Trang

Thứ Bảy, 8 tháng 12, 2018

2845. EU cứu xét biện pháp trừng phạt kẻ vi phạm nhân quyền


Hội Đồng Đối Ngoại của EU cứu xét biện pháp trừng phạt kẻ vi phạm nhân quyền

-          Nhiều tổ chức nhân quyền đang vận động EU thông qua Luật Magnitsky
Mạch Sống, ngày 5 tháng 12, 2018

Ngày 10 tháng 12 tới đây Hội Đồng Đối Ngoại của Liên Minh Âu Châu sẽ biểu quyết việc soạn thảo luật chung cho toàn khối về các biện pháp trừng phạt cá nhân dành cho các thủ phạm vi phạm nhân quyền một cách nghiêm trọng. Nội dung và tác dụng của luật này, nếu được thông qua, sẽ tương tự Luật Magnitsky ở Hoa Kỳ và Canada.

Nhiều tổ chức nhân quyền đang hiệp sức vận động Hội Đồng Đối Ngoại, mà thành phần là các Ngoại Trưởng của các quốc gia thuộc Liên Âu, chuẩn thuận chính sách chế tài cá nhân để đối phó với các vi phạm nghiêm trọng về nhân quyền.
Trong một lá thư ký tên chung, các tổ chức này kêu gọi: “…chúng tôi hối thúc đại diện của các quốc gia hãy tôn vinh Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền bằng cách ủng hộ hành động để hình thành một chế độ chế tài như vậy, và, qua đó, bắt đầu tiến trình tạo cho Liên Âu thêm một công cụ quan trọng để chống lại tình trạng vô tội vạ và bảo vệ nhân quyền toàn cầu.”
Hoà Lan là quốc gia đề xướng khối Liên Âu phải có chính sách chế tài tương tự Luật Magnitsky.
Trang đầu của luật Magnitsky Toàn Cầu (Hoa Kỳ) được ban hành vào tháng 12 năm 2016.
Nếu được Hội Đồng Đối Ngoại “bật đèn xanh”, tiến trình soạn thảo luật sẽ bắt đầu.
Cuộc biểu quyết sẽ diễn ra vào thời điểm đầy ý nghĩa: 10 tháng 12 là Ngày Quốc Tế Nhân Quyền. Năm nay, ngày này còn đánh dấu 70 năm Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền ra đời.
Ngày 10 tháng 12 cũng là thời hạn để Hành Pháp Hoa Kỳ báo cáo thường niên cho Quốc Hội về việc thực thi Luật Magnitsky Toàn Cầu, được Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua cuối năm 2016.
Ngoài Hoa Kỳ, hiện nay Canada và 4 quốc gia Âu Châu đã có luật tương tự:  Anh Quốc, Esthonia, Lithuania và Latvia.
Luật Sergei Magnitsky được Canada thông qua vào năm 2017.
Một dự thảo Luật Magnitsky (Bill No. 2018) cũng đã được đưa vào Hạ Viện của Quốc Hội Úc ngày 3 tháng 12 bởi Dân Biểu Michael Danby (Đảng Lao Động).
“Nếu Liên Âu và Úc cùng thông qua Luật Magnitsky trong năm tới, thì xem như hầu hết các quốc gia dân chủ Phương Tây đều có các biện pháp chế tài cá nhân nhắm vào các thủ phạm đàn áp nhân quyền,” Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS, nói.
BPSOS là một trong gần 20 tổ chức nhân quyền Hoa Kỳ và quốc tế đã chung sức vận động Luật Magnitsky Toàn Cầu ở Hoa Kỳ trong các năm 2015 - 2016. BPSOS cũng hỗ trợ cho cuộc vận động cho Luật Magnitsky ở Canada năm 2017. BPSOS đang cùng với nhóm 20 tổ chức này đang thực hiện cuộc vận động Hội Đồng Đối Ngoại của Liên Âu.