Trang

Thứ Sáu, 6 tháng 8, 2021

3467. TÂM THƯ NGÀI HỒ BẢO ĐẠO.

Sau khi ban hành Đạo Lịnh 01, năm 1979 có nhiều chức sắc lo lắng nên Ngài Hồ Bảo Đạo có Tâm Thư để giải thích về các lo lắng và chỉ dẫn con đường hành đạo sắp tới. BBT Blog.


BỨC TÂM THƠ.

“Của Bảo Đạo Quyền Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài”.

 

Kính gởi chư Chức Sắc Hiệp Thiên Đài.

Kính Chư Hiền Đệ.

Trước cuộc biến thiên trong cửa Đạo hiện nay, do ảnh hưởng của cơ Đời, có một số Chức Sắc Hiệp Thiên Đài tỏ ra hoang mang lo sợ không biết việc cải tổ cả cơ cấu tổ chức Hành Chánh Đạo có phạm đến luật pháp chơn truyền của Đạo hay không và làm như vậy có tội gì với Ngọc Hư Cung hay không?

Đặc biệt việc giải tán Bộ Pháp Chánh Hiệp Thiên Đài làm cho số Chức Sắc đó càng thắc mắc lo âu hơn, vì họ tự thấy từ nay cách làm việc của họ buổi trước không còn thi thố như cũ nữa và như vậy họ sẽ mất hết quyền hành đối với Chức Sắc và Bổn Đạo ở địa phương và họ không còn phương tiện bảo vệ luật pháp chơn truyền của Đạo.


Tôi rất thông cảm cảnh thắc mắc lo âu của mấy em đó vì đây là một việc chưa từng có từ khi mở Đạo đến giờ.

Nếu nói đến việc phạm luật Đạo, đặc biệt là Đạo Luật năm Mậu Dần thì điều đó hẳn có. Nhưng nói việc làm đó có tội hay không thì hẳn là không có tội với Thiêng Liêng, vì việc làm đó là do lịnh của nhà nước không thể bất tuân đặng.

Chúng ta là người tôn giáo, nhưng vẫn là công dân của nhà nước thì phải tuân hành tất cả luật lịnh của nhà nước, thậm chí nếu nhà nước ra lịnh giải tán Hội Thánh đóng cửa Tòa Thánh và các Thánh Thất chúng ta có cải lại đặng không?

Chúng ta không phải bạc nhược, yếu hèn nhưng chúng ta nên hiểu rằng dầu cho mãnh lông, hột cát không ra ngoài luật thiên điều thì việc cộng sản về cầm quyền trị thế trong cả nước cũng không ngoài luật thiên điều.

Như vậy nếu chúng ta chống lại nhà nước hiện nay thay Trời trị thế thì chẳng khác nào chúng ta chống lại thiên điều, mà chống lại thiên điều là một việc không phải dễ đâu!

Còn thuận theo thiên điều mặc dù theo thực tế trước mắt có phần trái với việc làm từ trước, nhưng đối với Ngọc Hư Cung ắt là không tội.

Nói cho cùng thoảng như việc giải thể các cơ cấu tổ chức hành chánh Đạo có đắc tội với thiêng liêng đi nữa thì tội đó chỉ qui về cho cấp lãnh đạo của Hội Thánh ra lịnh trong khi các cấp dưới chỉ biết thừa hành mà thôi, nên không thể khép cấp thừa hành vào tội nào hết, mấy em biết sợ tội không lẽ cấp lãnh đạo đàn anh không biết sợ tội hay sao?

Hiểu như vậy Tôi thiết tha kêu gọi tất cả Chức Sắc Hiệp Thiên Đài cũng như Cửu Trùng Đài và Phước Thiện và luôn cả chư Tín Hữu nên cùng nhau đi một đường, nghe một tiếng, nhứt tâm nhứt trí, hiệp đồng chư môn đệ trọn tuân hành theo lịnh của Hội Thánh thì sẽ được vững tâm yên trí rằng chi chi cũng có đàn anh lãnh đạo gánh chịu.

Nhược bằng, vì lý do nầy hay lý do khác bất đồng với Hội Thánh dầu không tỏ ra chống đối nhưng tự tách mình đứng ra ngoài cuộc, thụ động và không chịu hiệp đồng cùng chư môn đệ thì tự mình trọn gánh hết trách nhiệm về bước đường lập vị của mình không thể đổ thừa rằng không có ai nhắc nhở và chỉ bảo.

Về mặt pháp lý Tôi nhơn danh quyền Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài đã chỉ rõ và qui trách nhiệm rõ ràng rồi nên ước mong rằng không còn điều chi thắc mắc.

Riêng về việc thi hành nhiệm vụ của Chức Sắc Hiệp Thiên Đài thì lẽ dĩ nhiên trong việc thay củ đổi mới của cơ chuyển thế từ thời kỳ lập công, qua thời kỳ lập đức, chức năng và phương châm hành đạo của tất cả mọi người dầu cho Chức Sắc hay Chức Việc hoặc Tín Hữu cũng đều đổi mới như trong lời kêu gọi chung số 6/HĐCQ ngày 07-3 Kỷ Mùi. (3-4-1979) của Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ chớ không phải riêng cho Cửu Trùng Đài và Phước Thiện đâu.

Vậy thì chư Chức Sắc Hiệp Thiên Đài mấy em phải nên sớm tỉnh giác tự mình giải hết chứng bịnh trầm trọng chung hiện nay của tất cả Chức Sắc là bịnh “QUAN LIÊU”. Một phần không ít Chức Sắc Hiệp Thiên Đài lãnh phận sự Pháp Chánh thường coi mình như ông “Quan Tòa” ở ngoài đời và chỉ có biết “trị” bằng cách ngưng quyền giáng cấp hay trục xuất, chẳng khác nào một cái máy chém chỉ biết sát phạt mà thôi chớ không nhớ rằng vai tuồng chánh của Hiệp Thiên Đài là lập vị và bảo trọng ngôi vị cho người khác, chớ không phải là chờ có dịp để cất vị của họ.

Thường khi lại nghĩ sai ý nghĩa lời dạy của các Đấng Thiêng Liêng như câu “chẳng ai qua luật mà Hiệp Thiên Đài không biết” hoặc câu “không có điều bất công nào mà Hiệp Thiên Đài không biết” rồi từ chữ không biết lại hiểu ra là không trị vì nghĩ rằng hễ biết là phải trị liền.

Trái lại với chức năng của Hiệp Thiên Đài là lập vị và bảo trọng ngôi vị cho Chức Sắc hay Chức Việc là khi mình biết thì trước hết phải tìm cách sửa đương, nhắc nhở, khuyên dạy cách nào cho người sai lầm trở lại đường ngay nẻo chánh, chừng nào quá lắm không sửa đương  đặng  mới đem ra trị cho trọn câu “tiên giáo hậu trị”.

Có người hỏi nói vậy có mâu thuẩn với lời dạy của Thiêng Liêng là “nên thì để hư thì bỏ” hay không?

Xin trả lời không có gì là mâu thuẩn, vì trước tiên phải cố gắng dạy dỗ, sửa đương đến chừng không sửa đặng thì phải nhứt quyết hư thì bỏ hẳn chớ không nên dung dưỡng lưng chừng như trường hợp bao nhiêu người bị trục xuất ra khỏi Đạo nhưng vẫn sống phây phây trong cửa Đạo.

Ngoài ra các Chức Sắc Hiệp Thiên Đài thường cho mình có bổn phận bảo thủ luật pháp chơn truyền của Đạo nhưng chỉ hiểu với ý nghĩa đã qui định trong Đạo Luật năm Mậu Dần nơi chương thứ tư về “Tòa Đạo” là:

1-                 Luật: là Tân Luật và Luật Hội Thánh.

2-                 Pháp: là Pháp Chánh Truyền và Đạo Nghị Định.

Nhưng đó chỉ là những khuôn khổ, những hàng rào để cho mọi Tín Hữu Cao Đài phải đi trong khuôn viên trật tự và giử vững quyền hành của Hội Thánh.

Ngày nay tuổi Đạo đã quá 50 rồi, trình độ học vấn phải lên cao hơn chẳng khác nào chúng ta học mãn niên học lớp một nay được lên lớp hai.

Bài vở cũ không phải bỏ hết nhưng không lập lại và bắt đầu học bài vở mới, làm bài mới. Chúng ta không vì đó mà đòi phải làm bài cũ hoài để đứng mãi một chổ không tiến bộ cho theo kịp trào lưu hay sao?

Với nhận định đó, nếu chúng ta tìm hiểu ý nghĩa chơn truyền luật pháp một cách rộng lớn hơn thì chơn truyền của Đạo Cao Đài là lý chơn chánh của cơ tạo đoan từ vũ trụ đến nhơn sanh trong khuôn luật Bác Ái và Công Bằng.

Vậy lý chơn chánh đó là gì? Chẳng có chi lạ hơn câu kinh: “Hiệp Âm Dương hữu hạp biến sanh” trong bài Phật Mẫu Chơn Kinh tức là chỉ có sự HÒA HIỆP Âm Dương mà biến sanh ra cả Càn Khôn Vũ Trụ và chúng sanh.

Chơn truyền của Đạo Cao Đài hiện nay cũng phải hiểu không ngoài lý chơn chánh đó tức là lấy sự HÒA HIỆP trong tình THƯƠNG mà phổ truyền đặng thiệt hiện CƠ CỨU KHỔ về mặt thế và một CHÁNH GIÁO về mặt Đạo tiến lên lập đời MINH ĐỨC TÂN DÂN HUYNH ĐỆ ĐẠI ĐỒNG HÒA BÌNH THẾ GIÁI.

Vậy thì vai tuồng của Hiệp Thiên Đài trong tương lai đây phải làm việc gì?

Hiệp Thiên Đài là chơn thần, Cửu Trùng Đài là thể xác, chơn thần có bổn phận dìu đở thể xác thế nào từ phàm chất cho ra Thánh Chất. Muốn thiệt hiện chu đáo vai tuồng đó thì chơn thần lúc nào cũng phải trong sáng, an tịnh mới đủ khả năng HÒA HIỆP với thể xác, để dìu đở thể xác luôn luôn đi theo con đường NHƠN NGHĨA chơn chánh để thiệt hiện CƠ CỨU KHỔ cho ra thiệt tướng với nếp sống VỊ THA không vị kỷ dứt bỏ phàm tâm nâng cao THÁNH ĐỨC xây dựng đời mới THÁNH ĐỨC MINH ĐỨC TÂN DÂN.

Cái khó khăn nhất của Chức Sắc Hiệp Thiên Đài là ở chổ đó, vì đa số Chức Sắc Hiệp Thiên Đài mấy em còn trẻ tuổi, kinh nghiệm ở đời chưa nếm đủ mùi, đối với Chức Sắc Cửu Trùng Đài hay Phước Thiện phần đông lại là lớn tuổi hơn về phần xác đáng là anh, chị, chú, bác của mình.

Như thế muốn thiệt hành đúng mức chức năng của Hiệp Thiên Đài cho xứng vai tuồng chơn thần trong sáng để dìu đở thể xác không phải chuyện dễ đâu.

Không phải lấy quyền bắt buộc người khác làm theo mình chỉ biểu đặng. Trái lại mình phải đạo đức hơn, thanh cao hơn, thánh đức hơn, trong sạch hơn xứng đáng làm gương mẫu cho người noi theo thế nào cho người thương mến mà làm theo chớ không phải sợ mà làm theo. Không thể ngụy biện với thiên hạ đặng với câu: “Phải làm theo lời Tôi chỉ biểu, chớ đừng làm theo việc Tôi làm”.

Bảo thủ luật pháp chơn truyền của Đạo qua thời kỳ mới nầy phải hiểu với ý nghĩa rộng hơn:

-         LUẬT: THƯƠNG YÊU là LUẬT duy nhứt của Đạo.

-         PHÁP: CƠ CỨU KHỔ để lập đời THÁNH ĐỨC là CHƠN PHÁP duy nhứt, MỤC PHIÊU chánh yếu của Đạo Cao Đài.

-         CHƠN TRUYỀN: LÝ CHƠN CHÁNH của CƠ TẠO ĐOAN là HÒA HIỆP âm dương tức là ĐIỀU HÒA xã hội trong TÌNH THƯƠNG HUYNH ĐỆ ĐẠI ĐỒNG mới đem lại HÒA BÌNH THẾ GIỚI.

-         Với thời đại mới, thời kỳ mới LẬP ĐỨC, quan niệm chơn truyền luật pháp hiểu rộng thêm cộng với quan niệm chơn truyền luật pháp thời kỳ trước, mấy em Chức Sắc HIỆP THIÊN ĐÀI đừng lo không có việc làm, trái lại nên lo mình không đủ đức hạnh và khả năng để thi hành sứ mạng cao trọng của HIỆP THIÊN ĐÀI mà thôi./.

HIỆP THIÊN ĐÀI ngày 18-3- Kỷ Mùi. (dl:14-4-1979).

(Ấn Ký).

Hồ Tấn Khoa.