Bản phúc trình nhân
quyền năm 2016 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tiếp tục ghi nhận Việt Nam là một nhà
nước “độc tài cai trị bởi một đảng duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam” và “tiếp
tục đàn áp nhân quyền” dưới nhiều hình thức.
Logo của Bộ Ngoại giao Mỹ
Phần viết về nhân
quyền Việt Nam trong phúc trình năm 2016 dài 33, so với năm 2015 dài 57 trang,
cho rằng: “chính quyền giới hạn nghiệm trọng quyền tự do chính trị của người
dân, đặc biệt quyền thay đổi chính quyền bằng các cuộc bầu cử tự do và công bằng.”
Bản phúc trình ngày
3/3 nói thêm rằng: “chính quyền giới hạn về tự do dân sự của công dân, trong đó
có tự do hội họp, lập hội và bày tỏ; và không bảo vệ đầy đủ các quyền lợi trong
xét xử của công dân, không bảo vệ người dân khỏi việc giam giữ tùy tiện.”
Báo cáo cho biết “công
an cấp tỉnh và địa phương thường xuyên duy trì quyền hành đáng kể trong hoạt
động của mình… Trong số 19 thành viên của Bộ Chính trị hiện tại có 4 thành viên
đang hoặc từng làm việc ở Bộ Công an, so với con số 3 trong số 16 thành viên Bộ
Chính trị là quan chức công an trong nhiệm kỳ trước.”
Báo cáo cho biết thêm
chính phủ Việt Nam bổ nhiệm các quan chức đương nhiệm hoặc cựu quan chức của Bộ
Công an vào một loạt các vị trí cấp cao, trong đó có Chủ tịch nước Trần Đại
Quang, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng
Nguyễn Văn Nên, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, quyền Trưởng
ban Tôn giáo Chính phủ Bùi Thanh Hà. Các cựu quan chức an ninh của bộ Công An
cũng giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt trong chính quyền cấp tỉnh, thành trong đó có
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung và Bí thư tỉnh ủy Thái Nguyên Trần
Quốc Tỏ.
Báo cáo có nhắc đến
việc chính quyền ngăn chặn các nhà hoạt động không cho gặp gỡ với một vị nguyên
thủ quốc gia nước ngoài đến Việt Nam vào 25/5/2016: “Nhân viên cảnh sát và an
ninh thường phục giam cầm hay quản thúc tại gia rất nhiều nhà hoạt động trong
những ngày trước chuyến thăm của một nhà lãnh đạo nước ngoài đến Hà Nội và
Thành phố Hồ Chí Minh.”
Báo cáo viết: “Vào
ngày 24/5 an ninh thường phục của Bộ Công an và cán bộ công an của Hà Nội ngăn
cản và câu lưu người ủng hộ nhân quyền Nguyễn Quang A gặp gỡ với một nhà lãnh
đạo nước ngoài… Tương tự, các quan chức an ninh bắt giữ blogger và là nhà hoạt
động Phạm Đoan Trang ở tỉnh Ninh Bình trong khi cô đang trên đường đến gặp nhà
lãnh đạo nước ngoài này. Vào ngày 25/5, cơ quan chức năng ở Thành phố Hồ Chí
Minh bắt giữ Trần Hoàng Phúc và câu lưu tại đồn công an đến 8 giờ nhằm ngăn
chặn anh tham gia vào một sự kiện thanh niên với một nhà lãnh đạo nước ngoài.
Cảnh sát được cho là đã lục soát túi xách của anh Phúc và tịch thu điện thoại
di động cùng tài liệu cá nhân của anh.”
Bộ Ngoại giao Việt Nam
chưa lên tiếng về bản phúc trình nhân quyền 2016 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
Năm ngoái, Bộ Ngoại
giao Việt Nam cho rằng báo cáo nhân quyền của Mỹ năm 2015 “dựa trên thông tin
không chính xác, không phản ánh đúng thực tế thực thi quyền con người ở Việt
Nam.”
Khi đó người phát ngôn
Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết: “Việt Nam luôn sẵn sàng trao đổi
thẳng thắn và cởi mở với các nước, trong đó có Mỹ, về những vấn đề còn có sự
khác biệt, qua đó thu hẹp bất đồng, tăng cường hiểu biết và góp phần thúc đẩy
quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước.”
Báo cáo nhân quyền
hàng năm do Quốc hội Mỹ chỉ đạo thực hiện, ghi nhận tình hình nhân quyền ở gần
200 quốc gia và vùng lãnh thổ và do các nhân viên của Đại sứ quán Mỹ soạn thảo.
Báo cáo năm nay phần lớn được hoàn thành trong nhiệm kỳ của Tổng thống Barack
Obama.
Bộ Ngoại giao Mỹ hôm
thứ Sáu, 3/3, đã công bố báo cáo hàng năm về tình hình nhân quyền toàn thế giới
nhưng việc công bố đã bị lu mờ bởi những chỉ trích nói rằng Ngoại trưởng Rex
Tillerson đã không dành nhiều sự chú ý và không tổ chức rầm rộ như truyền
thống.