Trang

Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2022

4259. Chùa Ba Vàng chỉ là cái cớ

 

VNTB – Chùa Ba Vàng chỉ là cái cớ

VNTB – Chùa Ba Vàng chỉ là cái cớ


 

Tương tự như Đại hội Đảng, quan sát cho thấy chuyện nhân sự của tổ chức giáo hội này trong nhiệm kỳ mới đang được “cơ cấu” với những “định hướng” từ nhóm quyền lực hiện hữu ở nhiệm kỳ hiện tại.

Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, dự kiến sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ 27 đến 29-11-2022, tại Cung văn hoá hữu nghị Việt – Xô, Hà Nội.

Cứ như Đại hội Đảng

Danh sách các chức sắc đang nắm quyền “định hướng – cơ cấu” về nhân sự các lãnh đạo Phật giáo tại những địa phương trên toàn quốc, như sau:

Hoà thượng Thích Thiện Nhơn, Trưởng Ban Chỉ đạo, Trưởng Ban nhân sự; Hoà thượng Thích Thanh Nhiễu, Trưởng Ban Tổ chức; Hoà thượng Thích Thiện Pháp, Trưởng Ban khen thưởng; Thượng toạ Thích Đức Thiện, Trưởng Tiểu ban nội dung; Hoà thượng Thích Gia Quang, Trưởng Tiểu ban Truyền thông – Báo chí; Hoà thượng Thích Bảo Nghiêm, Trưởng Tiểu ban hoằng pháp – tuyên tuyền;

Hoà thượng Thích Huệ Thông, Trưởng Tiểu ban điều phối đại biểu; Hoà thượng Thích Thanh Điện, Trưởng Tiểu ban an ninh – trật tự; Thượng toạ Thích Thọ Lạc, Trưởng Tiểu ban văn hoá triển lãm, Thượng toạ Thích Thanh Phong, Trưởng Tiểu ban hậu cần; Hoà thượng Thích Quảng Hà, Trưởng Tiểu ban Nghi lễ; Hoà thượng Thích Khế Chơn, Trưởng Ban xướng ngôn; Thượng toạ Thích Minh Hiền, Trưởng Tiểu ban tư liệu hình ảnh.

Các vị Hòa Thượng, Thượng tọa kể tên này đều là chức sắc tôn giáo ở chính địa phương có chùa mà họ trụ trì.

Quan sát bảng danh sách còn cho thấy sự sắp đặt theo ý chí của nhóm quyền lực nào đó là khá rõ ràng. Đơn cử như vị trí Trưởng Ban xướng ngôn.

Hôm 24-7-2022, Việt Nam Thời Báo có bài “Hòa thượng Thích Đức Thanh ‘tố’ Hòa thượng Thích Thiện Nhơn” (https://vietnamthoibao.org/vntb-hoa-thuong-thich-duc-thanh-to-hoa-thuong-thich-thien-nhon/). Theo bài báo này, thì Hòa thượng Thích Thiện Nhơn đã “cơ cấu” vị trí Trưởng Ban Trị sự (có ý nghĩa là người đứng đầu) của Phật giáo tỉnh Thừa Thiên – Huế cho Hòa thượng Thích Khế Chơn.

“Cơ cấu” của Hòa thượng Thích Thiện Nhơn vấp phản ứng mạnh từ một số chức sắc Phật giáo ở địa phương này. Tuy nhiên các tin tức liên quan lại không được công khai phổ biến trên truyền thông.

Chùa Ba Vàng chỉ là cái cớ

Gần đây nhất là câu chuyện ‘lời qua tiếng lại’ giữa hai chùa Ba Vàng (Quảng Ninh) và chùa Giác Ngộ (TP.HCM) cho thấy dường như đang hướng nhắm tới Hoà thượng Thích Thanh Nhiễu và Hoà thượng Thích Gia Quang về “định hướng nhân sự” cho Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX (xem thêm: https://vietnamthoibao.org/vntb-chua-ba-vang-co-dau-hieu-quy-tu-dam-dong-trai-phap-luat/)

Nhìn vẻ ngoài thì nếu Hòa thượng Thích Thiện Nhơn ở TP.HCM “chống lưng” cho Hòa thượng Thích Khế Chơn ở Thừa Thiên – Huế, thì Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu được biết đến là “đỡ đầu” cho vị trụ trì chùa Ba Vàng, Thượng tọa Thích Trúc Thái Minh.

Hòa thượng Thích Gia Quang – người vừa được được tái suy cử Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Tuyên Quang (2022-2027) đã có những phát biểu liên quan đến việc quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo ở chùa Ba Vàng, qua đó cho thấy sự tắc trách của vị Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở nhiệm kỳ hiện tại (2017 – 2022).

Những lời Hoà thượng Thích Gia Quang phát biểu được đăng trên nhiều tờ báo trong cùng thời điểm có thể là trùng hợp, nhưng đã cho thấy sự quản lý từ Trung ương Giáo hội tới địa phương là rất lỏng lẻo, bất nhất, và nội bộ của Giáo hội cũng rối ren “cung đấu” hệt như Đại hội Đảng vậy.

Điều đó dường như cũng cho thấy Giáo hội xử lý các thông tin đến từ dư luận rất chậm chạp. Một vài chức sắc Giáo hội phát biểu không đúng bản chất trở nên gây nhiễu, làm cho dư luận thêm xôn xao một cách không cần thiết.

Tôn giáo được định hướng?

“Theo thông tin tôi được biết, thầy Thích Trúc Thái Minh từng tổ chức cho tăng chúng của mình hơn 100 vị vào tận Sài Gòn để đảnh lễ Hòa thượng Thích Giác Toàn xin gia nhập Hệ phái khất sĩ, nhưng bên phía Khất sĩ chưa chấp nhận.

Hiện nay, thầy Thích Trúc Thái Minh đã nộp đơn lên Trung ương Giáo hội xin gia nhập Hệ phái Nam tông Kinh (khác với Hệ phái Nam tông Khmer) và đã được Giáo hội Trung ương chấp nhận. Vì thế chúng ta thấy hình ảnh các Tăng sĩ theo Hệ phái Nam tông xuất hiện nhiều trong các lễ hội chùa Ba Vàng, có những hình ảnh rất đẹp.

Tuy nhiên, việc bổ nhiệm trụ trì và quản lý chùa Ba Vàng thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh. Một hình thức sinh hoạt theo Nam tông Kinh có phù hợp với địa phương đó hay không do Ban Trị sự và Ban Tôn giáo tỉnh phối hợp xem xét quyết định. Bởi mọi sinh hoạt tôn giáo phải đăng ký trước với chính quyền địa phương. Cho nên không có việc chùa Ba Vàng không thuộc Giáo hội quản lý như Hòa thượng Thích Gia Quang phát biểu.

Xin nhắc lại, các tăng sĩ hoàn toàn có thể xin lựa chọn tông phái, hay từ bỏ một hệ phái để tu hành theo tâm nguyện hành đạo của mình” – một tu sĩ từng làm việc ở Ban Văn hoá Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đã cho biết như vậy.

Vị tu sĩ này cũng là “mối ruột” của giới báo chí ở Sài Gòn khi tìm đến để ghi nhận ý kiến về vụ việc nào đó chốn hậu trường của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Theo hoạch định thì ngày 4-10-2022, Ban nhân sự Đại hội Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX sẽ có phiên họp toàn ban tại Văn phòng Trung ương – Chùa Quán Sứ (Hà Nội) để trình đề án nhân sự tổng thể đến Ban Thường trực Hội đồng trị sự xem xét, thảo luận và thông qua.

Dự báo là sẽ còn nhiều “tuồng tích” khai diễn trước khi chính thức bước vào “luận kiếm Hoa Sơn” vào hạ tuần tháng 11-2022.