Trang

Thứ Ba, 22 tháng 10, 2019

2929. BIẾT MỚI LÀ KHÔNG CÓ GÌ MỚI.



BPSOS - Đề Án Dân Quyền Việt Nam
Tổ chức phi chính phủ (NGO)



BPSOS - Đề Án Dân Quyền Việt Nam
THẤY GÌ QUA QUYẾT ĐỊNH 1252/QĐ-TTg CỦA VIỆT NAM
(Phê duyệt Kế hoạch tăng cường thực thi hiệu quả Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị và các khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc)
Theo thông tin chính thức từ cổng thông tin điện tử Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì vào ngày 26 tháng 9 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ban hành quyết định số 1252/QĐ-TTg, phê duyệt kế hoạch thực thi Công ước quốc tế các quyền dân sự và chính trị và các khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc.
Khá nhiều người dân Việt Nam mà có sự quan tâm cảm thấy bất ngờ trước quyết định này và đi kèm là tâm lý hoài nghi xen lẫn chờ đợi hy vọng chính quyền Việt Nam sẽ cải thiện tình hình nhân quyền cho mình.
Hãy cùng Đề Án Dân Quyền Việt Nam đánh giá quyết định này và quan trọng hơn là xem xét cơ hội hành động của chính chúng ta trong việc đòi quyền được sống và làm người của mình.
Trong hình ảnh có thể có: 5 người, mọi người đang ngồi và bộ vét
KHÔNG CÓ GÌ MỚI
Trước hết cần phải thấy Quyết định của Thủ tướng Chính phủ tuy là một văn bản thuộc hệ thống văn bản pháp quy của nhà nước Viêt Nam nhưng cần phải hiểu giới hạn của quyết định này (Quyết định 1252/QĐ-TTg) chỉ mang tính chất điều chỉnh hành vi nội bộ của các cơ quan thuộc Chính phủ chứ không mang tính điều chỉnh các hoạt động chung ngoài xã hội. Quyết định nội bộ của một cơ quan hành pháp sẽ chỉ nhằm điều chỉnh các hoạt động thực thi pháp luật (nếu có) chứ hoàn toàn không thể tạo ra được một nội dung luật mới mẻ nào cả.
Trong mục Nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu của kế hoạch, người ta thấy Quyết định nêu ra 4 nội dung cơ bản sau đây:
(1) Tiếp tục nội luật hoá nhằm thực thi Công ước và quyền dân sự và chính trị; (2) Nâng cao hiệu quả thực thi các quy định của pháp luật về quyền dân sự và chính trị; (3) Tiếp tục thúc đẩy các quyền dân sự và chính trị thông qua hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và đào tạo; (4) Hợp tác quốc tế và thực hiện báo cáo định kỳ trên bình diện đối ngoại về nội dung thực thi quyền dân sự và chính trị.
(1) Tiếp tục công tác nội luật hoá: Về mặt nguyên tắc, Quốc hội mới là cơ quan làm luật và cơ quan này không chịu sự chi phối của Chính phủ trong việc ra luật. Chỉ có Chính phủ mới là cơ quan chịu sự CHỈ ĐẠO, GIÁM SÁT, CHI PHỐI của Quốc hội. Do đó mọi hành động của Chính phủ dù có thế nào đi chăng nữa vẫn chỉ quanh quẩn ở trong và dưới luật đã được ban hành. Do đó cần phải hiểu nội dung này một cách chính xác là Chính phủ sẽ tham mưu cho Quốc hội về những đạo luật, điều luật cần phải ban hành; Chính phủ sẽ soạn thảo luật nếu được Quốc hội GIAO nhiệm vụ.
(2) Nâng cao hiệu quả thực thi: Nội dung này được viết với hàng loạt từ hoa mỹ nhưng sáo rỗng; những từ khẩu hiệu nhưng không có hành động và kết quả thực tế. Hãy xem các từ sau đây: “tiếp tục nâng cao hiệu quả”, “nâng cao chất lượng”, “ Nâng cao hiệu quả tiếp nhận”, “tăng cường hoạt động”, “ ban hành kế hoạch hành động”.... Thật sự những từ ngữ nói trên không chỉ ra được một hành động nào và mục tiêu đạt được của hành động là gì và lại càng không thấy bóng dáng chỉ dấu cho phép người ngoài đo lường được thành quả đó. Nhưng phần lớn người Việt Nam sẽ thấy xuôi tai và gật gù bởi bị bẫy vào những từ chỉ vấn đề rất cụ thể được gắn liền sau đó: bình đẳng giới, vấn đề người khuyết tật, trẻ em, người thiểu số, người LGBTI, người có HIV… Vấn đề là phải làm cách nào để thực hiện việc nâng cao, tăng cường [tăng cường cái gì?] và kết quả của nó là gì? Chẳng hạn bao nhiêu người thiểu số không có giấy tờ tuỳ thân được cấp, bao nhiêu trẻ em không được đi học được giải quyết, người LGBTI phải được pháp luật công nhận hôn nhân và mốc điểm của những mục tiêu đó là ngày, tháng, năm nào.
(3) Tiếp tục thúc đẩy quyền dân sự và chính trị: Đây là nội dung nói về công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục về Công ước. Tuy nhiên cũng tương tự như nội dung (2), người ta sẽ không thể đo đếm được xem có bao nhiều người được giáo dục, tuyên truyền, và nhận thức của họ thay đổi thế nào khi nó chỉ được hiện bằng từ “tiếp tục thúc đẩy”.
(4) Hợp tác quốc tế và thực hiện báo cáo định kỳ: Hai vấn đề lớn của nội dung hợp tác quốc tế và thực hiện báo cáo định kỳ về việc thực thi Công ước vẫn không được đặt ra đó là chấp nhận các khuyến nghị của các chính phủ, các tổ chức quốc tế và chấp nhận đối thoại với các tổ chức phi chính phủ của người Việt Nam và báo cáo chính xác về công tác này. Một trong những hạn chế lớn nhất của quan hệ quốc tế đó là không có chế tài. Vì vậy nếu không có bất kỳ một cam kết chấp nhận nào thì mọi việc chả đi đến đâu và dù có thành lập một Cơ quan nhân quyền quốc gia cũng chỉ là hình thức.
Nói tóm lại, kế hoạch thì phải có những mục tiêu cụ thể, đo lường được, khả thi, tương xứng với những tiêu chuẩn quốc tế về quyền dân sự và chính trị, và phải có thời gian tính. Cái được gọi là kế hoạch trong Quyết định 1252/QĐ-TTg chỉ đề ra những hành động mà thiếu hẳn các mục tiêu như vậy thì chưa đủ tiêu chuẩn để được xem là kế hoạch.
NHƯNG VẪN CÒN ĐẦY ĐỦ CƠ HỘI NẾU CHÍNH CHÚNG TA MUỐN HÀNH ĐỘNG
Không phải bỗng dưng mà nhà nước Việt Nam lại thừa hơi, tốn sức nhào nặn ra những bản báo cáo công phu hay quyết định đầy những từ ngữ sáo rỗng như vậy.
Thứ nhất, tuy quan hệ quốc tế không có chế tài nhưng các tác động ngoại giao, chính trị và đặc biệt là kinh tế luôn là sợi dây đủ lực siết bất kỳ quốc gia không chịu hoà mình vào xu hướng chung văn minh. Vì vậy nhận thức bi quan về việc không có chế tài là hết sức hời hợt. Thêm nữa, cũng hời hợt không kém nếu chỉ chăm chăm chỉ trích cho nhiều và ngồi đợi phép màu người khác làm cho. Công việc của mỗi chúng ta là phải biết viết những bản báo cáo hết sức nghiêm túc, không cảm tính và dùng nó để vận động các tổ chức quốc tế, các chính phủ có quan điểm nhân quyền tiến bộ tạo một sức ép ngoại giao hữu hiệu.
Thứ hai, dù văn bản sử dụng ngôn từ hoa mỹ, sáo rỗng nhưng sự việc chính phủ phải ra Quyết định 1252/QĐ-TTg chính là chỉ dấu về bước tiến của xã hội dân sự Việt Nam. Tại cuộc kiểm điểm tháng 3 vừa qua tại LHQ, BPSOS đã phối hợp một phái đoàn hùng hậu gồm 21 người đại diện cho hơn chục tổ chức XHDS, đã nộp các bản báo cáo riêng hoặc chung với nhiều tổ chức quốc tế và đã phát biểu góp ý cho Ủy Ban Nhân Quyền LHQ trước khi cuộc kiểm điểm bắt đầu. Để khai thác thành quả này, người dân cần dấn thân hơn nữa và tham gia vào tiến trình theo dõi việc thực thi các khuyến nghị của Ủy Ban Nhân quyền LHQ để rồi liên tục cập nhật và hướng dẫn cho Uỷ Ban này trong việc giám sát. Bất luận tác động sẽ sao, kết quả có thể bảo đảm là sự trưởng thành thêm bước nữa của chính chúng ta, của người dân, và của XHDS Việt Nam.
Hai cách thực hiện nhưng nếu nghiêm túc trong hành động thì sẽ thấy rất nhiều việc cần phải làm.
(Trong ảnh phía trên: Cổng thông tin điện tử của chính phủ Việt Nam công bố Quyết Định 1252/QĐ-TTg và ảnh bên dưới là Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc (giữa), Trưởng đoàn công tác liên ngành của Việt Nam phát biểu tại Phiên họp xem xét Báo cáo quốc gia lần thứ ba của Việt Nam về thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, ngày 12/3/2019 tại Geneva (Thụy Sĩ))