Trang

Thứ Năm, 9 tháng 3, 2017

2279. 11.875. TRẬT TỰ ĐÔ THỊ, XIN HỎI ANH LÀ AI?

Posted by adminbasam on 07/03/2017

LS Đặng Đình Mạnh.  7-3-2017.
Trong cuộc biểu tình ngắn ngủi tại khu vực nhà thờ Đức Bà vào sáng ngày 05/03/2017, theo lời kêu gọi của linh mục/cựu tù nhân Nguyễn Văn Lý và trong nhiều cuộc biểu tình trước đó, công chúng được dịp chứng kiến lực lượng công quyền mặc đồng phục màu xanh nước biển, trên tay áo của họ in dòng chữ “Trật tự đô thị” đã ra tay trấn áp, bắt giữ người biểu tình.

 
Trật tự đô thị ra tay trấn áp người biểu tình. Ảnh: internet

Hình ảnh này nhắc cho công chúng nhớ về sự kiện lực lượng trật tự đô thị Quận Bình Thạnh đã từng hành hung bằng roi điện, bằng nắm đấm, kẹp cổ để bắt giữ công dân Trịnh Xuân Tùng, quê ở Thanh Hóa, là người bán hàng rong khiến người này bị ngất xỉu, phải đưa cấp cứu bệnh viện gây xôn xao công luận.
Chúng ta sẽ tự hỏi, dưới góc độ pháp lý, lực lượng quản lý trật tự đô thị là ai mà có thẩm quyền bắt giữ người biểu tình ngang nhiên như vậy ?
Đi tìm câu trả lời trong “rừng” văn bản luật của xứ sở, nơi mà tôi đang sống, thật ngạc nhiên khi tôi phát hiện rằng gốc tích pháp lý khai sinh ra lực lượng quản lý trật tự đô thị khá mù mờ ?! Nếu không muốn nói là bất minh về phương diện pháp lý!
 “Khai sinh” lực lượng quản lý trật tự đô thị tại các quận, huyện tại Sài Gòn là một văn bản của UBND TP.HCM : Quyết định số 55/2013/QĐ-UBND ngày 06/12/2013 V/v Ban hành quy chế (mẫu) tổ chức và hoạt động của Đội quản lý trật tự đô thị quận, huyện. Dựa trên cơ sở văn bản này, UBND các quận, huyện ban hành quyết định thành lập Đội quản lý trật tự đô thị cho địa phương mình. Cũng theo Quyết định 55/2013, Đội quản lý trật tự đô thị là cơ quan trực thuộc Phòng quản lý đô thị quận, huyện. Có trang phục riêng : Áo màu xanh da trời nhạt, có cầu vai, 2 túi có nắp và khuy gài, nón và quần màu xanh đậm.
Quyết định 55/2013 không quy định gì về điều kiện, tiêu chuẩn để tuyển dụng nhân viên quản lý trật tự đô thị. Sự dễ dãi này vô hình chung là cánh cửa mở rộng để “vơ bèo vạt tép” kể cả với những người không có trình độ văn hóa đảm nhận nhiệm vụ giao tiếp trực tiếp hàng ngày với công chúng.
Cũng trong Quyết định số 55/2013, văn bản ghi rằng căn cứ vào 02 Luật do Quốc hội ban hành và 04 Nghị Định do Chính phủ ban hành. Điều khôi hài đáng nói là cả 06 văn bản mà Quyết định số 55/2013 nêu tên làm căn cứ, thì đều không có điều khoản nào quy định thẩm quyền của UBND TP.HCM có quyền ra văn bản cho phép các quận, huyện thành lập các các cơ quan mới như Đội quản lý trật tự đô thị!!!
Ngạc nhiên chưa ?
Nhưng gốc tích khai sinh ra lực lượng này chưa phải là sự ngạc nhiên cuối cùng nếu công chúng biết thêm rằng trong “rừng” văn bản luật có liên quan, thì cũng không có quy định nào ban cho lực lượng quản lý trật tự đô thị thẩm quyền bắt giữ người!
Điều này thể hiện rất rõ trong phần quy định về nhiệm vụ, thẩm quyền của họ tại các quyết định thành lập.
Đây là sự thật hiển nhiên, bởi lẽ, việc bắt giữ người là hành vi cực kỳ nghiêm trọng, nó xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân nói riêng, quyền tự do, dân chủ của công dân nói chung, do đó, người xâm phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm với tội danh “Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật” theo điều 123 Bộ Luật Hình Sự.
Thế nên, để bảo vệ quyền công dân, luật pháp quy định rất nghiêm ngặt việc bắt giữ người trong Bộ luật tố tụng hình sự. Ngoại trừ trường hợp phạm pháp quả tang mà ai cũng có quyền bắt giữ, thì việc bắt giữ người chỉ được tiến hành khi có lệnh của người có thẩm quyền thuộc các cơ quan tiến hành tố tụng mà thôi (Viện Trưởng VKS, Chánh Án TAND, Chánh Tòa TAND, Thủ Trưởng Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra kèm theo sự phê chuẩn của Viện Kiểm Sát…) và được thực thi bởi công an là những viên chức có chức năng.
Qua đó, có thể khẳng định hành vi bắt giữ người tham gia biểu tình của lực lượng quản lý trật tự đô thị là hoàn toàn không có cơ sở pháp luật, nghiêm trọng hơn, vi phạm pháp luật. Nhất là khi người biểu tình thực hiện một quyền mang tính hiến định hợp pháp là Quyền Biểu Tình!
Những người đã từng bị bắt giữ bởi lực lượng này có thể yêu cầu cơ quan cảnh sát điều tra có thẩm quyền xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự của họ.
Việc chính quyền sở tại công nhiên chấp nhận việc vi phạm pháp luật của lực lượng quản lý trật tự đô thị qua việc bắt giữ người trái pháp luật ngay giữa trung tâm thành phố lớn nhất nước, đã khiến tuyên bố về mục tiêu xây dựng Nhà Nước Pháp Quyền ngày càng trở nên sáo rỗng, xa vời. Cũng theo đó, lòng tin của công chúng vào hệ thống luật pháp vốn đã xói mòn, thì nay đã chạm tận đáy …
Công chúng vẫn còn nhớ nguyên những lời cật vấn của nhạc sĩ/cựu tù nhân Việt Khang, khi anh viết với lòng ái quốc sâu đậm:
Xin hỏi anh là ai ?
Sao bắt tôi làm điều gì sai ?
Xin hỏi anh là ai ?
Sao đánh tôi chẳng một chút nương tay ?
Xin hỏi anh là ai ?
Không cho tôi xuống đường tỏ bày [*]
Nay, với cảm nhận lý trí, công chúng cũng muốn cật vấn : Trật tự đô thị, xin hỏi anh là ai ?
Trật tự đô thị khiêng người biểu tình lên xe buýt. Ảnh: internet
————–

[*] Ca từ của nhạc phẩm “Anh là ai ?”