Trang

Thứ Tư, 27 tháng 3, 2024

4915. VUI THẤY PHƯỚC THIỆN KHÁC XA TỪ THIỆN.

 Phước Thiện có tổ chức, có luật pháp nghiêm minh nên khác xa với Từ Thiện. BBT 

Từ “Từ” đến “Thiện”

Lương Thế Huy

25-3-2024

Làm từ thiện, đặc biệt là với các cộng đồng thiểu số, luôn là câu chuyện phân tích tới mức như chẻ ngọn tóc ra xong rồi mỗi lần trở lại vẫn cứ như mới.

https://baotiengdan.com/2024/03/25/tu-tu-den-thien/

Nhân một chiến dịch truyền thông đang gây tranh cãi về phát sữa cho trẻ em miền núi, mình đăng bài viết về Dự án Nuôi Em mà mình lưu trong máy định không đăng vì mình biết và quý mến nhiều người trong cuộc. Thôi thì cứ coi đây không phải là chuyện của mình hay những người Nuôi Em, mà là chuyện của tất cả chúng ta với tư cách là một xã hội, nhân đúng Ngày Công tác Xã hội Việt Nam 25/3.

***

Những lý do khiến mình thấy dự án Nuôi Em cần phải thay đổi.

– Tên dự án: Nuôi Em. Nuôi trẻ, trước hết là trách nhiệm và mối liên kết hết sức riêng tư giữa trẻ và bố mẹ. Đừng nhận mình đang “nuôi” người khác khi tất cả những gì bạn bỏ ra là tiền bạc. Nếu bạn nghĩ mình bỏ ra một món tiền cho vài bữa ăn là bạn đã “nuôi” được một con người thì cái giá đó quá rẻ mạt.

– Sử dụng hình ảnh trẻ: Mình từng hỏi trực tiếp dự án, các bạn cho mình biết việc sử dụng hình ảnh có sự đồng ý gia đình, nhưng cũng thẳng thắn chia sẻ rằng “vì hạn chế về trình độ văn hoá cũng như giới hạn về ngôn ngữ vùng miền nên có thể bố mẹ trẻ sẽ không quan tâm đúng nghĩa” việc sử dụng hình ảnh trẻ (đa phần “trẻ vùng cao” chính là trẻ dân tộc thiểu số). Để giải quyết vấn đề này thì dự án có thông qua thầy cô giáo để phổ biến lại với bố mẹ. Mình trân trọng sự chân thành này, dù thấy cách giải quyết chưa thoả đáng với tầm quan trọng của vấn đề. (Huy: Tới thời điểm đăng bài này thì dự án đã có những thay đổi về bảo mật hình ảnh).

– Nghĩa vụ của trẻ và quyền lợi của người đóng góp: Người đóng góp nhận “mã nuôi em” có quyền xem ảnh của trẻ mà mình “nhận nuôi”, và có quyền đi thăm trẻ. Không rõ nếu trẻ từ chối thì sao, nhưng quan trọng hơn là ngay từ đầu tại sao lại đưa ra những mối quan hệ quyền lợi – nghĩa vụ này mà không đưa ra những hướng dẫn rõ ràng để bảo vệ quyền riêng tư của trẻ, như tuyệt đối không được chụp lại ảnh trẻ và chia sẻ trên mạng xã hội. Mình hiểu mọi người muốn lan toả sự tích cực và hành động, nhưng điều này là vi phạm quyền riêng tư của trẻ em.

– Phẩm giá của trẻ: Mình từng viết về phẩm giá nhiều lần, và đây là một ví dụ khác về phẩm giá. Mình thấy có bạn chia sẻ, bạn cảm thấy “băn khoăn” khi muốn đăng hình trẻ lên, có một cảm giác gì đó tội lỗi khi không biết đó có phải là điều nên làm hay không. Thứ cảm giác lờ mờ đó chính xác là sự cúi mình khi đứng trước phẩm giá của con người. Bạn có để ý người làm từ thiện hay cúi mình, khép nép khi gặp người mà họ tới trao quà không? Và ngược lại là hình ảnh phản cảm những đoàn cứu trợ yêu cầu người nhận xếp hàng, chờ tới lượt để một người nào đó kiêu hãnh đứng một chỗ ban phát từng phần quà và chụp ảnh? Đôi khi nhìn những cảnh như vậy tôi tự hỏi người nghèo cần các mạnh thường quân, hay là các mạnh thường quân đang cần người nghèo để họ cảm thấy tốt đẹp về bản thân mình.

– Phẩm giá của gia đình trẻ: Trẻ em trước hết tới sau cùng, vẫn thuộc về gia đình của trẻ. Trong rất nhiều trường hợp, trẻ em dân tộc thiểu số thiếu dinh dưỡng và không có điều kiện học hành, hoàn toàn không phải lỗi của gia đình, hay do các em “kém may mắn.” Ai đi xem phim “Những đứa trẻ trong sương” có còn nhớ một em gái đã vô tư thốt lên “người Mông thì nghèo”, đó là vấn đề của cấu trúc xã hội và những bất bình đẳng mà nhà nước lẫn người dân đều đang cố gắng giải quyết. Không thể lo cho con mình đầy đủ, giờ còn phải thấy một ai đó khoe họ đang “nuôi” con mình trên mạng. Dự án thậm chí còn gọi những trẻ không có người hỗ trợ liên tục bằng cái tên là “mã bỏ rơi”. Trẻ còn ở sờ sờ đó với bố mẹ, chỉ vì không có đủ người đóng tiền ăn tiếp mà bị thành “mã bỏ rơi” thì liệu có cay đắng quá không.

– Khoái cảm giúp đỡ: Thuật ngữ “poverty porn” không còn xa lạ gì với ngành xã hội trên toàn cầu, kể cả ở Việt Nam. Xưa kia, nó ở hình thức trưng ra những hình ảnh nghèo khổ, nhem nhuốc để tạo sự thương hại và qua đó kêu gọi sự đóng góp. Khởi nguồn từ Châu Phi, khi thế giới phương Tây luôn coi lục địa này là một nơi nào đó tăm tối, mà chỉ bằng một ít đô la, người nhận nó ở Châu Phi sẽ mang ơn họ.

Khoái cảm giúp đỡ hoạt động dựa trên sự bất bình đẳng, khi người giúp đỡ biết họ có thể mang tới những thứ mà tự thân người được giúp đỡ không thể tạo ra được, chủ yếu là tiền bạc. Thông qua đó, “giúp đỡ” tạo ra sự phụ thuộc, sự hàm ơn, và duy trì sự cách biệt vị thế này. Thật tình cờ, đó chính xác là những gì Nuôi Em đang đi lại vết xe đó, khi mở ra dự án “Nuôi Em Châu Phi”. Mình không phản đối như nhiều người lập luận rằng “trẻ em Việt Nam chưa giúp hết mà đi giúp trẻ em Châu Phi”, mà mình thất vọng vì dự án lại vô tình ghi tên Việt Nam vào danh sách những nước đã từng đổ bộ vào Châu Phi với phức cảm người cứu giúp đã được chứng minh là không bền vững này.

– Lãng mạn hoá, bỏ qua vấn đề gốc rễ: Ngày nay, khoái cảm giúp đỡ đã tiến hoá, trở thành những nụ cười thật tươi, những cái ôm thật chặt, thậm chí giọt nước mắt hạnh phúc trên những sân khấu quốc gia. Lãng mạn hoá mối quan hệ bất bình đẳng, che giấu đi nguyên nhân gốc rễ tại sao phải cần có sự giúp đỡ này và xây dựng hình tượng kẻ ban ơn như những người trong veo, “chỉ cần làm từ tâm là đủ” là cách khoái cảm giúp đỡ đã thích nghi với bối cảnh xã hội mới.

Nói cho cùng, Nuôi Em vận hành thành công, hay Đen Vâu được tán thưởng nhiệt liệt, cũng bởi vì người Việt Nam vẫn còn chuộng triết lý làm từ thiện “tự bỏ tiền túi mình ra làm”, “là giúp đỡ không cần đắn đo” và “mục đích cao đẹp là đủ biện minh cho mọi phương tiện, cách làm.” Làm công tác xã hội, rốt cuộc phải giúp nâng cao phẩm giá và lòng tự tôn của con người, chứ không phải khiến họ cảm thấy mình là người bất hạnh, phụ thuộc và cảm giác may mắn, toàn vẹn chỉ có thể do người khác mang lại.

– Giúp đỡ không phải là phục vụ: Mình đã chia sẻ ở một bài viết trước: Giúp đỡ tạo ra nợ nần. Khi bạn giúp đỡ ai đó, họ sẽ nợ bạn một ơn. Nhưng phục vụ, giống như sự chữa lành, là tương hỗ. Không có nợ nần. Tôi được phục vụ cũng như người tôi đang phục vụ. Khi tôi giúp đỡ, tôi có cảm giác hài lòng. Khi tôi phục vụ, tôi có cảm giác biết ơn. Đây là hai điều rất khác biệt.

Tôi biết bạn định nói gì. Người giúp đỡ không phải là người xấu. Khi tôi phân biệt hai khái niệm này, tôi không có ý cho rằng phục vụ thì cao cấp hay ưu việt hơn giúp đỡ, nhưng nó là về câu chuyện bền vững và giải quyết vấn đề đúng trọng tâm.

– Nuôi Em được ôm ấp từ những trải nghiệm rất riêng tư, đẹp đẽ và đau đớn, khi nhìn thấy cảnh trẻ em vùng cao thiếu ăn, nghỉ học. Và ở nhiều năm đầu tiên, ước mơ tất cả trẻ “no bụng đã, có cái chữ, rồi giải quyết sau” không phải là điều gì quá đáng. Nhưng khi dự án phát triển quá nhanh, cách truyền thông đôi khi thiếu tế nhị, đôi khi phản cảm, khiến hiện nay dự án đã chạm đến lằn ranh của sự khủng hoảng về triết lý từ thiện. Với tất cả nguồn lực đang có, lẽ ra dự án có thể đầu tư vào chiều sâu hơn, cũng như giải quyết những vấn đề rất sâu thẳm con người.

***

Xin kết lại bằng một câu mình từng đọc: “Bạn trách móc Thượng đế đã tạo ra những trẻ em nghèo khó. Rồi bạn nhận ra những trẻ em nghèo khó chính là lời trách móc của Thượng đế dành cho bạn“.

*Tựa bài mượn từ loạt podcast về phúc thiện của Viện ISEE, mọi người có thể nghe tập này, hay tới từng giây: https://open.spotify.com/episode/68BNowf3AsKsYqwhzmmEhY