ. Trong cái chum vàng đó các Bàn Trị Sự, Chức việc và Đạo hữu tùy theo điều kiện mà tự giác, tự nguyện nhận trách nhiệm và có sự phân công chung để đóng góp công quả xây dựng lại Hội Thánh Anh. Phải có tổ chức như vậy chúng ta mới có điều kiện tối ưu để phát huy nội lực, chính danh trong việc quốc tế vận và đối trọng với chi phái 1997.
3/ TS Nguyễn Đình Thắng cập nhật:
Ngày 07 tháng 6 năm 2018 TS đã chính thức điều trần trước Quốc Hội Hoa Kỳ là chính quyền cộng sản Việt Nam lập ra chi phái 1997, chi phái 1997 khác với Đạo Cao Đài về danh hiệu, về niềm tin, về tổ chức, về đường lối hành đạo; đặc biệt là vi phạm nhân quyền, đàn áp Đạo Cao Đài rất nghiêm trọng và cả một thời gian dài. Nhưng chi phái nầy đội lốt Đạo Cao Đài để chiếm Tòa Thánh Tây Ninh và gây ra nhầm lẫn từ 20 năm qua.  (Điều trần trước Quốc hội có nghĩa là những điều nầy đã được đưa vào hồ sơ và thư khố Quốc hội).
Do vậy tổ chức được thành lập theo nhiệm vụ trên đây sẽ có 03 cơ hội rất lớn để thực hành quốc tế vận trong vòng vài tháng tới. Nếu hoạt động tốt sẽ đạt được thành quả phi thường.
3.1/- Vận động Quốc Hội Hoa Kỳ vào ngày 10. 7. 2018 tại Washington.
Phái đoàn Cao Đài sẽ tổ chức họp nội bộ tại Văn Phòng BPSOS ngày 09 tháng 7. Ngày 10 vào gặp các dân biểu (liên lạc với anh Tuấn BPSOS để biết thêm chi tiết). Ngày 11 gặp Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và Ủy Ban Tự do tôn giáo quốc tế (USCIRF).
3.2/- Ngày 24, 25, 26 tháng 7 Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ có mời Bộ Trưởng các nước quan tâm đến tự do tôn giáo về thủ đô Washington để hội thảo về phát huy tự do tôn giáo và niềm tin. Quốc Hội Hoa Kỳ cũng sẽ mời Dân Biểu, Nghị Sĩ nhiều quốc gia họp bàn về đề tài trên. Đồng thời các tổ chức quốc tế về tự do tôn giáo nhiều quốc gia cũng sẽ họp. Ba cánh nầy sẽ có gởi người qua lại để trình bày. Bàn Tròn Đa Tôn Giáo Hoa Kỳ là thành viên nên BPSOS sẽ có dịp giới thiệu tổ chức mới nầy.
3.3/- Tháng 8 năm 2018 có Hội Nghị Tự Do Tôn Giáo và Niềm Tin khu vực Đông Nam Á lần thứ tư do BPSOS phối hợp tổ chức tại Thái Lan. Sẽ có Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc đặc trách Tự do Tôn giáo và niềm tin, cùng với nhiều tổ chức xã hội dân sự từ nhiều quốc gia tham dự. Đây là cơ hội để tổ chức mới nầy tham gia và phát huy quốc tế vận.
Đồng đạo góp ý:
CTS: Trần Ngọc Sương: Chúng tôi nhận thấy hiện nay Đạo Cao Đài còn nhiều Bàn Trị Sự, Chức việc, và Đạo hữu nhưng hoạt động theo từng địa phương là chính. Thỉnh thoảng có sự hổ trợ lẫn nhau qua tang tế sự hay các lễ thượng tượng… đặc biệt là khi bị vi phạm quyền thực hành tôn giáo thì hỗ trợ nhau. Khi hành đạo chúng tôi đã giúp công cử hàng trăm Bàn Trị Sự nhưng đứng chung trong một tổ chức thì chưa. Cho nên tôi đồng ý với danh xưng Hội-Thánh-Em Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ.
CTS: Trần Quốc Tiến: Muốn tranh đấu cho đạo quyền có hiệu quả chúng ta phải làm đúng việc, đúng cách. Hương đạo Rạch Ông đi hành đạo nhiều nơi cũng nhận được ý kiến là cần phải phối hợp lại và thành lập một tổ chức chung để phát huy cho được sự chủ động của Bàn Trị Sự, Chức việc, và Đạo hữu cho nên có được phiên họp hôm nay chúng tôi rất vui mừng và đồng ý với danh hiệu: Hội-Thánh-Em Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ. Tôi mong rằng từ đây các chức sắc cũng cần họp với đồng đạo.
CTS: Nguyễn Hữu Khanh: Đạo Cao Đài tại Bình Định nói riêng còn nhiều Bàn Trị Sự, Chức việc, và Đạo hữu, bấy lâu nay vẫn hành đạo nơi địa phương là chính còn như liên kết nhau để tranh đấu cho đạo quyền thì còn nhiều hạn chế. Chúng tôi vẫn muốn nối kết để tạo thành sức mạnh từ đó bảo vệ mình và bảo vệ lẫn nhau. Bình Định còn nhiều Thánh Thất không theo chi phái, nhưng chưa phối hợp hợp chặt chẽ nhau được vì thiếu một tổ chức chung. Nay chúng ta được tổ chức BPSOS đặc biệt là TS Nguyễn Đình Thắng đưa vấn đề Đạo Cao Đài lập năm 1926 bị chi phái 1997 mạo danh ra quốc tế. Vậy chúng ta phải biết tổ chức để việc tranh đấu cho đạo quyền được mạnh mẽ, Tôi đồng ý với danh hiệu: Hội-Thánh-Em Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ.
Q CTS Lê Phú Hữu, Q CTS Bùi Văn Quan: Hiện nay trong nước còn nhiều Bàn Trị Sự và một số Thánh Thất, sơ sở Phước Thiện do vậy chúng tôi rất vui được phối hợp với quí vị để cùng nhau xây dựng lại nền đạo. Chúng tôi hoan nghinh việc thành lập: Hội-Thánh-Em Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ.
Sau nhiều ý kiến phân tích và đóng góp khác mọi người đồng ý sử dụng danh hiệu: Hội-Thánh-Em Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ.
Phiên họp tiếp tục bàn thảo và thông qua 03 văn bản: BẢN TUYÊN BỐ, TUYÊN NGÔN SỨ MẠNG & QUY TẮC HÀNH ĐẠO. Hội-Thánh-Em Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ cần vừa chạy vừa xếp hàng mới có thể vận dụng được những cơ hội trên đây trong quốc tế vận, phiên họp đi đến quyết định.
1/- Dùng 03 văn bản đã thông qua để phổ biến cho đồng đạo.
Mười lăm ngày sau sẽ bầu ra Ban chấp hành Hội-Thánh-Em Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ.
2/- Ban chấp hành sẽ phân công cụ thể để các ban của Hội-Thánh-Em Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ đi vào hoạt động.
D/- Kết thúc.
Phiên họp chấm dứt lúc 22 giờ 20 cùng ngày (10 giờ 20 am Mỹ).
Thư ký.
Đạo Hữu.
(Đã ký)
 Dương Xuân Lương
                             Chủ tọa.
                   Description: chuKyLHMuoi  
                  Lễ-Sanh Lê-Hương-Muội.








HỘ PHÁP ĐƯỜNG.
VĂN PHÒNG.
SỒ:257/HP.HN
ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ
      (Tam Thập Nhị Niên)
       TÒA THÁNH TÂY NINH
HỘ PHÁP.
 CHƯỞNG QUẢN NHỊ HỬU HÌNH ĐÀI
     HIỆP THIÊN VÀ CỬU TRÙNG.
                                              THÁNH LỊNH.
Gởi cho Hiến Pháp Hiệp Thiên Đài và Ba Chánh Phối Sư Cửu Trùng Đài.
Chư Hiền Huynh và Chư Hiền Hữu. 
Theo chơn truyền luật pháp của Đạo thì Thánh thể của Đức Chí Tôn từ Tín Đồ dĩ chí Giáo Tông và Hộ Pháp thì nó chỉ làm một với nhau mà các bạn đã ngó thấy. 
Trên thì có Giáo Tông Hộ Pháp và Đầu Sư còn dưới thì có Chánh, Phó Trị Sự và Thông Sự là Giáo Tông, Hộ Pháp và Đầu Sư  Em.
Vậy thì dù cho cội Đạo bị cốt từ trên tới gốc đi nữa thì nó vẫn nẫy chồi, biến thành năm bảy cây khác. Đó đã chỉ rõ rằng Hội Thánh của Đạo Cao Đài chẳng hề bị tuyệt.
Ấy vậy chiếu theo khuôn luật trên: Hễ quyền trên của ai đã bị  quỉ  quyền truất phế thì dưới phải tiếp tục cầm quyền Thiêng liêng của Đạo.
Có lẽ Chính quyền Ngô Đình Diệm sẽ bắt những Chức Sắc trọng yếu của Hội Thánh Cửu Trùng Đài và Phước Thiện thì tức cấp giờ nầy công cử người thay thế để đặng đương đầu cùng thời cuộc.
Nói cho cùng nước:  Chức sắc Thiên Phong mà bị bắt  đi nữa thì dưới nầy các Bàn Tri Sự và Tín Đồ cùng công cử người thay thế cho họ.
Chức Sắc Thiên Phong đương cầm quyền của hai Hội Thánh phải dự định sẳn người thay thế cho mình trước khi bị bắt.
Phải triệt để tuân y và thi hành Thánh Lịnh nầy.
                                           
Kiêm Biên Ngày 11-01-Đinh Dậu.
(DL. 10-02-1957).
Hộ Pháp.
(Ấn Ký).





Văn Phòng.
PHẠM HỘ PHÁP.
ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ
Thập Nhị Niên
TÒA THÁNH TÂY NINH
                            
LỜI KHUYÊN NHỦ.
Cũng vì Bần- đạo đã mục-kiến dặng sự hành-vi đê-tiện của một bọn phi-nhơn vô-đạo đã đăng bài công kích Hội-Thánh nơi tờ báo nọ mà mưu gian-ngược, toan báo-oán của người phản đạo giả-tâm nên mới có bài này.
Vả chăng đạo chúng ta có chơn-truyền, có Luật-pháp:
“Chơn-truyền của Chí Tôn, Luật pháp của Hội-thánh”.
  Toàn cả Chức- sắc Thiên-phong đã đứng vào hàng thánh-thể phải tuân-y theo đó mà thật-hành cho đạo ra thiệt-tướng, cứu thế độ đời, chúng ta xét rõ Chức-sắc Thiên-phong chỉ có thế làm tôi tớ của Luật-Pháp Chơn-truyền mà thôi, ta chỉ biết vâng theo chứ không phép cải, đặng thật-hành cho đạo thành y kiểu-mẩu, khuôn khổ của Chí-Tôn sở-định. Ai đã giúp ta là người ơn của ta, ai đã phá ta là người oán của ta, sự hành-vi hay dở của Đạo vốn không chừng vì nó thường cải dạng đổi hình, tùy nhơn-tâm phát-tướng. Ai hiểu rõ đặng nơi cái dở có lẻ ẩn điều hay, chớ không lẻ thấy hay hoài mà chê dở. Cái khéo, vụng, hay, dở vốn còn ở nơi thời-gian và không-gian của buổi cuối cùng gìn giữ.
 Ta nên tưởng-tượng Chí-Tôn đương đứng trên đỉnh núi cao, xa-xôi, khuất-dạng, chúng ta chỉ thấy đặng ngọn đuốc huệ-quang sáng ngần chiếu-diệu. Đoái lại từ nơi bến khổ sông mê của ta mà đi đến cực-lạc của người, đường hỡi còn ngàn trùng diệu-viễn, rừng rậm non nguy. Những kẽ đã gánh vai dùi đường dẫn độ phải phá núi, chặc rừng, ven gai bứng gốc, trừ người hung, xua thứ dữ đặng làm cho nẻo độc hóa hiền, non nguy quen bước khách. Ấy là một phận-sự khó-khăn biết mấy mới nâng đở chúng-sanh đến chơn thầy đặng. Thoản như chúng ta đang lao-lực lo làm phận-sự cho đắc-thành, vụt nghe bên tai có tiếng chê-bai biếm-nhẻ, nói phá núi là ngu, giỡ rừng là dại, chặc gai là thất-đức, bứng gốc là bất nhơn, đuổi thú dữ là vô-lương, dẹp người hung là ác-độc, vùng sợ rồi để cho chúng đồ-mưu tàn-diệt con cái của Đức Chí-Tôn thì thử nghĩ ai khôn ai dại?
Con đường Đạo của ta nó có ngọn, có nguồn, có cùng, có khởi, đâu đó, có độ-lượng chuẩn-thằng, ta có cặp mắt linh soi bước, chớ không phải là u-ám mịt-mờ như bọn mù mò vách.
 Ta biết đặng giá-trị của Đạo, của người, biết hư nên, biết mùi vị, chứ không phải như ai kia phải nương theo bóng đóm, phải cúi trước cửa nan, ngơ ngơ ngáo ngáo như kẻ mất hồn rồi lại kiếm chú đui đặng hỏi thăm màu nhuộm.
 Ở đời, chúng ta có lạ gì hạng người giỏi tài nói chớ dở tài làm, yếu tay còn thêm lẽo mép, ngồi không nghiến chuyện, cầm cây viết, quào ra nhiều tư-tưởng kỳ-quái, dị-thường đặng nhồi sọ người ta thêm chán ngán. Lời tục nói là hạng nói liều kiếm gạo; hay là bọn cầu cao lấy tiếng. Hạng người thế này thì thường hay ghét ngõ ganh hiền hơn hết. Cả một đời của họ đã mơ-màng u-ớ ngư người ngủ mớ, đêm suy-nghĩ tưởng-tượng thật rất-nhiều mà rốt cuộc tính ra chưa đặng một điều nào mà họ làm cho nên dáng. Thiên hạ gọi là: “Nói trên trời làm dưới đất” ấy là điều quá trí khôn của họ.
  Nếu trong đạo chúng ta có người nào tọc mạch tìm thử mà xem thì thấy những kẻ ăn không ngồi rồi, chưa đủ nên mình, có sức đâu làm nên cho kẻ khác.
  Nếu ta vì miệng lằn lưỡi mối của kẻ ấy mà ưu-tam lự-tứ mà phế đạo xa Thầy thì chẳng khác nào đứa ngu mà chớ.
Xin toàn đạo nam nữ khá suy xét điều này cho lắm mới biết tự-chủ, tự-quyền, lập thân hành-đạo./.
                              TÒA THÁNH TÂY NINH,
Ngày 10 tháng 6 năm Đinh Sửu. (Dl, 17 Juitllet 1937)
HỘ - PHÁP
CHƯỞNG-QUẢN NHỊ HỮU-HÌNH-ĐÀI
HIỆP THIÊN và CỬU TRÙNG.
(Ấn ký)
PHẠM – CÔNG – TẮC






ĐẠI-ĐẠO TAM-KỲ PHỔ-ĐỘ
Cửu-Thập Tam-Niên
TÒA-THÁNH TÂY-NINH
TUYÊN-BỐ
HỘI-THÁNH-EM ĐẠI-ĐẠO TAM-KỲ PHỔ-ĐỘ
Căn cứ vào Tân-Luật, Pháp-Chánh-Truyền.
Căn cứ vào Thánh-Lịnh 257 của Đức Hộ Pháp ngày 11. 01. Đinh-Dậu (10. 02. 1957).
Căn cứ vào điều 18 Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền.
Căn cứ vào điều 18 Công ước về quyền dân sự & chính trị.
Căn cứ vào lời minh thệ khi nhập môn cầu đạo.
Chúng tôi gồm các Bàn Trị Sự, Chức việc, Tín đồ Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ nhận định rằng:
Bản Án Cao Đài ngày 20. 07. 1978 do Mặt Trận Tổ Quốc Tỉnh Tây Ninh ban hành là bước khởi đầu để nhà nước Việt Nam ra Quyết Nghị ngày 13. 12. 1978 giải tán hành chánh tôn giáo từ trung ương đến địa phương: Hội-Thánh-Anh bị giải thể.
Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh Tây Ninh ra QĐ số 88 ngày 14. 09. 1989, lập ra Hội Đồng Chưởng Quản để thi hành luật pháp nhà nước.
Nhà nước Việt Nam lập ra chi phái ngày 09. 05. 1997 để chiếm đóng Tòa Thánh Tây Ninh, chiếm các Thánh-Thất, Điện-Thờ và nhiều cơ sở khác của Đạo Cao Đài. Chi phái 1997 cũng tiếm dụng danh hiệu Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ và sắp xếp cho ông Trần Quang Cảnh cầu chứng độc quyền danh hiệu Đạo với Bộ Thương Mại Hoa Kỳ vào năm 2015. Chi phái 1997 đội lốt Đạo Cao Đài.
Hiệp Thiên Đài đã ra Thông Báo ngày 26. 11. 2015 xác định Chi phái 1997 là Bàng Môn Tả Đạo, là tổ chức phàm trần do Đảng và Nhà nước lãnh đạo, phản lại lời minh thệ, đã dứt khoát từ đây gọi thế danh ông Nguyễn Thành Tám.
Chúng ta muốn khôi phục lại nền đạo phải xây dựng lại Hội-Thánh-Anh, thực hành lời dạy của Đức Chí Tôn xây dựng xã hội theo công thức:
Cao Thượng Chí Tôn Đại Đạo Hòa Bình Dân Chủ Mục.
Đài Tiền Sùng Bái Tam Kỳ Cộng Hưởng Tự Do Quyền.
Hội-Thánh-Anh đã thực hiện 05 phương án: gia cư, mưu sinh, giáo huấn, kiến thiết và tôn giáo để nâng cao dân đức, dân trí và dân sinh. Đạo đã nâng đỡ người nghèo khó có cuộc sống ấm no, người ít học thêm hiểu biết. Đạo đã xây dựng nếp sống văn hóa đầy tình thương và công bằng cho người đạo.
Để nối tiếp con đường xây dựng xã hội có kỷ cương đạo đức, có cuộc sống an cư lạc nghiệp của Hội Thánh Cao Đài thì phải khôi phục lại Hội-Thánh-Anh. Đức Hộ Pháp dạy rằng khi Hội-Thánh-Anh bị cốt thì Hội-Thánh-Em phải khôi phục lại Hội-Thánh-Anh. Để khôi phục Hội-Thánh-Anh phải thực hiện Thánh Lịnh 257 của Đức Hộ Pháp, phải hiệp đồng: 
HỘI-THÁNH-EM ĐẠI-ĐẠO TAM-KỲ PHỔ-ĐỘ
Nhiệm vụ của Hội-Thánh-Em Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ là liên lạc, hổ trợ đồng đạo để thực hiện lời minh thệ khi nhập môn cầu đạo. Trọng tâm là căn cứ vào các văn bản của Hội Thánh ban hành, đặc biệt là Thánh Lịnh 257 của Đức Hộ Pháp để lo khôi phục lại Hội-Thánh-Anh.
Chúng tôi thiết tha cầu xin quí chức sắc thiên phong, quí đồng đạo, quí hiền nhân quân tử quan tâm và giúp hay để khôi phục lại Hội-Thánh-Anh.
Cầu xin Đại Từ Phụ, Đại Từ Mẫu, Các Đấng Thiêng Liêng, Đức Lý Giáo Tông, Đức Hộ Pháp, Các tiền nhân đã xã thân vì đạo pháp và dân tộc chuyển họa vi phước hộ trì chúng đệ tử hoàn thành nhiệm vụ.
Trân trọng tuyên bố.
Châu-Thành Thánh-Địa, Việt-Nam.
Ngày 25. 04. Mậu-Tuất (08. 06. 2018).
Hội-Thánh-Em Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ.









Cửu-Thập Tam-Niên
TÒA-THÁNH TÂY-NINH
TUYÊN-NGÔN SỨ MẠNG
HỘI-THÁNH-EM ĐẠI-ĐẠO TAM-KỲ PHỔ-ĐỘ.

Hội-Thánh-Em Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ căn cứ vào các văn bản của Hội-Thánh-Anh làm gốc; đặc biệt là Thánh Lịnh 257 của Đức Hộ Pháp để vãn hồi bản sắc trong lành của đạo, khôi phục lại Hội-Thánh-Anh.
Niềm tin: Tin tưởng vào giá trị của Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ do Đức Chí Tôn giảng dạy bằng cơ bút. Tin tưởng vào các Đấng Thiêng Liêng hộ trì trên đường công quả.
Phương thức hành động: Tôn trọng tự do trong đạo đức. Vận dụng có hiệu quả mọi cái sẳn có để tiến đến mục đích.
Giá trị gốc: Bác ái và công bằng
Giá trị hành động: Đúng việc, đúng cách.
Chiến lược hành động: Vận dụng mọi tình thế để tạo ra sự cộng hưởng, thực hiện chiến lược của Đức Hộ Pháp: Đạo Thành Từ Ngoài Thành Vào.
Bình diện: Cá nhân và tập thể.
Ngày 25. 04. Mậu-Tuất (08. 06. 2018)
Hội-Thánh-Em Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ.












ĐẠI-ĐẠO TAM-KỲ PHỔ-ĐỘ
Cửu-Thập Tam-Niên
TÒA-THÁNH TÂY-NINH
QUY TẮC HÀNH ĐẠO
HỘI-THÁNH-EM ĐẠI-ĐẠO TAM-KỲ PHỔ-ĐỘ
Hội-Thánh-Em Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ căn cứ vào các văn bản của Hội-Thánh-Anh đã ban hành như Tân Luật, Pháp Chánh Truyền, Đạo Luật, lời dạy của Đức Hộ Pháp và các bậc tiền khai để xây dựng quy tắc hành đạo như sau:
1/- Giới cấm thứ năm trong ngũ giới cấm.
Ngũ Bất Vọng Ngữ, là cấm xảo trá láo xược, gạt gẫm người, khoe mình, bày lỗi người, chuyện quấy nói phải, chuyện phải thêu dệt ra quấy, nhạo báng, chê bai, nói hành kẻ khác, xúi giục người hờn giận, kiện thưa xa cách, ăn nói lỗ mãng, thô tục, chưởi rủa người, hủy báng Tôn Giáo, nói ra không giữ lời hứa
2/- Tứ đại điều qui. 
3/ Không can thiệp vào hành chánh tôn giáo, nghi lễ tại các địa phương, kiểu mẫu xây dựng Thánh Thất, Điện Thờ…. Tuy nhiên Hội-Thánh-Em Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ rất vui lòng cung cấp các văn bản của Hội Thánh đối với các vấn đề liên quan đến các đồng đạo để quí vị tùy nghi áp dụng.
Tóm lại là không tranh cãi và tôn trọng sự khác biệt trong buổi Hội-Thánh-Anh không cầm quyền hành chánh tôn giáo để phối hợp nhau lo phục hồi cơ đạo.
4/ Ban chấp hành Hội-Thánh-Em Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ có các ban:
4.1/ Ban cố vấn tối cao.
4.2/ Ban ngoại vụ.
4.3/ Ban tư vấn về hành chánh tôn giáo.
4.4/ Ban tư vấn về Phước Thiện.
4.5/ Ban kỷ thuật.
4.6/ Ban báo cáo vi phạm.
4.7/ Ban Thông tin và báo chí.
4.8/ Ban vận động tài chánh.
4.9/ Ban thủ bổn.
Tùy theo nhu cầu có thể lập thêm nhiều ban khác để tiến đến mục tiêu.
5/ Tham chiếu Luật Ba Hội Lập Quyền Vạn Linh để áp dụng vào việc hội họp, bàn thảo, đi đến quyết định.
6/ Thực hiện đúng lập trường ba không của Hội-Thánh-Anh: Không chống chánh quyền, không theo chánh quyền và không tham gia chánh quyền.
7/ Khẳng định đi theo con đường đạo đức của Đức Chí Tôn dạy là dùng đạo đức để xây dựng xã hội Bác-Ái & Công-Bằng.
8/ Xong nhiệm vụ & giải tán: Khi khai mạc và công cử các ban cho Đại Hội Nhơn Sanh tại Tòa Thánh Tây Ninh theo Thánh Lịnh 257 của Đức Hộ Pháp, Ban Chấp Hành, Hội-Thánh-Em Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ xong nhiệm vụ và tuyên bố giải tán.
Châu-Thành Thánh-Địa, Việt-Nam.
Ngày 25. 04. Mậu-Tuất (08. 06. 2018).
Hội-Thánh-Em Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ.









Suy ngẫm về biểu tình ở Việt Nam: Đâu là gốc?
Tiến sĩ Jonathan LondonViết từ Leiden, Hà Lan
BBC. 11 tháng 6 2018.
Trong ba ngày qua, người Việt Nam đã thấy một hiện tượng khá hiếm trong lịch sử của đất nước mình, khi có những cuộc biểu tình với nhiều quy mô khác nhau đã xãy ra trên phạm vi cả nước.
Những cuộc biểu tình trên rất khó để đánh giá ý nghĩa của nó, vì đa số người dân tập trung vào những điều đang diễn ra trên mặt đường phố.
 Hình chụp ở Hà Ná»™i ngày 10/6/2018
Bản quyền hình ảnh AFP Image caption. Hình chụp ở Hà Nội ngày 10/6/2018
Điều đó dễ hiểu. Ở nước nào cũng vậy.
Song, người Việt Nam phải tìm cách để xem và hiểu những sự kiện này từ nhiều góc độ và cũng phải tìm các gốc của vấn đề để phân tích và giải thích nó.
Nhìn chung, việc biểu tỉnh ở Việt Nam ngày nay - dù dữ dội đến mức độ nào - là không bất ngờ lắm. Dư luận Việt Nam sau nhiều tuần căng thẳng, nhiều người đang rất búc xức về nhiều vấn đề, trong đó có hai tranh luận chính là về chuyện Đặc Khu/99 năm và chuyện Dự Luật An ninh mạng.
Sáng thứ hai, Quốc Hội Việt Nam đã một lần nữa thông báo lùi việc thông qua mấy điều luật đang gây tranh cãi này vào một dịp khác. Liệu số phận của Luật An ninh mạng sẽ được lùi đến bao giờ cũng chưa rõ?
Là một người quan sát và quan tâm về sự phát triển chính trị xã hội và kinh tế của Việt Nam, hy vọng của tôi là những gì đang tiếp diễn có thể tạo điều kiện cho người Việt Nam suy ngẫm về nguồn gốc của sự căng thẳng mà chúng ta đang thấy.
Tất nhiên có nhiều quan điểm khác nhau. Đến nay, quan điểm chính của Nhà nước Việt Nam có vẻ là những căng thẳng mà chúng ta đang thấy chủ yếu là ở chỗ có quá nhiều người hiểu lầm về nội dung và mục đích của những chính sách dẫn đến lòng yêu nước của nhiều người bị lợi dụng, làm cho họ xuống đường.
Quan điểm này thấy rõ trong những bài báo mà báo chí nhà nước đã cho đăng. Theo quan điểm này, việc hỗn loạn như thế xảy ra là một trong những lý do để có Luật An ninh mạng. Dù quan điểm rất dễ hiểu, tôi lo quan điểm này trái ngược với Hiến pháp của Việt Nam về quyền con người, và ngược với lòng dân Việt Nam.
Biểu tình 
Bản quyền hình ảnh FACEBOOK Image caption. Một cảnh biểu tình cuối tuần qua ở Việt Nam
Vậy, tôi đề nghị gì?
Trước hết tôi đề nghị những ai quan tâm đến sự phát triển của Việt Nam thấy rõ quá trình làm ra những dự luật, quyết định lớn của Việt Nam, dù vốn đã được 'lịch sử giao cho Đảng bộ,' hiện nay phải thừa nhận là có vấn đề.
Khi những quyết định lớn mà ảnh hưởng đến an ninh, kinh tế, xã hội Việt Nam một cách thiếu minh bạch thì người dân không dễ gì chấp nhận nó.
Dù có quan điểm như thế nào, chúng ta không nên bỏ qua một thực tế rất rõ: khi những quyết định lớn mà ảnh hưởng đến an ninh, kinh tế, xã hội Việt Nam một cách thiếu minh bạch thì người dân không dễ gì chấp nhận nó. Những quyết đinh lớn phải được thảo luận và phân tích một cách cởi mở mới dành được sự ủng hộ đích thực của xã hội.
Vậy, trong lúc căng thẳng chúng ta phải bình tĩnh. Phải xem đâu là vấn đề sơ bộ, đâu là gốc rễ của vấn đề.
Sau hơn 20 năm nghiên cứu về Việt Nam tôi thấy người dân Việt Nam muốn đất nước của mình phát triển mạnh mẽ một cách bền vững hơn. Họ muốn sống trong một xã hội minh bạch hơn, có một trật tự xã hội công bằng và an toàn, xứng đáng với giá trị dân xã của đất nước.
Tôi lo cứ bảo "những quyết định nhà nước là làm theo đúng quy trình" là chưa đủ. Có vẻ cả quy trình phải được cải cách chứ? Việc cải cách quy trình đó thế nào là câu hỏi lớn và chỉ cho người Việt Nam quyết định.
Cho đến cuối ngày thứ hai (ngày 11 tháng 6 năm 2018) lúc mà tôi viết mấy dòng này, Việt Nam vẫn còn căng thẳng. Biểu tình vẫn còn. Cả nước Việt Nam và thậm chí toàn thế giới đang quan tâm. Tôi cũng quan tâm và mong người Việt Nam sáng suốt, cẩn thận, và an toàn….
Là một nhà nghiên cứu, tôi mong đóng góp một cách xây dựng cho sự phát triển của Việt Nam, xin đề nghị cũng không vội thông qua Luật An ninh mạng. Làm thế cũng có thể hiểu lầm gốc của những vấn đề đang gây căng thẳng ở Việt Nam trong những ngày qua.
Bài viết nêu quan điểm riêng của tác giả.














VNTB - Biểu tình 10.06:

điểm lại những điều làm được và chưa được *

Việt Nam Thời Báo. 15 tháng 6. 2018.
Vũ Thạch.
Vũ Thạch (VNTB) Sau vài ngày lấy lại sức và kiểm lại hàng ngũ, có lẽ đây là thời điểm tốt để rút tỉa kinh nghiệm từ cuộc xuống đường đầu tiên của Mùa Hạ 2018.
Trước hết, phải nói ngay mức ứng dụng nhuần nhuyễn các kỹ thuật biểu tình bất bạo động của bà con biểu tình vào ngày 9 và 10 tháng 6 vừa qua là một ngạc nhiên lớn. Vì bẵng đi từ lần biểu tình Vì Môi Trường vào tháng 5/2016 đến nay, hầu như chúng ta không có cuộc xuống đường nào đáng kể. Hai năm thao dợt, dù chỉ trong tư tưởng, đã dẫn đến những biểu hiện tuyệt vời (trường hợp Bình Thuận có nhiều lý cớ đặc biệt phía sau nên cần phân tích trong một bài riêng).   
        

Biểu tình ngày 10.06

Những điều tuyệt vời.
Sau đây là một số điểm đặc sắc nhất trong một danh sách rất dài về 2 ngày biểu tình vừa qua:
Ngay từ phút đầu, đã có sáng kiến không cần "dương đông kích tây" mà "dương cả đông và tây rồi tùy tình hình mà kích"; nghĩa là có mặt nhưng phân tán mỏng tại vài địa điểm. Nếu thấy số công an tại nơi nào ít thì tụ lại tại đó và thông báo cho các nơi khác kéo đến. Công an không dám bỏ trống các nơi kia, chuyển quân chậm hơn dân vì phải chờ lệnh trên,và khi tới nơi thì đã quá trễ. 
Kế đến, sáng kiến dùng cả 2 phương tiện đi bộ và đi xe 2 bánh thật đặc sắc. Các anh chị em chạy xe có thể đóng góp trong nhiều chức năng đặc biệt: dò đường phía trước xem có bao nhiêu công an đang chận để cố vấn cho đại đoàn đi bộ nên theo lộ trình nào; hoặc chuyển đến cho đoàn đi bộ khi đã đủ đông những vật liệu cần thiết để tránh bị an ninh giật từ sớm; hoặc chở những người cầm loa xướng các khẩu hiệu để khó cho an ninh cướp giật hơn; hay ngay cả làm trạm cứu thương lưu động, làm xe tải thương.
So với các lần trước, lần này có sự tham gia đa dạng nhất, bao gồm đủ loại thành phần bà con và đủ mọi lứa tuổi, từ trẻ em đến cụ già. Đây là một thành công lớn vì chính sự đa dạng này làm gạch nối đến rất nhiều gia đình, mở rộng vòng đai ủng hộ và từ đó gia tăng số người biểu tình trong các lần tới. Để tiếp tục duy trì lợi điểm quan trọng này, chúng ta cần quan tâm làm thêm một số việc như đề nghị trong phần B bên dưới.
Lần này chúng ta cũng đã có một số biểu ngữ tiếng Anh viết rất gọn ghẽ và đúng cả văn phạm lẫn cách dùng chữ. Số biểu ngữ này không cần nhiều, nhưng cần đủ chuyên môn để thu hút phóng viên nước ngoài và đủ nói lên mục đích của cuộc biểu tình khi tin tức lên đến các đài truyền hình nước ngoài.
Sáng kiến dùng nhiều băng rôn ngắn cũng là đối sách rất hay. Trong 1 cuộc biểu tình lớn, băng rôn thật dài đi đầu có nhiều công dụng đặc biệt. Tuy nhiên trong tình hình hiện nay chúng ta KHÔNG thể dùng cách này vì tốn kém, rất khó giấu và khi bị giật băng rôn dài là mất hết. Thay vào đó, các băng rôn chỉ dài tối đa khoảng 2,5 mét, rất dễ giấu, chỉ cần 2 người cũng giăng ra được, và khi cần thì các băng rôn nhỏ đứng sát lại với nhau để tương đương với 1 băng rôn lớn.
Kỹ thuật hô khẩu hiệu lần này đã hoàn chỉnh. Người xướng hô dài nhưng tập thể chỉ cần hô đáp lại mỗi lần bằng 2 đến 4 chữ mà thôi. Nhờ đó rất đồng bộ và khí thế. Đặc biệt có loại đối đáp ngắn như "Việt Nam - Việt Nam", "Yêu nước - Xuống đường", ...

Thể loại cũng rất đa dạng. Các câu hô với nội dung phản đối được xen kẽ bằng các bản nhạc ngắn quen thuộc, trộn với những lời hô ca ngợi đất nước, xiển dương tình đoàn kết. Đặc biệt các câu hô vui càng giúp không khí biểu tình thêm lạc quan, hấp dẫn, như lời hô đối đáp "Chỉ cho nước - Không bán nước".
Điều làm nhiều người cảm động là một số chị vừa tình nguyện đi đầu vừa giải thích cho người chung quanh: "Tụi nó hổng dám đánh tụi tui đâu". Thật vậy, không phải vì phái nam nhút nhát nhưng rất nhiều cuộc biểu tình bất bạo động trên thế giới đã biết tận dụng lợi thế này. Đó là hình ảnh một chính quyền bạo hành các phụ nữ biểu tình ôn hòa có tác động rất lớn đối với công luận cả trong và ngoài nước, vừa vạch trần bản chất thô bạo của kẻ cầm quyền vừa là dòng điện giật cả dân tộc đứng lên.
Kỹ thuật biểu tình bất bạo động cũng đã thấm vào bà con một cách rất tự nhiên. Hầu như mọi người đều ý thức được tầm quan trọng của việc duy trì mật độ đông đảo và đồng đều trong toàn đoàn biểu tình, không để khúc nào thưa thớt vì dễ trở thành cơ hội cho công an cắt lìa. Ngay khi có khúc nào hơi thưa thớt, bà con kêu ngay nhóm đi trước chậm lại hay dừng hẳn để chờ nhóm sau có giờ đi tới.
Khi có vụ an ninh bắt lẻ nào, bà con dừng ngay lại, hô lớn để nhiều người tới giải cứu. Khi thấy số người biểu tình đông áp đảo, đám an ninh thường thụt lùi. Đặc biệt các anh chị em chụp hình cần lưu ý điều này. Nhiều khi vì quá mải mê tác nghiệp hoặc muốn lấy cảnh rộng của cả đoàn người đi, các bạn này có lúc đứng cách quá xa đoàn biểu tình và trở thành "mồi ngon" cho an ninh. Nếu muốn chụp từ xa, người chụp hình nên có thêm 1 đồng đội làm nhiệm vụ nhìn ngang ngó dọc để nhanh chóng trở vào đoàn biểu tình khi thấy an ninh xấn tới.
Có lẽ đặc sắc nhất trong cuộc biểu tình lần này là sự ứng biến tại chỗ về đường đi. Lộ trình đã không được thông báo trước và không cố định nên đã tránh được nhiều chốt chận. Khi thấy công an dàn ngang phía trước, đoàn biểu tình rất bình tĩnh lượng giá. Khi thấy số công an ít, bà con cứ từ từ tiến tới. Khi công an chận 1 người thì 5, 7 người chung quanh vượt qua lằn ranh. Khi số người vượt qua đã quá đông, công an đành chịu thua. Nhưng khi thấy số công an đông đảo, đoàn biểu tình rẽ sang đường khác, không cần đối đầu nếu không cần thiết.
Điều cần lưu ý là có lúc chính các công an đang chận đường chỉ hướng cho đoàn biểu tình rẽ đi lối khác. Chúng ta không nên tin vào hướng của họ vì hướng đó có thể là cái bẫy chờ sẵn của CSCĐ hoặc ngõ cụt. Đoàn biểu tình cứ lượng giá tình hình theo tương quan lực lượng và các dữ kiện trinh sát từ các anh chị em chạy xe 2 bánh cho biết, rồi quyết định hướng đi theo ý mình.

Và còn nhiều điều tuyệt vời nữa ... 
Ngay cả những nơi không thành tựu được cuộc biểu tình cũng đã góp phần không nhỏ vào nỗ lực chung trên cả nước. Rõ ràng vì các cố gắng biểu tình của các anh chị em tại Hà Nội, dù không thành, mà số lượng CSCĐ bị cầm chân tại đó, giảm bớt sức ép cho bà con Bình Thuận và có thể cả Sài Gòn và các nơi khác. Cũng vậy, mỗi nhà hoạt động bị canh giữ tại nhà đã gỡ được cho bà con biểu tình từ 4 đến 10 tên công an - an ninh. Ta cứ nhân lên sẽ thấy tổng số và hệ quả.
Những điều chưa tới mức tuyệt vời.
Sau đây là một vài điều chúng ta còn có thể làm tốt hơn nữa trong tương lai:
Một điểm tuy nhỏ nhưng đáng lưu ý. Đó là có nên cầm cờ nước ngoài trong cuộc biểu tình của ta không? Cho mục đích gì? Có lẽ chỉ nên có 2 trường hợp ngoại lệ sau đây: (1) cầm cờ của các định chế quốc tế như Liên Hiệp Quốc trong những dịp đặc biệt như ngày Quốc Tế Nhân Quyền, v.v... để thu hút sự quan tâm của thế giới; (2) có người ngoại quốc tham gia đoàn biểu tình và muốn cầm cờ nước họ để bày tỏ lòng ủng hộ từ nhân dân nước đó.
Khi số người biểu tình đã lên đến số ngàn, chúng ta nên tận dụng số đông bao vây các xe buýt đang chở người bị bắt. Cần bao xe buýt cả 4 phía với độ dày từ 5 vòng người trở lên, vừa hô hoán, vừa chụp hình tài xế và các công an chìm nổi trên xe, vừa vỗ, vừa lắc xe, ... cho đến khi chúng phải thả tất cả người bị bắt ra.
Thỉnh thoảng nên đề nghị tất cả bà con ngồi xuống nghỉ chân từ 3 đến 5 phút (đừng ngồi quá lâu có thể làm giảm khí thế) rồi đứng lên đi tiếp. Việc xen kẽ những lúc nghỉ ngơi ngắn này rất cần thiết để giữ các em nhỏ, các vị lớn tuổi, tức duy trì sự đa dạng, trong hàng ngũ biểu tình. Hơn thế nữa, đây cũng là một cách để thể hiện sức mạnh của số đông. Bên cạnh các thông điệp mạnh mẽ là sự đồng bộ, ngàn người như một trong đoàn biểu tình, bảo nhau đi là cùng đi, đứng là cùng đứng, ngồi là cùng ngồi.
Một bài học chúng ta đã rút được từ nhiều lần trước. Đó là: Đừng biểu tình tới giọt xăng cuối cùng. Nếu kéo dài quá 3 tiếng, đặc biệt khi trời nắng, sẽ có hiện tượng bà con đuối sức, lác đác bỏ về dần. Do đó, cho mỗi lần biểu tình rất cần chính thức giải tán khi đạt tới một cao điểm thành công nào đó. Các anh chị em hoạt động cần hội ý trước một số tình huống được xem là thành công và lấy quyết định Tuyên bố thành công tại hiện trường trước khi giải tán.
Và nhìn rộng hơn, giải pháp cho đất nước là một tiến trình của nhiều nỗ lực. Mỗi nỗ lực cần được đánh dấu bằng một thành công để tạo động lượng cho nỗ lực kế tiếp. Và quan trọng không kém là khoảng thời gian dưỡng sức, rút kinh nghiệm, và chuẩn bị giữa 2 nỗ lực.
Trên căn bản đó, chúng ta cần đối diện với câu hỏi: có nên biểu tình liên tục mỗi ngày hay mỗi tuần không? 
Trước hết, dù có biểu tình hay không ta vẫn phải rục rịch làm như sắp có biểu tình để duy trì mức căng thẳng và sự mệt mỏi của lực lượng trấn áp. Việc cầm chân lực lượng trấn áp tại những nơi không có biểu tình càng lúc càng hệ trọng vì nay không chỉ Sài Gòn và Hà Nội có khả năng biểu tình. Cần Thơ, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Nghệ An, Tây Nguyên ... cũng đã bắt đầu xuống đường.
Quyết định có biểu tình hay không nên là ý chung và được lấy vào giờ chót, trong khoảng 12 tiếng trước giờ biểu tình. Xin đừng tiếc công chuẩn bị vì không tuần này thì có thể tuần sau. 
Và quyết định biểu tình hay không nên dựa trên ít là 3 yếu tố sau đây để gia tăng xác suất thành công:
Mức uất hận và mức mệt mỏi của bà con trong vùng. Đây là 2 điều khác biệt và cả 2 cần được lượng giá.
Mức sẵn sàng của giới hoạt động, bao gồm từ sự đồng thuận và các chuẩn bị công việc.
Mức phân tâm của giới cầm quyền, từ các bận rộn cho một sự kiện ngoại giao lớn đến tình hình đấu đá nội bộ đến cảnh đối phó với nhiều đám cháy cùng lúc, ...
Kết
Có nhiều điều đáng nhớ, đáng quí, đáng mừng trong 2 ngày 9 và 10 tháng 6 năm nay, nhưng có lẽ mừng nhất là LÒNG YÊU NƯỚC TUYỆT VỜI CỦA DÂN TỘC CHÚNG TA vẫn còn đó, vẫn sôi sục dù cả nhà cầm quyền VN lẫn TQ đã cố gắng xóa nhòa suốt mấy thập niên qua.
* Bài viết thể hiện quan điểm tác giả. Nội dung được bảo hộ bởi Điều 19 - Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền và Điều 25 - Hiến pháp nhà nước CHXHCN Việt nam.






Dự án của Donacoop đẩy hàng ngàn dân vào cảnh điêu tàn –
Kỳ 9: Từ điểm nóng đất đai đến ‘lò lửa’ oan án
Báo Tiếng Dân. 11/04/2018.
PLVN. Nhóm PV. 11-4-2018
(PLO) 46 nông dân bị án tù trong vụ “gây rối” ngày 17 – 18/2/2009 ở xã Long Hưng, mỗi bản án là một nỗi oan khuất thế nào, phiên xử có dấu hiệu ngụy tạo chứng cứ nhân chứng ra sao, đến bây giờ người ta mới được nghe.
Có người bị cho là chỉ vì bộc trực dám “mắng” lãnh đạo xã, mà bị vu là “cầm đầu”, bị tù năm năm. Bố đã như vậy, con trai cũng bị giam cả tháng trời, không kết tội được nhưng không một lời xin lỗi, không một xu bồi thường.

 
Làng xóm khi xưa nay điêu tàn, “thành phố trong mơ” vẫn chỉ là những bãi đất nhấp nhô san lấp. Ảnh: PLVN
Đối với gia đình cụ Nguyễn Thị Thơ, dự án “Khu đô thị sinh thái kinh tế mở Long Hưng” (tại xã Long Hưng, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, do Liên hiệp HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đồng Nai – Dona.Coop, làm chủ đầu tư) là “cơn ác mộng”. “Dự án cướp đi đất đai nhà cửa, mang đến tù đày oan trái”, một người con trai cụ Thơ nói. Không chỉ bị áp giá rẻ mạt bồi thường 327 ngàn đồng cho bốn căn nhà và 562m2 đất (PLVN đã phản ánh trong bài viết trước), gia đình này còn có ba người bị tống vào tù. Hai con trai cụ Thơ là ông Đào Quang Hùng và Đào Văn Thịnh sau khi ra tù nay vẫn kêu oan. Cháu nội cụ Thơ là Đào Văn Cường (con ông Hùng) bị bắt giam oan hơn tháng trời.
“Giải vây” Chủ tịch xã, được “đền ơn”… bốn năm tù
Bản kết luận điều tra (KLĐT) của Công an Đồng Nai vụ nông dân xã Long Hưng “đốt trụ sở”, cáo buộc ông Đào Văn Thịnh như sau:
“Bị can Đào Văn Thịnh. SN 1971. HKTT Khu 3 ấp Phước Hội. Tiền án tiền sự: Chưa. Ngày 18/2/2009 cùng đồng bọn tham gia gây rối tại UBND xã Long Hưng. Ngày 19/2 bị bắt. Qua điều tra đã chứng minh Thịnh tham gia vụ án với các hành vi:
Ngày 17/2 ra ủy ban xã cùng nhiều người chất vấn chị Hoài là Chủ tịch xã Long Hưng. Ngày 18/2 thường xuyên có mặt ở ủy ban xã trong nhóm đi đầu để tụ tập phản đối quy hoạch, bao vây không cho cán bộ xã ra về và làm việc. Tham gia lên lầu trụ sở xã xông vào phòng Chủ tịch yêu cầu xuống viết cam kết xóa vết sơn trên mồ mả và không được quy hoạch giải tỏa khu mồ mả; xông vào phòng đòi đánh Chủ tịch Hội Nông dân xã Lê Hảo Tùng; có lời nói lăng nhục chính quyền và hô hào kích động mọi người gây rối, đập phá trụ sở xã; tiếp tế bánh mì cho đối tượng gây rối ăn.
Hành vi nêu trên của Thịnh đã đủ yếu tố cấu thành tội Gây rối trật tự công cộng với vai trò là người tích cực, quá khích khi thực hiện hành vi phạm tội”.
Phản bác những cáo buộc trên, ông Thịnh kể lại câu chuyện như sau:
“Chuyện nhà tôi gần 600m2 đất và nhà được bồi thường số tiền mua được vài ký thịt, tất nhiên ai chẳng bức xúc. Nhưng không phải vì thế mà đi gây rối. Lúc đó tôi còn tin vào chính quyền địa phương, hơn nữa cả nhà ai cũng công việc đàng hoàng. Dại gì đi gây rối.
Tôi làm nghề tài xế. Theo luật pháp nếu gặp một người bị thương nằm bên đường, không đưa người ta đi cấp cứu thì có tội. Thế nhưng oái oăm là có khi cứu người cũng bị tội. Chuyện tôi bị đi tù cũng vậy, vì tôi cứu chị Chủ tịch xã. Nghe vô lý không? Thế mà sự thật đây.
Bữa đó 18/2, đi làm về qua, thấy mọi người bức xúc vì mồ mả bị quẹt sơn, mỗi người một câu la ó rầm trời, tôi vào xã hỏi chuyện. Lúc đó lãnh đạo xã là chị Hoài, chị ấy bảo “không biết”. Tôi nóng ruột, tôi nói thế này: “Chị là một chủ tịch xã, chị Thúy là bí thư. Chính quyền ở đây. Thế nhưng một đám người kéo nhau đi quẹt sơn mồ mả cả nghĩa địa, chính quyền không biết thì vô lý. Bây giờ tôi hỏi chị vậy chính quyền làm gì, ai bảo vệ quyền lợi của dân”.
Tôi nói tiếp: “Các cụ nói “Đất có Thổ công, sông có Hà Bá”. Ai ở nơi khác đến, từ đo đất, đến bắt tội phạm, đều phải liên hệ báo chính quyền. Bây giờ chị nói “không biết” thì tôi thấy không được, dân người ta phản đối là phải. Lực lượng dân phòng đâu, công an xã đâu, phải mời đám người bôi xấu mồ mả đó về. Chị ấy lúc này mới nói: “Đám người đó của Dona.Coop”.
Dân lúc đó kéo đến rất đông, bức xúc. Chị Hoài thì sợ bị đánh, nên cùng là người quê miền Bắc với nhau, chị ấy mới nói: “Thịnh ơi, thôi chị đóng cửa lại”. Lúc đó đã trưa, tôi chuẩn bị về thì chị ấy lại ló ra, bảo đã làm giấy cam kết trả lại nguyên trạng những ngôi mộ. Chị ấy không dám đứng ra đọc nên nói: “Chú đọc giúp chị, chị ra sợ dân đánh”.
Tôi đơn giản chỉ nghĩ giúp chính quyền, giúp chị Chủ tịch xã, giúp dân, nên tôi ra đọc cho dân hiểu và người ta đi về. Xong đó tôi cũng ra về. Thế mà cuối cùng bắt tôi, cho tôi là kích động dân, là cầm đầu. Thấy người gặp nạn không cứu là có tội. Nhưng ở trường hợp tôi, thấy người mà cứu cũng bị tội là thế đấy”.
Ông Thịnh không có mặt tại trụ sở xã thời điểm một số người “đốt trụ sở”: “Tôi bị sốt rét rừng từ xưa, cứ 2h chiều là lên cơn sốt. Về ngang đó thấy dân la ó phản đối, tôi vào một lát như trên rồi về. Sốt quá, chiều đó vợ tôi còn chở ra bác sĩ truyền nước, sức đâu mà xúi giục với kích động. Vừa từ bác sĩ về là công an tới bắt thôi”.
Ông Thịnh sau đó bị tuyên bản án bốn năm tù.
 
Ông Đào Quang Hùng: “Hôm xử, người ta bảo “cứ có mặt là có tội. Không làm gì, cứ bị quay phim là có tội. Không nói nhiều”. Ảnh: báo PLVN
Lời kêu oan của “kẻ chủ xướng” 
Anh trai ông Thịnh, trong Bản KLĐT vụ này, còn bị cáo buộc nặng nề hơn:
“Bị can Đào Quang Hùng. SN 1957.  Chỗ ở Tổ 9, Khu phố 2, phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa.
Ngày 18/2/2009 cùng đồng bọn tham gia gây rối. Qua điều tra đã chứng minh Hùng tham gia vụ án với các hành vi:
Tham gia cùng một số đối tượng gây áp lực phản đối quy hoạch tại xã Long Hưng. Trong lúc cùng với mọi người tụ tập bao vây ủy ban xã gây áp lực phản đối quy hoạch, Hùng đã có nhiều lời nói kích động người dân như: Bà Hoài đã đến nhà Hùng để thương lượng riêng đền bù theo giá ưu đãi. Khi người dân bỏ ra về thì Hùng lôi kéo yêu cầu họ ở lại để gây áp lực với chính quyền, cơm nước Hùng sẽ lo. Hùng còn nói tài sản của Hùng bằng nửa tài sản của Trúc (ông Trúc là chủ dự án khu kinh tế mở Long Hưng). Hùng xông lên lầu đá cửa kính phòng Khối Dân vận và đòi đánh anh Tùng. Khi nhìn thấy anh Châu đến quay phim thì Hùng trực tiếp xô ngã, dẫn đến việc nhiều người hùa theo vây đánh anh Châu và chiếm đoạt máy quay phim.
Hành vi nêu trên của Hùng đã đủ yếu tố cấu thành tội Gây rối trật tự công cộng với vai trò chủ xướng, quá khích, làm cho vụ việc từ vụ khiếu nại đông người thành vụ Gây rối trật tự công cộng”.
Người đàn ông 61 tuổi nay vẫn là chủ một doanh nghiệp, đang trục vớt tàu biển tại cảng Quy Nhơn, nghe tin có đoàn nhà báo về tìm hiểu đã chạy xe từ Bình Định về Đồng Nai, kể lại:
“Ban đầu người ta cho rằng em tôi kích động gây rối, về sau lộn đảo hết, cho là tôi cầm đầu, em tôi đứng hàng thứ hai. Đấy, vậy là em tôi đi bốn năm tù, tôi năm năm tù.
Những cáo buộc trên là tầm bậy. Phiên xử vô lý lắm. Những ai không dính hình, không chứng minh là quậy phá thì tòa cho mời hai nhân chứng. Nhưng nhân chứng đó là ai, toàn là cán bộ xã. Như anh Chủ tịch xã mới nhậm chức sau khi vụ đó xảy ra, có chứng kiến gì đâu mà cũng làm nhân chứng, khai gian vu tội cho chúng tôi.
Tôi vốn là lính Công trường 5 Quân khu 7. Sau này chiến tranh biên giới Tây Nam tôi tái ngũ, là thương binh hạng 2/4 chiến trường Campuchia. Năm 1982 tôi xuất ngũ, về làm ăn buôn bán. Tôi chẳng có miếng đất nào ở Long Hưng cả. Nhà, đất, ruộng bị dự án Dona.Coop thu hồi là của mẹ và các em. Tôi chẳng có động cơ gì để gây rối.
Vụ này vừa “dằn mặt” người phản đối Dona.Coop, còn là dịp để cán bộ thừa cơ “xử” mâu thuẫn cá nhân. Như giữa nhà tôi khi đó với chị Bí thư xã. Chị này trước đó lấy đất ruộng nhà tôi làm đường cho xe hơi vào nhà. Mẹ tôi ra nói, chị ấy còn miệt thị vùng miền. Nhà tôi ức quá đâm đơn kiện. Sau chị ấy năn nỉ, bố tôi mới rút đơn. Nhưng chị ấy vẫn thù.
Nhà riêng tôi ở ngoài phường Long Bình Tân. Dạo ấy mẹ tôi ốm, tôi mang tô bún cho bà, về ngang thấy đám đông. Tôi vào, nói với cán bộ xã: “Chuyện mồ mả ấy, muốn giải tỏa thì phải mời người ta lên nói chuyện chứ đừng làm vậy”. Chết là tôi nói to tiếng, nên bị ghép vào cầm đầu. Ý họ là tôi to tiếng nên dân mới nói to thêm.
Chết nữa là tôi thẳng tính quá. Chuyện mồ mả cả xã bị bôi bẩn mà Chủ tịch Bí thư nói “không biết”. Tôi uất quá, nói bô bô: “Dân đóng thuế nuôi bộ máy chính quyền mà lãnh đạo xã nói “không biết”. Chẳng lẽ dân nuôi cán bộ xã này chỉ để… lấy phân thôi sao”. Tôi nói nguyên văn như thế. Các anh cứ ghi cho rõ.
Tôi không bị bắt tại xã. Hôm 20/2 Công an Biên Hòa mời tôi lên. Cũng hỏi thế này, tôi trả lời thế này, rồi bị bắt luôn, nhốt luôn. Hôm xử, người ta bảo “cứ có mặt là có tội. Không làm gì, cứ bị quay phim là có tội. Không nói nhiều”. Tuyên năm năm tù. Không giảm gì cả. Thương binh không giảm. Cha mẹ có công cũng không giảm. Tôi uất quá”.
Người thứ ba trong gia đình bị bắt là Đào Văn Cường (SN 1978), con trai ông Hùng. Anh Cường bị bắt cùng ngày với cha. Anh này một mực kêu oan vì cho rằng thời điểm diễn ra vụ “gây rối” đang làm ở công ty, không có mặt ở trụ sở UBND xã, đi làm tới 9h tối mới về. Bất chấp lời khai ngoại phạm, anh vẫn bị giam cả tháng, đến khi tới công ty trích xuất dấu vân tay, hình ảnh camera nơi làm việc, công an mới thừa nhận. Anh Cường được thả về nhưng không thấy một lời xin lỗi, một xu bồi thường.
Từ hồ sơ “quy hoạch” của chính quyền, đến kết luận điều tra của công an, hay bản án của tòa, tỉnh Đồng Nai đều nhận định “dự án Khu đô thị Long Hưng mang lại sự phát triển, thay đổi về kinh tế, chính trị cho xã Long Hưng”. Nhưng “phát triển” chưa thấy, chỉ thấy những phận người rơi vào lao lý oan trái, có khi mất mạng một cách khuất tất trong trại giam, làng xóm khi xưa nay điêu tàn, “thành phố trong mơ” vẫn chỉ là những bãi đất nhấp nhô san lấp.
(Còn tiếp kỳ 10).

MỤC LỤC BNS HBCS SỐ 14.
1/- Vi bằng thành lập Hội-Thánh-Em Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ. Tr 01.
2/- Thánh Lịnh 257 của Đức Hộ Pháp. Tr 05.
3/- Lời Khuyên Nhủ của Đức Hộ Pháp. Tr 06.
4/- Hội-Thánh-Em Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ: Tuyên bố. Tr 08.
5/- Hội-Thánh-Em Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ: Tuyên ngôn sứ mạng. Tr 10.
6/- Hội-Thánh-Em Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ: Quy tắc hành đạo. Tr 11.
7/- Suy ngẫm về biểu tình ở Việt Nam: Đâu là gốc. 13.

8/- Biểu tình 10. 06: điểm lại những điều làm được và chưa được * Tr 15.

9/- Dự án của Donacoop đẩy hàng ngàn dân vào cảnh điêu tàn –
Kỳ 9: Từ điểm nóng đất đai đến ‘lò lửa’ oan án. Tr 21.
MỤC LỤC.