Trang

Chủ Nhật, 20 tháng 12, 2020

3295. CON ĐƯỜNG QUI NHỨT CƠ ĐẠO.

TIỂU LUẬN: CON ĐƯỜNG QUI NHỨT CƠ ĐẠO. 







 

 

 


 

 

 

 

 

Thái-Bạch hằng giận các con rằng: mọi điều chi nó đã hiệp đồng cùng Hộ-Pháp mà ban-hành, thì các con lại còn khi lịnh mà xem rẻ-rúng. Vậy thì từ đây hể có mạng-lịnh chi đã đủ hai đứa nó hạ-truyền thì các con phải hội đủ Nhơn-Sanh, Hội-Thánh và Thượng-Hội mà xét nét cho cặn-kẻ phân-minh, đặng thi hành phận-sự

(Đức Chí Tôn ngày 23 Décembre 1931. TNHT Q2.)

 

 

 

 

 “Chư Hiền Hữu Hiệp Thiên Đài về Đạo Nghị Định của Lão là phương pháp lúc trước để phổ độ Nhơn Sanh mà thôi. Hiện giờ cửa Đạo đã mở rộng, thì cơ qui nhứt thế nào cũng sẽ thực hiện được

(Đức Lý Giáo Tông, 17/10/Đinh Dậu, “DL: 08/12/1957”)

 

 

“Vậy ngày giờ đã gần đến, nên Bần đạo để lời khuyên cả Chức sắc và toàn đạo ráng thế nào thống nhất Đạo cho được, mới có đủ sức mạnh để làm gương cho vạn quốc”

(Đức Hộ Pháp 10/4/Giáp Thìn “1964”

 

 

Quyền của Đức Lý Giáo Tông và Đức Hộ Pháp hiệp lại là quyền Chí Tôn thuộc về Pháp nên có giá trị tuyệt đối.

 

 

 

 

 

MỤC LỤC

LỜI THƯA TRƯỚC.

TIẾN HÀNH QUI NHỨT.

A/- HAI THỜI KỲ PHÁT SINH CHI PHÁI. (T 7)

B/- GIẢI PHÁP QUI NHỨT. (T 8)

I/- Nhìn nhận ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ cùng một pháp nhân với sự thờ phượng cúng kiến duy nhứt. (T 8)

1/- Luật bản quyền Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo. (T 8)

2/- Đức Hộ Pháp trong Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo. Phần Thiên Đạo. Phần Thế Đạo. (T 9)

3/- Tuân y Pháp Chánh Truyền và Tân Luật. (T 10)

3.1/- Thiên Phục cho Chức Sắc, Chức Việc. (T 10)

3.2/- Phẩm Bàn Trị Sự. (T 10)

3.3/- Phước Thiện. (T 10)

3.4/- Ba Hội Lập Quyền Vạn Linh. (T 11)

II/- Điều số II. (T 12)

Thống nhất các danh từ ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ gồm có.

1/- Một Tòa Thánh duy nhất tại Tây Ninh. (T 12)

2/- Một Hội Thánh duy nhất Chưởng Quản nền Đạo. (T 13)

Tổ chức Hội Thánh.

Quyền Hội Thánh.

III/- Sáng tỏ Lời Minh Thệ hay tiền đề cơ bản của đạo. (T 13)

***: Lời Minh Thệ và Đạo Đức Kinh. (T 14)

***: Kết luận cho I và II:

 IV/- Hệ luận với các chi phái và xã hội. (T 15)

1/- Hội Thánh các Chi phái phải tôn trọng bản quyền Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo. (T 15)

1.1/ Hội Thánh Ban Chỉnh Đạo (Bến Tre). (T 16)

1.2/- Hội Thánh Cao Đài Truyền Giáo Miền Trung (Trung Hưng Bửu Tòa). (T 16)

1.3/- Cụ Đỗ Vạn Lý là nhân sự lãnh đạo CQPTGL. (T 17)

2/- Xã hội sẽ hiểu đúng. (T 18)

C/- CÙNG NHÌN MỘT HƯỚNG. (T 18)

1/- Diệt hình tà pháp. (T 18)

2/- Cường khai đại đồng. (T 20)

2.1/- Hiểu được lòng từ bi của Thầy: An bày cơ qui nhứt.

2.2/- Nhìn vào đại nghiệp đạo. (T 21)

TỔNG LUẬN: (T 22)

Đức LÝ THÁI BẠCH

Đức Hộ Pháp

ĐĐTKPĐ có thể pháp và bí pháp.

Giải Thể Phật theo nghĩa (vãng).

Bà Thất Nương Diêu Trì Cung:

Đức Hộ Pháp dạy.

Giải Thể Phật theo nghĩa (lai).

Hội Thánh Anh phải làm gì? (T 23)

1/- Ra công văn

2/- Hội Thánh Anh áp dụng luật bản quyền:

2.1/- Tự lập ra đàn cơ để tạo ra kinh để dùng.

2.2/- Hội Thánh các chi phải nhìn nhận sự thật ((T 24)

2.3/- CQPTGL cũng đã tham gia vào Hội Nghị Qui Nhứt

PHÁP LÝ & SỬ LIỆU CƠ QUI NHỨT

LÀ PHẦN HAI CỦA CON ĐƯỜNG QUI NHỨT.

(Link: https://khoinhonsanh2014.blogspot.com/2020/07/3259-phap-ly-va-su-lieu-co-qui-nhut.html#more)


LỜI THƯA TRƯỚC.

Ngày 08/01/Kỷ Dậu (DL: 24/02/1969) lúc 16 giờ Hội Thánh Cao Đài và Hội Thánh 14 chi đã họp khoáng đại tại Tòa Thánh Tây Ninh với nội dung: QUI NHỨT CƠ ĐẠO. Phiên họp kết thúc lúc 18 giờ 30 cùng ngày.

Ban Thông Tin Khối Nhơn Sanh tóm lược như sau:

Thành phần dự hội.

Chủ tọa là Đức Thượng Sanh Cao Hoài Sang Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài Tòa Thánh Tây Ninh.

Hội Thánh Hiệp Thiên Đài, Cửu Trùng Đài và Phước Thiện Tòa Thánh Tây Ninh

Đại diện 14 chi gồm có 72 vị: 50 Nam, 22 Nữ. Cụ Phan Khắc Sửu cựu Quốc Trưởng: Trưởng Phái Đoàn và Bác Sĩ Phạm Thành Nam Phó Trưởng Đoàn (Danh sách được ghi rõ và ký tên phần cuối vi bằng)

Diễn tiến phiên họp.

1/- Đồng nhi đọc Kinh Khai Hội theo nghi lễ Đạo.

2/- Đức Thượng Sanh tuyên bố lý do khai mạc cuộc hội. (1)

3/- Tiếp theo Giáo Hữu Ngọc Chánh Thanh đọc chương trình hội nghị gồm 09 điều (theo chương trình đính hậu). (2)

4/- Sau đó cụ Phan Khắc Sửu Trưởng Phái Đoàn Tam Giang phát biểu ý kiến. (3)

5/- Và tiếp đến cuộc thảo luận bắt đầu.

Quí Đại Diện lần lượt phát biểu ý kiến trong tinh thần cảm thông và cởi mở. Sau hai tiếng đồng hồ thảo luận sâu rộng.

6/- Toàn hội đồng thanh quyết nghị:

Thống nhứt về tinh thần đồng nhìn nhau một (Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ) chung thờ một chủ nghĩa công bình bác ái từ bi.

7/- Chủ tọa để lời cám ơn và truyền tụng Kinh Xuất Hội.

8/- Bế mạc vào lúc 18 giờ 30 phút cùng ngày.

PHẦN HAI: [[[(1), (2), (3): Xem vi bằng đầy đủ tại link:          https://khoinhonsanh2014.blogspot.com/2020/07/3259-phap-ly-va-su-lieu-co-qui-nhut.html#more]]]

TIẾN HÀNH QUI NHỨT.

Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ nói tắt là Đạo Cao Đài dụng Nho Tông Chuyển Thế. Biểu tượng cho Nho Giáo là Kinh Xuân Thu. Tinh túy của Kinh Xuân Thu dụng đạo lý làm khuôn thước để chính văn tự và định danh phận.

Nghĩa là căn cứ vào khuôn luật của đạo để nhận định về nhân vật, sự kiện hay thời đại và biện luận về nhiều phương diện để minh lý với chính mình (Diệu Minh Lý Phật). Khi đã cầu chứng với chính mình rồi mới viết thành văn tự rõ ràng minh bạch rồi công bố ra để phục vụ xã hội (lập ngôn). Ngôn từ minh bạch để đối tượng phục vụ, cộng đồng hiểu đúng, hiểu chính xác là chính danh. Một người hiểu đúng, nhiều người hiểu đúng sẽ tạo được sự đồng thuận qua ngôn từ và đi đến hành động đúng đạo lý là sự thành. (Nhứt vi u ám tất giai văn; Nhứt thiết chúng sanh thành chánh giác).

Trên bước đường phát triển của ĐĐTKPĐ có phát sinh ra nhiều chi phái là một sự thật đáng buồn, nhưng cũng là trường công quả cho người có ý chí qui nhứt cơ đạo.

Những người tham gia biên soạn tiểu luận này có thể không có may duyên để thực hiện nhưng sẽ để lại cho hậu tấn một tâm tình, một cách tiếp cận với Cơ Qui Nhứt của Hội Thánh ĐĐTKPĐ đã bị phủ mờ bởi lớp bụi thời gian hơn nữa thế kỷ.

Tiểu luận có 02 mục đích là giới thiệu cách thức tiếp tục thực hiện Cơ Qui Nhứt của Hội Thánh ĐĐTKPĐ và khua động hồi chuông qui nhứt để nhân sự các chi phái tự ý thức mà điều chỉnh bước đường công quả cho phù hợp với diễn tiến cơ qui nhứt: Thống nhất về tổ chức, về hành chánh, về danh hiệu… như điều kiện qui nhứt.

Do vậy nên sẽ đi ngay vào giải pháp (không đi vào nguyên nhân nào có chi phái). Giải pháp đề ra mang tính kế thừa công đức của tiền nhân, tính khả thi và tự chủ khi thực hiện không lệ thuộc vào bên ngoài cho nên hiệu quả là tất nhiên, kiểm chứng được.

Nghĩa là địa cầu 67 chỉ có MỘT ĐẠO CAO ĐÀI của Ngọc Đế, MỘT Hội Thánh ĐĐTKPĐ cầm quyền chưởng quản nền đạo, MỘT Tòa Thánh tại Tây Ninh, MỘT quyển Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo, cùng đi trên MỘT con đường thẳng của Đức Chí Tôn dạy để bước vào trường học của Trời: Hội Ngươn hữu Chí Linh huấn chúng, Đại Long Hoa nhơn chủng hòa ki (là cơ)…

Đạo tức là con đường thì con đường Đạo phải có đầy đủ luật lệ để chúng sanh đi trên đường Đạo được êm ái và không bị tai nạn.

 

A/- HAI THỜI KỲ PHÁT SINH CHI PHÁI.

Nhìn chung các chi phái ĐĐTKPĐ ra đời vào hai thời kỳ: thời kỳ có Hội Thánh ĐĐTKPĐ và thời kỳ Hội Thánh ĐĐTKPĐ bị giải thể. Cũng có thể chia các chi phái ra làm hai diện: một diện phát sinh từ cơ bút và một diện không do cơ bút. Tiểu luận chọn cách dễ phân biệt, dễ hiểu là thời kỳ có Hội Thánh ĐĐTKPĐ và thời kỳ Hội Thánh ĐĐTKPĐ bị giải thể.

Thời kỳ có Hội Thánh (1926-1979): hầu như các chi phái chỉ phát sinh trong lãnh thổ Việt Nam. Trong đó có 14 chi phái đã ngồi lại với Hội Thánh để thống nhất về Cơ Qui Nhứt. Thời kỳ nầy chỉ có ĐĐTKPĐ là có pháp nhân (1965), do chính quyền Việt Nam Cộng Hòa cấp. Các chi phái khác đều được tự do hoạt động nhưng không một nơi nào có pháp nhân. Tòa Thánh Tây Ninh là trung ương của ĐĐTKPĐ. (Xem hiến chương 1965)

Thời kỳ Hội Thánh bị giải thể (1979-?) là thời kỳ rất phức tạp, chúng tôi phát họa sơ lược về môi trường, địa lý và nhân sự để hình dung bức tranh tổng quát góp phần làm sang tỏ tiểu luận.

Chính quyền cộng sản đã có chủ trương xóa bỏ ĐĐTKPĐ nên đã tạo ra bản án ngày 20/7/1978 để lên án các chức sắc khai đạo là chống lại cộng sản, là phản quốc và ra Quyết Nghị giải tán hành chánh tôn giáo (13/12/1978). Chính quyền dùng cách bao vây Tòa Thánh Tây Ninh để diệt đạo. Thực hiện 20 năm bị thất bại.

Năm 1996 Chính quyền ra kế hoạch 01: lập ra chi phái tại Tòa Thánh Tây Ninh để làm công cụ diệt ĐĐTKPĐ. Ngày 9/5/1997 một chi phái ra đời tại Tòa Thánh Tây Ninh. Chính quyền đã lấy Tòa Thánh Tây Ninh giao cho chi phái 1997 và cho phép chi phái 1997 ăn cắp căn cước của ĐĐTKPĐ để lừa gạt tín đồ và thế giới.

Ông Nguyễn Thế Doanh Trưởng Ban Tôn Giáo Chính phủ ra công văn số 1068/TGCP. CĐ ngày 8/8/2008 v/v: Công nhận Hiến chương Cao đài Tây Ninh.

Kính gửi: Hội đồng Chưởng quản Hội thánh Cao đài Tây Ninh.

Căn cứ công văn số 4530/VPCP-NC, NGÀY 16/8/2002 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Ban Tôn Giáo Chính phủ được cho phép các phái Cao đài tổ chức Đại hội nhiệm kỳ và công nhận nhân sự của các Giáo hội Cao đài… (Dòng 6 trang 5, Hiến chương 2007).

Chính quyền Việt Nam cộng sản đã cấp pháp nhân cho nhiều chi phái, nhiểu tổ chức liên quan đến ĐĐTKPĐ hoạt động tôn giáo.

Thời kỳ nầy có nhiều chi phái phát sinh từ Việt Nam lẫn hải ngoại. Thường là nhân sự các chi phái có gốc từ Việt Nam ra sinh sống ở hải ngoại rồi lập chi phái mới độc lập với chi phái gốc của họ. Riêng với ĐĐTKPĐ một số Hiền Tài Ban Thế Đạo cũng lập ra một chi phái tại Hoa Kỳ.

Đặc biệt là Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý 171/b Cống Quỳnh (SaiGon) không phải là một chi phái nhưng đưa nhân sự (có cả đồng tử Nam và Nữ) ra hải ngoại để giúp cho các chi phái. CQPTGL đã tự khai là do cộng sản lập ra nên việc làm nầy phù hợp với chủ trương đảng: Gây chia rẻ, tạo mâu thuẩn để dễ bề thống trị.

B/- GIẢI PHÁP QUI NHỨT.

Nguyên tắc căn bản (bất di bất dịch): Vận dụng và áp dụng ĐIỀU KIỆN QUI NHỨT (ĐKQN) của Hội Thánh ĐĐTKPĐ đã công bố tại Tòa Thánh Tây Ninh với 14 chi phái ngày 08/01/Kỷ Dậu (DL: 24/02/1969) làm căn bản. Tại sao dùng đó làm căn bản?

Bởi vì ĐKQN là pháp lý, là tâm huyết của Hội Thánh ĐĐTKPĐ và Hội Thánh các chi; năm 1972 cũng đã có một số chi qui nhứt về Tòa Thánh Tây Ninh; đó là thành quả lớn lao hậu tấn phải thừa kế. BTT KNS nêu ra và phân tích vài qui định điển hình.

I/- Nhìn nhận ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ cùng một pháp nhân với sự thờ phượng cúng kiến duy nhứt. 

a/-  Thờ Thiên Nhãn 

b/- Kinh Lễ Tân Kinh (Thiên Đạo Thế Đạo).

c/- Tuân y Pháp Chánh Truyền và Tân Luật. (Hết trích)

Áp dụng điều số I.

1/- Luật bản quyền Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo.

Theo luật bản quyền chỉ có Hội Thánh ĐĐTKPĐ được quyền in kinh. Bảo vệ quyền in kinh có nghĩa là tạo môi trường cho ánh sáng chân lý đến với chúng sanh bằng đường thẳng, không bị che chắn bởi những bản kinh đã bị các chi phái lấy về xài và tự ý chỉnh sửa làm sai lạc ý nghĩa kinh văn, để vãn hồi bản sắc trong lành của đạo. Hội Thánh ĐĐTKPĐ có trách nhiệm giữ gìn kinh của thiêng liêng ban cho (Bảo); để dâng kinh cho nhân loại (Hiến); kinh được ban là kinh hữu tự là con đường là phương tiện để khai thị cho người học khai mở được kinh vô tự của chính mình (là khai mở bộ não) để người học vào trường học của Trời (Khai); nhân loại thấy được bản sắc trong lành, hiểu được ý nghĩa mới hoan hỉ tiếp nhận (Tiếp) Kinh Hữu Tự và tiếp tục khai mở Kinh Vô Tự. Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo là giọt nước Cam Lộ của Đức Từ Bi ban rưới nên Hội Thánh ĐĐTKPĐ có bổn phận gìn giữ nước đầu nguồn trong trẻo cho nhân loại phải được uống nguồn nước tinh khiết ấy.

Bìa kinh có ghi rõ: HỘI THÁNH GIỮ BẢN QUYỀN.

ĐĐTKPĐ theo nguyên lý từ hữu hình đến vô vi. Dùng nguyên lý đó để xét thì đủ hiểu rằng ĐĐTKPĐ chỉ có một bản kinh hữu tự (Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo) để khai kinh vô tự cho môn sinh.

(Link: https://khoinhonsanh2014.blogspot.com/2020/12/3294-khai-kinh-vo-tu.html#more)

Theo Đạo sử năm 1932 một số chức sắc ĐĐTKPĐ tách ra lập chi phái, khi đó chưa có Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo.

Mãi đến ngày 23 tháng 7 tới mùng 4 tháng 8 Ất Hợi (DL, 21 đến 31 tháng 8 năm 1935) Hội Thánh ĐĐTKPĐ mới được các Đấng ban cho Tân Kinh và dạy phối hợp với Kinh Tứ Thời Nhật Tụng trước đó tạo thành Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo. Hội Thánh in và phát hành lần đầu tiên năm 1936. Bìa kinh ghi rõ HỘI THÁNH GIỮ BẢN QUYỀN. Điều đó làm sáng tỏ: Đạo Cao Đài của Ngọc Đế chỉ có một cho nên không hề có nơi nào khác được ban kinh.

2/- Đức Hộ Pháp trong Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo.

Đức Hộ Pháp là đồng tử và cũng là tác giả nhiều bài kinh. Với nhiệm vụ đồng tử các bài kinh đều có sự phò cơ của Ngài. Với nhiệm vụ tác giả Ngài tham gia viết kinh ở cả phần Thiên Đạo và Thế Đạo. 

Phần Thiên Đạo: Kinh Giải Oan (Phạm Hộ Pháp).

Phần Thế Đạo: Kinh Thuyết Pháp,  Kinh Nhập Hội, Kinh Xuất Hội, Kinh Ra Đường, Kinh Khi Về, Kinh Khi Đi Ngủ, Kinh Khi Thức Dậy, Kinh Vào Học, Kinh Vào Ăn Cơm, Kinh Khi Ăn Cơm Rồi. Mười bài Kinh phần Thế Đạo viết thể Song Thất Lục Bát có Đức Chưởng Đạo Nguyệt Tâm Chơn Nhơn chỉnh văn lại. Như vậy chứng tỏ Thầy và các Đấng nhìn nhận Ngài là đồng tử, nhìn nhận trách nhiệm Ngài nên mới dạy viết Kinh và chỉnh văn. (Ngài viết 11 bài kinh ứng với 11 lễ phẩm trên bàn thờ Hộ Pháp)

Hiểu đạo sử như thế để xác định rằng Đức Chí Tôn và các Đấng Thiêng Liêng đều nhìn nhận Hội Thánh ĐĐTKPĐ tại Tòa Thánh Tây Ninh nên mới ban kinh. Chỉ có đàn cơ tại Tòa Thánh Tây Ninh mới có, đó là chứng cứ cho sự chính danh của Hội Thánh Cao Đài. Đó là chứng cứ rõ ràng Đạo Cao Đài của Ngọc Đế chỉ có một và tại Tòa Thánh Tây Ninh.

3/- Tuân y Pháp Chánh Truyền và Tân Luật.

Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo đã bị nhiều Hội Thánh lấy về và chế biến theo sự hiểu riêng làm sai lạc ý nghĩa kinh văn.

Nhưng với Tân Luật và Pháp Chánh Truyền vấn đề là các chi phái coppy về xài (không chế biến thành bản khác) nhưng giải thích tùy tiện và phiếm diện không phù hợp với ngôn ngữ luật pháp, không nhất quán từ A đến Z nên tất nhiên là gây ngộ nhận trong tín đồ. Bởi vì nếu giải thích đúng với Pháp Chánh Truyền Chú Giải là các chi phái tự thú nhận rằng các vị đã làm sai.

Pháp Chánh Truyền có trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển và Pháp Chánh Truyền Chú Giải có sự khác nhau rất rõ rệt và chính Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc đắc lịnh từ Thầy và các Đấng để chú giải và được chỉ dẫn để thêm vào cho nền đạo mà Hội Thánh các chi đều nhìn nhận và sử dụng. Chúng tôi liệt kê một số điều điển hình.

3.1/- Thiên Phục cho Chức Sắc, Chức Việc.

Pháp Chánh Truyền Chú Giải mới có đầy đủ đạo phục cho Chức sắc, Chức việc Cửu Trùng Đài. Hội Thánh các chi đã nhìn nhận nên đã đem về dùng.

3.2/- Phẩm Bàn Trị Sự.

Pháp Chánh Truyền có trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển hoàn toàn không có ba phẩm: Chánh Trị Sự, Phó Trị Sự và Thông Sự. Ba phẩm nầy hiệp lại là thành Bàn Trị Sự (Nam và Nữ) và cũng là Hội Thánh Em. Có đủ quyền hạn về chính trị (giáo hóa) và luật lệ trong địa phận được giao. Khi Đức Hộ Pháp Chú Giải PCT mới có 03 phẩm nầy. Có nghĩa là Ngài nhận lịnh trực tiếp để đưa vào.

3.3/- Phước Thiện.

Phước Thiện vốn không có trong Pháp Chánh Truyền. Đức Hộ Pháp chiếu theo Thiên Thơ (Thánh Ngôn Hiệp Tuyển) để lập ra Phước Thiện. Ngài cũng giải thích rõ Phước Thiện là Hội Thánh của Hộ Pháp.

(Xem link:  https://khoinhonsanh2014.blogspot.com/2017/07/2415-nhieu-co-quan-tu-thien-tho-ma-ra.htmlĐĐTKPĐmore)

Trong thể pháp tôn giáo Đức Ngài đã đem hai cuốn thiên thơ bố trí tại Bát Quái Đài, cung Khảm, chánh Nam do Đại tiên Lữ Đồng Tân trấn pháp.


(Thể pháp tại Bát Quái Đài và Cung Đạo, TTTN)

3.4/- Ba Hội Lập Quyền Vạn Linh.

Pháp Chánh Truyền thể hiện cho quyền Hành Chánh Tôn Giáo. Ba Hội Lập Quyền Vạn Linh thể hiện cho Chánh Trị Đạo.

Minh họa cho dễ hiểu thì một tuồng hát phải có kịch bản, có diễn viên… Ba Hội Lập Quyền Vạn Linh có trách nhiệm soạn ra kịch bản và kiểm soát xem bên hành chánh có thi hành đúng kịch bản hay không. Đó là căn bản để phân biệt Chánh Trị Đạo và Hành Chánh Đạo, còn tìm hiểu sâu và trong Ba Hội Lập Quyền Vạn Linh thể hiện cho: Tự do trong đạo đức và Dân chủ có nhân quyền.

Luật về Ba Hội Lập Quyền Vạn Linh hoàn chỉnh vào năm 1934. Khi các chi phái tách đi thì sau dó mới có Luật và Hội Thánh các chi cũng đã lấy về xài.

BTT KNS xin lưu ý rằng: Thiên nhãn Chí Tôn ban cho ĐĐTKPĐ không phải là Thiên Nhãn của Ngài Chiêu bên pháp môn. Đạo sử đã ghi rõ rằng khi Đức Chí Tôn đến dạy đạo cho ba vị: Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc và Cao Hoài Sang thì có dạy vẽ Thiên Nhãn để thờ và dạy thêm rằng Ngài Chiêu cũng đã thờ Thiên Nhãn. Khi đó hai bên chưa gặp nhau thì rõ ràng là đã có hai mẫu Thiên Nhãn khác nhau. Một điểm khác nữa là cách bố trí Thiên bàn của ĐĐTKPĐ cũng khác với Thiên Bàn bên pháp môn.

 II/- Điều số II.

Thống nhất các danh từ ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ gồm có:

a/-  Một Toà Thánh duy nhất tại Tây Ninh, còn các nơi khác gọi là Thánh Thất hay Thánh Tịnh.

b/- Một Hội Thánh duy nhất tại Tòa Thánh Tây Ninh cầm quyền Chưởng Quản nền Đạo. (Hết trích)

Áp dụng điều số II.

1/- Một Tòa Thánh duy nhất tại Tây Ninh.

Khi các vị chức sắc cao cấp tách ra lập chi phái (1932), Tòa Thánh Tây Ninh là một công trình còn dang dở, hầu như chỉ có cái móng. Sự tách ra thành lập các chi phái đã ảnh hưởng rất lớn đến việc xây dựng Tòa Thánh Tây Ninh.

Hoàn cảnh xã hội khi đó cực kỳ khó khăn, nhà cầm quyền Pháp lúc nào cũng nghi kỵ đạo chống Pháp cho nên đến năm 1941 thì Pháp vào Nội Ô Tòa Thánh bắt Ngài và một số Chức Sắc khác đày đi Madagascar (Phi Châu). Mục đích của Pháp là đày đi để giết chết, nhưng cơ Trời xoay chuyển nên sau khi Mỹ thả hai quả bom nguyên tử xuống đất Nhật (tháng 8/1945) để kết thúc thế chiến thứ hai thì Pháp bắt buộc phải đưa Ngài từ Madagascar trở về Tòa Thánh để hành đạo.

Nếu không có quyền năng của thiêng liêng vùa giúp thì Ngài đã bỏ xác ở Phi Châu. Nhờ có thiêng liêng trợ giúp nên mới có tiền để mua vật liệu, có công quả để xây dựng, có lương thực chi dùng… Đặc biệt là Đức Lý Giáo Tông đã trực tiếp chỉ dẫn để hoàn thành công trình chớ chẳng hề có họa đồ kiến trúc. 

Tòa Thánh Tây Ninh là Thể pháp của ĐĐTKPĐ chứ không phải là kiến trúc bình thường….

Thể pháp là phần hữu hình nhìn thấy được như: công trình kiến trúc  (bao gồm phương hướng, hình dáng, màu sắc), cách thức bố trí nguồn máy nhân sự hay hành chánh tôn giáo, kinh, sách, nghi lễ trong tôn giáo nhằm thể hiện triết lý của tôn giáo về vũ trụ, nhân sinh hay xã hội

(Link: https://khoinhonsanh2014.blogspot.com/2019/11/2942-cach-tim-hieu-ao-cao-ai.htmlĐĐTKPĐmore)

Tây Ninh là vùng đất được chọn và thiêng liêng đã dạy Hội Thánh ĐĐTKPĐ kiến thiết thủ đô tôn giáo trong (40 cây số vuông)

(Link: https://khoinhonsanh2014.blogspot.com/2020/07/3116-tuyen-tap-chon-phap-cao-ai-q1-tt-11.htmlĐĐTKPĐmore)

Chúng tôi đã trình ra vài dẫn chứng điển hình để khẳng định rằng: Đức Chí Tôn và các Đấng Thiêng Liêng đã giúp cho người đạo hiểu rằng: Chỉ có một Đạo Cao Đài Ngọc Đế tại Tòa Thánh Tây Ninh. Đức tin là sự nhận thức về chân lý. Chúng tôi cầu chứng với đức tin của mình là đủ, không cầu chứng với ai khác.

2/- Một Hội Thánh duy nhất Chưởng Quản nền Đạo.

ĐĐTKPĐ có Hội Thánh theo Pháp Chánh Truyền (cầm quyền hành chánh tôn giáo) và Hội Thánh theo Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo (không cầm quyền hành chánh).

Tiểu luận dùng chữ Hội Thánh theo nghĩa trong PCT.

Tổ chức Hội Thánh.

Bao gồm các chức sắc Hiệp Thiên, Cửu Trùng Nam, Nữ từ phẩm Giáo Hữu và các phẩm tương đương trở lên. Tổ chức Hội Thánh hiện nay không có địa điểm làm việc tại Tòa Thánh Tây Ninh, nhơn sanh muốn thỉnh giáo không có ai phúc đáp, muốn đến viếng thăm, học hỏi không có ai để tiếp; nghĩa là đã bị giải thể.

(Lưu ý: Hội Thánh Phước Thiện là của Hiệp Thiên Đài để giúp hay cho Cửu Trùng Đài, hành đạo theo Đạo Luật Mậu Dần 1938).

Quyền Hội Thánh.

Pháp Chánh Truyền Chú Giải dạy rõ: Còn một mặt tín đồ thì Hội Thánh vẫn giữ quyền Hội Thánh. Vậy Quyền Hội Thánh là gì?

Quyền Hội Thánh là các văn bản đã ban hành. Hội Thánh bị giải thể về tổ chức thì các văn bản ấy được bảo tồn, không ai có quyền thay đổi.

Tín đồ là người giữ Lời Minh Thệ, gìn giữ luật lệ Cao Đài. Luật lệ Cao Đài thể hiện qua văn bản Hội thánh đã ban hành. Khi người đạo tự nguyện, tự giác căn cứ vào văn bản của Hội Thánh để học đạo và hành đạo thì quyền của Hội Thánh vẫn còn đối với họ. Cho dù còn một người tôn trọng các văn bản ấy thì quyền hội Thánh vẫn còn.

III/- Sáng tỏ Lời Minh Thệ hay tiền đề cơ bản của đạo.

“Tên gì? Họ gì? Thề rằng: Từ đây biết một Đạo Cao-Đài Ngọc-Đế, chẳng đổi dạ đổi lòng, hiệp đồng chư Môn-Đệ, gìn luật lệ Cao-Đài, như sau có lòng hai thì Thiên-tru, Địa-lục.”

Chúng tôi phân tích vắn tắt:  Một Đạo Cao - Đài Ngọc - Đế có nghĩa là Đạo Cao Đài của Ngọc Đế lập CHỈ CÓ MỘT (không có cái thứ hai). Nếu có bất cứ nơi nào khác xưng danh Đạo Cao Đài thì đó là thứ hai, mà đã là thứ hai thì đó không phải là của Ngọc Đế lập. Khi có bất cứ một nơi nào khác xưng danh Đạo Cao Đài thì lập tức đoạn Một Đạo Cao - Đài Ngọc - Đế được kích hoạt để xác định ngay rằng đó không phải của Ngọc Đế. Vậy Đạo Cao Đài của Ngọc Đế lập năm nào? Tại đâu?

Đạo Cao Đài của Ngọc Đế tổ chức LỄ KHAI ĐẠO ngày 15/10/ Bính Dần (19/11/1926) tại Chùa Gò Kén làng Long Thành tỉnh Tây Ninh, Việt Nam.

***: Lời Minh Thệ và Đạo Đức Kinh.

Đạo Đức Kinh chương 39 viết:

" Thiên đắc nhứt dĩ thanh,
Địa đắc nhứt dĩ ninh,
Thần đắc nhứt dĩ linh,
Vạn vật đắc nhứt dĩ sinh,
Kỳ tri nhi nhứt giả,
Thiên vô dĩ vi thanh, tương khủng liệt,
Địa vô dĩ vi ninh, tương khủng phế,
Thần vô dĩ vi linh, tương khủng liệt,
Vạn vật vô dĩ vi sinh, tương khủng diệt ".

Ngài Tiếp Pháp Trương Văn Tràng giải thích: Trời đặng Một (Đạo) thì trong sáng, Đất đặng Một thì yên lặng, Thần đặng Một thì Linh Thiêng, muôn loài đặng Một thì sanh tồn. Đến như số Một (Đạo) nói đây, nếu: Trời chẳng đặng nó để làm cơ sở trong sáng thì e Trời phải vỡ, Đất chẳng đặng nó để làm cơ sở yên lặng thì e Đất phải lở, Thần chẳng đặng nó để làm cơ sở linh thì e Thần phải tản, muôn loài chẳng đặng nó để làm cơ sở sanh tồn thì e muôn loài phải dứt. (GIÁO LÝ)

Thượng Đế lập Đạo Cao Đài là lập ra địa cầu 67 cho nhơn loại. Địa cầu 67 chỉ có MỘT Đạo để nhân loại sống trong hòa bình, dân chủ, tự do.

Các chỉ dấu của địa cầu 67 trong thể pháp: Quả Càn Khôn là cảnh giới của Địa cầu 67 cho nên: Có một mặt trời (Thượng Trung Nhựt), có một mặt trăng (Ngọc Lịch Nguyệt), Có nhiều tinh tú nên có Thái Minh Tinh, Thái Nương Tinh (04 vị Đầu Sư; “coi về phần ĐẠO và phần ĐỜI của chư môn đệ Chí Tôn”). Quả Càn khôn còn có 3.072 ngôi sao (Ba ngàn Giáo Hữu và 72 Giáo Sư). Trong đó có Thiên nhãn ngự trên Sao Bắc Đẩu. Liệt kê như thế để thấy thể pháp QUẢ CÀN KHÔN tượng cho địa cầu 67 thể hiện cơ Đại Ân Xá của Đại Từ Phụ ban cho.

Hiểu chữ MỘT trong Lời Minh Thệ là hiểu bản sắc trong lành của đạo. Qui nhứt các chi phái chính là vãn hồi bản sắc trong lành của đạo.

Thầy đã QUI NGUYÊN TAM GIÁO là lời dạy, giáo lý của chư Phật, chư Tiên và chư Thánh để lập ra Đạo Cao Đài: Trong Tam Giáo có lời khuyến dạy…

Đạo Cao Đài gộp ngũ chi: Nhơn đạo, Thần đạo, Thánh đạo, Tiên đạo và Phật đạo lại thành một đạo duy nhất Đạo Cao Đài để thực thi NHƠN NGHĨA: Thâu các đạo hữu hình làm một.

Trong địa cầu 67 cũng có Kinh Dịch thời Tam Kỳ Phổ Độ: Bát Quái Đồ Thiên tại Bát Quái Đài. Theo đó Âm-Dương cũng sẽ định vị lại theo đạo lý. Âm: Phật Mẫu, Dương: Chí Tôn. Âm hay Dương đều cần thiết cho luân chuyển hóa sanh tùy dụng mà ra. Quân bình vật chất và tinh thần.

Kinh Dịch Hậu Thiên có 64 quẻ, chia ra Thượng Kinh (tinh thần) 30 quẻ, Hạ Kinh (vật chất) 34 quẻ. Nghĩa là vật chất lấn tinh thần. Đó Ngươn Tấn Hóa.

Tân Luật có 64 điều. Phần Đạo Pháp (có phân chương 32 điều), phần Thế Luật (24 điều) và Tịnh Thất (08 điều) cả hai không có phân chương và cộng lại là 32 điều. Nó như vạch liền và đứt trong Kinh Dịch. Nghĩa là âm và dương cân bằng (32/32). Chân cột trong Đền Thánh có 64 hạt chuỗi bao quanh. Đó là những chỉ dấu để biên soạn lại Kinh Dịch thời Tam Kỳ Phổ Độ (lập Ngươn Thánh Đức)

 Từ đó nhân loại tự chỉnh lý những thành kiến về Âm và Dương; về vật chất và tinh thần thời Trung Ngươn tranh đấu: Hậu Thiên Bát Quái cho phù hợp với nền văn minh mới.

Tiền nhân dụng lý âm dương (Đạo) tạo ra Kinh Dịch là nói về lẽ luân chuyển hóa sanh trong Trời Đất để con người theo đó mà vận hành cuộc sống cá nhân và xã hội thuận tùng với thiên lý (Đạo). Hậu học sống trong thời văn minh vật chất đã chuyển dịch trọng tâm sang chú trọng lợi và hại theo thế tục mà quên đi đạo lý. Bộ ba Thiên-Địa-Nhân bị phần Nhân làm cho sai lệch.

***: Kết luận cho I và II: Đạo Cao Đài của Ngọc Đế chỉ có một, và một đó tại Tòa Thánh Tây Ninh cả về thể pháp và bí pháp đúng như lời dạy của Đức Chí Tôn vào tháng 2/1927: Chi chi cũng tại Tây Ninh mà thôi…

IV/- Hệ luận với các chi phái và xã hội.

1/- Hội Thánh các Chi phái phải tôn trọng bản quyền Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo.

Cụ thể là phải rút các bài kinh được ơn trên ban cho Hội Thánh Cao Đài vào năm 1935 có trong Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo ra khỏi kinh của các Hội Thánh. Ngưng phát hành các quyển kinh vi phạm bản quyền. Chấm dứt việc tự ý lấy kinh về rồi chỉnh sửa văn tự, sắp xếp lại theo ý của các Hội Thánh như đã xảy ra. Hội Thánh Cao Đài có nghĩa vụ bảo vệ bản sắc trong lành của ĐĐTKPĐ.

Nói có sách, mách có chứng. Chúng tôi trình ra bản kinh của các Chi phái vi phạm bản quyền Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo.

1.1/ Hội Thánh Ban Chỉnh Đạo (Bến Tre) lấy một số bài trong Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo về chế biến thành Kinh Cúng Tứ Thời và Quan Hôn Tang Tế. Hội Thánh Bến Tre ban cho mình sứ mạng Chỉnh Đạo, vậy các vị cho rằng Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo của Hội Thánh Cao Đài sai với đạo nên các vị lấy về chỉnh cho đúng với đạo chăng?


(Trang bìa Kinh của Ban Chỉnh Đạo)

1.2/- Hội Thánh Cao Đài Truyền Giáo Miền Trung (Trung Hưng Bửu Tòa) lấy một số bài trong Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo về chế biến thành Kinh Tận Độ. Hội Thánh Miền Trung ban cho mình sứ mạng Trung Hưng nền đạo. Trong trường hợp sửa kinh nầy có phải quý Hội Thánh Trung Hưng cho rằng Hội Thánh Cao Đài làm cho suy sụp các bài kinh nên quý vị lấy về sửa lại để thi hành sứ mạng Trung Hưng chăng?


(Trang bìa Kinh của Hội Thánh Truyền Giáo)

Hậu tấn của quý Hội Thánh công bố sứ mạng thi hành Tân Pháp: Đem ĐĐTKPĐ nhập chung với Pháp Môn Cao Đài Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi có phải đang thi hành sứ mạng Trung Hưng song song với việc sửa kinh không?

1.3/- Cụ Đỗ Vạn Lý là nhân sự lãnh đạo CQPTGL đã tạo ra Kinh Tận Độ Thiên Đạo và Thế Đạo bằng cách lấy Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo của Hội Thánh ĐĐTKPĐ đem trộn lẫn với các thứ khác. Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo là của Hội Thánh ĐĐTKPĐ, một số chi phái đã lấy về chế biến ra xài mà không xin phép là vi phạm bản quyền cấp 1. Song các Hội Thánh ấy cũng chưa dám công bố chờ có một Hội Thánh khác để ban quyền cho cuốn kinh họ chế biến.



(Trang bìa Kinh của cụ Đỗ Vạn Lý)

CQPTGL sau ngày 30/4/1975 đã tự công bố rằng các điệp viên cộng sản lập ra để hoạt động thành, họ có nhiệm vụ nối kết các chi phái lại với nhau. CQPTGL xếp Hội Thánh Cao Đài là một chi phái. Vậy cụ Đỗ Vạn Lý tạo ra cuốn kinh như vậy hẳn nhiên để phục vụ cho nhiệm vụ của CQPTGL.

Đạo trưởng Đỗ Vạn Lý lấy Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo đem trộn với các kinh đã chế biến cấp một, nghĩa là cuốn kinh chế biến cấp hai rồi tuyên bố: Bổn kinh nầy, khi nào Đạo đã thống nhất và có một Hội Thánh, sẽ được đình chỉ ngay lập tức và hoàn toàn tu chỉnh theo lịnh của Hội Thánh Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ

Hội Thánh của cụ Đỗ Vạn Lý đề cập đây chính là Hội Thánh của CQPTGL muốn tạo ra, vì chính họ đã xếp Hội Thánh Cao Đài (ban hành Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo và giữ bản quyền năm 1936) là một chi phái. Khi biên soạn Lịch Sử Đạo Cao Đài CQPTGL đã thể viết rõ: TẤT CẢ ĐỀU LÀ CHI PHÁI… và họ có nhiệm vụ thống nhứt các chi phái.

Chính Hội Thánh ĐĐTKPĐ đã được ban kinh Kinh và viết rõ HỘI THÁNH GIỮ BẢN QUYỀN, Đạo trưởng Đỗ Vạn Lý là lãnh đạo của CQPTGL tự ý lấy ra chế biến rồi tuyên bố chờ lịnh của Hội Thánh ĐĐTKPĐ  của họ lập ra thật là phi pháp và phi lý.

Qua ba dẫn chứng trên đây cho thấy các chi phái và CQPTGL đã gây ra ngộ nhận rất nghiêm trọng về ĐĐTKPĐ.

2/- Xã hội sẽ hiểu đúng.

Khi tách ra khỏi Hội Thánh Cao Đài để lập ra chi phái các vị đều lập ra Hội Thánh. Mỗi Hội Thánh đều có đồng tử riêng, có đàn cơ riêng để làm nhiệm vụ; nhưng các đàn cơ đó không được thiêng liêng ban cho kinh là một sự thật hiển nhiên. Sự thật đó có nghĩa là: Thiêng liêng không nhìn nhận các chi phái và sắp xếp để các chi phái phải quay về cái gốc tại Tòa Thánh Tây Ninh.

Ơn trên chỉ ban kinh cho Hội Thánh ĐĐTKPĐ tại Tòa Thánh Tây Ninh chính là dùng Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo để xác định rằng: Hội Thánh tại Tòa Thánh Tây Ninh làm đúng với chánh giáo chơn truyền. Điều đó nhất quán với lời lời Minh Thệ và lời Thầy dạy: Chi chi cũng tại Tây Ninh đây mà thôi.

C/- CÙNG NHÌN MỘT HƯỚNG, CÙNG ĐI MỘT ĐƯỜNG

Chánh pháp và tà pháp luôn song hành với nhau trong tôn giáo và xã hội. Cho nên ĐĐTKPĐ cũng nằm trong qui luật đó. Khi Hội Thánh ĐĐTKPĐ hiệp với Hội Thánh các chi bàn việc qui nhứt thì quỉ vương cũng tìm thế phá Cơ Qui Nhứt.

1/- Diệt hình tà pháp.

Muốn diệt tà pháp trước hết phải căn cứ vào việc làm của họ để nhận diện và công bố. Trong tiểu luận nầy chúng tôi chỉ ra một điển hình: CQPTGL 171/B Cống Quỳnh Sai Gon. CQPTGL có lý lịch rất đặc biệt về năm thành lập, danh hiệu và những đánh phá điển hình.

CQPTGL 171/B Cống Quỳnh SG (ảnh internet)

Về năm thành lập của họ lúc thì 1962, lúc thì 1964, cũng có khi là 1966… Về danh hiệu họ cũng thay đổi liên tục từ  Ban Phổ Thông Giáo Lý Liên Quan Hành Đạo, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam rồi hiện nay là Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo.

Tại sao họ phải thay đổi năm thành lập và danh hiệu như vậy?

Bởi vì ngay từ ban đầu CQPTGL do các điệp viên cộng sản lập ra để hoạt động thành nên phải trồng tên tráo tuổi để xóa dấu vết và che mắt xã hội.

Về phương diện tôn giáo cán bộ cộng sản lập ra CQPTGL là để phá hoại tôn giáo. CQPTGL đã tự khai rằng họ là dùng cơ bút để lập ra nhiều chi phái Cao Đài để phục vụ cho đảng trong chiến tranh. Quan điểm của CQPTGL về ĐĐTKPĐ y khuôn như Bản Án ngày 20/7/1978 của chính quyền cộng sản. Như vậy CQPTGL lập ra là để đánh phá Đạo Cao Đài. Một trong nhưng cách phá hoại hữu hiệu nhứt là cài người vào để nắm rõ công việc rồi tùy cơ mà phá.

Căn cứ vào hành tàng của ông Đinh Văn Đệ (điệp viên cộng sản bí danh U4) cài vào chính quyền Việt Nam Cộng Hòa để hiểu qua tôn giáo. Ông Đệ vào vai Dân biểu Việt Nam Cộng Hòa để nắm Chủ tịch Ủy ban quốc phòng Hạ Viện. Từ vị trí đó nắm tin và kế hoạch quân sự của VNCH để báo cho cộng sản biết. Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa giao cho ông Đệ sang Mỹ điều trần để xin viện trợ và điệp viên U4 thừa thế tìm cách để Mỹ cắt luôn viện trợ.

Năm 1969 Hội Thánh Cao Đài và Hội Thánh 14 chi thống nhất ĐIỀU KIỆN QUI NHỨT. Ngày 30/11/1972 mở Hội Nghị tại Nội Ô Tòa Thánh Tây Ninh. Ông Đinh Văn Đệ và Đạo trưởng Chí Thành (Nguyễn Quang Sanh, cán bộ cộng sản) cũng tham gia. Cả hai cán bộ cộng sản xin làm Thư Ký cho Hội nghị. Như vậy hai cán bộ cộng sản nầy xin làm Thư Ký để phụng sự cho đảng cộng sản hay cho đạo?

(https://khoinhonsanh2014.blogspot.com/2020/10/3291-hoi-nghi-thong-nhut-cac-chi-phai.htmlĐĐTKPĐmore)

U4 đã tương kế tựu kế để đưa ra một đường lối qui nhứt do chính CQPTGL làm đầu: Qui nhứt bằng cái miệng là được và đủ.

Cho đến khi chúng tôi viết tiểu luận nầy thì chính quyền cộng sản cũng xác định đảng chưa bao giờ chủ trương thống nhất các chi phái Cao Đài. Ngày nay chúng tôi công bố ra để CQPTGL tự bảo vệ họ trước công luận.

 



2/- Cường khai đại đồng.

2.1/- Hiểu được lòng từ bi của Thầy: An bày cơ qui nhứt.

Khi mới khai đạo có nhiều chức sắc thiên phong là các quan lại thời Pháp thuộc. Chủ nghĩa của Đạo Cao Đài là đoàn kết, thương yêu (hiệp đồng). Đạo dùng 05 phương án: gia cư, mưu sinh, giáo huấn, kiến thiết và tôn giáo để nâng cao dân đức, dân trí, dân sinh. Đạo chủ trương làm cho dân mạnh để xây dựng xã hội hòa bình, dân chủ, tự do. Đó là những điều mà nhà cầm quyền Pháp e ngại. Do vậy chính quyền tạo áp lực để các vị chức sắc thiên phong phải tách ra thành chi phái.

Các vị tiền bối đã rất đau khổ khi tách lập chi phái, Thầy và các Đấng hiểu sự đau khổ ấy nên ban Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo cho Hội Thánh tại Tòa Thánh Tây Ninh, đồng thời dạy xây dựng Tòa Thánh Tây Ninh đó là 02 đặc ân dễ nhận ra để giúp cho các môn đệ giữ tròn Lời Minh Thệ: quay về với Đạo Cao Đài Ngọc Đế qua đó thể hiện sự thông hiểu nổi đau khổ của tiền nhân.

Nhân sự lãnh đạo các chi phái cần nên thấy được sự từ bi của Đại Từ Phụ: Ngài an bày cho môn đệ qui về một mối; để làm tròn Lời Minh Thệ: Có một đạo Cao Đài Ngọc Đế.



2.2/- Nhìn vào đại nghiệp đạo.

Đạo thực hành NHƠN NGHĨA để hữu sản hóa người đạo, người dân về vật chất lẫn tinh thần để xây dựng xã hội hòa bình dân chủ tự do. Hội Thánh ĐĐTKPĐ thi hành lời dạy của Đức Chí Tôn: Đạo và chính trị chẳng có buổi liên hiệp cùng nhau. Hội Thánh có lập trường ba không: không chống chính quyền, không theo chính quyền và không tham gia chính quyền.

Sau ngày 30/4/1975, Hội Thánh ĐĐTKPĐ không chấp nhận việc chính quyền chi phối sự thăng thưởng và điều động nhân sự của chính quyền tại nghị quyết 297 nên tự chủ: ngưng cơ bút cầu phong và cầu thăng tại Cung Đạo (31/1/1978). Nhà cầm quyền không hài lòng nên ra Bản án ngày 20/7/1978 và sau đó ra quyết nghị giải tán hành chánh tôn giáo 5 cấp. Hội Thánh ĐĐTKPĐ không chống chính quyền nên giải tán hành chánh 5 cấp và không theo chính quyền nên tự chủ lập ra hành chánh tôn giáo 2 cấp. Đến năm 1997 thi một chi phái 1997 ra đời và chiếm Tòa Thánh Tây Ninh của ĐĐTKPĐ.

Đạo dành cho cả chúng sanh. Hiện nay Hội Thánh Anh của ĐĐTKPĐ bị giải thể như vậy sự nghiệp đạo còn hay mất là do sự ý thức của toàn đạo; nhân sự các chi phái cần vượt lên khỏi những suy nghĩ cục bộ lo cho chi phái mình mà nên ý thức rằng tiền nhân của 14 chi đã hiểu và nhìn nhận ĐIỀU KIỆN QUI NHỨT để nhìn vào ý chí tiền nhân cùng lo khôi phục lại Hội Thánh Anh tại Tòa Thánh Tây Ninh

Theo triết lý Cao Đài Giáo, Đạo là con đường. Thầy lập ĐĐTKPĐ là mở một con đường. Con đường ấy có pháp luật đạo làm khuôn thước. Người đạo là hành khách đi trên đó. Tùy vào căn duyên mà chọn phương tiện cho phù hợp, dù chọn phương tiện nào cũng phải theo luật đi đường.

ĐĐTKPĐ là một tôn giáo pháp quyền. Từ phẩm Đạo Hữu cho đến Giáo Tông đều hành xử theo khuôn khổ pháp luật. Đức Lý Giáo Tông dạy rất rõ trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển (Thiên thơ của đạo): … Đừng vì cơ đạo chinh nghiêng mà buộc Lão phải tùng đời… hay … nên thì để hư thì bỏ… Pháp Chánh Truyền Chú Giải: … còn một mặt tín đồ Hội Thánh cũng giữ quyền Hội Thánh... Quyền Hội Thánh chính là các công văn mà Hội Thánh đã ban hành. Nghĩa là Hội Thánh ĐĐTKPĐ sẽ tuân y theo qui định về kiến trúc và nhân sự tôn giáo. Người đạo cần có tầm nhìn và sự kiên định để khỏi phí phạm công quả của chính mình và của nhơn sanh về mọi phương diện: kiến trúc, qui hoạch và nhân sự…

TỔNG LUẬN:

Đức LÝ THÁI BẠCH NHỨT TRẤN OAI NGHIÊM kiêm Giáo Tông ĐĐTKPĐ dạy tại Cung Đạo tại Đền Thánh đêm 17/10/Đinh Dậu (DL: 08/12/1957): “Chư Hiền Hữu Hiệp Thiên Đài về Đạo Nghị Định của Lão là phương pháp lúc trước để phổ độ Nhơn Sanh mà thôi. Hiện giờ cửa Đạo đã mở rộng, thì cơ qui nhứt thế nào cũng sẽ thực hiện được

Đức Hộ Pháp dạy tại Giáo Tông Đường đêm mùng 10 tháng 4 năm Giáp Thìn (1964) có Đức Thượng Sanh, Chức sắc Hiệp Thiên, Cửu Trùng, Phước Thiện Nam Nữ hầu đàn: “Vậy ngày giờ đã gần đến, nên Bần đạo để lời khuyên cả Chức sắc và toàn đạo ráng thế nào thống nhất Đạo cho được, mới có đủ sức mạnh để làm gương cho vạn quốc”

Cả hai lời dạy trên đã được Hội Thánh Cao Đài đưa vào khóa Hạnh Đường Giáo Hữu 1974.

Quyền của Đức Lý Giáo Tông và Đức Hộ Pháp hiệp lại là quyền Chí Tôn thuộc về Pháp nên có giá trị tuyệt đối.

Thái-Bạch hằng giận các con rằng: mọi điều chi nó đã hiệp đồng cùng Hộ-Pháp mà ban-hành, thì các con lại còn khi lịnh mà xem rẻ-rúng. Vậy thì từ đây hễ có mạng-lịnh chi đã đủ hai đứa nó hạ-truyền thì các con phải hội đủ Nhơn-Sanh, Hội-Thánh và Thượng-Hội mà xét nét cho cặn-kẽ phân-minh, đặng thi hành phận-sự (Tây-Ninh, Thảo-xá Hiền-Cung, ngày 23 Décembre 1931. TNHT Q2.)

ĐĐTKPĐ có thể pháp và bí pháp. Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo là Thể pháp. Tòa Thánh Tây Ninh là Thể Pháp. Bộ máy hành chánh tôn giáo là Thể Pháp. Thể pháp là khởi điểm để hướng về bí pháp. Khi các chi phái tách ra thì thiêng liêng đã dạy Hội Thánh ĐĐTKPĐ xây dựng hoàn chỉnh thể pháp gốc và định hình các thể pháp quan trọng khác trong 40 cây số vuông. Thể pháp chính là sự xác định của thiêng liêng về tính chính danh của Hội Thánh ĐĐTKPĐ.

Hội Thánh Anh tại Tòa Thánh Tây Ninh từ ngày khai đạo đến ngày giải thể là do Thiên thượng lập ra. Hội Thánh Anh đã xây dựng xong tòa nhà thể pháp thì thực hiện công thức sau cùng của Di Lặc Chơn Kinh: Giải Thể Phật theo nghĩa (vãng).

Bà Thất Nương Diêu Trì Cung: Chớ chi thất tại tà-quyền, thì có mấy em trừ-khử, nhưng tại nơi đồng-tử thì mấy em không phương giải nạn cho mấy người mê-tín… (Ngày 9-4 Giáp-Tuất “1934” TNHT Q2). Theo đó Hội Thánh Cao Đài ngưng cơ bút (31/1/1978), để cho tà quyền lập ra chi phái 1997, bắt banh vàng, xanh, đỏ tại Cung Đạo thay cho cơ bút ấy là cách Thiêng Liêng giúp trừ khử tà quyền.

Đức Hộ Pháp dạy: … xây dựng xong Tòa Thánh Tây Ninh Bần đạo sẽ rút dàn trò ra chính là ẩn ý: Hội Thánh ngưng cơ bút cầu phong, cầu thăng (1978) để bảo toàn giá trị chức sắc Thiên phong và giá trị thiêng liêng của đạo.

Tới đây người Đạo Cao Đài sẽ căn cứ vào pháp luật đạo để giải thích, trình bày ra thể thức khôi phục lại Hội Thánh Anh. Nghĩa là Thiên Hạ bắt đầu từ công thức cuối cùng của Di Lặc Chơn Kinh để xây dựng lại Hội Thánh Anh là Giải Thể Phật theo nghĩa (lai).

Hội Thánh của Thiên Thượng và Thiên Hạ lập ra sẽ đủ âm dương; đó là môi trường là tài nguyên để năng lực của âm dương bộc phát và ngọn cờ cứu thế của ĐĐTKPĐ tung bay trong khổ hải để thực thi sứ mạng: Tạo lập nên văn minh mới.

Một trong những quyết sách là: Nhơn Sanh, Hội Thánh và Thượng Hội (Ba Hội Lập Quyền Vạn Linh của ĐĐTKPĐ) phải tiếp tục thực hiện Cơ Qui Nhứt mà Đức Lý Giáo Tông, Đức Hộ Pháp đã dạy qua cơ bút. Hội Thánh ĐĐTKPĐ đã vạch xong con đường qui nhứt (1969); hậu tấn căn cứ vào pháp lý, sử liệu để lại mà thực hiện.

Hội Thánh Anh phải làm gì?

1/- Ra công văn mời thỉnh Hội Thánh các chi về thảo luận việc tiếp tục thực hiện Cơ Qui Nhứt. Các Hội Thánh có toàn quyền để hợp tác và không hợp tác.

2/- Hội Thánh Anh áp dụng luật bản quyền: thông báo là Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo của ĐĐTKPĐ đã ghi rõ HỘI THÁNH GIỮ BẢN QUYỀN và Hội Thánh có bổn phận bảo vệ bản quyền. Những nơi tự ý đem Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo đã có bản quyền về chế biến ra thành những tên khác để xài là vi phạm bản quyền. Các biện pháp cụ thể sẽ được thực hiện; khi đó Hội Thánh các chi sẽ quyết định con đường của họ.

2.1/- Tự lập ra đàn cơ để tạo ra kinh để dùng. Đây là điều mà tiền bối của các chi phái đã không thực hiện. Ngày nay chúng tôi tin rằng hậu tấn các vị cũng không dám tự lập ra Kinh để dùng.

2.2/- Hội Thánh các chi phải nhìn nhận sự thật rằng tiền bối của quý vị đã làm đúng khi cùng ngồi lại với Hội Thánh Cao Đài để lập ra ĐIỀU KIỆN QUI NHỨT; vậy hậu tấn phải tiếp tục.

2.3/- CQPTGL cũng đã tham gia vào Hội Nghị Qui Nhứt tại Tòa Thánh Tây Ninh vào năm 1972. Nếu hậu tấn thuận tùng là tốt; còn như cứ khư khư rằng quý vị có sứ mạng được ơn trên giao phó là Qui Nhứt Chi Phái theo cách của quý vị thì Hội Thánh Cao Đài cũng sẽ có quyết sách thích hợp.

Chúng tôi xin nhắc lại một lần nữa rằng: Thầy và các Đấng muốn môn đệ giữ trọn LỜI MINH THỆ nên ban Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo cho Hội Thánh Cao Đài tại Tòa Thánh Tây Ninh là đã an bày CƠ QUI NHỨT ngay từ 1935./.

Ngày 08/11/Canh Tý.

(DL: 21/12/2020.)

Ban Thông Tin Khối Nhơn Sanh.

 

PHÁP LÝ & SỬ LIỆU CƠ QUI NHỨT

LÀ PHẦN HAI CỦA CON ĐƯỜNG QUI NHỨT.

(Link: https://khoinhonsanh2014.blogspot.com/2020/07/3259-phap-ly-va-su-lieu-co-qui-nhut.html#more)