Trang

Thứ Năm, 20 tháng 7, 2017

2411. CHI PHÁI BẾN TRE YÊU CẦU MINH XÁC HIẾN CHƯƠNG 1965 & CHÍNH PHỦ VNCH TRẢ LỜI.

NGUỒN: BNS THÔNG LIÊN  09 NGÀY 20. 12. 2009. Phụ lục 02:

ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ.
Tòa Thánh.                        Năm thứ 41.
V P Cửu Viện.         Hội Thánh dưới quyền ủng hộ
Số 04/HP.            của Đức Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương.

Kính gởi:
Trung Tướng Chủ Tịch Ủy Ban lãnh đạo quốc gia.
Đồng kính gởi: Thiếu Tướng Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương Chánh Phủ Việt Nam Cộng Hòa. (SÀI GÒN).
(Kính trình qua Trung Tá Tỉnh Trưởng Kiến Hòa)
Trích yếu v/v: Yêu cầu Chính Phủ minh xác sắc luật thừa nhận tư cách pháp nhân  Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ.

Thưa Trung Tướng Chủ Tịch.
Thưa Thiếu Tướng Chủ Tịch.
Nền Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ do Đức Cha Trời khai tại nước Việt Nam năm 1926. Khi đó có Đức Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương, Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc, cùng một số Chức-Sắc làm Tờ Khai Đạo với chánh phủ Pháp.
Đức Giáo-Tông Nguyễn Ngọc Tương được chọn đứng chủ quyền Đạo với chánh phủ và đồng thời đứng bộ song cước với Bà Lâm Ngọc Thanh làm chủ sở đất Thánh Địa 96 ha, để cất Tòa Thánh tại Xã Long Thành, Tây Ninh và đứng bộ làm chủ cả đất điền của Đạo nơi Thánh Thất địa phương.
Sau chánh kiến bất đồng về đường lối hành đạo thuần túy và có “hoạt động chánh trị” Đức Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương muốn tránh sự tranh chấp làm hư danh Đạo mới lui về Bến Tre lập một Ủy Ban chấn chỉnh nền Đạo lại, gọi tắt là Ban Chỉnh Đạo (1934). Mặc dù về Bến Tre nhưng chánh phủ vẫn coi Đức Giáo Tông là sở hữu chủ của Đạo, nên khi định đóng cửa Tòa Thánh và các Thánh Thất cũng như khi ra lịnh mở cửa đều gởi cho Ngài.
Ngày 20-2-1965 nhân cuộc tiếp xúc phái đoàn Hội Thánh chúng tôi đến viếng Quốc Trưởng có tỏ rằng: Ngài đang soạn thảo một Đạo Sắc luật thừa nhận Tư Cách Pháp Nhân chung cho Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
Về sau Trung Tướng Chủ Tịch Ủy Ban lãnh đạo quốc gia ký Sắc Luật 03/1965 ngày 13-7-1965 và duyệt y Bản Hiến chương Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Hội Thánh Tây Ninh đơn phương soạn thảo (ngày 21-01-1965).
Đến ngày 12 tháng 9 năm 1965 Hội-Thánh chúng tôi có phái người đến Bộ Nội Vụ hỏi về vấn đề đó được ông Tổng Thơ Ký trả lời: Chánh phủ mặc dầu xem Sắc Luật số 03/1965 là thừa nhận Tư Cách Pháp Nhân cho Đại-Đạo Tam Kỳ Phổ-Độ chớ không phải riêng cho Tòa-Thánh Tây-Ninh. Ông thơ ký hứa sẽ đệ trình lên phủ Chủ Tịch.
Thưa nhị vị Chủ Tịch.
Chúng  tôi không có tham vọng được Chánh phủ thừa nhận, nhưng sự thừa nhận của Chánh phủ vừa rồi đã gây cho toàn thể Tín Đồ những sự thắc mắc khó nghĩ về những hậu quả của tư cách Pháp Nhân với sự duyệt y Hiến Chương của Hội Thánh Tây Ninh.
Hiện tại sự khó khăn cho chúng tôi về sự tạo mãi tài sản là không thể dùng pháp nhân Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ để đứng bộ các bất động sản của Đạo:
1-           Chúng tôi không thể chịu ràng buộc theo Hiến Chương của Hội Thánh Tây Ninh đã được Chánh phủ duyệt y thì Chánh phủ sẽ đối với chúng tôi thế nào về Tư Cách Pháp Nhân?
2-                 Trong trường hợp chờ Chánh phủ giải quyết các việc tạo mãi tài sản và bất động sản của Đạo, chúng tôi có thể dùng Tư Cách Pháp Nhân của Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ do Đức Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương đứng bộ được chăng?
          Lưu ý:
          Đất Tòa Thánh Tây Ninh do Đức Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương đứng bộ.
          Kính thưa nhị vị Chủ Tịch,
          Hội Thánh chúng tôi tin tưởng rằng: Chánh phủ vì uy tín và sự công bằng sẽ giải quyết dứt khoác để cho thiện chí của Chánh Phủ đến tận mọi người trong công ích.
          Trong khi chờ đợi xin nhị vị Chủ Tịch nhận nơi đây lòng thành thật kính mến của Hội Thánh chúng tôi.
TM. Hội Thánh
Thượng Chánh Phối Sư,
(Ký tên và đóng dấu)
Thượng Khuê Thanh.










CHÍNH PHỦ TRẢ LỜI. 



Việt Nam Cộng Hòa.
Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia.
PHIẾU TRÌNH.
Trung Tướng Tổng Thư Ký Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia
Công văn số 4/HP ngày 18-11-1965.
Đề mục tham chiếu:
             (Đơn dẫn thượng của Hội Thánh Cao Đài Ban Chỉnh Đạo Bến Tre đệ trình lên cho Trung Tướng Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia và Thiếu Tướng Ủy Ban Hành Pháp Trung ương xin minh xác Sắc luật 03/1965 ngày 13-7-1965 về việc thừa nhận tư cách pháp nhân cho Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ và phản đối Hiến Chương ngày 21-01-1965 của Tòa Thánh Tây Ninh soạn thảo theo Pháp Chánh Truyền và Tân Luật của Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ mà chánh phủ đã duyệt y).
SƠ LƯỢT VẤN ĐỀ.
Chiếu theo đơn đề ngày 18-11-1965 nói về Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương , Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc cùng một số Chức Sắc đứng tên trong Đơn Khai Đạo gởi cho Chánh Phủ Pháp năm 1926
Đơn Xin Khai Đạo đề ngày 23-8-1926 gởi cho ông Le Fol Thống Đốc Nam Kỳ, tổng số đứng đơn có 247 vị, gồm cả Chức Sắc và Đạo Hữu. Đứng đầu đơn là Đức Thượng Đầu Sư Thượng Trung Nhựt (Lê Văn Trung) sau được phong Giáo Tông và bà Nữ Chánh Phối Sư Lâm Hương Thanh. Ông Nguyễn Ngọc Tương lúc bấy giờ là Thượng Chánh Phối Sư của Tòa Thánh Tây Ninh, trách nhiệm của Ông Tương giữ về ngoại giao, nên được Hội Thánh phó thác nhiệm vụ giao tiếp với quyền đời.
Còn việc đứng tên sở đất 96 ha, hiện giờ là Ông Tương với Bà Lâm Hương Thanh cùng chung thay mặt cho Hội Thánh đứng tên.
Sở đất nói trên của Bà Lâm Hương Thanh và Ông Nguyễn Ngọc Thơ (chồng bà) mua của một người Pháp hiến cho Tòa Thánh để làm Thánh Địa kể từ năm 1927 đến nay. Ông Tương không có xuất một đồng nào vào đó. Sở dĩ Ông thay mặt đứng tên vì Ông là Thượng Chánh Phối Sư của Tòa Thánh Tây Ninh lúc đó.
Đến năm 1933 chẳng phải vì chánh kiến bất đồng và đường lối hành đạo hay là trong Đạo có chủ trương hoạt động chánh trị mà Ông phải rời Tòa Thánh Tây Ninh để về Bến Tre.
MỤC ĐÍCH CHÍNH CỦA ÔNG VỀ BẾN TRE
Là vì nhà cầm quyền thống trị thực dân Pháp thấy Đạo Cao Đài càng ngày càng bành trướng mạnh, thực dân sợ Cao Đài chủ trương liên kết với các nhóm cách mạng trong và ngoài nước để đạp đổ chế độ thống trị.
Vì vậy thực dân Pháp thấy cần làm cho lực lượng Cao-Đài suy yếu và Tòa Thánh bị giảm uy thế, nên xúi giục Ông Tương và một vài người khác rời khỏi Tòa Thánh Tây Ninh để lập ra Chi phái khác (vì Ông là quan lại cũ của Pháp).
Bởi vậy cho nên năm 1940 khi Pháp đóng cửa Tòa Thánh và các Thánh Thất thuộc về Tòa Thánh Tây Ninh trong toàn quốc thì lúc đó Ban Chỉnh Đạo của Ông Tương vẫn bình yên và gần như được thực dân Pháp nâng đỡ là khác.
Khi Ông Tương rời khỏi Tòa Thánh Tây Ninh chiếu theo Pháp Chánh Truyền và Tân Luật, Ông Tương bị Hội Thánh đưa ra Tòa Tam Giáo xử trục xuất ra khỏi cửa Đạo. Kể từ đó tên Nguyễn Ngọc Tương không còn liên hệ chi với Tòa Thánh Tây Ninh.
Còn nói về Tòa Thánh Tây Ninh bị đóng cửa mà Pháp gởi thơ cho Ông Tương hay, đó là điều chứng minh Ông là người của thực dân Pháp. Còn việc mở cửa Tòa Thánh là do toàn thể Chức Sắc, Chức Việc và Tín đồ của Tòa Thánh Tây Ninh tranh đấu đập tan chế độ lệ thuộc, tự mở cửa Tòa Thánh và mở cửa cho các Thánh Thất, chớ không phải đặc ân của Pháp mở cửa mà Pháp phải viết thơ cho Ông Tương hay, điều nầy thật sai lầm.
VẤN ĐỀ HIẾN CHƯƠNG
ĐẠI-ĐẠO TAM-KỲ PHỔ-ĐỘ.
Tòa Thánh Tây Ninh lập Bản Hiến Chương này là chiếu theo Pháp Chánh Truyền mà Đức Chí Tôn ban cho hồi mới khai đạo và Tân Luật do ba Chánh Phối Sư: Thái Thơ Thanh, Thượng Tương Thanh, Ngọc Trang Thanh và được Đức Chí Tôn phê chuẩn.
Người Đạo Cao Đài chân chính không một ai canh cải Pháp Chánh Truyền và Tân Luật, nên Hiến Chương do Tòa Thánh Tây Ninh lập thành là một Hiến Chương căn bản của Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ.
Trong tờ trình của Tỉnh Trưởng Kiến Hòa nói rằng: phái Ban Chỉnh Đạo có một triệu Tín Đồ và 200 cơ sở trong toàn quốc, điều này sai sự thật. Số Tín đồ của Ban Chỉnh Đạo không quá 300.000 người, nhưng bây giờ tản mát cũng không biết chắc chắn là bao nhiêu, nhứt là trong vùng xôi đậu.
Nhận xét:
Về khoản 1 của văn thư số  4 của Ban Chỉnh Đạo Bến Tre nói rằng:
“Chúng tôi không thể chịu ràng buộc theo Hiến Chương của Hội Thánh Tây Ninh, đã được Chánh phủ duyệt y, thì Chánh phủ sẽ đối với chúng tôi thế nào về Tư cách Pháp nhân ?”
Chiếu Hiến Chương ngày 21-01-1965 do Tòa Thánh Tây Ninh soạn thảo, bản Hiến Chương này thể theo Pháp Chánh Truyền và Tân Luật lập thành và đã được Chánh phủ duyệt y.
Hôm nay Ban Chỉnh Đạo không chịu nhìn nhận Bản Hiến Chương là họ đi ngoài khuôn viên Luật Pháp chơn truyền của Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ tức là cố tình gây rối trong tình trạng khẩn trương của đất nước hiện nay.
Hơn nữa vừa rồi họ họp nhau kêu gọi hòa bình, hẳn nhiên hành động này do bàn tay bí mật của đối phương xách động, mà chánh quyền đã biết. Như vậy họ không đủ tư cách để hưởng lấy tư cách pháp nhân Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ mà Trung Tướng Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia ký tên ban cho và câu hỏi của họ rất khiếm lễ đối với Chánh quyền.
Về khoản 2 :
“Trong trường hợp chờ Chánh phủ giải quyết các việc tạo mãi động sản và bất động sản của Đạo. Chúng tôi có thể dùng Tư Cách Pháp Nhân Hội Thánh Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ do Đức Giáo Tông đứng bộ được không ?”
Lưu ý: Đất Tòa Thánh Tây Ninh do Đức Giáo Tông đứng Bộ.
Đáp: Ông Nguyễn Ngọc Tương nguyên là Thượng Chánh Phối Sư của Tòa Thánh Tây Ninh đã tự ý rời khỏi Tòa Thánh Tây Ninh lập ra Ban Chỉnh Đạo và đã bị Tòa Thánh Tây Ninh trục xuất ra khỏi Đạo từ năm 1933 như đã nói trên, thì Ông không có dính líu gì đến đất đai của Tòa Thánh.
Hơn nữa, Chánh Phủ cũng không ban Tư Cách Pháp Nhân cho Chi phái Ban Chỉnh Đạo thì Chi phái chỉ thi hành theo tư cách hiệp hội của dụ số 10 mà thôi, thì làm gì có Tư Cách Pháp Nhân!
Câu hỏi nầy của Ban Chỉnh Đạo có tánh cách hăm dọa gây rối cho Tòa Thánh Tây Ninh nói riêng, cho an ninh công cộng Quốc gia nói chung.
Đề nghị: Trong tình thế đất nước cực kỳ nghiêm trọng nay, Chánh Phủ cần trọng tâm lo lợi ích chung cho Quân nhân và đối đầu với bọn xâm lăng… không cần phải lưu tâm một sự đòi hỏi vô ý thức.
Kính.
Ngày 03 tháng 12 năm 1965.
Trung Tướng Nguyễn Văn Thành.