Trang

Thứ Tư, 24 tháng 8, 2022

4268. Tính pháp lý của bổ nhiệm tu sĩ Thích Trúc Thái Minh

 

VNTB – Tính pháp lý của bổ nhiệm tu sĩ Thích Trúc Thái Minh


Hoài Nguyễn. VIỆT NAM THỜI BÁO

(VNTB) – Có đến 3 nhà sư chùa Ba Vàng, tỉnh Quảng Ninh, trong đó có một là trụ trì, đã được Ban Tôn giáo tỉnh Quảng Bình phê chuẩn tham gia Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Bình.

 https://vietnamthoibao.org/vntb-tinh-phap-ly-cua-bo-nhiem-tu-si-thich-truc-thai-minh/

VNTB – Tính pháp lý của bổ nhiệm tu sĩ Thích Trúc Thái Minh

Pháp luật của đảng?

Theo báo chí thì ông Trần Đức Thủy, Trưởng ban Tôn giáo Quảng Bình có giải thích việc Đại đức Thích Trúc Thái Minh đã được xem xét kĩ, không vi phạm pháp luật. “Trước đó Đại đức Thích Trúc Thái Minh cũng đã đảm nhiệm vị trí này tại tỉnh Lai Châu. Việc bổ nhiệm một người từ địa phương khác về là chuyện bình thường, chúng tôi đã xem xét kỹ lưỡng về mặt pháp luật không có vấn đề gì”, ông Thủy nói.

Về việc những câu chuyện lùm xùm bê bối trước đây khi nhân danh Phật sự của Đại đức Thích Trúc Thái Minh, ông Trưởng ban Tôn giáo không phủ nhận, có nghe qua nhưng theo ông Trần Đức Thủy thì xét về mặt pháp luật cho thấy Đại đức Thích Trúc Thái Minh không có tiền án tiền sự. Do đó dựa trên phương diện pháp luật để bổ nhiệm ở đây là hoàn toàn hợp pháp.

Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, quy định gì?

Góc nhìn cá nhân với tư cách là một người đang hành nghề luật, tôi cho rằng cần thiết viện dẫn cụ thể điều luật của Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, về trường hợp 3 tu sĩ chùa Ba Vàng (Quảng Ninh) cùng lúc được ‘bổ nhiệm’ tham gia Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Bình, theo đó chỉ có thể chấp nhận nếu như cả 3 vị tu sĩ này đều đang tu hành ở ngôi chùa nào đó thuộc tỉnh Quảng Bình, thì khi ấy mới đáp ứng yêu cầu của Điều 31, Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

“Điều 31: Nhân sự Ban Trị sự cấp tỉnh là Tăng Ni, cư sĩ Phật tử tại địa phương có uy tín, năng lực làm việc, đạo hạnh tốt, có công đức đối với Đạo pháp và Dân tộc. Trong trường hợp cần thiết, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự sẽ công cử thành viên Ban Thường trực Hội đồng Trị sự đảm nhiệm chức vụ Trưởng ban Trị sự cấp tỉnh.

 Trình tự, thủ tục cơ cấu nhân sự Ban Trị sự phải tuân theo nguyên tắc:

1. Việc giới thiệu nhân sự tham gia Ban Trị sự cấp tỉnh nhiệm kỳ mới phải tiến hành dân chủ, công khai, đầy đủ thành phần đại diện cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong địa bàn tỉnh.

 2. Danh sách nhân sự phải trình Ban Thường trực Hội đồng Trị sự thẩm tường, trước  khi trao đổi với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cùng cấp.

 3. Trưởng ban Trị sự cấp tỉnh phải là một Tăng sĩ. Cư sĩ Phật tử không đảm nhận cương vị Phó Trưởng ban Trị sự cấp tỉnh”.

Từ quy định trên cho thấy có thể đúng là tu sĩ Thích Trúc Thái Minh không tiền án, tiền sự như lời của ông Trưởng ban Tôn giáo Quảng Bình, thế nhưng với những gì xảy ra trong quá khứ và hiện tại thì tu sĩ Thích Trúc Thái Minh không thể gọi là “đạo hạnh tốt”.

Tu sĩ Thích Trúc Thái Minh liệu thật sự “có công đức đối với Đạo pháp và Dân tộc” hay không thì cũng cần tỉnh táo xem xét lại; đơn cử với những thái độ khiêu khích mang tính “đấu đá nội bộ” giữa ông và tu sĩ Thích Nhật Từ, cho thấy chuyện “đạo hạnh” của cả hai rất cần được xem xét trong yêu cầu – nói theo ngôn ngữ kiếm hiệp, đó là “thanh lý môn hộ”.

Phe cánh tôn giáo đang “tự diễn biến – tự chuyển hóa”

Một vấn đề khác là vì sao có đến 3 tu sĩ của chùa Ba Vàng (Quảng Ninh) lại có thể hiện diện tại Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh Quảng Bình lần thứ IV, nhiệm kỳ 2022- 2027, bởi Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, có quy định về vấn đề nhân sự ở đại hội đại biểu cấp tỉnh, như sau:

“Điều 48: Đại hội đại biểu Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh do Trưởng ban Trị sự triệu tập 5 năm một kỳ để tổng kết công các hoạt động trong 5 năm qua; thảo luận, ấn định chương trình hoạt động trong 5 năm tới; suy cử Ban Chứng minh, Ban Trị sự; thông qua Nghị quyết Đại hội.

Đại biểu chính thức tham dự Đại hội đại biểu Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh gồm: thành viên Ban Trị sự và Đại biểu theo sự phân bổ của Ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh đối với các Ban trực thuộc Ban Trị sự và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp huyện.

Đại hội đại biểu cấp tỉnh quyết định theo đa số đại biểu có mặt. Đại hội hợp lệ phải có số lượng 2/3 tổng số đại biểu được triệu tập. Đại hội đại biểu Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh phải kết thúc trước Đại hội đại biểu toàn quốc Giáo hội Phật giáo Việt Nam và thực hiện theo Thông tư hướng dẫn của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự. Căn cứ kết quả Đại hội, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam ban hành quyết định chuẩn y nhân sự”.

Các tu sĩ chùa Ba Vàng ở tỉnh Quảng Ninh, về nguyên tắc, không thể là “đại biểu được triệu tập” của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Bình; ngay cả việc nếu như có vụ việc tu sĩ Thích Trúc Thái Minh được “phân công” tham gia vào tổ chức Giáo hội Phật giáo ở tỉnh Quảng Bình từ tháng 4-2022, thì cơ sở nào theo Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, để có thể cùng hai tu sĩ còn lại của chùa Ba Vàng tham gia Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh Quảng Bình lần thứ IV, nhiệm kỳ 2022- 2027, khi mà cả 3 vị tu sĩ này dường như không có Phật sự ở ngôi tự nào tại tỉnh Quảng Bình.

Tùng lâm cương kỷ

Trong ba ngôi báu: Phật, Pháp, Tăng thì Tăng bảo giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển Đạo pháp. Bất cứ ở đâu và bất cứ khi nào có những vị cao tăng thạc đức xuất hiện thì nơi đó và khi đó kỷ cương được thiết lập, Phật pháp được xương minh, chúng sinh được an lạc.

Từ cách hiểu trên, thì với những gì đang diễn ra trong chuyện bổ nhiệm ba vị tu sĩ chùa Ba Vàng ở Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh Quảng Bình lần thứ IV, nhiệm kỳ 2022- 2027, cho thấy xét về quy định của Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, và xét luôn việc đặt vấn đề của cảnh giác “tự chuyển hóa – tự diễn biến” đối với những gì mà Ban Tôn giáo chính phủ tỉnh Quảng Bình đang hành xử đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Bình, đòi hỏi cần có một tòa án tôn giáo cho hành vi vi hiến.

Theo đó, Điều 62.1, Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, có quy định:

“Thành viên Giáo hội Phật giáo Việt Nam có hoạt động và hành vi làm thương tổn đến thanh danh, đến sự hòa hợp, đến quyền lợi của Giáo hội hoặc các thành viên của Giáo hội, phương hại đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đến hòa bình, độc lập, thống nhất của Tổ quốc, Giáo hội sẽ xử lý theo giáo luật và tùy mức độ vi phạm Giáo hội sẽ đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét, xử lý theo pháp luật”