Trong khi chiến cuộc tại Việt Nam diễn ra khốc liệt thì nhiều học sinh phải nghĩ học do không có tiền đóng học phí. Năm 1972 Hội Thánh Cao Đài đã có dự án chuyển hai trường Đạo Đức Học Đường và Lê Văn Trung thành trường nghĩa thục. Nghĩa thục mở ra đến 30/4/1975 thì chấm dứt. Trường bị nhà nước tịch thu. Ngày nay nó là trường có đóng tiền học phí. BBT Blog
VNTB – Học trường công lập mầm non vẫn phải tốn tiền
Mai Lan
(VNTB) – Trường công lập hay tư thục thì học trò muốn vào học đều phải đóng tiền, thậm chí còn phải… bốc thăm may rủi.
Trường công lập được hiểu chính là trường học trực thuộc của nhà nước trung ương hoặc địa phương, đây là hình thức trường học được xây dựng và thành lập đều được dựa vào những dự án đầu tư kinh tế của nhà nước trung ương hoặc địa phương.
Trường dân lập hay tư thục là trường học được thành lập và điều hành do cá nhân, tổ chức trong nước đã được phép thành lập và tự đầu tư, trường dân lập hoạt động độc lập không cần phải phụ thuộc vào sự quản lý của chính quyền hay cơ quan địa phương.
Các hoạt động chủ yếu trường đều được dựa trên sự đóng góp trực tiếp của học sinh, sinh viên về kinh tế hoặc có các nhà đầu tư đầu tư hay tặng nhà trường.
Ở Việt Nam, tiếng là trường công lập nhưng vào học vẫn phải đóng học phí bắt buộc.
Đơn cử, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vừa có văn bản gửi UBND các quận, huyện, thị xã và các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc, để “hướng dẫn tạm thời chưa thực hiện thu học phí năm học 2022-2023”.
Sở này cho biết đang phối hợp các đơn vị liên quan báo cáo UBND thành phố trình Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội thông qua nghị quyết quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn thành phố năm học 2022 – 2023 tại kỳ họp thứ 9 (kỳ họp chuyên đề) của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026, dự kiến sẽ khai mạc vào trung tuần tháng 9-2022.
Trong thời gian chờ đợi Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội ban hành nghị quyết, Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc theo phân cấp quản lý (trừ các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao); các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo (trừ các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao) tạm thời chưa thu học phí cho đến khi có hướng dẫn mới.
Thông tin trên cho thấy một thực trạng giáo dục ở Việt Nam là với gia đình nghèo khó, chạy ăn từng bữa thì con em họ muốn được học hành tử tế trong hệ thống trường công lập, là điều không mấy dễ dàng, cho dù học lực giỏi dang đến đâu nếu như không đủ tiền đóng học phí thì coi như cũng sẽ… thất học.
Thật ra thì trong chuyện học phí công lập này là một yêu cầu của Chính phủ.
Năm học 2022 – 2023 sẽ là năm các địa phương phải thực hiện nghị định 81 của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Theo khung học phí mới của nghị định này, chỉ riêng TP.HCM đã phải tăng mức học phí bậc trung học cơp sở gấp 5 lần so với trước. Và không chỉ TP.HCM, ở nhiều địa phương khác, học phí luôn là nỗi lo với phụ huynh, khi học phí tăng là tăng thêm gánh nặng cơm áo.
Học tập là một quyền hiến định. Người dân Việt Nam có quyền mơ về một nền giáo dục hội nhập theo xu thế phát triển của thế giới. Trong đó, học sinh được trang bị tri thức phổ thông nền tảng miễn phí, học sinh đi học không phải đóng học phí, mà còn được cung cấp miễn phí tất cả những điều kiện cần thiết để tiếp thu tri thức nền tảng tốt nhất bao gồm cả sách giáo khoa, trang thiết bị học tập…
Tạm kết ở đây bằng một thông tin nhắc lại, đó là hồi tháng 7 năm nay, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã chính thức đề xuất tại Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2020 – 2021, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, rằng sẽ miễn học phí cho học sinh trung học cơ sở cả nước, và được bắt đầu luôn từ năm học 2022 – 2023 này.
Vài hôm nữa là cả nước khai giảng năm học niên khóa 2022 – 2023, và vẫn chưa thấy ban hành một quy định nào như đề xuất miễn học phí mà ông Nguyễn Kim Sơn nêu ra.