Trang

Thứ Năm, 10 tháng 9, 2020

3276. TƯ CÁCH PHÁP NHÂN & TÍNH CÁCH QUỐC TẾ

 BÁN NGUYỆT SAN THÔNG LIÊN SỐ 09 PHÁT HÀNH NGÀY 20/12/2009.

TƯ CÁCH PHÁP NHÂN & TÍNH CÁCH QUỐC TẾ

CỦA ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ.

 

* Ý NGHĨA TƯ CÁCH PHÁP NHÂN.

Con người là tế bào của xã hội.

Xã hội nào cũng có luật pháp, nên cá nhân phải chịu sự chi phối của pháp luật. Sự chi phối thể hiện qua hai chiều: Cá nhân đối với xã hội (bổn phận mà cá nhân phải thực hiện đối với xã hội)  và xã hội đối với cá nhân (trách vụ mà bộ máy công quyền phải thực thi bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân). Sự chi phối có thể chia làm 02 giai đoạn chính: Từ sơ sinh đến vị thành niên (chưa đầy đủ quyền hạn và trách nhiệm trước pháp luật) và thành niên đến khi mãn phần (có đầy đủ quyền hạn và trách nhiệm trước pháp luật).


Có con người thì có tôn giáo. Tôn giáo là một hình thức sinh hoạt đặc thù của nhân loại. Chỉ có loài người mới có tôn giáo (thú cầm không có tôn giáo). Nhiều người có cùng một tín ngưỡng, cùng một đức tin được tổ chức lại theo một nề nếp sinh hoạt chung gọi là tôn giáo. Một tôn giáo tối thiểu phải có: giáo lý, tổ chức, nhân sự, cơ ngơi tôn giáo.

Về xã hội thì tôn giáo do con người lập ra. Mà tôn giáo vốn không phải là cá nhân như vậy mối tương quan giữa tôn giáo và pháp luật thể hiện như thế nào?

Tương quan của tôn giáo và pháp luật thay đổi tùy vào quan niệm và sự tiến triển của xã hội. Có thể chia ra làm 02 thời kỳ chính.

* 1- Sơ khai và nhân trị.

Xã hội thời sơ khai hay quân chủ…tôn giáo có đầy đủ quyền trước pháp luật (mà  không cần đăng ký tư cách pháp nhân). Nhà vua thỉnh mời các bậc cao tăng, các vị ẩn sỉ đến hội kiến với nhà vua bàn về quốc kế dân sinh là việc thường thức. (Lịch sử cho thấy có những thời kỳ mà quyền lực của tôn giáo còn lớn hơn quyền lực của chế độ…ấy là thời thần quyền trên thế quyền…)

*2- Vật chất và pháp trị.

Xã hội phát triễn vật chất, mà giáo lý tôn giáo không theo kịp để gìn giử đức tin nhân loại nên đạo đức suy thoái. Vật chất làm cho lòng người đảo lộn. Các tôn giáo bị kẻ phàm phu xen vào để cầu danh cầu lợi.

Xã hội pháp quyền (pháp trị) ra đời thì mối quan hệ của tôn giáo và luật pháp mổi ngày một phức tạp nên mới có vấn đề tư cách pháp nhân của một tôn giáo.

Tư cách pháp nhân của một tôn giáo là gì?

Tôn giáo không phải là con người, nên cấp tư cách pháp nhân là công nhận tôn giáo như một CÔNG DÂN ĐẶC BIỆT trong xã hội. Nghĩa là Pháp luật công nhận tôn giáo đó có đầy đủ quyền trong một số lãnh vực như một công dân.

Tại sao chỉ có một số quyền? Vì có những quyền mà công dân có mà tôn giáo thì không thể có. Thí dụ như quyền khám và chữa bệnh. Công dân có quyền thực hiện luật định nhưng tôn giáo thì không.

Tôn giáo có tư cách pháp nhân thì được dùng chính danh hiệu tôn giáo đứng bộ sổ về tài sản và một số giao dịch khác…. Tôn giáo được dùng danh hiệu của mình để sở hữu, thủ đắc, tạo mãi, hoặc chuyển nhượng những động sản và bất động sản cần thiết để đoạt mục đích của Giáo Hội (bao gồm cả quyền thâu nhận những tài sản do các Thể nhân hay Pháp nhân sinh tặng hoặc di tặng).

Còn giáo lý, giáo luật, cách thờ phượng… của tôn giáo trước và sau khi được chính phủ cấp pháp nhân thì không thay đổi nhiều.

@@@

 

PHẦN MỘT:

TƯ CÁCH PHÁP NHÂN.

1- THỜI PHÁP THUỘC.

TNHT Q.1 trang 47 bản in 1973. Ngày 15-8-Bính Dần (1926):

…Trung, Lịch hai con phải hội chư Thánh mà xin khai Đạo. Phải làm đơn mà dâng cho Thầy xem xét sửa trước nghe!

1.1- TỜ KHAI ĐẠO.

Thấy tình thế như vậy mà đau lòng, cho nên nhiều người An Nam, vì căn bổn, vì Tôn Giáo, đã tìm phương thế hiệp Tam Giáo lại làm một (Quy nguyên phục nhứt) gọi là Ðạo Cao Ðài hay là Ðại Ðạo.

May mắn cho chúng sanh, Thiên tùng Nhơn nguyện, Ðức Ngọc Hoàng Thượng Ðế hằng giáng Ðàn dạy Ðạo và hiệp Tam Giáo lập Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ tại cõi Nam nầy…

1.2- LỄ KHAI ĐẠO. (Chùa Gò Kén ngày 15-10-Bính Dần “19-11-1926”). (Đạo Sử Q.2 trang 07- Bản in Hoa kỳ)

Ông Lê Văn Trung thay mặt cho Bổn Đạo mời đủ các Chức Sắc, Viên Quan Lang Sa và An Nam đến dự lễ ấy. Chư Bổn Đạo và chư Thiện Nam Tín Nữ hiện diện kể đến hàng muôn. Hội Thánh tiếp đãi khách một cách ân cần trọng hậu. Ngoài cúng phẩm ra thì không thâu tiền bạc gì cả.

*Ngài tiếp Dẫn Đạo Nhơn Gabriel Gobron viết trong quyển LỊCH SỬ VÀ TRIẾT LÝ ĐẠO CAO ĐÀI:

Từ ngày mùng 10-10- Bính Dần (dl 14-11-1926), những cuộc đi truyền đạo được đình chỉ. Tất cả nổ lực của các vị lãnh đạo đều tập trung vào Lễ Khai Đạo, diễn ra trong ba ngày: 14, 15 và 16 tháng 10 năm Bính Dần (dl 18, 19, 20-11-1926) tại chùa Từ Lâm Tự ở Gò Kén (Tây Ninh). Toàn Quyền Đông Dương, cũng như Thống Đốc Nam Kỳ và các viên chức cao cấp của Pháp và Việt đều được mời dự lễ.

Đại lễ cử hành rất long trọng, qui tụ nhiều tín đồ khắp các tỉnh Nam Kỳ. Cuộc lễ cũng thu hút hằng ngàn người ngoại đạo đến  xem vì hiếu kỳ hay đến quan sát….

 1.3- ĐẠO SỬ.

ĐS.Q.2.T. 222.

Đức Lý Đại Tiên  dạy: …Chư Chưởng Pháp, Đầu Sư phải sắm ấn.

Chưởng Pháp thì mộc phải làm tròn như con dấu thường, đề chung quanh vòng ngoài chữ Lang Sa: Amnistie de Dieu en Orient, vòng trong đề chung quanh: Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ chữ Nho; Thoàn thì khắc giữa một Bình Bát Vu; Đạo thì Cây Phất Chủ; Nho thì Bộ Xuân Thu.

Ấn của Đầu Sư cũng vậy, song chính giữa đề chữ Thái; Thượng; Ngọc đem vào Toà Luật cầu chứng cho khỏi mạo nhận….

1.4- CHƯƠNG TRÌNH HIẾN PHÁP. (14-7- Mậu Thìn- 1928 “Đệ Nhị Niên).

Ðiều thứ 24: -Kể từ ngày ban hành "Chương Trình Hiến Pháp" duy có một mình Hội Thánh "Cửu Trùng Ðài" được quyền in Kinh sách, Tượng để hiệu "Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ".

@@@

* Nhìn chung thời kỳ nầy Đạo Cao Đài truyền bá giáo lý, tổ chức các cơ quan chính trị đạo, công cử nhân sự trong tôn giáo và xây dựng cơ ngơi tôn giáo ở Trung Ương và các địa phương.

Nhưng bất động sản của Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ tạo lập ra hay nhơn sanh hỉ hiền cho Đạo chưa được đứng tên Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ mà phải giao cho một số vị Chức Sắc hữu trách đứng tên.

[[[(Xem Đạo Luật Mậu Dần (1938). Điều thứ 05: QUAN SÁT GIA NGHIỆP CỦA ĐẠO.

LUẬT

Cả sản nghiệp của Đạo do Bà Nữ Đầu Sư Lâm Hương Thanh và Ông Nguyễn Ngọc Tương đứng bộ từ thử, thì phải cải bộ lại cho Đức Hộ Pháp đứng tên thay mặt làm chủ cho Đạo.

PHƯƠNG PHÁP THẬT HÀNH

Đất cát và gia nghiệp của Đạo do Bà Nữ Đầu Sư Lâm Hương Thanh và Ông Nguyễn Ngọc Tương đứng bộ từ thử, thì phải làm giấy tờ rành rẽ giao lại cho Đức Hộ Pháp đứng bộ thay mặt cho Đạo. Việc cải bộ nầy xin giao cả hồ sơ nhờ Trạng Sư thi hành.

Còn đất lập Thánh Thất các nơi mà chỗ nào giấy tờ chưa rành rẽ, thì cũng phải lo làm giấy bán đứt lại cho Hội Thánh trọn quyền làm chủ.]]]

@@@

(Tài sản của Đạo do ông Nguyễn Ngọc Tương và bà Lâm Hương Thanh đứng bộ phải chuyển về cho Đức Hộ Pháp… có nghĩa là lúc ấy Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ chưa được dùng danh hiệu của chính mình để đứng bộ về đất đai.

Do vậy mà sau nầy thời Đệ Nhị Cộng Hòa  hậu duệ của Ông Tương mới đứng lên kiện để đòi lại đất Thánh Địa.

Chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa thời đó đã xữ nguyên đơn thất kiện).

2- THỜI CỘNG HÒA.

2.1- Chính phủ Bửu Lộc.

Ngày 06-6-1954. Thủ Tướng Bửu Lộc ký sắc lệnh 05 ban quyền cho Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ vùng đất Thánh Địa. (xem phụ lục 1).

2.2- Đệ Nhị Cộng Hòa.

HIẾN CHƯƠNG 1965 (TÍNH CÁCH TRUNG ƯƠNG).

Ngày 19-12- Giáp Thìn (21- 01- 1965) Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ tại Tòa Thánh Tây Ninh gởi đơn lên Chính Phủ đương thời đề nghị công nhận Đạo Cao Đài có Tư cách pháp nhân (kèm theo đơn là Bản Hiến Chương Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ).

-Ngày 12-07-1965, Chính Phủ ra Sắc Luật số 003/65, cho phép Đạo Cao Đài hoạt động theo đúng Hiến Chương đính kèm và công nhận Tư cách Pháp nhân của Đạo Cao Đài.

@@@

Hiến chương 1965 có 12 chương và 27 điều.

Bên dưới có ghi rõ:

Lập tại TÒA THÁNH TRUNG ƯƠNG
     Ngày 19 tháng 12 Giáp Thìn
    
(21-01-1965 dl.)

@@@

Kể từ sau Hiến Chương 1965 thì Hội Thánh dùng danh nghĩa Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ để đứng tên các bất động sản của Đạo.

2.3- Ngày 19/8/1966 Chủ Tịch Uỷ Ban Hành Pháp ký nghị định số 1500NĐ/CN cấp vô thường cho Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ  2.355 ha đất thuộc 4 khu rừng 55, 56, 176, 316.

@@@

Thời gian nầy chi phái Ban Chỉnh Đạo Bến Tre có khiếu nại với chính phủ VNCH về tư cách pháp nhân của Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ. Chính phủ có văn bản trả lời rất rành rẽ (cả 02 văn bản ở phụ lục 2).

Các Chi phái khác thì sao?

Phần lớn các chi phái khác cử đại diện đến Tòa Thánh ngõ ý chấp nhận quay về với Hội Thánh Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ tại Tòa Thánh Tây Ninh. Thực tế là có một số nơi đã hiến cơ ngơi cho Hội Thánh  (Thánh Thất Từ Vân- Sài Gòn…).

3- THỜI CỘNG SẢN. 

ĐẠO LỊNH 01.

Ngày 30-4-1975 Đệ Nhị Cộng Hòa sụp đổ. Chủ Nghĩa Cộng Sản toàn thắng.

Chính phủ có tịch thu của Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ một số tài sản (trong đó có bất động sản) và để lại một số nơi thờ tự và bất động sản.

Năm 1979 Hội Thánh căn cứ vào quyền hạn và yêu cầu của Chính Phủ Việt Nam (Nghị quyết 297 “11-11-1977” và quyết nghị ngày 13-12-1978 của Hội Đồng Nhân Dân Tỉnh Tây Ninh) nên ban hành ĐẠO LỊNH 01 ngày 04-02-Kỷ Mùi (01-3-1979).

Như vậy tư cách pháp nhân của Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ đã được chính phủ công nhận. Bằng chứng hiển nhiên là các cơ ngơi tôn giáo mà Chính Phủ để lại cho Đạo thì đại tự: Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ vẫn giử y nguyên không sửa đổi.

Các nơi mới xây dựng sau đó vẫn đề Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ.

@@@

ĐIỀU KHÔNG CÔNG BẰNG CỦA CHÍNH PHỦ.

Năm 1997 HĐCQ lập Hiến chương mới với danh hiệu 10 chữ: Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ Cao Đài Tây Ninh được Chính phủ cấp pháp nhân.

Chi phái 1997 do ông Nguyễn Thành Tám làm Hội Trưởng đang chiếm cứ Nội Ô Tòa Thánh của Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ nhưng pháp nhân của họ vẫn là 10 chữ: Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ Cao Đài Tây Ninh “1997” và đến 2008 đổi thành 12 chữ và 02 dấu ngoặc: Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ (Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh).

Chính phủ không xác định là xóa bỏ Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ mà đạo diễn cho chi phái 1997 chiếm lấy toàn bộ cơ ngơi của Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ. Chính phủ cho phép chi phái nầy núp dưới danh hiệu Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ để che dấu THÂN PHẬN CHI PHÁI. Cách cư xữ như vậy là không minh bạch. Sự không minh bạch nầy đã được tín đồ Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ nhờ Pháp Luật (Tòa án) phân xữ mà Tòa án làm phiếu nhận đơn rồi làm thinh, không giải quyết theo thời gian ấn định nên mới nói chính phủ lập lờ.

Việc cấp pháp nhân cho tôn giáo là một con dao hai lưỡi, vừa lợi vừa hại cho tôn giáo. Cái lợi là không một tập thể nào được mạo danh hiệu của tôn giáo. Cái hại là khi chính phủ muốn làm khó tôn giáo thì họ vinh vào pháp luật để gây khó.

Tôn giáo Cao Đài có pháp luật rất minh bạch nên tư cách của chánh giáo và bàn môn tả đạo rất rõ ràng. Chính phủ cấp pháp nhân cho bao nhiêu chi phái của Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ đi nữa họ vẫn là chi phái.

Cho dù pháp nhân của Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ đang bị chính phủ lập lờ thì chính phủ cũng không thể rún ép người Đạo phải bỏ chơn tông chánh giáo để theo bàn môn tả đạo được.

Trong thời toàn cầu hóa thì tư cách pháp nhân của một tôn giáo hẳn nhiên phù với pháp luật quốc gia và quốc tế tư pháp.

Chính phủ Việt Nam cấp pháp nhân cho nhiều chi phái của Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ nhưng chính phủ không hề cấp pháp nhân cho bất cứ một chi phái nào có danh hiệu 06 chữ: Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ.

Theo chổ chúng tôi biết thì đến nay “2009” chính phủ đã cấp pháp nhân cho khoản 10 chi phái Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ và gần 20 tổ chức có liên quan đến  Đạo Cao Đài. Trong số các chi phái của Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ được cấp tư cách pháp nhân  không có một chi phái nào dám đề tư cách Trung Ương vào Hiến Chương.

@@@

PHẦN HAI.

TÍNH CÁCH QUỐC TẾ.

1-  TỜ KHAI ĐẠO. ( Sài Gòn, Le 7 Octobre 1926).

…. Chúng tôi thay mặt cho nhiều người An Nam, mà đã nhìn nhận sở hành của chúng tôi và đã ký tên vào tờ Ðạo Tịch ghim theo đây, đến khai cho quan lớn biết rằng: Kể từ ngày nay chúng tôi đi phổ thông Ðại Ðạo khắp cả hoàn cầu.

Chúng tôi xin quan lớn công nhận Tờ Khai Ðạo của chúng tôi.

2- THÁNH NGÔN HIỆP TUYỂN.

Q.1. trang 135. ngày 15-12-1926. (bản Pháp Văn trang 72-73):

... sau nầy con sẽ là một trong các môn đệ trung thành của Thầy để đi truyền bá hòa bình và tương ái trên khắp hoàn cầu.

Ban truyền giáo Pháp sẽ được thành lập gần đây.

Con cần phải về pháp trong năm 1928 để binh vực giáo lý của Thầy tại Hội Nghị Đại Đồng Tôn Giáo.

Con sẽ trọng đại và đủ quyền năng theo thiên ý...

 

 

3-  HÀNH ĐẠO Ở NGOẠI QUỐC.

3.1- Vương Quốc Cao Miên.

Đức Quyền Giáo Tông, Đức Hộ Pháp và rất nhiều chức sắc đến hành đạo tại Cao Miên. Lễ khánh thành Thánh Thất Kiêm Biên tại Nam Vang  năm1937.

3.2-  Diễn văn Đức Hộ Pháp và Đức Quyền Giáo Tông lưu lại cũng cho thấy Đạo Cao Đài đã truyền thông ra ngoại quốc.

Tại Paris đã có Thánh Thất vào năm 1932: Nay lập Tiểu Thánh Thất tại Pháp Triều kinh đô Paris cũng sắp hoàn tất, Chức sắc Thiên phong nơi ấy có hai vị: Giáo Hữu Bellan và Abadie hành đạo. (diễn văn 1932). Thánh Thất nầy hiện nay đã bị chi phái soán đoạt.

4- DỰ CÁC HỘI NGHỊ TÔN GIÁO QUỐC TẾ.

Phái đoàn Cao Đài dự Hội Nghị Tôn Giáo Quốc Tế có thể kể:

- 1928: Đại Hội Thần Linh Học Quốc Tế ở Anh Quốc (Londres).

- 1934: Đại Hội Thần  Học Quốc Tế ở Tây Ban Nha (Barcelona).

- 1936: Đại Hội Tôn giáo  Quốc Tế ở Anh Quốc (Londres).

- 1937: Đại Hội Thần Ni Triết  Học tại Đức Quốc.

- 1937: Đại Hội Tôn giáo  Quốc Tế ở Anh Quốc (Londres).

- 1939: Đại Hội Tôn giáo  Quốc Tế ở Pháp  Quốc (Paris).

- 1948: Đại Hội Tôn giáo  Quốc Tế ở Lausane.

- 1950: Đại Hội  Thần học tại Haywards Henth.

- 1951: Đại Hội Tôn giáo  Quốc Tế ở Thuỵ Điển (Stockholm).

- 1952: Đại Hội Tôn giáo  Quốc Tế ở Bỉ (Bruxelles).

- 1952: Đại Hội Tôn giáo  Quốc Tế ở Maroc (Casablanca).

- 1954: Đại Hội Tôn giáo  Quốc Tế ở Thuỵ Sỉ (Montreux).

- 1955: Đại Hội Tôn giáo  Quốc Tế ở Nhật Bổn (Baguio).

- 1965: Đại Hội Thần Linh Học ở Bỉ (Bruxelles).

- 1966: Đại Hội  Đại Học Losbanos ở Phi Luật Tân (Bagio).

- 1975: Đại Hội Tôn giáo  Quốc Tế ở Ấn Độ (New Delhi).

* Sau khi Hội Thánh ký Đạo lịnh 01 (Hội Thánh bị giải thể):

-         Năm 1999: Đại Hội Tôn Giáo Thế Giới lần thứ 30 mời 03 vị Chức Sắc Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ dự hội tại Vancouver (Cannada).

-         Năm 2000 Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc mời 03 vị chức sắc Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ dự Đại Hội Tôn Giáo Thế Giới tại trụ sở Liên Hiệp Quốc (Hoa Kỳ).

Chính phủ VN không cho các vị chức sắc xuất cảnh (cả 02 lần).

PHẦN BA:

ĐẠO TRONG THỜI TOÀN CẦU HÓA.

“ĐẠO THEO CHÂN NGƯỜI VIỆT”.

Đức Lý Đại Tiên có dạy: thiên cơ đã định nơi nào có dấu chân người việt thì Đạo mới thành.

Hội Thánh ban hành Đạo Lịnh 01 thì con thuyền đạo gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng trong cái khó khăn ấy thiên cơ lại chuyển vận để cho Chức Sắc, Chức Việc và Đạo Hữu có cơ hội ra nước ngoài rất nhiều.

Có thể kể ra mấy diện chính.

1-  Thuyền nhân Việt Nam:

Sau ngày 30-4-1975 rất nhiều người Việt Nam vượt biển tìm cuộc sống mới. Thuyền nhân Việt Nam gây chấn động dư luận thế giới. Trong số thuyền nhân đó có nhiều người theo Đạo Cao Đài.

2-  Chương trình HO.

Những người có liên quan đến chế độ củ sau thời gian học tập cải tạo trở về thì có chương trình HO.

Nhiều người có Đạo Cao Đài ra nước ngoài theo diện nầy.

3-  Những diện khác.

Như đoàn tụ gia đình, du học sinh… ở lại nước ngoài

 Dù ở vào diện nào thì người đạo vẫn căn cứ vào văn bản của Hội Thánh để lại mà tìm cách giử Đạo và phát triển Đạo.

Hằng loạt Thánh Thất, Điện Thờ, Tổ chức Đạo ra đời.

Hàng loạt trang web ra đời để phổ biến kinh sách và luật pháp tôn giáo.

Cho dù cách thức thể hiện có khác nhau nhưng tất cả đều cùng chung một ý chí: Hành đạo theo đúng với chơn truyền.

@@@

KẾT LUẬN.

Thế kỷ 21 được nhiều nhà bác học nhận định là thế kỷ của tâm linh. Tâm linh thì gắn liền với đạo đức. Đạo đức thì gắn liền với tôn giáo.

Tôn giáo được sự hổ trợ của khoa học kỷ thuật (internet, điện thoại di động…) thì không ai có thể che lấp được chân lý của tôn giáo.

Chân lý bao gồm Tư cách pháp nhân và tính cách quốc tế của Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ cho nên không một thế lực nào có thể làm thay đổi được.

Qui luật: Với chân lý thì sau cái chết lớn là cuộc phục sinh lớn đã được hiển hiện ra./.