·
Công thức “nhóm kết
nghĩa”: ngoài giương cung, trong lắp tên
Ts. Nguyễn Đình Thắng
Ngày 18 tháng 7, 2107
Mấy ngày nay, Luật Magnitsky được giới truyền thông Hoa Kỳ và
quốc tế nhắc nhở đến khá nhiều vì nó gắn liền với những tiết lộ về cuộc tiếp
xúc giữa con trai lớn của Ông Donald Trump với một nữ luật sư người Nga hồi
tháng 6 năm ngoái. Con trai của Ông Trump muốn lấy thông tin bất lợi về Bà
Hillary Clinton, đối thủ của bố mình trong cuộc tranh cử Tổng Thống Hoa Kỳ. Còn cô luật sư người Nga thì muốn Ông Trump,
nếu đắc cử, xoá bỏ Luật Magnitsky.
Rõ ràng, chế độ độc
tài ở Nga xem Luật Magnitsky là mối quan ngại hàng đầu.
Tác động của Luật Magnitsky
Luật Magnitsky, ban hành năm 2012, không chỉ gây rúng động hàng
ngũ các “cận thần” của Tổng Thống Vladimir Putin mà còn đe doạ chính triển vọng
“hạ cánh an toàn” của Ông ta.
Năm 2013, Tổng Thống Obama chế tài 18 “cận thần” ấy theo Luật
Magnitsky. Đầu năm 2017, trước khi rời nhiệm sở, Tổng Thống Obama chế tài thêm
5 “cận thần” nữa của Ông Putin. Các “cận thần” này không chỉ là giới chức chính
quyền mà còn đứng tên làm chủ nhiều đại công ty -- đó là phương tiện tham nhũng
và rửa tiền của giới lãnh đạo Nga. Họ không được đặt chân đến Hoa Kỳ, tài sản
của họ ở Hoa Kỳ bị niêm phong và các ngân hàng Hoa Kỳ không được giao dịch với
họ hay công ty của họ.
Nhiều quốc gia khác đang theo gương Hoa Kỳ. Càng nhiều quốc gia có Luật Magnitstky thì các
giới chức bị chế tài càng khó chuyển của ra khỏi Nga, và của nào đã chuyển thì
có nguy cơ bị niêm phong. Triển
vọng “hạ cánh an toàn” ngày càng khép lại, kể cả cho Ông Putin, mà khối tài sản
thu gom từ tham nhũng được ước lượng là trên 200 tỉ Mỹ kim.
Tổng Thống Putin muốn xoá bỏ Luật Magnitsky bằng mọi cách là
điều không đáng ngạc nhiên.
Cách khai dụng Luật Magnitsky
Mới đây, một bác nữ ở tuổi cao niên gửi email cho tôi, lo lắng: “Ts. Thắng ơi. Mỗi ngày CSVN càng gia-tăng
đàn-áp, bắt-bớ. Nó không hề sợ Luật Magnitsky gì hết.”
“Dĩ nhiên là chính quyền Việt Nam không sợ Luật Magnitsky vì nó
chỉ như một cây cung với mũi tên. Nếu không có người sử dụng thì đó chỉ là vật
vô tri vô giác và vô ích. Chính quyền sẽ chỉ sợ khi có rất nhiều người dân biết
bắn cung,” tôi trả lời.
Ngày hôm sau, bác ấy hồi âm vắn tắt: “Cám ơn Ts. Thắng, hy vọng
toàn dân Việt chúng ta biết xử-dụng cung và tên.”
Muốn khai dụng Luật Magnitsky thì phải có cả người giương cung
và người lắp tên. Giương cung nghĩa là vận động Hoa Kỳ chế tài các kẻ vi phạm
nhân quyền hoặc tham nhũng lớn. Lắp tên nghĩa là thu thập thông tin về các kẻ
vi phạm, bao gồm vai trò trong hành vi đàn áp, các thông tin cá nhân để nhận
diện, và thông tin về tài sản đã hay sắp chuyển ra khỏi nước.
Kinh nghiệm về áp dụng Luật Magnitsky đối với Nga
Luật Magnitsky nguyên thuỷ ra đời là do công lao của nhiều người
và nhiều tổ chức. Nhưng có công nhất là Ông Bill Browder, một doanh nhân người
Mỹ. Cách đây hơn chục năm, công ty của Ông đứng đầu về vốn đầu tư nước ngoài ở
Nga. Năm 2009 Luật Sư Magnitsky, đại diện pháp lý cho công ty này, khám phá vụ
tham nhũng lớn dính líu đến các cận thần của Tổng Thống Putin. Để bịt miệng,
chính quyền Nga dựng chuyện bắt giam, tra tấn và bỏ tù Ls. Magnitsky. Không bao
lâu sau, vị luật sư này chết trong tù. Đi tìm công lý cho cộng sự viên của
mình, Ông Browder từ đó dành thời gian, công sức và tài lực để vận động Quốc
Hội Hoa Kỳ thông qua Luật Magnitsky.
Khi Luật Magnitsky được ban hành năm 2012, Ông Browder đã dùng
chính uy tín và uy thế của mình để vận động Hành Pháp Obama lập tức chế tài các
giới chức Nga liên can đến cái chết của Ls. Magnitsky. Ông Browder chính là
người giương cung. Ông được nhiều nhà đấu tranh nhân quyền và kể cả một số viên
chức chính quyền bất mãn ở Nga cung cấp các mũi tên: thông tin cá nhân của các
giới chức liên can, đường dây tham nhũng và rửa tiền của họ, của cải mà họ đã
chuyển ra ngoại quốc...
Ông Browder đã chuẩn bị sẵn cung tên ngay khi dự thảo luật vừa
mới được đưa vào Quốc Hội Hoa Kỳ. TNS Ben Cardin (Đảng Dân Chủ, Tiểu Bang Maryland), đồng tác giả
của Luật Magnitsky, dùng các thông tin từ Ông Browder để lập danh sách chế tài
“trừ bị”. Giới đấu tranh nhân quyền ở Hoa Kỳ gọi đó là “Cardin’s list” – danh
sách của TNS Cardin. Toàn thể 18 giới chức Nga bị chế tài đợt đầu đều đã
nằm trong danh sách này.
Cuối năm ngoái Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua Luật Magnitsky Toàn Cầu
để nới rộng luật nguyên thuỷ, vốn tập trung vào Nga mà thôi, ra toàn thế giới.
Ông Browder đang vận động Quốc Hội Canada và Anh Quốc thông qua Luật Magnitsky.
Đầu năm nay, Ông Browder giới thiệu tôi với cộng đồng người Canada gốc Ukraine
và gốc Bắc Âu, để cùng hợp tác vận động. Thực hiện sự hợp tác này, Nhóm Thanh Niên
Canada Vì Nhân Quyền cho Việt Nam đã tổ chức Ngày Vận Động Nhân Quyền Cho Việt
Nam tại Quốc Hội Canada ngày 12 tháng 6 vừa qua.
Áp dụng Luật Magnitsky lên Việt Nam
Một chi tiết lý thú là cộng đồng người Mỹ gốc Việt đã góp phần
đáng kể cho sự ra đời của Luật Magnitsky Toàn Cầu. Cách đây 7 năm, Dân Biểu Cao
Quang Ánh (Cộng Hoà, Louisiana), khi còn tại vị ở Hạ Viện Hoa Kỳ, đưa ra dự
thảo luật Chế Tài Vi Phạm Nhân Quyền Ở Việt Nam, mô phỏng theo Luật Magnitsky.
Tuy không thành công, dự thảo luật này là khởi điểm của Luật Magnitsky Toàn
Cầu.
Khi gặp phái đoàn cử tri từ Maryland nhân Ngày Vận Động Cho Việt
Nam năm 2014, TNS Ben Cardin cho biết là Ông ủng hộ luật chế tài đối với Việt
Nam, nhưng không nghĩ là nó sẽ được thông qua. Ông đề nghị nới rộng nó ra toàn cầu
để tăng triển vọng thành công. Vận động cho Luật Magnitsky Toàn Cầu đã trở
thành trọng tâm của các Ngày Vận Động Cho Việt Nam năm 2015-2016. Và nỗ lực vận
động này đã thành công.
Tương tự như Ông Browder, BPSOS chuẩn bị sẵn cung và tên từ khi
Luật Magnitsky Toàn Cầu còn là dự thảo trong Quốc Hội. Năm 2014, BPSOS bắt đầu
huấn luyện đội ngũ nhân sự ở Việt Nam về báo cáo các vụ vi phạm nhân quyền theo
đúng thủ tục và tiêu chuẩn quốc tế. Các báo cáo này bao gồm thông tin về các giới chức chính quyền
liên can. Khi luật được ban hành cuối năm 2016, chúng tôi đã có sẵn danh sách
168 giới chức chính quyền Việt Nam để vận động chế tài. Đến nay con số này đã
tăng lên gần 180 nhân vật.
Công thức “nhóm kết nghĩa”
Mục đích của chúng tôi không là trừng phạt cho bõ ghét. Luật
Magnitsky Toàn Cầu có thể đẩy lùi phần nào sự áp chế đè nặng lên các cộng đồng
đang bị bách hại ở Việt Nam với điều kiện các cộng đồng ấy biết khai dụng nó.
Muốn khai dụng nó, mỗi cộng đồng phải biết cách tạo ra tên mà
còn cần người sẵn sàng giương cung để họ lắp tên. Công thức “nhóm kết nghĩa” đáp ứng nhu cầu này. Công thức này
rất đơn giản, chỉ cần có lòng. Cứ dăm ba người ở hải ngoại, thân quen và tin
nhau, là có thể lập nhóm kết nghĩa. Họ có thể là các bác cao niên trong cùng
khu phố, một nhóm sinh viên cùng trường đại học, hoặc anh chị em và bố mẹ con
cái trong một gia đình. Mỗi nhóm như vậy chọn một cộng đồng hay một tổ chức xã
hội dân sự nhất định ở trong nước để kết nghĩa một cách bền chặt và dài lâu.
Vai trò của mỗi nhóm kết nghĩa gồm có: (1) giúp tài chính và
hướng dẫn cộng đồng hay tổ chức được kết nghĩa phát triển khả năng báo cáo vi
phạm; và (2) chuyển những báo cáo vi phạm của họ đến chính quyền Hoa Kỳ. Chúng
tôi có chương trình huấn luyện cho cả 2 bên.
Kết luận
Kế hoạch quốc tế vận của chúng tôi, khởi đầu năm 2012, gồm 2 mục
tiêu: (1) Tạo áp lực quốc tế để Việt Nam phải cam kết
về nhân quyền để đánh đổi viện trợ và mậu dịch; (2) Vận động các biện
pháp chế tài khi Việt Nam vi phạm các cam kết ấy. Khi Luật Magnitsky Toàn Cầu
được ban hành, giai đoạn 5 năm “chuyển thế” đã hoàn tất. Trong 5 năm kế đến mục
tiêu của chúng tôi là phát triển nội lực cho người dân ở khắp đất nước qua công
thức “nhóm kết nghĩa” với các nhóm người Việt ở khắp thế giới tự do.
Trở lại với bác cao niên kể trên, tôi muốn kể thêm rằng bác ấy
là thành viên của “nhóm kết nghĩa” ở Thành Phố Seattle, Tiểu Bang Washington.
Nhóm này đang kết nghĩa với 2 chùa Phật Giáo bị bách hại. Bằng những việc làm đơn giản, cụ thể nhưng đều
đặn và trường kỳ, bác đang góp phần cho một tương lai mà toàn dân biết sử dụng
cung-tên.