Trang

Thứ Năm, 14 tháng 3, 2024

4902. Có cán bộ cộng sản nào không tham nhũng?

 Con giấm không có miệng nó còn biết ăn, cán bộ cộng sản đứng trên pháp luật càng ăn táo tợn. BBT.

Vì sao Võ Văn Thưởng sẽ phải rút lui khỏi chính trường?

Lê Văn Đoành

15-3-2024

Triều đình cộng sản đang rúng động! Thật khó tin khi mà trong một nhiệm kỳ, lại có hai Uỷ viên Bộ Chính trị ngồi ghế Chủ tịch nước, nhưng phải xin từ chức. Lại càng khó tin hơn khi mà trong vòng 13 tháng, tại khoá 13, lại có đến hai ông chủ tịch nước bị “ngã ngựa”. Nhưng chuyện khó tin này nay mai sẽ trở thành sự thật.

https://baotiengdan.com/2024/03/15/vi-sao-vo-van-thuong-se-phai-rut-lui-khoi-chinh-truong/

Ngày 13-3-2024, Bộ Chính trị đảng Cộng sản Việt Nam nhóm họp. Tại đây, sau báo cáo của Ban Nội chính Trung ương, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và Bộ Công an, các ủy viên Bộ Chính trị dự họp, đã thảo luận “sâu sắc” và nhất trí “khuyên”, nhưng nói đúng ra là “buộc” Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phải làm đơn xin thôi tất cả các chức vụ như: Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng An ninh, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, Uỷ viên Trung ương đảng, Uỷ viên Bộ Chính trị khoá 13…

Ảnh: Võ Văn Thưởng trong ngày tuyên thệ nhậm chức chủ tịch nước. Nguồn: VTV

Vì sao nên nỗi?

Năm 2011, khi đang là Uỷ viên Trung ương khoá 11, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Võ Văn Thưởng được điều động về làm Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ngãi, thay cho Nguyễn Hoà Bình về nắm Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao.

Năm 2012, Tập đoàn Phúc Sơn của Nguyễn Văn Hậu (con nuôi Trịnh Đình Dũng, Uỷ viên Trung ương khoá 11, bộ trưởng Bộ Xây dựng), trúng thầu dự án Tuyến đường bờ nam sông Trà Khúc, có vốn đầu tư lên đến 1000 tỷ đồng.

Các lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi sau đây đã đưa ra chủ trương, nghị quyết, liên quan đến quyết định đầu tư dự án trọng điểm này, gồm:

– Võ Văn Thưởng, sinh năm 1970, quê Măng Thít, Vĩnh Long, Uỷ viên Trung ương, bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ngãi 2011-2014

– Cao Khoa, sinh năm 1954 quê Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011-2014.

– Đặng Văn Minh, sinh năm 1966, quê Đức Phổ, Quảng Ngãi, Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải, giai đoạn 2010-2015.

Ngày 8-3-2024, Bộ Công an đồng loạt khởi tố, bắt giam các quan chức lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi và Vĩnh Phúc, liên quan đến Tập đoàn Phúc Sơn.

Cũng hôm đó, ở tỉnh Quảng Ngãi, hai ông Cao Khoa, cựu chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi (nghỉ hưu năm 2014) và Đặng Văn Minh, Phó bí thư thành uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, đã bị C03 Bộ Công an bắt giam, với tội danh “nhận hối lộ” theo điều 354 Bộ luật Hình sự. Ngay trong chiều ngày 8-3, hai ông Khoa và Minh bị di lý về Hà Nội để giam giữ, phục vụ điều tra.

Cùng lúc, tại tỉnh Vĩnh Long, Cơ quan điều tra Bộ Công an cũng bắt giam Đặng Trung Hoành, huyện uỷ viên, Chánh văn phòng Huyện uỷ Măng Thít, tỉnh Vĩnh Long. Có thông tin cho hay, Hoành là anh họ của ông Võ Văn Thưởng, đương kim chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam.

Đặng Trung Hoành, người nhà của Võ Văn Thưởng. Nguồn ảnh: Bộ Công an

Thông tin nội bộ mà chúng tôi có được, theo lời khai của Nguyễn Văn Hậu, chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn, năm 2012, Đặng Trung Hoành là người đã đứng ra môi giới cho Phúc Sơn nhận được dự án ngàn tỷ tại Quảng Ngãi. Hoành đã cầm của Hậu số tiền 60 tỷ đồng (thời điểm năm 2012).

Được biết, tại cơ quan điều tra, Đặng Trung Hoành nhận tội, nhưng chỉ nhận tội một mình, tuyệt nhiên ông ta không hề khai với cơ quan điều tra việc ông ta chia chác cho bất kỳ ai số tiền “lót tay” mà ông ta nhận được từ Tập đoàn Phúc Sơn.

Cái chết được báo trước

Như vậy, chỉ sau hơn một năm nhậm chức, thay thế ông Nguyễn Xuân Phúc ngồi vào ghế chủ tich nước, ông Võ Văn Thưởng sắp bị truất phế nửa chừng. Dư luận cho rằng, ghế chủ tịch nước có “dớp”, nên có quá nhiều chuyện không hay xảy ra khi ai đó ngồi vào.

Năm 2016, sau khi tái trúng cử Uỷ viên Bộ Chính trị khoá 12, từ bộ trưởng Bộ Công an, Trần Đại Quang nhảy lên ngồi ghế chủ tịch nước, nhiệm kỳ 2016-2021. Ngồi chưa được một năm, Trần Đại Quang phát bệnh, phải đi Nhật Bản chữa trị, nhưng y tế Nhật cũng đành “bó tay”. Nội bộ rò rỉ thông tin, chủ tịch Quang bị đầu độc phóng xạ. Trần Đại Quang đi theo Mác – Lê hồi tháng 8-2018. Ân huệ mà đảng dành cho Quang, cũng là cách mà đảng trang điểm bộ mặt, là em trai và con trai ông Quang được tiến thân trong guồng máy chính trị.

Tháng 10-2018, tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thay Quang, “ôm” luôn chức chủ tịch nước. Sáu tháng sau, vào tháng 4-2019, Nguyễn Phú Trọng bị đột quỵ, suýt bỏ mạng trong chuyến kinh lý ở Kiên Giang.

Tháng 4-2021, sau đại hội 13, được làm “nhân sự đặc biệt” ngồi lại ghế tổng bí thư nhiệm kỳ thứ ba, Nguyễn Phú Trọng đã bàn giao chức chủ tịch nước cho Nguyễn Xuân Phúc.

Tháng 1-2023, trong cuộc tranh giành quyền lực triền miên, gia đình ông Nguyễn Xuân Phúc bị vướng vào đại án test kit Việt Á. Phe tấn công buộc ông Phúc phải viết đơn xin từ bỏ chức chủ tịch nước, cùng tất cả các chức vụ trong đảng, rời khỏi chính trường. Đổi lại, ông Phúc được bảo đảm tuyệt đối không hồi tố, cùng sự an toàn của vợ, con ông.

Tháng 2-2023, từ vị trí A5 – theo thứ tự quyền lực trong đảng – Võ Văn Thưởng được đưa lên A2, thay Nguyễn Xuân Phúc, tuyên thệ nắm chức chủ tịch nước. Có hai nhân sự được giới thiệu lấy phiếu thăm dò tại Bộ Chính trị là Tô Lâm và Võ Văn Thưởng. Tuy nhiên, đa số phiếu đã dành cho ông Thưởng. Kể từ ngày đó, nhiều thế hệ đảng viên cộng sản đánh giá ông Thưởng là “ngôi sao sáng giá”, xứng đáng tham gia cuộc đua, tranh vị trí A1 – Tổng bí thư – tại đại hội 14.

Thế nhưng…

Lúc mới nhậm chức Chủ tịch nước, Võ Văn Thưởng mời Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk Yeol ngồi vào ghế sắp gãy, bây giờ chắc gãy thật rồi. Nguồn ảnh: VNE

***

Chuyện kể rằng, đầu năm 2016 tại một bàn trà, khi nhận tin đại hội 13 đã bầu xong, xướng tên “19 vì tinh tú” tham gia Bộ Chính trị, mọi người ồ lên khi Võ Văn Thưởng, 46 tuổi, có tên trong danh sách. Đại tá Nguyễn Văn Yên, Vụ trưởng vụ 1, Ban Nội chính Trung ương, ngồi cùng bàn, đã buột miệng “Mịa nó, tao suýt bắt nó năm 2013 rồi”! Nguyễn Văn Yên lúc đó là Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương.

Trong một diễn biến gây chú ý, trong hai ngày 28 và 29-1-2024, Tô Lâm, bộ trưởng Bộ Công an, đi thăm các cựu lãnh đạo phía Nam là các ông Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Minh Triết, cùng các tướng lĩnh công an đã nghỉ hưu tại TPHCM. Tô Lâm đi vấn an hay báo cáo việc hệ trọng, không ai biết được. Những người am hiểu chính trường, lúc đó chỉ cảm nhận rằng có điều gì đó bất bình thường sắp xảy ra.

Tô đại tướng thăm cựu Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Nguồn: Báo Thanh Niên
 
Đại tướng Tô Lâm thăm cựu Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Nguồn: Báo Thanh Niên
 
Tô đại tướng thăm các cựu lãnh đạo Bộ Công an đã nghỉ hưu. Nguồn: Báo Thanh Niên

Trong số hai trăm Uỷ viên Trung ương đảng, hầu như người nào cũng có “tì vết” với vô vàn tội danh, sai phạm như: Bảo kê, tham nhũng, nhận hối lộ, vi phạm điều lệ đảng, có vấn đề lý lịch, lập trường quan điểm không rõ ràng, tự diễn biến… Chỉ có điều, khi cần thêm “củi” để ném vô lò, hoặc cần hạ bệ ai đó trong cuộc tranh giành quyền lực, các “tì vết” của họ đã có trong quá khứ, sẽ bị những kẻ gọi nhau là “đồng chí” lôi ra để “thịt” lẫn nhau.

Dư luận xôn xao, bình luận sôi nổi về những biến động từ chính trường Việt Nam. Tuy nhiên, đây chỉ màn mở đầu cho cuộc quyết đấu tranh giành quyền lực trong đảng trước thềm đại hội 14. Ai sẽ ngồi vào cái ghế tổng bí thư để thay thế ông Nguyễn Phú Trọng, nắm chức vụ lãnh tụ tối cao của đảng, đó mới là đích ngắm cuối cùng của các phe phải. Từ bây giờ cho tới ngày đại hội chính thức, sẽ còn nhiều màn trình diễn với đầy đủ các thể loại, dở khóc dở cười…