VNTB – Huệ Khải khoe sừng thỏ
(VNTB) – Ông Huệ Khải viết: Ngô tiền bối truyền lại thánh tượng Thiên nhãn, hướng dẫn cách sắp đặt bàn thờ (Thiên bàn), kinh cúng thời, v.v. là không có căn cứ và sai sự thật, đó là khoe cái sừng thỏ trước công luận
Năm 1958 Bà Nguyễn Hương Hiếu khởi viết Đạo Sử hai quyển. Hội Thánh Cao Đài kiểm duyệt, cho phát hành và giữ bản quyền (1968).
Bà Nguyễn Hương Hiếu (1887-1971) là bạn đời của Ngài Cao Quỳnh Cư, Bà có mặt trong những đàn cơ đầu tiên của ba ông Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc và Cao Hoài Sang. Đó là ba vị đệ tử đầu tiên của Đức Cao Đài Thượng Đế trong Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ (ĐĐTKPĐ). Ngày Khai Đạo tại Chùa Gò Kén (18-11-1926), Bà đắc phong Giáo Sư. Năm 1935 thăng Phối Sư. Năm 1950 thăng Nữ Chánh Phối Sư. Năm 1968 thăng Đầu Sư Chánh vị.
Bốn mươi năm sau, năm 2008 ông Huệ Khải tên thật là Lê Anh Dũng viết sách Ngô Văn Chiêu Người Môn Đệ Cao Đài Đầu Tiên, phần viết Tiếng Việt 60 trang còn lại là Tiếng Anh; nhà xuất bản Tam Giáo Đồng Nguyên in. Tác giả giữ bản quyền. Ông Lê Anh Dũng là nhà văn, nhà giáo, viết báo và nghiên cứu tôn giáo, ông viết với các bút danh khác như Dũ Lan, Nghê Dũ Lan, Lê Khang Thìn … ông là thành viên của Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý 171B Cống Quỳnh Sài Gòn.
Đạo Sử do Bà Nữ Đầu Sư Hương Hiếu biên soạn và sách của ông Huệ Khải viết trái ngược nhau về nguồn gốc Thiên Nhãn của ĐĐTKPĐ và vấn đề Thiên Bàn, cúng lạy. Do vậy người Đạo Cao Đài lập năm 1926 có nghĩa vụ làm rõ sự thật trước công luận.
1. Vấn đề Thiên Nhãn của ĐĐTKPĐ.
Đạo Sử Quyển một: XÂY BÀN. Năm Ất Sửu “1925”.
Đạo Sử Q 1, trang 93, bản in 1995 viết: Năm 1925 khai Ðạo chưa có Thánh Thất, nên các Ðấng Thiêng Liêng dạy tạm dùng nhà tôi để thờ Ðức Chí Tôn và Phật Mẫu đặng có nơi cầu cơ dạy Ðạo và dìu dắt nhơn sanh trong buổi đầu tiên là năm 1925. (Hết trích)
Bà Nữ Đầu Sư Hương Hiếu viết: … tạm dùng nhà tôi để thờ Ðức Chí Tôn và Phật Mẫu có nghĩa là hàng ngày bà thắp nhang, cúng kiến và mỗi khi có cầu cơ thì cũng thắp nhang, đèn, cầu nguyện, đọc kinh, cho nên chắc chắn là đúng với sự thật. Trong trích đoạn trên, năm 1925 được xác định ở đầu câu và cuối câu; có nghĩa là rất chắc chắn về thời gian. Đạo Sử viết thời gian lập Thiên Bàn là năm 1925; Thiên Bàn để cúng kiến hằng ngày và mỗi khi có cầu cơ. (Lưu ý đến ngày 28-01-1926, Ngài Ngô Văn Chiêu mới hợp tác).
Thượng Đế dạy ông Cao Quỳnh Cư vẽ Thiên Nhãn để thờ, năm 1925.
Đạo sử Q 1, trang 94, bản in 1995: Lúc nầy nhà tôi còn ở Sàigòn, Ðức Chí Tôn mở Ðạo trước tại Sàigòn bảo Ðức Thượng Phẩm VẼ THIÊN NHÃN (THÁNH TƯỢNG NHỎ CÒN ĐÓ), còn tôi thì lo mua khuôn kiếng đặng lộng Thiên Nhãn cho chư vị mới nhập môn, tôi cho thỉnh không khỏi trả tiền và tôi còn phải dạy thờ cúng và dạy đọc kinh. Tôi giảng giải sơ lược chớ còn nhiều chi tiết khác … (Hết trích)
Bà viết: Đức Chí Tôn bảo Ðức Thượng Phẩm VẼ THIÊN NHÃN (THÁNH TƯỢNG NHỎ CÒN ĐÓ), bởi vì Bà là người ở cùng nhà với Ngài Cư, biết Ngài Cao Quỳnh Cư VẼ THIÊN NHÃN và tác phẩm còn lưu lại là (THÁNH TƯỢNG NHỎ CÒN ĐÓ) để làm vật chứng.
Bà viết: Lúc nầy nhà tôi còn ở Sàigòn có nghĩa là việc VẼ THIÊN NHÃN được thực hiện năm 1925, bởi vì mục đích VẼ THIÊN NHÃN là để thờ, mà nhà Bà Hương Hiếu có bàn thờ Thượng Đế và Phật Mẫu năm 1925 để cúng kiến và cầu cơ. Bà còn hướng dẫn cho những người khác nữa.
Bà Hương Hiếu năm 7 tuổi được gia đình cho vào học Trường Bà Phước (Nhà Trắng) Sài Gòn, đến năm 17 tuổi được học nữ công, năm 21 tuổi lập gia đình với Ngài Cao Quỳnh Cư. Do vậy khi bà viết Đức Chí Tôn bảo Ðức Thượng Phẩm VẼ THIÊN NHÃN (THÁNH TƯỢNG NHỎ CÒN ĐÓ) có nghĩa là chính Thượng Đế dạy; cũng như Thượng Đế vẽ hình cái Mão Giáo Tông để dạy cho Bà may vậy.
Ba vị Chức sắc cao cấp của Hiệp Thiên Đài là Đức Thượng Sanh Cao Hoài Sang, Ngài Hiến Pháp Trương Hữu Đức và Ngài Bảo Thế Lê Thiện Phước xác nhận Đạo Sử viết đúng sự thật. Cả ba vị đều là đồng tử phò cơ nên biết rõ việc kỉnh lễ Thiên Bàn tại nhà Bà Hương Hiếu trước khi cầu cơ.
Ngài Bảo Thế Lê Thiện Phước (1895-1975) viết Lời Phi Lộ (30-12-1967): … Trong dịp nầy Bà Chánh Phối Sư Hương Hiếu được đại hạnh hầu nhiều Đàn Cơ, thọ nhiều Thánh Giáo, biết nhiều điều tế nhuyễn nên Bà chịu khó viết bổn Đạo Sử để lưu truyền ư hậu thế. (Hết trích)
Ngài Bảo Thế viết bà Hương Hiếu biết nhiều điều tế nhuyễn có nghĩa là biết những điều rất tinh vi mà hai đoạn trên là thí dụ cho điều tế nhuyễn.
Tôi xin trích thêm một điều tế nhuyễn mà chỉ có Bà Hương Hiếu mới biết tại trang 14, quyển một:
Nhớ lại hồi hạ tuần tháng 7 năm Ất Sửu (1925), ba ông thỉnh bàn ra (lúc này hơi in như say Ðạo) tính xây bàn cầu cô Ðoàn về dạy văn thi, ba ông để tay thì dở bàn lên bổng có một ông giáng, tôi hỏi tên gì, thật rất lạ … xưng là A.Ă. gõ làm một bài thi dưới đây:
THI
(Chí Tôn đến xưng là A.Ă.Â)
Ớt cay cay ớt gẫm mà cay,
Muối mặn ba năm muối mặn dai.
Túng lúi đi chơi nên tấp lại,
Ăn bòn chẳng chịu tấp theo ai.
Ông Phạm Công Tắc nghe dứt câu liền nói với ông Cư rằng:
– Thôi anh, ai đâu mà nói tiếng gì khó nghe quá, sao lại không có tên xưng là A.Ă.Â.
Ông Cư nói với ông Phạm Công Tắc:
– Ậy, em ngồi lại cho qua hỏi, vị nầy không phải tầm thường đâu em.
Ông Cư hỏi: – Ông A.Ă. mấy chục tuổi?
Ông A.Ă. gõ bàn, đếm hoài không ngưng, đếm đến mấy trăm cái mà cũng không thôi. Liền đó ông Cư ngưng lại không dám hỏi nữa, và kiếm hiểu ông nầy ở trển chắc lớn lắm.
Từ đó về sau có vị nào giáng cho thi thì ông cầu ông A.Ă. xin giải nghĩa. (Hết trích điều tế nhuyễn). Câu chuyện tế nhuyễn nầy Tôi đọc rồi cười mãi mỗi khi nhớ lại, hy vọng quý vị cũng cười.
Ngài Hiến Pháp Trương Hữu Đức (1890-1975): … Thay vì đề tựa, tôi xin trân trọng giới thiệu cùng chư quý đọc giả cuốn Lược Sử nầy do một nữ lão thành biên soạn, đúng sự thật một trăm phần trăm, đáng được lưu trử đời đời, để làm tài liệu cho sự khảo cứu có đầy đủ chi tiết ngọn nguồn, có thể giúp ích một phần lớn cho các nhà soạn sử sau này… (Hết trích)
Đức Thượng Sanh Cao Hoài Sang (1901-1971) là người tham gia từ đàn cơ đầu tiên viết Lời Xác Nhận (21-01-1968): … Cuốn “Ðạo Sử Xây Bàn” do Bà Nữ Chánh Phối Sư Hương Hiếu dày công biên soạn, rất đầy đủ và đúng sự thật, từ lúc ba vị Thượng Phẩm, Hộ Pháp, Thượng Sanh khởi sự Xây Bàn cho đến khi được lịnh dùng Cơ Bút cho Ðức Chí Tôn lập thành nền Ðại Ðạo. Ðó là một kho tài liệu quí báu vô giá, phô bày rõ ràng nguồn cội khai sáng Ðạo Trời tại nước Việt Nam mà mỗi Chức Sắc và Tín Hữu cần nên đọc qua để nhận xét… (Hết trích)
Năm 2008 ông Huệ Khải viết trong sách Ngô Văn Chiêu Người Môn Đệ Cao Đài Đầu Tiên, trang 29: Ngô tiền bối truyền lại thánh tượng Thiên nhãn, hướng dẫn cách sắp đặt bàn thờ (Thiên bàn), kinh cúng thời, v.v. (Hết trích)
Trang 95 ông Huệ Khải liệt kê nhiều sách tham khảo, nhưng không trích dẫn cụ thể câu trên đây có trong sách nào, trang số mấy. Đó không phải là cách làm việc khoa học.
Cũng năm 2008, ông Huệ Khải viết bài Ngô Văn Chiêu – người mở con đường thiền của đạo Cao Đài đăng trên trang Web Thiên Lý Bửu Tòa (1): Ngô tiền bối truyền lại thánh tượng Thiên nhãn, hướng dẫn cách sắp đặt bàn thờ (Thiên bàn), nghi thức cúng lạy… (Hết trích). Ông cũng không dẫn nguồn.
Thiên Nhãn là biểu tượng thờ phượng của ĐĐTKPĐ, sắp đặt Thiên bàn thể hiện trật tự, triết lý Đạo, ảnh hưởng đến niềm tin của người Đạo nên rất quan trọng. Ông Huệ Khải không có mặt trong giai đoạn đó; nhưng viết Ngô tiền bối truyền lại thánh tượng Thiên nhãn, hướng dẫn cách sắp đặt bàn thờ (Thiên bàn), … mà không dẫn chứng nguồn từ đâu để người quan tâm đến sự thật kiểm chứng và đối chiếu; đó là sai sự thật, tùy tiện và tắc trách.
Kết luận về Thiên Nhãn ĐĐTKPĐ:
Bà Nguyễn Hương Hiếu là nhân chứng nên Bà viết lại mà không cần dẫn nguồn và có kèm tác phẩm lưu lại; nội dung bà viết được ba vị có mặt trong buổi đầu tiên của ĐĐTKPĐ xác nhận là đúng. Ông Huệ Khải không phải là người trong cuộc, bốn mươi năm sau ông Huệ Khải viết trái ngược với Đạo Sử mà không trưng ra bằng chứng là tùy tiện và tắc trách. Ông Huệ Khải viết Ngô tiền bối truyền lại thánh tượng Thiên nhãn cho ĐĐTKPĐ trong cả hai tác phẩm kể trên là sai sự thật là khoe cái sừng thỏ trước công luận.
2. Vấn đề sắp đặt bàn thờ, cúng lạy, kinh cúng thời.
Theo trích dẫn từ Đạo Sử trang 93, 94 trên đây, nhà Bà Hương Hiếu đã lập bàn thờ Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu, đặng có nơi cầu cơ dạy Ðạo và dìu dắt nhơn sanh trong buổi đầu tiên là năm 1925… nghĩa là biết sắp đặt bàn thờ, cách cúng, cách lạy và có Kinh đọc khi cúng. Bà cũng viết: tôi còn phải dạy thờ cúng và dạy đọc kinh. Tôi giảng giải sơ lược chớ còn nhiều chi tiết khác …. Đạo sử không viết các chi tiết: Thiên Bàn có bao nhiêu lễ phẩm, sắp xếp các lễ phẩm trên Thiên Bàn. Đọc kinh gì? Bao nhiêu bài? Mỗi bài lạy mấy lạy.
Nhưng ông Huệ Khải viết: Ngài Chiêu đến hướng dẫn cách sắp đặt bàn thờ (Thiên bàn), kinh cúng thời, v.v. thì ông Huệ Khải có trách nhiệm làm rõ ít nhứt là ba việc.
Thứ nhứt: Ghi xuống cách sắp đặt Thiên bàn, cách lạy và kinh cúng nhà Bà Hương Hiếu.
Thứ hai: Ghi xuống việc Ngài Chiêu đến hướng dẫn cách sắp đặt Thiên bàn như thế nào, nghi thức cúng lạy thế nào và bài kinh cúng thời là bài nào.
Thứ ba: Ghi xuống Thiên bàn, cách cúng lạy và kinh cúng ở nhà Bà Hương Hiếu đã thực hiện theo cách Ngài Chiêu.
Đó là cách làm việc theo khoa học và có trách nhiệm nhưng ông Huệ Khải lại đưa ra câu viết không có cơ sở.
Trên thực tế tự thân Pháp môn lập Thiên Bàn theo nhiều cách khác nhau, qui định việc lạy không rõ ràng, đọc nhiều bài kinh khác nhau khi cúng. Nghĩa là Ngài Chiêu không thể sắp xếp thống nhứt về Thiên bàn, cách lạy và kinh cúng ngay trong Pháp môn của Ngài sáng lập. Vậy thì căn cứ vào đâu để biết Ngài Chiêu hướng dẫn các vị bên ĐĐTKPĐ cái gì.
Đối Chiếu Thiên Bàn (1928).
Đạo Sử không viết chi tiết Thiên bàn ở nhà Bà Hương Hiếu; nhưng trong Kinh Cúng Tứ Thời, bản năm 1928 Hội Thánh Cao Đài hướng dẫn các lễ phẩm và sắp đặt minh bạch.
Đối chiếu hai Thiên Bàn sẽ thấy sự khác biệt rất rõ ràng. Do vậy ông Huệ Khải viết: Ngài Chiêu đến hướng dẫn cách sắp đặt bàn thờ (Thiên bàn), kinh cúng thời, v.v là không có căn cứ từ thực tế.
Đối chiếu cách lạy và kinh cúng.
Cách lạy của ĐĐTKPĐ: Kinh Cúng Tứ Thời bản năm 1928 Hội Thánh Cao Đài có hướng dẫn cách lạy và qui định sau mỗi bài kinh lạy bao nhiêu lạy theo lời dạy của Thượng Đế ngày 25-02-1926.
Cách lạy của Chiếu Minh Đàn: Sách Luật Đạo phát hành năm 1932 trên đây dạy cách thờ phượng mà không dạy cách lạy.
Năm 1933 Chiếu Minh Đàn Vĩnh Hòa Hưng Rạch Giá phát hành Kinh Cúng Tứ Thời. Cả cuốn Kinh không có khoản nào chỉ cách lạy và lạy bao nhiêu lạy.
Qua các trích dẫn và thực tế trên đây rõ ràng là tại thời điểm Ngài Chiêu đến hợp tác với ĐĐTKPĐ (28-01-1926) thì cả hai bên đều có nghi thức thờ phượng và cách lạy khác nhau; Ngài Chiêu không thể trao truyền cái mà chính Ngài không có.
Nhìn xa hơn thì đến năm 1936, ĐĐTKPĐ được Thượng Đế ban Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo, từ đó Thiên Bàn, cách lạy và các bài kinh khi cúng đi vào nề nếp, nhịp nhàng. Còn Pháp môn hiện nay ra sao? Quý vị đọc sách LSQP NVC bản năm 1996, đối chiếu với Luật Đạo năm 1932, Kinh Cúng Tứ Thời năm 1933 trên đây để nhận xét.
Ngài Chiêu và Pháp môn không thi hành lời dạy của Thượng Đế.
Ngày 25-02-1926 Đức Thượng Đế dạy về cách bái lễ:
TRUNG vô giữa bái lễ cho THẦY coi.
Con làm lễ trúng, song mỗi gật con nhớ niệm câu chú của THẦY: NAM MÔ CAO ĐÀI TIÊN ÔNG ĐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT. …
…. Còn lạy THẦY mười hai lạy là tại sao? … Số mười hai là số riêng của THẦY… (Thánh Ngôn Hiệp Tuyển Q 1, trang 10, bản in 1972).
Theo đó Thầy dạy, lạy Thầy là 12 lạy, mỗi lần lạy xuống là gật 4 gật mỗi gật niệm câu chú của Thầy (12 chữ). Ngày 25-02-1926 Ngài Chiêu còn hợp tác với ĐĐTKPĐ, đến 26-4-1926 mới rút lui. Có nghĩa là bài dạy ngày 25-02-1926 Thượng Đế dạy cho cả Ngài Chiêu; nhưng Ngài Chiêu không thi hành lời dạy của Thượng Đế cho nên các vị Pháp môn lạy khác và niệm khác.
Chứng cứ là sách Lịch sử Quan Phủ Ngô Văn Chiêu (LSQP NVC) bản năm 1996, trang 123 viết: chư nho bổn đạo phải niệm nho nhỏ “Nam Mô Nam Phương Giáo Chủ Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát” 10 lần; nhiều càng tốt. (Hết trích).
Đây chính là bằng chứng về việc Ngài Ngô Văn Chiêu và Pháp môn Chiếu Minh Tam Thanh không thi hành lời dạy của Đức Thượng Đế.
Ông Huệ Khải viết: Ngài Chiêu hướng dẫn cách sắp đặt bàn thờ (Thiên bàn), kinh cúng thời, v.v nhưng lại không trưng ra được một bằng cớ nào làm căn bản cho câu viết của ông. Câu viết của ông Huệ Khải là không có căn cứ, nhưng lại phơi bày việc Ngài Ngô Văn Chiêu và Pháp môn Cao đài Đại đạo Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi không thi hành lời dạy của Thượng Đế về bái lễ.
3. Kết luận:
Trong năm 1925 Đức Cao Đài Thượng Đế dạy Ngài Cao Quỳnh Cư VẼ THIÊN NHÃN để thờ và cầu cơ. Khi lập Thiên Bàn là đã biết cách cúng lạy và đọc kinh. Đến ngày 28-01-1926, ĐĐTKPĐ và Ngài Ngô Văn Chiêu hợp tác; chưa đầy ba tháng thì Ngài Chiêu rút lui.
Ông Huệ Khải viết: Ngô tiền bối truyền lại thánh tượng Thiên nhãn, hướng dẫn cách sắp đặt bàn thờ (Thiên bàn), kinh cúng thời, v.v. là không có căn cứ và sai sự thật, đó là khoe cái sừng thỏ trước công luận. Qua đó ông Huệ Khải cũng phơi bày việc Ngài Ngô Văn Chiêu và Pháp môn Chiếu Minh Tam Thanh không thi hành lời dạy của Thượng Đế về cách bái lễ và câu niệm khi lạy./.
___________________
Tham khảo: