Trang

Thứ Tư, 13 tháng 9, 2023

4775. VNTB – Tự do tôn giáo có phải là nhân quyền?

 

VNTB – Tự do tôn giáo có phải là nhân quyền?

VNTB – Tự do tôn giáo có phải là nhân quyền?

Ngọc Lan

(VNTB) – Nếu tôn trọng nhân quyền, thì không nên ‘định hướng chính trị’ đối với các cá nhân, tổ chức trong bày tỏ niềm tin tôn giáo.

Tại Việt Nam có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo trên bình diện pháp lý cũng như thực tế; nhưng vẫn còn bị hạn chế và có nhiều vi phạm. Chính vì vậy nên thực tế thường có các cuộc đấu tranh của người dân có tín ngưỡng, tôn giáo (thể nhân) và các giáo hội (pháp nhân) trong nước; và sự tố cáo, lên án, chế tài của quốc tế, đối với các vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhà đương quyền Việt Nam.

Bốn vấn đề về tu chỉnh nhân quyền ở Việt Nam

Trong các tuyên bố ngoại giao và những đề xuất về vấn đề nhân quyền, trong đó bao gồm cả tôn giáo, phía Hà Nội thường diễn giải như sau về những đầu việc mà thể chế chính trị một đảng cầm quyền đang tự điều chỉnh để thích hợp với tình hình mới; và từ những ý kiến này người ta có thể hiểu nhân quyền ở Việt Nam đang gặp những hạn chế gì, cũng như khả năng điều chỉnh trong tương lai sẽ ra sao.

Theo một tài liệu của Viện Nghiên cứu chính sách tôn giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ, thì bốn vấn đề sau đây về nhân quyền ở Việt Nam cần sự tu chỉnh:

“Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hệ thống pháp luật để thực hiện các quyền hiến định liên quan đến nội dung bảo vệ quyền con người, đặc biệt là quy trình, thủ tục tiếp nhận, giải quyết tố cáo và bồi thường cho nạn nhân bị vi phạm quyền con người.

Thứ hai, thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách quốc gia liên quan đến phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm các quyền như: Bảo đảm quyền thoát nghèo; quyền về việc làm, thu nhập; quyền sở hữu; quyền được chăm sóc y tế, sức khỏe; quyền được học tập, giáo dục; quyền được tham gia vào đời sống văn hóa.

Thứ ba, khuyến khích, đầu tư, đa dạng hóa nội dung, hình thức và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục quyền con người cho mọi đối tượng trong xã hội, đặc biệt trong các cơ quan và viên chức nhà nước. Chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại về những thành tựu trong bảo đảm, bảo vệ, hiện thực hóa quyền con người trên các diễn đàn quốc tế, khu vực.

Thứ tư, chủ động hợp tác quốc tế nhằm thúc đẩy việc thực hiện các chính sách, pháp luật về bảo đảm, bảo vệ quyền con người. Tăng cường đối thoại, trao đổi, hợp tác để nâng cao sự hiểu biết, đồng thuận, từng bước thu hẹp bất đồng và sự khác biệt giữa Việt Nam với các đối tác trong bảo đảm và thực thi quyền con người. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ quan điểm, lập trường, lợi ích quốc gia – dân tộc, quyền con người của nhân dân Việt Nam”.

Tương thích ra sao với cách hiểu phổ quát chung?

Từ bốn vấn đề cơ bản nêu trên, xem ra vẫn còn khoảng cách khá xa khi mang so sánh một số khía cạnh liên quan đến nội dung Điều 18 Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị mà sau đó đã được Ủy ban Nhân quyền của Liên Hợp Quốc (The United Nations’ Human Rights Council – HRC) làm rõ thêm trong Bình luận chung số 22 thông qua tại phiên họp lần thứ 48 năm 1993 của Uỷ ban.

Có thể tóm tắt những quan điểm quan trọng sau:

1. Quyền tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo không bị hạn chế hay bị tước bỏ trong mọi hoàn cảnh, kể cả trong tình trạng khẩn cấp của quốc gia (đoạn 1).

2. Các khái niệm “tín ngưỡng” (belief) và “tôn giáo” (religion) trong Điều 18 ICCPR (Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, 1966) cần được hiểu theo nghĩa rộng bao gồm cả những lòng tin hữu thần và vô thần. Điều này không chỉ được áp dụng với các tôn giáo, tín ngưỡng có tính thể chế mà còn với những tập tục truyền thống mang tính tôn giáo (đoạn 2).

3. Quyền tự do thực hành tôn giáo hay tín ngưỡng có thể được thực thi với tư cách cá nhân hay cùng với cộng đồng, ở nơi công cộng hay chỗ riêng tư; thể hiện ở các hành động như thờ cúng, tham gia những lễ hội tôn giáo, quan sát, thực hành và giảng dạy về tôn giáo.

Khái niệm thờ cúng bao gồm những hoạt động lễ nghi, kỷ niệm, xây dựng những nơi thờ tự, sử dụng hay trưng bày các vật dụng và biểu tượng nghi lễ, tham gia các lễ hội và các ngày nghỉ lễ tôn giáo.

Việc quan sát và thực hành tôn giáo không chỉ bao gồm các hoạt động nghi lễ mà còn bao gồm việc tuân thủ các nguyên tắc về ăn kiêng, trang phục, sử dụng ngôn ngữ đặc biệt, lựa chọn lãnh đạo tôn giáo, tăng lữ, người thầy tâm linh, thành lập các trường tôn giáo, biên soạn và phân phát các tài liệu tôn giáo (đoạn 4).

4. Quyền tin hoặc theo một tôn giáo hay tín ngưỡng bao gồm quyền tự do lựa chọn một tôn giáo hay tín ngưỡng để tin hoặc theo, kể cả việc thay đổi niềm tin từ tôn giáo, tín ngưỡng này sang tôn giáo, tín ngưỡng khác, hay thay đổi niềm tin từ vô thần sang hữu thần và từ hữu thần sang vô thần (đoạn 5).

5. Các trường công lập có thể giảng dạy những môn học như lịch sử đại cương của các tôn giáo và tín ngưỡng, miễn là nội dung cần trung lập và khách quan. Việc các trường công lập giảng dạy giáo lý một tôn giáo hay nội dung một tín ngưỡng cụ thể nào đó là  trái với quy định trong khoản 4 Điều 18, trừ phi việc giảng dạy như vậy là do ý nguyện và thuộc vào quyền quyết định của các bậc cha mẹ (đoạn 6).

6. Nghiêm cấm các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng có mục đích hoặc tính chất tuyên truyền cho chiến tranh hoặc hận thù dân tộc, tôn giáo hay kích động sự phân biệt đối xử về chủng tộc, sự thù địch hoặc bạo lực. Các quốc gia thành viên có nghĩa vụ sử dụng pháp luật để ngăn chặn hành động đó (đoạn 7).

7. Khoản 3 Điều 18 cho phép hạn chế quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng trong trường hợp cần thiết để bảo vệ an ninh, trật tự công cộng, sự bình yên hoặc đạo đức xã hội, hoặc để bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của người khác.

Tuy nhiên, quyền không bị ép buộc làm những điều tổn hại đến quyền tự do lựa chọn hoặc tin theo tôn giáo, hoặc tín ngưỡng và quyền của các bậc cha mẹ hay người giám hộ hợp pháp được giáo dục về tôn giáo và đạo đức cho con cái họ theo ý nguyện của riêng họ, thì không được hạn chế trong mọi trường hợp (đoạn 8).

8. Việc một tôn giáo được xác định là quốc giáo, là tôn giáo chính thức hay truyền thống, hoặc có số lượng tín đồ chiếm đa số trong xã hội không được sử dụng để làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các quyền tự do quy định ở các Điều 18 và Điều 27 của ICCPR, cũng như không được tạo ra sự phân biệt đối xử với tín đồ của các tôn giáo khác, hoặc với những người không theo tôn giáo nào. Những hình thức phân biệt đối xử với tín đồ của các tôn giáo khác, hay với những người không theo tôn giáo trong bối cảnh này, ví dụ như việc quy định chỉ những tín đồ thuộc tôn giáo chiếm ưu thế mới được tham gia chính quyền, hay dành những ưu đãi về kinh tế cho họ, đều trái với các quy định về quyền bình đẳng nêu ở Điều 26 ICCPR (đoạn 9).

9. ICCPR không quy định quyền được từ chối thực hiện nghĩa vụ quân sự vì lý do lương tâm (mặc dù một số quốc gia đã ghi nhận quyền này bằng cách cho phép thực hiện nghĩa vụ khác thay thế). Tuy nhiên, nếu quyền này được ghi nhận trong pháp luật hay trong thực tế thì không được áp dụng theo cách thức phân biệt đối xử giữa các nhóm tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau (đoạn 11).

_______________

Tham khảo:

https://thuvienso.quochoi.vn/handle/11742/31086

https://sti.vista.gov.vn/file_DuLieu/dataTLKHCN//CVv213/2017/CVv213S102017011.pdf