Trang

Thứ Năm, 10 tháng 9, 2020

3278: THÔNG BÁO SỐ 10

 


CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

 BTGCP.                          Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc

Số 10 TB/TGCP                                      ***

Hà Nội, Ngày 30 Tháng 12 Năm 1995

 

THÔNG BÁO

KẾT QUẢ HỘI NGHỊ CHUYÊN ĐỀ

VỀ CÔNG TÁC ĐỐI VỚI ĐẠO CAO ĐÀI

Để tiếp tục thực hiện thông báo số 34 của Ban Bí Thư TW Đảng, trong hai ngày 18- 19/11/1995. Ban Tôn Giáo của Chính Phủ phối hợp với Ban Dân Vận TW tổ chức hội nghị chuyên đề về công tác đối với Đạo Cao Đài tại Thành Phố Hà Nội với nội dung:


+ Đánh giá diễn biến tình hình các phái Cao Đài và công tác của Ta đối với Cao Đài sau hơn một năm triển khai chủ trương của Trung Ương

+ Bản kế hoạch tổ chức thực hiện tiếp chủ trương của trung ương đối với từng phái Cao Đài cụ thể:

Thành phần tham dự gồm các đồng chí đại diện một số Ban, Ngành ở TW như: Bộ Nội Vụ, Ban Nội Chính TW, Ủy Ban MTTQ Việt Nam, Văn Phòng TW Đảng, Tổ phái viên 1 của TW, Tổng cục chính trị (Bộ Quốc Phòng); Các địa phương có đông Tín Đồ, Chức Sắc Đạo Cao Đài: Tây Ninh, Bến Tre, Long An, Cần Thơ, Minh Hải, Thành Phố Hồ Chí Minh, Quảng Nam Đà Nẳng, Bình Định.

Chủ trì hội nghị, đồng chí Phạm Minh Tánh - ủy viên TW Đảng, Trưởng ban dân vận TW, Đồng Chí Vũ Gia Tham – Quyền trưởng ban tôn giáo của Chính Phủ

I . Nội dung thảo luận tại Hội Nghị

1. Đánh giá tình hình Đạo Cao-Đài và công tác triển khai chủ trương của TW đối với Đạo Cao-Đài.

a) Tình hình Đạo Cao-Đài từ khi triển khai chủ trương của trung ương

+ Chung hết hội nghị đánh giá chủ trương của TW đối với Đạo Cao Đài trong giai đoạn mới rất phù hợp với yêu cầu thực tế. Đáp ứng nguyện vọng của tuyệt đại đa số Tín Đồ, Chức Sắc. Do đó, sau hơn một năm triển khai đã tạo ra sự vui mừng, phấn khởi và phong trào quần chúng khá sôi nổi trong Đạo Cao-Đài. Đặc biệt việc lo tổ chức làm điểm thành công đối với phái Cao Đài Tiên Thiên (Tổ chức Hội Vạn Linh, công nhận tư cách pháp nhân tổ chức Giáo Hội) đã ảnh hưởng rất tích cực đối với những phái Cao Đài khác. Ở những nơi Ta đánh giá đúng vai trò của Tín Đồ, Chức Sắc, coi trọng vấn đề cơ bản là vận động quần chúng, nói rõ chủ trương chính sách của Đảng và Nhà Nước đối với Đạo Cao-Đài, thì những tư tưởng mặc cảm với cách mạng do lịch sử để lại, cũng như những dấu ấn nặng nề trong quá trình “Cải Tạo Cao Đài” từng bước được xóa bỏ.

“Tình Hình Của Một Số Hệ Phái Cao Đài”

Số hệ phái Cao Đài có thời kỳ bị địch lợi dụng, sau giải phóng Ta giải tán bộ máy Hành Chánh Đạo, trưng thu cơ sở vật chất, đóng cửa một số nơi thờ tự có liên quan đến hoạt động chống phá cách mạng của phần tử xấu… nay mong muốn được sinh hoạt tôn giáo bình thường, được mở cửa những nơi thờ tự đang đóng cửa, được công nhận tư cách pháp nhân của tổ chức Giáo Hội mới.

Số hệ phái do hoàn cảnh chiến tranh, trong đó có yếu tố địch lợi dụng gây chia rẽ này có nguyện vọng được Chính Quyền, Mặt Trận giúp đở tạo điều kiện cho việc “hoàn nguyên” thống nhất. Cũng có một số nhóm tách ra trong chiến tranh nay muốn nhập trở lại với hệ phái gốc để duy trì cách sinh hoạt tôn giáo.

Số hệ phái có quá trình gắn bó với cách mạng mong muốn Nhà Nước cho cũng cố lại tổ chức giáo hóa theo đường hướng mới để hành đạo và phát huy truyền thống yêu nước.

Số hệ phái nhỏ, ít Tín Đồ, Chức Sắc (có phái chỉ là những Pháp Môn tu hành) muốn được chấn chỉnh về tổ chức, tiếp tục tu hành trong giai đoạn mới.

Tuy nhiên, tình hình Đạo Cao-Đài sau hơn một năm triển khai chủ trương của Trung Ương nổi lên một số điểm cần chú ý như sau :

-  Một số ít Chức Sắc trong một số hệ phái Cao Đài còn băn khoăn khi chấp nhận chủ trương không hoạt động “Cơ Bút”, hình thành tổ chức Giáo Hội theo cơ chế mới (2 cấp), và có người cho rằng việc Nhà Nước công nhận tư cách pháp nhân theo từng hệ phái ảnh hưởng đến việc thống nhất Đạo Cao Đài. Cũng có Chức Sắc đề nghị trước khi thực hiện chính sách mới đối với Đạo Cao Đài. Nhà Nước cho rút các quyết định của Đạo và của Chính Quyền trong quá trình “Cải Tạo Cao Đài”.

Những mặt tồn tại trên có nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó có việc Ta chưa làm tốt công tác tuyên truyền về chủ trương chính sách của Đảng và Nhà Nước đối với các đối tượng Tín Đồ Chức Sắc

-  Đáng chú ý hơn là một số ít Chức Sắc lạc hậu, mang nặng thành kiến với cách mạng, một số phần tử xấu trong một số hệ phái Cao Đài đã lợi dụng những tư tưởng trên, những mâu thuẩn trong nội bộ một số hệ phái gây khó khăn trong quá trình triển khai.

b) Quá trình triển khai chủ trương của trung ương đối với Đạo Cao Đài.

+ Hội nghị thống nhất nhận định từ khi triển khai chủ trương của Trung Ương đối với Đạo Cao Đài, các cơ quan, chức năng ở Trung Ương và các Địa Phương có Đạo Cao-Đài đã có chuyển biến tích cực về nhận thức, về nội dung, phương pháp công tác. Quá trình triển khai và những kết quả đạt được khẳng định chủ trương của Trung Ương đối với Đạo Cao-Đài là đúng đắn, đáp ứng yêu cầu thực tế là sự đổi mới cụ thể đối với một tôn giáo cụ thể.

+ Nhiều địa phương, nhất là các Tỉnh có đông Tín Đồ, Chức Sắc Đạo Cao-Đài đã tiến hành khảo sát, nắm lại tình hình thực trạng Đạo Cao-Đài phục vụ cho quá trình triển khai. Đặc biệt, Ta đã tiến hành bồi dưỡng, xây dựng được lực lượng cốt cán trong Chức Sắc, Tín Đồ, tạo nhân tố quan trọng trong quá trình triển khai.

+ Việc triển khai thành công đối với phái Cao Đài Tiên Thiên là nổ lực lớn của các cơ quan chức năng ở Trung Ương và các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, Long An, Cần Thơ…Kết quả công tác đối với Cao Đài Tiên Thiên vừa có tác dụng tích cực đối với Tín Đồ, Chức Sắc các phái Cao Đài, vừa rút ra được những bài học kinh nghiệm mang tính nguyên tắc có giá trị thực tiển cao cả về kế hoạch, bước đi, phương pháp công tác và sự lãnh đạo, chỉ đạo… Qua đó có thể vận dụng cho quá trình triển khai đối với các phái Cao Đài khác.

+ Tuy nhiên: Quá trình triển khai chủ trương của Trung Ương đối với Đạo Cao-Đài thời gian qua nội bộ Ta còn bộc lộ những hạn chế, khuyết điểm: Trong nhận thức vẫn còn tư tưởng thành kiến đối với Đạo Cao-Đài. Trong việc xây dựng mô hình, tổ chức giáo hội các phái Cao Đài, bên cạnh đa số các cấp, các ngành thống nhất triển khai theo chỉ đạo của TW, còn có quan điểm cho rằng giữ nguyên như cũ, chỉ cần “Cải Biến” một vài điểm, thậm chí có nơi để thả nổi tùy theo quan điểm của Đạo. Trong nội dung, phương pháp công tác vẫn còn bị chi phối của tư duy cũ; chưa quan tâm đúng mức đến công tác vận động quần chúng, công tác tranh thủ Chức Sắc, nhất là việc tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng và Nhà Nước đối với các đối tượng Chức Sắc, và vẫn còn biểu hiện hành chính, mệnh lệnh, thậm chí áp đặt. Sự phối hợp của TW với địa phương, giữa các địa phương, giữa các ngành trong địa phương thiếu chặc chẽ, thường mang tính thời vụ. Một số địa phương khi đánh giá giải quyết vấn đề Cao Đài chủ yếu trong phạm vi địa phương mình, chưa thấy hết tình hình và mối tương quan chung.

2. Kế hoạch triển khai đối với các phái Cao Đài trong thời gian tới và kiến nghị (tập trung một số phái Cao Đài lớn).

+ Về căn bản, hội nghị nhất trí cao chủ trương công tác của TW đối với Đạo Cao-Đài trong gia đoạn mới qua Thông báo số 34 của Ban Bí Thư TW Đảng và hướng dẫn số 21 của Ban Dân Vận TW và thấy rằng cần tập trung triển khai khẩn trương đối với các phái Cao Đài còn lại trong thời gian tới.

Vấn đề chủ yếu được hội nghị đề cập là kế hoạch, phương pháp, bước đi đối với từng phái Cao Đài. Hội nghị cho rằng kế hoạch triển khai đối với các phái Cao Đài vừa phải đảm bảo nguyên tắc, theo yêu cầu chỉ đạo của TW, vừa vận dụng những kinh nghiệm triển khai điểm (Cao Đài Tiên Thiên), kế thừa những thành tựu công tác đã đạt được, vừa lưu ý đến những đặc điểm riêng của từng phái.

+  Đối với Cao Đài Tiên Thiên. Hội nghị cho rằng việc TW chọn Cao Đài Tiên Thiên làm thí điểm triển khai là đúng đắn, có tính điển hình cao. Ta đã lãnh  đạo, chỉ đạo phái Đạo nầy tổ chức tốt Hội Vạn Linh xây dựng Hiến chương, đường hướng hành đạo suy cử cơ quan lãnh đạo giáo hội, nhưng việc công nhận tư cách pháp nhân chậm trể đã hạn chế kết quả, để một số phần tử xấu lợi dụng xuyên tạc.

Đây là phái Cao Đài đầu tiên được Nhà Nước công nhận tư cách pháp nhân, hoạt động theo đường hướng mới nên còn nhiều lúng túng. Trong khi đó, về phía Ta chưa có tiền lệ và kinh nghiệm công tác. Do đó, đề nghị TW thường xuyên chỉ đạo hướng dẫn, nhất là lĩnh vực quản lý Nhà Nước.

+ Đối với Cao Đài Ban Chỉnh Đạo. Khi triển khai đối với phái Đạo này, Ta gặp phải vấn đề đặt ra là giúp đỡ tạo điều kiện cho hai bộ phận tách ra trong chiến tranh (Ban Chỉnh Đô Thành) “Hoàn Nguyên” (Thống Nhất) với Ban Chỉnh Bến Tre. Song do mâu thuẩn giữa hai khối nặng nề, kéo dài; mặt khác khối Ban Chỉnh Bến Tre chịu tác động nặng nề trong quá trình “Cải Tạo Cao Đài” nên việc thống nhất giữa hai khối gặp nhiều khó khăn.

Đề nghị các cơ quan chức năng ở TW và các địa phương có liên quan tìm giải pháp và giúp đỡ, thúc đẩy tiến trình triển khai đối với hệ phái này.

+ Đối với Cao Đài Truyền Giáo. Đây là phái Đạo ít chịu ảnh hưởng của quá trình “Cải Tạo Cao Đài” không có quyết định chính thức giải tán bộ máy Hành Chánh Đạo, nên tương đối ổn định về tổ chức giáo hội. Quảng Nam Đà Nẳng nơi có cơ quan đứng đầu hệ phái Cao Đài Truyền Giáo đã vận dụng kinh nghiệm triển khai điểm (Cao Đài Tiên Thiên) và đặc điểm riêng của hệ phái nầy đã xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết, với những bước đi họp lý.

Thời gian tới đề nghị các ngành chức năng ở Trung Ương và các Tỉnh có liên quan phối hợp với Quảng Nam Đà Nẳng giúp đỡ hệ phái này chuẩn bị các mặt thật chu đáo để tổ chức Đại Hội Đại Biểu (Hội Nhơn Sanh) thông qua Hiến chương và nhân sự cơ quan lãnh đạo giáo hội (dự kiến tổ chức vào đầu năm 1996 âm lịch).

Đối với phái Cao Đài Châu Minh Đạo. Đây là một trong những phái Cao Đài có quá trình gắn bó với cách mạng trong hai cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ. Khi Ta triển khai đối với phái Cao Đài Tiên Thiên, Tín Đồ Chức Sắc phái Đạo này rất phấn khởi. Gần đây được chính quyền địa phương giúp đỡ, phái Minh Châu Đạo đã xây dựng đường hướng hành Đạo với nội dung tiến bộ và chọn cử nhân sự cơ quan lảnh đạo Giáo hội.

Đề nghị TW hướng dẫn những bước công tác tiếp theo để tiến tới công nhận tư cách pháp nhân tổ chức giáo hội của phái Đạo này.

+ Đối Với Phái Cao Đài Tây Ninh. Căn cứ theo báo cáo của đại diện Ban Dân Vận và Ban Tôn Giáo Chính Quyền Tỉnh, kế hoạch triển khai của Tỉnh Tây Ninh, không có vướng mắt về nhận thức và chủ trương đối với Đạo Cao-Đài của TW. Song phương pháp và bước đi của Tây Ninh còn có những điểm cần được xem xét kỹ lưỡng mà trọng tâm là vấn đề có tổ chức lại Giáo hội của phái Đạo này hay không và tiến hành như thế nào? Quần chúng Tín Đồ, Chức Sắc tham gia quá trình này thế nào? Đánh giá đội ngũ Chức Sắc Cao Đài Tại Tây Ninh và ở các địa phương khác. Mối quan hệ giữa điểm Tây Ninh với đại diện các Tỉnh có Tín Đồ Chức Sắc Cao Đài Tây Ninh trong quá trình triển khai?

Về nhân vật Lê Quang Tấn, các ý kiến phát biểu đều khẳng định đây là nhân vật cơ hội. Thời gian qua Lê Quang Tấn có những hoạt động gây tình hình phức tạp không chỉ với phái Cao Đài Tây Ninh mà còn đối với các phái Cao Đài khác. Ta cần nắm chắc các hoạt động của Lê Quang Tấn để có cơ sở kết luận xữ lý cho phù họp.

Đề nghị TW có kết luận về nhân vật này và hướng xử lý trước khi triển khai cụ thể đối với Cao Đài Tây Ninh.

II  Kết Luận Xử Lý :

Sau phần thảo luận  của đại biểu các địa phương và các ngành trung ương. Đồng chí Phan Minh Tánh chủ trì Hội nghị đã kết luận một số nội dung chủ yếu như sau :

Nhấn mạnh Chủ Trương của TW đối với Đạo Cao-Đài qua Thông Báo số 34 của Ban Bí Thư TW Đảng và hướng dẫn số 21 của Ban Dân Vận TW

+ Mục tiêu chủ yếu của chủ trương đối với Đạo Cao-Đài là làm cho gần 3 triệu Tín Đồ Chức Sắc gắn chặc với cách mạng, ủng hộ tham gia công cuộc đổi mới của đất nước. Thông báo số 34 của Ban Bí Thư TW Đảng là nâng lên một bước mới trong công tác đối với Đạo Cao-Đài. Đó cũng là sự đổi mới công tác tôn giáo trong giai đoạn cách mạng hiện nay.

+ Về Tư Tưởng Chỉ Đạo, Ta không chủ trương phát triển tôn giáo, mà đảm bảo cho quần chúng có Đạo được sinh hoạt bình thường, tuân thủ chính sách, pháp luật. Chủ trương của TW đối với Đạo Cao-Đài không chỉ đơn giản là việc sắp xếp lại tổ chức giáo hội mà còn là cuộc vận động chính trị sâu rộng để Tín Đồ, Chức Sắc thấy được chủ trương chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà Nước đối với Đạo Cao-Đài, từ đó thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, gắn bó với đất nước và chế độ.

+ Việc Xây Dựng Tổ Chức Giáo Hội Các Phái Cao Đài, Cần Quán Triệt Nguyên Tắc: Không lập lại tổ chức Giáo hội như cũ, không thống nhất các hệ phái Cao Đài; Giáo hội mới được xây dựng theo cơ cấu gọn nhẹ 2 cấp vừa giữ được nét truyền thống của Đạo Cao-Đài vừa phù hợp với yêu cầu quản lý của đất nước, thực trạng Chức Sắc của các phái Cao Đài. Việc xây dựng đường hướng của các phái Cao Đài phải đảm bảo nguyên tắc không sử dụng “Cơ Bút”, hoạt động tôn giáo tuân thủ chính sách pháp luật của Nhà Nước.

+ Trong quá trình triển khai phải giữ vững nguyên tắc của chủ trương, chính sách, vừa trân trọng và phát huy những thành tựu và bài học kinh nghiệm của quá khứ, vừa căn cứ vào đặc điểm tình hình cụ thể của từng phái để xây dựng kế hoạch, bước đi cho phù hợp. Trong phương pháp công tác lấy vận động quần chúng, tranh thủ Chức Sắc là chủ yếu, để Tín Đồ, Chức Sắc tự giác thực hiện theo định hướng của Ta. Hết sức tránh việc làm thay, sự áp đặt thô bạo, cũng như buông lỏng quản lý.

+ Để chuẩn bị cho quá trình triển khai chủ trương công tác quan trọng đối với Đạo Cao-Đài, việc làm thí điểm là rất cần thiết và ta đã chọn điểm đúng, rút ra được những bài học quí báu có thể vận dụng cho cả quá trình triển khai.

+ Triển khai chủ trương công tác đối với Đạo Cao-Đài là vấn đề khó và phức tạp, lại diễn ra trong thời kỳ địch thực hiện âm mưu “Diễn Biến Hòa Bình” chống phá cách mạng Việt Nam. Vì vậy phải tiến hành thận trọng, chặc chẽ nhưng khẩn trương, càng sớm càng tốt, không để kéo dài, nhằm ngăn ngừa địch lợi dụng. Cố gắng hoàn thành việc triển khai đối với các hệ phái Cao Đài vào tháng 6/1996. Sau đó, quí III/1996 sẽ tổng kết rút kinh nghiệm chung.

2. Xử Lý Cụ Thể Đối Với Từng Phái Cao Đài.

+ Phái Cao Đài Tiên Thiên: Vấn đề quan trọng hiện nay là giúp cho phái Đạo này sau khi có tư cách pháp nhân, tiến hành kiện toàn tổ chức Giáo hội. Trước hết và trọng tâm là cấp Trung Ương, hướng dẫn quản lý hoạt động tôn giáo theo chính sách, pháp luật, đồng thời xây dựng đoàn kết giữa hai khối Châu Minh và Minh Đức cũ.

Các cơ quan ở trung ương, nhất là Ban Tôn Giáo của Chánh Phủ sớm có văn bản hướng dẫn về những vấn đề trên.

+ Phái Cao Đài Ban Chỉnh Đạo: Khả năng triển khai những bước tiếp theo đối với phái Đạo này liên quan đến việc giải quyết mâu thuẩn giữa hai khối Ban Chỉnh Bến Tre và Ban Chỉnh Đô Thành, mà việc này tùy thuộc vào công tác vận động quần chúng tranh thủ chức sắc, chính quyên, mặt trận ba tỉnh Bến Tre, Long An, Tp Hồ Chí Minh cần phối hợp bám sát vận động các đối tượng Chức Sắc, nhất là những Chức Sắc cấp cao, nói rõ đây là nhu cầu, lợi ích của Đạo và để họ tháo gỡ những tồn tại và sự quyết định việc “hoàn nguyên” (Thống Nhất).

Các cơ quan chức năng ở TW sẽ có kế hoạch chỉ đạo và phối hợp giải quyết.

+ Phái Cao Đài Truyền Giáo. Công tác triển khai đối với phái Đạo này được tiến hành theo đúng qui định. Thời gian tới tập trung làm tốt công tác tuyên truyền vận động quần chúng, tranh thủ chức sắc bồi dưỡng, xây dựng lực lượng cốt cán; đồng thời giúp đỡ ban vận động (đã được chấp thuận) chuẩn bị các mặt: Xây dựng Hiến Chương, đường hướng hoạt động, nhân sự cơ quan lãnh đạo Giáo Hội, Đại Biểu dự đại hội…để có thể tổ chức Đại Hội Nhân Sanh vào quí I/1996.

+ Phái Cao Đài Minh Châu Đạo: Sau khi phái Đạo này đã xây dựng được “bản đường hướng hành đạo” và chọn nhân sự, cơ quan lãnh đạo Giáo hội, các cơ quan chức năng của Tỉnh Minh Hải phối hợp với các địa phương có liên quan xem xét có ý kiến trình Chính Phủ (Qua Ban Tôn Giáo của Chính Phủ) để xét công nhận tư cách pháp nhân. Chú ý giúp đở phái Minh Châu Đạo đào tạo lực lượng Chức Sắc trẻ kế cận những Chức Sắc cao tuổi, tiếp nối truyền thống yêu nước của phái Đạo này.

+ Một số Phái Cao Đài Khác: Như Cao Đài Minh Chơn Lý, Cao Đài Tam Quan, Cao Đài Bạch Y, Cao Đài Chiếu Minh Long Châu…các Tỉnh có cơ quan Tòa Thánh, Tổ Đình phối hợp với các địa phương có liên quan tổ chức triển khai theo tinh thần chỉ đạo của Trung Ương. Một số phái nhỏ tồn tại như những Pháp Môn tu hành, Ta tuyên truyền chủ trương chính sách của trung ương đối Đạo Cao-Đài và giúp đỡ họ sắp xếp chấn chỉnh việc tu hành.

+ Phái Cao Đài Tây Ninh: Đây là phái Đạo lớn có những vấn đề lịch sử phức tạp. Do đó, là trọng tâm của công tác triển khai đối với Đạo Cao-Đài. Tháng 5/1995, các ban ngành ở Trung Ương đã làm việc với Tỉnh Ủy, Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh Tây Ninh về chủ trương và kế hoạch triển khai. Thường Vụ tỉnh ủy Tây Ninh đề nghị lùi lại một thời gian ngắn để chuẩn bị, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai cụ thể là quá chậm.

Sau khi cải tạo, Cao Đài Tây Ninh không còn tổ chức giáo hội, chỉ lập Hội Đồng Chưởng Quản lo việc quản lý cơ sở vật chất tại Tòa Thánh và hướng dẫn sinh hoạt tôn giáo trong phạm vi Tỉnh Tây Ninh, Trung Ương chưa bao giờ đặt vấn đề công nhận tư cách pháp nhân của Hội Đồng Chưởng Quản. 

Nay thực hiện chủ trương của trung ương đối với Đạo Cao-Đài là giúp cho phái Đạo nầy xây dựng tổ chức giáo hội mới, có tư cách pháp nhân hoạt động trong phạm vi toàn hệ phái. Do đó, không thể chờ đến hết nhiệm kỳ của Hội Đồng Chưởng Quản (Năm 1997).

Để kế thừa những thành tựu công tác đã đạt được, xây dựng cơ quan lãnh đạo giáo hội của phái Đạo này Ta cần dựa vào Hội Đồng Chưởng Quản làm nòng cốt và mở rộng cho các Chức Sắc ở địa phương khác tham gia. Việc xây dựng Hiến chương, đường hướng hành đạo, suy cử nhân sự cơ quan lãnh đạo giáo hội là nội dung quan trọng của quá trình triển khai và cũng là sinh hoạt lớn của Đạo. Do vậy cần phải để cho Tín Đồ, Chức Sắc trong toàn hệ phái thông suốt về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà Nước, tham gia một cách tự giác và có ý thức trách nhiệm.

Để tiến tới Đại Hội Đại Biểu Tín Đồ, Chức Sắc thông qua Hiến Chương đường hướng hoạt động, suy cử nhân sự cơ quan lãnh đạo Giáo hội, cần thiết lập ban tổ chức (hoặc Ban Trù Bị, hoạt Ban Vận Động) để chuẩn bị các mặt, trên cơ sở nhân sự nồng cốt của Hội Đồng Chưởng Quản có mở rộng thêm.

Hiện nay Lê Quang Tấn và một số xấu, số lạc hậu, cơ hội trong phái Cao Đài Tây Ninh và một số phái Cao Đài khác đang tích cực hoạt động để tạo ảnh hưởng, Ta cần có biện pháp xử lý để ngăn chặn những tác động tiêu cực, thúc đẩy quá trình triển khai. Các cơ quan chức năng ở TW sẽ phối hợp với các địa phương có liên quan, bàn cụ thể vấn đề này trong thời gian tới.

3. Công Tác Lãnh Đạo Chỉ Đạo Và Sự Phối Hợp

Các phái Cao Đài lớn như Cao Đài Tây Ninh, Cao Đài Ban Chỉnh Đạo, Cao Đài Tiên Thiên, Cao Đài Truyền Giáo, Cao Đài Châu Minh Đạo…đều có Tín Đồ, Chức Sắc ở các địa phương khác nhau, vì vậy trong quá trình triển khai, địa phương có trung tâm Tòa Thánh Tổ Đình của từng hệ phái chịu trách nhiệm chính và là đầu mối phối hợp với các địa phương có liên quan. Sự phối hợp cần thực hiện thường xuyên, có nề nếp trong toàn bộ quá trình triển khai, từ khảo sát xây dựng kế hoạch dự thảo hiến chương, đường hướng hoạt động, dự kiến nhân sự cơ quan lãnh đạo Giáo hội, chọn cử Đại Biểu Dự Đại Hội đến việc Chỉ Đạo Đại Hội, hướng dẫn quản lý sau khi có tư cách pháp nhân.

Ban Dân Vận Trung Ương, Ban Tôn Giáo của Chính Phủ và các ngành chức năng ở Trung Ương thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn và hỗ trợ về tài chánh trong quá trình triển khai.

Trên đây là một số nội dung chủ yếu của hội nghị chuyên đề bàn về kế hoạch triển khai đối với Đạo Cao-Đài trong thời gian tới. Đề nghị Ban Tôn Giáo phối hợp với Ban Dân Vận Tỉnh, Thành Phố báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của các cấp Ủy, Chính Quyền, tổ chức tốt công tác đối với Đạo Cao-Đài ở địa phương và báo cáo kết quả về Ban Tôn Giáo của Chính Phủ và Ban Dân Vận Trung Ương.

Quyền Trưởng Ban

(Đã ký)

Vũ Gia Tham

@@@

NHƯ VẬY:

* Thông báo 34 của BBT ra ngày 14-11- 1992. Sau đó là 03 văn bản của các cấp dưới để thực hiện là:

-         Thông Báo 10 ra ngày 30-12-1995. (của Trung Ương).

-         Kế hoạch 01 ra ngày 27-5-1996. (Của Tỉnh Tây Ninh).

-         Quyết định 42 ra ngày 29-5-1996. (Của Tỉnh Tây Ninh).



ẢNH CHỤP