Trang

Thứ Tư, 22 tháng 3, 2017

2305. VNTB - “Giai cấp mới”, đã đến giai đoạn cuối (kỳ 2)

. Việt Nam Thời Báo.

Phùng Hoài Ngọc.
 (VNTB) Các lãnh tụ cộng sản còn có xu hướng xa hoa, họ không cưỡng được chuyện này không chỉ vì đấy là điểm yếu của con người nói chung mà còn vì nhu cầu thể hiện sức mạnh và hơn nữa ma lực của quyền sinh quyền sát đối với đồng loại, một loại nghệ thuật mà chỉ những người đặc biệt mới có.



 

Nhà nước đảng trị

Quyền lực, bất chấp luật pháp, nằm trong tay hai lực lượng: tổ chức Đảng và cảnh sát mật*[2]. Đảng và cảnh sát liên hệ mật thiết với nhau trong hoạt động hàng ngày, sự khác nhau chỉ còn là phân công lao động.

Đảng trị chia ra hai cách: 

Cách thứ nhất: theo tổ chức Đảng đoàn, họ bàn bạc, đưa ra mọi quyết định sau khi đã thoả thuận với cấp lãnh đạo bên trên. Đây là cách chủ yếu. 

Cách thứ hai: hầu hết chức vụ của chính quyền chỉ được giao cho các đảng viên.

Tục ngữ Việt Nam cũng nói “một mình một chợ”.

“Vai trò lãnh đạo của đảng” không thấy ghi trong bất kì điều luật nào, nhưng lại thấm vào mọi tổ chức và mọi lĩnh vực hoạt động.

Trước hết, bất kì đảng nào, đặc biệt là đảng cộng sản, quyền lực bao giờ cũng nằm trong tay lãnh tụ hoặc các cơ quan lãnh đạo. Sự thống nhất là mệnh lệnh, nhất định sẽ dẫn tới việc bao cấp về tư tưởng của trung ương đối với các đảng viên thường.

Việc đàn áp các quan điểm khác nhau trong ban lãnh đạo đảng tự động dẫn đến việc loại bỏ các trào lưu, xu hướng trong nội bộ phong trào và như vậy đồng nghĩa với việc giết chết tất cả các biểu hiện dân chủ trong các đảng cộng sản. Trong chế độ cộng sản “lãnh tụ là người biết tuốt” đã trở thành nguyên tắc. Những kẻ có quyền, dù ngu dốt đến đâu, cũng đều trở thành nhà tư tưởng hết.
 

Các lãnh tụ cộng sản còn có xu hướng xa hoa, họ không cưỡng được chuyện này không chỉ vì đấy là điểm yếu của con người nói chung mà còn vì nhu cầu thể hiện sức mạnh và hơn nữa ma lực của quyền sinh quyền sát đối với đồng loại, một loại nghệ thuật mà chỉ những người đặc biệt mới có.

Thói bon chen, xa hoa, hám quyền là không tránh được. Phải kể thêm là tham nhũng nữa. Đây không phải là tham quan ô lại, chuyện này bây giờ có thể ít hơn chế độ cũ. Đây là loại tham nhũng đặc biệt: khi quyền lực nằm dưới quyền kiểm soát của một đảng, mà đảng ấy lại là nguồn gốc của tất cả đặc quyền đặc lợi, thì việc “quan tâm đến các chiến hữu”, việc bổ nhiệm họ vào những chức vụ có lợi, việc phân phối phúc lợi các kiểu giữa các đảng viên với nhau phải trở thành việc đương nhiên.

Trên mọi nấc thang của hệ thống cộng sản ta đều thấy tính chất quan liêu và được phân chia thứ bậc một cách rõ ràng.

Stalin đã cười nhạo khi có người gọi ông ta là nhà độc tài. Ông ta cảm thấy mình chỉ là người đại diện cho ý chí tập thể của đảng. Nhưng Stalin cũng là người phụ thuộc vào hệ thống do chính ông ta lập ra, cũng phụ thuộc vào “ý kiến chung” của nhóm đầu sỏ nắm quyền. Ông ta không thể sống thiếu họ, cũng không thể chống lại họ.

Mọi người phụ thuộc lẫn nhau và đều phải rất thận trọng: làm sao không tách khỏi không khí chung, quan điểm chung, quyền lợi chung, cách hành xử chung.

Khi chưa giành được chính quyền thì những người cộng sản đòi hỏi (xã hội) phải có những hình thức dân chủ, nhưng chỉ cần giành được chính quyền là họ lập tức đàn áp mọi yêu cầu tự do mà họ gọi là “tư sản”. Đấy là lí do vì sao hiện nay họ vẫn khăng khăng phân biệt “dân chủ tư sản” và “dân chủ xã hội chủ nghĩa” mặc dù đáng ra phải phân biệt về lượng của tự do, hay tính phổ quát của tự do.

Vấn đề quan trọng nhất, cả về phương diện lí thuyết và phương diện thực tiễn của chủ nghĩa cộng sản là vấn đề nhà nước, và đây chính là nguồn gốc của mọi rắc rối và những mâu thuẫn ngày một rõ ngay trong lòng chế độ cộng sản.

Khi nhà nước như một cách tổ chức đời sống của nhân dân, của xã hội, chịu phục tùng các cơ quan chuyên chính nghĩa là “nhà nước nằm trong nhà nước” ắt sẽ nảy sinh mâu thuẫn. Chế độ cộng sản không thể giải quyết được mâu thuẫn đó vì tính toàn trị của nó luôn luôn xung đột với những xu hướng khác, trái ngược hoàn toàn với sự áp chế mà các chức năng khác của nhà nước có thể đảm nhiệm. 

Mọi người đều biết sự trống rỗng và phô trương của các cuộc bầu cử dưới chế độ cộng sản, Clement Rechard Attlee gọi một cách khôi hài là “cuộc đua một ngựa”. 

Đấy là lí do vì sao bầu cử chẳng có ý nghĩa gì nhưng việc chọn người lại được các cấp lãnh đạo thực hiện một cách vô cùng thận trọng. 

Là một tổ chức mang tính bạo lực, và khi cần thì chỉ thực hiện vai trò bạo lực, nhà nước cộng sản ngay từ đầu đã là một nhà nước quan liêu. Hoàn toàn phụ thuộc vào một nhóm nhỏ những kẻ cầm quyền chóp bu, cơ quan nhà nước không ở đâu bằng chế độ cộng sản, tràn ngập đủ các thứ văn bản pháp qui. Ngay từ khi vừa xuất hiện, nó đã lập tức tạo ra một khối lượng văn bản pháp qui nhiều đến nỗi các luật sư và quan toà bị ngập lụt. Ngay những việc tầm phào nhất cũng phải được phê duyệt, mặc dù trên thực tế chẳng có ý nghĩa gì.

Nền kinh tế bao cấp và Giáo điều trong kinh tế

Trong chế độ cộng sản, quá trình phát triển kinh tế không chỉ là cơ sở mà còn là tấm gương phản chiếu con đường chuyển hoá của chế độ từ chuyên chính cách mạng sang chuyên chế phản động.

Các lãnh tụ cộng sản tin tưởng rằng họ nắm được các qui luật kinh tế và có thể quản lí sản xuất trên cơ sở những qui luật đó. 

Việc người cộng sản kiên quyết phủ nhận tất cả các hình thức sở hữu khác ngoài hình thức mà họ cho là “xã hội chủ nghĩa” trước hết nói lên sự hám quyền và lòng tham vô đáy của họ.

Ngay những người cộng sản cũng không thể đặt được quyền thống trị tuyệt đối đối với quá trình sản xuất. Nhưng họ thường xuyên áp bức, luôn luôn buộc nó phải tuân thủ những mục đích chính trị và tư tưởng của mình
Liên Xô và thời kỳ bao cấp.
Lao động bắt buộc trong các chế độ cộng sản là hậu quả của việc chiếm hữu tất cả hay hầu như tất cả các nguồn lực quốc gia. Người lao động bị đặt trước một sự kiện là sức lao động, cũng là hàng hoá duy nhất của anh ta, phải được bán cho chỉ duy nhất một người, theo những điều kiện bất khả tương nhượng vì không còn người mua nào khác. Nếu chỉ có một người mua là nhà nước thì người công nhân chỉ còn một cách là chấp nhận mọi điều kiện nếu không muốn chết đói. Thị trường sức lao động xấu xa, bỉ ổi của giai đoạn tiền tư bản đã bị quan hệ sở hữu độc quyền của “giai cấp mới” tiêu diệt hoàn toàn. Nhưng người lao động thì không vì thế mà được tự do hơn.

Vì vậy nhà nước, đúng hơn phải nói bộ máy đảng, có thể giữ độc quyền ấn định điều kiện lao động, quyết định mức lương và những vấn đề liên quan khác. Nắm giữ độc quyền tài sản, thực thi chuyên chế trong lĩnh vực chính trị, bộ máy đảng nắm giữ luôn quyền quyết định điều kiện làm việc của người lao động.

Như vậy là, đối với bộ máy quan liêu chỉ có khái niệm sức lao động trừu tượng, chỉ có những người công nhân như là một nhân tố của quá trình sản xuất.

Cộng sản giải thích việc không được tự do bãi công như sau: giai cấp công nhân nắm chính quyền và thực hiện quyền làm chủ thông qua nhà nước, bãi công thì hoá ra tự chống lại mình à! Quá trẻ con, dĩ nhiên rồi.

Các tổ chức công đoàn và tổ chức nghề nghiệp khác thực chất chỉ là những người giúp việc bộ máy đương quyền, và cũng là ông chủ duy nhất của tất cả mọi loại tài sản.

Như vậy, việc “mọi người đều có việc làm” không phải là kết quả của chủ nghĩa xã hội mà là một chính sách kinh tế, nó chỉ chứng tỏ sự mất cân đối và năng suất lao động thấp mà thôi. Trong chế độ cộng sản, việc ai cũng có việc làm che giấu hiện tượng thất nghiệp. Sự nghèo khổ chung làm lu mờ đi hiện tượng thất nghiệp của một bộ phận dân chúng, cũng như sự phát triển nhanh của một vài lĩnh vực che đậy sự lạc hậu của những lĩnh vực khác. 

Người ta đã lập kế hoạch cho sức mạnh chính trị chứ không phải tiến bộ kinh tế. 

Nền kinh tế kế hoạch hoá của cộng sản hàm chứa trong mình nó sự hỗn loạn. Mặc dù có kế hoạch, nhưng ta có thể nói một cách dứt khoát rằng đây là một nền kinh tế lãng phí nhất trong lịch sử loài người…

Không một lãnh tụ cộng sản nào từng bị trừng phạt vì lãng phí những nguồn tài sản khổng lồ, song có rất nhiều người đã bị lật vì “lệch lạc” về tư tưởng.

Lãnh tụ Cộng sản Bắc Việt Nam - ông Lê Duẩn
Nhưng lãng phí lớn nhất lại là khoản lãng phí không nhìn thấy được. Đấy chính là lãng phí lao động. Hàng triệu người làm việc một cách uể oải, không hề quan tâm đến kết quả lao động của mình. Bởi vì, những hoạt động bị dán nhãn “phi xã hội chủ nghĩa” sẽ bị cấm đoán. 

Kế hoạch hoá cộng sản không hề quan tâm đến nhu cầu của thị trường thế giới và quá trình sản xuất ở các nước khác. Một phần vì lí do đó và cũng vì những lí do chính trị mà các nhà lãnh đạo cộng sản không hề quan tâm đến việc tạo điều kiện thuận lợi tự nhiên cho việc phát triển sản xuất. Các xí nghiệp thường thiếu cơ sở nguyên vật liệu, người ta không bao giờ quan tâm tới giá cả và giá thành của từng sản phẩm trên thị trường thế giới. Một sản phẩm nào đó có thể đắt gấp mấy lần giá trên thị trường quốc tế vẫn được đầu tư sản xuất, trong khi lĩnh vực khác có hiệu quả cao hơn, có khả năng cạnh tranh thì lại bị bỏ bê. Có những ngành mới được thành lập mặc dù trên thị trường quốc tế sản phẩm trong lĩnh vực này đã tràn ngập từ lâu. Nhân dân phải trả giá hết: các nhà lãnh đạo chỉ cần độc lập mà thôi.

Khủng bố về mặt tinh thần

Sau khi giành được chính quyền, những người cộng sản đã thực hiện việc khủng bố về mặt tinh thần với một sự khéo léo đến trơ trẽn. Chủ nghĩa duy vật cộng sản có thể là thế giới quan bất dung nhất từ trước tới nay, chỉ điều này cũng đủ để có thể buộc các tín đồ của nó tiến hành những cuộc khủng bố “những quan điểm không phù hợp”. Nhưng nếu thế giới quan ấy không liên kết với những hình thức quyền lực và sở hữu nhất định thì người ta cũng không thể nào dùng nó để biện hộ cho tính chất quái gở của việc đàn áp và tiêu diệt tư duy của con người như đã từng xảy ra.



Gót chân Achilles của chủ nghĩa Marx, sự hẹp hòi của Marx và Engels (đây chính là môi trường sống cho thái độ bất dung của chủ nghĩa cộng sản về sau) thể hiện rõ nhất trong việc họ không chịu tách thái độ chính trị của những nhà khoa học, nhà tư tưởng đương thời khỏi giá trị khoa học và đạo đức của những trước tác của họ. 

Quá quan tâm đến việc định rõ danh giới “có tính nguyên tắc” trong đội ngũ của mình, trên thực tế, họ đã bỏ quên đóng góp của những nhà tư tưởng lớn đương thời.

Tuy không có kiến thức sâu sắc và chiều sâu tư tưởng như Lenin, Stalin tiếp tục “phát triển” lí luận của ông này.

Ta có thể thấy rằng con người (Stalin) cho đến nay vẫn được Khrushchev coi là “nhà lí luận Marxist số một” thực ra chưa hề đọc Das Capital (Tư bản luận), tác phẩm quan trọng nhất của chủ nghĩa Marx. Một kẻ cực kì thực tế và giáo điều đã tự tạo ra “học thuyết về xây chủ nghĩa xã hội” mà không cần đọc các tác phẩm về kinh tế của Marx! Ông ta cũng không nghiên cứu bất kì một nhà triết học nào, Hegel thì bị coi là “con chó già” và là “phản ứng của chủ nghĩa chuyên chế Phổ đối với cách mạng Pháp”.
 

Khrushchev trong ĐH Đảng Cộng sản Liên Xô
Trở thành phiến diện và bất dung hơn, chủ nghĩa cộng sản hiện đại càng ngày càng sản sinh ra thêm nhiều những “nửa” sự thật hoặc là dùng những nửa sự thật như thế để biện hộ cho hành tung của mình. Mới nhìn thì một vài khía cạnh của nó có vẻ giống y như thật. Nhưng chính nó lại chứa đầy dối trá. Khi toàn bộ đời sống xã hội bị đặt dưới quyền kiểm soát của các lãnh tụ cộng sản thì những nửa sự thật kia, thậm chí cả lí thuyết cộng sản càng ngày càng mất khả năng vận động và chìm dần vào dối trá.

Trong chế độ cộng sản, các ý tưởng mới, triết lí mới hoặc lí thuyết xã hội học mới buộc phải đi theo những đường vòng lắt léo, thường là thông qua văn học hoặc những ngành nghệ thuật khác. Tư tưởng mới buộc phải ẩn mình, phải chờ đợi “cơ hội thuận lợi” trước khi có thể xuất hiện, trước khi được có tấm giấy thông hành vào đời.

Dưới cộng sản toàn trị, khoa học xã hội nhân văn có cũng như không.

Khó khăn nhất là môn khoa học xã hội nhân văn, vì để tìm chân lí nó phải so sánh các quan điểm, ý kiến, suy nghĩ khác nhau. Liệu có môn này không khi mà Marx và Engels đã phân tích hết rồi, khi mà các lãnh tụ đã giành độc quyền giải quyết mọi vấn đề liên quan đến xã hội và xã hội học rồi ?

Lịch sử sẽ tha thứ cho những người cộng sản nhiều tội lỗi mà họ đã phạm do hoàn cảnh, do nhu cầu tự vệ, nhu cầu sống còn. Nhưng bóp nghẹt mọi quan điểm khác biệt, sự bất dung, sự độc quyền về tư tưởng chỉ để nhằm bảo vệ những quyền lợi ích kỉ của họ là những tội lỗi không thể tha thứ. Chủ nghĩa cộng sản sẽ phải đứng chung một hàng với những tội đồ nhục nhã khác trong lịch sử: toà án giáo hội và các đống lửa thiêu người thời Trung cổ. Cộng sản có thể giành được vị trí “vinh quang nhất” trong đám ấy.

Mục đích và phương tiện

Các nhà cách mạng và các cuộc cách mạng không bao giờ từ chối sử dụng các biện pháp vũ lực và đàn áp.

Nhưng chưa có cuộc cách mạng nào, chưa có nhà cách mạng nào lại sử dụng bạo lực một cách có ý thức, đưa bạo lực thành hoàn thiện, thành ra công việc thường ngày như những người cộng sản.

Trên nguyên tắc, cũng như trên lời nói, cộng sản luôn luôn tỏ ra là những chiến sĩ đấu tranh kiên cường để bảo vệ đạo đức và chủ nghĩa nhân đạo. Đôi khi họ có vi phạm các tiêu chuẩn đạo đức của mình thì cũng chỉ là “do hoàn cảnh bắt buộc”. Nếu không phải làm như vậy thì sẽ tốt biết bao, họ vẫn thường nói như thế. Về điểm này, họ cũng gần giống với các phong trào kia, nếu có khác thì chính tính chất phi nhân của họ được thể hiện dưới những hình thức phải gọi là quái gở và kéo dài hơn mà thôi.

Các biện pháp bạo lực chính là những chỉ dấu phân biệt rõ nhất cộng sản với các phong trào chính trị khác.

Các phương tiện của cộng sản vốn là vô đạo đức và trắng trợn, chúng cũng sẽ vẫn là như thế ngay cả khi về hình thức đã không còn quá dã man như cũ. Quyền lực toàn trị tuyệt đối không từ bất kì thủ đoạn nào. Cộng sản đã chứng tỏ cho mọi người thấy rằng họ không thể từ bỏ nguyên tắc “mục đích biện minh cho phương tiện”, phương tiện bảo vệ quyền thống trị tuyệt đối và quyền lợi ích kỉ của họ.
 
Bạo lực cách mạng là thành tố then chốt của những người Cộng sản
Cộng sản đã tiến hành áp bức, cướp bóc, thủ tiêu con người mà không cần nhà tù và giá treo cổ. Điều đó được thưc hiện bằng cách tước đoạt khả năng gây ảnh hưởng của người dân đối với những thay đổi diễn ra trong xã hội, bằng cách tước quyền làm chủ ngay chính sức lao động của họ, không cho họ được quyền nói lên suy nghĩ của mình. 



Khắp mọi nơi, phong trào cộng sản đều bắt đầu từ ước mơ về những điều tốt đẹp hơn, ước mơ về lí tưởng; chính vì thế nó mới hấp dẫn những người đức hạnh. Đồng thời, là một phong trào quốc tế, như cây hướng dương tìm mặt trời, nó luôn hướng về nơi có phong trào mạnh nhất, nơi phong trào đã giành được chính quyền. Cho đến nay đấy chính là Liên Xô…

Nói chung, trong giai đoạn đầu, cộng sản là phong trào của những người đức hạnh, nguyên tắc đạo đức đó được người ta gìn giữ như báu vật và đấy là lí do của những cuộc khủng hoảng, hậu quả của những hành động vô luân và duy ý chí của các lãnh tụ về sau này.

Khi phong trào cộng sản trở thành một phong trào cách mạng thật sự và như ta đã thấy, trong một giai đoạn ngắn, đã có những phẩm chất đạo đức cao thượng. Đã có một giai đoạn, khi lời nói thường đi đôi với việc làm, nói đúng hơn, những người lãnh đạo phong trào, những người trung thành nhất, những người cộng sản chân chính đã thực sự tin vào lí tưởng của mình và một lòng một dạ thực hiện lí tưởng ấy. Đấy là giai đoạn trước cuộc đấu tranh vũ trang giành chính quyền.

Tất cả rồi sẽ qua đi, sẽ bạc màu, sẽ tan dần trong quá trình tiến đến đỉnh cao của quyền lực. Chỉ còn lại hình thức và những thói quen rỗng tuếch, nội dung thực sự đã bị thay thế từ lâu.

Sự thống nhất hình thành trong cuộc đấu tranh với kẻ thù và những nhóm “nửa” cộng sản khi đối diện với một nhóm chóp bu nắm quyền (thường là một ông vua “xã hội chủ nghĩa”) đã biến thành sự thống nhất của những tên tay sai, những kẻ quan liêu “ăn theo nói leo” trong nội bộ phong trào. Thói luồn cúi, nịnh bợ, không dám phát biểu công khai, sự can thiệp vào đời sống riêng tư (sự tương trợ có tính đồng chí trước đây đã trở thành vũ khí nô dịch của nhóm đương quyền), hệ thống cấp bậc và khép kín, phụ nữ chỉ còn vai trò thứ yếu và mang tính tượng trưng, thói bon chen, ích kỉ, đố kị và thù hận – càng gần đến lúc giành được chính quyền thì những thói hư tật xấu nói trên càng xuất hiện nhiều và thế chỗ dần cho những phẩm chất cao thượng ban đầu. Tính nhân bản của một phong trào khép kín đã trở thành thói đạo đức giả và bất dung của một giai cấp đặc quyền đặc lợi. Lòng chân thành cách mạng giữa các đồng chí với nhau cũng chấm dứt, mánh khoé và dự giả dối đã thành lẽ sống. Những người anh hùng (những người còn sống và chưa bị hất ra khỏi guồng máy) mới ngày hôm qua còn sẵn sàng hi sinh tất cả, kể cả mạng sống của mình vì người khác, vì lí tưởng và hạnh phúc của nhân dân đã trở thành những kẻ ích kỉ hèn nhát, chẳng còn lí tưởng, cũng chẳng còn ai là đồng chí của ai nữa. Họ sẵn sàng từ bỏ danh dự, từ bỏ chân lí và đạo đức miễn là được ở lại trong giai cấp cầm quyền, miễn là giữ được chiếc ghế trong bộ máy (…) Thế giới cũng chưa từng biết nhiều kẻ hèn nhát, thiếu tư cách đến như thế, những người anh hùng ngày hôm qua, khi vừa nắm được quyền lực liền biến thành những kẻ bảo vệ mù quáng những khẩu hiệu đã mất hết sức sống. Chỉ vì quyền lực, vì đặc quyền đặc lợi mà thôi. 

Tổng bí thư Khrusov nói về thời Stalin, “chỉ có tra tấn mà thôi”. Đấy là khi cách mạng không chỉ “ăn thịt những đứa con của mình” mà còn có thể nói tự ăn thịt mình. Nếu đã chứng minh rằng các phương tiện phải đưa đến mục đích đó là những phương tiện độc ác, thì mục đích tự nó cũng là bất khả thi. Vì trong chính trị chỉ có phương tiện là thật còn mục đích, trên lời nói, thì lúc nào cũng là tốt đẹp cả. “Con đường đưa đến địa ngục được xây bằng các ý tưởng tốt” là như thế đấy.
 
“Bài diễn văn bí mật” của Nikita Khrushchev tố cáo Stalin tại Đại hội XX của Đảng Cộng sản Liên Xô diễn ra cách đây 50 năm [1956].
Chủ nghĩa cộng sản đương thời, bằng các biện pháp cách mạng, đã đập tan một hình thái xã hội này, bằng các biện pháp độc tài đã tạo ra một hình thái xã hội khác. Ban đầu, được cổ võ bởi ước mơ thánh thiện nhất, vĩ đại nhất, ước mơ tự ngàn đời của con người về bình đẳng và bác ái, sau đó, chính những ước mơ này đã trở thành tấm màn che địa vị thống trị được áp đặt và thực thi bằng mọi phương tiện, kể cả những phương tiện xấu xa, bỉ ổi nhất.

Bản chất

Cách đây 60 năm, Milovan nhận xét thận trọng về bản chất của cộng sản. Bây giờ, 60 năm sau thực tế đã đúng như ông phán đoán.

Không thể nắm được bản chất của chủ nghĩa cộng sản trước khi nó phát triển hoàn toàn, chưa thể hiện được toàn bộ chính mình. Thời điểm đó sẽ tới khi chủ nghĩa cộng sản bước vào giai đoạn chín muồi. Chỉ lúc đó ta mới có thể nhận thức được đầy đủ bản chất quyền lực, quyền sở hữu và hệ tư tưởng của nó. Còn khi chủ nghĩa cộng sản vẫn đang phát triển, đang là hiện thân chủ yếu như một hệ tư tưởng thì thật khó nhận thức được bản chất thật sự của nó.

Chúng ta cũng đã khẳng định rằng quan điểm này cũng chỉ đúng một phần: chủ nghĩa cộng sản xuất hiện trong lòng các nước tư bản phát triển như một tư tưởng về sự công bằng và phản ứng đối với tình trạng nghèo khó của quần chúng lao động trong quá trình công nghiệp hoá. 

Nhưng ở những nước chậm phát triển, sau khi giành được quyền lực, chủ nghĩa cộng sản lại trở thành một cái gì đó khác hẳn – thành một hệ thống bóc lột, đi ngược lại quyền lợi của chính giai cấp vô sản.

Toàn trị mới là gì?

Chủ nghĩa cộng sản hiện đại là chủ nghĩa toàn trị với ba nhân tố thống trị con người: quyền lực, sở hữu và tư tưởng - cả ba đều là độc quyền sở hữu của một đảng chính trị duy nhất và gọi ở trên là “giai cấp mới”, còn trong tình hình cụ thể hiện nay thì là độc quyền của nhóm chóp bu của đảng đó hay giai cấp đó. Không có chế độ toàn trị nào trong quá khứ và cả hiện nay, ngoài chế độ cộng sản, có được cùng một lúc cả ba tác nhân thống trị đối với con người như vậy.

Trong giai đoạn xuất hiện, chủ nghĩa cộng sản chỉ mới là một hệ tư tưởng. Nhưng hệ tư tưởng đó đã chứa sẵn trong lòng nó hạt giống của toàn trị và độc quyền. Có thể nói một cách tự tin rằng, hiện nay tư tưởng đã không còn đóng vai trò chủ yếu, quyết định trong việc đảm bảo cho quyền thống trị của nó đối với con người nữa. Như một hệ tư tưởng, chủ nghĩa cộng sản đã đi hết lộ trình, nó không thể nói được điều gì mới nữa. Mặt thật của nó hiện nay là quyền lực và sở hữu.

Chế độ cộng sản Xô viết, có lịch sử dài nhất và phát triển nhất, đã trải qua ba giai đoạn. Chế độ cộng sản ở các nước khác, dù ít dù nhiều, cũng đều trải qua các giai đoạn tương tự, ngoại trừ Trung Quốc, nơi cộng sản đang ở giai đoạn hai, giai đoạn củng cố quyền lực.

Ba giai đoạn diễn ra như sau: cách mạng, giáo điều và phi giáo điều.

Ở Việt Nam, Trung Quốc ngày nay đã đi đến giai đoạn PHI GIÁO ĐIỀU.

Trong cách mạng, cũng như trong bất kì cuộc chiến tranh nào, tập trung toàn bộ nguồn lực vào tay chính quyền là lẽ đương nhiên: cần phải thắng. Trong giai đoạn công nghiệp hoá việc đó cũng còn có thể coi là tự nhiên: cần phải công nghiệp hoá, cần xây dựng “xã hội chủ nghĩa”, biết bao nạn nhân đã được đặt lên bàn thờ của nó. Nhưng sau khi điều đó đã được thực hiện thì mới rõ rằng quyền lực đối với cộng sản không chỉ là phương tiện mà là mục đích chủ yếu, nếu không nói là duy nhất.
Việt Nam, Trung Quốc đều là những quốc gia toàn trị.
Việt Nam có truyền thuyết thần Kim Quy đòi Lê Lợi thanh gươm thời chiến để cất đi. Đó là một triết lý truyền thống vô cùng sâu sắc còn để lại.

Hôm nay, đối với những người cộng sản, những người đang cố giữ bằng được đặc quyền đặc lợi và sở hữu, thì quyền lực vừa là phương tiện lại vừa là mục đích.

Cũng như nhiều tác giả, dù đứng trên những quan điểm khác, trong những năm qua tôi đã coi chủ nghĩa cộng sản là “chủ nghĩa tư bản nhà nước”, đúng hơn phải là “chủ nghĩa tư bản nhà nước toàn trị”. Quan điểm này đã từng chiếm thế thượng phong ở Nam Tư trong giai đoạn đối đầu với chính phủ Liên Xô. Nhưng người ta đã nói không quá rằng cộng sản thay đổi “quan điểm khoa học” của mình như người ta thay áo vậy. 

Khẳng định chủ nghĩa cộng sản là chủ nghĩa tư bản nhà nước phát xuất từ sự “cắn rứt lương tâm” của những người thất vọng với hệ thống cộng sản, không lí giải nổi hệ thống ấy và đem so sánh nó với các khiếm khuyết của chủ nghĩa tư bản. Vì trong chế độ cộng sản, tài sản tư nhân không hề tồn tại, về mặt hình thức, tất cả sở hữu đều thuộc về nhà nước cho nên mọi tội lỗi đều có thể đổ cho nhà nước cũng là hợp logic vậy. Từ đó mà có chủ nghĩa tư bản nhà nước. Định nghĩa này cũng được những người cho rằng tư hữu không phải là xấu, hơn nữa họ còn luôn nhấn mạnh rằng cộng sản cũng là tư bản, nhưng tồi hơn nhiều. 

Tác giả kết luận:




Không thể lẫn lộn bản chất của chủ nghĩa cộng sản hiện đại với bất kì một hệ thống nào khác. Hàm chứa nhiều đặc điểm của chủ nghĩa phong kiến, chủ nghĩa tư bản, và ngay cả chế độ chiếm hữu nô lệ, đồng thời nó vẫn là một chế độ hoàn toàn độc đáo, hoàn toàn riêng biệt, chưa từng có §

Đón đọc kỳ 3/3: Chủ nghĩa cộng sản dân tộc - giai đoạn cuối

[1] Đọc sách "Giai cấp mới" của Milovan Djilas, dẫn theo bản dịch tiếng Việt của Phạm Nguyên Trường 


[2] *. Cảnh sát mật: khác với các loại cảnh sát mang phù hiệu được coi là làm việc theo pháp luật. “Cảnh sát mật” cũng khác với vệ sĩ, an ninh chìm, nó được mặc định là một lực lượng đặc biệt chỉ tuân theo người chỉ huy tối cao. Như một loại vũ khí đặc biệt, chủ yếu giám sát, kiểm soát nội bộ. (PHN chú thích).