Người hoạt
động nhân quyền:
Căn cứ nào để
quyết định
ở lại
hay ra đi?
Tác dụng "vượt biên
giới" của công thức “nhóm kết nghĩa”
Ts. Nguyễn Đình Thắng
Ngày 28 tháng 7, 2017
Trước đây đã có lúc người ta tranh luận sôi nổi là người tranh
đấu nhân quyền nên ra đi để tiếp tục con đường tranh đấu hay nhất quyết ở lại
dù phải chịu cảnh tù đày hay tình trạng thúc thủ. Thực ra cả 2 bên của cuộc
tranh luận có cùng một giả định: ra khỏi nước, công hiệu sẽ giảm. Điều này
không hẳn đúng, và công thức “nhóm kết nghĩa” là phản thí dụ.
Công thức này gồm một nhóm ở trong nước và một nhóm ở ngoài nước
gắn bó với nhau như một. Như vậy, người hoạt động thuộc nhóm ở trong nước nếu
phải rời bỏ quê hương thì có thể nhập ngay vào nhóm kết nghĩa ở ngoài nước. Dĩ
nhiên vai trò và các hoạt động sẽ thay đổi cho phù hợp với thế của người ở
ngoài. Nếu dùng ví dụ về giương cung và lắp tên, công thức “nhóm kết nghĩa” tạo
điều kiện cho sự chuyển một cách nhịp nhàng từ vai trò lắp tên của người ở
trong sang vai trò giương cung của người ở ngoài.
Những giáo dân của Giáo Xứ Cồn Dầu đã định cư tị nạn ở Hoa Kỳ
minh chứng điều này. Chỉ ít lâu sau vụ đàn áp đẫm máu của chính quyền Đà Nẵng
để giải toả trắng Giáo Xứ Cồn Dầu, chúng tôi đã hỗ trợ cho khoảng 30 gia đình
giáo dân Cồn Dầu đã định cư ở Hoa Kỳ từ lâu để hình thành Hiệp Hội Giáo Dân Cồn
Dầu. Hiệp hội này là “nhóm kết nghĩa” để yểm trợ dài lâu cho các giáo dân Cồn
Dầu đang đấu tranh sinh tử với chính quyền Đà Nẵng nhằm bảo vệ xứ đạo trên 135
năm tuổi.
Những giáo dân Cồn Dầu chạy sang Thái Lan xin tị nạn khi vừa đến
Hoa Kỳ định cư đã lập tức nhập vào Hiệp Hội Giáo Dân Cồn Dầu để tiếp tục cuộc
tranh đấu. Có người đã tham gia điều trần ở Quốc Hội để lên án chính sách đàn
áp tôn giáo, cướp đất, và các hành vi tra tấn, bỏ tù, và đánh chết người. Có
người tham gia phái đoàn họp với Bộ Ngoại Giao và Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn
Giáo Quốc Tế để vận động can thiệp. Và năm nào các giáo dân Cồn Dầu từ nhiều
thành phố đều tập trung về thủ đô Hoa Kỳ để góp mặt trong Ngày Vận Động Cho
Việt Nam. Năm nay, phái đoàn gồm các cựu giáo dân Cồn Dầu đến từ nhiều tiểu
bang đã cùng nhau vận động chế tài một số giới chức chính quyền Đà Nẵng theo
Luật Magnitsky Toàn Cầu. Vì là nhân chứng, tiếng nói của họ dễ được lắng nghe
bởi các giới chức Quốc Hội và Hành Pháp. Hoạt động đấu tranh của họ không hề bị
gián đoạn và công hiệu của họ không hề giảm đi.
Ông Nguyễn Thành Tài, anh ruột của một giáo
dân Cồn Dầu bị tra tấn đến chết, cùng với Ông Nguyễn Liêu, một người tị nạn từ
Cồn Dầu, tại buổi họp với Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, ngày 30/06/2017 (ảnh BPSOS)
Đúng ra công hiệu của những người tị nạn từ Cồn Dầu có phần tăng
lên. Ngoài vai trò giương cung, họ còn đóng vai trò kết nối, bện chặt thêm mối
quan hệ “kết nghĩa” trong-ngoài vì tuy đã ra bên ngoài, họ vẫn còn gốc gác của
người bên trong. Họ đã giúp rất nhiều cho việc liên lạc và truyền thông giữa
trong và ngoài. Nhờ vậy chúng tôi mới có được thông tin cho danh sách các giới
chức để đề nghị trừng phạt theo Luật Magnitsky Toàn Cầu.
Mới đây, các giáo dân Cồn Dầu mới đến Hoa Kỳ đã cùng với những
đồng hương ở Hoa Kỳ từ lâu gởi Thư Ngỏ đến Tổng Thống Trump, kêu gọi chính
quyền Hoa Kỳ hãy cẩn trọng khi nhận lời tham gia Hội Nghị Thượng Đỉnh APEC tổ
chức ở Đà Nẵng và ngay tại khu nghỉ dưỡng 5 sao của Tập Đoàn Mặt Trời, một công
ty đã toa rập với chính quyền Đà Nẵng để cướp và bán đất của các giáo dân Cồn
Dầu, trong đó có những công dân Hoa Kỳ và những người mới định cư tị nạn. Nếu
còn ở trong nước các giáo dân Cồn Dầu ấy chắc chắn không có tư thế gì để lên
tiếng với Hành Pháp Hoa Kỳ.
Và thế của họ ngày càng tăng. Những người tị nạn từ Cồn Dầu đến
Hoa Kỳ định cư đầu tiên nay đang lục tục nhập tịch để trở thành công dân Hoa
Kỳ. Với thế công dân Hoa Kỳ họ càng thêm căn cứ để đòi hỏi chính quyền Hoa Kỳ
can thiệp và bảo vệ quyền lợi, kể cả quyền đòi bồi thường vì nhà và đất bị
chính quyền Đà Nẵng quyết tâm cướp trắng. Nếu còn ở Việt Nam, họ chỉ có nước bó
tay trước chính sách của các giới chức cầm quyền.
Rõ ràng, việc ở lại hay ra đi không là yếu tố quyết định hiệu
quả. Phương cách hoạt động mới là yếu tố quyết định. Sai phương cách thì, dù ở
trong hay ở ngoài nước, mức hiệu quả đều rất thấp.
Tóm lại, với công thức “nhóm kết nghĩa” câu hỏi nên ở hay nên
phải được đặt lại: nếu ở lại thì đóng vai trò gì và nếu ra đi thì phải chuyển
vai trò ra sao cho phù hợp. trong thế giương cung và lắp tên.
Bài liên quan:
Liệu chế độ độc tài có ngại Luật Magnitsky?
http://machsongmedia.com/vietnam/nhanquyen/1233-2017-07-19-22-48-31.html
http://machsongmedia.com/vietnam/nhanquyen/1233-2017-07-19-22-48-31.html
Công dân Mỹ kêu gọi TT Trump: Dự APEC nhưng
tẩy chay TP Đà Nẵng và Sun Group
http://machsongmedia.com/vietnam/nhanquyen/1228-2017-06-26-16-46-30.html
http://machsongmedia.com/vietnam/nhanquyen/1228-2017-06-26-16-46-30.html
Ngày Vận Động Cho Việt Nam năm 2017: Những kết
quả nhãn tiền
http://machsongmedia.com/vietnam/danchu/1230-2017-07-07-22-03-48.html
http://machsongmedia.com/vietnam/danchu/1230-2017-07-07-22-03-48.html