Trang

Chủ Nhật, 20 tháng 12, 2020

3294. KHAI KINH VÔ TỰ.

 

NHỜ KINH HỮU TỰ KHAI KINH VÔ TỰ.

“Từ hữu hình tiến đến vô vi”

 

Đạo học xưa nay vẫn có nhiều câu chuyện lý thú và sâu sắc về Kinh Hữu Tự & Kinh Vô Tự. Một trong những câu chuyện ấy là việc Thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh và được ban Kinh Vô Tự. Sau khi mang về thì phát hiện ra KINH KHÔNGCÓ CHỮ nên quay lại kêu nài. Phật Thích Ca dạy rằng xứ Đông Độ không xài Kinh Vô Tự được, phải đổi lại Kinh Hữu Tự. Phật truyền ban Kinh Hữu Tự cho các vị mang về.


Trong câu chuyện từ Kinh Vô Tự chuyển sang Kinh Hữu Tự Tiên sinh Ngô Thừa Ân đã thể hiện nguyên lý của thời Nhị Kỳ Phổ Độ: Đạo đi từ vô vi xuống đến hữu hình.

Kinh Thiên Đạo & Thế Đạo của Hội Thánh Cao Đài ban hành lần đầu tiên năm 1936 phần Thiên Đạo & Thế Đạo đều có đề cập đến Kinh Vô Tự. Vậy Kinh Vô Tự là gì?


(Bìa Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo)

Trước hết cần hiểu nguyên lý của Tam Kỳ Phổ Độ là Đạo từ hữu hình để đi lần đến vô vi.

Đạo tức là con đường... Đường về với Thầy chỉ có một đường thẳng mà có hằng hà sa số đường cong. Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo là cẩm nang để người đạo theo con đường thẳng của Thầy bày ra mà học đạo và hành đạo. Việc học đạo và hành đạo cũng theo nguyên lý từ hữu hình đến vô vi; trong trường hơp nầy là từ Kinh Hữu Tự tiến đến KHAI KINH VÔ TỰ CỦA CHÍNH MÌNH.

Chơn truyền của Chí Tôn đại kỵ những điều ảo ảnh. Do vậy chúng ta phải nhìn vào các cột mốc, các chỉ dẫn của Kinh mà đi đúng con đường thẳng của Thầy dạy. Thường thì bài toán đơn giản chỉ có một đáp số đúng mà có hằng hà sa số đáp số sai. Còn với bài toán phức tạp như một phương trình thì có nhiều ẩn số là đương nhiên.

Trong Video nầy chúng tôi theo nguyên lý của đạo là hiểu Kinh Vô Tự theo cách đơn giản nhất nghĩa là chọn bài toán đơn giản từ những câu có trong Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo.

Xin giới thiệu các cột mốc nhìn thấy được để cùng lưu ý:

1/ Nhận Kinh Hữu Tự.

Bài Kinh Khi Đã Chết Rồi câu 5, 6: Dưới chín lớp liên thần đưa bước, Trên hồng quang phủ phước tiêu diêu... chín lớp đây chúng tôi hiểu là chín bài Kinh Cửu cho người đạo học và thi hành khi còn sống và khi đã bỏ xác phàm.

Khi học Đệ Tam Cửu (lớp 3): ... Cung Như Ý Lão Quân tiếp khách, Hội Thánh minh giao sách Trường xuân. Thanh quang rỡ rỡ đòi ngàn, Chơn hồn khoái lạc lên đàng vọng thiên (câu 8-12).

Cung Như Ý là do ý muốn của của người đạo có nhu cầu học đạo nên được Lão Quân tiếp đón. Lão Quân là đấng mở Tiên đạo, mà chủ yếu chủ yếu là khai sáng trí tuệ là tu tâm dưỡng tánh nên tiếp nhận người muốn học. Hiểu Lão Quân là một Đấng cũng đúng và hiểu Lão Quân là biểu tượng của trí huệ cũng đúng.

Lão Quân sẽ giao kinh sách có sự kiểm duyệt, có sự xác minh của Hội Thánh cho người học. Hội Thánh thay mặt cho Đức Chí Tôn lo cho môn sinh về đường đạo và đường đời nên có nhiệm vụ TUYỂN KINH PHẬT cho người đạo. Kinh sách ĐĐTKPĐ phải có sự kiểm duyệt của Hội Thánh bởi vì kinh sách rất nhiều người học đâu thể biết chơn hay giả.

Nhứt Cửu, Nhị Cửu, Tam Cửu giải quyết phần thể xác nên cuối Tam Cửu đề cập đến phần chơn hồn. Khoái lạc của chơn hồn thiên về tinh thần, về những điều cao thượng khác hẳn với khoái lạc của thể xác vì khối hình hài đã chịu rã tan.

2/ Khai Kinh Vô Tự.

Nhận kinh rồi về học cho đến Đệ Ngũ Cửu (lớp 5): Lần vào cung Ngọc diệt hình, Khai Kinh Vô Tự đặng nhìn quả duyên. Đắc văn sách thông thiên định địa, Phép huyền công trụ nghĩa hoá thân...

Cung Ngọc có nhiều nghĩa, một nghĩa thích hợp là Ngọc Chẩm (óc), khi đó người học kinh sách đã nhập tâm, ý nghĩa của Kinh Sách đã được bộ não tiếp nhận và nâng cấp, hiểu được nguyên lý nào để có Kinh Sách. Hiểu được văn tự là phương tiện để chuyên chở đạo pháp nhờ có văn tự hiểu được đạo pháp, cứu cánh của văn tự là đạo pháp hiểu được đạo pháp thì tự nhiên phát ra bằng lời như một phản xạ không câu thúc bởi văn từ.

Lời bộc phát từ trong đạo pháp nên phù hợp với pháp luật tôn giáo, phù hợp với Luật Tấn Hoá và Luật Phụng Sự chính là KINH VÔ TỰ.

Có Kinh Vô Tự trong tâm tánh là Đắc văn sách thông thiên định địa... nghĩa là hiểu đến mức thâm sâu bộ ba: Thiên (thời), Địa (lợi), Nhân (hoà) để tuỳ thời hành đạo. Đó là từ KINH HỮU TỰ CHUYỂN HOÁ THÀNH KINH VÔ TỰ. ĐĐTKPĐ dạy rằng nhờ thể pháp hiểu được bí pháp.

Thời Nhị Kỳ Phổ Độ Đức Thích Ca chỉ trăng và dạy rằng nhìn theo tay Ta thì thấy trăng chứ tay Ta không phải là trăng, nghĩa là chân lý, là đạo pháp rất xa xôi.



(Ngón tay chỉ trăng, ảnh internet)

Đến Tam Kỳ Phổ Độ bàn tay Thầy cầm cân công bình, trong thể pháp tại Bao Lơn Đài ngón tay Thầy chỉ xuống, nghĩa là chân lý Thầy đã đem xuống thế gian này, không còn xa xôi nữa.

 (Ảnh Cây Cân Công Bằng tại TTTN, ngón tay chỉ xuống)

3/ Hiệu quả của Kinh Vô Tự.

Kinh Thiên Đạo bài Đệ Tam Cửu và Đệ Ngũ Cửu đã chỉ ra Kinh Hữu Tự dến Kinh Vô Tự. Sang Kinh Thế Đạo, bài Kinh Nhập Hội. Câu 20: Câu Kinh Vô Tự độ người thiện duyên.

Kinh Thế Đạo là những công thức, những phương pháp hành đạo trong tổ chức tôn giáo và trong Đạo Nhơn Luân. Nghĩa là từ triết lý, từ lý thuyết chuyển hóa thành nghi lễ, việc làm cụ thể.

Theo Thế Luật thì nhập môn cầu đạo là có bổn phận hành đạo. Hành đạo là phổ độ, phổ độ là bày ra để độ, muốn độ được người thì giáo lý, pháp luật, lễ nghi… phải nhập tâm để hiểu được đạo pháp. Lời nói phát xuất từ đạo pháp dù đơn sơ, mộc mạc vẫn có thần, có sức hút để giúp cho tha nhân. Đó là tác dụng, là hiệu quả của Kinh Vô Tự.

Kinh Sách là vật chất hồn, khi người đạo đưa nghĩa lý vào bộ não, vào tâm hồn phụng sự thì nó thăng hoa thành Kinh Vô Tự và bộc phát ra thì đã thổi nhơn hồn vào đó. Nhơn hồn mới tác động lên nhơn hồn hữu hiệu, mới độ được Thiện Nam Tử và Thiện Nữ Nhân. Trong nhiệm kỳ của ĐĐTKPĐ thì hữu hình đi đôi với vô vi nên khi có Kinh Hữu Tự thì có Kinh Vô Tự. Có Bạch Ngọc Kinh hữu hình thì có Bạch Ngọc Kinh vô vi ngay trước Đền Thánh. Có Cửu Viện thì có Cửu Vị Tiên Nương đở đầu. Khi nhân sự hành đạo thì các Đấng Thần, Thánh, Tiên, Phật trợ giúp cho người hành đạo.

Bài kinh Đệ Bát Cửu: …Cung Diệt Bửu ngọc rèm đã xủ, Nghiệp hữu hình tượng đủ vô vi (câu 9, 10) hay Kinh Thuyết Pháp câu 4-8  Đại Từ Phụ hồng ân rưới khắp, Trợ giúp con lập đặng nên công. Muốn cho thiên hạ đại đồng, Lấy câu cứu khổ dụ lòng thương sanh….. đều dạy hữu hình đi đôi với vô vi.

Xứ Đông Độ không xài Kinh Vô Tự là câu chuyện thời Nhị kỳ là phù hợp với nguyên lý của Nhị Kỳ. Sang Tam kỳ Chí Tôn mở cơ ĐẠI ÂN XÁ nên ban cho Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo để môn đệ học hỏi rồi mỗi người KHAI KINH VÔ TỰ của chính mình trên đường học đạo và hành đạo.

Dĩ nhiên đây là căn cứ vào nguyên lý ĐĐTKPĐ và Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo để phát thảo vài nét chấm phá để cùng nhau hiểu rằng Kinh Hữu Tự là hữu dụng, Kinh Vô Tự là diệu dụng.

Nét chấm phá ấy hoàn toàn phù hợp với Lời Thuyết Đạo của Đức Hộ Pháp dạy người đạo phải tìm phương lập vị… vào ngày rằm tháng Giêng năm Canh Dần 1950 tại Đền Thánh: … mượn mảnh hình hài xác thịt này làm con thuyền Bát Nhã độ thế cứu đời, lấy cả khối trí óc tinh thần này làm câu kinh vô tự đặng chuyển cả tinh thần loài người tiến tiến triển trên mặt nhơn đạo của họ, đặng bảo thủ cái sống còn trên mặt thế gian nầy, đem mảnh thân nầy đưa trong tay Đức Chí Tôn cho Ngài lập phương cứu khổ…

Văn bất tận ngôn, ngôn bất tận ý, được ý thì hãy quên lời.

Mừng thay, mừng thay... ân phước Thượng Đế ban cho nhân loại trong thời Đại Ân Xá.

Dương Xuân Lương

13/12/2020.