Trang

Chủ Nhật, 7 tháng 3, 2021

3397. VI BẰNG PHIÊN HỌP 10/96 CỦA HTE ĐĐTKPĐ

Hội-Thánh-Em Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ quyết định hội thảo chuyên đề Ba Hội Lập Quyền Vạn Linh. Hội thảo đến đâu sẽ viết vi bằng luu lại đến đó. Tài liệu dùng cho hội luận tài liệu: 

3304. SƯU TẬP VỀ BA HỘI LẬP QUYỀN VẠN LINH.




HTE ĐĐTKPĐ
VB: 10/96

ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ
Cửu Thập Lục Niên
TÒA THÁNH TÂY NINH.

 

VI BẰNG.

Tóm lược cuộc họp số 10/96: Thảo luận về LỜI THƯA TRƯỚC.

1/- Thời gian và thành phần tham dự.

1.1/- Thời gian.

 Lúc 19g30, thứ Sáu, ngày 10/12/Canh Tý (DL: 22/1/2021). Họp qua gotomeeting.

1.2/- Tham dự:

Trưởng Ban Chấp Hành CTS Võ Văn Quang.

Ban Kiểm Soát Luật: CTS Nguyễn Hữu Khanh. CTS Trần Quốc Tiến.

Điều hành phiên họp: CTS Nguyễn Hữu Khanh.

Các thành viên: Chánh Trị sự Võ Văn Lực, Chánh Trị Sự Nguyễn Thị Hương, Chánh Trị Sự Lương Thị Nở, Phó Trị Sự Lê Văn Một, Thông Sự Nguyễn Thị Thu Hà (Ngân Hà). Đạo Hữu Nam Nữ: Huỳnh On (Quang Minh), Dương Xuân Lương (John Tùng), Nguyễn Ngọc Bích, Trương Văn Mai, Nguyễn Thị Chợ (Út Cam), Võ Lệ Dung (Mari Dung), Phan Thị Thùy Linh, Đoàn Thị Xuân, Nguyễn Thị Vân, Nguyễn Hồng Phượng (Mãi Mãi).

2/- Thảo luận và thông qua Vi Bằng số 9/96.

Cả nhà thông qua Vi Bằng. Thống nhất lấy quyển SƯU TẬP VỀ BA HỘI LẬP QUYỀN VẠN LINH do Khối Nhơn Sanh phát hành vào tháng 11, Canh Tý (2021) làm tài liệu căn bản để thảo luận và xây dựng chương trình ĐẠI HỘI NHƠN SANH theo Thánh Lịnh 257 của Đức Hộ Pháp dạy (1957).

3/ Chia sẻ đạo dự các địa phương.

Hương Đạo Rạch Ông cho biết vừa rồi có anh Phú công an khu vực Phường 02, Quận 8, TP HCM đến nhà trọ của Phó Trị Sự Lương Văn Dương thành viên của Hội Thánh Em Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Lúc ấy Phó Trị Sự Lương Văn Dương còn đang điều trị bệnh bệnh viện nên chưa biết lành hay dữ.

Việc cúng Cửu cho Đạo Hữu Nguyễn Thị Tiến ở Bình Dương do Chánh Trị Sự Lương Thị Nở đảm trách có đồng đạo ở Tây Ninh (Thái Bình và Bến Cầu), Rạch Ông đến hỗ trợ. Thống nhất với tinh thần tôn trọng hành chánh địa phương, không xen vào nghi lễ địa phương.

4/- Thảo luận về LỜI THƯA TRƯỚC trong Sưu Tập về BA HỘI LẬP QUYỀN VẠN LINH.

Có 4 vấn đề cần đào sâu:

Căn cứ vào Thánh Lịnh 257 của Đức Hộ Pháp: Hễ quyền trên của ai đã bị quỉ quyền truất phế thì dưới phải tiếp tục cầm quyền Thiêng liêng của Đạo... Nói cho cùng nước:  Chức sắc Thiên Phong mà bị bắt đi nữa thì dưới nầy các Bàn Tri Sự và Tín Đồ cùng công cử người thay thế cho họ.

4.1/ Tại sao phải công cử tại Tòa Thánh Tây Ninh?

Theo Thánh Lịnh 257 công cử người cầm giềng mối đạo có nghĩa là công cử nhân sự công quả lãnh trách nhiệm trong hành chánh tại Tòa Thánh, sau đó phân bổ đi các địa phương để giúp khôi phục hành chánh tôn giáo; Thánh Lịnh không dạy công cử nhân sự lên các phẩm tước Lễ Sanh, Giáo Hữu… Hiểu sai ý nghĩa công cử trong Thánh Lịnh là đi vào bàng môn tả đạo, là tự biến thành một chi phái.

Tại sao phải công cử tại Tòa Thánh Tây Ninh?

Theo Đạo Nghị Định Thứ Ba phân quyền hành chánh tôn giáo thì nhân sự hành đạo cấp trung ương phải hành đạo tại Tòa Thánh. Theo Luật Ba Hội Lập Quyền Vạn Linh việc công cử cũng phải tại Tòa Thánh Tây Ninh. Mọi việc phải đúng Thánh ý Đức Chí Tôn: … Chi chi cũng tại Tây ninh mà thôi.

Việc công cử nhân sự tại Tòa Thánh Tây Ninh cũng triệt tiêu mọi âm mưu gây rối loạn trong tôn giáo của tà quyền là sẽ thúc giục các địa phương đua tranh nhau công cử gây tranh chấp giữa người đạo với nhau tạo ra sự lẫn lộn giữa chơn thật và giả dối. Công cử người cầm giềng mối đạo bất cứ nơi nào khác Tòa Thánh Tây Ninh thì đó là một chi phái.

Thánh lịnh dạy người đạo quyền biến khi quỉ quyền diệt đạo để làm sáng tỏ chân truyền và cũng triệt tiêu các âm mưu gian dối. (Thánh Ngôn: Quyền biến dầu dùng khi buổi ngặt, Dằn lòng nhớ tránh kế muu gian…)

4.2/ Ý nghĩa Giải Thể Phật trong tôn giáo và trong Đại Hội Nhơn Sanh?

Đức Chí Tôn dạy khi lạy Tiên Phật lạy chín lạy vì là CHÍN Đấng Cửu Thiên khai hóa. Nhưng tại sao trong Di Lạc Chơn Kinh khi niệm danh chư Phật chỉ lạy có một lạy?

Ngài Hồ Bảo Đạo giải thích: … Nên lưu-ý là danh-hiệu các vị Phật nêu trong kinh Di-Lạc ở các tầng Trời từ Hạo-Nhiên Pháp đến Hỗn-Ngươn Thiên không có đề Phật-danh của mỗi vị mà chỉ có đề nhiệm-vụ của mỗi vị mà thôi./.

Giải Thể Phật là nhiệm vụ sau cùng của Di Lặc Chơn Kinh.

Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ nói tắt là Đạo Cao Đài do Đức Chí Tôn lập năm 1926 có Thể Pháp và Bí Pháp. Theo đó thì Giải Thể Phật có nghĩa là giải thích, là trình bày rõ ràng Thể Pháp trong tôn giáo. Giải thích Thể Pháp chính là khởi đầu thực thi Bí Pháp. Không bắt đầu từ Thể Pháp thì không thể biết về Bí Pháp.

Khi khai đạo chính Đức Chí Tôn chọn nhân sự để lập ra Hội Thánh, ấy là Hội Thánh do Thiên Thượng lập ra. Nhiệm vụ của Hội Thánh ấy là lập thành Thể Pháp tôn giáo để hậu tấn noi theo đó mà thi hành tam lập (lòng sớ Tân Cố, Tiểu Tường, Đại Tường dạy rõ: … tùng thị pháp điều Tam-Kỳ Phổ-Độ lập công bồi đức… Theo đó lập công, lập đức, lập ngôn; là pháp điều Tam Kỳ Phổ Độ) hầu lập vị cho chính mình theo luật phụng sự và tấn hóa. Hội Thánh do Thiên Thượng lập ra đã xây dựng xong Thể Pháp căn bản (xong nhiệm vụ) thì giải thể để bảo tồn giá trị thiêng liêng của đạo. Đức Chí Tôn đã lập thành Hội Thánh, giải thể Hội Thánh để bảo tồn các giá trị Hội Thánh lập thành ấy là đã đủ Tam Thế Phật: Brama Phật (sáng tạo), Civa Phật (hủy diệt) và Christna Phật (bảo tồn) và đi đến công thức cuối cùng là Giải Thể Phật. Đó là bảo tồn Thể Pháp tôn giáo. Không một thế lực nào xâm phạm đến những giá trị thiêng liêng do Hội Thánh do Thiên Thượng lập thành để lại được nữa, Thể Pháp do Hội Thánh Anh lập thành được bảo tồn.

Đức Hộ Pháp dùng ẩn ngôn: Khi xây dựng xong Tòa Thánh thì Bần Đạo sẽ rút dàn trò ra chính là việc ngưng cơ bút cầu phong, cầu thăng tại Cung Đạo để giải thể Hội Thánh Anh vì đã xây dựng được Thể Pháp gốc của đạo và định vị các Thể Pháp vệ tinh cho Thủ đô tôn giáo (40 cây số vuông). Đó là xong nhiệm vụ rồi nên giải thể (Vãng).

Hậu tấn thừa kế sự nghiệp của đạo hiểu được giá trị của đạo thì phải tìm cách khôi phục hành chánh tôn giáo từ địa phương đến trung ương để khôi phục Hội Thánh Anh; ấy là Hội Thánh do Thiên Hạ lập ra. Muốn có Hội Thánh do Thiên Hạ lập ra hậu tấn phải giải thích, phải minh bạch công việc, cách tiến hành trước đồng đạo và xã hội; ấy là Giải Thể Phật để khôi phục Hội Thánh Anh (Lai). Nghĩa là việc khôi phục hành chánh tôn giáo để lập ra Hội Thánh Anh bắt đầu từ công thức cuối cùng của Di Lặc Chơn Kinh: Giải Thể Phật.

Hiểu hai chiều của Giải Thể Phật là Hội Thánh Anh do Thiên Thượng lập ra đã xây dựng xong Thể Pháp nên vãng. Căn cứ vào Thể Pháp để lại hậu tấn (Thiên Hạ) thi hành việc khôi phục hành chánh tôn giáo, xây dựng lại Hội Thánh Anh ấy là thực thi Bí Pháp là Giải Thể Phật theo nghĩa Lai.

Hội Thánh của Thiên Thượng và Thiên Hạ hiệp lại là đủ âm dương, đủ năng lượng cho ngọn cờ cứu thế của đạo tung bay trong biển trần khổ mà thi hành nhiệm vụ: Tạo Đời cải dữ ra hiền, Bảo sanh nắm giữ diệu huyền CHÍ TÔN.

4.3/- Ba Hội Lập Quyền Vạn Linh không có trong Pháp Chánh Truyền mà có trong Thiên Thơ.

Căn cứ vào bốn yếu tố:

Thứ nhất: Pháp Chánh Truyền gốc: có trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển (Thiên Thơ) được lập thành trong hai năm Bính Dần (1926) và Đinh Mão (1927) rất ngắn gọn và chỉ có mấy trang.

Thứ hai: Pháp Chánh Truyền Chú Giải ban hành vào ngày rằm tháng 2 Tân Mùi (02/04/1931). Đức Hộ Pháp được Thiêng liêng chỉ dạy nên chú giải Pháp Chánh Truyền. Khi chú giải đã thêm vào nhiều điều trọng yếu như: các phẩm Chánh Trị Sự, Phó Trị Sự và Thông Sự. Đạo Phục của Chức Sắc Thiên phong…

Thứ ba: Đến 23/12/1931 Đức Chí Tôn mới dạy về Ba Hội Lập Quyền Vạn Linh.

Thứ tư: Đến 1932, 1934 mới có Luật về Ba Hội Lập Quyền Vạn Linh.

Kết luận: Ba Hội lập Quyền Vạn Linh có trong Thiên Thơ, nghĩa là cùng xuất xứ với Pháp Chánh Truyền và Phước Thiện.

4.4/- Phân biệt Hành Chánh Đạo và Chánh Trị Đạo.

Xin mượn một tuồng hát để hình dung ra sự khác biệt. Một tuồng hát phải có bộ phận soạn tuồng (kịch bản); các diễn viên phải tập tuồng để khi lên sân khấu phải hát đúng kịch bản (không được ca cương); sau cùng là phải sắp xếp để trình diễn trước khán giả.

Chánh Trị Đạo là bộ phận soạn ra chương trình hành đạo và kiểm soát, thanh tra việc thi hành. Hành Chánh Đạo có nhiệm vụ thực hành đúng bài bản, trình tự của Ba Hội Lập Quyền soạn thảo. Nhân sự trong Hành Chánh Đạo phải làm đúng những qui định, nội dung trong văn bản, đi ra ngoài văn bản là sai và bị nghiêm trị. Nhơn sanh có quyền phê bình cả Chánh Trị Đạo và Hành Chánh Đạo.

4.4/ Dây Sắc Lịnh thuộc về Hành Chánh Đạo.

Pháp Chánh Truyền Chú Giải dạy về quyền năng dây sắc lịnh:

Lấy dạ vô tư mà hành Đạo, lại muốn tỏ ra rằng: Chức Sắc Hiệp Thiên Đài thật trọng quyền, Ngài mới ban dây sắc lịnh, buộc cả Tín Đồ và cả Chức Sắc Thiên Phong, hễ mỗi Chức Sắc Hiệp Thiên Đài mang dây sắc lịnh vào mình mà hành chánh nơi nào, thì phải tuân mạng, dầu lỗi quấy cũng phải chìu theo, chỉ để cho Hội Thánh có quyền định tội, lại buộc cả Chức Sắc nào đã thọ quyền của Hiệp Thiên Đài cũng phải minh thệ, y như vậy mới đặng hành chánh.

Thập Nhị Thời Quân là các phẩm được ban dây sắc lịnh.

Theo nội luật Ba Hội Lập Quyền Vạn Linh Thập Nhị Thời Quân hội trong Hội Hội Thánh. Các vị cũng thảo luận và biểu quyết theo nội luật, nghĩa là Ba Hội Lập Quyền Vạn Linh thuộc về Chánh Trị Đạo nên quyền năng dây sắc lịnh không áp dụng vào đây. Đối tượng của dây sắc lịnh đã ghi rõ là hành chánh nên không áp dụng cho chánh trị đạo.

5/- Linh tinh.

Đồng đạo thăm hỏi thêm về người thân nơi các địa phương.

6/- Kết thúc cuộc họp lúc 22 giờ.

Viết tóm lược: Nguyễn Hồng Phượng.

Công nhận vi bằng.

Ban Kiểm Soát Luật.
(Đã ký)
CTS: Nguyễn Hữu Khanh

Trưởng Ban Chấp Hành.
(Đã ký)
CTS: Võ Văn Quang.


NGUYÊN VĂN:

LỜI THƯA TRƯỚC.

Thông thường thì sưu tập một đề tài chi đều có phần giới thiệu mục đích biên soạn. Tài liệu này cũng trong thông lệ ấy.

Ban Thông Tin KNS biên soạn tài liệu để cùng nhau hiểu đúng và làm đúng Thánh Lịnh 257 của Đức Hộ Pháp: Hễ quyền trên của ai đã bị quỉ quyền truất phế thì dưới phải tiếp tục cầm quyền Thiêng liêng của Đạo... Nói cho cùng nước:  Chức sắc Thiên Phong mà bị bắt đi nữa thì dưới nầy các Bàn Tri Sự và Tín Đồ cùng công cử người thay thế cho họ.

Công cử người cầm quyền của đạo phải tổ chức tại Tòa Thánh Tây Ninh, và căn cứ vào Luật về Ba Hội Lập Quyền Vạn Linh để tổ chức. Khối Nhơn Sanh tự nguyện hiệp đồng với quý đồng đạo để mở Đại Hội Nhơn Sanh tại Tòa Thánh Tây Ninh nên biên soạn lại để nghiên cứu, thảo luận hầu tìm ra đáp án tối ưu cho công cuộc khôi phục Hội Thánh Anh.

Pháp của Đạo: Nhứt vi u ám tất giai văn (Một điểm nhỏ chưa sáng tỏ cũng phải làm cho rõ ràng, minh bạch) nên sau khi thảo luận thì đúc kết, công bố nhận định và chương trình hành động. Khởi sự từ công thức sau cùng trong Di Lặc Chơn Kinh: Giải Thể Phật (Xác định rõ mục tiêu, giải thích rõ ràng căn cứ vào đâu và cách tiến hành…). Chúng tôi hiểu sao nói vậy, không ngại ngùng gì mà che dấu sự yếu kém trước đồng đạo để cầu mong được sự chỉ giáo của các bậc thức giả.

Khối Nhơn Sanh xin lưu ý: 

1/- Châu Tri số 11 của Tòa Thánh do Đức Quyền Giáo Tông Thượng Trung Nhựt ban hành Pháp Chánh Truyền Chú Giải vào ngày rằm tháng 2 Tân Mùi (02.04.1931).

Mãi đến 23/12/1931 Đức Chí Tôn mới dạy về Ba Hội Lập Quyền.

Như vậy Ba Hội Lập Quyền không có trong Pháp Chánh Truyền mà có trong Thiên Thơ (là hai quyển Thánh Ngôn Hiệp Tuyển).

2/- Dây Sắc Lịnh của Thượng Phẩm, Hộ Pháp, Thượng Sanh và Thập Nhị Thời Quân trong Pháp Chánh Truyền Hiệp Thiên Đài là trong phạm vi Hành Chánh Đạo; nên không áp dụng qua bên Chánh Trị Đạo.

Nay kính.

Ngày 30/11/Canh Tý (DL: 12/01/2021)

Ban Thông Tin Khối Nhơn Sanh.

…ngày nào quyền-lực Chí-Tôn đặng hiệp một cùng Vạn-linh thì Đạo mới ra thiệt-tướng. (Đức Chí Tôn, 23/12/1931)