Trang

Thứ Sáu, 15 tháng 3, 2024

4903. Mỹ: Tiệm phở buộc phải đóng cửa vì ‘bốc mùi’, các dân biểu gốc Việt can thiệp

 

Mỹ: Tiệm phở buộc phải đóng cửa vì ‘bốc mùi’,
các dân biểu gốc Việt can thiệp

Anh Eddie Dong, chủ nhà hàng Pho Gabo ở thành phố Portland, bang Oregon, Hoa Kỳ. Kêu gọi hỗ trợ cho Pho Gabo trên trang change.org đã nhận được 3,492 chữ ký vào ngày 14/3/2024.
Anh Eddie Dong, chủ nhà hàng Pho Gabo ở thành phố Portland, bang Oregon, Hoa Kỳ. Kêu gọi hỗ trợ cho Pho Gabo trên trang change.org đã nhận được 3,492 chữ ký vào ngày 14/3/2024.

Một nhà hàng Việt Nam ở thành phố Portland, bang Oregon, Hoa Kỳ đã buộc phải đóng cửa vào tuần rồi vì đơn khiếu nại từ một hàng xóm ẩn danh than phiền về mùi thức ăn. Tuy nhiên, các giới chức địa phương và dân biểu gốc Việt đã kịp phản ứng khiến thành phố phải đình chỉ việc điều tra và xử phạt nhà hàng.

“Họ nói có một resident (cư dân) không thích mùi thịt nướng, (cư dân) đó nói rằng mỗi lần họ đi ra ngoài họ ngửi thấy mùi đó họ khó chịu và họ không dám mở cửa sổ ra vì mở cửa sổ thì mùi đó bay vô nhà họ mà họ không thích”, anh Eddie Dong, chủ nhà hàng Pho Boga, kể lại với VOA và cho biết anh đã nhận được lời giải thích trên từ thành phố Portland sau khi nhận được giấy phạt 1,908 USD vì mùi thức ăn của nhà hàng vào cuối năm 2022.

Sau đó, anh Eddie tìm cách thay đổi giờ nướng thịt vào thời gian cư dân xung quanh ít đi lại hoặc sắp đi ngủ.

“Làm như vậy nhưng họ cũng không chịu. Họ nói là còn mùi, rồi người inspector (thanh tra) xuống ngửi mùi và nói mình gắn máy lọc cho hết mùi. Mình nhờ người đến coi máy hút khói và đưa ống khói lên cao hơn để khỏi bay xuống dưới nhưng city (thành phố) cũng không chịu, họ nói cái đó cũng không thay đổi được”, anh Eddie cho VOA biết thêm.

Theo lời anh, máy lọc mùi mà thành phố khuyến nghị có giá khoảng 35.000-40.000 USD, nhưng cũng không ai dám đảm bảo sẽ không còn mùi nên lại tìm cách khác.

“Mình nướng thịt ở chỗ khác rồi đem về. Nhưng mấy tháng sau họ lại khiếu nại, nói rằng không phải mùi thịt nữa mà là mùi chiên xào, phở, nước lèo… Mình gọi họ và nói rằng như vậy là tất cả Menu (thực đơn) của tôi hết rồi. Anh nói tôi đóng cửa chứ gì? Họ nói ‘Tôi không nói anh đóng cửa. Tôi chỉ nói anh sửa thôi. Anh làm sao thì làm’. Tôi nói: ‘Tôi (gắn máy lọc mùi) mà anh không bảo đảm thì tôi làm làm gì. Thôi tôi đóng cửa cho rồi’. Rồi tôi bán (hàng) tuần cuối rồi đóng cửa”, anh Eddie Dong cho biết.

Trước ngày đóng cửa, anh nhận được giấy phạt thứ hai yêu cầu nộp phạt 908 USD. Nếu không đóng cửa, trong tháng 3 này, anh sẽ nhận được giấy phạt tiếp theo hơn 3.000 USD, anh Eddie cho biết thêm.

Vi phạm ‘mùi’

Nhà hàng Pho Gabo của anh Eddie Dong đã hoạt động được 6 năm. Trước đó, tiệm đã trải qua 2 đời chủ, với tổng cộng đến nay đã là 30 năm nhưng chưa từng bị than phiền về mùi thực phẩm hay gặp bất cứ trở ngại nào cho tới khi sự việc này xảy ra.

Sau khi anh Eddie dán thông báo đóng cửa tiệm, thông tin này đã được khách hàng đưa lên mạng xã hội và truyền thông địa phương, khiến Nghị viên thành phố Carmen Rubio lên tiếng.

“Tôi rất quan ngại và đang đặt ra những câu hỏi nghiêm túc về tác động tiêu cực của chính sách này”, bà Rubio nói trong một đăng tải trên Facebook hôm 6/3 và cho biết văn phòng bà đã gặp chủ doanh nghiệp bị ảnh hưởng và từ đó đã chỉ đạo Cục Dịch vụ Phát triển tạm dừng lập tức các khiếu nại về mùi liên quan đến các cơ sở thực phẩm và đưa ra đánh giá ngay lập tức về quy định liên quan để đưa ra khuyến nghị thay đổi.

Theo những giấy phạt mà anh Eddie nhận được, lý do xử phạt của thành phố là dựa trên quy định về mùi hôi có số mã 33.262.070, trong đó cho phép địa phương phạt hành chính đối với các chủ doanh nghiệp vi phạm quy định, để cho mùi hôi làm ảnh hưởng đến dân cư.

“Mục tiêu của tôi là thấy những thay đổi về mã diễn ra càng sớm càng tốt”, Nghị viên Rubio viết.

‘Tiền lệ nguy hiểm’

Năm nhà lập pháp cấp bang người Mỹ gốc Việt, bao gồm các dân biểu Daniel Nguyen, Hai Pham, Thuy Chan, Hoa Nguyen và Khanh Phạm hôm 6/3 cũng đồng ký tên vào thông cáo báo chí, hoan nghênh chỉ thị của Nghị viên Rubio sau khi đến làm việc trực tiếp với anh Eddie.

“Với tư cách là những nhà lãnh đạo được bầu chọn trong cộng đồng người Việt, chúng tôi tin rằng việc đóng cửa Pho Gabo sẽ tạo ra một tiền lệ nguy hiểm và gửi đi một thông điệp đáng lo ngại về giá trị của sự đa dạng văn hóa ở Portland”, các hãng truyền thông địa phương WW và KATU dẫn thông cáo báo chí nói.

“Chúng tôi tin rằng, như đã được viết và thi hành hiện nay, quy định về mùi hôi của thành phố mang tính phân biệt đối xử và không khách quan theo bất kỳ tiêu chuẩn nào”, thông báo nói thêm.

Các nhóm cộng đồng và thương mại cũng đã lên tiếng về quy định khiến nhà hàng Pho Gabo phải đóng cửa.

“Đối với các vi phạm quy tắc khác, chẳng hạn như tiếng ồn, độ rung và thậm chí ánh sáng chói, có những tiêu chuẩn khách quan, có thể đo lường được nhưng đáng ngạc nhiên là quy tắc của thành phố viết về vi phạm ‘mùi’ là hoàn toàn chủ quan”, Hiệp hội Nhà hàng & Nhà nghỉ Oregon nói và cho biết thành phố không đưa ra bất kỳ loại thiết bị nào để kiểm tra hay đo “mùi hôi” ngoài mũi của viên thanh tra, nên đã yêu cầu thành phố ngừng thực thi ngay lập tức quy định mà hiệp hội cho là không công bằng này.

APANO, một nhóm công bằng xã hội của bang Oregon chuyên hỗ trợ cho người châu Á-Thái Bình Dương, lập luận trong một tuyên bố rằng những nhận thức về mùi có thể “bị ảnh hưởng bởi thành kiến bài ngoại” và “tác động không cân đối đến các doanh nghiệp thuộc sở hữu của người da đen, bản địa và da màu, vốn là những doanh nghiệp mang lại sự sống động và đa dạng về văn hóa cho các khu vực lân cận của chúng ta”.

Trên trang change.org, một kiến nghị kêu gọi hỗ trợ cho Pho Gabo yêu cầu thành phố “chấm dứt các khoản xử phạt bất công và bảo vệ sự đa dạng ẩm thực của Portland” đã đạt được gần 3.500 chữ ký trong chỉ tiêu 5.000 chữ ký, tính đến sáng 14/3.

Anh Eddie Dong nói với VOA rằng chính sự hỗ trợ từ khách hàng và các dân biểu gốc Việt đã giúp cho các giới chức địa phương phải xem xét lại quy định có thể gây thiệt hại cho rất nhiều doanh nghiệp giống như nhà hàng của anh trong tương lai.