Trang

Thứ Tư, 2 tháng 10, 2019

2922. MỔI TƯ GIA LÀ MỘT THIỀN ĐƯỜNG.

Tại tư gia người đạo có Thiên Bàn và mỗi người đạo đều có quyền cúng tứ thời tại nhà. Mỗi tư gia đã là một thiền đường, để người đạo thực hành Thiền định,...
TÌM HIỂU VỀ THIỀN TRONG ĐẠO CAO ĐÀI.

Hội Thánh chưa kiểm duyệt.

1/ Vài lời thưa trước.
Nhiều bạn đạo đã nêu vấn đề Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ (ĐĐTKPĐ) hay Đạo Cao Đài (ĐCĐ) có dạy thiền hay không?
Xin thưa rằng có.



(Thiên nhãn thờ tại tư gia thời khai đạo cho đến khi Đức Hộ Pháp sang Nam Vang "1956")
Vậy cách thiền của ĐCĐ có giống thời Nhị Kỳ Phổ Độ hay không? 
Cách thiền của ĐCĐ khác với cách thiền thời Nhị Kỳ Phổ Độ, như sẽ trình bày dưới đây.
Tại sao khác? Bởi cách thiền của ĐCĐ là cách thiền của nền văn minh tâm linh, thiền trong thời năm châu chung chợ bốn biển chung nhà. Do vậy khác với cách thiền của nền văn minh nông nghiệp. Nghĩa là khác nhau về hình thức thiền nhưng vẫn đi đến yếu chỉ: TINH KHÍ THẦN hiệp một. 
ĐCĐ xây dựng một nền văn minh mới nên có nguyên lý khác với các nền văn minh có trước nó. Dẫn đến hình thức thiền cũng khác là bình thường.
(Còn như vị nào thích ngồi bán kiết hay ngồi kiết cũng chẳng hại chi. Cũng như lên lớp mới, học bài mới nhưng ai thích bài cũ cũng không sao.)
2/ Thiền là gì?
Thiền là rèn luyện cho TINH KHÍ THẦN hiệp nhứt. Đó là tiến trình luyện tinh hoá khí, khí hoá thần, thần hươn hư = đắc đạo.
Khai ĐĐTKPĐ Thầy dạy ngày 25/2/1926.
,..Thần là khiến khuyết của cơ mầu nhiệm từ ngày Đạo bị bế. Lập “Tam Kỳ Phổ Độ” nầy duy THẦY cho Thần hiệp “Tinh Khí” đặng hiệp đủ “Tam Bửu” là cơ mầu nhiệm siêu phàm nhập Thánh. 
Các con nhớ nói vì cớ nào thờ con mắt THẦY cho chư đạo hữu nghe...
....phẩm vị Thần Thánh Tiên Phật từ ngày bị bế Đạo, thì luật lệ hỡi còn nguyên, luyện pháp chẳng đổi, song Thiên Đình mỗi phen đánh tản “Thần” không cho hiệp cùng “Tinh Khí”.
THẦY đến đặng hườn nguyên chơn thần cho các con đắc Đạo. Con hiểu “Thần cư tại Nhãn”. Bố trí cho chư Đạo hữu các con hiểu rõ. Nguồn cội Tiên Phật yếu nhiệm là tại đó....
Theo đó chúng ta hiểu rằng:
Xưa người đi vào thiền định bị Thiên Đình đánh tản thần cho nên rất khó để hiệp tam bữu (khó đắc đạo). 
Nay thời kỳ đại ân xá nên Thầy đến giúp cho Thần  hiệp với Tinh Khí.
Từ lời dạy trên chúng ta hiểu thêm rằng THẦY đến đặng hườn nguyên chơn thần cho môn sinh đắc Đạo  suốt trong nhiệm kỳ Thất Ức Niên của ĐĐTKPĐ. Nghĩa là cơ Đại Ân Xá kéo dài trong 700.000 năm chứ không phải một vài trăm năm như nhiều văn bút khác đã viết.
3/ Thần là gì? 
Thần là sự hiểu biết của mỗi người.
Sự hiểu biết do đâu mà có (hay làm sao có thần)?
Sự hiểu biết có được là do sự học hỏi mà có. 
Học gắn liền với kinh sách. 
Vậy kinh sách nào? Bởi lẽ có hằng tỷ tỷ sách vở làm sao biết mà chọn để học? 
Xin thưa trong núi kinh sách ấy Hội Thánh Cao Đài có trách nhiệm xác minh xem sách nào hữu ích và hữu ích về phương diện nào rồi kiểm duyệt và đóng dấu vào để chịu trách nhiệm trước người đạo.
Căn cứ vào đâu mà hiểu như thế?
Căn cứ 1:
Kinh Đệ Tam Cửu câu 8 đến 12:
Cung Như-Ý Lão-Quân tiếp khách,
Hội Thánh-minh giao sách Trường-xuân.
Thanh quang rỡ rỡ đòi ngàn,
Chơn hồn khoái-lạc lên đàng vọng Thiên.
Hội Thánh minh giao sách Trường Xuân có nghĩa Hội Thánh xác minh, hay có những phát minh và đúc kết thành sách rồi phổ biến ra cho người đạo học hỏi để thực thi tam lập. Dĩ nhiên kinh sách do Hội Thánh biên soạn và phát hành thì có con dấu kiểm duyệt để làm bằng.
(xem phụ lục 1: Tiến trình học hỏi từ các bài Kinh Cửu)
Căn cứ 2:
Chương trình hiến pháp.
Ðiều thứ 22: -Nghiêm cấm trong Ðạo không ai đặng lấy danh Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ và dùng THIÊN ÂN, THIÊN NHÃN mà đề vào bìa Kinh sách, Bố cáo, vân vân... hay là in Thánh Tượng, Kinh sách (bán hoặc phát không) nếu Kinh sách và Thánh Tượng ấy không có trình ban kiểm duyệt xem xét trước và đóng con dấu kiểm duyệt.
Căn cứ 3:
Những sách nào có Hội Thánh kiểm duyệt rồi mà tác giả tự ý điều chỉnh thì Hội Thánh ra Thông Tri không nhìn nhận quyển đó.
Đến đây cần lưu ý rằng Hội Thánh Cao Đài thay mặt cho Đức Chí Tôn để dìu dẫn con cái của Ngài. Đức Chí Tôn cũng ban quyền cho nhơn loại kiểm soát Thánh Thể đó qua cơ chế 03 Hội Lập Quyền Vạn Linh.
4/ Làm sao cho Thần hiệp với Tinh Khí.
Khai ĐĐTKPĐ Thầy dạy người đạo lập Thiên Bàn tại tư gia để thờ Thầy.
Thờ Thầy là thờ Thiên Nhãn của Thầy.
Thầy dạy Thần Cư Tại Nhãn. Thần là khiếm khuyết của cơ mầu nhiệm thì ngày nay Thầy đem Thần đến tận tư gia mỗi tín đồ. Khi cúng thì mắt của mình nhìn ngay vào Thiên Nhãn để được hưởng hồng ân của Thầy. Cái yếu nhiệm của việc thờ Thiên Nhãn Thầy đã dạy rõ. 
Đó chính là THẦY cho Thần hiệp “Tinh Khí” đặng hiệp đủ “Tam Bửu” là cơ mầu nhiệm siêu phàm nhập Thánh.
 Thầy dạy:
Các con nhớ nói vì cớ nào thờ con mắt THẦY cho chư đạo hữu nghe...
Thầy cũng dạy:
Bố trí cho chư Đạo hữu các con hiểu rõ. Nguồn cội Tiên Phật yếu nhiệm là tại đó....
Hai lần dạy trong đoạn ngắn như thế thể hiện việc thờ Thiên Nhãn là cực kỳ hệ trọng.
Dĩ nhiên việc thờ Thầy tại tư gia còn nhiều ý nghĩa sâu xa khác về nhân quyền trong thời toàn cầu hoá. Đề thi của người đạo là xây dựng xã hội hoà bình, dân chủ, tự do. Người đạo không biết vận dụng bài bản của thầy bố trí để giải quyết đề thi cho phù hợp với luật cung cầu thì rất uổng công lao của Thầy bố hoá. Giá trị của đạo trước nhân loại chính là khả năng xây dựng xã hội hòa bình, dân chủ, tự do. Trong bài nầy chỉ giới hạn theo đề tài đã nêu.
(Xem phụ lục 2: Ý nghĩa thờ Thiên Nhãn tại tư gia)
Tóm lại: Người Đạo Cao Đài khi cúng Thầy trước Thiên Bàn chính là Thiền.

Ai có cúng trước Thiên Bàn cũng đều biết rằng khi cúng phải định Thần thì đọc kinh mới đúng, khi phân tâm thì đọc sai ngay. Định Thần trước Thiên Bàn đó chính là Thiền.
Về hình thức theo thiễn ý thì quì cúng hay ngồi cúng mà mắt mình phải ngó ngay Thiên Nhãn chính là Thiền.
Thiết tưởng đến đây đã tạm đủ để kết luận: Cách Thiền của ĐĐTKPĐ được thực hiện trong nền văn minh mới (văn minh tâm linh) có khác với cách Thiền thời Nhứt Kỳ và Nhị Kỳ Phổ Độ (văn minh nông nghiệp).
5/ Thiền để hành đạo hay đối tượng phục vụ của Thiền. 
Thiền trong Tam Kỳ Phổ Độ là để hành đạo chứ không phải cho bản thân mình. Thiền là để rèn luyện khả năng thực hành pháp điều Tam Kỳ Phổ Độ (lập công, lập đức, lập ngôn) để hành đạo cho có hiệu quả. Hành đạo là dùng công lý đánh đổ cường quyền, xây dựng xây dựng xã hội hoà bình, dân chủ, tự do theo đề thi đã công bố. Phải xác định đối tượng phục vụ đúng với ý chỉ của Thầy mới được Thầy ban hồng ân. Thầy là Đấng cầm cân công bằng thì ta cũng nên tự vấn rằng Thầy có ban hồng ân cho kẻ ích kỷ, cầu lợi cho bản thân mình chăng?
Thiền trong ĐCĐ chú trọng ở thực hành, không chú trọng ở kinh điển (lý thuyết). Thầy dạy (21/7/1926): Kinh-điển giúp đời siêu phàm nhập Thánh chẳng khác chi đũa ăn cơm, chẳng có đũa, kẻ có cơm bốc tay ăn cũng đặng. Các con coi kinh-điển lại, rồi thử nghĩ lại sự công-bình thiêng-liêng mà suy-gẫm cho hay lẽ phải Thầy khuyên các con theo sau Thầy mà đến phẩm-vị mình thì hay hơn tuông bờ lướt bụi, đi quanh kiếm quất nghe à.
Theo Tân Luật Phần Đạo Pháp chương III Điều thứ 20:

·         Chức Sắc giữ Thánh Thất mỗi ngày phải làm tiểu lễ bốn lần theo Tứ Thời: Tý, Ngọ, Mẹo, Dậu. Mỗi Thời phải cúng đúng 6 giờ sáng, 12 giờ trưa, 6 giờ tối và 12 giờ khuya.
·         Đổ một hồi chuông trước khi hành lễ. Trong mấy Thời này, bổn đạo muốn đến tụng kinh tùy ý.
Theo đó Chức sắc đi hành đạo tại các Thánh Thất phải cúng tứ thời. Khi cúng chính là Thiền, cho nên đó chính là những thiền sư đi hành đạo (có đối tượng phục vụ rõ ràng).
Cũng theo Tân Luật phần Tịnh Thất điều thứ 8:
Phải tuân mạng lịnh của một "Tịnh Chủ" phải y theo giờ khắc sẽ định mà hành công tu luyện.
Thiễn nghĩ trong việc hành công tu luyện ấy chắc chắn phải có cúng tứ thời, nghĩa là có Thiền định.
Tại tư gia người đạo có Thiên Bàn và mỗi người đạo đều có quyền cúng tứ thời tại nhà. Mỗi tư gia đã là một thiền đường, để người đạo thực hành Thiền định, chuẩn bị hành trang trên bước đường thế thiên hành hóa./.
Tạm kết.