Trang

Thứ Ba, 5 tháng 9, 2023

4765. Vấn đề chi phái trong Đạo Luật Mậu Dần 1938

 

VNTB – Vấn đề chi phái trong Đạo Luật Mậu Dần 1938 ( Bài 2)

VNTB – Vấn đề chi phái trong Đạo Luật Mậu Dần 1938 ( Bài 2)

Đạo Hữu Dương Xuân Lương

 

https://vietnamthoibao.org/vntb-van-de-chi-phai-trong-dao-luat-mau-dan-1938-bai-2/

(VNTB) – Vấn đề chi phái rất phức tạp, có nhiều ngôn luận khác nhau.

 

Việt Nam Thời Báo ngày 24-8-2023 đăng bài: Đạo Luật Mậu Dần của Cao Đài Giáo, tác giả Hoài Nguyễn. Bài viết nhận định: Dường như đang có nhiều chi phái độc lập của Tòa Thánh Tây Ninh phát triển và không chịu sự chi phối của Chi phái 1997. Vấn đề chi phái rất phức tạp, có nhiều ngôn luận khác nhau. Tôi xin đi từ Đạo Luật Mậu Dần (1938) đến công cuộc qui nhứt năm 1969 và trình bày nguyên lý của đạo để làm rõ vấn đề: Đạo Cao Đài lập năm 1926 và các chi phái. 

Theo quan sát và ghi nhận của người viết thì hiền nhân quân tử hiểu chưa đúng vấn đề chi phái và giá trị của chi phái trong Đạo Cao Đài do 2 nguyên nhân.

Về xã hội: Sau ngày 30-4-1975 nhà nước Việt Nam cốt ngang Hội Thánh Cao Đài, và cấp pháp nhân cho các chi phái để tạo ra hệ phái Cao Đài. Mục đích là xếp Hội Thánh Cao Đài ngang hàng với các chi phái. Đặc biệt là cấp phép cho Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý (CQPTGL) 171/B Cống Quỳnh-Sài Gòn xuất bản nhiều đầu sách thỏa mãn mọi chi phái để hỗ trợ cho chủ trương của nhà nước Việt Nam. CQPTGL do hai điệp viên cộng sản là Trần Chí Thành và Đinh Văn Đệ (bí danh U4, đội lốp dân biểu Việt Nam Cộng Hòa, đội lốp Cao Đài) lập ra và điều khiển. CQPTGL là hang ổ của cộng sản góp phần đánh sập Việt Nam Cộng Hòa, đánh phá Hội Thánh Cao Đài (1). Bán Nguyệt San Thông Tin của Hội Thánh Cao Đài, số 65 xuất bàn ngày 30-11-1972, cho thông tin cả hai điệp viên Trần Chí Thành và Đinh Văn Đệ xin làm thư ký Hội Nghị Thống Nhất năm 1972 để phá hoại (2). Năm 1994 CQPTGL xuất bản quyển Tìm Hiểu Tôn Giáo Cao Đài, trang 40 viết: … Nhưng từ khi nội bộ phân hóa, một phần do các phái đạo ly khai bành trướng thanh thế, một phần chịu ảnh hưởng của thời cuộc, Tòa Thánh mặc nhiên trở thành một phái đạo so hàng với các phái khác …. CQPTGL đã làm nhiệm vụ của cộng sản giao cho là xếp Hội Thánh Cao Đài lập năm 1926 ngang hàng với các chi phái; (mãi đến 9-5-1997 chi phái 1997 mới ra đời tại Tòa Thánh Tây Ninh). 

Về nội tại: Năm 1969 Hội Thánh Cao Đài và Hội Thánh các chi phái đã thống nhất việc qui nhất, nhưng lớp hậu tấn Đạo Cao Đài chưa tự tin để trình bày với xã hội. Một số Hiền Tài Ban Thế Đạo là bác sĩ, kỷ sư, là những nhà khoa học … còn hợp tác với CQPTGL 171/B Cống Quỳnh để chôn vùi vấn đề chi phái trong Đạo Cao Đài. Thậm chí Thánh Thất Anaheim, bang California đã cho phép Thiện Hạnh và nhóm đồng tử của CQPTGL đến thuyết giảng tại Thánh Thất. Dù cho vô tình hay cố ý thì vấn đề Hội Thánh Cao Đài và chi phái cũng đã vùi lấp từ ngày 30-4-1975 đến nay. Trang Tử viết trong Nam Hoa Kinh: vỗ đôi chình đất lấp mất tiếng chuông đồng là vậy.

1/- Đạo Luật Mậu Dần qui định về chi phái.

Chương III: Phổ Tế, Điều 14: Phương cách đối phó cùng các chi phái phản đạo. 

Luật: Chiếu theo Thánh Giáo của Đức Chí Tôn và Đạo Nghị Định số 8 của Đức Lý Giáo Tông, thì toàn cả Chúng Sanh nhứt định không nhìn nhận các Chi Phái phản Đạo và phải định quyết là Bàn Môn Tả Đạo. 

Khoàn 4: Đối với các Chi Phái do Đại Đạo lập thành mà phản loạn Chơn Truyền, ngày nay đã lỗi thệ cùng Thầy, thì xin Hội Thánh thể lòng đại từ đại bi của Đức Chí Tôn, mở kỳ ân xá cho họ đặng nhập môn tái thệ y theo Châu Tri số 31 đề ngày 18 tháng 9 năm Bính Tý, duy trong Châu Thành Tòa Thánh, những kẻ phản Đạo không đặng nhập môn trở lại mà thôi. 

Khoản 5: – Hiện thời đương lo tạo tác Tòa Thánh, cấm nhặt các Chi Phái vào Thánh Địa toan mưu khuấy rối. Chừng nào Toà Thánh lập xong, dầu Chức Sắc các Chi Phái muốn nhập môn làm Tín Đồ đi nữa, thì cũng phải có Quyền Vạn Linh và Quyền Chí Tôn công nhận mới đặng. 

 2/- Căn cứ nào để Đạo Luật Mậu Dần (1938) qui định như thế?

Đạo Luật Mậu Dần (1938) đã căn cứ vào Đạo Nghị Định Thứ Tám do Đức Lý Giáo Tông và Đức Hộ Pháp lập năm 1934, khi các Chức sắc Đại Thiên Phong tách ra lập nhiều chi phái.

Ðiều thứ nhứt: – Những Chi Phái nào do bởi Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ làm gốc lập thành mà không do nơi mạng lịnh Hội Thánh, thì cả chúng sanh chẳng đặng nhìn nhận là của Chí Tôn và phải định quyết là Bàng Môn Tả Ðạo.

3/- Cuộc qui nhứt năm 1969.

Tôi xin ghi lại hai diễn tiến quan trọng trước khi Hội Thánh Cao Đài và Hội Thánh các Chi ký kết 9 điều kiện qui nhứt về Tòa Thánh Tây Ninh: 

3.1/- Hai diễn tiến: ân xá & dạy đoàn kết.

 Thứ nhứt. Huấn Lịnh 380 (19-4-1949), Đức Hộ Pháp cầm quyền Chưởng Quản Nhị Hữu Hình Đài Hiệp Thiên và Cửu Trùng (Quyền Chí Tôn tại thế) ân xá: Bần-Đạo đã ân xá cho toàn cả Chi Phái, bất cứ là ai, nếu nhập môn lại và vâng y Luật Pháp Tòa-Thánh sẽ là Tín-đồ chánh-thức của Đạo Cao-Đài….

Thứ hai. Thư Đức Hộ Pháp gởi Bắc Tông Đạo ngày 29-4-1958: Nguyên do lập chi phái là như thế. Hôm nay Qua cầu xin mấy em khi hiểu rõ căn do nguy hiểm ấy rồi thì mấy em không nên phân phe chia phái, tránh làm tai hại cho kẻ nghịch Đạo lợi dụng mấy em hại lại Đạo. Phải tìm phương thống nhất cả khối đức tin của mấy em nơi Đức Chí Tôn, Đức Phật Mẫu cùng các Đấng Thiêng Liêng thì Đạo mới đặng bền vững, bằng chẳng vậy, nếu mấy em còn chia rẽ nhau tức là mấy em tự mình diệt Đạo.

3.2/- Bàn định và thống nhất với các chi phái.

Ngày 09-5-1964 Hội Thánh Cao Đài ngồi lại với Hội Thánh các Chi tại Nội Ô Tòa Thánh Tây Ninh. Đại diện Hội Thánh Cao Đài là Ngài Bảo Thế Lê Thiện Phước, cụ Trần Văn Quế (Huệ Lương) là Trưởng phái đoàn các Chi, các vi bằng sau đó cho thấy cụ Phan Khắc Sữu có đóng góp tích cực. Các vị tiền bối nhìn nhận việc qui nhứt cơ đạo là quan trọng và tất yếu. Sau đó có thêm các phiên họp ngày 23-8-1964 tại Nam Thành Thánh Thất (đường Nguyễn Cư Trinh); ngày 19-7-1966 tại Tòa Thánh Tây Ninh. 

Sau hết là vi bằng phiên họp ngày 24-2-1969 tại Tòa Thánh Tây Ninh, Giáo Hữu Ngọc Chánh Thanh đã đọc 9 điều kiện qui nhứt cho toàn hội nghe và thống nhất ký tên. Theo đó:

Điều II: Thống nhất các danh từ ĐẠI-ĐẠO TAM-KỲ PHỔ-ĐỘ gồm có:

a/- Một Toà Thánh duy nhất tại Tây Ninh, còn các nơi khác gọi là Thánh Thất hay Thánh Tịnh.

b/- Một Hội Thánh duy nhất tại Tòa Thánh Tây Ninh cầm quyền Chưởng Quản nền Đạo.

Điều III: Để tiến đến sự thống nhất toàn vẹn, tạm thời tôn trọng hệ thống tổ chức địa phương và Chức phẩm của mỗi Chi, chờ ngày quyền Thiêng liêng quyết định tại Cung Đạo TÒA THÁNH Tây Ninh do Hiệp Thiên Đài Toà Thánh phò loan. 

a/- Đứng vào hàng chức sắc Thánh Thể Đức Chí Tôn phải tùng y Đạo pháp, phế đời hành Đạo.

b/- Chức sắc các Chi về TÒA THÁNH tạm thời hành sự dưới quyền Hội Thánh Hiệp Thiên Đài tối thiểu là một năm mới được dâng lên quyền Thiêng liêng định vị tại cung Đạo.

c/- Khi hành lễ mặc áo tràng trắng, khăn đen, sắp ngôi thứ trên từng lầu Hiệp Thiên Đài. (3)

(Nhận xét: Trong 9 Điều kiện qui nhứt gọi các Chi, không gọi Chi phái)

3.3/- Thành quả đầu tiên: Bán Nguyệt San THÔNG TIN của Hội Thánh Cao Đài TTTN số 54 ra ngày 10/5/Nhâm Tý (20/6/1972) đăng thông tin Phái đạo Từ Vân (100 Thích Quảng Đức, Phú Nhuận, Saigon) qui nhứt về Tòa Thánh Tây Ninh. Hội Thánh Cao Đài tiếp nhận, đưa vào Châu Đạo Gia Định và thuyên bổ chức sắc đến hành đạo. (4)

3.4/- Kết luận nhỏ: Đạo Cao Đài lập năm 1926 là gốc và chi phái là do các Chức sắc lập ra sau đó. Có một cái gốc nhưng có rất nhiều chi phái. Đó là một trong những điều căn bản khi tìm hiểu về Đạo Cao Đài. 

4/- Tại sao Đạo Cao Đài không chấp nhận chi phái? 

Tôi xin trình bày nguyên lý, triết lý và tiền đề để làm rõ vấn đề.

4.1/- Nguyên lý: 

Theo giáo lý đạo, từ khai thiên lập địa đến nay có 3 thời kỳ mở đạo nhưng chỉ có 2 nguyên lý. Thời Nhứt Kỳ Phổ Độ và Nhị Kỳ Phổ Độ theo nguyên lý Nhứt bổn tán vạn thù, từ cái gốc là lời dạy của các bậc Giáo chủ, môn đệ đời sau tạo ra nhiều tổ chức tôn giáo khác nhau để phổ biến giáo lý. Lời dạy của các bậc Giáo chủ là vô tự, là đạo, tổ chức tôn giáo là hình thức hành đạo nên có kinh văn, có luật lệ là văn tự là hữu hình. Hai thời kỳ nầy đạo từ vô vi đi lần xuống hữu hình do vậy, có nhiều chi phái là bình thường, là phù hợp với nguyên lý, với tài nguyên và môi trường sống của nhân loại.   

Thời Tam Kỳ Phổ Độ, nhân loại đã qua nền văn minh nông nghiệp, văn minh công nghiệp, văn minh điện và điện tử. Nhân loại bước vào thời kỳ năm Châu chung chợ, bốn biển chung nhà, Càn Khôn dĩ tận thức, các tôn giáo giao tiếp nhau và phát sinh ra mâu thuẫn nên Đức Chí Tôn đến mở Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ theo nguyên lý Vạn thù qui nhứt bổn. Nghĩa là từ nhiều hình thức khác nhau trở về cái gốc là đạo. Đức Chí Tôn dùng cơ bút lập đạo được ghi chép lại thành Thánh Ngôn, trong đó chia ra thành pháp luật, giáo lý, vũ trụ quan, nhân sinh quan và bách khoa xã hội học. Đạo là vô tự, Tôn giáo là văn tự nên Đạo Cao Đài dùng văn tự để hướng dẫn cho người học đi từ tôn giáo (hữu hình) tiến lần về đạo (vô vi). Đạo Cao Đài đi từ hữu hình đến vô vi là do nguyên lý thời Tam Kỳ Phổ Độ. Phần hữu hình của Đạo Cao Đài là thể pháp bao gồm kinh sách, kiến trúc, tổ chức tôn giáo; thực hành đúng thể pháp là đạt đạo hay bí pháp. Đạo là con đường thì con đường đó do chính Đức Chí Tôn chỉ dạy là gốc, những con đường khác không phải do Đức Chí Tôn chi dạy nên gọi là chi phái.

4.2/- Triết lý Quốc Đạo & Tiền đề cơ bản.

Đạo Cao Đài tổ chức theo triết lý Quốc Đạo, nghĩa là Đạo tổ chức như một quốc gia. Có lãnh thổ là đất đai do đạo sở hữu, có dân số là người nhập môn được cấp Sớ Cầu Đạo, có chính quyền là nguồn máy lãnh đạo tôn giáo tổ chức theo cơ chế tam quyền phân lập và các cấp hành chánh. Song song đó có cơ chế Ba Hội Lập Quyền Vạn Linh để kiểm soát và viết kịch bản cho Hành Chánh Đạo thực hiện. Do vậy chính quyền Pháp nhận xét Đạo Cao Đài lập một quốc gia trong một quốc gia.

Khi nhập môn cầu đạo, phải minh thệ trước Thiên Bàn, có sự chứng kiến của đồng đạo. Lời Minh Thệ: Tên gì? Họ gì? Thề rằng: Từ đây biết một Đạo Cao-Đài Ngọc-Đế, chẳng đổi dạ đổi lòng, hiệp đồng chư Môn-Đệ, gìn luật lệ Cao-Đài, như sau có lòng hai thì Thiên-tru, Địa-lục.”

Lời Minh Thệ được hiểu như tiền đề cơ bản. Đoạn thề rằng: Từ đây biết một Đạo Cao-Đài Ngọc-Đế, thể hiện Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế lập có một Đạo Cao Đài vào năm 1926 tại Chùa Gò Kén, làng Long Thành, tỉnh Tây Ninh. Đức Thượng Đế không lập Đạo Cao Đài nào khác.

5/- Thượng Đế nhìn nhận chỉ có một Hội Thánh Cao Đài. 

Năm 1933-1934 Chức sắc Đại Thiên Phong lập các chi phái. Khi đó chưa có Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo, chưa có thể pháp căn bản là Tòa Thánh Tây Ninh, chưa có Đạo Luật Mậu Dần (1938). 

5.1/- Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo.

Năm 1935 Đức Chí Tôn và các Đấng giáng cơ ban Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo cho Hội Thánh tại Tòa Thánh Tây Ninh. Trang bìa trước Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo ghi: HỘI THÁNH GIỮ BẢN QUYỀN. Các chi phái cũng có đồng tử, cũng cầu cơ nhưng không có một câu kinh nào hết, phải lấy Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo về xài. Về xã hội đó là vi phạm luật bản quyền.

5.2/- Xây dựng Tòa Thánh Tây Ninh (1936-1955)

Từ năm 1936 Đức Lý Giáo Tông dùng cơ bút dạy Đức Hộ Pháp xây dựng Tòa Thánh Tây Ninh, đến năm 1955 tổ chức Lễ Khánh Thành. Đó là công trình kiến trúc không có bản vẽ, Thiêng Liêng chỉ dạy tạo tác trong 20 năm. Đặc biệt là Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc và nhiều chức sắc cao cấp khác bị Pháp bắt đày di Madagascar từ năm 1941 đến 1946 mới trở về Tòa Thánh Tây Ninh.

5.3/- Lập ra Đạo Luật Mậu Dần (1938).

Đức Hộ Pháp dùng Quyền Chí Tôn tại thế hiệp với Ba Hội Lập Quyền Vạn Linh năm 1937, lập ra Đạo Luật Mậu Dần (1938). Đạo Luật lập ra 4 cơ quan hành đạo: Hành Chánh, Phước Thiện, Phổ Tế và Tòa Đạo. Các chi phái coppy Đạo Luật Mậu Dần về xài.

Ba ghi nhận trên đây có ý nghĩa gì?

Thứ nhất: Đức Chí Tôn và các Đấng Thiêng Liêng nhìn nhận Hội Thánh Cao Đài đang hành đạo tại Tòa Thánh Tây Ninh là đúng theo thiên ý nên mới ban ơn.

Thứ hai: Các chi phái thừa nhận Hội Thánh Cao Đài tại Tòa Thánh Tây Ninh là đúng nên mới lấy Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo, lấy Đạo Luật Mậu Dần về xài; ngày nay Thánh Thất các chi phái cũng coppy theo mẫu kiến trúc của Hội Thánh Cao Đài. 

Thứ ba: Từ ba sự kiện quan trọng cho thấy lời dạy … chi chi cũng tại Tòa Thánh Tây Ninh … đã ứng nghiệm. 

 Tóm lại: Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ nói tắt Đạo Cao Đài lập năm 1926 là gốc, sau đó phát sinh ra chi phái, nhưng Thượng Đế chỉ nhìn nhận có một Hội Thánh Cao Đài.

Khi cộng sản chiếm được miền Nam thì họ muốn kiểm soát các tôn giáo. Riêng với Đạo Cao Đài nhà nước bao vây Tòa Thánh Tây Ninh trong 20 năm để Đạo Cao Đài tự chết nhưng thất bại. Đến năm 1997 nhà nước lập ra chi phái 1997 làm công cụ diệt đạo. Chi phái 1997 ăn cắp căn cước và ăn cướp Tòa Thánh Tây Ninh của Đạo Cao Đài, (bị tòa án Dallas bang Texas, Hoa Kỳ phán quyết là tội phạm theo luật RICO “16-8-2023”). 

Đặc Phái Viên Liên Hiệp Quốc hay các tổ chức nhân quyền dùng định từ Đạo Cao Đài độc lập (là Đạo Cao Đài lập năm 1926) để phân biệt với chi phái 1997 do nhà nước lập ra. Tác giả Hoài Nguyễn viết: Dường như đang có nhiều chi phái độc lập của Tòa Thánh Tây Ninh phát triển và không chịu sự chi phối của Chi phái 1997 là một nhận xét tinh tế và đầy hảo ý, thể hiện Đạo Cao Đài độc lập khác biệt với chi phái 1997 và đang phát triển mạnh mẽ, tự chủ để hành đạo. Do người Đạo Cao Đài chưa làm rõ Đạo Cao Đài lập năm 1926 (hay Đạo Cao Đài độc lập) không phải là chi phái Cao Đài độc lập nên có sự ngộ nhận, chúng tôi thành thật xin lỗi và rất cảm ơn tác giả Hoài Nguyễn đã giúp hay. Trân trọng.

 

______________

Chú thích:

(1)/- https://khoinhonsanh2014.blogspot.com/2019/12/2966-hang-o-cong-san-oi-lop-ton-giao.html#more

(2)/- https://khoinhonsanh2014.blogspot.com/2020/10/3291-hoi-nghi-thong-nhut-cac-chi-phai.html#more

(3)/- Link: https://khoinhonsanh2014.blogspot.com/2015/12/885-05-vi-bang-hop-voi-cac-chi-phai.html#more

(4)/- Link: https://khoinhonsanh2014.blogspot.com/2020/01/3031-phai-ao-tu-van-qui-nhut-1972.html#more