Trang

Thứ Ba, 26 tháng 3, 2024

4911. BBT đăng bài không có nghĩa là tán đồng.

 

Chính sách của Hoa Kỳ với tự do tôn giáo ở Việt Nam

Từ năm 2012 đến nay, Uỷ ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ liên tục đề nghị đưa Việt Nam vào Danh sách theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo (Special Watch List – SWL). Ngày 2/12/2022, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã công bố quyết định đưa Việt Nam vào danh sách này, dựa trên những thông tin và đánh giá không xác đáng về tình hình tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở nước ta. Đây là một vấn đề mà dư luận Việt Nam và thế giới hết sức quan tâm.


https://ordi.vn/chinh-sach-cua-hoa-ky-voi-tu-do-ton-giao-o-viet-nam.html

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong chuyến thăm Việt Nam ngày 14-16/4/2023. Ảnh: Hoàng Phong

Trên thực tế, quyết định trên không phải là một vấn đề mới mẻ. Bởi lẽ, vào năm 1998 – ba năm sau khi bình thường hoá quan hệ ngoại giao với Việt Nam, Mỹ đề ra một đạo luật có tên là Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế (IRFA) nhằm thúc đẩy tự do tôn giáo trong các chính sách ngoại giao của mình. Trong đạo luật này, Danh sách các Quốc gia Cần Quan tâm Đặc biệt (Country of Particular Concerns, gọi tắt là CPC) lần đầu tiên được nêu ra để chỉ định các quốc gia mà Mỹ cho là đang vi phạm tự do tôn giáo. Mỹ sẽ ra các lệnh trừng phạt về kinh tế để buộc nước thuộc danh sách này phải chấm dứt và loại bỏ các vi phạm đó.

Tháng 9/2004, Đại sứ lưu động về Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ John Hanford tuyên bố Mỹ đã đưa Việt Nam vào danh sách CPC. Nguyên nhân được phía Mỹ công bố là chính quyền Việt Nam đã giam giữ nhiều tù nhân tôn giáo, đóng cửa các nhà nguyện, cưỡng bức từ bỏ đức tin tôn giáo… Nhìn chung, phía Mỹ cho rằng Việt Nam không đạt được các tiêu chuẩn về tự do tôn giáo mà Mỹ đề ra. Sau khi đưa Việt Nam vào danh sách này, Mỹ không chỉ gây áp lực chính trị mà còn thực hiện các lệnh cấm vận, trừng phạt về kinh tế theo đạo luật IRFA.

Trong bối cảnh hậu Chiến tranh lạnh, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia xã hội chủ nghĩa khác không những phải đối mặt với mâu thuẫn tôn giáo mà còn phải giải quyết nhiều vấn đề xung đột khác trong nội bộ. Bấy giờ, các nhà lập pháp, các tổ chức phi chính phủ Mỹ đang có xu hướng ủng hộ cho việc truyền bá, phát triển đạo Tin lành ở các nước Á Đông, trong đó có Việt Nam. Vốn là một quốc gia đa tôn giáo, khi một đạo mới truyền vào nước ta, việc xảy ra xung đột với các tôn giáo, tín ngưỡng bản địa là tất yếu. Thực tế cho thấy, khu vực Tây bắc, Tây Nguyên, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số như người Mông, người Thái, người Ê đê… sinh sống, đã phải chứng kiến sự va chạm giữa đạo Tin lành với các tín ngưỡng sẵn có của bà con dân tộc thiểu số.

Hiệp sĩ Đại Thánh Giá Gioan Baotixita Lê Đức Thịnh – người châu Á đầu tiên được Toà thánh Vatican trao tặng tước phẩm cao nhất của Hiệp sĩ Dòng Thánh Grêgôriô Cả vào năm 2007 – cùng đoàn tu sĩ Dòng Đa Minh tới thăm các cán bộ, lãnh đạo huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk vào ngày 3/11/2023, cho thấy mối quan hệ gắn bó giữa người Công giáo Tây Nguyên với Đảng và Nhà nước. Ảnh: Ban TT Dòng Đa Minh Việt Nam

Để giúp Mỹ nói riêng và thế giới nói chung hiểu được tình hình thực tế lúc bấy giờ, Việt Nam đã tham gia nhiều cuộc đối thoại với Hoa Kỳ. Uỷ ban Tôn giáo, các nghị sĩ, lãnh đạo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ… đều đã có những cuộc làm việc, trao đổi để tìm hiểu một cách kĩ lưỡng và sâu sắc hơn về vấn đề tự do, dân chủ nói chung và tự do tôn giáo nói riêng ở Việt Nam. Sau các cuộc trao đổi, tiếp xúc và nghiên cứu một cách khách quan, phía Mỹ cũng nhận thấy Việt Nam là một đất nước đa tôn giáo, và các thông tin về vi phạm tự do tôn giáo ở Việt Nam là không đúng với thực tế. Bản thân Hiến pháp của Nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam cũng có quy định rõ về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân Việt Nam. Những giáo dân thực hiện án tù không phải do họ theo tôn giáo của mình mà bởi họ vi phạm luật pháp nên phải chịu bản án công bằng, giống như bao công dân khác.

Do đó, đến năm 2006, Chính phủ Mỹ mới chính thức đưa Việt Nam ra khỏi danh sách CPC và công nhận Việt Nam là một đất nước có tự do tôn giáo. Thậm chí, phía Mỹ cũng thừa nhận rằng nước Mỹ cũng gặp tình trạng tương tự, do là một quốc gia có rất nhiều chủng tộc, sắc tộc và tôn giáo khác nhau cùng sinh sống. Bên cạnh đó, việc những người theo tôn giáo vẫn phải tuân thủ theo pháp luật cũng là một việc tất yếu ở tất cả các quốc gia trên thế giới.

Nhìn chung, việc Mỹ đưa Việt Nam vào Danh sách CPC, bên cạnh mục đích ủng hộ các tổ chức tôn giáo, chủ yếu vẫn xuất phát từ các khác biệt trong quan điểm chính trị. Rõ ràng, khi hai bên có sự đối thoại cởi mở, thiện chí hợp tác, sự căng thẳng đã giảm đi rất nhiều, và nhiều hiểu lầm cũng được xoá bỏ. Cả Mỹ và Việt Nam đều nhận thức được rằng, các vấn đề tôn giáo là những vấn đề phổ biến mà quốc gia nào cũng có.

Tuy nhiên, sau 16 năm, Mỹ một lần nữa đưa Việt Nam vào Danh sách theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo (SWL). Điều này được dư luận xem là một động thái bất thường. Bởi lẽ, quan hệ chính trị giữa Mỹ và Việt Nam đến nay vốn đã cải thiện rất nhiều so với gần hai thập kỷ trước. Song lần này, Mỹ không đưa ra các chế tài trừng phạt nặng nề như trước đây. Do đó, đây có thể chỉ là một lời nhắc nhở nhẹ nhàng đối với Việt Nam. Và trên thực tế, việc Mỹ đưa Việt Nam vào SWL cũng không làm ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Thậm chí, tháng 9/2023 vừa qua, trong chuyến thăm cấp cao của Tổng thống Joe Biden đến Việt Nam, quan hệ ngoại giao giữa hai nước đã được nâng lên tầm Đối tác Chiến lược Toàn diện. Điều này có nghĩa là Mỹ và Việt Nam đồng thuận hợp tác, cùng phát triển trên tất cả các lĩnh vực, bao gồm cả tôn giáo, dân chủ, nhân quyền, mà hầu như không còn rào cản.

Qua sự kiện trên, dễ thấy rằng, Chính phủ Hoa Kỳ vẫn coi tự do tôn giáo là một trong những nội dung trung tâm của dân chủ, nhân quyền. Ở Việt Nam, trong thời gian vừa qua, một bộ phận giáo dân cũng đã thực hiện một số hoạt động vi phạm luật pháp của Nhà nước. Những cá nhân, tổ chức bất đồng chính kiến với chính quyền Việt Nam thường nhân cơ hội này để đưa ra các thông tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận quốc tế, khiến Mỹ có những nhìn nhận, đánh giá chưa khách quan về tự do tôn giáo ở Việt Nam.

Việt Nam luôn hoan nghênh và thực tế đã luôn chủ động đối thoại với Mỹ, song lần này phía Mỹ lại không trao đổi với Việt Nam mà căn cứ vào các thông tin không chính thức, chưa được kiểm chứng từ các cá nhân, tổ chức không thân thiện với Việt Nam. Do đó, việc trao đổi thông tin giữa hai nước, đặc biệt là thông qua Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, cần phải được thực hiện riết ráo hơn để tránh xảy ra những hiểu lầm không đáng có.

Trong nỗ lực giải quyết vấn đề trên, ngày 10-22/10/2023 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng, cùng với đoàn đại biểu chức sắc tôn giáo Việt Nam, đã có chuyến thăm tới Hoa Kỳ và có buổi làm việc với các cơ quan ngoại giao, Quốc hội Hoa Kỳ, Văn phòng Uỷ ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) cũng như cá nhân và lãnh đạo các tổ chức tôn giáo.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng cùng Đoàn công tác liên ngành và chức sắc tôn giáo của Việt Nam làm việc với Đại sứ lưu động về tự do tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ Rashad Husain và Phó Trợ lý Ngoại trưởng Melissa Brown về vấn đề tự do tôn giáo tại Việt Nam, Washington DC, tháng 10/2023. Ảnh: Ban Tôn giáo Chính phủ

Tại cuộc gặp, các bên đã chia sẻ thông tin, thành tựu về tôn giáo của mình, đồng thời phía Việt Nam đã lý giải, đính chính lại các thông tin sai sự thật, cho phía Mỹ được biết về tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam. Kết thúc chuyến thăm, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng cho biết, phía Mỹ đã đánh giá cao những kết quả tích cực mà Việt Nam đạt được trong việc đảm bảo quyền tự do, tín ngưỡng – tôn giáo trong thời gian qua. Đại diện Toà thánh Vatican tại Liên hợp quốc, Tổng Giám mục Gabriele Caccia cũng bày tỏ quan điểm ghi nhận những thành tựu về đảm bảo tự do tôn giáo ở nước ta. Đồng thời, thay mặt Giáo hoàng, Tổng Giám mục khẳng định sẽ ủng hộ việc đưa Việt Nam ra khỏi “Danh sách theo dõi đặc biệt” về tự do tôn giáo (SWL).

Kết quả của chuyến thăm đã cho thấy sự ghi nhận của Mỹ đối với những thành tựu về tự do tín ngưỡng – tôn giáo mà Việt Nam đã đạt được. Điều này không những thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ lên một tầm cao mới, mà còn góp phần thay đổi nhận thức của Mỹ về vấn đề dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo ở Việt Nam.

Cuối cùng, có thể thấy rằng, dân chủ – nhân quyền nói chung và tự do tôn giáo nói riêng là các giá trị cốt lõi để xây dựng mỗi quốc gia, dân tộc. Bất kể Mỹ có quan tâm, can thiệp hay không, thì tất cả các quốc gia và nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới cũng đều xem đây là điều tất yếu. Sự kiện Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Việt Nam vào Danh sách theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo (SWL) năm 2022 và chuyến thăm của Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng cùng đoàn đại biểu tôn giáo Việt Nam tới Mỹ năm 2023 đã cho thấy, Mỹ và Việt Nam cần tăng cường đối thoại để thấu hiểu nhau hơn. Đặc biệt, các cơ quan truyền thông, Đại sứ quán hai nước cần hợp tác tích cực hơn nữa nhằm trao đổi, cung cấp các thông tin chính xác, khách quan về tình hình tôn giáo ở mỗi nước.

Ngày 11/10/2022, Việt Nam chính thức trở thành một trong 14 quốc gia thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã nhất trí ủng hộ Việt Nam là ứng cử viên duy nhất của ASEAN cho vị trí này; đồng thời cũng là ứng cử viên châu Á duy nhất của Cộng đồng Pháp ngữ. Có thể thấy, đây không phải là một vị thế dễ dàng đạt được. Nó chứng tỏ địa vị, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực dân chủ, nhân quyền.  Do đó, nguồn tin chính thống từ Chính phủ và các cơ quan chức năng Việt Nam luôn là cơ sở xác thực, đáng tin cậy để Mỹ có thể tham khảo trước khi quyết định các vấn đề ngoại giao giữa hai nước. Bên cạnh đó, Mỹ cũng đã chính thức trở lại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc từ năm 2022, dưới thời Tổng thống Joe Biden. Đây chính là cơ hội quý báu để hai bên tích cực đối thoại, thấu hiểu lẫn nhau và đi đến thống nhất trong vấn đề dân chủ, nhân quyền.

Thêm vào đó, lịch sử đã cho thấy, mối quan hệ ngoại giao gắn bó giữa hai nước thường bị các tổ chức, cá nhân không thân thiện âm mưu chia rẽ bằng các nguồn tin sai lệch. Bởi vậy, phía Mỹ cần phải chủ động, kịp thời liên hệ với các đại diện đáng tin cậy như Đại sứ quán hay những người đứng đầu các tổ chức văn hoá, tôn giáo… tại Việt Nam, từ đó nắm bắt được những thông tin chân thực, chính xác, khách quan nhất.

Mặc dù việc Mỹ đưa Việt Nam vào Danh sách SWL là một điều đáng tiếc, song đến nay, mọi vấn đề hiểu lầm đã được gỡ bỏ thông qua các cuộc thảo luận, trao đổi giữa hai nước. Trong thời gian tới, tinh thần đối thoại này cần được phát huy hơn nữa để thắt chặt tình hữu nghị Việt Nam – Hoa Kỳ và duy trì quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện một cách bền vững, lâu dài hơn.■

Ngọc Lan