·
Nỗi
khốn cùng của đồng bào và các thiên thần phù trợ
Ts. Nguyễn Đình Thắng
Ngày 26 tháng 11, 2017
Mấy ngày nay nhiều người liên lạc với tôi và ngỏ ý muốn giúp chị
Nguyễn Thị Tuyết Nga sau khi đọc bài viết của anh Nam Lộc: “Đoạn Trường Tuyết
Nga có thua gì Đoạn Trường Tân Thanh?”. Thật tuyệt vời, tấm lòng nhân ái của
những người Việt trong thế giới tự do. Chị xứng đáng để được cưu mang vì là
hiện thân cho những mất mát vô bờ bến mà gia đình của những chiến sĩ bảo vệ
miền Nam tự do đã phải gánh chịu.
Chỉ vài ngày nữa thôi chị sẽ ở trong vòng tay bảo bọc của cộng
đồng, chấm dứt 42 năm đoạn trường. Tôi mừng cho chị, chúng ta mừng cho chị.
Nhưng tôi không khỏi ái ngại cho gần 2 nghìn đồng bào xin tị nạn khác còn kẹt ở
Thái Lan, và mong rằng người Việt ở hải ngoại sẽ cùng chúng tôi bảo vệ và giúp
đỡ họ; nhiều cảnh đời của họ cũng bi thương lắm.
Không thể khổ đau hơn
Chào đời năm 1970, Tuyết Nga, con của một sĩ quan mũ đỏ. Năm 2
tuổi, Tuyết Nga mất cha trong mùa hè đỏ lửa. Bất hạnh nối tiếp bất hạnh. Gia
đình 3 mẹ con bị đuổi đi kinh tế mới ngay sau khi miền Nam thất thủ. Chẳng bao
lâu sau sau, mẹ chết đuối và anh trai, chỉ hơn Tuyết Nga vài tuổi, chết vì đói
và sốt rét. Một gia đình hàng xóm động lòng đã đem đứa bé gái mồ côi về nuôi.
Năm 1982, Tuyết Nga, lúc ấy 12 tuổi, theo gia đình nuôi sang
lánh nạn ở Campuchia. Năm 1987 trên đường vượt biên sang Thái Lan, họ lạc mất
Tuyết Nga. Bơ vơ một mình ở tuổi 17, cô bị nhóm lính Khmer Đỏ bắt và đưa lên
đảo nơi đóng quân. Họ thay phiên nhau hãm hiếp cô gái Việt. Tuyết Nga mang thai
và sinh con gái. Dù đang có con nhỏ, Tuyết Nga tiếp tục bị hãm hiếp bởi lính
Khmer Đỏ.
Năm 1992, Tuyết Nga dắt con gái 2 tuổi trốn sang Thái Lan với hy
vọng vào được trại tị nạn dánh cho thuyền nhân. Nhưng 2 mẹ con đã bị bắt cóc
bởi một tổ chức hành khất. Họ bắt 2 mẹ con đi ăn xin. Sau một năm, Tuyết Nga bế
con đi trốn nhưng bị một nhóm người lạ chặn bắt giữa một cánh đồng. Họ tạt
át-xít vào chị và bắt đi mất đứa con gái 3 tuổi. Tuyết Nga bị mù cả đôi mắt và
mặt trở thành dị dạng.
Chị Tuyết Nga tại căn phòng
sống tạm do Cao Uỷ Tị Nạn LHQ sắp xếp Nhóm người ấy bán Tuyết Nga cho một tổ chức hành khất khác. Lần
này họ đưa chị sang Malaysia ăn xin. Năm 2002, thủ lãnh của tổ chức hành khất
bị một băng đảng cạnh tranh thanh toán. Hai chị nấu ăn cho đám người ăn mày
thương tình giúp Tuyết Nga trốn về lại Thái Lan. Nơi đây chị đi ăn xin trên các
đường phố Bangkok. Năm 2016, tức 14 năm sau, có người tình cờ nghe được câu
chuyện và dắt chị đến văn phòng pháp lý của BPSOS.
Tại đây, các luật sư đã tận tuỵ lập hồ sơ xin tị nạn cho chị.
Cao Uỷ Tị Nạn LHQ gửi chị ở chung với một phụ nữ người Việt, lúc ấy cũng đang
được luật sư của BPSOS lập hồ sơ xin tị nạn. Khoảng 1 năm sau, cả 2 chị được
công nhận tư cách tị nạn, nhanh hơn bình thường vì lý do nhân đạo.
Theo nguyên tắc bảo mật, chúng tôi giữ kín thông tin về mọi hồ
sơ xin tị nạn. Khi biết chị biết chắc rằng chị Tuyết Nga sắp sửa rời khỏi Thái
Lan để đến nơi an toàn: Houston, Hoa Kỳ, chúng tôi mới sắp xếp để một luật sư
người Thái và một cán sự xã hội người Thái tại văn phòng BPSOS đưa anh Nam Lộc
đến thăm chị và người trông nom chị, chị Thu Hương, tại trại tạm giam của sở di
trú Thái Lan ở Bangkok. Đó là ngày 17 tháng 11 vừa qua.
Những người còn ở lại
Cứ mỗi một đồng bào được đi định cư thì lại có cả trăm đồng bào
khác tiếp tục sống vật vờ trong nỗi lo âu triền miên ở Thái Lan. Tương lai mờ
mịt của họ chưa có ánh sáng ở cuối đường hầm. Trung bình một hồ sơ xin tị nạn
phải mất từ 2 đến 5 năm mới có kết quả. Có trường hợp vẫn tiếp tục chờ sau 10
năm. Nếu được xét là tị nạn thì may ra mới được định cư, như trường hợp của chị
Tuyết Nga. Bằng không thì tiếp tục chờ.
Họ thuộc số người đến Thái Lan xin tị nạn trong 10 năm trở lại
đây, trùng với cuộc đàn áp kéo dài ở Việt Nam từ đầu năm 2007 đến nay. Năm
2008, BPSOS bắt đầu âm thầm cử các toán luật sư lưu động đến Thái Lan để giúp
đồng bào lập hồ sơ xin tị nạn. Năm 2010 chúng tôi lập văn phòng pháp lý thường
trực ở Bangkok. Đầu tiên chỉ có 1 nhân viên, nay đã tăng lên thành 16. Cũng
trong khoảng thời gian ấy, số đồng bào lánh nạn ở Thái Lan đã tăng từ 300 lên
đến gần 2 nghìn, không kể số trên 500 đã đi định cư sau khi được công nhận tư
cách tị nạn.
Trong số đồng bào đang trốn tránh ở Thái Lan có không ít những
người đấu tranh cho dân oan, chống Formosa, bảo vệ nhân quyền, viết blog… Và có
hàng nghìn nạn nhân của sự đàn áp nhắm vào các cộng đồng người Hmong, Tây
Nguyên, Khmer Krom, Công Giáo, và Tin Lành.
Logo của BPSOS do một người tị
nạn vẽ lại theo cảm hứng riêng
Các thiên thần phù trợ
BPSOS dành 80% công sức và nguồn lực để giúp đồng bào trong thủ
tục xin tị nạn, vì đấy là yếu tố sinh tử đối với họ. Phần 20% còn lại, chúng
tôi lo về các mặt sức khoẻ, giáo dục, đời sống… được đến đâu hay đến đó. Những
gì chúng tôi có thể làm chỉ là nhỏ giọt trước cảnh khốn cùng của đồng bào.
Tình hình đang xấu đi. Đầu năm nay, Cao Uỷ Tị Nạn LHQ ngưng nhận
đơn xin bảo vệ của người Việt Nam. Đầu năm 2018, chính quyền Thái Lan áp dụng
luật mới: ai cho người di dân bất hợp pháp thuê nhà hay việc làm sẽ bị phạt
tiền rất nặng. Những người đang xin tị nạn ở Thái Lan, kể cả những ai đã có tư
cách tị nạn, đều bị chính quyền Thái Lan xem là di dân bất hợp pháp.
May mắn là chúng tôi có những thiên thần phù trợ. Họ là những
thiện nguyện viên ở các quốc gia tự do, giúp dịch giấy tờ từ tiếng Việt sang
tiếng Anh và ngược lại. Công việc của họ tăng theo số hồ sơ mà các luật sư ở
Bangkok can thiệp. Lại có những toán thiện nguyện đến thăm viếng, tặng quà cho
các trẻ em tị nạn, cho các em đôi giây phút hạnh phúc giữa chuỗi đêm dài đen
tối của cuộc đời tị nạn. Có nhiều người đã tổ chức gây quỹ mỗi năm để giúp
chúng tôi duy trì hoạt động quanh năm ở Thái Lan. Và cũng có người đã dùng sự
quen biết riệng với chính giới Thái Lan để can thiệp cho một số trường hợp hi
hữu. Những đóng góp ấy chúng tôi không bao giờ kể ra cho đủ. Và chính các thiên
thần phù trợ ấy lại ít khi kể ra.
Một gia đình từ San Jose đến
thăm viếng và phát quà Giáng Sinh cho trẻ em tị nạn
Cách giúp đỡ
Có lẽ nhiều người thắc mắc, tại sao chị Tuyết Nga và chị Thu
Hương lại đang ở trong trại tạm giam? Theo luật của Thái Lan, người nhập cư bất
hợp pháp phải đóng phạt và nạp mình vào trại giam trước khi rời khỏi Thái Lan.
Trong những ngày đầu tháng 11, chúng tôi đã ráo riết vận động để 2 chị được đặc
miễn vì lý do nhân đạo; chúng tôi sẵn sàng đóng thêm tiền phạt – trước đây đã
có những trường hợp như vậy.
Nhưng lần này thì không. Giám thị trại tạm giam nhất định bắt cả
2 chị phải chịu hình phạt tạm giam 2 tuần, dù trại tạm giam không đủ điều kiện
và phương tiện tối thiểu cho một người phụ nữ mù loà. Cũng may là có chị Thu
Hương đi kèm. Tôi cầu mong 2 chị sẽ cầm cự thêm đôi ngày để rồi vĩnh viễn thoát
khỏi cảnh đời cùng cực.
Trong những tháng đầu ở Hoa Kỳ, chị Tuyết Nga sẽ cần nhiều sự
giúp đỡ. Quan trọng nhất là niềm an ủi tinh thần – điều này tôi yên tâm vì
người Việt ở hải ngoại chan chứa tình người. Chúng tôi đã lập ra một toán hỗn
hợp để giúp chị hội nhập cuộc sống, khám sức khoẻ, tư vấn tâm lý, xin bảo hiểm,
và tìm việc làm. Vâng, chị Tuyết Nga khao khát được đi làm để tự kiếm sống. Có
nhiều đồng hương ở hải ngoại ngỏ ý muốn yểm trợ tài chánh. Chúng tôi hoan
nghênh và xin quý vị hảo tâm gửi ngân phiếu về cho:
BPSOS – HOUSTON
11360 Bellaire Boulevard, Suite 910
Houston, TX, 77072-2531
Attn: Tuyết Nga
11360 Bellaire Boulevard, Suite 910
Houston, TX, 77072-2531
Attn: Tuyết Nga
Chúng tôi cũng kêu gọi quý vị ân nhân đừng quên gần 2 nghìn đồng
bào đang kẹt ở Thái Lan trước một tương lai vô định. Là tổ chức duy nhất bảo vệ
quyền tị nạn của đồng bào ở Thái Lan, chúng tôi quyết “bám trụ” ở cùng đồng bào
cho đến ngày không còn người Việt nào phải đi tị nạn. Chúng tôi tiếp tục cần sự
trợ giúp tài chánh để hoàn thành sứ mạng này. Để đóng góp cho chương trình bảo
vệ người tị nạn nói chung của BPSOS, xin gửi ngân phiếu về cho:
BPSOS/RPP
6066 Leesburg Pike, Suite 100
Falls Church, VA 22041
6066 Leesburg Pike, Suite 100
Falls Church, VA 22041
Nếu cần thông tin, xin
quý vị liên lạc: bpsos@bpsos.org hoặc
703-538-2190.
Chúng tôi cầu chúc quý vị, các thiên thần phù trợ cho đồng bào
đang trong cảnh khốn cùng, những ngày an bình trong mùa lễ cuối năm.