BPSOS - Đề Án Dân Quyền Việt Nam
HÀNG TRIỆU NGƯỜI BỊ LỪA DÙNG NƯỚC ĐỘC - KHỞI TỐ VỤ ÁN GÂY Ô NHIỄM NƯỚC - ĐÚNG NHƯNG CHƯA ĐỦ
Sự cố an toàn sức khoẻ của hàng triệu khách hàng của Công ty Cổ phần Đầu tư Nước sạch sông Đà trong những ngày qua là vô cùng nguy hiểm. Tuy nhiên, nhìn vào cách thức xử lý của các cơ quan chức năng khiến người ta còn thấy nó nguy hiểm và trầm trọng hơn. Chính những cách xử lý mới là căn cốt để dung dưỡng và tiếp tục xảy ra những sự cố, những bất công trong một xã hội dù được cho là có luật pháp.
KHỞI TỐ VỤ ÁN GÂY Ô NHIỄM NƯỚC - ĐÚNG NHƯNG CHƯA ĐỦ
Rất dễ dàng để thấy hậu quả của vụ việc này có nguyên nhân từ một chuỗi hành vi vi phạm pháp luật mang đầy đủ dấu hiệu hình sự khác nhau.
Chiều ngày 15 tháng 10 năm 2019, chính quyền Hà Nội họp báo. Theo lời ông Nguyễn Đức Chung- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội nói với giới báo chí thì “Viwasupco (Công ty Cổ phần Đầu tư Nước sạch sông Đà) đã phát hiện việc đổ trộm dầu thải từ ngày 8/10 nhưng không báo cáo ai, không có hành động ngăn chặn lượng dầu này và cứ để trôi vào nhà máy, dẫn đến vào nguồn nước”. Theo thông tin từ các báo và người dân thì lãnh đạo nhà máy đã âm thầm thuê người vớt váng dầu, dọn cỏ, đổ cát và đồng thời gia tăng thêm lượng clo vào trong nước. Rõ ràng, những động thái nói trên cho thấy sự chủ đích lấp liếm, đánh lừa, và coi thường sức khoẻ, tính mạng khách hàng của công ty. Những hành vi đó cùng với hậu quả như đã nói trên hoàn toàn mang đầy đủ dấu hiệu của tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọn” được quy định tại Điều 360 Bộ luật hình sự 2015.
Thêm vào đó, cũng trong Bộ luật hình sự này còn có điều 235 quy định về tội “Gây ô nhiễm môi trường”. Dấu hiệu về mặt khách quan của tội phạm này là chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường các chất bẩn, chất độc hại trái pháp luật. Do đó, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Kỳ Sơn (Hoà Bình) khởi tố vụ án “Gây ô nhiễm môi trường” là hoàn toàn chính xác.
Khoản 4, Điều 163 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định về thẩm quyền tố tụng theo khu vực địa lý thì “Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra những vụ án hình sự mà tội phạm xảy ra trên địa phận của mình.” Vì vậy vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” chỉ có thể do Cơ quan cảnh sát điều tra Công an các quận, huyện hoặc thành phố Hà Nội tiến hành. Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Kỳ Sơn không có thẩm quyền trong vụ án này.
Như vậy phải thấy rất rõ, tuy cùng một vụ việc nhưng có thể có tới hai vụ án hình sự và chúng thuộc thẩm quyền của hai cơ quan điều tra khác nhau. Không thể nói việc khởi tố vụ án Gây ô nhiễm môi trường là sai đối tượng được.
CHÍNH QUYỀN ĐÃ PHỐI HỢP VỚI DOANH NGHIỆP RẤT NHỊP NHÀNG TRONG XỬ LÝ SỰ CỐ- NGUY CƠ CỰC KỲ NGUY HIỂM CỦA XÃ HỘI
Đêm 8 tháng 10, khu vực gần nhà máy nước đã bị lén đổ dầu thải.
Ngay sáng ngày 9 tháng 10, công nhân nhà máy này đã biết và báo cáo lãnh đạo nhà máy.
Cũng trong ngày 9 tháng 10, người dân khi phát hiện nước có mùi lạ đã phản ảnh với đơn vị cung cấp nhưng không một biện pháp xử lý nào được đưa ra.
Ít nhất, theo sự thừa nhận của ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội thì “UBND TP.Hà Nội nhận được tin báo nước sạch sông Đà có mùi khét, hôi từ sáng 10 tháng 10”.
Vậy nhưng, 1 triệu con người phải tiếp tục vật vã thêm 5 ngày sau (15 tháng 10) chính quyền thành phố Hà Nội mới họp báo thông tin chính thức và đưa ra khuyến cáo người dân không ăn, uống nước sạch Viwasupco và ông Thủ tướng Chính phủ mới lên báo phát biểu ý kiến chỉ đạo yêu cầu việc điều tra phải khẩn trương, làm rõ nguyên nhân vụ việc nguồn nước bị ô nhiễm và việc cung cấp nước sạch từ Công ty Cổ phần Đầu tư Nước sạch Sông Đà.
Hai ngày sau đó (17 tháng 10) tỉnh Hoà Bình mới tổ chức họp báo thông tin khởi tố vụ án “Gây ô nhiễm môi trường” và hài hước làm sao khi cuộc họp báo này lại được “phối hợp” với Công ty Cổ phần Đầu tư Nước sạch sông Đà để cho doanh nghiệp này có cơ hội phát biểu “Chính chúng tôi mới là nạn nhân lớn”.
Hơn ai hết, ông Nguyễn Đức Chung vốn là một cán bộ xuất thân từ ngành công an cho nên ông không thể không hiểu trách nhiệm của chính quyền Hà Nội trong việc phải khởi tố vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” đã xảy ra trên địa bàn do mình quản lý được. Đó chính là lý do khiến nhiều người cho rằng việc Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Kỳ Sơn quyết định khởi tố vụ án “Gây ô nhiễm môi trường” là “sai đối tượng” và là kết quả của sự phối hợp nhịp nhàng ăn ý giữa bộ máy công quyền và doanh nghiệp làm ăn bất lương.
Xét cho cùng, sự phối hợp ăn ý này của một bộ máy chính quyền với doanh nghiệp đang là đối tượng cần phải điều tra hình sự và sự thờ ơ vô trách nhiệm đối với cả triệu con người của họ cũng cần phải bị khởi tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “Che giấu tội phạm”.
Kết thúc bài viết này, xin quý vị hãy cùng xem hình ảnh và lời bình chua chát của phóng viên báo Thanh Niên - cơ quan báo do chính quyền Việt Nam kiểm duyệt viết về “họp giao ban báo chí kết thúc bất ngờ trong niềm vui của lãnh đạo cơ quan chức năng thành phố Hà Nội”. (Ảnh: Lê Quân - báo Thanh Niên)