Mẹ và sáu con: Từ trại giam đã ra đến tự do ở Thái Lan
·
Diễn tiến khả quan cho cuộc vận
động tự do cho các đồng bào tị nạn
Mạch Sống, ngày 1 tháng 12, 2018
Nỗ lực tháo gỡ cho những đồng bào xin tị nạn đang bị giam ở Thái
Lan vừa đạt một mốc điểm quan trọng: ngày 20 tháng 11 vừa qua, một mẹ và 6 đứa
con người Việt thuộc sắc tộc Hmong được thả ra khỏi trại giam sau khi BPSOS
đóng tiền thế chân cho người mẹ. Mặc dù người cha vẫn tiếp tục bị giam, diễn
tiến này là một dấu hiệu khích lệ cho nhiều trăm người Việt xin tị nạn đang bị
giam giữ bởi Sở Di Trú Thái Lan.
Hai vợ chồng và 6 người con trong gia đình kể trên thuộc một
cộng đồng Tin Lành người Hmong ở Đà Lạt. Vì là trưởng của một hội thánh, người
chồng đã bị công an địa phương liên tục sách nhiễu, đe doạ. Một ngày tháng 3
năm 2017, công an đến nhà bắt nhưng may mắn lúc ấy người chồng không có nhà.
Đêm hôm ấy, 2 vợ chồng cùng với 6 người con, nhỏ nhất là 1 tuổi và lớn nhất 15
tuổi, vội vàng bỏ trốn.
Sau 5 ngày lặn lội bằng đường bộ, họ đến biên giới Thái Lan. Nhưng
ngay tại đây họ đã bị cảnh sát biên phòng Thái Lan bắt giữ. Ngày 19
tháng 3, họ bị chuyển về Trung Tâm Giam Giữ Di Trú (Immigration Detention
Center, hoặc IDC) ở Bangkok. Người chồng bị giam tách biệt với vợ con. Kể cả
sau khi Cao Uỷ Tị Nạn Liên Hiệp Quốc công nhận họ là những người tị nạn, Chính
Phủ Thái Lan vẫn xem họ là di dân bất hợp pháp và tiếp tục bị giam giữ họ.
Người
mẹ Hmong và 4 trong số 6 người con mới được trả tự do từ trại giam IDC,
Bangkok, Thái Lan (ảnh BPSOS)
Các trại IDC ở Thái Lan đang giam giữ hàng trăm gia đình đã được
công nhận là tị nạn hoặc đang xin cứu xét quy chế tị nạn. Cuối tháng 8 năm nay,
gần 180 đồng bào Tây Nguyên theo Đạo Tin Lành đã bị bắt trong một cuộc bố ráp
bởi cảnh sát di trú Thái Lan. Tiếp sau đó, thêm một số người Hmong và người
Việt bị bắt và đưa vào giam ở IDC.
Các cuộc bố ráp này xảy ra trong bối cảnh Chính Phủ Thái Lan đã thoả
thuận ngưng giam giữ trẻ em thuộc các gia đình đang lánh nạn ở Thái Lan, kết
quả của cuộc vận động kéo dài cả năm nay do một số tổ chức quan tâm đến người
tị nạn thực hiện, trong đó có BPSOS. Cao Uỷ Tị Nạn LHQ yểm trợ cho cuộc vận
động này.
Căn cứ được dùng để vận động là Công Ước LHQ về Quyền của Trẻ
Em, mà Thái Lan là một quốc gia ký kết. Giữa năm nay, Chính Phủ Thái Lan đồng ý
trả tự do cho các trẻ em đang bị giam giữ ở các IDC và sẽ ngưng không bắt giam
trẻ em nữa. Và vì các trẻ em này cần người lớn trông nom, Chính Phủ Thái Lan
đồng ý trả tự do luôn cho người mẹ hoặc, nếu không có mẹ, thì cho người cha.
Văn bản của Thoả Thuận Thư (Memorandum of Understanding, hay
MOU) về chính sách này đang chờ chữ ký của Thủ Tướng Thái Lan. Sau khi MOU được
công bố, tiền thế chân cũng sẽ được bãi miễn.
Thế nhưng các cuộc bố ráp của cảnh sát di trú lại xảy ra một
cách bất ngờ và ồ ạt. Lập tức, các tổ chức lo cho người tị nạn gia tăng nỗ lực
kêu gọi Chính Phủ Thái Lan sớm thực hiện thoả thuận kể trên. Để chứng tỏ
thiện chí, Chính Phủ Thái Lan đã chuyển các trẻ em ra những nhà trú ẩn trực
thuộc Bộ Thanh Thiếu Niên và Trẻ Em. Sau đó, các người mẹ cũng đã được chuyển
theo.
“Trong những tháng qua, chúng tôi đã cử 2 cán sự xã hội và 1
luật sư người Thái để vừa làm việc với các cơ quan chính phủ vừa thăm nom các
người bị giam giữ,” Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch
BPSOS, giải thích.
Theo Ông cho biết, hiện nay BPSOS đã nhận diện khoảng 30 trường
hợp mà người mẹ và các con nhỏ cũng có thể được trả tự do, với điều kiện phải
đóng tiền thế chân $1,500 cho mỗi người mẹ. Sau đó, thủ tục giấy tờ để trả tự
do sẽ kéo dài khoảng 1 tháng.
Thoả thuận về trả tự do cho các trẻ em và các bà mẹ chỉ là một
phần của nỗ lực vận động rộng lớn hơn của các tổ chức quan tâm đến người tị nạn
ở Thái Lan. Từ 2 năm qua, BPSOS đã cùng với các tổ chức bạn vận động Chính Phủ
Thái Lan hợp thức hoá việc tạm cư cho những ai đã được Cao Uỷ Tị Nạn LHQ xét là
tị nạn và cho phép họ đi làm. Trên nguyên tắc Chính Phủ Thái Lan đã đồng ý
nhưng Thủ Tướng chưa ban hành chính sách mới này.
“Khi chính sách này hiệu lực thì các người cha đang còn ở IDC sẽ
được trả tự do để về với vợ con của họ”, Ts. Thắng giải thích.
Trở lại với trường hợp người mẹ Hmong với 6 con nhỏ vừa được trả
tự do, BPSOS đang giúp họ ổn định cuộc sống và sinh kế, và sắp xếp để các trẻ
em được nhập học. Đây sẽ là lần đầu tiên các em được cắp sách đến trường trên
đất Thái.
“Trong cái rủi lại có điều may là, sau khi đóng tiền thế chân họ
không còn phải nơm nớp lo sợ bị cảnh sát bắt”, Ts. Thắng giải thích. “Từ nay,
họ có thể ra đường một cách công khai chứ không phải trốn chui nhủi như những
người xin tị nạn khác.”
Sắp tới đây, một nhóm chuyên gia người Việt về sức khoẻ tâm thần
từ San Jose, theo sắp xếp của BPSOS, sẽ đến thăm các bà mẹ và các trẻ em còn bị
giam giữ ở trại IDC.
Hiện nay,
một thân hữu của BPSOS đang gây quỹ trên Facebook để tài trợ tiền thế chân cho
khoảng 20 hồ sơ mẹ và các con. Để đóng góp, xin vào đây: https://www.facebook.com/dhaktran
Bài
liên quan:
Người
Việt tị nạn bị bắt giam ở Thái Lan: tháo gỡ từng bước
http://www.machsongmedia.com/vietnam/bao-ve-nguoi-ti-nan/1410-2018-11-19-17-10-19.html
http://www.machsongmedia.com/vietnam/bao-ve-nguoi-ti-nan/1410-2018-11-19-17-10-19.html
Đồng bào
người Tây Nguyên bị cảnh sát Thái Lan bắt trong cuộc bố ráp lớn
http://www.machsongmedia.com/vietnam/bao-ve-nguoi-ti-nan/1388-2018-08-30-14-55-23.html
http://www.machsongmedia.com/vietnam/bao-ve-nguoi-ti-nan/1388-2018-08-30-14-55-23.html
Tình hình
người Việt lánh nạn ở Thái Lan: Những điều cần biết
http://www.machsongmedia.com/vietnam/bao-ve-nguoi-ti-nan/1379-2018-07-30-00-45-42.html
http://www.machsongmedia.com/vietnam/bao-ve-nguoi-ti-nan/1379-2018-07-30-00-45-42.html