Trang

Thứ Năm, 19 tháng 7, 2018

2748. Tái lập toàn cầu mô hình “bàn tròn đa tôn giáo”

Sự kiện lịch sử: Hoa Kỳ triệu tập Hội Nghị Các Bộ Trưởng để Phát Huy Tự Do Tôn Giáo

·         Tái lập toàn cầu mô hình “bàn tròn đa tôn giáo”
Ts. Nguyễn Đình Thắng
Ngày 18 tháng 7, 2018
Tuần tới, nhiều nghìn giới chức chính quyền, nghị sĩ quốc hội, và đại diện của các tổ chức xã hội dân sự từ 82 quốc gia sẽ tụ về thủ đô Hoa Kỳ cho 3 ngày Hội Nghị Bộ Trưởng để Phát Huy Tự Do Tôn Giáo. Mục đích của hội nghị là lập ra khởi xướng sự hợp tác rộng lớn giữa các chính quyền và các tố chức xã hội dân sự trong một nỗ lực toàn cầu để đối phó với tình trạng đàn áp tự do tôn giáo đang diễn ra ở nhiều quốc gia và khu vực. Đây là một sự kiện chưa từng có và được kỳ vọng sẽ là bước ngoặt lịch sử trong nỗ lực toàn cầu để bảo vệ và phát huy tự do tôn giáo.

Đọc thêm thông tin về Hội Nghị Các Bộ Trưởng, sẽ diễn ra ở thủ đô Hoa Kỳ trong các ngày 24-26 tháng 7:  https://www.state.gov/j/drl/irf/religiousfreedom/index.htm
Tình trạng đàn áp tôn giáo ở Đông Nam Á
Song song với cuộc họp của các bộ trưởng, những tổ chức với thành tích tranh đấu cho tự do tôn giáo sẽ tổ chức nhiều chục sự kiện đa dạng. Một trong những sự kiện này là buổi hội thảo ngày 26 tháng 7 với chủ đề “Những Bài Học Từ Đông Nam Á: Các mối đe doạ của chính phủ và phi chính phủ đối với tự do tôn giáo”.  Hai quốc gia sẽ được đưa ra mổ xẻ là Malaysia và Việt Nam.
 
Buổi hội thảo này sẽ do BPSOS đồng tổ chức với Religious Freedom Institute (RFI) và Ethics & Religious Liberty Commission (ERLC). Năm 2015 BPSOS đề xướng nỗ lực “khu vực hoá” vấn đề tự do tôn giáo ở Việt Nam thành một vấn đề quan tâm cho toàn vùng Đông Nam Á. Hàng năm BPSOS đều đồng tổ chức “Hội Nghị Tự Do Tôn Giáo hay Niềm Tin ĐNÁ” với sự hợp tác hoặc tham gia của một số cơ quan LHQ, một số giới chức chính quyền dân chủ, và nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế.
Buổi hội thảo ngày 26 tháng 7 sẽ được tổ chức ngay tại Quốc Hội Hoa Kỳ, từ 10 giờ sáng đến 12 giờ trưa. Ghi danh tham dự tại: https://erlc.com/upcoming-events/lessons-from-southeast-asia
Mô hình bàn tròn đa tôn giáo
Một mô hình hợp tác được Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ chú ý đến và sẽ giới thiệu tại Hội Nghị Các Bộ Trưởng là “bàn tròn đa tôn giáo” (multi-faith roundtable).
Bàn Tròn Đa Tôn Giáo là mô hình được khởi xướng ở Hoa Kỳ cách đây 8 năm. BPSOS là một thành viên của bàn tròn này. Cách đây 2 năm, một bàn tròn đa tôn giáo tương tự được hình thành ở Âu Châu. Cùng thời điểm, BPSOS hỗ trợ cho việc hình thành bàn tròn đa tôn giáo ở Việt Nam.
Bàn tròn đa tôn giáo là diễn đàn mở rộng cho bất kỳ ai muốn góp phần bảo vệ và phát huy quyền tự do tôn giáo hay niềm tin. Người tham dự có thể đại diện cho một tôn giáo hay một tổ chức, hoặc tham dự với tư cách cá nhân. Một số hãng luật tư nhân cũng tham dự để sẵn sàng hỗ trợ pháp lý khi cần. Thậm chí có cả tổ chức  vô thần tham gia -- “vô thần” cũng là một niềm tin được định nghĩa trong Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và được bảo vệ bởi luật pháp quốc gia Hoa Kỳ. Tổ chức vô thần này đã nhiều lần lên tiếng tranh đấu cho quyền tự do tôn giáo của các cộng đồng Thiên Chúa Giáo và Hồi Giáo bị bách hại.
BPSOS là thành viên của Bàn Tròn Đa Tôn Giáo Hoa Kỳ và tham dự đều đặn các buổi họp hàng tuần với Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ.
Thông tin thêm về Bàn Tròn Đa Tôn Giáo: https://www.irfroundtable.org/
Phát triển mô thình bàn tròn đa tôn giáo ở Đông Nam Á
Tháng 2, 2016, tôi cùng với Ls. Greg Mitchell, người khởi xướng Bàn Tròn Đa Tôn Giáo Hoa Kỳ, giới thiệu mô hình này tại Hội Nghị về Tự Do Tôn Giáo Á Châu – Thái Bình Dương tổ chức tại thủ đô Đài Bắc của Đài Loan.
Một nữ tín đồ Cao Đài đến từ Việt Nam lấy cảm hứng từ đó và khi trở về Việt Nam đã vận động hình thành Bàn Tròn Đa Tôn Giáo Việt Nam. Nó bắt đầu đi vào hoạt động đầu năm 2017 và đến nay đã tạo được sự cảm thông và hợp tác giữa nhiều thành phần đa dạng về sắc dân và tôn giáo ở Việt Nam. Đã có một lần Bàn Tròn Đa Tôn Giáo Việt Nam hỗ trợ Bàn Tròn Đa Tôn Giáo Hoa Kỳ để lên tiếng về chính sách giới hạn tự do tôn giáo ở Nga.
Tại Hội Nghị Tự Do Tôn Giáo hay Niềm Tin Đông Nam Á tổ chức vào tháng tới ở Bangkok, Thái Lan, BPSOS và một số tổ chức quốc tế sẽ hỗ trợ cho sự hình thành Bàn Tròn Đa Tôn Giáo ở Miến Điện, Indonesia và Malaysia. Những quyết định và kết quả của Hội Nghị Các Bộ Trưởng sẽ được chia sẻ và triển khai tại đây. Đây là bước chiến lược để "khu vực hoá" hiện trạng tự do tôn giáo ở Việt Nam bằng cách tạo thế liên miên toàn khu vực, và quốc tế hoá nó qua sự nối kết liên minh toàn khu vực ấy với phong trào phát huy tự do tôn giáo toàn cầu do Ngoại Trưởng Pompeo phát động. 
 
Ts. Nguyễn Đình Thắng và Ls. Greg Mitchell tại Hội Nghị về Tự Do Tôn Giáo ở Đài Loan, ngày 18/02/2016
Ưu tiên của Hành Pháp Trump
Mỗi đời Hành Pháp Hoa Kỳ đều có những ưu tiên đặc thù về chính sách. Về đối ngoại, Hành Pháp Trump đặc biệt quan tâm đến một lĩnh vực nhân quyền: tự do tôn giáo.  Đó là lý do Ngoại Trưởng Pompeo triệu tập Hội Nghị Các Bộ Trưởng để Phát Huy Tự Do Tôn Giáo và đã mời bộ trưởng của 82 quốc gia tham gia.
Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ dự kiến nó sẽ là khởi điểm cho các hội nghị tương tự sẽ được tổ chức ở rất nhiều nơi, mang tầm vóc khu vực hoặc quốc gia. Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ sẽ cử người tham gia và hỗ trợ.
Tự do tôn giáo luôn luôn là một mũi nhọn trong vận động nhân quyền của BPSOS. Chúng tôi quan niệm tự do tôn giáo là một “gói” quyền chứ không phải là một quyền đơn lẻ -- nó bao hàm quyền tự do tư tưởng, tự do biểu đạt, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do lập hội, tự do đi lại và nhiều nữa. Khi mở được cánh cửa cho tự do tôn giáo thì các cánh cửa nhân quyền khác cũng sẽ lần lượt được mở ra.
Bắt nhịp với ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Hành Pháp Trump, từ năm 2017 BPSOS đã xoáy mạnh hơn nữa về mũi nhọn tự do tôn giáo. Ngày Vận Động Cho Việt Nam 10 và 11 tháng 7 vừa qua không là ngoại lệ: tự do tôn giáo vẫn là trọng tâm hàng đầu của cuộc tổng vận động Quốc Hội năm nay. Ngoài các phái đoàn tiếp xúc với dân biểu và thượng nghị sĩ, BPSOS đã cử phái đoàn tín đồ Cao Đài và phái đoàn Tin Lành Cao Nguyên dự họp với Bàn Tròn Đa Tôn Giáo Hoa Kỳ đang diễn ra cùng lúc. Tại đây 2 phái đoàn này đã có cơ hội lên tiếng với Bộ Ngoại Giao và nhiều chục tổ chức nhân quyền Hoa Kỳ và quốc tế về tình trạng đán áp tôn giáo ở Việt Nam.
 
Các tín đồ Cao Đài và tín đồ Tin Lành Tây Nguyên cùng với Đại Sứ Lưu Động Sam Brownback và cựu Đại Sứ Grover Joseph Rees, ngày 10/07/2018
Mọi chúng ta đều có thể nhập cuộc
Vào tuần tới, các ngày 24-26 tháng 7, là cơ hội để các cá nhân và tổ chức người Việt quan tâm đến nhân quyền góp một bàn tay, đóng một vai trò trong sự kiện lịch sử để khởi động phong trào quốc tế cho tự do tôn giáo. Những ai đang ở vùng thủ đô Hoa Kỳ nên ghi danh tham dự một hoặc nhiều sự kiện sẽ diễn ra trong những ngày này.
Qua đó, chúng ta có thể nêu lên với quốc tế thực trạng đàn áp tôn giáo ở Việt Nam và lôi kéo các tổ chức quốc tế và Hoa Kỳ cùng hành động cho tự do tôn giáo ở Việt Nam. Hàng nghìn giới chức chính quyền, nghị sĩ và những nhà tranh đấu nhân quyền sẽ có mặt ở thủ đô Hoa Kỳ trong 3 ngày đó.
Lịch trình các sự kiện trong 3 ngày của Hội Nghị Các Bộ Trưởng: https://docs.google.com/spreadsheets/d/1bnCD3_LFxegHeyJctWvD_Lq-Elds8o4IYhd-uCA6pFQ/edit?ts=5b27aadf#gid=0
Bài liên quan:
Ngày Vận Động Cho Việt Nam: Sự hữu hiệu của một phái đoàn cao niên
http://www.machsongmedia.com/vietnam/chong-buon-nguoi/1372-2018-07-15-19-10-40.html
Nhiều tổ chức quốc tế lên tiếng ủng hộ Bàn Tròn Đa Tôn Giáo Việt Nam
http://www.machsongmedia.com/vietnam/nhanquyen/1087-2016-04-15-17-31-00.html