Trang

Thứ Sáu, 8 tháng 9, 2023

4767. LỜI KHUYÊN NHỦ (Cho Tân Đầu Tộc Đạo)

 Ðời mến đức, Ðạo thương tài,

Ðức tài hiệp một, nhiều ngày lập công.

Hội Thánh mong ước các em đi hành đạo được nhiều kết quả tốt.


LỜI KHUYÊN NHỦ CHƯ VỊ LỄ SANH TÂN ÐẦU TỘC ÐẠO.

 

Kính chư Hiền hữu Lễ Sanh thân mến,


 Từ trước các em hành đạo tại Tòa Thánh với Thiên chức Lễ Sanh. Hôm nay, các em đắc lịnh đi hành đạo tha phương, lãnh thêm trách nhiệm mới là Ðầu Tộc Ðạo, do Huấn lịnh của Hội Thánh CTÐ định phận. Hội Thánh thọ mạng lịnh Ðức Chí Tôn và Ðức Lý Giáo Tông có trách nhậm nhắc nhở các em vững bước trên đường lập vị, tức là làm trọn lời hứa của các em với Hội Thánh trong buổi đầu tiên.

Anh xin nhắc lại, hồi các em còn ở địa vị Chức việc, các em lập hồ sơ cầu phong Lễ Sanh, có ký tên “Hiến thân trọn đời hành đạo” thì trong thâm tâm các em lúc ấy mỗi người đều muốn làm sao cho công quả đủ đầy, để khi xác thân lìa bỏ cõi trần, linh hồn được đắc thăng phẩm vị. Chắc mỗi em đều ước mong như thế. Biết bao khổ hạnh vì đạo, cực trí lao tâm, các em vẫn miệt mài với phận sự. Nhưng Hội Thánh nhận thấy mấy em đã gặp đạo rồi, cần phải tạo đức. Muốn tạo đức, phải lập công quả, vì đức phải do công tạo dựng. Ngày nào các em đạo đức đủ đầy mới mong được ngôi Thiên định vị.

Hội Thánh vì thương nên hôm nay phú thác thêm trách nhậm cho các em và ủy nhiệm anh căn dặn thêm về bước đường hành đạo. Anh thấy bổn phận các em đến địa phương cần thi hành những việc:

1-    Phụng sự nhơn sanh.

2-    Gây tình thiện cảm.

3-    Thương yêu hòa ái.

Cái khó buổi đầu tiên là các em cất bước ra đi đến nơi xứ lạ quê người, chỉ có hai bàn tay không với một Tờ Huấn lịnh. Nhưng các em chớ thấy như thế mà vội ngã lòng. Các em nên đặt hết đức tin rằng ngoài Tờ Huấn lịnh của Hội Thánh thuyên bổ, Ðức Chí Tôn, Ðức Phật Mẫu, các Ðấng Thiêng Liêng còn ban cho mỗi em một vật báu vô hình để khi đến địa phương, các em sử dụng hành đạo. Vật báu ấy là tấm gương đạo đức tại trong tâm các em đã có sẵn, chờ khi các em đi hành đạo, các Ðấng sẽ khai mở Huệ tâm Kiến tánh cho các em thành công đắc quả đó.

Anh xin nhắc lại lời Thánh giáo của Bát Nương Diêu Trì Cung:

“Lời đã dặn có Trời nối gót,

Lập ngôi Thiên rưới giọt từ bi.”

thì thấy rõ rằng, người hành đạo cần phải có đức, mà cái đức ấy phải tự tay mỗi em tạo nó mới có, nếu không tạo làm gì có được. Muốn tạo đức, phải làm sao? là phải tùng lịnh Hội Thánh đi hành đạo địa phương, đem tấm thân Chức sắc đến gần với nhơn sanh để dung hòa và thân cận dìu dắt, chỉ dẫn người tín đồ hành đạo cho đúng y qui củ chuẩn thằng của Hội Thánh định, tôn thờ và giữ trọn Tân Pháp Ðạo. Nếu thiếu người của Hội Thánh nhắc nhở, e ngại cho nhơn sanh lạc bước lỗi lầm, như thế mới có vấn đề thuyên bổ Ðầu Tộc Ðạo.

Các em nay lãnh lịnh ra đi là bồi công tại cõi hữu hình; còn lập đức nơi thiêng liêng vị, các em hành đạo tại Tòa Thánh là có sẵn đạo rồi, nay đi lấy công lập đức nơi địa phương, chừng đến buổi mai hậu, đạo đức đủ đầy, lo chi phẩm vị thiêng liêng mấy em không kết quả. Ngày gần đây, các em cất bước lên đường, anh có đôi lời khuyên nhủ các em, từ khi thọ lịnh đến lúc ra đi, nên nhớ thi hành các khoản sau đây:

Tại Tòa Thánh: Khi tiếp nhận được Huấn lịnh, nhận lãnh tờ Thông Hành Ðạo với hành lý xong, quí vị Tân Ðầu Tộc Ðạo nên ghi nhớ những việc hành đạo trước buổi ra đi:

1. Mặc Thiên phục vào Tòa Thánh kỉnh lễ Ðức Chí Tôn và các Ðấng. [Thiên phục là áo rộng có màu và mão Lễ Sanh]

2. Mặc Tiểu phục vào Báo Ân Từ kỉnh lễ Ðức Phật Mẫu và Cửu Huyền Thất Tổ.

 3. Mặc Tiểu phục đến Hộ Pháp Ðường kỉnh lễ Ðức Hộ Pháp (cầu nguyện ban ơn lành cho đi hành đạo).

 4. Mặc Tiểu phục chào Ngài Ðầu Sư để thọ lời phủ dụ.

5. Mặc Tiểu phục chào Thái, Thượng, Ngọc Chánh Phối Sư để nghe lời giáo hóa.

6. Mặc Tiểu phục chào Thượng Thống Lại Viện để nghe những điều căn dặn thêm và nhận lãnh công văn thơ tín.

7. Mặc Tiểu phục chào Thượng Thống và Chức sắc tùng sự chung một Viện với mình trước ngày thuyên bổ, để lời từ giã lên đường hành đạo.[Tiểu phục là áo dài chẹt trắng, đội khăn đóng đen]

Khi đến Châu Ðạo: Khi đến Châu Ðạo, mặc Tiểu phục chào Khâm Châu Ðạo (KCÐ), trình Huấn lịnh thuyên bổ và tờ Thông Hành Ðạo cho KCÐ chứng kiến và nhờ KCÐ tiến dẫn đến Tộc Ðạo, hoặc KCÐ viết thơ giới thiệu vị Tân Ðầu Tộc Ðạo, để ông Cựu Ðầu Tộc Ðạo và toàn đạo địa phương nhận định giao lãnh trách nhậm

Khi đến Tộc Ðạo: Nơi địa phương, Bàn Trị Sự (BTS) và toàn đạo nam nữ nghe tin Tân Ðầu Tộc Ðạo mới bổ đến đều lo tiếp rước. Nếu nghi lễ có lập bàn hương án và nhạc long trọng đông người thì bổn phận Ðầu Tộc Ðạo (ÐTÐ) thi hành như sau:

Mặc Thiên phục, quần trắng, giày bố trắng, luôn luôn giữ gương mặt vui tươi, tờ Huấn lịnh xếp lại để sẵn vào một bao thơ để trên cái dĩa, hoặc hộp giấy tinh khiết, chính tay vị Tân ÐTÐ bưng đến để trên bàn hương án, xá 3 xá, rồi bước tránh đứng hầu một bên, một vị Chánh Trị Sự cao niên thay mặt toàn đạo lạy bàn hương án để tỏ lòng tiếp rước Huấn lịnh của Hội Thánh gởi tới. Chức việc lạy rồi, Tân ÐTÐ day trở ra ngoài nói:

“Thưa chư Chức sắc, Chức việc, chư hiền huynh hiền tỷ, hiền hữu, hiền muội, các em đồng nhi nam nữ Hành Chánh và Phước Thiện, . . . Hôm nay, toàn Tộc Ðạo vì thành kỉnh Hội Thánh nên tiếp rước Huấn lịnh với rước tôi thật long trọng. Tôi vưng lịnh Hội Thánh chuyển lời ban ơn toàn Tộc Ðạo nầy được thêm sự thấm nhuần đạo đức, phấn khởi tinh thần, đưa đến nhiều cuộc an vui, chung hưởng phước lành của Ðức Chí Tôn chan rưới. Riêng tôi, nhơn danh Tân Ðầu Tộc Ðạo, xin kính lời chào mừng toàn Tộc Ðạo và cám ơn chung quí hiền huynh hiền tỷ đã đem sự vui vẻ, tỏ tình thân mến, dành tặng cho tôi trong buổi đầu tiên. Vậy, xin mời chư hiền huynh hiền tỷ đồng cùng tôi vào bửu điện kỉnh lễ Ðức Chí Tôn và nghe đọc Huấn lịnh.”

Tân Ðầu Tộc Đạo nhớ cổi giày để ngoài thềm, chọn một vị Chánh Trị Sự cao niên tại địa phương, thay mặt toàn đạo, bưng hộp đựng Huấn lịnh, đi sau lưng tân Ðầu Tộc Đạo, chư đạo nam nữ đồng theo vào bửu điện, để Huấn lịnh trên Thiên bàn, cả thảy đồng kỉnh lễ Ðức Chí Tôn.

 Lạy rồi, Khâm Châu Ðạo tuyên đọc Huấn lịnh Hội Thánh thuyên bổ cho toàn đạo nghe và có lời khen ngợi việc tiếp rước nầy được tôn nghiêm long trọng và cũng không quên khuyến nhủ việc tu hiền cho chư thiện tín nghe, và khuyên nên tận tâm giúp cho tân Ðầu Tộc Đạo. Kế tân Ðầu Tộc Đạo nói:

 “Thưa chư hiền huynh hiền tỷ, Lễ tiếp rước Huấn lịnh và Tân Ðầu Tộc Ðạo được tốt đẹp, tôi rất cảm tình toàn đạo trong buổi sơ giao nầy. Xin kính mời chư hiền huynh hiền tỷ trở vào hậu đường để cùng nhau luận đàm đạo đức.”

Khi trở vào hậu đường, Tân Ðầu Tộc Đạo hỏi thăm ông Chánh Trị Sự sở tại, có Ðền thờ Phật Mẫu chưa, như có thì tân Ðầu Tộc Đạo phải nói:

“Thưa chư hiền huynh hiền tỷ, xin mời chư vị vui lòng ngồi uống nước chờ đôi phút, vì tôi phải đi kỉnh lễ Ðức Phật Mẫu.”

Rồi trở lại văn phòng Bàn Trị Sự, có đọc diễn văn chào mừng, Tân Ðầu Tộc Ðạo phải lẳng lặng ngồi nghe, để ý chăm chú từ lời nói của mỗi vị, chót hết, Tân Ðầu Tộc Ðạo phải đáp từ, nếu có viết sẵn bài đáp từ cũng tốt, bằng không nói ứng khẩu trôi chảy càng hay:

“Ðại ý vâng lịnh Hội Thánh thuyên bổ đến Tộc Ðạo nầy để góp trí chung tâm, cộng ưu hòa ái với chư hiền huynh hiền tỷ hiệp một lòng cùng nhau kỉnh thờ Ðức Chí Tôn, tuân y Chơn truyền Luật pháp của Hội Thánh Tòa Thánh Tây Ninh, sau nữa giao tình thân ái, kết nghĩa thương yêu trong cửa đạo lẫn ngoài đời, đặng tương thân hòa ái hầu chung hưởng mùi đạo đức an vui. Sở vọng tôi mong ước toàn đạo thương tôi là người ít đức thiếu tài nhưng nhờ lập công quả nhiều năm nên Ơn Trên ban thưởng cho chức phẩm đạo. Nay vâng mạng lịnh đi hành đạo tha phương, phải trông nhờ Bàn Trị Sự và chư hiền huynh hiền tỷ góp công giúp ý kiến giùm tôi, cũng như từ trước đã cộng sự chung với ông Cựu Ðầu Tộc Ðạo vậy, để đồng tâm hiệp trí giúp nền đạo nơi nầy tiến hành thêm trên đường phổ độ.”

Tùy trường hợp, do hoàn cảnh nhận định để phát biểu ý kiến đáp từ trong buổi lễ tiếp rước đầu tiên nầy, song Tân ÐTÐ nói hay đọc diễn văn không ngoài 5 phút (nói nhiều không hay), xong rồi dự tiệc trà thân mật hoặc đãi bữa cơm. Tân Ðầu Tộc Đạo nên cẩn thận về việc người đạo địa phương đãi mình trong buổi tiếp tân và trở về sau.

Các nơi, có một phần ít, sự chay lạt chưa kỹ, còn dùng tôm cua, khô mực, tôm khô, hột vịt hoặc uống rượu, vv... Ðầu Tộc nên dùng toàn chay tinh khiết, tránh các món trên đây.

Cần nhứt, sự ăn mặc phải tự mình nghiêm khắc lấy mình, nên nhớ câu: «Ăn không cầu no, mặc không cầu đẹp, không tìm cao lương mỹ vị để ăn, không kiếm hàng lụa tốt đẹp để mặc. » Bữa cơm thanh đạm, vải bô tinh khiết là đủ, phô bày cử chỉ noi gương đạo đức để toàn đạo địa phương nhận định. Giao lãnh trách nhiệm: Sau lễ tiếp rước xong rồi, hỏi ý kiến Cựu Ðầu Tộc Đạo định ngày nào lập Vi bằng giao lãnh, mời Khâm Châu Đạo chủ tọa và mời Bàn Trị Sự toàn Tộc Ðạo, Ban Tứ Vụ sở tại chứng kiến. Khi giao lãnh, chú ý về sổ tài chánh cho kỹ lưỡng, hỏi ý kiến Bàn Trị Sự và Ban Tứ Vụ về khoản tài chánh đó có ai kêu nài điều chi không, có kêu nài thì Cựu Ðầu Tộc Đạo phải giải quyết cho xong sẽ giao lãnh, bằng chẳng kêu nài, thì ký tên nhận lãnh kể từ ngày ấy về sau. Còn từ đó về trước, ông Cựu Ðầu Tộc Đạo chịu trách nhiệm. Vi bằng lập 4 bản y nhau: 1 Tân, 1 Cựu, 1 Khâm Châu, 1 gởi Hội Thánh.

Viếng Chánh quyền địa phương:

Giao lãnh xong rồi, cậy ông Cựu Ðầu Tộc Đạo tiến dẫn đến viếng thăm Quận Trưởng, Trưởng Chi Cảnh sát, Trưởng Chi Y tế, Trưởng Chi Bảo an, Chánh Tổng, Hội Ðồng Xã, vv... Tóm lại là viếng thăm tất cả Chánh quyền sở tại để tỏ lòng thân thiện ngoại giao về sự đời đạo tương đắc. Khi viếng Quận Trưởng và Trưởng Chi Cảnh sát, nên trình Thông Hành Ðạo của Hội Thánh cấp phát, mời Quận Trưởng, Trưởng Chi, Hội Ðồng Xã kiến thị (ký tên đóng dấu) để mai hậu đi hành đạo nơi thôn quê hẻo lánh, xuất trình giấy hữu quyền đủ phần tín nhiệm với công chức quốc gia khi thừa hành phận sự.

Thăm viếng mặt đời xong thì thăm viếng mặt đạo: Viếng các Chức sắc Hàm phong, hưu trí (nam và nữ), viếng Chức sắc Phước Thiện, viếng các Bàn Trị Sự , thăm quí bô lão, viếng các bà sương phụ cao niên, nếu có thể được, viếng các gia đình người đạo, bằng không đủ thời giờ thì chế bớt. Thăm viếng các hương đạo xong, tiếp tục hành đạo đúng 1 tháng, gởi phúc trình về Khâm Châu Ðạo kể rõ các khoản sau đây: (Phúc trình nầy làm 3 bản, chia ra: 1 bổn gởi KCÐ, 1 bổn nhờ Khâm Châu chuyển về Hội Thánh, và một bổn để hồ sơ Tộc Ðạo.

1. Trong Tộc Ðạo có bao nhiêu hương đạo?

2. Bàn Trị Sự tiếp đón Ðầu Tộc Ðạo niềm nở không?

3. Toàn đạo tiếp đón đông đảo vui vẻ không?

4. Tinh thần người đạo địa phương thế nào? Có kết chặt trung thành tùng Hội Thánh Tây Ninh hay xu hướng nơi nào không?

5. Sự thù tạc vãng lai về tang sự, hôn nhơn, có tùng y Tân Luật không?

6. Về hoạn nạn tật bệnh, giúp khó trợ nghèo, chư Ðạo hữu có siết chặt tình đoàn kết giúp đỡ nhau không?

7. Trong Tộc Ðạo có mấy Thánh Thất? Thánh Thất nào cột cây vách ván, nền đất lợp lá, nền đúc vách gạch lợp ngói, .... kể tên rõ ra từng chi tiết của mỗi Thánh Thất. Ðất để cất Thánh Thất do ai hiến hay Ðạo mua, số sào mẫu?

8. Thống kê Chức việc mỗi cấp tổng cộng có bao nhiêu vị, Ban Nhạc Lễ, Ðồng nhi, số Nam, phụ, lão, ấu nam nữ?

9. Ban Nhạc, Lễ sĩ, Giáo nhi, Ðồng nhi, hành sự được điều hòa, trang nghiêm trong đàn cúng như ở Tòa Thánh không?

10. Mức sống của tín đồ thế nào? có những nghề gì?

11. Nguyện vọng của toàn đạo địa phương là điều gì?

12. Nguyện vọng của Ðầu Tộc Ðạo muốn điều gì giúp hay cho Ðạo?

Về cách nhóm Ðạo hàng tháng:

1. Mỗi tháng nhóm lệ Bàn Trị Sự (BTS) một kỳ, Ðầu Tộc Ðạo chủ tọa, lập chương trình đề nghị những việc phần ích chung cho Ðạo, để mời BTS hiệp trí chung tâm giải quyết. BTS có quyền phát biểu ý kiến trong phạm vi đạo đức, ý kiến nào được đa số dự hội chấp thuận đặng đem vào Vi bằng đệ trình lên Khâm Châu Ðạo phê chuẩn. Khi được phê chuẩn rồi, trả lại mới được ban hành và thi hành.

2. Kiểm điểm công việc hành đạo trong tháng: Ðạo lịnh, Huấn lịnh, Huấn thị, Châu tri, Thơ tín của Hội Thánh và Khâm Châu Đạo gởi tới, Ðầu Tộc Đạo kiểm điểm trong tháng BTS thi hành mọi việc kết quả ra sao.

3. Thâu nhận Nguyệt để và phúc trình của Hương đạo: Bàn Trị Sự mỗi tháng gởi Nguyệt để đến Ðầu Tộc Ðạo kể rõ việc hành đạo trong tháng của Hương đạo. Việc nào đại sự thì gởi phúc trình riêng, việc thường thì ghi vào Nguyệt để. Sau ngày nhóm lệ của BTS, Ðầu Tộc Đạo góp đại ý Nguyệt để các Hương đạo để làm Nguyệt để của Tộc đạo, kể rõ tình hình hành đạo trong tháng của Tộc đạo thế nào để gởi lên KCÐ. Việc đại sự thì làm phúc trình riêng kể rành chi tiết (có mẫu Nguyệt để in sẵn).

4. Cách thức viết phúc trình: Nên viết mỗi vấn đề một tờ phúc, không nên viết nhiều vấn đề vào một tờ là để giúp thượng quyền dễ phê định và tiện việc xếp đặt hồ sơ. Nên viết thúc kết đại ý, không nên kể dài dòng, tóm tắt nhưng đầy đủ chi tiết càng hay.

Về cách gởi giấy tờ về Hội Thánh:

ÐTÐ gởi tờ phúc trình chi tiết về Hội Thánh phải nhờ KCÐ vi chứng và chuyển dâng Hội Thánh, không được tự mình gởi ngay về CTÐ, như thế là vượt bực, có 3 điều sơ sót:

- Thiếu Khâm Châu Ðạo vi chứng rằng giấy tờ ấy quả thật của Ðầu Tộc Ðạo.

- Công việc ấy không thông qua Khâm Châu Ðạo để tường trình ý kiến cho Hội Thánh rõ.

- Khó phân biệt giấy tờ của kẻ ngoại cuộc, giả mạo con dấu và chữ ký tên

Ðể ý: Phúc trình hoặc giấy tờ chi gởi về Hội Thánh phải có Khâm Châu Ðạo vi chứng, nếu thiếu Văn phòng Lại Viện không nhìn nhận.

Về cách chứng giấy tờ của Bàn Trị Sự:

Bàn Trị Sự (BTS) đệ tờ đến giùm Ðạo hữu có xin điều gì thì Ðầu Tộc Ðạo (ÐTÐ) nên suy nghĩ cẩn thận, xét kỹ coi lời đương sự yêu cầu có giúp hay cho người mà tổn thương danh thể Ðạo không? Sẽ nhận định, như không tổn thương danh thể Ðạo thì phê cho, rồi trả lại cho đương sự thi hành, bằng vô thẩm quyền thì chờ nhóm BTS giải quyết. Ðó là vấn đề địa phương. Còn việc nào cần yếu thì dâng lên cho KCÐ xét định.

Nên để ý tờ giấy gởi đến KCÐ, ÐTÐ phải chứng kiến và cho ý định cắt nghĩa hoàn cảnh đương sự yêu cầu đáng cho hay không, rồi đề ngày tháng năm, ký tên đóng dấu. Chẳng nên chứng suông, không ý kiến gì, KCÐ khó bề nhận định công việc của đương sự.

Về chứng, có ba ý nghĩa sau đây:

1.) Trường hợp thứ nhứt: Ðương sự là Ðạo hữu đưa giấy tờ đến.

a). BTS chứng thật là thấy và biết rõ việc đó đúng y lời của đương sự trạng tỏ trong giấy tờ. BTS chứng thật và cho ý kiến rồi gởi lên ÐTÐ.

b). ÐTÐ chứng kiến là thấy và nghe rõ hoàn cảnh ấy nên nhận định chữ ký tên và con dấu của BTS chứng trước là thật. ÐTÐ chứng kiến phải cho ý định rành rẽ rồi gởi lên KCÐ.

c). KCÐ vi chứng là biết rõ chữ ký tên, con dấu của BTS và ÐTÐ, phải xét kỹ chứng thật và chứng kiến có hợp pháp không, rồi đệ trình về Hội Thánh nhìn nhận vấn đề ấy là thật. Chữ “thật” là biết rõ tờ giấy và công việc yêu cầu nầy của Chức việc, Chức sắc trong Hội Thánh chớ không phải do người ngoại cuộc.

2.) Trường hợp thứ hai: Nếu đương sự là BTS gởi tới ÐTÐ, ÐTÐ phải chứng thật, rồi gởi lên KCÐ. KCÐ chứng kiến, xong rồi gởi về Lại Viện CTÐ.

3.) Trường hợp thứ ba: Nếu đương sự là ÐTÐ gởi đến KCÐ thì KCÐ chứng thật rồi gởi về Lại Viện CTÐ.

Nên nhớ: - Cấp thứ nhứt: CHỨNG THẬT.

- Cấp thứ nhì: CHỨNG KIẾN.

- Cấp thứ ba: VI CHỨNG.

Về ý nghĩa: Phê kiến và Phê chuẩn:

 • Phê kiến: có nghĩa khi trả xuống ban hành, có khi còn phải dâng lên tối cao thượng lịnh.

• Phê chuẩn: tờ giấy ấy dâng lên tột phẩm rồi, được phê chuẩn, trả xuống ban hành.

KẾT LUẬN: Ba sự chứng và hai sự phê, ÐTÐ tùy hoàn cảnh, tùy phương nhận định để sử dụng.

Về Tài chánh: Nơi địa phương các Thánh Thất, BTS có cử Ban Tứ Vụ để chung lo công việc tại Thánh Thất. Phận sự Hộ Vụ giữ tài chánh địa phương, như tiền hành hương sở tại, để quí tế, tu bổ Thánh Thất, châu cấp văn phòng, vv...

ÐTÐ không nên giữ tài chánh địa phương, chỉ có quyền quan sát và chứng kiến sổ thâu xuất, chứng thật Thông qui tiền hành hương để giao Hộ Vụ thâu nhận. Trừ ra tiền hành hương gởi Tòa Thánh do người đạo địa phương hỷ cúng, BTS lập Thông qui rành rẽ đem đến gởi ÐTÐ chuyển giao về Tòa Thánh thì ÐTÐ phải nhận lãnh gìn giữ châu đáo, chờ đăng lại KCÐ, nếu sơ thất, ÐTÐ phải chịu trách nhiệm.

Về Lễ cúng: Ngoài hai kỳ lễ sóc vọng và ngày Lễ vía, ÐTÐ phải cúng một ngày đêm ít nhứt 2 thời, thời Tý hoặc thời nào tùy ý và do hoàn cảnh. Ban đêm khi rảnh rang công việc văn phòng, nên tụng một thời DLCK để cầu nguyện cho đời hưởng thanh bình, nhơn loại cộng lạc an ninh, Ðạo được đức tin đầy đủ.

Về sự vắng mặt nơi văn phòng:

Khi về Tòa Thánh chầu lễ, hoặc nạp công văn Hành Chánh Ðạo, phải xin phép KCÐ. Khi được phép rồi, viết Tờ Ủy nhiệm một Chánh Trị Sự xử lý thường vụ văn phòng ÐTÐ trong thời hạn nhứt định. Khi đi viếng các Hương đạo, phải có Chức việc gác thường trực tại văn phòng, không nên bỏ vắng (trách nhiệm nầy cho tạm giải quyết những việc thường thức, còn việc trọng đại thì chờ ÐTÐ, nếu cần thiết đệ lên KCÐ).

Chọn cử Thơ ký giúp việc văn thư cho văn phòng ÐTÐ, để BTS chọn lựa và công cử. ÐTÐ chủ tọa và chứng thật trong tờ cử, đệ trình KCÐ phê chuẩn.

Tóm lại, ÐTÐ không được vắng mặt vô cớ.

Về tật bịnh của người đạo cũng như người đời: Hễ mang xác thịt thân phàm, không ai tránh khỏi con đường tứ khổ (sanh, lão, bịnh, tử), càng nặng nề trách nhậm hơn hết là vị Chức sắc của ÐÐTKPÐ Tòa Thánh Tây Ninh, lãnh mạng lịnh Ðức Chí Tôn và Hội Thánh đi hành đạo tha phương, tức là kề vai gánh vác, chia sớt nỗi đau khổ sầu than của nhơn loại (nói chung) và của người tín đồ Cao Ðài (nói riêng) nên bổn phận ÐTÐ khi hay tin người có bệnh, phải đến tận tư gia thăm viếng, an ủi, khuyên giải tâm trí đau buồn của người bịnh, lo tầm thầy chỉ thuốc để thân nhân điều trị cho bệnh nhân. Nếu bịnh nhân đơn cô nghèo khó, phải sắp đặt người đồng đạo ở gần để luân phiên nuôi dưỡng, thang thuốc cho đến khi lành mạnh, nên góp công và của để giúp đỡ hoàn cảnh trên đây (dầu đạo hay đời cũng đồng chung như một).

Về tang sự người đạo:

Khi đặng tin có người đạo qui vị, dầu một em bé sơ sinh, cũng phải tìm cách nào làm cho linh hồn ấy được hưởng đủ lễ cầu hồn và cầu siêu, cùng đưa đến phần mộ, đúng như nghi thức của ÐÐTKPÐ, Hội Thánh đã dạy trong Tân Kinh. Nếu hay tin mà ngó lơ không lo cầu hồn và cầu siêu cho người chết thì ÐTÐ còn khuyết điểm về phương tận độ.

Về tang sự của người đời:

Khi nghe tin người đời qui vị, chẳng hạn như quan viên, công chức hương đảng, quí cụ bô lão, quí bà góa phụ kiên trinh thủ tiết, quí anh chị cô đơn nghèo khó, vv... ÐTÐ phải đến điếu tang, chia buồn, cảnh nghèo khó phải tùy phương trợ giúp. Nếu tang gia chịu tùng luật đạo, nhập môn lập thệ, an vị Thánh tượng thì được phép cầu hồn và cầu siêu Bạt tiến, chung lo đưa xác đến phần mộ, để tỏ tình liên lạc, gây nghĩa tương thân, làm cho người đời hòa ái với người đạo. Có hòa ái mới đi lần đến sự thương yêu, có thương yêu mới có thiện cảm kính mến nhau, mới mong độ rỗi người đời đem vào cửa đạo.

Về sự hoạn nạn của người đạo cũng như người đời:

Khi nghe tin người lâm hoạn nạn, phải đến nhà khổ chủ vấn an và khuyên giải, rồi hiệp ý kiến với BTS chung lo giải cứu người qua hồi hoạn nạn, tùy hoàn cảnh lo liệu. Khi gặp người đời cũng như người đạo, chẳng hạn như góa phụ, cô nhi, cơ hàn đói khổ, tha hương lữ thứ, yếu tha già thải, tật bệnh đơn cô, . . . thì ÐTÐ phải hiệp với toàn đạo địa phương, tùy mưu chước mà trợ giúp người thọ khổ.

Về hôn nhân của người đạo:

ÐTÐ hiệp với BTS chung lo chia vui cùng gia đình hôn chủ. Khi hành lễ cầu nguyện nơi Thánh Thất hoặc tư gia, nên giải rõ bổn phận làm con, bổn phận làm chồng, bổn phận làm vợ cho cô dâu chú rể nghe. Trai thì phải Tam cang Ngũ thường, gái thì Tam tùng Tứ đức, y như nền nhơn luân của Ðức Thánh Nho giáo đã dạy từ thử và nên cắt nghĩa những điển tích tiết phụ, nghĩa phu cho dâu rể biết rõ, như tích: «Dưới trăng bóng ngọc còn nguyên, Ôm bình bao tóc sang hèn cũng cam.» (Kinh Hôn ph ối) và gương tốt của Tống Hoằng.

Ðể ý: ÐTÐ không đặng làm phép Hôn phối như tại Tòa Thánh, chỉ được cầu nguyện cho hai họ thành hôn là đủ. Tang và Hôn, hoặc các lễ cúng khác, cần khuyên người đạo tùng y Tân Luật và giữ toàn trai giới, cấm sát sanh.

Về cách mặc lễ phục và đạo phục: Chầu lễ Ðức Chí Tôn, mặc Thiên phục. Chầu lễ Ðức Phật Mẫu, mặc áo dài trắng, khăn đóng đen. Kỉnh lễ chùa, đình, lăng, miếu, mặc trường y 9 nút, khăn đóng đen

Tang lễ và Hôn lễ, mặc trường y 9 nút, khăn đóng đen.

Dự lễ mặt đời, cần phải ăn mặc cho trang hoàng, trường y, quần, giày, vớ, khăn, cho sạch sẽ ngay ngắn để giữ thể thống người đại diện của đạo một địa phương.

Về cách lễ bái người cao niên hơn mình khi qui vị:

Chẳng luận phẩm tước đạo đời, chỉ kỉnh người lớn tuổi hơn, không phân nam nữ, mặc trường y 9 nút, khăn đóng đen, bái lễ trước linh cữu hoặc linh vị. Ðến nhà người đạo, phải mặc áo dài trắng. Ở trong văn phòng một mình, không nên mặc quần cụt, áo thun lá, vận chăn.

Ðể ý: Không nên mặc quần áo đen, dầu đi hành đạo hay ở trong văn phòng cũng vậy. Nên dùng giày bố trắng để tỏ ý tiết kiệm.

Về cử chỉ tiếp Huấn lịnh, Ðạo lịnh:

Khi tiếp nhận Ðạo lịnh, Huấn lịnh, Huấn thị, Thông tri của Hội Thánh hoặc KCÐ gởi tới, phải nhận lãnh đủ hai tay, đựng trong một cái dĩa hoặc hộp giấy tinh khiết, đem để trên bàn tại Thiên phong đường, rồi lấy áo dài trắng khăn đen mặc vào, đến trước bàn xá Ðạo lịnh, Huấn lịnh, Huấn thị, Thông tri, xá 3 xá rồi mở ra đọc để tỏ lòng kính trọng Hội Thánh và KCÐ, không nên mặc áo cụt mở ra đọc liền, như thế ắt thiếu lễ kính trọng, dầu ở trong văn phòng một mình cũng phải mặc áo dài trắng khi đọc Thánh lịnh, Ðạo lịnh, vv...

Về sự nhu cầu mức sống của Ðầu Tộc Ðạo:

ÐTÐ không đặng đòi hỏi địa phương cung cấp cho mình nhiều hơn món xài phí hằng ngày, nên giữ mức sống vật chất thế nào cho ngang tín đồ, hoặc khổ hạnh hơn, còn tinh thần đạo đức của mình lúc nào cũng sáng tỏ, vững chắc hơn tín đồ. Nếu mức sống của ÐTÐ sang trọng sung sướng hơn người thì tín đồ sẽ so sánh, rồi tủi thân buồn phận. Tình cảnh ấy, tín đồ sẽ lần lần xa lánh ÐTÐ, như thế khó mong gây thiện cảm để điều độ người đi cùng bước đạo.

Về cách hòa giải nhơn tâm:

Khi nghe anh Mít chỉ trích hờn giận anh Xoài, ÐTÐ chớ vội tin liền, phải dè dặt lóng nghe tư cách ông Xoài thế nào, sẽ nhận định coi ai phải ai quấy. Nên nhớ: người phải cũng có ẩn cái quấy, còn người quấy cũng ẩn có cái phải bên trong, chỉ khác nhau phải nhiều quấy ít hoặc phải ít quấy nhiều, có khi hiểu lầm một câu nói chơi mà sanh ra thù hiềm, nghi kỵ, hờn giận lẫn nhau. Hoặc trong cơn cãi vã lẫn nhau, hai người đấu khẩu tranh lấy lẽ phải về mình, khiến nên sanh chuyện cá nhân ganh ghét.

Ðống lửa đang cháy, muốn tắt phải nhờ nước tưới vào. ÐTÐ là giọt nước nhành dương để tưới vào đống lửa thất tình của nhơn sanh đang cháy. ÐTÐ tìm cách cho hai bên hiệp mặt, rồi đứng trung gian hoà giải, khuyên hai người nên ẩn nhẫn nhịn nhục, dung hòa tha thứ cho nhau để chung lo việc đạo. Như thế mới mong cảm hóa lòng người nguôi cơn giận ghét.

Ðể ý: Hai người gây hoặc đánh lộn nhau, nếu không có người thứ ba đứng ra can gián thì không hòa hiệp được (dầu hết giận cũng còn thẹn mặt) mà người thứ ba ấy là người lớn tuổi hoặc lớn phẩm mới can gián được. Tâm lý đạo đời vẫn thế.

Bổn phận của Ðầu Tộc Ðạo:

- Nên tránh những điều: Tài, Sắc, Tánh nóng nảy giận hờn.

- Nên làm những việc:

1. Giúp người, quên mình để làm nên cho người.

2. Thương người, ra công tận tâm lo giải khổ cho người.

3. Nhận định toàn cả gia đình Ðạo hữu là gia đình mình.

4. Công việc của người Ðạo hữu là công việc mình.

5. Vợ con của người Ðạo hữu là em cháu mình.

Tức là phải hòa mình cùng cả Ðạo hữu hiệp một để chung lo công việc của đời lẫn đạo. Ði hành đạo địa phương là một dịp để cho các em lập công và lập đức đó. Chức sắc có sứ mạng thiêng liêng, cần trau giồi đức tánh và hằng xem Phương luyện kỷ đặng vào con đường thứ ba Ðại Ðạo, để rèn luyện tinh thần đạo đức, thực thi trách nhậm.

TỔNG KẾT: Chức sắc Ðầu Tộc Ðạo là người thay mặt Hội Thánh tại một địa phương, lãnh lịnh giáo dân qui thiện, nên từ lời nói, cử chỉ đi đứng, đến hạnh nết tư cách cư xử của người Chức sắc, bổn phận của ÐTÐ là phải cố gắng ép mình trong khuôn viên luật pháp để nêu gương đạo đức cho xứng đáng là người thọ mạng lịnh nơi Hội Thánh.

Hỡi chư vị Lễ Sanh Tân Ðầu Tộc Ðạo thân mến,

Phẩm vị thiêng liêng còn đợi chờ đón rước các em trở về cựu vị. Nếu các em giữ trọn trách nhậm mình đúng y Tân Pháp Ðạo, trở nên người xứng phận giáo đạo tha phương thì: Muôn năm sử đạo nêu danh, ngàn thuở nhơn sanh ca tụng.

Cầu nguyện Ðức Chí Tôn, Ðức Phật Mẫu, các Ðấng thiêng liêng ban ơn lành, khai mở trí huệ cho các em tinh thần minh mẫn, xác thịt đầy đủ an khương, ngày mai các em lên đường đến địa phương hành đạo đặng như ý muốn.

Ðời mến đức, Ðạo thương tài,

Ðức tài hiệp một, nhiều ngày lập công.

Hội Thánh mong ước các em đi hành đạo được nhiều kết quả tốt.

Nay lời.

Viết tại Văn phòng Lại Viện, ngày 30-1-Canh Tý (dl 26-2- 1960)

Q. Thượng Thống Lại Viện

Giáo Sư.

NGỌC MỸ THANH

(ký tên đóng dấu)

 

Phụ Thống Lại Viện Giáo Hữu.

 NGỌC TỊNH THANH

(ký tên)