Trang

Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2024

4923. VNTB – Thẩm phán không muốn quay phim trên tòa vì sợ … xấu

 

VNTB – Thẩm phán không muốn quay phim trên tòa vì sợ … xấu

VNTB – Thẩm phán không muốn quay phim trên tòa vì sợ … xấu

Châu Nam Việt

 

(VNTB) – “Hội đồng xét xử, kiểm sát viên, điều tra viên cũng không muốn hình ảnh đưa lên truyền thông bị xấu”

 

Tòa án Nhân dân tối cao (TANDTC) vừa trình dự thảo đề xuất ban chế ghi âm ghi hình tại các phiên tòa. Theo lý giải của ông Nguyễn Hòa Bình, chánh án TANDTC, thì thẩm phán bị quay phim chụp hình sẽ bị phân tán tinh thần, không thể toàn tâm tập trung xử án.

https://vietnamthoibao.org/vntb-tham-phan-khong-muon-quay-phim-tren-toa-vi-so-xau/

Ông Bình nói: “Lúc xét xử, hội đồng xét xử, luật sư toàn tâm toàn ý cho vụ án, tập trung suy nghĩ cho vụ án, cứ chĩa máy quay vào mặt người ta, người ta bị phân tán. Vào lúc cần đưa ra quyết định sáng suốt nhất thì người ta lại bị chĩa máy quay vào, phải nở nụ cười. Bản thân hội đồng xét xử, kiểm sát viên, điều tra viên họ cũng không muốn hình ảnh đưa lên truyền thông bị xấu, khi suy nghĩ, khuôn mặt phải đăm chiêu, nhíu mày chứ không phải lúc nào cũng nở nụ cười được”.

Lập luận của ông chánh án gây ra nhiều quan ngại về bản lĩnh của các quan tòa hiện nay. Nếu một người không có lập trường, dễ bị phân tâm, dễ mất bình tĩnh thì làm sao có thể trở thành quan tòa. Một thẩm phán không đủ bản lĩnh, không sáng suốt khi bị quay phim chụp hình thì làm sao có thể quyết định bản án liên quan tới cuộc đời và sinh mạng con người được?

Ngoài ra, việc thẩm phán sợ bị quay phim chụp hình càng làm tăng thêm những bức xúc về tính độc lập của tòa án và công lý ở Việt Nam. Việc quay phim và chụp hình trong tất cả các phiên toà sẽ tạo ra một môi trường tư pháp trong sạch và công khai. Công chúng sẽ có cơ hội chứng kiến và đánh giá trực tiếp quy trình pháp lý, từ đó tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm của hệ thống tư pháp.

Các bằng chứng và chứng cứ có thể được ghi lại một cách chính xác và không chứa sự chệch lệch hay gian lận. Người dân sẽ cảm thấy yên tâm hơn khi biết rằng quy trình tư pháp diễn ra dưới sự giám sát của cộng đồng. Từ đó tạo ra sự tin cậy và tín nhiệm từ phía công chúng đối với hệ thống tư pháp.

Một thẩm phán có đủ trình độ, kiến thức và bản lĩnh thì sẽ không sợ bị quay phim, chụp hình. Một nền tư pháp công bằng, thượng tôn pháp luật thì không có lý do gì lại không dám công khai quá trình xét xử. Thế nhưng, nền tư pháp của Nhà nước Cộng sản Việt Nam từ lâu đã được biết tới là vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, bị áp lực bởi các chỉ đạo từ Trung ương Đảng và không thể không nói tới tình trạng chung chi, chạy án.

Những vụ án dân sự, ly hôn, tranh chấp tài sản thì bên nào lo lót tiền nhiều hơn là bên đó thắng. Án hình sự thì án nặng hay nhẹ cũng dựa vào chung tiền nhiều hay ít. Những vụ án liên quan tới chính trị, xét xử các nhà bất đồng chính kiến lại vi phạm chính hiến pháp và pháp luật do Đảng Cộng sản đặt ra. Còn các vụ đại án được xét xử như những trò hề, những vở kịch đã được đạo diễn sẵn. Cho nên thẩm phán sợ máy quay phim, máy chụp hình cũng không có gì khó hiểu.

Hơn nữa, chánh án TANDTC nói rằng hội đồng xét xử phải luôn luôn tươi cười, sợ xấu khi bị quay phim chụp hình thì lại càng sai. Người dân không cần toà án phải cười đùa hay trang điểm đẹp đẽ mà cần sự nghiêm túc trong khi xét xử. Toà chỉ xấu khi không công tâm, thiên vị hoặc có biểu hiện tham nhũng, bất minh và xét xử bất công. Còn việc hội đồng xét xử đăm chiêu, nhíu mày suy nghĩ là rất bình thường, chẳng ai cười chê, phản đối. Ông Nguyễn Hoà Bình đã lên tới chánh án TANDTC mà vẫn lập luận ngô nghê như vậy thì cho thấy ngành toà án ở Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập lắm!