Trang

Chủ Nhật, 23 tháng 9, 2018

2806. HỒ SƠ CHI PHÁI 1997. (BẢN TIẾNG VIỆT)

BPSOS, ĐỀ ÁN TỰ DO TÔN GIÁO: HỒ SƠ CHI PHÁI 1997.  BẢN TIẾNG VIỆT.

Chi Phái 1997:

Tác nhân phi chính phủ với thành tích dài lâu vi phạm nhân quyền đối với đạo Cao Đài.
TOÀN VĂN.
@@@

Chi Phái 1997:

Tác nhân phi chính phủ với thành tích dài lâu vi phạm nhân quyền đối với đạo Cao Đài.

http://dvov.org/wp-content/uploads/2018/09/1997-SectChi-Ph%C3%A1i-12SEPAUG2018.pdf.



Trong hơn 8 năm trời, tín đồ Cao Đài tại Sài Gòn đã phải hành lễ ngay trên lòng đường phố sau khi thánh thất của họ bị Chi Phái 1997 chiếm đoạt
(Hình chụp ngày 16/11/2005)  
BPSOS, Đề Án Tự Do Tôn Giáo Ngày 30 tháng 6 năm 2018 Trang Liên Mạng: www.bpsos.org Điện thư: bpsos@bpsos.org

Đề Án Tự do Tôn giáo, là một trong những hoạt động quốc tế của BPSOS, phản ánh cam kết của tổ chức với Điều 18 của Tuyên ngôn Quốc Tế Nhân Quyền. BPSOS đã làm việc để bảo vệ và thúc đẩy tự do tôn giáo từ năm 1996. Năm 1998, tổ chức đã đồng sáng lập Ủy ban Tự do Tôn giáo ở Việt Nam. Từ năm 2010, BPSOS đã tài trợ cho một văn phòng hỗ trợ pháp lý ở Thái Lan để bảo vệ quyền được người tị nạn bảo vệ gần một nghìn nạn nhân của cuộc bách hại chính trị và tôn giáo từ các nước như Việt Nam, Lào, Campuchia, Trung Quốc, Pakistan, Cộng Hòa Congo và Somalia. Vào năm 2015, BPSOS đã tham gia với các đối tác trong khu vực và quốc tế để tổ chức Hội nghị Thường niên về Tự do Tôn giáo hoặc Niềm Tin ở Đông Nam Á (SEAFORB).

Phạm vi công tác của Dự án Tự do Tôn giáo của BPSOS bao gồm:

1)     Lập hồ sơ và báo cáo vi phạm về tự do tôn giáo;
2)     Đào tạo các cộng đồng tôn giáo bị bức hại để xác định và báo cáo các sự cố vi phạm quyền tự do tôn giáo nhắm vào các thành viên của họ;
3)     Phối hợp các chiến dịch vận động chính sách cùng với các nhà thờ và các chủ thể liên quan bị bức hại;
4)     Đồng tổ chức các hội nghị, hội thảo và các cuộc họp bàn tròn về các vấn đề tự do tôn giáo; và
5)     Hỗ trợ và huấn luyện cho các mạng lưới những người ủng hộ tự do tôn giáo.


DẪN NHẬP VÀ TÓM TẮT


Năm 1978, chính quyền Cộng Sản Việt Nam tuyên bố Đạo Cao Đài, được thành lập năm 1926, là phản cách mạng và buộc hội thánh của tôn giáo này phải ngưng hoạt động. Năm 1997, nhà nước Việt Nam dựng lên “Chi Phái Cao Đài Tây Ninh”, và chỉ định vào thành phần lãnh đạo của chi phái này những cá nhân trung thành với Đảng Cộng Sản và giao các cơ ngơi và tài sản của Đạo Cao Đài, kể cả Tòa Thánh Cao Đài ở Tây Ninh cho chi phái này. Từ đó, chi phái này đã cướp luôn danh tính của đạo, Tòa Thánh Tây Ninh và chiếm hầu hết các thánh thất của đạo. Các thành viên của chi phái cũng chà đạp nhân quyền, kể cả tra tấn và đối xử một cách tàn nhẫn, vô nhân đạo, hạ nhục nhân phẩm đối với tín đồ Cao Đài để cưỡng bức phải qui thuận theo họ. Mọi khiếu nại và yêu cầu chính quyền can thiệp của tín đồ Cao Đài đều bị chính quyền làm ngơ.

Chiến lược này hoàn hảo đến mức hàng triệu người đã bi ép cải đạo theo Chi Phái 1997 trong hai thập niên qua mà cộng đồng quốc tế không hay biết. Tình trạng này tương tự một giáo phái không công nhận Đấng Giê-su là con của Đức Chúa Trời, bỗng dưng xuất hiện, chiếm đóng Tòa Thánh Vatican, rồi bức hại giáo dân trong khi vẫn tự xưng là Giáo hội Công giáo. Và cộng đồng quốc tế bị che mắt.

TIẾN TRÌNH THÀNH LẬP ĐẠO CAO ĐÀI


Được thành lập vào năm 1926, Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, tức Đạo Cao Đài, chủ trương đoàn kết, bác ái, công lý, hòa bình, tự do, dân chủ và tôn trọng mọi tín ngưỡng. Nền tảng giáo lý của đạo là cơ bút - sự hiệp thông trực tiếp với Thượng Đế qua những buổi cầu cơ. Pháp Chánh Truyền và Tân Luật được xem là giáo huấn từ Đấng Chí Tôn nên không được tùy tiện thay đổi. Với bản Hiến Chương được Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa (tức chính quyền miền Nam) chuẩn thông qua vào ngày 12 tháng 7 năm 1965, đạo Cao Đài đã có được tư cách pháp lý ở cấp quốc gia. Tòa thánh của đạo, với trụ sở trung ương tại tỉnh Tây Ninh, cũng có thánh thất và văn phòng trực thuộc trên khắp miền Nam Việt Nam và ở một số quốc gia khác, kể cả Campuchia, Pháp, Gia-nã- đại, Úc và Hoa Kỳ. Đạo Cao Đài và các chi phái hiện có từ 4,5 đến 5 triệu tín đồ, cả trong và ngoài Việt Nam.

Mọi sinh hoạt tôn giáo của đạo Cao Đài đều được quản lý bởi ba hội: Hội Nhơn Sanh, Hội Hội Thánh và Thượng Hội. Mọi luật và quy tắc mới đều phải được cả ba hội này phê chuẩn trước và sau đó mới được dâng lên cho Đức Chí Tôn chuẩn thuận qua những buổi cầu cơ. Mọi chức vụ trong đạo cũng phải được Đức Chí Tôn chuẩn thuận theo thủ tục tương tự.

Để thể hiện các nguyên tắc dân chủ được lồng vào giáo lý, Đạo Cao Đài có một cơ cấu "Hội Thánh Em" bao gồm những tín hữu được bầu lên để điều hành các văn phòng hành chính đạo tại địa phương. Cơ cấu này có vai trò truyền bá trực tiếp thánh ngôn đến tín đồ, cùng điều hợp sinh hoạt tôn giáo, xã hội và mọi hoạt động khác của tín đồ ở hạ tầng cơ sở. Khi có khủng hoảng, và cả ba hội chính thức của Đạo Cao Đài không thể thi hành chức năng, thì "Hội Thánh Em" có bổn phận và thẩm quyền để tiếp nhận một phần hay tất cả các chức năng của cả ba.


Thánh Thất Đạo Cao Đài trong thời gian được xây cất khoảng vào năm 1930 (Hình của Walter Boshard)

  

ĐẠO CAO ĐÀI DƯỚI CHẾ ĐỘ CỘNG SẢN


Sau khi chiếm miền Nam, vào năm 1977 Đảng Cộng Sản Việt Nam dựng lên Mặt trận Tổ quốc, như một công cụ giúp họ xâm nhập và kiểm soát mọi sinh hoạt trong xã hội. Vào ngày 20 tháng 7 năm 1978, Mặt trận Tổ quốc tỉnh Tây Ninh phán quyết Đạo Cao Đài là phản động và tay sai của thực dân Pháp và Mỹ.Dựa trên “bản án” này, vào ngày 13/12/1978, Hội đồng Nhân dân tỉnh Tây Ninh thông qua quyết nghị để đặt Đạo Cao Đài ra ngoài vòng pháp luật, cùng giải tán toàn bộ cơ cấu hành chính đạo từ trung ương đến địa phương của đạo, bao gồm Hiệp Thiên Đài, Cửu Trùng Đài, ba hội, và "Hội Thánh Em".

Vào ngày 4 tháng 6 năm 1980, bằng Quyết định Số 124, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh tịch thu tất cả đất đai, hơn 2355 mẫu Tây, cùng hầu hết các bất động sản của Đạo Cao Đài, kể cả bệnh viện, viện đại học, thư viện và nhiều trường học. Một số tài sản còn lại chưa bị tịch thu gồm có Tòa Thánh Tây Ninh và chín kiến trúc nằm trong nội ô Tòa Thánh, nhưng tất cả đều bị nhà nước quản lý.

Trước nguy cơ từ chính quyền, bộ phận lập pháp của Đạo Cao Đài (chính thức được gọi là Hiệp Thiên Đài) đã ban hành Đạo Lệnh số 01 / HTDL ngày 1 tháng 3 năm 1979 để tự đình chỉ sinh hoạt cùng mọi sinh hoạt của bộ phận hành pháp là Cửu Trùng Đài, giải tán ba hội, và giải thể hệ thống hành chánh Đạo ở mọi cấp (làng, quận, tỉnh, vùng và trung ương). Để đạo Cao Đài không bị xóa sổ, Hiệp Thiên Đài đã chỉ định một Quyền Chưởng Quản phụ trách Hiệp Thiên Đài và thành lập một văn phòng quản trị lâm thời, được gọi là “Hội đồng Chưởng Quản” để giúp vị Chưởng Quản lâm thời điều hành sinh hoạt hàng ngày ở cấp trung ương, cùng đối phó với chính sách của nhà cầm quyền và duy trì liên lạc với các tín đồ Cao Đài trong và ngoài nước. Cơ cấu quản trị quy mô của Đạo Cao Đài chỉ còn là một văn phòng nhỏ tạm thời, với mười thành viên dưới sự điều động của vị Chưởng Quản lâm thời.

Năm 1984, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh ra một lệnh nhằm bãi bỏ chức vụ Chưởng Quản Lâm Thời và giải tán Hội đồng Chưởng Quản Lâm thời để thay thế bằng một Hội đồng Quản Lý do họ kiểm soát. Họ đi bước này để có thể giám sát và kiểm soát chặt chẽ hơn các tín đồ Cao Đài. Không có một vị lãnh đạo nào của Đạo Cao Đài được đề cử vào Hội đồng Quản Lý mới; chỉ toàn những cá nhân trung thành với Đảng mới được tham gia.

Năm năm sau, vào ngày 14 tháng 9 năm 1989, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh ra một lệnh khác thay Hội đồng Quản Lý bằng một Hội đồng Chưởng Quản. Tuy trùng tên, thực thể mới này khác với Hội đồng Chưởng Quản được thành lập vào năm 1979 trong vai trò cơ quan hành chính của vị Quyền Chưởng Quản của Hiệp Thiên Đài.
Hội đồng Chưởng Quản mới, với phạm vi quản trị được giới hạn trong tỉnh Tây Ninh, biệt lập với cơ quan lập pháp- Hiệp Thiên Đài. Khi bổ nhiệm nhân sự, Tỉnh ủy Tây Ninh chọn một số chức sắc Cao Đài cấp trung đã từng cộng tác với Đảng. Hội trưởng của Hội đồng Chưởng Quản mới là ông Hồ Ngọc Thơ, một thành viên của Mặt trận Tổ quốc tỉnh Tây Ninh, thực thể đã ra bản án Cao Đài năm 1978.

CHIẾN LƯỢC MỚI CỦA CHÍNH QUYỀN


Bị quốc tế chỉ trích ngày càng nhiều, vào đầu thập niên 1990, đảng Cộng sản Việt Nam bèn thay đổi chiến lược: ép tín đồ Cao Đài tham gia một tôn giáo mới do họ dựng lên và kiểm soát. Vào ngày 14/11/1992 Ban Bí thư Trung ương Đảng công bố Thông báo số 34-TB / TW có tựa “Thông báo ý kiến của Ban Bí thư về chủ trương công tác đối với đạo Cao Đài”. Tài liệu này đã trình bày chính sách chia rẽ và cô lập đối với các cộng đồng Cao Đài: "Về Tổ chức, không cho phép đạo Cao Đài lập bộ máy hành chính đạo như bộ máy hành chính Nhà nước và không cho thống nhất các hệ phái Cao Đài toàn quốc dưới bất kỳ hình thức nào kể cả hình thức ‘liên hiệp’ … ”.

Để nhằm thi hành chiến lược này, vào ngày 27 tháng 5 năm 1996, Tỉnh ủy Tây Ninh đã đệ trình “Kế hoạch số 01” cho Uỷ ban Trung ương đảng. Tài liệu nội bộ này thừa nhận rằng chiến lược của Đảng nhằm “thu hẹp và khoanh lại trong địa phương Tây Ninh, đến một lúc nào đó sẽ tiêu vong” đã không thành công, và đã đưa ra một đề nghị nhằm biến tân Hội đồng Chưởng quản thành một giáo phái có tính cách toàn quốc. Vào ngày 29 tháng 5 năm 1996, Tỉnh ủy Tây Ninh chỉ định đảng viên thành lập một Ban Chỉ đạo để giám sát việc thành lập một giáo phái mới và đảm bảo những điều sau đây:
  Giáo phái chỉ là một chi phái;
  Cấm cơ bút;
  Hội Thánh chỉ có hai cấp thay vì năm cấp theo truyền thống của Đạo Cao Đài.

Ngày 30 tháng 9 năm 1996, Ban Dân Vận Trung ương đảng ra Thông báo số 319 / TB.BDV nhằm hướng dẫn Mặt trận Tổ quốc, Ban Tôn giáo Chính phủ và Bộ Nội vụ, để trong quá trình thành lập tôn giáo mới này, họ phải “đảm bảo sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng. Xây dựng, phát huy lực lượng cốt cán và nhân tố tích cực phục vụ yêu cầu xây dựng cơ sở trước mắt và lâu dài.
Khắc phục, loại trừ các biểu hiện cơ hội, chống phá và âm mưu thủ đoạn lợi dụng của bọn xấu". Trong một chỉ thị bổ túc sau đó, Ban Dân Vận nhấn mạnh tầm quan trọng trong tiến trình “Rà soát, lựa chọn và tập hợp lực lượng cốt cán, cơ sở chính trị và đảng viên (kể cả đảng viên cũ), tiến tới xây dựng thành những tổ cốt cán trực thuộc sự lãnh đạo của cấp uỷ… Chú ý chất lượng và coi trọng nguyên tắc bảo mật, chặt chẽ trong công tác cốt cán, nhất là cơ sở chính trị”. 1

Ban Chỉ đạo do Tỉnh ủy tỉnh Tây Ninh thành lập giám sát việc soạn thảo hiến chương của tân giáo này, trong đó có khoản từ bỏ cơ bút, cái cốt lõi của giáo lý Cao Đài; tạo ra một cơ cấu điều hành với Hội đồng Chưởng quản ở trên hết; và cho phép chức sắc được bổ nhiệm hoặc thăng chức không qua hệ thống thiên phong dùng cơ bút, trái với quy định trong Pháp Chánh Truyền và Tân Luật. Chi phái mới quá khác biệt với Đạo Cao Đài đến mức có thể được xem là một đạo khác, ngoại trừ việc kẻ sáng lập vô thần không chủ trương lập lên đạo mới mà chỉ mưu toan hủy diệt một tôn giáo hiện hữu mà thôi.

Ngày 9 tháng 5 năm 1997, Nhà nước ra Quyết định số 10 / QĐ / TGCP, chuẩn thuận hiến chương và tư cách pháp nhân của tân phái. Tên chính thức của đạo được chính quyền công nhận, “Đại Đạo Tam Kỳ Phố Độ Cao Đài Tây Ninh”, có thêm phần ‘Cao Đài Tây Ninh’ để xác định đó là một hệ phái của Đạo Cao Đài. Để tiện tham khảo, tân phái này sẽ được gọi là Chi Phái 1997 kể từ đây.
1 Thông tư Số 31 HD/DVTW, ngày 16 tháng 2 năm 1998
Hội đồng Chưởng quản của Chi Phái 1997 gồm toàn những cá nhân thân cận với Đảng hoặc nhân viên Nhà nước:
  Ông Hồ Ngọc Thơ, Hội trưởng Hội đồng Chưởng quản lại là Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhiệm kỳ 1994-1999. Đương sự cũng là ủy viên Mặt trận Tổ quốc tỉnh Tây Ninh.
  Ông Nguyễn Thành Tám, Phó hội trưởng Hội đồng Chuỏng quản, là ủy viên Mặt trận Tổ quốc tỉnh Tây Ninh, nhiệm kỳ 1994-1999. Tháng 7/1997, đương sự được Đảng chọn làm dân biểu Quốc hội.
  Huỳnh Thị Nhìn, thành viên Hội đồng Chưởng quản, là ủy viên Mặt trận Tổ quốc tỉnh Tây Ninh, nhiệm kỳ 1994-1999.

Mưu toan của chính quyền thật là lộ liễu qua việc cả ba thành viên của Hội đồng Chưởng quản Chi Phái 1997 đều là ủy viên Mặt trận Tổ quốc tỉnh Tây Ninh, là thực thể đã ra “bản án” giải thể Đạo Cao Đài.

Nhà cầm quyền đã giao cho Chi Phái 1997 mọi tài sản của Đạo Cao Đài mà họ quản lý.

Ông Trần Quang Cảnh, hiện là một giáo hữu của Chi Phái 1997 và cũng là Chủ tịch Ủy ban Đại diện Hải Ngoại, đã từng thừa nhận sự thay đổi chính sách của đảng Cộng sản đối với Đạo Cao Đài: “Chính sách này được thể hiện qua việc cấp tư cách pháp nhân [và] phê chuẩn hiến chương.

Ngày 5 tháng 4 năm 1997 cho Chi Phái 1997, mà cũng đã được soạn thảo bởi Hội đồng Chưởng quản... dưới sự điều động của Chính quyền tỉnh Tây Ninh".2

MƯU ĐỒ XẢO QUYỆT


Năm 2007, với sự chấp thuận của nhà cầm quyền, Chi Phái 1997 đã tự đổi tên thành “Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ (Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh)”. Sau vụ đổi tên, ông Nguyễn Thành Tám, trong tư cách Phó hội trưởng Hội đồng Chưởng quản của Chi Phái 1997, đã tự phong là Đầu sư và tự bổ nhiệm làm Hội trưởng Hội đồng Chưởng quản. Tuy là một tổ chức khác biệt với giáo lý

2 Tuyên cáo của Cơ quan Truyền giáo Hải Ngoại, ngày 3 tháng 7 năm 2000

khác và danh xưng khác, Hội đồng Chưởng quản của Chi Phái 1997 vẫn cố tình sử dụng danh xưng, dấu ấn và các huy hiệu khác của Đạo Cao Đài trong mọi thông tin và ấn phẩm chính thức của Hội đồng. Điều này đã bị tín đồ Cao Đài nhận ra là nỗ lực của Chi Phái 1997 nhằm lừa dối công chúng và cộng đồng quốc tế bằng cách mạo danh Đạo Cao Đài.

Nhờ mưu đồ này, sự phát triển của Chi Phái 1997 được một số quan sát viên ngoại quốc lầm xem là dấu hiệu có cải thiện về tự do tôn giáo đối với đạo Cao Đài. Điều này khác sự thật một trời một vực.

Vào ngày 17 tháng 2 năm 2009, một số tín đồ Cao Đài đã đệ đơn khởi kiện tại Tòa án Nhân dân tỉnh Tây Ninh để phản đối việc Chi Phái 1997 sử dụng tên, danh tính, và việc họ chiếm Tòa Thánh. Vụ kiện này nhằm vạch trần bản chất của Chi Phái 1997 là kẻ mạo danh trong mưu đồ diệt Đạo Cao Đài rồi dùng Chi phái để đánh tráo. Tòa làm ngơ và không hề trả lời nhiều văn thơ của nguyên đơn. Vào ngày 28 tháng 8 năm 2009, Công an huyện Hoà Thành, tỉnh Tây Ninh. ra lệnh bắt giữ một trong các nguyên đơn về tội "lạm dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước; quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”.

Vào ngày 26 tháng 11 năm 2015, Hiệp Thiên Đài đành phải chấm dứt tình trạng lâu nay tự ngưng sinh hoạt, để tố cáo mưu đồ của Chi Phái 1997:

“Hành vi của Đạo huynh Đầu sư Phàm Phong Thượng Tám Thanh là Nghịch Thiên, Phạm pháp không phải là Chức sắc Thiên phong của Đại Đạo Tam kỳ Phổ Độ Tòa Thánh Tây Ninh nên chúng tôi gọi theo thế danh Nguyễn Thành Tám không gọi Thánh danh Đầu sư Thượng Tám Thanh…"

"Căn cứ vào các yếu tố trên, chức sắc Hiệp Thiên Đài kết luận: "Hội Thánh Cao Đài phái Tây Ninh là Bàng Môn Tà Đạo…"

"Ông Nguyễn Thành Tám chiếm dụng cơ ngơi thờ tự của Đạo từ trung ương đến địa phương để lèo lái con thuyền Đại Đạo đi lệch hướng, đưa nhơn sanh và tín đồ Cao Đài vào con đường bàng môn tả đạo, phản bội lời Hồng thệ với Đức CHÍ TÔN, và biến nền Chánh giáo trở nên Phàm giáo”.

THÀNH TÍCH DÀI LÂU VI PHẠM NHÂN QUYỀN


Vào ngày 15 tháng 9 năm 2017, thẩm quyền tối cao của Đạo Cao Đài là Hiệp Thiên Đài, ra thông báo tố cáo Chi Phái 1997 đã vi phạm nghiêm trọng các quyền của tín đồ Cao Đài:

“Một vụ đàn áp nghiêm trọng khác từ Chi Phái 1997: Hội Thánh của Chi Phái 1997 đã nhất trí chỉ đạo Ban Đại diện tỉnh Tây Ninh của họ ban hành công văn số 42 / 90.BDD-VT ngày 2 tháng 9 năm 2015, để báo cáo cho nhà cầm quyền các cấp trong tỉnh Tây Ninh mục tiêu tổ chức 75 họ đạo thành 16 cụm để khủng bố [và] đàn áp các tín đồ chân truyền tại các đám tang và lễ thượng tượng tại gia.

“Sau đó, Chi Phái 1997 đã chỉ thị lực lượng an ninh trong nội ô Tòa Thánh dùng bạo lực đối với chức sắc Hiệp Thiên Đài của đạo Cao Đài chân truyền, đóng cửa văn phòng của Hiệp Thiên Đài và trục xuất nhân sự ra khỏi nội ô của Tòa Thánh”.

Chi Phái 1997, một tác nhân phi chính phủ được thành lập năm 1997, đang thi hành kế hoạch của Nhà nước nhằm xóa sổ đạo Cao Đài 1926. Trong quá trình này, Chi Phái 1997 đã vi phạm nghiêm trọng nhân quyền, thường phối hợp với chính quyền địa phương. Các vi phạm nhân quyền có thể chia thành bốn loại: (1) ép tín đồ chân truyền chuyển giao hoặc dùng võ lực để chiếm đoạt các Thánh Thất;
(2) ngăn cấm tín đồ chân truyền tập hợp trong khuôn viên Tòa Thánh;
(3) cản trở sinh hoạt tôn giáo ngay trong nhà của tín đồ; và
(4) xúc phạm tang lễ và việc chôn cất tín đồ.
Những vi phạm này ảnh hưởng đến quyền tự do tôn giáo, quyền tự do tư tưởng và văn hóa, quyền được tụ hợp và lập hội ôn hòa, và cả các nhân quyền căn bản khác. Những vi phạm nhằm mục đích tạo áp lực buộc tín đồ Cao Đài theo Chi Phái 1997 này trên căn bản đã cấu thành những hành vi cưỡng bách bỏ đạo và cải đạo.

1.   Chiếm các thánh thất Cao Đài bằng võ lực hay áp lực.


Ngay sau khi được thành lập và dựa vào sự hỗ trợ của chính quyền, Chi Phái 1997 chiếm Tòa Thánh Cao Đài ngoại trừ văn phòng của Hiệp Thiên Đài. Sau đó, Chi phái tiến hành chiếm các nơi thờ phượng của Đạo Cao Đài trên toàn quốc, thường là bằng võ lực và bạo lực với sự hỗ trợ của công an và côn đồ. 3 Trong số hơn ba trăm nơi thờ phượng của Đạo, Chi Phái 1997 đã cướp đoạt hầu hết, ngoại trừ 15 nơi. Sau đây là một số trường hợp tiêu biểu về những nơi thờ phượng Cao Đài đã bị chiếm đoạt hoặc đang trong tầm ngắm của Chi Phái 1997.

Thánh Thất Cao Đài Đô Thành Sài Gòn: Năm 1949, Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc, Giáo Chủ đạo Cao Đài, một trong những người sáng lập đạo, đã mua một biệt thự của người Pháp ở Quận 5, Sài Gòn để làm văn phòng tạm thời, nơi ông và các chức sắc Cao Đài làm việc và nghỉ ngơi mổi khi tới thủ đô của miền Nam Việt Nam. Năm 1999, tín đồ Cao Đài chung tiền, tương đương 

 với 95.000 Mỹ kim trị giá năm 1997, hay khoảng 147.000 Mỹ kim trị giá năm 2018, để làm cơ ngơi này thành một Thánh Thất. Vào tháng 7 năm 2001, khi Thánh Thất được khánh thành, Chi Phái 1997 đã cử một chức sắc từ Tây Ninh lên Sài Gòn để xác nhận đó là tài sản của họ. Tín đồ Cao Đài chống lại việc cưỡng chiếm này. Ngày 14 tháng 4 năm 2005, cùng với cán bộ của Ủy ban Tôn giáo địa phương, thành viên Mặt trận Tổ quốc địa phương, cán bộ Quận 5 và công an, chức sắc Chi Phái 1997 trục xuất tín đồ Cao Đài ra khỏi Thánh Thất. Những tín đồ Cao Đài đó phải hành lễ ngay trên vỉa hè ngoài Thánh Thất của họ trong tám năm rưỡi, trước khi hoàn thành một nơi thờ phượng tạm thời vào năm 2013.

3 Công an thường dùng thành phần ràng côn đô để hành hung những người họ cho chống đối. Trong một số trường hợp, chính cán bộ công an cũng giả làm côn đồ để hành hung người bất đồng chính kiến.



Tín đồ Cao Đài hành lễ ngay trên lề đường sau khi Chi Phái 1997 tịch thu và chiếm ngự thánh thất của họ
(Hình chụp ngày 16 tháng 11 năm 2005)

Thánh Thất Cao Đài Định Quán: Được thành lập năm 1970, thánh thất này phục vụ 500 tín đồ Cao Đài tại huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai. Vào ngày 19 tháng 11 năm 2008, Chi Phái 1997 cử đại diện đến chiếm nhưng tín đồ Cao Đài kháng cự mạnh mẽ. Ban điều hành thánh thất cho nhóm xâm nhập biết là thánh thất thuộc về đạo Cao Đài, chớ không phải của Chi Phái 1997. Vào ngày 27 tháng 12 năm 2009, Chi Phái 1997 trở lại, lần này có cán bộ đi chung. Họ tấn công tín đồ Cao Đài tại đó nhưng không chiếm được thánh thất. Ngày hôm sau họ trở lại, lần này với côn đồ, công an, bộ đội và cán bộ địa phương. Họ đấm, đá, và đánh tất cả những tín đồ Cao Đài đang có mặt tại thánh thất. Họ cũng đập phá nhiều chỗ trong thánh thất. Bị yếu thế trước sự tàn bạo này, tín đồ Cao Đài đã phải từ bỏ thánh thất. Người của Chi Phái 1997 tràn vào và cưỡng chiếm. Đến năm 2017, chi phái 1997 triệt hạ thánh thất Cao Đài Định Quán. Ngày 13 tháng 1 năm 2018, ông Nguyễn Thành Tám, Hội trưởng Hội đồng Chưởng Quản của Chi Phái 1997, đã tham dự lễ khởi công xây cất một thánh thất mới cho Chi Phái 1997 ngay trên nền của thánh thất Cao Đài cũ.

Thánh Thất Cao Đài tại Định Quán, tỉnh Đồng Nai, bị Chi Phái 1997 cưỡng chiếm rồi triệt hạ

Thánh Thất Cao Đài Phù Mỹ: Vào lúc 8 giờ sáng ngày 16 tháng 9 năm 2012, theo tập tục đạo Cao Đài là Ngày Lễ Cúng Đức Chí Tôn, mười tín đồ Cao Đài đang cúng lễ ngoài trời thì khoảng 30 côn đồ bao vây thánh thất của họ ở Huyện Phú Mỹ, tỉnh Bình Định. Người ta thấy cán bộ địa phương chỉ huy công an, côn đồ và thành viên của Chi Phái 1997. Chánh Trị Sự Nguyễn Hữu Khanh đành tuyên bố đình chỉ buổi lễ khi tình hình trở nên quá căng thẳng. Lúc đầu, phe tấn công không vô được vì cổng bị khóa. Cuối cùng họ phá ổ khóa, bung cổng và tràn vào chiếm thánh thất. Tín đồ Cao Đài bèn chạy vô lại thánh thất và liền bị bọn côn đồ hung dữ rượt đuổi.
Nhóm này ra tay đánh đuổi bất cứ ai mà họ thấy. Phó Trị Sự Nguyễn Công Trứ bị trọng thương, và bị ông Trương Tú, lãnh đạo của nhóm tấn công bắt. Ông này đổ xăng lên ông Trứ để đốt nhưng một số người trong nhóm Chi Phái 1997 đã kịp ngăn chận. Tuy tín đồ nhiều lần gọi điện thoại nhờ cơ quan công lực cấp tốc can thiệp nhưng không thấy ai trả lời. Những người tấn công đã chiếm được thánh thất.



Thành Viên Chi Phái 1997 tấn công tín đồ Cao Đài ngay trong thánh thất của họ
Tại Huyện Phù Mỹ, Tỉnh Bình Định.
(Hình thánh thất Phù Mỹ, Tỉnh Bình Định)

Thánh Thất Cao Đài Long Bình: Vào ngày 3 tháng 7 năm 2013, khoảng 20 tín đồ và chức sắc Cao Đài hành lễ tại Thánh Thất Long Bình, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang. Công an dùng một xe vận tải để phá sập cổng chính. Công an, đám côn đồ và nhóm thành viên địa phương của Chi Phái 1997 xông vào, dùng dùi cui, gậy gộc và gạch đá tấn công nhóm tín đồ đang cố bảo vệ thánh thất của họ. Nhiều tín đồ Cao Đài bị thương tích; nghiêm trọng nhất là ông Nguyễn Văn Em và nữ Phó Trị Sự Lê Thị Kẹt. Công an đã bắt giam sáu tín đồ Cao Đài, trong đó có Chánh Trị Sự Văn Ngọc Diệp, người điều hành thánh thất. Ông đã bị trói lại và bị các thành viên của Chi Phái 1997 đưa đến thánh thất Cao Đài Vĩnh Bình (đã bị cưỡng chiếm). Tại đó, họ ép ông gia nhập Chi Phái 1997, nhưng ông từ chối. Các nạn nhân bị thương tích cũng đã nộp đơn khiếu nại với chính quyền địa phương nhưng cũng không được hồi đáp. Chi Phái 1997 còn chiếm giữ Thánh Thất Long Bình cho đến nay.


Bà Lê Thị Kẹt, Phó Trị Sự Thánh Thất Cao Đài Long Bình, bị Chi Phái 1997 trói và đánh đập dã man
(Hình chụp ngày 3 tháng 7 năm 2013)

Thánh Thất Cao Đài An Ninh Tây: Vào ngày 24 tháng 3 năm 2016, lúc 1 giờ rưỡi trưa, Võ Văn Bon, Phó Công an thôn An Hòa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, chỉ huy một đội ngũ công an, côn đồ cùng thành viên của Chi Phái 1997 để bất thình lình tấn công Thánh Thất An Ninh Tây. Đối đầu với đám côn đồ hung dữ đó, Chánh Trị Sự của Thánh Thất là Lê Minh Châu và Phó Trị Sự Phan Trọng Hữu đã phải bỏ trốn nhưng các cổng trước và sau của thánh thất bị công an khóa chặt mất rồi. Họ lớn tiếng cầu cứu; tín đồ Cao Đài và cư dân địa phương nhanh chóng tụ tập và vây quanh nhóm tấn công. Trước đám đông ngày càng đông và bất mãn, ông Bon cùng đồng bọn rút lui. Thánh Thất Cao Đài này cho tới ngày hôm nay vẫn nằm trong tầm ngắm của Chi Phái 1997.

Thánh Thất Cao Đài Phú Thành A: Ngày 20 tháng 3 năm 2017, Ủy ban nhân dân xã Phú Thành A, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp triệu tập Chánh Trị Sự Dương Ngọc Rễ đến trụ sở. Ông bị Chủ tịch Ủy ban nhân dân Nguyễn Hồng Vân, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc địa phương Nguyễn Văn Mai, và một viên công an của huyện Tam Nông tên Dũng ra lệnh phải giao thánh thất cho Chi Phái 1997. Ông Rễ từ chối. Ngay lập tức sáu cán bộ cùng công an đến thánh thất cùng với ba thành viên của Chi Phái 1997 (Nguyễn Văn Thảo, Nguyễn Văn Sáng và Dương Thị Lệ) và một số côn đồ. Họ cắt khóa cổng và lập tức xông vào chiếm cứ thánh thất. Ngày hôm sau, trước sự chứng kiến của nhà cầm quyền, Chi Phái 1997 đã công bố một trong những thành viên của họ, ông Nguyễn Văn Thạc, sẽ là người cai quản mới của thánh thất Phú Thành A. Chiếu theo tờ trình số 372 / BC.CAH.AN ngày 01/8/2016, có đóng dấu “tuyệt mật” và có chữ ký của Đại Tá Dương Hiếu Nghĩa, Trưởng Công An huyện Tam Nông, thì nhà cầm quyền đã lên kế hoạch tấn công rất kỹ lưỡng ít nhất cả một năm trước.



Thành viên của Chi Phái 1997, cùng công an với côn đồ, đang tụ tập trước Thánh Thất Cao Đài Phú Thành A
(Hình chụp ngày 20 tháng 3 năm 2017)


Thánh Thất Cao Đài Nam Hoài Nhơn: Vào ngày 23 tháng 7 năm 2017, khi tín đồ Cao Đài đang chuẩn bị hành lễ thì một nhóm đại diện nhà cầm quyền cùng thành viên của Chi Phái 1997 xông vào thánh thất mà không hề xin phép trước. Nhóm này gồm có ông Võ Xuân Phong, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hoài Tân; ông Ngô Tú, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Hoài Tân; bốn công an mặc thường phục; và ba đại diện của Chi Phái 1997 (Nguyễn Hợp, Hồ Tân Thu và Võ Văn Đồng). Ông Hợp đọc lệnh của Chi Phái 1997, trục xuất Bà Lễ Sanh Phan Thị Đành, người cai quản thánh thất Nam Hoài Nhơn. Nhưng trước quyết tâm mạnh mẽ của tín đồ Cao Đài bảo vệ thánh thất của họ, các cán bộ đã phải bỏ đi. Khi thấy bị bỏ rơi, thành viên của Chi Phái 1997 cũng bèn bỏ đi ngay sau đó. Chi Phái 1997 hiện tiếp tục gây áp lực lên tín đồ Cao Đài để họ giao thánh thất.

2.   Ngăn cấm tín đồ Cao Đài tụ tập tại Tòa Thánh của họ


Năm 1997, chính quyền chuyển giao cho Chi Phái 1997 tài sản của Đạo Cao Đài mà họ quản lý từ năm 1979, kể cả Tòa Thánh. Ngoại lệ duy nhất là văn phòng của Hiệp Thiên Đài, nơi các chức sắc Hiệp Thiên Đài vẫn được cho phép hội họp một cách bán chính thức. Chi Phái 1997 tổ chức một đội trật tự nội ô Tòa Thánh để ngăn cản tín đồ Cao Đài vào Tòa Thánh nếu họ không chịu cải đạo, gia nhập Chi Phái 1997. Mọi nỗ lực muốn tụ tập trong nội ô Tòa Thánh đều bị Chi Phái 1997 dùng bạo lực để đối phó, nhiều khi với sự trợ giúp của công an.

Đầu năm 2008, Khối Nhơn Sanh Đạo Cao Đài, một mạng lưới liên kết nhiều tín đồ để tranh đấu bảo tồn đức tin của họ, công bố kế hoạch triệu tập tín đồ vào ngày 17 tháng 3 tại “Gốc Bồ Đề” 4 tại Tòa Thánh. Ý định của họ là công khai yêu cầu Chi Phái 1997 chấm dứt tự xưng là Đạo Cao Đài, để cho các tín đồ Cao Đài sử dụng cơ sở tại Tòa Thánh, và trả lại Tòa Thánh cho Đạo. Sáu ngày trước sự kiện tụ họp, Hội đồng Chưởng quản của Chi Phái 1997 ra Thông báo Số 01 / 83- HDCQ.TT lên án Khối Nhơn Sanh của đạo Cao Đài là “nhằm giục loạn, gây mất đoàn kết nội bộ tôn giáo, cố tình dùng lời lẽ lừa đảo, gạt gẫm, lôi kéo người đạo nhẹ dạ nghe theo vào đường tội lỗi với đạo vi phạm pháp luật nhà nước". Vào ngày 14 tháng 3, công an bao vây nhà ông Dương Xuân Lương, người bị nghi là chủ mưu của vụ này, để bắt giam ông ta, nhưng ông không có nhà. Sau đó công an ra lệnh truy nã ông ta. Ông Lương phải lẩn trốn cho đến khi sang được Thái Lan vào năm 2016; và đã đến được Hoa Kỳ vào tháng 4 năm 2017 sau hơn chín năm trốn lánh.

Tuy chiến dịch đàn áp này có xảy ra, khoảng 120 tín đồ Cao Đài tới tụ tập được tại Tòa Thánh của họ vào ngày ấn định; họ đến từ Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Thuận, Phú Yên, Buôn Mê Thuột, Bình Định, Long An, Đồng Tháp và Kiên Giang, và một số tỉnh nữa. Vào lúc 8 giờ sáng, họ vô trong Tòa Thánh để cầu nguyện, nhưng chẳng mấy chốc thì nhân viên trật tự nội ô đã ép riêng từng người đi theo họ nhằm tách từng người ra không cho tụ lại và ngăn không cho họ đến gần gốc Bồ Đề mà trước đó, Chi phái 1997 đã dựng một hàng rào mới chung quanh. Một số ít tín đồ đến gần được gốc Bồ Đề thì lập tức bị kéo ra. Vào những ngày kế tiếp, Báo

4 Gốc Bồ Đề là nơi tụ họp quen thuộc của tín đồ Cao Đài khi viếng thăm Tòa Thánh .

Tây Ninh, cơ quan của Tỉnh ủy, đăng ba bài báo liên tục tố cáo Khối Nhơn Sanh (KNS) của đạo Cao Đài là bất hợp pháp và bất kính với Đức Chí Tôn.


Báo chí của nhà cầm quyền tố cáo tín đồ Cao Đài là bất hợp pháp và bất kính với Đức Chí Tôn, ngày 18 tháng 3 năm 2008

Hơn bảy năm sau, vào ngày 10 tháng 4 năm 2015, KNS công bố nỗ lực thứ nhì kêu gọi tín đồ tụ tập lại tại Tòa Thánh vào ngày 27 tháng 5 năm 2015 để bầu chức sắc theo truyền thống Cao Đài. Vào ngày 5 tháng 5 năm 2015, KNS cử một phái đoàn mười hai người gặp viên chức của Ủy ban Tôn giáo Trung ương và Mặt trận Tổ quốc ở Hà Nội để thông báo trước chương trình tụ họp này. Chi Phái 1997 lập tức gởi văn thư cho Chính phủ để yêu cầu can thiệp và ngăn cấm sự kiện này; sau đó Chi phái ra Thông báo Số 01/90 ngày 8 tháng 5 năm 2015, tố cáo việc tụ tập theo kế hoạch này là bất hợp pháp và có mưu đồ chống đối. Trong công văn 27/90 ngày 11 tháng 5 năm 2015, Chi Phái 1997 yêu cầu chính quyền và cơ quan công lực địa phương đảm bảo việc thờ phượng của người theo Chi Phái 1997 không bị quấy nhiễu bởi việc tụ tập của tín đồ Cao Đài. Chính quyền địa phương ở nhiều tỉnh đã gửi công an, cán bộ đến nhà của tín đồ Cao Đài để khuyến dụ và / hoặc ngăn chặn họ tham gia.

Vào ngày ấn định, khoảng 200 tín đồ Cao Đài từ nhiều vùng khác nhau tìm được đường đi vòng, tránh sự kiểm soát của chính quyền địa phương để đến Tòa Thánh. Nhưng họ liền bị bao vây bởi công an, dân phòng 5, công an giao thông, công an chìm, và khoảng 20 nhân viên trật tự nội ô của Chi Phái 1997 có đeo băng đỏ. Nhóm trật tự này cho tín đồ Cao Đài xem lệnh từ Hội Đồng

5 Dân phòng những người dân được tuyển dụng đào tạo bởi nhà cầm quyền để giữ an ninh công cộng trong địa phương.
Chưởng Quản của Chi Phái 1997 rồi dùng dùi cui đánh và xịt sơn lên người của họ; đồng thời công an dùng vòi rồng trên một số xe cứu hỏa đậu gần đó để giải tán các tín đồ Cao Đài khác vừa mới đến. Khoảng mười nhân viên trật tự nội ô của Chi Phái 1997 hành hung ông Trần Văn Hạp, Phó Trị Sự của một hương đạo Cao Đài nằm gần Tòa Thánh. Họ vật ông Hạp xuống đất, dùng chân liên tục đá vào mặt và bụng dưới rồi dùng dùi cui đánh vô đầu với bụng. Sau đó, trói tay ông Hạp bằng dây thừng, kéo lê lết ông ta trên đất khoảng 20 thước,  rồi giao cho 12 viên công an đợi sẵn trong một nhà gần đó. Công an buộc ông Hạp phải ký vào một văn kiện theo ý của họ rồi mới trả tự do cho ông. Khi ông Hạp bước ra, ba nữ tín đồ Cao Đài chạy đến giúp; nhóm trật tự của chi phái liền vật họ xuống đất và đánh đập tàn nhẫn.

Phó Trị Sự Trần Văn Hạp (ở giữa) đang bị vật ngã xuống đất bởi đám trật tự nội ô của Chi Phái 1997
(Hình chụp ngày 27 tháng 5 năm 2015)


Trong khi đó, chỉ cách khoảng 300 thước từ chỗ mà các tín đồ Cao Đài bị tấn công, có hàng trăm thành viên của Chi Phái 1997 vẫn sinh hoạt công khai mà không bị chuyện gì cả.

Ngày 29 tháng 5 năm 2015, Báo Tây Ninh, cơ quan của Tỉnh ủy Tây Ninh, chụp mũ thành viên của Khối Nhơn Sanh Đạo Cao Đài là những kẻ mạo nhận cần phải bị truy tố vì đã "lạm dụng các quyền tự do, dân chủ để vi phạm quyền, lợi ích của một tổ chức tôn giáo được công nhận hợp pháp”. Hai ngày sau, Chi Phái 1997 ra Thông báo Số 02/9, tố cáo thành viên của Khối Nhơn Sanh là những kẻ gây rối và các phần tử phản loạn.

Vì sự việc này, ngày 14 tháng 10 năm 2015, bộ phận lập pháp của Cao Đài là Hiệp Thiên Đài họp phiên đầu tiên sau 37 năm tự nguyện không hoạt động và bổ nhiệm một vị Quyền Chưởng Quản để tiếp tục sinh hoạt. Bốn ngày sau đó, 25 chức sắc của Hiệp Thiên Đài ra thông báo lên án Nguyễn Thành Tám, người đứng đầu Chi Phái 1997, là đã áp bức tín đồ Cao Đài và muốn diệt đạo Cao Đài.

Ngày 23 tháng 10 năm 2015, Nguyễn Thành Tám ra lệnh trục xuất các chức sắc Hiệp Thiên Đài ra khỏi Toà Thánh và đóng cửa vĩnh viễn văn phòng, hành vi này đã hoàn tất việc cưỡng chiếm Tòa Thánh Cao Đài. Kể từ đó, các chức sắc của Hiệp Thiên Đài chỉ có thể họp tại gia.

3.   Cản trở sinh hoạt tôn giáo của tín đồ Cao Đài


Một khía cạnh nữa trong sách lược áp chế các tín đồ Cao Đài của Chi Phái 1997 là gây khó khăn tối đa nhằm ngăn cản họ hành giáo ngay cả tại gia nếu không được chi phái chấp thuận. Sau đây là một số trường hợp tiêu biểu cho hành vi cản trở của Chi Phái 1997, thường được sự hỗ trợ của côn đồ và công an, để ngăn cản các buổi lễ thượng tượng của tín đồ Cao Đài ngay tại tư gia của họ. Qua việc cử hành lễ thượng tượng, tín đồ Cao Đài khẳng định đức tin của họ đối với Đấng Chí Tôn và giáo lý.

Vào ngày 12 tháng 9 năm 2013, khi chức sắc Cao Đài đang làm lễ thượng tượng tại nhà bà Tạ Thị Thu Nga ở ấp Ninh An, xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh, thì dù không được ai mời, một nhóm côn đồ và thành viên của Chi Phái 1997, đã tràn vô nhà đập phá làm gián đoạn buổi lễ và tấn công mọi người trong nhà, kể cả khách được chủ nhà mời, trước sự chứng kiến của công an.

Vào ngày 13 tháng 8 năm 2014, khi tín đồ Cao Đài Võ Văn Đàm đang tiến hành lễ thượng tượng tại tư gia ở ấp Bàu Sen, xã Hảo Đước, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh, thì Thiếu tá Quang, Trưởng Công an xã, tới chỉ huy côn đồ và thành viên của Chi Phái 1997 ném bao đựng mắm cá và thực phẩm hư thối vào nhà ông Đàm để cản trở nghi lễ.

Vào ngày 12 tháng 5 năm 2015, bà Trương Thị Hoàng, đã 77 tuổi, đang tiến hành lễ thượng tượng tại tư gia ở ấp Sân Lễ, thôn Hảo Đước, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh, chức sắc địa phương của Chi Phái 1997 và 30 côn đồ đến khủng bố khách của bà và làm gián đoạn buổi lễ.
Vào ngày 15 tháng 7 năm 2015, ngay trước khi lễ thượng tượng khai mạc tại tư gia của bà Nguyễn Thị Kim Thôi ở ấp An Quới, xã An Hòa, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, một đám đông gồm công an, côn đồ và thành viên của Chi Phái 1997 đá cửa xông vô, đập phá đồ đạc, hành hung người tham dự và cướp Thánh Tượng Thiên Nhãn, biểu tượng tôn giáo chính của Đạo Cao Đài, cùng nhiều đồ vật hành lễ khác, để chặn đứng buổi lễ.


Thành viên của Chi Phái 1997 cướp Thánh Tượng Thiên Nhãn tại tư gia của bà Nguyễn Thị Kim Thôi
(Hình chụp ngày 15 tháng 7 năm 2015)

Vào ngày 5 tháng 9 năm 2015, bà Trần Thị Điệp và cả nhà đã đang hành lễ thượng tượng tại tư gia ở thôn Long Phi, xã Long Thuận, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh, thì một đám thành viên của Chi Phái 1997 đã xông vô và ngăn cấm tiếp tục hành lễ. Họ cho bà biết là mọi nghi lễ tôn giáo phải được Chi Phái 1997 chấp thuận trước.

Ngày 11 tháng 11 năm 2015, thành viên của Chi Phái 1997 và công an đột nhập vào nhà bà Cao Thị Chính ở ấp Cẩm Bình, xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh. Họ làm gián đoạn lễ thượng tượng và đá đổ xuống đất thực phẩm đã đưọc dọn ra cho khách tham dự nghi lễ.

Vào ngày 3 tháng 7 năm 2016, bà Huỳnh Thị Vọng cùng thân nhân trong nhà với các đồng đạo Cao Đài bắt đầu lễ thượng tượng tại nhà của bà thuộc Tổ 2, ấp Sân Lễ, xã Hảo Đước, Huyện Châu Thành, Tỉnh Tây Ninh. Một đám độ 50 công an và hàng trăm người lạ mặt, có thành viên Chi Phái 1997 hướng dẫn, tập trung trước nhà bà ta. Họ lớn tiếng la hét gây náo loạn khiến cho lễ không còn tiếp tục được.

Vào ngày 6 tháng 12 năm 2016, một đám đông thành viên Chi Phái 1997 cùng với công an trang bị bằng dùi cui đã xông vào nhà bà Nguyễn Thị Muôn ở Khu phố 4, Ấp Lợi Thuận, Thị trấn Bến Cầu, Tỉnh Tây Ninh. Họ làm cho buổi lễ thượng tượng phải bị hủy bỏ.

Ngày 13 tháng 5 năm 2017, một nhóm thành viên Chi Phái 1997 cùng đại diện Mặt trận Tổ quốc đến phá lễ thượng tượng tại nhà ông Nguyễn Đông Hồ tại Tổ Thắng Lợi 1, Thị trấn Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.

4.   Phá, chặn tang lễ, mai táng của tín đồ Cao Đài


Chi Phái 1997 cũng trừng phạt tín đồ Cao Đài 1926 sau khi họ qua đời bằng cách cản trở tang lễ, mai táng và / hoặc ngày giỗ của người quá cố.

Vào ngày 18 tháng 4 năm 2015, thành viên của Chi Phái 1997 ngăn chặn tang lễ của Lễ Sanh Thái Hai Thanh tại Nghĩa trang Cực Lạc Thái Bình6 do Đạo thành lập để tín đồ được chôn cất tại mảnh đất thiêng liêng của Tòa Thánh.

Vào ngày 12 và 13 tháng 11 năm 2015, thành viên của Chi Phái 1997 tấn công người tham dự và phá hủy đồ đạc trong nhà của bà Phạm Kim Ánh trong buổi lễ cúng 300 ngày cho thân mẫu đã qua đời tại ấp Trường Cửu, xã Trường Hòa, huyện Hòa Thành, Tỉnh Tây Ninh.


6 Nghĩa trang Cực Lạc Thái Bình đã được thành lập vào khoảng năm 1950 trên một diện tích 50 mẩu Tây nằm bên ngoài Tòa Thánh. Mọi tín đồ Cao Đài đều quyền xin được chôn tại đó.



Giáo hữu Thượng Hùng Thanh của Chi Phái 1997 hất đổ bàn ăn của khách tham dự nghi lễ (Hình chụp ngày 12 tháng 11 năm 2015)

Vào ngày 12 tháng 11 năm 2015, bà Phạm Kim Ánh, được lệnh từ Phó Chủ tịch xã Trường Hòa là Võ Văn Hạnh, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc địa phương là Trần Trọng Nghĩa và Trưởng Chi Phái 1997 địa phương là Nguyễn Văn Kiểng, phải mời chức sắc của Chi Phái 1997 đến làm lễ cho người mẹ 89 tuổi đã qua đời. Bà Ánh phản đối lệnh của họ và giải thích với họ rằng ước nguyện cuối cùng của thân mẫu bà là được chức sắc Cao Đài chân truyền làm lễ. Hôm sau, khi chức sắc chân truyền bắt đầu làm lễ tại nhà bà Ánh, đại diện của nhà cầm quyền và thành viên của Chi Phái 1997 dùng loa yêu cầu mọi người phải rời nhà. Sau đó, giáo hữu của Chi Phái 1997 là Thượng Hùng Thanh chỉ huy khoảng 80 thành viên và côn đồ xông vào tấn công người đang chịu tang; họ đá đổ các bàn nơi tang quyến đang ngồi ăn trưa. Rồi một thành viên chính của Mặt trận Tổ quốc xã là Phạm Văn Quý dẫn thêm người đến tiếp viện. Phó trưởng công an xã đi cùng với một số công an nam nữ mặc đồng phục, sáu người trong số này có dùi cui, và có một số công an mặc thường phục đi kèm. Sau sự kiện này, nhà cầm quyền bắt giữ bà Ánh và khách của bà (ông Phạm Văn Kiệt, bà Phạm Kim Thu, ông Trần Quốc Mỹ và bà Lai) cho đến 8 giờ 30 tối mới thả họ.

Vào ngày 22 tháng 11 năm 2015, thành viên của Chi Phái 1997, với sự hỗ trợ của côn đồ và công an, tấn công người tham dự Lễ Tiểu Tường tưởng niệm 100 ngày mẹ bà Nguyễn Thị Nguyệt qua đời ở thôn Trường Thiện, xã Trường Lưu, Huyện Hòa Thành, Tỉnh Tây Ninh.

Ngày 7 tháng 1 năm 2018, tín đồ Cao Đài Lê Văn Nhã, một cư dân 78 tuổi của ấp Ninh Phước, xã Ninh Thạnh, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh, qua đời; gia đình ông mời chức sắc Cao Đài làm tang lễ theo ý nguyện cuối cùng của ông. Vào ngày 10 tháng 1, khi gia đình và khách tham dự đưa tang đến Nghĩa trang Cực Lạc Thái Bình, Chi Phái 1997 cho một chiếc xe vận tải chặn con lộ duy nhất đưa đến nơi chôn cất, và cán bộ yêu cầu gia đình đem ông ta đi chôn ở chỗ khác. Vì muốn làm theo ý nguyện của người quá cố, gia đình ông đành để thi hài ông qua đêm tại nghĩa trang vì không chôn được. Sau khi giằng co hơn một ngày trời, Chi Phái 1997 để cho gia đình chôn cất người chết khi chức sắc Cao Đài chân truyền không hiện diện.


Chiếc xe vận tải đậu chắn đám tang của ông Lê Văn Nhã (Hình chụp ngày 7 tháng Giêng năm 2018)

Vào ngày 15 tháng 1 năm 2018, bà Ánh tổ chức Lễ Khai Cửu tại tư gia, đánh dấu 9 ngày sau khi người chồng (ông Lê Văn Nhã) mất, theo truyền thống đạo Cao Đài. Chi Phái 1997 ra lệnh cho thành viên đến cản trở buổi lễ và nhấn mạnh rằng buổi lễ chỉ có thể cử hành bởi chức sắc của Chi Phái.

Kể từ ngày 20 tháng 4 năm 2018, Chi Phái 1997 đã phá hư hại ít nhất 15 ngôi mộ của tín đồ Cao Đài vì gia đình người quá cố không theo chi phái, và cất dấu những hài cốt bị khai quật tại một địa điểm không ai biết. Những ngôi mộ này nằm ở ngoại vi Nghĩa trang Cực Lạc Thái Bình. Các tài liệu thu thập được cho thấy chính sách xúc phạm mộ phần này đã được ông Nguyễn Thành Tám, Hội trưởng Hội đồng Chưởng Quản của Chi Phái 1997, chuẩn thuận. Họ tiếp tục phá mộ phần, bất chấp phản đối của gia đình người chết.

Ngôi mộ của một tín đồ Cao Đài bị Chi Phái 1997 tàn phá (Hình chụp tháng 4 Năm 2018)

KẾT LUẬN


Trong bản tường trình ngày 30 tháng 1 năm 2015 đệ trình Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc về chuyến công tác của mình tại Việt Nam từ ngày 21 đến 31 tháng 7 năm 2014, Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc là ông Heiner Bielefeldt bày tỏ nỗi quan ngại về việc tín đồ Cao Đài đang phải đối mặt với những vi phạm nghiêm trọng đối với quyền tự do tôn giáo của họ: “Hiện trạng của những nhóm Cao Đài độc lập cho thấy không phù hợp với nguyên tắc tự do tôn giáo, tín ngưỡng, vì những cộng đồng này không có cơ sở thích đáng cho việc thờ phụng, giảng đạo, và họ than phiền đang bị áp lực gia nhập các tổ chức của nhà cầm quyền… Chính quyền chưa cho phép Cao Đài độc lập sinh hoạt, và ngay chính đạo này cũng bị xem là bất hợp pháp. Tín đồ Cao Đài gặp khó khăn ngay cả khi hành giáo tại gia. Giống như các đoàn thể độc lập khác, họ đã luôn luôn bị áp lực, sách nhiễu và hành hung gây thương tích. Mọi buổi hành lễ của họ, kể cả ngay các tang lễ, bị theo dõi và bị phá không cho cử hành. Thậm chí, họ còn liên tục lo sợ sẽ bị mất việc làm và bị đối xử phân biệt trong thủ tục hành chính. Một số con cái của họ gặp khó khăn ở trường”.

Ngày 15 tháng 9 năm 2017, thẩm quyền tối cao của Đạo Cao Đài, bộ phận lập pháp tên gọi là Hiệp Thiên Đài, đã gởi văn thư cho nhà nước Việt Nam, Ủy ban Tôn giáo Chính phủ, Quốc hội, Đảng Cộng sản và Mặt trận Tổ quốc, để tố cáo chính sách diệt Tôn giáo Cao Đài của họ qua phương cách tạo điều kiện cho Chi Phái 1997 mạo giáo: “Chúng tôi khẳng định rằng Hội đồng Chưởng Quản chỉ là một chi phái bắt nguồn từ Cao Đài Tòa thánh Tây Ninh từ năm 1997… Hiến chương 1997 của họ được công nhận bởi Ủy ban Tôn giáo Chính phủ qua Thông cáo số 1068 / TGCP ngày 8 tháng 8 năm 2008… Hiến chương 2007 của Hội đồng Chưởng Quản tự phong là Giáo hội Cao Đài năm 1997. Tất cả các hoạt động của chi phái này đều dựa trên chủ trương, chính sách và pháp luật của Đảng Cộng Sản và nhà nước theo Điều 8 của Hiến chương nói trên”. 7

Ngay cả ông Trần Quang Cảnh, một giáo hữu của Chi Phái 1997 và Chủ tịch Ủy ban Đại diện Hải Ngoại, cũng thừa nhận là chính quyền kiểm soát chặt chẽ Chi Phái 1997 “bằng việc chính quyền chỉ thị Hội đồng Chưởng Quản tiến hành việc tân phong và tân thăng một số chức sắc, và trong phiên họp của "Hội Thánh" (thuộc HĐCQ) tại Tòa Thánh Tây Ninh ngày 23/11/99, đã duyệt xét danh sách tân phong và tân thăng, với sự hiện diện của 8 cán bộ nhà nước để làm áp lực và răn đe những ý kiến chống đối”. 8

Tóm lại, Chi Phái 1997 được thành lập vào năm 1997 bởi một quyết định của đảng Cộng sản Việt Nam và được nhà nước công nhận là một giáo phái Cao Đài mới; cao nhất là Hội đồng Chưởng Quản gồm toàn những cá nhân đã được đảng Cộng Sản chọn lọc kỹ càng. Các đảng ủy ở cấp tỉnh và địa phương kiểm soát và điều khiển chặt chẽ Chi Phái 1997 bằng các tổ chức chính trị gồm đa số là đảng viên cộng sản bí mật theo dõi và kiểm soát các hoạt động của nó. Chi Phái 1997 về căn bản thì khác hẳn với Đạo Cao Đài nên thẩm quyền tối thượng (cơ quan Hiệp Thiên Đài) cùng rất nhiều tín đồ Cao Đài đã chỉ coi đó như là một tôn giáo khác. Chi Phái 1997 đã cưỡng chiếm Tòa Thánh, cướp đoạt các thánh thất và cướp một cách có hệ thống căn cước của Đạo Cao Đài. Chi Phái 1997 đã sử dụng cả âm mưu, bạo lực lẫn ép buộc, thường có sự hỗ trợ của nhà cầm quyền, để khiến cho các tín đồ Cao Đài gần như không thể nào hành đạo được, và do đó, cũng khiến một số phải bỏ đạo và gia nhập Chi Phái 1997. Chi Phái 1997 là một tác nhân phi chính phủ đã có hàng loạt những vi phạm nhân quyền đối với tín đồ Cao Đài trong suốt hai thập niên qua.
7 Tường trình của Báo cáo viên Đặc biệt về tự do tôn giáo tín ngưỡng, Heiner Bielefeldt, thể đọc tại https://www.ohchr.org/EN/HRBodies/HRC/.../A_HRC_28_66_Add.2_E.doc
8 “Cao Đài Giáo Hải Ngoại Đòi CSVN Phải Tôn Trọng Quyền Tự Do Tôn Giáo Của Đạo Cao Đài”, Duyên Ngọc Hạ, Thủ Đô Thời Báo, 19 tháng 7 năm 2000



KHUYẾN NGHỊ


Xét rằng Chi Phái 1997 là một tác nhân phi chính phủ đã và đang tiếp tục vi phạm nhân quyền trầm trọng, đặc biệt là quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng của tín đồ Cao Đài, chúng tôi trân trọng đưa ra những khuyến nghị sau đây.

Với Nhà Nước Việt Nam:
·                     Chấm dứt sách nhiễu, dùng bạo lực và đe dọa tín đồ Cao Đài;
·                     Chấm dứt thiên vị hoặc yểm trợ Chi Phái 1997 trong việc vi phạm nhân quyền;
·                     Chấm dứt can thiệp vào các sinh hoạt tôn giáo của tín đồ Cao Đài, bất kể nơi công cộng hay nơi riêng tư;
·                     Phân biệt Chi Phái 1997 với Đạo Cao Đài trong mọi hành động, báo cáo và thông tin liên lạc;
·                     Giải quyết mọi khiếu nại của tín đồ Cao Đài, điều tra và truy tố thành viên của Chi Phái 1997 về các hành vi tội phạm kể cả việc cưỡng chiếm và đập phá tài sản, dùng bạo lực, bắt cóc, xâm nhập gia cư bất hợp pháp và gây rối loạn nơi công cộng;
·                     Chấp nhận tiếp xúc với chức sắc của cơ quan Lập pháp (Hiệp Thiên Đài) của Đạo Cao
Đài để thảo luận về Yêu cầu ngày 15 tháng 9 năm 2017 của họ; và
·                     Đảm bảo Tòa án Nhân dân tỉnh Tây Ninh giải quyết đơn khởi kiện Chi Phái 1997 được đệ nạp vào năm 2009 bởi một số tín đồ Cao Đài .

Với Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc:

·                     Cứu xét và theo dõi mọi vi phạm nhân quyền của các tác nhân phi chính phủ tiêu biểu là Chi Phái 1997;
·                     Dành mọi nỗ lực nhằm đảm bảo nhà nước Việt Nam sẽ không chỉ tôn trọng mà còn phải bảo vệ nhân quyền chiếu theo nghĩa vụ của họ với Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị; và
·                     Đảm bảo mọi cá nhân và đoàn thể tham gia hay cung cấp thông tin cho công trình soạn thảo bản báo cáo này không bị trả thù hay trừng phạt trực tiếp bởi nhà nước Việt Nam hay gián tiếp bởi một tác nhân phi chính phủ.

Với Hoa Kỳ và các chính phủ khác:

·                     Lập danh sách các tác nhân phi chính phủ, kể cả Chi Phái 1997, đã vi phạm nhân quyền một cách cực kỳ nghiêm trọng và áp lực Việt Nam điều tra và khởi tố họ vì những vi phạm đó;
·                     Thi hành một cách xác đáng các biện pháp trừng phạt chiếu theo Đạo luật Toàn cầu Magnitsky và Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế đối với cán bộ và đại diện của nhà cầm quyền lẫn các tác nhân phi chính phủ có vai trò trong những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng;
·                     Kêu gọi nhà nước Việt Nam tu chính luật lệ, kể cả Luật Tín ngưỡng và Tôn giáo, trong đó nhà nước công nhận việc đăng ký hoạt động tôn giáo chỉ là một thủ tục tự nguyện và tuân thủ các hiệp định về nhân quyền mà Việt Nam là quốc gia thành viên;
·                     Công nhận Đạo Cao Đài và thường xuyên tiếp xúc với đại diện của Hội Thánh Em 9
trong và ngoài nước Việt nam.

Với các tổ chức nhân quyền:

·                     Phân biệt Đạo Cao Đài thành lập năm 1926 với Chi Phái 1997 mới được thành lập năm 1997 theo chỉ thị của đảng Cộng Sản Việt Nam;
·                     Thu thập và báo cáo mọi vi phạm nhân quyền của Chi Phái 1997, thực thể đang mạo
danh Đạo Cao Đài;
·                     Vận động việc trả lại cho Đạo Cao Đài tất cả tài sản và của cải bị nhà nước Việt Nam hay
Chi Phái 1997 cưỡng chiếm; và
·                     Thúc đẩy quốc tế công nhận Đạo Cao Đài qua Hội Thánh Em cho đến khi Đạo Cao Đài được phục hồi hoàn toàn.



9 Ủy Ban Phối Hợp của Hội Thánh Em đã được thành lập vào Tháng 6 năm 2018 với một văn phòng đại diện hải ngoại tại thánh thất Cao Đài Mountain View, Dallas, Texas.




Hình của Toà Thánh Cao Đài tại tỉnh Tây Ninh , hiện nay bị Chi Phái 1997,
do nhà nước dựng lên chiếm dụng !









Bản Báo Cáo nầy được in bởi:
HỘI THÁNH EM ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ
5535 W. Ledbetter Dr Dallas, TX 75236
(713) 870-6575
JuniorSC1927@gmail.com
BẢN TIẾNG ANH

ẢNH CHỤP























ẢNH CHỤP