Trang

Thứ Tư, 5 tháng 9, 2018

2790. Việt Nam che giấu những vi phạm về nhân quyền với UN.



Báo cáo của chính phủ Việt Nam trước UN che giấu những vi phạm về nhân quyền

RFA. 2018-09-04

Hình minh họa. Người biểu tình cầm biểu ngữ phản đối bên ngoài phiên tòa ở Hà Nội xử 5 nhà hoạt động xã hội hôm 5/4/2018

Hình minh họa. Người biểu tình cầm biểu ngữ phản đối bên ngoài phiên tòa ở Hà Nội xử 5 nhà hoạt động xã hội hôm 5/4/2018
 AFP
Bản thảo báo cáo do chính phủ Việt Nam chuẩn bị cho kỳ Kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) tại Liên Hiệp Quốc (UN) đã che giấu những vi phạm về nhân quyền và cố tình làm sai lệch các thông tin trước cộng đồng quốc tế. Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH) và Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam (VCHR) cho biết như vậy trong thông cáo báo chí công bố ngày 4/9.
Theo dự kiến, phiên kiểm điểm định kỳ phổ quát lần thứ ba của Việt Nam sẽ diễn ra vào ngày 22/1 tới tại trụ sở của UN ở Geneva, Thụy Sĩ.
Thông cáo trích lời Tổng thư ký của FIDH, bà Debbie Stothard, cho biết: “Báo cáo hiện tại của chính phủ Việt Nam tại Kiểm điểm định kỳ phổ quát cho thấy Hà Nội không có khả năng thừa nhận những thách thức về nhân quyền đang có và thiếu ý chí chính trị trong việc nhìn nhận những vấn đề này. Chính phủ (Việt Nam) nên xem xét tất cả những đóng góp ý kiến từ xã hội dân sự, đặc biệt là về tình hình tồi tệ liên quan đến các quyền chính trị và dân sự, đảm bảo rằng những quan ngại của các tổ chức này được phản ánh trong bản báo cáo trước kiểm điểm định kỳ”.
Theo FIDH, kể từ lần kiểm điểm định kỳ lần trước vào tháng 2/2014, chính quyền Việt Nam đã gia tăng đàn áp đối với xã hội dân sự, và những người dám lên tiếng chỉ trích chính quyền.
Theo thống kê của FIDH và VCHR, từ năm 2014 đến tháng 7 năm 2018, đã có ít nhất 160 người bảo vệ nhân quyền và các nhà hoạt động xã hội đã bị bắt giữ tùy tiện hoặc bị bỏ tù.
Trang web Bộ Ngoại Giao Việt nam viết rằng bản thảo báo cáo hiện tại đã phản ánh những tiến bộ về nhân quyền trong nước kể từ lần báo cáo trước đó.
Báo cáo mới của chỉnh phủ Việt Nam đề cập đến các luật về tôn giáo, tố tụng hình sự và báo chí. Báo cáo nhận định những điều trong các luật này đã đặt nền móng cho việc đảm bảo tự do tín ngưỡng tốt hơn cho người dân, đảm bảo nguyên tắc không kiểm duyệt đối với việc xuất bản, phát thanh truyền hình. Luật Tố tụng hình sự được cho là đảm bảo các phiên tòa công bằng và quyền lợi cho những người bị tạm giữ, người bị giam giữ không bị ép cung. Chính phủ Việt Nam cũng nhấn mạnh việc nâng cao hiểu biết của người dân về nhân quyền và coi đây là một trong các ưu tiên hàng đầu.