KHÔI PHỤC HỘI THÁNH ANH ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ TẠI TÒA THÁNH TÂY NINH là nguyện vọng của toàn đạo Cao Đài lập năm 1926. Muốn vậy phải khôi phục hành chánh tôn giáo. Nhiệm vụ của Khối Nhơn Sanh là vận động các địa phương đứng lên công cử Bàn Trị Sự địa phương. Sau đó tiến về Tòa Thánh Tây Ninh mở ĐẠI HỘI NHƠN SANH để khôi phục hành chánh các cấp. Khối Nhơn Sanh gom góp tài liệu căn bản về Ba Hội Lập Quyền để phục vụ cho mục tiêu: MỞ ĐẠI HỘI NHƠN SANH tại Tòa Thánh Tây Ninh.
Nay kính.
…ngày nào quyền-lực Chí-Tôn đặng hiệp một
cùng Vạn-linh thì Đạo mới ra thiệt-tướng. (Đức Chí Tôn, 23/12/1931)
Các kỳ Hội Nhơn Sanh.
1/- Hội Nhơn
Sanh năm 1931.
2/- Hội Nhơn Sanh năm 1932.
3/- Hội Nhơn Sanh năm 1937.
4/- Hội Nhơn Sanh năm 1946.
5/- Hội Nhơn Sanh năm 1951.
6/- Hội Nhơn Sanh năm 1964.
7/- Hội Nhơn Sanh năm 1967.
8/- Hội Nhơn
Sanh năm 1974.
MỤC LỤC:
Lời thưa
trước. T 4.
PHẦN MỘT:
Lời dạy
của Đức Chí Tôn. T 5.
Bà Bát
Nương dạy: Đại Từ Phụ trở pháp. T 6.
Đức Hộ
Pháp: Ngày 15 - 8 - Quí Dậu (dl 4 - 10 - 1933). T 7.
Ðức Quyền
Giáo Tông, ngày 8/4/Giáp Tuất (1934). T 19.
PHẦN HAI:
NGUYÊN VĂN CÁC LUẬT
Luật Lệ
Chung Các Hội. T 29.
Hội Nhơn
Sanh Nội Luật. T 36.
Hội Thánh
Nội Luật. T 42.
Thượng
Hội Nội Luật. T 48.
PHẦN BA.
CÁC BÀI THAM KHẢO
Tìm
hiểu một số vấn đề Ba Hội Lập Quyền Vạn Linh. T 53.
Thiệt
Tướng Cao Đài T 63.
Giáo
Tông cầm quyền Chí Tôn tai thế: Thực tế Thượng Hội”. T 75.
HẾT
LỜI THƯA TRƯỚC.
Thông thường thì sưu tập một đề tài chi
đều có phần giới thiệu mục đích biên soạn. Tài liệu này cũng trong thông lệ ấy.
Ban Thông Tin KNS biên soạn tài liệu để
cùng nhau hiểu đúng và làm đúng Thánh Lịnh 257 của Đức Hộ Pháp: Hễ quyền trên của ai đã bị quỉ quyền truất
phế thì dưới phải tiếp tục cầm quyền Thiêng liêng của Đạo... Nói cho cùng nước: Chức sắc Thiên Phong mà bị bắt đi nữa thì
dưới nầy các Bàn Tri Sự và Tín Đồ cùng công cử người thay thế cho họ.
Công cử người cầm quyền của đạo phải tổ
chức tại Tòa Thánh Tây Ninh, và căn cứ vào Luật về Ba Hội Lập Quyền Vạn Linh để
tổ chức. Khối Nhơn Sanh tự nguyện hiệp đồng với quý đồng đạo để mở Đại Hội Nhơn
Sanh tại Tòa Thánh Tây Ninh nên biên soạn lại để nghiên cứu, thảo luận hầu tìm
ra đáp án tối ưu cho công cuộc khôi phục Hội Thánh Anh.
Pháp của Đạo: Nhứt vi u ám tất giai văn (Một điểm nhỏ chưa sáng tỏ cũng
phải làm cho rõ ràng, minh bạch) nên sau khi thảo luận thì đúc kết, công bố
nhận định và chương trình hành động. Khởi sự từ công thức sau cùng trong Di Lặc
Chơn Kinh: Giải Thể Phật (Xác định rõ
mục tiêu, giải thích rõ ràng căn cứ vào đâu và cách tiến hành…). Chúng tôi hiểu
sao nói vậy, không ngại ngùng gì mà che dấu sự yếu kém trước đồng đạo để cầu
mong được sự chỉ giáo của các bậc thức giả.
Khối Nhơn Sanh xin lưu ý:
1/- Châu Tri
số 11 của Tòa Thánh do Đức Quyền Giáo Tông Thượng Trung Nhựt ban hành Pháp
Chánh Truyền Chú Giải vào ngày rằm tháng 2 Tân Mùi (02.04.1931).
Mãi đến 23/12/1931 Đức Chí
Tôn mới dạy về Ba Hội Lập Quyền.
Như vậy Ba Hội Lập Quyền
không có trong Pháp Chánh Truyền mà có trong Thiên Thơ (là hai quyển Thánh Ngôn
Hiệp Tuyển).
2/- Dây Sắc Lịnh của Thượng
Phẩm, Hộ Pháp, Thượng Sanh và Thập Nhị Thời Quân trong Pháp Chánh Truyền Hiệp
Thiên Đài là trong phạm vi Hành Chánh Đạo; nên không áp dụng qua bên Chánh Trị
Đạo.
Nay kính.
Ngày 30/11/Canh Tý (DL: 12/01/2021)
Ban Thông Tin Khối Nhơn Sanh.
…ngày nào quyền-lực Chí-Tôn đặng hiệp một
cùng Vạn-linh thì Đạo mới ra thiệt-tướng. (Đức Chí Tôn, 23/12/1931)
Bài số 1:
THÁNH NGÔN CỦA ĐỨC CHÍ TÔN.
Tây-Ninh (Thảo-xá Hiền-Cung), ngày 23
Décembre 1931.
Thầy, các con
Thầy lấy làm vui được gặp các con đủ mặt
ngày-nay mà hầu Thầy.
Các con nghe lời dặn cần-yếu nầy, mà làm
phận-sự các con cho vẹn vẻ cùng Thái-Bạch.
Các con phải nhớ rằng toàn Thế-giới
Càn-khôn, chỉnh có hai quyền: trên là quyền-hành Chí-Tôn của Thầy, dưới là
quyền-hành của sanh-chúng. Thầy đã lập hình-thể hữu-vi của Thầy, nghĩa là
Hội-Thánh của Đại-Đạo ngày nay rồi thì Thầy cũng phải ban quyền-hành trọn-vẹn
của Thầy cho hình-thể ấy, đặng đủ phương tận-độ chúng-sanh, còn các con cả thảy
đều đứng vào hàng sanh-chúng, dưới quyền-hành chuyển thế của đời, nghĩa là toàn
nhơn-loại đồng quyền cùng Thầy, mà tạo-hóa vạn-linh vốn là con-cái của Thầy,
vậy thì vạn-linh cũng có thể đoạt-vị vào hàng Thần, Thánh, Tiên, Phật đặng.
Trong quyền-hành ấy có nhiều đẳng-cấp, nên
khỏi phải chịu phẩm Người: ấy vậy Người là chủ-quyền của vạn-linh. Thầy nói rõ:
quyền Chí-Tôn là Thầy, quyền Vạn-linh là sanh-chúng, ngày nào quyền-lực
Chí-Tôn đặng hiệp một cùng Vạn-linh thì Đạo mới ra thiệt-tướng. Thầy đã
ban quyền-hành Chí-Tôn của Thầy cho hai đứa làm đầu Hội-Thánh là Giáo-Tông cùng
Hộ-Pháp. Vậy thì quyền-hành Chí-Tôn của Thầy đặng trọn-vẹn khi Giáo-Tông cùng
Hộ-Pháp hiệp một. Còn cả nhơn-loại thì là quyền lực Vạn-linh. Quyền-hành
Chí-Tôn của Thầy, duy có quyền-hành Vạn-linh đối-phó mà thôi.
Thái-Bạch hằng giận các con rằng: mọi điều
chi nó đã hiệp đồng cùng Hộ-Pháp mà ban-hành, thì các con lại còn khi lịnh mà
xem rẻ-rúng. Vậy thì từ đây hễ có mạng-lịnh chi đã đủ hai đứa nó hạ-truyền thì
các con phải hội đủ nhơn-sanh Hội-Thánh và Thượng-Hội mà xét nét cho cặn-kẽ phân-minh,
đặng thi hành phận-sự.
Thái-Bạch đã hứa cùng Thầy rằng, qua ngày
Tòa Tam-Giáo nữ-phái rồi, thì nó sẽ phong Thánh thêm nữa, Các con rán mà chìu
theo lòng nó nghe.
Thầy ban ơn cho các con.
Thăng
Bài số 2.
Tây Ninh (Phạm-Môn) 12 Février 1933
(29-12 Quí-Dậu)
BÁT NƯƠNG
Mầng nhau vì thấy giúp nên nhau,
Mầng Đạo từ đây đẹp vẻ màu.
Mầng xác chí-linh thêm mãnh-lực,
Mầng thần chơn-lý đặng danh cao.
Mầng duyên nhân-loại đường tu vững,
Mầng phước nguyên-hồn chẳng chút hao.
Mầng Đạo từ nay nâng thế-giới,
Mầng nền chánh-giáo trở thanh-cao.
Em an dạ, từ đây đã quan-kiến sự kết-cuộc
của Chí-Tôn đã định trước. Em nhớ lại, khi Ngọc-Hư định cho Hiệp-Thiên-Đài
cầm số-mạng nhơn-sanh, lập thành chánh-giáo, thì Đại-Từ-Phụ lại trở pháp, giao
quyền ấy cho Cửu-Trùng-Đài. Cả Ngọc-Hư Chư Thần, Thánh, Tiên, Phật đều
ngạc-nhiên sự lạ. Đại-Từ-Phụ phổ-giáo rằng: Hay, hay không lẽ để phận hèn,
ngày sau sẽ rõ thánh-ý Người quyết liệu.
LỤC NƯƠNG DIÊU TRÌ CUNG
Em chào mấy anh, em đương ở Ngự Quan-Cung,
Bát-Nương đến cho hay rằng mấy anh đương ngưỡng nghĩa, nên vội-vã đến hầu. Khi
mơi nầy em đặng tin lành: Ngọc-Hư lo chuyển pháp. Cả Thiên-thơ hủy phá, sửa-cải
pháp chơn-truyền. Chư Thần, Thánh, Tiên, Phật vui mừng chẳng xiết, Diêu-Trì
Từ-Mẫu đẹp dạ không cùng, nhưng vì cái mừng ấy mà làm cho Người đổ-lụy ngâm
bài than nầy:
Vú mẹ chưa lìa đám trẻ con,
Độ sanh chưa rõ phận vuông tròn.
Quyền cao Ngự-Mã là vinh bấy,
Phận mỏng Hiệp-Thiên biết giữ còn.
Lợt điểm Thánh tâm trần-tục khảo,
Vẻ tươi bợn thế nét dò-đon.
Thà xưa ví bẵng nay gìn vậy,
Lòng mẹ ngại-ngùng con hởi con!
Nhị-Ca ôi! Bài thi làm cho cả cung
Diêu-Trì đều đổ lụy. Mấy anh nên lấy nó làm phép hằng tâm, thì bước vinh-diệu
thiêng-liêng không lạc nẻo. Anh Qu...
Th..., lịnh Quan-Âm dạy anh ẩn-nhẫn, đợi Người lo giúp.
Thăng (hết)
KNS phân tích về sự trở pháp: Xin
xem bài Giáo Tông cầm quyền Chí Tôn tại thế.
Bài số 3.
Đức Hộ Pháp: Ngày 15 - 8 - Quí Dậu
(dl 4 - 10 - 1933).
Tại Tòa Thánh Tây Ninh.
(BÀI NẦY DÀI HƠN 30 TRANG DO VẬY
CHÚNG TÔI XIN TRÍCH ĐOẠN NHỮNG LỜI DẠY MẬT THIẾT VỚI ĐỀ TÀI)
…
Hễ có kiến thì có thức, kiến thức là căn
bổn của trí thức tinh thần. Muốn kiến thì nhờ nhãn, muốn thức thì nhờ trí. Ấy
vậy, lương tâm (gọi là linh tâm hay chơn linh) là Thiên Nhãn của trí thức loài
người. Vì cớ mà Đại Từ Phụ dạy thờ Thiên Nhãn.
Thiên Nhãn là hình trạng của lương tâm
toàn thể, làm nền móng cho Cao Đài, nghĩa là đền thờ cao trọng hay là đức tin
lớn của Chí Tôn tại thế nầy, y như hai câu thi của Đức Chưởng Đạo Nguyệt Tâm
(Victor Hugo):
L’ oeil mystique seul verra la religion
nouvelle,
La grande foi gite dans la conscience
universelle.
Có Thiên Nhãn mới tường chánh giáo,
Tin Cao Đài do đạo lương tâm.
Thờ Thiên Nhãn là thờ tánh mạng mình và
Chí Tôn, nghĩa là thờ lương tâm của toàn thiên hạ (Le culte de la conscience).
Bần đạo đã luận rằng, cả đạo mạch cốt yếu
giác mê chúng sanh qui bổn thiện, nhưng bổn thiện của thế gian ngày nay lửng
đửng lờ đờ dường mê mẩn giấc nồng vật dục.
Đời tỉ như người say ngủ, mơ màng trong ảo
mộng Nam Kha, các tôn giáo dùng phương chước đặng kêu thức tỉnh: ông thì lo
quạt nồng đấp lạnh, chờ đã giấc tỉnh hồn, ông thì vỗ đít đặng giựt mình, ông
lại chỏ miệng bên tai kêu dậy, ông lại thổi lỗ mũi đặng dứt ngơi, ông bỏ vật
nồng vào miệng đặng cho thức nhấp.
Còn Đại Từ Phụ đến tạo Đạo ngày nay thì tỉ
như Thầy cầm nơi tay một ngọn đèn rực rỡ quang minh (là chơn linh) mà soi vào
mắt phàm tâm kêu định tỉnh.
Hại những nỗi tà vạy, xảo trá, gian ngược,
hung bạo, tàn nhẫn, đã gây oán chác thù, vì tâm ác chất chứa tràn đời nên các
đạo khó mong qui thiện.
Đại Từ Phụ đến mở mắt linh hồn của chúng
ta rồi lại biểu ta xem coi thế sự đã thế nào, lại nhủ rằng, muốn trừ khổ của
nhơn sanh, các con ráng qui nguyên bổn thiện, nên Thầy mới dụng bác ái từ bi
làm cơ quan chuyển thế.
Thầy trao phẩm vị thiêng liêng làm thưởng
vật, lại giao thiện giáo gọi bổn căn: Thiên vị thì để thế truyền, thiện tâm nêu
bí pháp.
Bởi cớ nên Thầy dạy Bần đạo tạo linh bài
đặng thúc giục thế gian hành thiện.
Chương trình ban thưởng sẽ nấy cho quyền
vạn linh định đoạt.
Bất cứ dân tộc nước nào, chẳng kể bổn đạo
hay là ngoại đạo, đã tận tâm phước thiện, dâng công ích cho chúng sanh. Hễ có
ba Hội là Thượng Hội, Hội Thánh và Hội Nhơn Sanh đã nhìn nhận rằng, có công cả
với xã hội nhơn quần và đã đặng Giáo Tông phê chuẩn thì HTĐ ban linh bài đẳng
vị thiêng liêng.
Kỳ dư mấy vị Chức sắc Thiên phong đủ bằng
chứng lụy mình vì Đạo thì quyền Chí Tôn (nghĩa là Giáo Tông và Hộ Pháp hiệp
đồng) mới ban thưởng ân phong công nghiệp.
Những các hạng phẩm linh bài kể ra sau
đây:
1. Thính thiện.
2. Hành Thiện.
3. Giáo Thiện
4. Chí Thiện
5. Đạo Nhơn.
6. Chơn Nhơn.
7. Hiền Nhơn.
8. Thánh Nhơn.
9. Tiên Tử
10. Phật Tử.
Từ bậc Thính Thiện tới phẩm Chơn Nhơn thì
phận sự thật hành Thể pháp đặng giúp ích cho Hội Thánh về phương truyền giáo,
nên hiệp một với Cửu Trùng Đài. Tuy các Ngài không quyền chức đặc biệt thì mặc
dầu, mà quyền hành thiêng liêng đạo đức của mỗi người đã đào tạo tự nhiên phẩm
trật.
Không phân biệt tôn giáo nào tất cả, những
Đấng Đạo Nhơn tu theo Phật giáo, Tiên giáo, Thánh giáo, Thần giáo, Nho giáo,
cùng là các tôn giáo khác nữa, nói cho cùng là các Chi Phái tả đạo bàng môn mà
đã hữu công cùng chúng sanh, lại có quyền Vạn linh cầu thưởng và quyền Chí Tôn
công nhận thì họ cũng đặng đồng quyền đồng thể cùng Chức sắc Cửu Trùng Đài,
đặng giáo hóa chơn truyền phổ độ.
Từ bậc Hiền Nhơn tới Phật Tử, thì lo bảo
thủ Bí pháp tâm truyền và nhập cùng Hiệp Thiên Đài làm một. Chức trách của mấy
vị nầy cũng không phân biệt tôn giáo nào, hoặc là tu hay là không tu, quyền Vạn
linh và quyền Chí Tôn đã công nhận cho rằng đáng phẩm thì cũng đặng đồng thể
đồng quyền cùng Chức sắc HTĐ, chung nắm quyền hành luật pháp.
Ấy là lời ước thuyết, còn chương trình
quyết định, khi quyền Vạn linh và quyền Chí Tôn phê chuẩn rồi thì Hội Thánh sẽ
tuyên bố ban hành.
Vậy thì Đại Từ Phụ đến khai Tam Kỳ Phổ Độ
có đem theo một gia nghiệp thiêng liêng xuống thế, rồi nắm tay các bậc lương
sanh mà dắt đến một nơi vinh diệu, lại bảo rằng: Các con phải leo cho thấu trên
chót Đài Cao nầy cùng Thầy đặng xem toàn thể của địa hoàn, ngó cho chường, suy
cho quyết, rồi chung tâm hiệp trí cùng Thầy lo liệu bề chuyển thế.
Đại Từ Phụ còn giao nơi tay của chúng ta
những phần thưởng hữu hình và quyền lực thiêng liêng của Thầy đã sẵn sàng dành
để mà nhủ rằng:
“Của cải nầy đủ thế lực cám dỗ nhơn sanh
qui hồi Bổn thiện”.
Thừa tánh tham của phù du thế tục, các con
trao phẩm vị thiêng liêng. Do tâm dữ tranh quyền lộc công danh, các con đổi Chí
linh Bổn thiện.
Cơ quan cứu khổ chúng sanh cũng do nơi đó.
Chúng ta phải tưởng tượng lại coi Ngũ Chi
Đại Đạo là Phật giáo, Tiên giáo, Thánh giáo, Thần giáo và Nho giáo bây chừ
chẳng khác nào như ngũ mã tranh tiên, còn Thầy đến bảo ta làm Chủ khảo.
Ông chủ khảo không phải là Mã Ôn, mà Mã Ôn
thế nào làm chủ khảo, nên chúng ta không tùng một đạo giáo nào mà hành chánh
pháp của Chí Tôn, chỉ nắm chặt chủ quyền ngồi phán đoán, đặng nâng cao giá trị
của Phật pháp hiệp chơn truyền, mới vẹn tiếng chấn hưng Phật đạo.
Dầu hồi buổi chưa tu, chúng ta đã chán
thấy sự hay dở của Ngũ Chi Đại Đạo là thế nào và cũng thấu rõ lẽ chánh tà của
kẻ cầm quyền hành đạo. Chẳng cần để luận những Chi tả đạo bàng môn, dầu chánh
pháp chơn truyền mà đời chế giảm sửa đương cũng đã thành phàm giáo.
Ta đã lãnh vai làm chủ khảo, thì buộc mắt
ta phải xem cho chánh, tai phải nghe cho chánh, miệng ta phải nói cho chánh,
thân ta phải làm cho chánh, trí ta phải định cho chánh, tâm ta phải giữ cho
chánh, thì mới đủ quyền hành cầm cân công bình thưởng phạt thiêng liêng, hiệp
tâm lý đặng qui nguyên phục nhứt.
Kìa chúng ta đã thấy chán chường dưới mắt
những điều lưu hại của tả đạo bàng môn : Hoặc là theo Nho tông, thay vì quạt
nồng đấp lạnh cho đời, lại nhốt dân chúng vào hòm chôn sống, hay là quăng vào
nơi tuyết giá lầm than; hoặc là theo Thần giáo, thay vì lo giục thức tỉnh người
đời, lại sát phạt ra trường lưu huyết; hoặc là theo Thánh giáo, thay vì kêu
thức tỉnh người đời lại để miệng buông lời chửi rủa; hoặc là học theo Tiên
giáo, thay vì hòa giải cho an ổn tâm đời, lại tính kế đồ mưu giục loạn; hoặc là
theo Phật giáo, thay vì tùng phương giải khổ, lại tăng thêm sầu thảm của chúng
sanh.
Một trường náo nhiệt đua tranh, xem mặt
Đạo còn hơn mặt thế.
Chúng ta đã chán ngán những xảo mị của đời
nên quyết tầm chơn, nương theo Từ Phụ.
Bần đạo thấy đặng một lẽ phi thường không
phương hiểu, nghĩa là những trang đạo đức lại có sẵn tâm tu, đã hưởng mùi chánh
giáo của Chí Tôn mà còn thối gót phục tùng tả đạo.
Thật là làm chủ không muốn, làm tớ lại vừa
lòng, tâm lý nhơn sanh vốn không cùng đoán.
Thầy đã tuyển chọn các bậc lương sanh, lập
nên Hội Thánh đặng làm hình thể của Thầy, ban cho đủ uy linh quyền thế, làm cho
Hội Thánh đủ quí hóa cao trọng đặng đáng mặt làm thầy, lập luật pháp, tuyển
hiền tài, định quyền hành, phân đẳng cấp, nhứt là luật pháp thì thật là một cơ
quan độc thiện làm cho hòa nhã liên lạc cả con cái của Thầy, hầu giảm hại chia
phe lập phái. (Thầy đã nói: Kẻ nào chia phe lập phái là kẻ thù nghịch của
Thầy.) Hễ thù địch của Thầy tức là thù địch của nhơn sanh, mà thù địch
của nhơn sanh ấy là thù địch của toàn Hội Thánh.
Đối với thù địch xưa nay, tâm phàm vốn ít
hay thiện xử. Vậy thì sự thù oán nghịch lẫn của vài vị Thiên phong trong Hội
Thánh gẫm cũng thường tình. Xin mấy vị rộng nghe ráng hiểu.
Nào dè những cơ quan pháp luật, thay vì buộc
con cái của Thầy chung hiệp cùng nhau, lại đào tạo quyền hành quí trọng nên mùi
thơm, giục cho sanh chúng tranh giành, làm cửa Đạo biến thành trường náo nhiệt.
Ôi! Sự thất vọng của Thầy rất nên
thê thảm!
Hại thay mới 8 năm truyền giáo, nên nhơn
sanh chưa đủ thông luật Đạo cho cùng, bị cám dỗ nên nghe lời xảo lảo của kẻ bất
lương, giúp thế lực cho tà tâm xô chánh giáo.
Thật ra thì nhơn sanh ngày nay còn theo
người chớ chưa theo Thầy, nghe Chức sắc chớ không nghe Đạo. Nếu chúng sanh theo
người thì là theo phàm tâm, mà phàm tâm vốn một người một thể, dầu cho tánh đức
của mấy vị Giáo chủ cũng chẳng phù hợp nhau nên sanh hại chia phe lập phái.
Bần đạo thử hỏi, thoảng như Đạo phải cô
thế điêu tàn, tội trọng ấy đổ cho ai gánh?
Của cải của Trời cho nhơn sanh, nhơn sanh
chê, nhơn sanh đốt thì nhơn sanh chịu. Báu của ai phòng để dạ giữ gìn, còn của
thế mà mất đi cũng thế, miễn cho kẻ tà tâm có thế lực đôi hồi, loạn Hội Thánh
đoạt vị ngôi là thỏa vọng. (Ấy là học theo truyện Tề Thiên loạn Thiên cung
đặng nài chức Bậc Mã Ôn).
Chẳng biết những người tâm đạo
mới nghĩ ra sao?
Nè chư Đạo hữu lưỡng phái,
Xin nhớ rằng Đạo là của chung cả chúng
sanh, dầu cho ai thù ai oán, ai giận ai hờn, mưu hại lẫn nhau cũng trối kệ, chớ
vì thù oán giận hờn, ai ra tay độc phá nền Đạo thì người ấy là tội nhân của
toàn sanh chúng đa nghe.
Bần đạo hằng đặng tin tức của mấy tỉnh Hậu
giang cho hay rằng nhiều tay phản Đạo, đi khắp nơi kích bác Pháp Chánh Truyền,
lại dối gạt Pháp Chánh Truyền đầy nỗi hại.
Có nhiều Đạo hữu phản kháng hỏi: Hại tại
nơi đâu? Thì kẻ phản Đạo không phương giải rõ.
Bần đạo cũng bắt chước hỏi: Hại tại
chỗ nào?
Á phải! Có hại thật, thật có hại cho
quyền Hội Thánh, vì Bần đạo ban rộng rãi cho nhơn sanh đủ thế lực quyền hành
dám kháng cự cùng quyền Hội Thánh.
Hỏi: Người đồ mưu kích bác Pháp Chánh
Truyền là ai ? - Có phải một vị đại Thiên phong của Hội Thánh và những
Chức sắc phe đảng của Ngài. Chư Đạo hữu chư Đạo muội lưỡng phái tìm hiểu cho
cùng thì biết rõ ràng chơn lý.
(Ôi! Ai đã để hy vọng một ngày kia
làm chúa cả của toàn nền Đạo thì cũng lo giảm thế lực của nhơn sanh đặng dễ dỗ
dễ tranh, hầu lợi dụng lấy quyền công cử. Ấy cũng là phàm kế mà thôi.)
Cái hại thật của Hội Thánh là tại sao cho
Chánh Trị Sự một quyền hành cùng phẩm Đầu Sư nơi địa phận một làng sở tại, còn
Thông Sự một quyền Hộ Pháp, Phó Trị Sự lại giống Giáo Tông, song hành chánh nội
trong một xóm.
Lại nữa, Đạo chia ra ba quyền đặc biệt:
* Quyền Nhơn sanh : là từ phẩm Lễ Sanh,
Chánh Trị Sự, Phó Trị Sự, Thông Sự và cả phái viên toàn đạo hiệp đồng định luật
lịnh phục hành Thể pháp. Chánh Phối Sư phái Thượng làm Chủ tọa. Hội nầy có hai
vị Chức sắc Cửu Trùng Đài và Hiệp Thiên Đài dự hội.
* Quyền Hội Thánh : là Hiệp Thiên Đài thì
Thập nhị Thời Quân, Cửu Trùng Đài thì từ phẩm Chánh Phối Sư, Phối Sư, Giáo Sư
và Giáo Hữu thì vâng luật pháp thi hành chánh trị, Chánh Phối Sư phái Thái làm
Chủ tọa hội nầy.
* Quyền Thượng Hội: là HTĐ thì Hộ Pháp.
Thượng Phẩm, Thượng Sanh; Cửu Trùng Đài thì Giáo Tông, Chưởng Pháp và Đầu Sư,
cầm luật pháp điều hòa đạo mạch. Thượng Hội không quyền sửa trị, duy thi hành
luật lịnh Chí Tôn, kỳ dư khi nào Hội Thánh và Hội Nhơn Sanh phản khắc cùng nhau
làm nền Đạo chinh nghiêng nguy hiểm thì Đầu Sư mới đặng thống quyền nắm
Đạo pháp thi hành chánh trị. (Quyền Thống nhứt phải có đủ quyền Vạn linh và
quyền Chí Tôn hiệp đồng ban cho mới đặng). Hội nầy của quyền Chí Tôn (là Giáo
Tông và Hộ Pháp) làm Chủ tọa.
Trừ hai vị Đại Thiên phong là Giáo Tông và
Hộ Pháp đã thay quyền Chí Tôn tại thế ra, cả ba Hội công đồng mới có quyền Vạn
linh đủ phép.
Ấy vậy, Đạo có Quyền Vạn linh chớ không có
Hội Vạn linh.
Chư Đạo hữu lưỡng phái biết đặng luật nầy
thì sao cũng buồn cười cho Hội Vạn linh của Quyền Ngọc Đầu Sư buổi nọ! (Ngọc
Trang Thanh, Lê Bá Trang).
Vậy thì Hội Nhơn sanh là một quyền lực của
Vạn linh, nếu không phân trách nhậm công bình, thiếu phương thế mong chi giữ
pháp.
Ôi! Nhiều Đạo đã khi rẻ chúng sanh
và chúng sanh chê Đạo cũng bởi thiếu cơ quan nầy mà chớ.
Bần đạo nhớ lại khi ban hành Pháp Chánh
Truyền thì làm cho nhiều vị Thiên phong Cửu Trùng Đài thất chí, nhứt là Cụ Lớn.
Bần đạo mới nói trên đây, đã sai một vị
kia ra lập phái đặng kích bác chơn truyền, hầu đánh đổ quyền hành Chánh
Trị Sự, Phó Trị Sự và Thông Sự, nghĩa là quyền nhơn sanh cho tận diệt. May thay
có Chí Tôn phò trợ nên không kết quả chút nào và nghe ra Chi phái ấy ngày nay
đã tan tành rời rã.
Bần đạo nghĩ cũng nực cười vì họ cũng có
thế dỗ dành cho tín đồ lầm lạc, thật là họ dụng phản gián mưu sâu đặng xúi nhơn
sanh tự vận.
Đảng phái ấy đã cả gan dám lột cổ pháp và
cổi sắc lịnh một vị Trị Sự đương bận hành lễ, liệng trước mặt của đông người,
mà sao nhiều vị tín đồ cũng không hiểu nghĩa.
Bần đạo khổ thân nhọc trí, càng lo bảo hộ
quyền thế của mỗi người, càng bị nhiều kẻ đồ mưu xúi người ơn đem trả oán.
Thiệt tâm lý của người đời rất nên ghê gớm.
Đạo là Đạo, mà ai cũng Đạo.
Thể pháp (nghĩa là ngoại dung) thì buộc,
nào là phẩm, nào là quyền hành, chớ trước Bí pháp (nghĩa là nội dung) cả con
cái của Chí Tôn đồng một bực.
Không phân lớn nhỏ, chẳng kể sang hèn,
hình tướng Chí Linh vẫn đồng một thể.
Bần đạo hằng nghe mấy vị Chức việc mấy Họ
Đạo Lục Tỉnh than rằng: Phận thiệt thòi nên không dám trèo đèo luận biện với Bề
trên Chức sắc.
Bần đạo xin tỏ rằng: Duy bậc phẩm hèn của
Đạo mới dày công nghiệp với Chí Tôn, còn có công nghiệp thì có đủ quyền hành,
có quyền hành thì có tự do ngôn luận. Cũng vì chư Đạo hữu trong Hội Nhơn Sanh
chưa hiểu rõ quyền hành nên Chức Sắc Thiên Phong lộng phép. (Xin chư Đạo hữu
lưỡng phái đọc luật cho thường, rồi kiếm hiểu).
Chúng ta chưa hề đã để ý định cho mình mẩy
tay chơn của châu thân ta mỗi phần giá, vì lớn nhỏ cũng đồng cốt nhục, dầu
trọng khinh cũng cùng một thể thân, lễ nghi kia để dỗ mắt phàm, phẩm vị nọ giục
ham bụng thế.
Chí Tôn đã dạy rằng, phải tùy theo phong
hóa của các sắc dân sanh mà truyền giáo, thì người cũng tùy Nhơn đạo lập chơn
truyền, bởi ta tham trọng thế lớn quyền, Thầy mới tạo ngôi Tiên vị Phật.
Đại Từ Phụ một hôm kia than cùng Bần đạo
rằng: Thầy không phương nào đến cùng các con khác hơn cơ bút. Thầy còn phải trụ
tinh ba chơn truyền của Ngũ Chi Đại Đạo lại mà làm cho chúng sanh hiểu Đạo đặng
dễ dàng nên phải dụng bút cơ giáo hóa.
Hễ mọi điều chi có hữu ích thì có hữu hại.
“Sau nầy Thầy e cho cơ bút sẽ hại cho nhơn
sanh mê tín dị đoan cũng bởi vì ưa ham phẩm vị. Nào là thành Tiên hiển Phật,
nào là xưng Thánh hô Thần, xúi tục tánh ham gần mộng mị.”
Lời tiên tri nầy ngày nay kết
quả.
Ta thử thầm hỏi lấy tâm ta rằng: Đại Từ
Phụ muốn cho ta ra phận sự gì? Nó ắt trả lời: Thế thì Thầy muốn cho ta thiện
niệm thiện hành, thiện tu thiện giáo, đặng nêu gương cảm hóa người đời, còn làm
trái hẳn tôn chỉ cao thượng của Thầy mà gieo ác thì là kế Quỉ vương giục loạn.
Hành đạo là khó, mà bảo chơn lại càng khó,
bởi đó mà phận sự của Hội Thánh rất nên yếu trọng. Nầy là mặt luật, nọ là nhơn
tâm, vẫn đôi bên phản khắc. Nếu muốn đắc nhơn tâm phải phế vong mặt luật, còn
như thi hành chánh luật ắt là thất nhơn tâm, hỏi Hội Thánh phải hành pháp thể
nào đặng vừa lòng công chúng?
Phải theo công chúng bỏ chơn truyền hay là
nắm chơn truyền đặng hành quyền cùng công chúng?
Phải quấy để lòng người suy gẫm, Bần đạo
không minh luận ra đây.
Sự vừa lòng công chúng đã hại nhiều tôn
giáo chơn chánh qui phàm, chúng ta nên noi gương ấy mà tùng theo, hay là phải
tìm đường xa lánh?
Còn như không vừa theo công chúng, người
chê bai xa lánh Đạo mới sao?
Thật là khổ! Phải cho có đủ khôn
ngoan trí thức thiêng liêng mới tìm thấy trung dung Đại Đạo.
Hạng phẩm và trách nhậm đặc biệt phân minh
của Hội Thánh có nên để cho rối loạn cùng chăng?
Nếu trật tự không vững gìn, dầu Chí Tôn có
cho Hội Thánh quyền hành cao trọng thể nào, Đạo rẻ giá bất năng vô ích.
Luật pháp cốt để giữ nghiêm trật tự của
Chức sắc Thiên phong biết phận sự mình, hiểu phẩm hạnh mình, đủ thể diện bảo an
Hội Thánh.
Hỏi những tay đã đồ mưu phá tiêu pháp luật
ở nội tâm muốn tính điều gì? Bần đạo tưởng chắc cả thảy Đạo hữu lưỡng
phái nam nữ đều đồng ý đồng thinh mà trả lời rằng: Họ quyết chắc tìm phương
diệt Đạo.
Thật phải vậy đó chút. Hễ phá pháp luật là
phá giá trị của Hội Thánh, mà Hội Thánh mất giá trị thì Đạo phải điêu tàn tiêu
diệt. Bần đạo tưởng muốn hại Đạo, không có thế nào hay hơn là phá tiêu pháp
luật.
Hiệp Thiên Đài là cơ quan bảo thủ chơn
truyền có nên để cho Chức sắc lộng quyền phá tiêu pháp luật hay không?
Bần đạo để cho chúng sanh định lý mà trả lời giùm, chớ ngòi bút của kẻ biết tu
chẳng nỡ để câu ác luận. Chức sắc Thiên phong cốt để thi hành luật pháp, chớ
chẳng phải nương chánh giáo đặng làm quyền. Hễ vị nào lập thế lực riêng thì vị
ấy tự nhiên lộng pháp.
Bần đạo hằng nghe văng vẳng bên tai những
tiếng thị phi ác cảm rằng: Bần đạo binh người nầy, vì kẻ nọ, mà không thấu rõ
đủ bằng cớ binh vì.
Đã hai phen chung chịu, trước kia với Cao
Thượng Phẩm, sau nầy với Quyền Giáo Tông, Bần đạo bị khép vào án đồng lõa đồng
tình hay là án bất minh tư vị. Ôi! Miệng mối lưỡi lằn không phương giải nghĩa.
Nhơn sanh chỉn thấy đặng bóng dáng phương
ngoài mà nghị luận, nào biệt phân đặng binh luật pháp với binh người, lẽ thiệt
hư nếu hiểu lý cùng noi thì thấy vì Đạo chớ không vì mị.
Bần đạo đã cầm luật pháp nơi Hiệp Thiên
Đài đặng bảo an Hội Thánh thì những người xâm phạm luật pháp, lạm dụng Đạo
quyền phải đi ngang qua mặt Bần đạo hành quyền trước đã, rồi mới toan rối loạn
chơn truyền, sanh chiến tranh phấn đấu tự nhiên, thắng Bần đạo mới mong hại
Đạo.
Hại thay! Thật ra cũng có lắm kẻ tà
tâm, may nương cội Đạo đã làm điều tồi tệ đắc tội với nhơn sanh, lại lạm hưởng
phận sự bảo hộ Hội Thánh của Bần đạo phải thi hành nên hại Bần đạo nhiều phen
phải cùng chung nhục nhã.
Ôi! Phận sự cầm cân công bình thiêng
liêng của Chí Tôn tại thế, vốn không phải dễ. Hễ muốn trọng hồn thì phải nghiêm
trừng xác thịt, mà nghiêm trừng xác thịt vốn là phương kết oán gây thù, còn
trọng xác thịt, rộng thứ dung thì linh hồn sẽ tự nhiên sa đọa, mà để các đẳng
linh hồn sa đọa thì lại đắc tội cùng Thầy.
Làm cho vẹn phận sự khó thôi rất khó!
Trách nhậm yếu trọng ấy, chẳng phải ngồi
lim dim ngủ gục mà làm cho Đạo bành trướng cả thể dường nầy. Bần đạo nhớ lại
buổi trước Đạo còn sơ khai hỗn độn, Chí Tôn lại rộng mở cửa đặng chực rước
chúng sanh, các tôn giáo các đạo chi rần rần rộ rộ, lộn xộn lao xao, kẻ thì bán
bí pháp, người tụng mướn kinh, hại chánh giáo chơn truyền một lúc chịu ô danh
trược diện.
Lo sửa sang chỉnh đốn mấy năm trường thôi
đã hết hơi, dân Việt Nam mê tín khắp nơi nơi, nào bóng nào chàng, nào đồng nào
cốt, nào bùa Tiên nào phép Phật, đã đặng hồi đắc giá chợ đông người, bán mắc rẻ
kiếm lời, lường gạt thế.
Khi ở Thủ Đức trở về Tòa Thánh thì thấy
nào là kẻ theo ông Ngọc Lịch Nguyệt, học trì thoàn niệm chuỗi từ bi, ngồi lần
hột lim dim ngủ gục; nào người thì theo làm học trò ông Giác Hải (Hòa Thượng
Như Nhãn) đánh mõ chuông tụng mãi Di-Đà, ngoài Thánh địa thì đồng cốt lên xưng
quỉ gọi ma, còn Chức sắc xúm giành nhà giựt đất.
Bần đạo cố gắng lo trừ khử đặng bảo thủ
chơn truyền, trót mấy năm tà pháp vừa yên, kế Chức sắc tranh quyền lấn chức.
Bần đạo cũng chẳng vì khen mà ham, mà cũng
chẳng vì chê mà thối chí, sự buồn vui đã chán ngán với tuồng đời, chẳng còn sót
điều chi rằng thú vị, nay đã dâng trọn tâm hồn cùng xác thịt cho Đại Từ Phụ, sự
oán thù đã vô giá trị với thường tình, chẳng sợ khinh, không cầu trọng.
Vị nể ai? Vị nể đặng làm gì?
Ngảnh lại đời thấy quí là chi, đặng mưu
lợi phòng khi vị nể. Ấy vậy, đời không mến, thế không ưa, còn sót lại chi hay
thân buộc trói.
Thế thường nói: Để cho người mà xử người
thì chưa hề có công bình chánh đáng. Phải biết tận tâm lý và hiểu trọn hành vi
của người thì mới định đặng công bình tội phước.
…
Hội Thánh Đại Đạo ngày nay cũng thế, nỗi
thảm khổ của Chức sắc Thiên phong mấy ai thấy rõ, phòng để luận cho công, nhờ
Chí Tôn nung trí giục lòng, bằng chẳng vậy khó mong thành Đạo. Nỗi cơ đời ép
bức, nỗi phận sự khó khăn, lo bảo tồn cả triệu sanh linh, khỏi khổ hạnh vốn
không phải dễ.
Bần đạo coi lại những kẻ để lòng gieo ác
cảm, đều là người trốn lánh phận mình, Đạo không nên mà đời cũng chưa đủ, xúm
vầy đoàn kết lũ hại người lành, hay là tay ghét ngõ ganh hiền, cứ xúm ngõ
kim tiền hô kiếm trộm, cùng những trang Chức sắc lo mua tiếng cầu danh,
miếng đỉnh chung tính bỏ không đành, còn quyền Đạo cũng tranh cũng lấn. Cả thảy
chưa dâng công cho Đạo, chỉ lấy tiếng bua danh, những vị ấy có hửi cái khổ của
Hội Thánh là dường nào mà xử định phân minh mùi vị?
Bần đạo đã trót 8 năm chầy, lao tâm tiêu
tứ, lo tìm phương bảo thủ chơn truyền, hằng bị nỗi khó khăn gay trở. Trong thì
Chức sắc Thiên phong nghịch lẫn, ngoài tà quyền kiếm thế ép đè, khổ nhọc trăm
bề, gian nan khó nói.
Nào là mưu giục loạn, nào là kế phân tâm,
dẹp sự nọ, biến điều kia, khuyên hờn nầy sanh oán khác.
Nào là tiếng gièm pha miệng thế, nào là
lời kích bác phái tà, làm nghiêng ngửa Đạo tâm, hại chia phui Hội Thánh. Tội
nghiệp thay, có nhiều vị Thiên phong Chức sắc chịu không kham hổ nhục của ác
đời, cực chẳng đã phải kiếm chước lui chơn, lập thế lực lo phương hành Đạo.
Thật sự rối rắm của Đạo là do nơi trở cảnh
mà biến thành, chớ chẳng ai nỡ cố tâm hại Đạo.
Cuộc bất hiệp tác đã nảy sanh ra trong
hàng Đại Thiên phong cầm quyền hành chánh, đều tại không đồng ý đồng tình, trên
không biết dưới, dưới chẳng hiểu trên, sự hành động bất hòa mới sanh nghịch
lẫn.
Ông thì lo tìm phương giải ách, ông lại
toan lập thế phổ thông, hao của nhọc công, muôn điều khổ nhọc. Nếu quả nhiên có
tâm hại Đạo thì còn lo vụ tất vẻ lịch xinh chánh giáo mà làm gì, cho bị dể
bị khi, thêm lao tâm tổn trí. Dầu mấy vị vì danh vì thể, lo xui mưu làm loạn đặng
tụ phái lập phe đi nữa, cũng có công giúp ích chơn truyền, nơi khổ hải đóng
thuyền ra tế độ.
Ấy vậy, thiệt nhục cho Bần đạo là không
phương làm hòa nhã cả Chức sắc Thiên phong, để mếch dạ chênh lòng, mới gieo
phiền kết hận, song xét cho cạn lẽ, thì nhơn tâm biến cải, dầu Thánh nhơn cũng
khó nỗi ngừa, hễ xảo ngữ vốn dễ nghe, còn thiệt ngôn hay nặng dạ. Chẳng biết
người đạo đức ở thế nào cho thiên hạ vừa lòng. Hèn chi Phật tỉ đời như Thất đầu
xà, nghĩa là hình trạng thất tình phàm thể.
Chớ chi Đại Từ Phụ ban cho Bần đạo phương
thế nào mà làm cho chư Đại Thiên phong yếu trọng của Hội Thánh bớt để tai nghe
lời siểm nịnh của đám tà, thì nền Đạo chẳng đâu ra nông nỗi.
Người muốn nên cho Đạo thì phần ít, còn kẻ
giục hư lại vốn phần nhiều, vì những tánh nết tự kiêu, vì đầy lòng ganh ghét.
Bần đạo xin thưa cho chư Đạo huynh chư Đạo
tỷ cùng chư Đạo hữu nam nữ lưỡng phái một điều nầy:
Chúng ta tu hay là không tu. Nếu như tu
thì phải hiền, như còn muốn dữ thà bước cho xa cửa Đạo.
Chúng ta đã lãnh phận sự đặc biệt và yếu
trọng là cảm hóa thế nào cho đời đã tệ hóa ra hay, người bạo tàn hóa ra hiền
ngõ. Nếu còn nêu gương tàn nhẫn thì khuyến giáo đặng ai, cứ mong lòng tranh trí
lấn tài, ắt tàn hại cái hay đạo đức.
Sở vọng của Đạo cốt yếu là làm cho thiên
hạ thương yêu, vì sự thương yêu là một quyền hành độc thiện, mà chư Chức sắc
thay vì yêu thương lại chọc cho hờn cho ghét, thì hành vi ngược ngạo biết là
bao! (Đạo thiên hạ đã ghét rồi đa, làm thế nào cho thương đặng mới là hay, còn
hại ghét hoài ra thường sự).
Bần đạo để lời tâm huyết nầy:
Chúng ta đã chung khổ cùng nhau tạo thành
nền Đạo, dầu không tình cũng nghĩa, dầu bỏ nghĩa còn công, đã 8 năm khổ hạnh
chia đồng, hóa giọt thảm mặn nồng bằng cốt nhục. Nay vừa đặng mảy may hạnh
phúc, nỡ nào còn cân nhục so vinh, nên cũng mình mà hư ấy tại mình, trọng là
thế, khinh kia cũng thế. Đời tồi tệ miệng còn nói lễ, Đạo dường bao chẳng kể
tôn ti, nếu ta bày ra tiếng thị phi, biểu sao chúng chẳng khi chẳng dể, cùng
nhau đã đồng minh đồng thệ, của thiêng liêng huynh đệ nên nghì, hơn mà chi thua
ấy là chi, mưu hại lẫn nhau vì cừu hận, ráng giữ chặt tánh hờn nét giận, ngọn
hỏa tâm thiêu tận đền thờ, Đạo sử ghi kiếp kiếp để nhơ, nơi cửa Thánh ơ hờ hóa
quỉ, bớt nghe hồ mị, theo Đấng Chí Tôn, sống sót kia xin ngó đến hồn, đừng đợi
thác thây chôn để trược.
Độ tâm lý không cân không thước, lấy tinh
thần làm chước làm mưu, tâm là bình Bát vu, đức là cây Phất chủ, hạnh là bộ
Xuân Thu, trối kệ đời khen trí chê ngu, đã tự chủ trí ngu tự hiểu, lấy tánh đức
từ bi làm kiểu, đưa ân hồng dìu níu tay phàm, mặc ai còn danh mến lợi ham, trối
kệ những tước ham quyền chuộng, mồi chung đỉnh đủ nhàm ưa muốn, mỏi quì lên cúi
xuống cửa công khanh, còn chi hay phòng giựt phòng giành, có chi trọng phỏng
tranh phỏng lấn.
Chúng ta ví biết mình cho cùng tận, thì
hằng ngày nên hỏi lại mình rằng: Phải Đại Từ Phụ mượn xác thịt của ta đặng thay
hình thể của Người hay chăng?
Nếu lương tâm đã cho phận sự ta để thay
thế cho Thầy thì chúng ta phải tùng phương châm của Thầy, bắt chước y nguyên,
đừng sai một vẻ, mới mong tụ họp con cái của Thầy chun vào cửa Đạo, bằng chẳng
thì thà thối bước ra khỏi Thánh Thể của Thầy hơn ở lại làm nhơ làm trược.
Vậy Bần đạo cả tiếng kêu những người đã
một lỡ hai lầm và những bậc xả thân vì Đạo, phải hiệp tâm hiệp trí cùng nhau,
chỉ ngó một mình Thầy làm đường chơn thật, rồi tha thứ nhau hay là giúp đỡ lẫn
nhau đặng tròn phận sự cùng Thầy hầu làm gương báu cho đời, tìm chí thiện do
tình lẫn ái.
Vậy chúng ta đồng lực lại với nhau đặng un
đúc nền Đạo cho chắc chắn và tạo Đền Thờ của Thầy cho trang nghiêm mỹ lệ đặng
qui hồi cả chúng sanh vào nơi lòng thương yêu vô tận của Chí Tôn mà làm cho
thân hình của Người khỏi chia phui rời rã.
Nếu mấy lời tâm huyết nầy không lọt
vào tai của chư vị yếu nhơn của Đạo thì Bần đạo sẽ đợi xem cho toàn sự hành
động của mỗi người, rồi tuyên bố cho cả chúng sanh thấu đáo./.
Bài số 4.
ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ÐỘ |
(Ðệ Cửu Niên) |
Bài Diễn Văn của Ðức Quyền Giáo Tông đọc
tại Tòa Thánh, ngày mùng 8 tháng 4 năm Giáp Tuất (1934).
Vía Ðức Phật Thích Ca Về Phương Diện Chánh
Thể Ðạo
Chư Ðạo Hữu cùng chư Ðạo Muội,
Buổi chênh nghiêng Ðạo đã hầu qua. Tâm lý
toàn con cái của Ðức Ðại Từ Phụ dường như đặng chuẩn thằng, an tịnh đủ để trọn
trí thức tinh thần suy gẫm, nên Tệ Huynh ngày nay toại chí lượm lặt những lời
châu ngọc của Ðức Chí Tôn và các Ðấng Thiêng Liêng thuyết giáo đặng chỉ rõ
Thánh ý nơi nào để cho Ðạo phải chịu khảo đảo dường ấy. Cái hữu ích của sự khảo
đảo sẽ tỏ tường nơi Bài Thuyết Pháp này, nhưng xin chư Hiền Hữu, chư Hiền Muội
cố tâm tìm hiểu.
Các Tôn Giáo đã lập thành tại mặt thế nầy
đã đoạt đặng một cái quyền hành hữu vi kiên cố, thì trước kia cũng phải chịu
khổ hạnh nương lấy một quyền hành bạc nhược, yếu ớt của tâm lý mà thôi.
Ôi, quyền hành tâm lý buổi nào thì cũng
gặp sẵn một tay thù địch mạnh mẽ, cường thạnh, oai nghiêm, là quyền Ðời hiện
hữu. Sự xung đột của quyền Ðời và quyền Ðạo tự cổ chí kim tự nhiên đều có.
Chúng ta đã choán biết rằng những quyền lực mà hành thế đều nương theo tinh
thần mà sản xuất. Trứng tinh thần ấy nở sanh quyền lực, vì cớ cho nên các quyền
hành đã có đủ thế lực mạnh mẽ, nắm thế trị vào tay, hễ vừa thấy trí thức tinh
thần của nhơn sanh ướm mòi sản xuất một cái trứng quyền hành chi khác nữa thì
đã sợ lưu hại mình nên toan phương đạp đổ.
Cuộc kết quả sự phản kháng ấy hoặc thành,
hoặc bại, có ảnh hưởng của tương lai sanh hoạt quyền lực đương nhiên của họ vì
cớ mà sự xung đột hằng xem dữ dội.
Ấy là phương khảo thí tài lực của trí thức
tinh thần, hầu làm cho trí thức tinh thần sanh điều hay, bày điều dở; hay thì
chánh dở thì tà; chánh thì còn tà thì dứt. Ấy vậy, dầu cho sự xung đột của
quyền Ðạo với quyền Ðời thoảng đã làm cho lao tâm tiêu tứ của những trang chấp
chánh Ðạo quyền đi nữa, là phương chước tô điểm vẽ vời cho lịch xinh mặt Ðạo.
Phận sự bảo trọng lấy mình là dễ; còn phận sự bảo Ðạo vốn khó vô cùng. Ðáng lẽ
những kẻ khuyến khích cho Tệ Huynh bảo trọng lấy mình nên gọi là người ơn; còn
những người khuyên lơn, bảo tồn nền Ðạo nên cho là kẻ nghịch mới phải. Tệ Huynh
tưởng khi chẳng cần nói thì chư Hiền Hữu, chư Hiền Muội cũng đã choán biết
rằng: Chẳng lẽ Chí Tôn chọn lựa Tệ Huynh giao cầm quyền mối Ðạo đặng bảo trọng
lấy Tệ Huynh mà thôi. Trái ngược thì lại nhủ rằng: Phải hủy mình đặng bảo tồn
sanh chúng. Chẳng lẽ chúng ta đành cho rằng trọng mình hơn trọng Ðạo là chơn
lý.
Ôi! Biết bao phen, đêm khuya thanh vắng,
Tệ Huynh nằm gát tay lên trán thầm hỏi lấy mình:
Một mảnh thân phàm nầy, cô thân bạc nhược
nầy, yếu ớt hèn mọn nầy, có đủ tài đức chi mà Ðại Từ Phụ lại tin giao một cái
giang san sự nghiệp của toàn nhơn loại hoàn cầu đặng cho gánh vác.
Càng nghĩ càng lo, lo rồi lại sợ; sợ không
kham trách nhậm mạng Trời. Càng suy càng tủi, tủi rồi lại khóc; khóc sợ không
phương nâng đỡ nổi chơn truyền.
Ðại Từ Phụ lại quy tụ con cái của Ngài gần
trên một triệu sanh linh, biểu bảo hộ, nâng niu dạy dỗ?
Anh thì nghèo, em thì khó, gia nghiệp
không mà quyền thế cũng không, bị cường bức ép đè mang khổ hạnh.
Ðã chín năm Tệ Huynh thấy ngờ ngờ trước
mắt nhiều thảm trạng khó khăn; tinh những tiếng khóc than chẳng dứt. Kẻ thì
đói, người thì đau; Chức Sắc thì hèn, Tín Ðồ thì dở, mối thương tâm chất chứa
đầy lòng, giọt huyết lệ toàn đêm chẳng ngớt.
An đâu đặng mà tịnh, vui đâu đặng mà nhàn.
Chúng sanh thì khóc, Hội Thánh thì than mà chẳng thấy một ai lo trọn Ðạo. Tệ
Huynh xem lại những trang yếu trọng chấp chánh Ðạo quyền, thay vì chia đau sớt
thảm, lo giải khổ cho chúng sanh, lại cố ý giựt giành quyền thế. Nhiều vị lại
muốn cho Tệ Huynh ngồi đó điềm nhiên những thảm khổ ngơ tai bịt mắt; lại buộc
Tệ Huynh phải an tịnh đặng đắc Ðạo thành Tiên, dầu mối Ðạo chinh nghiêng đừng ngó
đến.
Cái sở vọng của các người ấy, Tệ Huynh để
cho chư Hiền Hữu, chư Hiền Muội kiếm hiểu coi họ để tại nơi nào không cần cạn
tỏ.
Vì Tệ Huynh biết đặng cái bí mật huyền vi
ấy, nên không khứng nghe lời mới nảy sanh ra trường ác cảm.
Nào là lường gạt nhơn sanh, nào là tranh
giành quyền tước, gieo nhục nhã khắp nơi, lấy quyền Ðời chế Ðạo. Một trường
ngôn luận xảo quyệt, dối gian truyền cùng làng khắp xóm, nhưng sự kết cuộc cũng
không hại chi cho danh thể của Tệ Huynh, duy làm cho thiên hạ chê khinh Chánh
Giáo. Chẳng biết lương tâm của những kẻ phá Ðạo ngày nay nó phải thế nào, lẽ tà
chánh trọng khinh sao chẳng rõ.
Tệ Huynh ngồi nhớ lại đã cách mười năm,
nghĩa là hạ tuần năm Sửu, Tệ Huynh còn làm Thượng Nghị vào lầu ra các; trong
thì bạn ngoài thì quan, nẻo hoạn lộ hèn sang đã chán, lẽ nhục vinh đã ngán với
tuồng đời, mùi cay đắng đã từng quen với mặt thế, nào là mày trung nào là mặt
nịnh đã trông nom mỏi mắt mòn hơi, nên mới biết chê đời mến Ðạo.
Nay lục tuần hầu đến, lẽ nên hư quyền biến
cũng đã thừa; có chi hay phòng mến phòng ưa; có chi trọng phòng yêu phòng
chuộng. Tệ Huynh hằng hỏi lấy mình, cái ngày của Ðại Từ Phụ sai Hộ Pháp và
Thượng Phẩm đem lịnh vào nhà mà dạy một đứa tội tình nầy phải dâng trọn xác hồn
cho Ngài làm lợi khí mở chơn truyền, nên gọi là ngày hữu duyên hay là ngày trả
nợ? Nếu phải trả nợ thì Thầy lại nào đành giao một cái gia nghiệp vĩ đại của
nhơn sanh cho một kẻ tham gian ngược, còn như gọi rằng duyên thì chắc đủ lực
quyền cầm vững Ðạo.
Ðã chín năm xông lướt trên con đường đi
than lửa, bước chông gai mà cũng có thể bảo thủ chơn truyền của Thầy vững vàng
toàn hảo, thì không phải là một tay giả mạo hay là một đứa tội nhơn, mà làm cho
Thánh chất đặng thắng hơn phàm tánh.
Bởi biết mình, biết Thầy, biết người, biết
Ðạo, mới yên trí Ðạo tâm, giữ gìn Ðạo mạch.
Tệ Huynh duy có một sở vọng là ngày nào
Ðạo đắc thành, đời đặng thái bình thì thối bước lui chơn liền đặng thích chí du
sơn ngoạn thủy; cái vui cùng tận của Tệ Huynh ở tại nơi đó mà thôi, chớ chẳng
phải tại mến đời ngồi chịu khổ.
Ngày nay là ngày vía Ðức Thích Ca Mâu Ni
mà Tệ Huynh không giải tích Ðức Thích Ca, vì chư Hiền Hữu Lưỡng Phái cũng hiểu
rõ tích của Ngài, và chư Hiền Hữu cũng thông suốt Phật Ðạo chút ít rồi.
Tệ Huynh chỉ để thì giờ quí báu đặng nhắc
cho chư Hiền Hữu Lưỡng Phái nhớ một hai Tôn chỉ quí trọng của Ðại Ðạo Tam Kỳ
Phổ Ðộ đương thời, nhứt là về phương diện thể của Ðạo.
Tuy Tệ Huynh không giảng Phật Ðạo, chớ Ðại
Ðạo ngày nay cũng là Phật Ðạo, vì gồm hết Tam Giáo (Nho, Thích, Ðạo) và Thích
Ca cũng là Thầy, Thầy là Thích Ca.
Tệ Huynh hằng nhắc chư Hiền Hữu, chư Hiền
Muội rằng: Ðạo vẫn một, mà mỗi thời kỳ khai Ðạo thì phương diện khác nhau vì
Ðạo khai phải phù hạp với dân trí đương thời khai Ðạo.
Khi Ðức Thích Ca mở Ðạo Phật thì nhơn sanh
buổi ấy còn Thánh Ðức nhiều; cá nhơn đều ngán sự khổ não truân chuyên ở thế nên
Thiên Ðình phú cho Ngài lấy tôn chỉ tiêu cực diệt Tứ Khổ (Sanh, Lão, Bịnh, Tử)
mà độ chúng.
Ngài cũng bị lắm điều truân chuyên khổ
não, lao thân tiêu tứ với đời, mà chừng thành Ðạo cũng bị quỉ phá một hồi dữ
dội, rồi mới thành Ðạo.
Ðức Lão Tử khai Ðạo Tiên thì dùng huyền
diệu pháp làm tôn chỉ cao thượng, vì đương buổi ấy thì nhơn sanh ưa huyền diệu
phép tắc.
Ngài cũng bị nhơn sanh cho là Lão già mê
hoặc chúng. Ðệ tử của Ngài cũng lần lần xa Ngài cho đến đổi khi Ngài đi qua Hàm
Cốc Quan vô Nha môn của Doãn Hỉ đặng độ ông nầy là chơn linh Ngươn Thỉ thì Từ
Giáp là học trò hầu cận Ngài vì mê sắc mà sa ngã rồi cũng xa Ngài. Mà Ðạo Tiên
cũng thành tựu và cũng truyền bá tứ phương vậy.
Khổng Phu Tử thọ lịnh Thiên Ðình xuống khai
Ðạo Nho đặng sửa nhơn luân trong buổi Châu mạt. Vì trong buổi ấy cang thường,
luân lý suy đồi, nên nhơn sanh thấy cái Ðạo nhơn luân của Ngài hay sửa đời đặng
thì khâm phục.
Ngài cũng lắm công nhọc nhằn với đời, qua
Tề bị Yến Anh, qua Yên bị phế, qua Triệu bị đuổi, kẻ bắt người buộc, ăn vạc nằm
sương nhọc nhằn biết mấy. Ðến đổi nhà Tần tàn bạo không xiết kể, phần thi khanh
Nho (đốt sách, chôn học trò) mà Ðạo Nho cũng loan truyền khắp hoàn cầu.
551 năm sau Khổng Phu Tử mới có khai Ðạo
bên Thái Tây, nên Thầy cho Ðức Chúa Jésus Christ giáng sanh khai Ðạo Thánh cho
phù hạp với dân trí Âu Châu.
Ðức Chúa Jésus cũng bị cường quyền Israel
áp bức cho đến đổi, hồi ban sơ thì có 12 vị Thánh Tông Ðồ theo Ngài, mà sau còn
có một Thánh Pierre mà thôi.... Nhưng Người cũng phải chối Chúa ba phen đặng
tránh cường quyền bắt buộc.
Chừng Ðạo thành thì có Du Già bắt Ngài mà
nạp cho Chánh Phủ hành hình, đóng đinh trên cây Thánh Giá; hành xác Ngài gớm
ghiếc như thế đặng cho nhơn sanh kinh khủng mà bỏ Ðạo, mà Ðạo Thánh cũng gieo truyền
khắp cả hoàn cầu.
Lúc Ðạo Gia Tô truyền qua Ðông Pháp thì
vua An Nam cũng nhặt cấm, bắt mấy người theo Ðạo Gia Tô quá Thập Tự, ai không
bước ngang qua thì bị tử hình.
Hình phạt gớm ghê như thế mà cũng có người
chí Thánh, thọ tử mà thôi chớ không chịu chối Ðạo.
Xét kỹ lại, thiệt người xưa là Thánh Ðức,
ít ai bì kịp, cứ giữ chánh tâm làm trọng, thủy chung như nhứt mà thôi.
Ngảnh lại đời nay mà ngán cho đời!! Ôi,
trong tám năm dư chuông Thánh truy hồn, Ðạo Trời đem tin cứu thế mà hễ có nghe
phưởng phất lời đồn huyễn hoặc chi của người toan phá Ðạo thì mau mau cuốn
Thánh Tượng, dẹp Thiên Bàn lòng toan chối Ðạo....
Biết bao nhiêu người nịnh quyền hiếp thế,
xu phụ theo nịnh tà mong toan phá Ðạo, rước rắn rừng vô cắn gà nhà, nạp chí
Thánh vô đề lao cho phỉ lòng oán hận.
Con một cha, gà một ổ, mà làm cho đổ lụy
rơi châu, gieo thảm sầu cho lắm người tâm thành trí vẹn phải dừng chơn thối
bước! Quạ nuôi tu hú cũng còn biết thương, người đi một đường sao nỡ hại nhau
như thế?
Ai toan bứng gốc phá chồi của nền Ðạo, thì
để Thiêng Liêng quyết đoán, mình cứ nắm giữ luật lệ của Thầy và Ðức Lý Giáo
Tông đã thành lập từ buổi ban sơ thì thành Ðạo, vì luật lệ của Ðại Ðạo Tam Kỳ
Phổ Ðộ thể Thiên hành hóa là món binh khí diệt Tà quyền.
Ðời có thạnh có suy, Ðạo động tịnh chuyển xây,
Lửa thử vàng, gian nan thử Ðạo.
Trong 8 năm qua rồi, biết bao phen vẹt mây
ngút thấy Trời xanh mà cũng lắm lúc xem đất bằng sóng dậy.
Thầy đã nói tiên tri rằng: "Chi chi
qua Quí Dậu cũng phải cho thành Ðạo, mà trước khi Ðạo thành thì Tam Thập Lục
Ðộng quỉ về phá Tòa Thánh dữ dội lắm, mà trừ an nội loạn rồi mới thành Thiên
cơ".
Ngày nay bảo tố dữ dội đã qua rồi, Tệ
Huynh nhìn thấy mấy em đã bị bao phen khảo đảo, thảm khổ vô cùng, mà mấy em
cũng ngồi vững trong thuyền Bác Nhã của Thầy độ rước thì Tệ Huynh hết sức vui
mừng nên nguyện rằng sẽ đem hết dạ yêu thương mà dìu dắt mấy em về cùng Thầy
cho đến chốn.
Các Ðấng Thiêng Liêng cũng có nói trước:
"Rồi đây Nguyên Nhân sẽ đến rần rần, có lắm anh hào thành tâm giúp
Ðạo".
Cơ Trời mầu nhiệm, cao sâu, người đâu thấy
đặng!
Từ ngày ác khí nổi lên xông đột, bên bạo
tàn trương nanh múa vút, thì bên Thánh Ðức hiền lương có lắm anh hào đem hết
trí thức tinh thần ra công giúp Ðạo.
Tạo Hóa vần xây chuyển thế, Âm Dương thiệt
khéo đầu cơ.
Khiến cho Tệ Huynh nhớ lời tiên tri của
Bát Nương Diêu Trì Cung hồi ban sơ có dạy rằng:
"Hễ gặp người an bang tế thế,
Nên quì mà nghênh lấy lễ trọng người.
Cổi thân ra mảnh áo tơi,
Che mưa đở nắng cho đời nguy nan".
Tôn chỉ cao thượng của Ðại Ðạo Tam Kỳ là
lập công quả cùng Thầy lo độ rỗi Nguyên Nhân, truyền bá chơn Ðạo cho đời biết
chữ nhàn là quí, đức là trọng, đặng hết tranh tranh đấu đấu, lập quyền lấn thế
nhau, báng sán nhau, hại sanh chúng nguy nan đời đời kiếp kiếp.
Từ hai mươi năm nay, xem trong hoàn cầu
thiệt đâu đâu cũng là một cảnh sầu không tỏa ra cho cùng tận được. Biết bao
người bị lượn sóng vô tình vật chất chụp đè trên biển khổ, ham lo sung sướng
cho mảnh thi hài, bo bo vừa lòng tình dục. Ít ai ngó xuống thương đồng loại cực
khổ biết bao! Kể không xiết số người thất nghiệp truân chuyên, cơm tẻ ngày hai
không có, mảnh tơi che cật chẳng lành. Tôi phản Chúa, người phá Ðạo, trò nghịch
Thầy, cha lìa con, vợ xa chồng, huynh đệ bất hòa, bằng hữu tranh nhau cũng vì
mối nhơn luân suy bại, chẳng còn thấy Chúa Thánh tôi hiền, phụ từ tử hiếu,
trông chi gặp tháng Thuấn ngày Nghiêu, nhà nhà lạc nghiệp thái bình âu ca.
Ðấng Hóa Công là Ðại Từ Phụ chung của cả
nhơn sanh trông thấy hoàn cảnh như vầy cũng đổ lụy rơi châu với bầy con dại,
biết bao thương xót lũ con hoang ra đường gây tội lỗi, trong mấy muôn năm phải
bị luân hồi, trả vay mãi mãi như chóng vần xây. Từ việc rất lớn lao tới việc tế
vi mảy mún, thạnh suy bỉ thới cũng phải chuyển vần y như luật Trời đã định.
Ðạo Trời đem tin cứu thế, thức tỉnh nhơn
sanh phải tu tâm dưỡng tánh, theo lành lánh dữ cho khỏi nạn luân hồi vay trả;
hằng ngày phải nhớ câu: "Oan gia nghi giải bất nghi kiết".
Người phải thương nhau như con một cha. Cả
hoàn cầu là đại chánh chung cả nhơn loại, không hại lẫn nhau, lấy lễ phép mà
giao thiệp cùng nhau, lấy công bình mà đối đãi cùng nhau.
Lo cho Ðạo hữu trong nền Ðạo có cơ sở làm
ăn, biết làm lành là quí.
Que l'humanité soit une, une comme race,
une comme religion, une comme penseé.
Ấy là cuộc sửa đời lập Tân Thế Giái (Ere
nouvelle) của Ðại Từ Phụ đã tuyên ngôn từ buổi khai Ðạo.
Theo lý chánh, thật hành chỉ rõ trên đây
thì nhiều người trong Ðạo lại chê, còn theo việc mị mộng ăn ngọ, ăn chuối,
tuyệt cốc, tịnh luyện thì ưa, còn nguyên nhân lỡ bước ai lo?
Trong 8 năm qua rồi, Tệ Huynh đây và Hiền
Ðệ Phạm Công Tắc là Hộ Pháp của ÐÐTKPÐ, hiệp cùng nhiều Thiên Phong đã để hết
tâm thành trí vẹn đặng thi hành cho hoàn tất mấy điều của Thầy và Ðức Lý Giáo
Tông đã dạy bảo.
Ôi, biết bao phen bị đánh đổ, lắm người
trong Ðạo không hiểu tôn chỉ Ðại Ðạo, lại còn biếm nhẻ nói Tệ Huynh lo việc hữu
hình chớ không lo vô vi tịnh luyện.
Bởi vậy mới rồi đây, Tệ Huynh có đắc lịnh
dạy bảo phải chỉ rõ phương diện chánh thể của Ðạo, xin giải:
Trước đây, Tệ Huynh có nói Thầy lập Ðạo kỳ
nầy phù hạp với dân trí ngày nay đã tăng tiến khỏi Ngươn Tấn Hóa đến địa vị tối
cao, cho nên chủ nghĩa Cựu Luật của các Tôn Giáo hiện thời không đủ sức kềm chế
đức tin của toàn nhơn loại.
Theo chánh thể của ÐÐTKPÐ, thì có ba Hội,
đã định quyền hành đặc biệt:
a). Thứ nhứt là Hội Nhơn Sanh:
Trong Hội Nhơn Sanh thì Chánh Phối Sư phái
Thượng là Chủ Trưởng.
Hội Viên thì từ Lễ Sanh đổ xuống Chánh Trị
Sự, Phó Trị Sự, Thông Sự và người Phái Viên thay mặt cho nhơn sanh.
Trong Nội Luật Hội Nhơn Sanh của ba Chánh
Phối Sư lập ra có chỉ rõ luật lệ. Ấy vậy từ hàng Tín Ðồ cùng đồng nhi đều có
người thay mặt đặng xem xét việc Ðạo rồi đệ lên Hội Thánh phán đoán.
Vạn vật cũng có ảnh hưởng trong Hội Nhơn
Sanh vì người là Chúa của Vạn vật. Xét kỹ thì Thầy công bình không xiết kể và
lo việc hóa sanh không ngằn không tận.
b). Thứ nhì là Hội Thánh:
Trong Hội Thánh thì có Thái Chánh Phối Sư
làm Chủ Trưởng. Hội Viên thì từ Giáo Hữu, Giáo Sư và Phối Sư thiệt thọ có trách
nhậm hành chánh đặc biệt.
Trong Nội Luật Hội Thánh của ba Chánh Phối
Sư lập ra có chỉ rõ thức lệ. Hội Thánh có quyền xem xét các việc của Hội Nhơn
Sanh dâng lên và các việc hành chánh trong Ðạo, rồi đệ lên Thượng Hội.
c). Thứ ba là Thượng Hội:
Thượng Hội thì cũng có Nội Luật chỉ rõ
thức lệ. Trong Thượng Hội thì Giáo Tông làm Chủ Trưởng, Hộ Pháp làm Phó Chủ
Trưởng. Hội Viên thì có:
Thượng Phẩm
Thượng Sanh
Ba vị Chưởng Pháp
Ba vị Ðầu Sư
Và Ðầu Sư Nữ Phái
Không cần nhắc thì Chư Hiền Hữu Lưỡng Phái
cũng hiểu rằng mấy Ðại Thiên Phong kể trên đây có hành chánh phận sự lớn lao
của mình thì mới đặng vào Thượng Hội.
Thượng Hội để giúp Giáo Tông và Hộ Pháp
điều đình cả nền Ðạo lớn lao của Thầy.
Thượng Hội có quyền xem xét các điều nghị
luận của Hội Thánh và Hội Nhơn Sanh rồi hoặc đệ lên cho Giáo Tông và Hộ Pháp
phê chuẩn hay là trả lại cho Hội Thánh định đoạt lại.
Ba Hội (Thượng Hội, Hội Thánh, và Hội Nhơn
Sanh) toàn nhập lại theo thức lệ rành rẽ thì gọi là Quyền Vạn Linh, chớ không
phải ai muốn lập Hội Vạn Linh, tổ chức gì theo ý riêng của mình rồi muốn đem ai
lên làm Chủ Trưởng tổ chức gì cũng được.
Như vậy thì có Luật lệ gì đâu? Mà không
Luật lệ thì là không phải Ðạo.
Trên ba Hội, thì có Giáo Tông và Hộ Pháp.
Giáo Tông làm chủ Cửu Trùng Ðài thì lo
việc Chánh Trị của Ðạo, có Chưởng Pháp và Ðầu Sư ở trung gian giúp sức điều
đình các Luật lệ truyền xuống cho ba Chánh Phối Sư nắm trọn quyền hành chánh.
Giáo Tông có quyền định đoạt trong việc Chánh Trị của Ðạo.
Hộ Pháp thì lo giữ Luật lệ của Ðạo cho
khỏi sái Thiên Ðiều vì Luật lệ của ÐÐTKPÐ ngày nay thì thế cho Thiên Ðiều.
Hộ Pháp có quyền đặc biệt về ân xá cũng
như Giáo Tông có quyền Chánh trị vậy.
Hộ Pháp chưởng quản Hiệp Thiên Ðài, có
Thượng Phẩm, Thượng Sanh và Thập Nhị Thời Quân giúp sức.
Giáo Tông và Hộ Pháp hiệp một là Quyền Chí
Tôn.
Tệ Huynh có thọ lịnh chỉ rõ phương diện
Chánh thể của ÐÐTKPÐ của Thầy khai trong buổi Hạ Ngươn chuyển thế đây y trên
đó. Xin chư Hiền Hữu Lưỡng Phái rán nhớ và lo phận sự, đừng sai luật Ðạo mà bị
tội, và mình tuân trọn Luật Ðạo của Thầy thì là món binh khí diệt Tà quyền giả
mị đó.
Tệ Huynh xin nhắc lời Tuyên ngôn của Ðại
Từ Phụ hồi buổi ban sơ, Thầy có nói: "Thầy lập Ðại Ðạo Tam Kỳ nầy là lập
một cái trường công quả, nếu các con đi ngoài trường công quả ấy thì không
trông mong gì về cùng Thầy đặng".
Trường công quả của Thầy có đôi bên: Một
bên vô hình là các Ðấng Thiêng Liêng (Phật, Tiên, Thánh, Thần) cũng lập công
quả trong buổi chuyển thế nầy. Các Ðấng Thiêng Liêng thường theo một bên chúng
ta đặng ám trợ chúng ta về phần vô vi.
Còn các việc hữu hình tại thế là các việc
phải có thi hành như chúng ta bây giờ đây mới làm đặng thì về phần chúng ta
phải lo làm rồi có các Ðấng Thiêng Liêng ám trợ.
Thí dụ như đi độ rỗi nhơn sanh phải nói
Ðạo cho người nghe, như phải lập mấy cuộc để giúp thế đang nguy nan, như nhà
trường dạy kẻ cô độc học, nhà thương, nhà dưỡng lão cùng các nghề nghiệp cho
đạo hữu có phương làm ăn đặng cơm tẻ ngày hai, có áo quần che thân ấm cật....
thì chúng ta phải lo hết rồi các Ðấng Thiêng Liêng ám trợ cho thành tựu.
Nếu chúng ta làm biếng không làm công quả
chi cho Ðạo bên hữu hình thì các Ðấng Thiêng Liêng theo mình không lập công quả
được thì tội trọng về phần mình chịu lấy.
Từ hồi tạo Thiên lập Ðịa tới ngày nay
trong mỗi kỳ khai Ðạo không có thời kỳ nào mà chính mình Thầy là Chủ Tể Càn
Khôn Thế Giới xuống mà lập ra, không có một Tôn Giáo nào đặng một vị Ðại Tiên
là Ðức Lý Thái Bạch lãnh làm Giáo Tông như ngày nay vậy.
Tệ Huynh đây là lãnh về phần xác thay thế
cho Ngài đặng lo làm các việc hữu hình tại thế cho Ngài, rồi ở trong có Người
ám trợ.
Tệ Huynh xin chỉ rõ quyền hành lớn lao của
Ðức Lý Ðại Tiên Thái Bạch Kim Tinh cho mấy em rõ:
Ánh Thái Cực biến sanh Thái Bạch,
Hiện Kim Tinh trọng trách Linh Tiêu.
Quyền năng dâng thửa Thiên Triều,
Càn Khôn Thế Giái dắt dìu Tinh Quân.
Tinh Quân thọ sắc thuở Phong Thần,
Cho đến Ðường Triều mới biến thân.
Thái Bạch Kim Tinh đương trị thế,
Trường Canh Trích Tử đến thăm trần.
Ðộng Ðình thi rượu đong muôn đấu,
Bồng Ðảo câu Tiên nắm một cần.
Vâng lịnh Ngọc Hư nay xuống thế,
Tam Kỳ độ rỗi các Nguyên Nhân.
Ngài nói rằng: "Hễ Ðạo trọng thì Chư
Hiền Hữu trọng, vậy thì chư Hiền Hữu biết mình trọng mà lo sửa vẹn người đời.
Từ đây Lão hằng gìn giữ cho Chư Hiền Hữu
hơn nữa. Nếu thoảng Lão ép lòng cầm quyền thưởng phạt phân minh, là cố ý muốn
giá trị chư Hiền Hữu thêm cao trọng hơn nữa. Vậy Lão xin đừng để dạ phiền hà
nghe."
Xin Chư Hiền Hữu Lưỡng Phái ghi nhớ mấy
lời châu ngọc ấy đặng sửa mình. Hết lòng cảm tạ mấy em và Chư Tôn có công mệt
mỏi ngồi nghe mấy lời tôi cạn tỏ rồi đó.
Hết dạ khẩn cầu cho nền Ðạo chóng hoằng
khai.
PHẦN HAI.
NGUYÊN VĂN CÁC LUẬT
1/- Luật lệ chung các hội.
2/- Nội Luật Hội Nhơn Sanh.
3/- Nội Luật Hội Hội Thánh.
4/- Nội Luật Thượng Hội
@@@
ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ÐỘ.
Ðệ Cửu niên.
TOÀ THÁNH TÂY NINH.
&&&
LUẬT LỆ CHUNG CÁC HỘI.
Khi nhóm Hội Chư Nghị viên tuân y điều lệ
sau đây:
Ðiều Thứ Nhứt: Lễ trước lúc mở hội.
Khi Nghị Trưởng vào hội lại ghế Chủ toạ
thì chư Nghị viên phải đứng dậy thủ lễ với người chờ người ngồi trước rồi chư
Nghị viên mới ngồi sau.
Khi cả thảy ngồi xuống thì Nghị trưởng
đứng dậy trước, rồi cả thảy đứng dậy sau và phải giữ vẽ nghiêm trang. Ðoạn tay
bắt ấn tý lấy dấu và mặc niệm năm câu chú và cầu khẩn Ðức Chí Tôn bố trí chung
rồi cả Hội đọc Kinh Nhập Hội. Khi đọc rồi niệm câu chú của Ðại Từ Phụ.
Ðoạn chờ cho Nghị trưởng ngồi rồi Chư Nghị
viên mới ngồi sau.
Ðiều Thứ Nhì: Mở Hội.
Khi đâu đó ngồi xong xã êm tịnh thì Nghị trưõng
rung một tiếng chuông cho Chư Nghị viên nghe đặng lẳng lặng. Rồi Nghị trưởng mở hội bảo Từ Hàng đọc tờ vi bằng nhóm kỳ
trước. Thoãn như cả Nghị viên có đọc tờ vi bằng ấy rồi thì Nghị trưởng hỏi Nghị
viên tờ vi bằng ấy đặt ra có y theo lời đã bàn định chăng và cả Nghị viên đều
công nhận hết chăng?
Nếu có
điều chi mà cả Hội định phải sửa đổi vì không y theo lời đã bàn định thì Nghị
trưởng cho lịnh Từ hàng lập tức sửa lại liền và cho biết luôn sự kết quả các
lời bàn định trong tờ vi bằng ấy.
Kế đó đem
các vấn đề trong chương trình bửa nhóm mà bàn định.
Ðiều Thứ Ba: Phận sự Nghị trưởng.
Trong hội nhóm Nghị trưởng hay là Chủ toạ
đem các vấn đề sắp đặc có thứ tự trong chương trình cho Nghị viên bàn luận.
Nghị viên không đặng bàn tính việc gì khác
hơn là vấn đề đang tranh luận cho tới vấn đề “tạp vụ”.
Nghị trưởng khi xướng đề ra nói rành rẽ
cho chư Nghị viên thông hiểu, rồi để cho Nghị viên tự do bàn luận chẳng nên cải
lẫy điều chi với Nghị viên và chờ khi bàn cải rồi thì kết luận những ý kiến của
chư Nghị viên và cho hiểu rõ mà công nhận hay là huỷ bỏ.
Ðiều Thứ Tư: Phận sự Phó Nghị trưởng.
Phó Nghị trưởng giúp Nghị trưởng về việc
ban hành các lời bàn định. Trước khi mời nhóm hội chung trí với Nghị trưởng lập
chương trình và khi Nghị trưởng vắng mặt vì bận việc, hoặc phải hành đạo phương
xa, hoặc khi đau ốm thì Phó Nghị trưởng đủ quyền thay thế.
Ðiều Thứ Năm: Phận sự Từ Hàng.
Từ hàng giúp Nghị trưởng lập chương trình,
thiệp mời, lập vi bằng và lo các giấy tờ trong văn phòng Nghị trưởng và Phó
Nghị trưởng.
Khi hội nhóm lúc Nghị viên bàn tính thì
chăm chỉ biên các lời bàn tính, rồi chừng bãi hội lập vi bằng và tờ sao lục các
lời bàn tính. Từ hàng được chọn lựa người phụ sự đặng giúp mình trong việc giấy
tờ.
Ðiều Thứ Sáu: Cách bỏ thăm.
Việc bỏ thăm có hai cách:
a- Khi việc cần yếu trọng hệ thì phải bỏ
thăm kín.
b- Khi việc thường thì bỏ thăm dơ tay.
Những việc chi bàn tính nếu được phân nữa
số thăm của cả Nghị viên hiện diện thêm một lá nữa thì việc ấy được công nhận.
Thoản như số thăm đồng nhau Nghị trưởng bỏ thăm bên nào thì lời bàn định bên ấy
được công nhận.
Nếu một phần năm (1/5) Nghị viên hiện diện
xin bỏ thăm kín thì Nghị trưởng cho lịnh y theo.
Ðiều Thứ Bảy: Số Nghị viên.
Kỳ nhóm lệ: Dầu số Nghị viên hiện diện bao
nhiêu hội cũng cứ nhóm và lời bàn định cũng có giá trị như khi nhóm đều đủ vậy.
Kỳ nhóm ngoại lệ: Số Nghị viên phải được
phân nữa cái số chung và thêm một vị nữa nếu chẳng đủ số định trên đây thì Nghị
trưởng đình lại và cho Quyền Chí Tôn hay hoặc là huỷ bỏ quyền hội hay là trừng
trị cách nào tuỳ ý. Còn Hội cũng cứ việc hội như số Hội viên đều đủ.
Ðiều Thứ Tám: Những việc Nghị viên muốn
đem ra hội.
Nghị viên nào muốn xin canh cải, thêm bớt
huỷ bỏ điều chi trong Luật đạo hoặc nói khác xin hạch hỏi, kích trách tại giữa
hội thì phải gởi tờ xin trước ngày nhóm y theo hạng lệ đã định trong nội luật
mỗi Hội nhóm.
Ðiều Thứ Chín: Quyền bàn tính.
Mổi Hội viên được quyền nói thông thả song
phải thủ lễ nghĩa, giữ hạnh khiêm cung lấy lời tao nhã êm thuận chẳng nên nóng
nãy và lớn tiếng mà làm cho mất vẽ ôn hoà của Hội.
Mỗi khi muốn nói phải đưa tay xin phép rồi
chờ Nghị trưởng phân theo thứ tự cho phép mới được nói.
Chừng được phép nói, khi nhóm Ðại Hội nếu
số Nghị viên trên hai mươi người thì phải đứng dậy nói.
Trong một cái vấn đề đem ra bàn luận thì
Nghị viên được phép nói ba lần mà thôi, mỗi lần chẳng đặng quá 5 phút.
Nghị viên nào có xin trước y theo điều thứ
tám đã buộc thì được quyền đem việc mình muốn xin sửa cải, hoặc mình muốn tra
vấn, ra nói một lần trong nửa giờ; khi phải minh triết thêm nửa thì được nói
thêm hai lần nửa, mổi lần 10 phút đồng hồ.
Khi hai hoặc nhiều Nghị viên đưa tay lên
một lược xin phép nói thì Nghị trưởng định cho người chức lớn hoặc như đồng
chức nhau thì người tuổi tác lớn nói trước rồi kế cho đến hết người xin một
lược.
Ðiều Thứ Mười: Buổi nhóm.
Mổi buổi nhóm không nên quá 4 giờ đồng hồ;
Chư Nghị viên phải đến cho đúng giờ nhóm chớ nên vô cớ mà bê trể.
Như Nghị trưởng định nhóm giờ nào khi quá
giờ ấy 15 phút đồng hồ phải mở Hội không kể số Nghị viên nhiều ít.
Thoảng như Nghị trưởng vắng mặt hoặc đến
trể thì Phó Nghị trưởng thay thế, một Nghị viên chức lớn hoặc lâu củ hơn hết
hoặc tuổi tác lớn hơn hết ngồi ghế Phó Nghị trưởng.
Chừng Nghị trưởng đến thì ngồi chỗ Nghị
viên.
Còn như Nghị trưởng và Phó Nghị trưởng
vắng mặt hoặc đến trể thì hai Nghị viên chức lớn, hoặc lâu củ hơn hết ngồi Nghị
trưởng và Phó Nghị trưởng.
Chừng Nghị trưởng và Phó Nghị trưởng đến
thì ngồi chổ Nghị viên.
Nếu vô cớ mà không đến nhóm Hội thì phải
bị phần phạt có định trong các nội luật.
Ðiều Thứ Mười Một: Tư cách Nghị viên.
Nghị viên nếu là Chức Sắc hay Chức Việc
thì phải mặc Thiên Phục hay Ðạo Phục.
Còn Tín đồ thì phải mặc y phục thường cho
trang hoàng sạch sẽ, phải bạch y theo hạng Phái viên của Hội Thánh ban cho.
Cả Nghị viên đều phải thủ lễ nghĩa chung
với nhau. Ngồi trên ghế mình phải ngay thẳng không nên dựa nghiêng dựa ngữa
hoặc xếp bằng hoặc co chơn lên vén ống quần mà gãi. Không nên hút thuốc ăn
trầu, phải ngồi một chổ chờ cho đến khi Hội giải tán.
Trước khi giải tán thì Hội Trưởng và Nghị
viên đồng đứng dậy như trước khi nhập hội và tụng kinh Kinh Bãi Hội. Ðoạn lấy
dấu niệm câu chú của Ðại Từ Phụ rồi xá ba xá mà lui ra cho có hàng ngủ thứ tự.
Ðương nhóm mà vị nào có việc phải ra ngoài
thì phải xin phép Nghị trưởng xong rồi phải vô liền.
Nếu vị nào làm mất cách lịch sự giữa Hội
thì Nghị trưởng rung chuông, xin vị ấy giử phép lịch sự. Khi Nghị viên đương
nói mà nổi giận, làm điều vô lễ thì Nghị trưởng rung chuông ngăn lại đặng
khuyên giải.
Nếu chẳng khứng nghe thì Nghị trưởng hỏi ý
kiến của cả Nghị viên khác, như phần đông đồng ý kiến thì Nghị trưởng mời ra
khỏi hội.
Thoảng như cường ngạnh thì Nghị trưởng
rung chuông ngưng bàn tính chừng 5 phút trở lại; đệ vị ấy ra ban nội trị; chừng
yên rồi thì rung chuông nhóm lại.
Khi một Nghị viên đang bàn luận thì người khác
ngồi nghe chẳng nên xen vô làm đứt đoạn. Nghị trưởng sẽ rung chuông chỉ trách
người nào làm mất phép lịch sự ấy.
Nghị trưởng khi thấy Nghị viên nào tỏ sắc
giận giũi xin phép nói đặng cố ý tỏ nét giận của mình ra thì được quyền không
cho phép nói.
Ðiều Thứ Mười Hai: Hỏi ý kiến Nghị viên.
Khi có điều chi cần phải hỏi ý kiến từ
Nghị viên thì Nghị trưởng phải hỏi trước hết vị nào nhỏ chức hơn, hoặc khi đồng
chức thì vị nào nhỏ tuổi hơn hết, cứ như vậy cho đến Phó Nghị trưởng.
Ðiều Thứ Mười Ba: Ðại Hội tại Toà Thánh.
Hội Thánh và Hội Nhơn Sanh.
Hai Hội nầy nhóm tại nhà nhóm trong Toà
Thánh.
Lễ khai mạc: Trước giờ mở hội thì Nghị
trưởng phái vài Nghị viên đi rước Giáo Tông và Hộ Pháp đến dự lễ.
Khi Nhị vị Ðại Thiên Phong nầy đến thì Lễ
viện cho lịnh nhạc trổi tiếp mừng. Chánh Phó Nghị trưởng, Chức sắc Hiệp Thiên
Ðài và Nội chánh Nam Nữ ra tại cửa đón rước. Cả Hội viên đồng đứng dậy chờ cho
Nhị vị an toạ mới ngồi sau. Giáo Tông ngồi ghế Chủ toạ bên tay mặt thì Hộ Pháp,
bên tay trái thì Nghị trưởng.
Giáo Tông đọc bài diễn văn khai hội. Hộ
Pháp chú giải những luật pháp mà hội không hiểu rõ. Kế đó Nghị Trưởng đọc bài
diễn văn chương trình buổi nhóm .
Khi Nhị vị Ðại Thiên Phong về; Chánh; Phó
Nghị trưởng và Chức sắc đồng đưa ra đến cửa còn Hội viên cũng đứng dậy như khi
hai vị Ðại Thiên Phong đến.
Ty cảnh sát tuần phòng ở ngoài hầu giử.
Lúc nhóm Hội Nhơn Sanh thì một Lễ Sanh
Phái Ngọc lãnh cai quản Ty ấy mặc thiên phục, buộc giây sắc lịnh Tam Sắc Ðạo
của Hiệp Thiên Ðài ban cho trong lúc Hội nhóm khi Hội giải tán thì đem nạp lại
cho Hiệp Thiên Ðài.
Lúc nhóm Hội Thánh thì một Giáo Hữu Phái
Ngọc cai quản Ty ấy; mặc thiên phục buộc giây sắc lịnh Tam Sắc Ðạo của Hiệp
Thiên Ðài ban cho trong lúc Hội nhóm. Khi Hội giải tán thì đem nạp lại cho Hiệp
Thiên Ðài. (Mổi 2 giờ đồng hồ đổi phiên canh).
Ðiều Thứ Mười Bốn: Ban Uỷ Viên.
Ngánh:
Khi Nghị trưởng và cả thảy đều trở lại chổ
ngồi yên rồi thì Hội chọn cử bốn Ban Uỷ viên Ngánh:
1- Phái Thái.
2- Phái Thượng.
3- Phái Ngọc.
4- Phái Nữ.
Ðặng chia các việc đã đem vào chương trình
hầu bàn tính ít người cho dễ dàng thấu đáo mọi việc.
Mổi ban Uỷ viên có chừng 5 hoặc 7 nghị
viên:
. Một Nghị trưởng.
. Một phúc sự viên.
. Mấy vị kia làm Nghị viên.
Mổi khi bàn định điều chi rồi thì phúc sự
viên tóm tắc lại lập một tờ phúc để đệ ra Ðại Hội nghị quyết.
Chư Nghị viên Ban uỷ viên khi nhóm thì mặc
đạo phục dùng hằng ngày.
Ðiều Thứ Mười Lăm:
Hội Nhơn Sanh thường xuyên và Hội Thánh
thường xuyên cũng nhóm tại nhà nhóm, nhưng không có lễ nhạc rước đưa Giáo Tông
và Hộ Pháp vì hai vị nầy không cần đến nhóm Hội.
Ty Cảnh sát tuần phòng cũng canh giử nhưng
không mặc Thiên phục và đạo phục với dây sắc lịnh.
Ðiều Thứ Mười Sáu: Thượng Hội.
Bửa lễ khai hội thường lệ thì có ba Nam
Chánh Phối Sư đến rước Giáo Tông và Hộ Pháp và cả Nghị viên Nam.
Nữ Chánh phối sư thì đi rước Nữ Ðầu Sư.
Cả Chức sắc Hiệp Thiên Ðài và Cửu Trùng
Ðài Nam Nữ hiện diện tại Toà Thánh mà không có phận sự cần yếu mặc Thiên phục
đến trước điện hầu chực tiếp rước. Khi Giáo Tông và Hộ Pháp đến thì Lễ Viện cho
lịnh đánh 6 hồi chuông trống. Dứt hồi chuông trống thì chư Nghị viên vào Ðại
Ðiện làm lễ bái Ðấng Chí Tôn, nhạc đánh bản tấu Quân Thiên chừng nhạc dứt cả
Nghị viên toạ vị mới khai hội.
Bốn Chánh Phối Sư tạm xuất ngoại chờ có
lịnh mời mới đến.
Cả Chức sắc khác vào Thiên Phong Ðường chờ chừng bãi hội đến hầu lễ đưa.
Hội nhóm tại bữu điện nơi Ðại Ðiện thì nổi
hương đăng, cửa màn mở ra, 6 Lễ Sanh ba phái đứng hầu trong Bát Quái Ðài, 2 Lễ
Sanh Nữ hầu bàn Phật Quan Âm, 2 Lễ Sanh Phái Ngọc hầu bàn Quan Thánh. Mổi giờ
đồng hồ phải thay đổi.
Ty Tuần Phòng cảnh sát và Bảo Thể Quân có
một vị Giáo Sư Phái Ngọc cai quản đứng trước cửa hầu giử chỉnh tề cho đến bãi
hội. Mổi 2 giờ thì đổi phiên. Chức sắc ấy mặc Thiên Phục và buộc giây sắc lịnh
Tam Sắc Ðạo của Hiệp Thiên Ðài ban cho trong lúc Hội nhóm. Khi Hội giải tán thì
đem nạp lại cho Hiệp Thiên Ðài.
Lúc bãi hội chư Nghị viên ra về Lễ viện
cũng cho lịnh đánh 6 hồi chuông trống là lễ đưa. Bốn Chánh Phối Sư đưa chư Nghị
viên đến dinh mỗi vị.
Ðiều Thứ Mười Bảy:
Thượng Hội thường xuyên thì nhóm tại Giáo
Tông Ðường không có mấy lễ rước đưa như Hội thường lệ.
Ty Cảnh Sát tuần phòng cũng canh giử nhưng
mặc y phục thường và không buộc giây sắc lịnh. Lễ Viện không đổ chuông trống và
đánh nhạc.
Ðiều thứ Mười Tám:
Nếu ngày sau có điều chi sửa cải huỷ bỏ
hoặc cần ích thì truất bỏ hoặc thêm vô luật lệ nầy.
Lập Tại Toà Thánh Ngày 16-11- Năm
Giáp Tuất.
(22- Décembre 1934).
Hộ Pháp.
Chưởng quản Nhị Hữu Hình Ðài.
Hiệp Thiên và Cửu Trùng.
Phạm Công Tắc.
&&&
ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ÐỘ.
Ðệ Cửu niên.
TOÀ THÁNH TÂY NINH.
&&&
HỘI NHƠN SANH.
NỘI LUẬT.
&&&
CHƯƠNG THỨ NHỨT.
VỀ ÐẠI HỘI TẠI TOÀ THÁNH.
Ðiều Thứ Nhất:
Chiếu theo Ðạo Nghị Ðịnh thứ 4 điều thứ 7
của Ðức Lý Giáo Tông và Phạm Hộ Pháp thì Thượng Chánh Phối Sư là Nghị trưởng
Hội Nhơn Sanh.
Hội Nhơn Sanh sắp đặc như sau nầy:
I-Thượng Chánh Phối Sư … Nghị Trưởng.
II- Nữ Chánh Phối Sư … Phó Nghị Trưởng.
III- Lễ Sanh, Chánh Trị Sự, Phó Trị Sự, Thông
Sự, Phái Viên:….. Nghị Viên.
VI_ Một Nghị Viên Nam; và một Nghị Viên Nữ
… Từ Hàng.
V- Hai Nghị Viên Nam và hai Nghị Viên Nữ
…. Phó Từ Hàng.
Ðiều Thứ Hai:
Thái và Ngọc Chánh Phối Sư và các Quản lý
Toà Nội Chánh đều đến dự Hội hoặc trả lời những điều nào nghị viên không rõ mà
xin bày tỏ hoặc minh triết những vấn đề nghị viên hạch hỏi. Nếu một vấn đề nào
bị công kích thì Chánh Phối Sư hay là Quản lý thuộc về vấn đề ấy phải trả lời
hay là bày tỏ cho khỏi sanh điều khó khăn cho việc bàn cải.
Ðiều Thứ Ba:
Một Chức Sắc Hiệp Thiên Ðài đến chứng kiến
và bảo thủ Luật Lệ không cho Hội phạm đến.
Ðiều Thứ Tư:
Hội Nhơn Sanh để bàn tính những việc sau
nầy:
1/- Giáo hoá Nhơn Sanh.
2/- Lo liệu phương hay cho Ðạo với Ðời
khỏi điều phản khắc và nâng cao tinh thần trí thức của Nhơn Sanh.
3/- Phổ Ðộ Nhơn Sanh vào cửa Ðạo dìu dắt
Tín đồ cho khỏi trái bước và trọn vâng các luật lệ của Ðạo.
4/- Xin sửa cải thêm bớt hay huỷ bỏ những
luật lệ của Ðạo không phù hợp với trình độ trí thức tinh thần của Nhơn Sanh.
5/- Lo cho nền Ðạo được trong ấm ngoài êm,
và đủ phương liệu đặng phổ thông nền chơn giáo.
6/- Xem xét và công nhận phương diện chánh
trị của Ðạo quan sát sổ thâu xuất tài sản và nghị sổ phỏng định năm tới.
Ðiều Thứ Năm:
Mổi năm Hội Nhơn Sanh nhóm nhằm ngày rằm
tháng Giêng nhưng Hội viên và Phái viên phải có mặt tại Toà Thánh ngày 13 tháng
đó và phải ở lại cho đến ngày bãi hội.
Khi đến Toà Thánh thì lại Nội chánh (Lại
Viện) ghi giấy thông hành chừng về cũng trở lại Nội chánh ghi giấy thông hành.
Nếu vô cớ đến trễ thì không đặng dự nhóm.
Ðiều Thứ Sáu:
Mổi năm mùng một tháng chạp thì Nghị
trưởng gởi chương trình những vấn đề sẽ đem ra bàn cải cho các Ðầu Tỉnh Ðạo lúc
Hội Nhơn Sanh nơi Tỉnh Ðạo nhóm ngày rằm tháng nầy đem ra bàn cải xem xét trước
cho kỷ lưỡng.
Ðiều Thứ Bảy:
Hội viên và Phái viên nhớ mỗi năm đến lệ
về nhóm chớ không có thơ mời và cũng nhớ đem giấy chứng rằng mình là Hội viên
hay Phái viên đặng nhập hội.
Ðiều Thứ Tám:
Nghị Viên muốn xin canh cải thêm bớt, huỷ
bỏ điều chi trong luật Ðạo hay là điều chi khác nữa thì phải gởi tờ xin 20 ngày
trước bửa Hội nhóm. Cũng phải chỉ rõ mình xin sửa cải thêm bớt hay là huỷ bỏ
việc gì.
Ðiều Thứ Chín:
Khi nhóm hội cả hội phải tuân y thể lệ của
bổn “LUẬT” lệ chung các “HỘI”.
Nếu vô cớ mà không đến nhóm Hội thì phải
bị mất quyền Hội viên hay là Phái viên. Nếu là Hội viên thì mất quyền ấy ba
năm, còn Phái viên thì trong 3 năm không có quyền ra ứng cử.
Cả Nghị viên phải mặc Thiên Phục hay là
Ðạo Phục tuỳ theo phẩm mình.
Ðiều Thứ Mười:
Nội trong 20 ngày sau khi Hội nhóm thì Từ
hàng phải lập vi bằng cho rồi trong đó Nghị trưởng, Phó Nghị trưởng, Từ hàng
Nam Nữ và một Chức sắc Hiệp Thiên Ðài ký tên vào.
Vi bằng nầy phải lập 5 bổn:
. Một bổn gởi cho Thượng Hội.
. Hai bổn cho Hội Thánh.
. Một bổn cho Hiệp Thiên Ðài.
. Một bổn giữ lưu chiếu.
Khi Hội Thánh và Thượng Hội gởi lại cho
Thượng Chánh Phối Sư ba bổn đã công nhận hay là bắt bẻ khoản nào thì Thượng
Chánh Phối Sư giử lưu chiếu một bổn và gởi ngay cho Nữ và Ngọc Chánh Phối Sư
mỗi vị một bổn đặng lo liệu cách thi hành.
Ðiều Thứ Mười Một:
Trước bửa Ðại Hội mà Nam Nữ Phải nhóm
chung nhau Thượng Chánh Phối Sư hoặc Nữ Chánh Phối Sư có điều chi phải hỏi ý
kiến riêng Hội viên phái của mình thì được quyền mời nhóm (Nam theo Nam Nữ theo
Nữ).
Kỳ nhóm nầy Từ hàng phái nào theo phái
nấy, lập vi bằng hai bổn. Nghị trưởng và Từ hàng ký tên để lưu chiếu một bổn
còn một bổn thì như Chánh Phối Sư Nam thì gởi cho Chánh Phối Sư Nữ; còn Nữ
Chánh Phối Sư thì gởi cho Chánh Phối Sư Nam hầu hiểu rõ những điều mà mổi phái
đã bàn tính.
Ðiều Thứ Mười Hai: Nhóm ngoại lệ.
Khi có việc chi thật trọng hệ cần yếu thì
được phép nhóm ngoại lệ Ðại Hội tại Toà Thánh một năm một kỳ mà thôi.
Thiệp mời nhóm gởi trước 15 ngày; hoặc gởi
điện tín thì 3 ngày trước.
&&&
CHƯƠNG THỨ HAI.
VỀ SỰ CHỌN CỬ PHÁI VIÊN.
Ðiều Thứ Mười Ba:
Lễ Sanh, Chánh PhóTrị Sự và Thông Sự đều
có quyền đến dự nhóm Hội Nhơn Sanh nhưng bửa ấy mà cả thảy đều đến Toà Thánh
thì nơi Làng nơi Quận không còn Chức Sắc, Chức Việc; phận sự phải bỏ bê e xảy
ra điều khó khăn vậy định như sau đây rất tiện:
Sau khi nhóm tại Tỉnh đặng bàn cải quyết
định và lập vi bằng các vấn đề trong chương trình của Thượng Chánh Phối Sư gởi
đến thì mổi phẩm chọn cử một Hội Viên đặng thay mặt cho Tỉnh mình hầu đến Toà
Thánh mà dự Ðại Hội.
Còn Phái Viên thì cũng một vị như mấy phẩm
đã kể trên đây.
Việc chọn cử nầy phải tuân y Ðạo Nghị Ðịnh
thứ 20 của Ðức Quyền Giáo Tông và Phạm Hộ Pháp.
Tại Tỉnh Thành Tây Ninh là Tỉnh THÁNH ÐỊA
cũng tuỳ y một luật ấy.
Nghị viên Hội Nhơn Sanh lãnh trách nhiệm
một hạn kỳ là ba năm.
Phái viên đắc cử Nghị Viên Hội Nhơn Sanh
chụp ba tấm hình giao cho Ðầu Tỉnh Ðạo gởi cho Nội Chánh (Lại Viện) đặng gắn
vào giấy chứng nhận và sổ bộ cùng vô khuôn treo tại nhà Hội .
Cả Lễ Sanh Chức Việc và Phái Viên không
đắc cử Nghị viên Hội Nhơn Sanh được thông thả đến Toà Thánh nhập hội nhưng được
dự thính mà thôi, nơi Hội có sắp đặc chổ ngồi cho chư vị được dự thính.
Muốn tỏ ý kiến chi cho Hội thì do nơi Chư
Nghị viên ở Tỉnh Ðạo của mình mà thôi.
&&&
CHƯƠNG THỨ BA.
HỘI NGÁNH THƯỜNG XUYÊN.
Ðiều Thứ Mười Bốn:
Lập một Hội Ngánh thường xuyên đặng bàn
tính các điều thường ngoại chương trình với việc trọng hệ cần yếu xãy ra thình
lình nhứt là việc Thượng Chánh Phối Sư hoặc Chức Sắc nào mà Hội Thánh cho quyền
thông công với Chánh Phủ. Thượng và Nữ Chánh Phối Sư cũng làm Chánh Phó Nghị
Trưởng.
Từ hàng Chánh Phó cũng lãnh y phận sự.
Nghị viên thì sắp đặc y như sau đây:
Cũng có mặt một hoặc vài Chức Sắc Nội
Chánh tuỳ theo việc bàn tính và một Chức Sắc Hiệp Thiên Ðài.
Một năm nhóm ba kỳ (4 tháng một kỳ).
Nhóm kỳ thứ nhất: Mùng 06-4.
Nhóm kỳ nhì: 13- 8. Phải đến trước.
Nhóm Kỳ ba: 13-11 bửa Hội 01 ngày.
Khi có việc trọng hệ gấp rút thì Nghị trưởng
được quyền gởi điện tín mời nhóm nhưng mà một năm không quá hai lần. Ðiện tín
mời nhóm gởi ba ngày trước bửa nhóm.
Nội trong 10 ngày sau khi nhóm Hội thì lập
vi bằng và làm y như nhóm Ðại Hội.
Chánh Phó Nghị trưởng, Từ Hàng Nam Nữ với
một Chức Sắc Hiệp Thiên Ðài ký tên tờ vi bằng.
Lúc Ðại Hội Nhơn Sanh thường lệ trước khi
giải tán thì chư Nghị viên các Tỉnh Nam kỳ (Nam và Nữ riêng nhau) phải phái mỗi
Tỉnh một vị đặng thay mặt nơi Hội thường xuyên cho Tỉnh của mình.
Toàn các nước Lân Bang cũng đồng quyền y
như phép công cử nơi Việt Quốc mà sắp đặc những Phái viên về nhập Ðại Hội Nhơn
Sanh và Thượng Hội theo như Luật Lệ sở định nầy:
Nghị Viên Nam và Nữ phải đồng một số.
Toà Thánh sẽ lập Khách đình để cho chư
phái viên ngoại bang đến cư ngụ nhứt là sẽ cấp đất Toà Thánh đặng chia cho mổi
Tỉnh Ðạo cất nhà cửa cùng cơ sở vỉnh cửu đặng người thay mặt mình ở thường
xuyên gần Toà Thánh.
Ðiều Thứ Mười Lăm:
Ban Uỷ viên xem xét tài chánh Hội Ngánh
thường xuyên chọn ba Nghị viên Nam và ba Nghị viên Nữ đặng mỗi kỳ nhóm lệ
thường xuyên ba ngày trước bửa nhóm xem xét sổ sách của Hộ Viện rồi lập tờ phúc
đem ra trình cho Hội. Mổi kỳ nhóm lệ thì Nghị viên lãnh làm kiểm sát phải đến
Toà Thánh trước ba ngày đặng có thời giờ xem xét sổ sách.
Ðiều Thứ Mười Sáu:
Nếu ngày sau có điều chi cần sửa cải, huỷ
bỏ hoặc cần ích thì truất bỏ hoặc thêm vô luật lệ nầy.
Lập Tại Toà Thánh.
Ngày 16-11- Năm Giáp Tuất.
(Le 22-Décembre 1934).
Phạm Hộ Pháp
Chưởng Quản Nhị Hữu Hình Ðài Hiệp
Thiên và Cửu Trùng.
Ký Tên: Phạm Công Tắc.
@@@
Ðánh máy lại theo bản in năm Bính Tý
(1936):
THÁI HOÀ ẤN QUÁN – TOÀ THÁNH TÂY NINH.
Ngày 04-3-Ất Dậu. (2005).
ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ÐỘ.
Ðệ Cửu niên.
TOÀ THÁNH TÂY NINH.
&&&
HỘI THÁNH.
NỘI LUẬT.
&&&
CHƯƠNG THỨ NHỨT.
ÐẠI HỘI HỘI THÁNH.
Ðiều Thứ Nhứt:
Chiếu theo Pháp Chánh Truyền và Ðạo Nghị
Ðịnh Thứ Tư điều thứ 5 và thứ 6 của Ðức Lý Giáo Tông và Phạm Hộ Pháp thì các
phẩm vị Chức Sắc kể sau đây đặng vào Hội Thánh.
1- Thái Chánh Phối Sư …. Nghị Trưởng.
2- Nữ Chánh Phối Sư …. Phó Nghị trưởng.
3- Phối Sư, Giáo Sư, Giáo Hửu: Nam Nữ ….
Nghị viên.
4- Một Nghị viên Nam và một Nghị viên Nữ
…. Từ hàng.
5- Hai Nghị viên Nam và hai Nghị viên Nữ
….. Phó Từ hàng.
6- Thượng và Ngọc Chánh Phối Sư với Chánh
Phó Quản lý Cửu Viện thay mặt cho Nội chánh đặng minh triết các vấn đề để chư
Nghị viên không rõ đem ra hạch hỏi được quyền bàn cải và bỏ thăm.
7- Thập Nhị Thời Quân Hiệp Thiên Ðài phải
có mặt bửa Hội nhóm đặng lo bảo thủ Ðạo Luật không cho Hội phạm đến.
Nếu một vấn đề nào sau khi bàn cải rồi mà
Cửu Trùng Ðài bỏ thăm thuận còn Hiệp Thiên Ðài thì bỏ thăm nghịch hoặc là Cửu
Trùng Ðài bỏ thăm nghịch mà Hiệp Thiên Ðài bõ thăm thuận thì vấn đề ấy phải bàn
tính mà bỏ thăm lại.
Nếu hai phen bàn cải mà vẫn cũng còn phản
khắc nhau thì Chánh Chủ Hội tuyên bố liền rằng vấn đề ấy sẽ dâng lên Thượng Hội
định đoạt.
Ðiều Thứ Hai:
Chức Sắc Hàm phong được dự thính mà thôi.
Có sắp đặt chổ riêng cho những vị nầy ngồi.
Ðiều Thứ Ba:
Hội Thánh bàn định mấy việc sau đây:
1- Các vấn đề của Hội Nhơn Sanh đã bàn
định hoặc của Thượng Hội gởi xuống đặng lập phương ban hành.
2- Lo về sự phổ độ, việc hành đạo tha
phương, tài liệu, tài chánh của Ðạo và cả nền Chánh Trị của Ðạo.
3- Bàn cải và công nhận sổ phỏng định thâu
xuất năm tới.
4- Xin sửa cải thêm bớt hay là huỷ bỏ
những luật lệ không phù hạp với sự tấn hoá về tâm trí nhơn sanh.
5- Các việc có ảnh hưởng về nền Ðạo.
Ðiều Thứ Tư:
Mổi năm Hội nhóm thường lệ một kỳ ngày rằm
tháng bảy.
Nội trong ngày 12-7 Nghị viên phải có mặt
tại Toà Thánh và phải ở lại cho đến ngày mãn hội. Khi đến Toà Thánh thì lại Nội
Chánh (Lại Viện) ghi giấy thông hành chừng về cũng trở lại Nội chánh ghi giấy
thông hành.
Nếu vô cớ mà đến trể thì không đặng dự
nhóm.
Ðiều Thứ Năm:
Nghị Trưởng lập chương trình các việc sẽ
đem bàn tính rồi nội ngày rằm tháng sáu gởi cho cả Thiên phong mổi vị một bản.
Ðiều Thứ Sáu:
Nghị viên mổi năm đến lệ về nhóm chớ không
có thơ mời riêng.
Ðiều thứ Bảy:
Nghị viên nào muốn xin canh cải thêm bớt,
huỷ bỏ điều chi trong luật Ðạo hay là điều chi khác nữa thì phải gởi tờ xin
trước ngày mùng một tháng sáu đặng Hội Thánh xem xét và Nghị trưởng ghi vào
chương trình.
Như có điều chi muốn hạch hỏi hay là công
kích tại giữa Hội thì trong tờ xin chỉ rõ ràng về khoản chi trước ngày rằm
tháng sáu đặng Hội Thánh đủ thời giờ mà minh triết.
Trong mấy ngày Hội nhóm Nghị viên được
quyền xin hạch hỏi hoặc công kích Nội Chánh; Nội Chánh có quyền trả lời liền
lúc đó hầu làm cho vui lòng Nghị viên. Thoản như nhằm việc trọng hệ phải quan
sát lại thì Nghị trưởng được quyền đình lại đến kỳ nhóm Hội thánh thường xuyên
đem vấn đề ấy ra mà minh triết hoặc gởi thơ cùng các châu tri trả lời các lời
hỏi.
Ðiều Thứ Tám:
Khi nhóm Hội chư Nghị viên tuân y Luật Lệ
chung các Hội.
Buổi nhóm nếu vô cớ mà không đến nhóm Hội
thì phải bị đệ ra Tam Giáo Toà.
Tư cách Nghị viên: cả Nghị viên phải mặc
Thiên phục cho trang hoàng giữ vẽ nghiêm trang.
Ðiều Thứ Chín:
Nội trong 20 ngày sau khi nhóm thì Từ Hàng
lập vi bằng (5 bổn) (Nghị trưởng Chánh Phó và Từ Hàng Nam Nữ với một Chức Sắc
Hiệp Thiên Ðài ký tên).
. Giử lưu chiếu một bổn.
. Ðệ lên cho Thượng Hội ba bổn.
. Hiệp Thiên Ðài một bổn.
Chừng Thượng Hội gởi trả ba bổn lại; Nghị
trưởng giử lưu chiếu một bổn và giao cho Ngọc Chánh Phối Sư và Nữ Chánh Phối Sư
mổi vị một bổn đặng ban hành.
Ðiều Thứ Mười: Nhóm Ngoại Lệ.
Khi có việc chi thật trọng hệ cần yếu thì
được phép nhóm ngoại lệ một năm một kỳ mà thôi. Thiệp mời nhóm gởi trước 15
ngày, hoặc gởi điện tín thì ba ngày trước.
Ðiều Thứ Mười Một:
Trước bửa Ðại Hội mà Nam Nữ phải nhóm
chung nhau . Thái Chánh Phối Sư hoặc Nữ Chánh Phối Sư có điều chi phải hỏi ý
kiến riêng Chức sắc phái của mình thì được quyền mời nhóm riêng (Nam theo Nam;
Nữ theo Nữ).
Kỳ nhóm nầy Từ Hàng phái nào theo phái
nấy. Lập vi bằng hai bổn Nghị trưởng và Từ hàng ký tên để lưu chiếu một bổn còn
một bổn thì như Chánh Phối Sư Nam thì gởi cho Chánh Phối Sư Nữ . Còn Chánh Phối
Sư Nữ thì gởi cho Chánh Phối Sư Nam hầu hiểu rõ những điều của của mỗi phái đã
bàn tính.
&&&
CHƯƠNG THỨ HAI.
HỘI NGÁNH THƯỜNG XUYÊN.
Ðiều Thứ Mười Hai.
Lập một Hội Ngánh thường xuyên đặng bàn
tính các việc thường ngoài chương trình hoặc điều trọng hệ cần yếu xãy ra thình
lình nhứt là việc Thượng Chánh Phối Sư hay là chức sắc nào của Hội Thánh cho
quyền thông công với Chánh Phủ.
Mỗi năm nhóm ba kỳ (4 tháng 1 kỳ).
Kỳ nhứt: 13-2.
Kỳ nhì: 13-6. Nội ngày 12 phải có mặt.
Kỳ Ba: 13-10. tại Toà Thánh.
Nội trong 10 ngày sau khi nhóm thì lập vi
bằng và làm y như nhóm Ðại Hội (Vi bằng cũng có 5 vị kể phẩm tước trong điều
thứ 9 ký tên vào).
Khi có việc trọng hệ cần kíp thì Nghị
trưởng được quyền gởi điện tín mời nhóm nhưng mà một năm không quá hai kỳ. Ðiện
tín mời gởi ba ngày trước bửa nhóm.
Nghị viên nếu vô cớ không đi nhóm thì bị
đệ ra Tam Giáo Toà.
Hội viên của Ban thường xuyên phải lập như
sau nầy:
Thái Chánh Phối Sư cũng làm… Nghị trưởng.
Nữ Chánh Phối Sư cũng làm… Phó Nghị
trưởng.
Từ hàng Nam Nữ lảnh y phận sự Ðại Hội.
Số Nghị viên định như sau đây:
Thượng và Ngọc Chánh Phối Sư và chư Quản
lý Nội chánh (như quản lý viện nào vắng mặt thì Phó quản lý thay thế).
Chín Nghị viên chọn trong thiên phong và
các Tỉnh chia ra 9 quận như sau đây:
1- Sài Gòn- Chợ Lớn –Tân An.
2- Gia Ðịnh -Tây Ninh.
3- Bà Rịa – Biên Hoà -Thủ Dầu Một.
4- Mỷ Tho- Gò Công.
5- Bến Tre – Trà Vinh.
6- Sa Ðéc – Vĩnh Long.
7- Châu Ðốc –Hà Tiên- Long Xuyên.
8- Cần Thơ- Rạch Giá.
9- Bạc Liêu- Sóc Trăng.
(Mỗi quận cũng cử thêm một Nghị viên).
Mổi nước lân bang như Cao Miên Ai Lao vv…
được cử từ một đến 3 Nghị viên tuỳ ý.
(Cũng cử 1 hoặc 3 chánh và 1 hoặc 3 phụ) .
Nghị viên quận Nam Kỳ lãnh trách nhậm một
năm mà thôi.
Còn Nghị viên lân bang được lãnh một năm
hay ba năm tuỳ ý.
Nghị viên Nam và Nữ phải đồng một số.
Toà Thánh sẽ lập Khách đình cho Chư vị nầy
đến cư ngụ.
Ðiều Thứ Mười Ba:
Ban uỷ viên xem xét tài chánh.
Hội Ngánh thường xuyên chọn hai Nghị viên
Nam và hai Nghị viên Nữ ở các Tỉnh Nam Kỳ hoặc các nước lân bang đặng mỗi kỳ 4
tháng; ba ngày trước khi nhóm Hội thường xuyên xem xét sổ sách bút toán của Hộ
Viện một lần rồi lập tờ phúc đem ra trình khi nhóm Hội.
Mổi kỳ nhóm Hội Ngánh thì Nghị viên lãnh
làm kiểm sát phải đến Toà Thánh trước ba ngày đặng có thời giờ xem xét sổ sách.
Ðiều thứ Mười Bốn:
Nếu ngày sau còn có điều chi sửa cải huỷ
bỏ hoặc cần ích cho Hội Thánh thì truất bỏ hoặc thêm vào Luật Lệ nầy.
Lập tại Toà Thánh ngày 16-11- Năm
Giáp Tuất.
(Le 22 Décembre-1934).
Phạm Hộ Pháp.
Chưởng Quản Nhị Hữu Hình Ðài.
Hiệp Thiên và Cửu Trùng.
Ký Tên: Phạm Công Tắc.
@@@
Ðánh máy lại theo bản in năm Bính
Tý (1936):
THÁI HOÀ ẤN QUÁN – TOÀ THÁNH TÂY
NINH.
Ngày 04-3-Ất Dậu. (2005).
…ngày nào quyền-lực Chí-Tôn đặng hiệp một
cùng Vạn-linh thì Đạo mới ra thiệt-tướng. (Đức Chí Tôn, 23/12/1931)
Các kỳ Hội Nhơn Sanh.
1/- Hội Nhơn
Sanh năm 1931.
2/- Hội Nhơn Sanh năm 1932.
3/- Hội Nhơn Sanh năm 1937.
4/- Hội Nhơn Sanh năm 1946.
5/- Hội Nhơn Sanh năm 1951.
6/- Hội Nhơn Sanh năm 1964.
7/- Hội Nhơn Sanh năm 1967.
8/- Hội Nhơn
Sanh năm 1974.
MỤC LỤC:
Lời thưa
trước. T 4.
PHẦN MỘT:
Lời dạy
của Đức Chí Tôn. T 5.
Bà Bát
Nương dạy: Đại Từ Phụ trở pháp. T 6.
Đức Hộ
Pháp: Ngày 15 - 8 - Quí Dậu (dl 4 - 10 - 1933). T 7.
Ðức Quyền
Giáo Tông, ngày 8/4/Giáp Tuất (1934). T 19.
PHẦN HAI:
NGUYÊN VĂN CÁC LUẬT
Luật Lệ
Chung Các Hội. T 29.
Hội Nhơn
Sanh Nội Luật. T 36.
Hội Thánh
Nội Luật. T 42.
Thượng
Hội Nội Luật. T 48.
PHẦN BA.
CÁC BÀI THAM KHẢO
Tìm
hiểu một số vấn đề Ba Hội Lập Quyền Vạn Linh. T 53.
Thiệt
Tướng Cao Đài T 63.
Giáo
Tông cầm quyền Chí Tôn tai thế: Thực tế Thượng Hội”. T 75.
HẾT
LỜI THƯA TRƯỚC.
Thông thường thì sưu tập một đề tài chi
đều có phần giới thiệu mục đích biên soạn. Tài liệu này cũng trong thông lệ ấy.
Ban Thông Tin KNS biên soạn tài liệu để
cùng nhau hiểu đúng và làm đúng Thánh Lịnh 257 của Đức Hộ Pháp: Hễ quyền trên của ai đã bị quỉ quyền truất
phế thì dưới phải tiếp tục cầm quyền Thiêng liêng của Đạo... Nói cho cùng nước: Chức sắc Thiên Phong mà bị bắt đi nữa thì
dưới nầy các Bàn Tri Sự và Tín Đồ cùng công cử người thay thế cho họ.
Công cử người cầm quyền của đạo phải tổ
chức tại Tòa Thánh Tây Ninh, và căn cứ vào Luật về Ba Hội Lập Quyền Vạn Linh để
tổ chức. Khối Nhơn Sanh tự nguyện hiệp đồng với quý đồng đạo để mở Đại Hội Nhơn
Sanh tại Tòa Thánh Tây Ninh nên biên soạn lại để nghiên cứu, thảo luận hầu tìm
ra đáp án tối ưu cho công cuộc khôi phục Hội Thánh Anh.
Pháp của Đạo: Nhứt vi u ám tất giai văn (Một điểm nhỏ chưa sáng tỏ cũng
phải làm cho rõ ràng, minh bạch) nên sau khi thảo luận thì đúc kết, công bố
nhận định và chương trình hành động. Khởi sự từ công thức sau cùng trong Di Lặc
Chơn Kinh: Giải Thể Phật (Xác định rõ
mục tiêu, giải thích rõ ràng căn cứ vào đâu và cách tiến hành…). Chúng tôi hiểu
sao nói vậy, không ngại ngùng gì mà che dấu sự yếu kém trước đồng đạo để cầu
mong được sự chỉ giáo của các bậc thức giả.
Khối Nhơn Sanh xin lưu ý:
1/- Châu Tri
số 11 của Tòa Thánh do Đức Quyền Giáo Tông Thượng Trung Nhựt ban hành Pháp
Chánh Truyền Chú Giải vào ngày rằm tháng 2 Tân Mùi (02.04.1931).
Mãi đến 23/12/1931 Đức Chí
Tôn mới dạy về Ba Hội Lập Quyền.
Như vậy Ba Hội Lập Quyền
không có trong Pháp Chánh Truyền mà có trong Thiên Thơ (là hai quyển Thánh Ngôn
Hiệp Tuyển).
2/- Dây Sắc Lịnh của Thượng
Phẩm, Hộ Pháp, Thượng Sanh và Thập Nhị Thời Quân trong Pháp Chánh Truyền Hiệp
Thiên Đài là trong phạm vi Hành Chánh Đạo; nên không áp dụng qua bên Chánh Trị
Đạo.
Nay kính.
Ngày 30/11/Canh Tý (DL: 12/01/2021)
Ban Thông Tin Khối Nhơn Sanh.
…ngày nào quyền-lực Chí-Tôn đặng hiệp một
cùng Vạn-linh thì Đạo mới ra thiệt-tướng. (Đức Chí Tôn, 23/12/1931)
Bài số 1:
THÁNH NGÔN CỦA ĐỨC CHÍ TÔN.
Tây-Ninh (Thảo-xá Hiền-Cung), ngày 23
Décembre 1931.
Thầy, các con
Thầy lấy làm vui được gặp các con đủ mặt
ngày-nay mà hầu Thầy.
Các con nghe lời dặn cần-yếu nầy, mà làm
phận-sự các con cho vẹn vẻ cùng Thái-Bạch.
Các con phải nhớ rằng toàn Thế-giới
Càn-khôn, chỉnh có hai quyền: trên là quyền-hành Chí-Tôn của Thầy, dưới là
quyền-hành của sanh-chúng. Thầy đã lập hình-thể hữu-vi của Thầy, nghĩa là
Hội-Thánh của Đại-Đạo ngày nay rồi thì Thầy cũng phải ban quyền-hành trọn-vẹn
của Thầy cho hình-thể ấy, đặng đủ phương tận-độ chúng-sanh, còn các con cả thảy
đều đứng vào hàng sanh-chúng, dưới quyền-hành chuyển thế của đời, nghĩa là toàn
nhơn-loại đồng quyền cùng Thầy, mà tạo-hóa vạn-linh vốn là con-cái của Thầy,
vậy thì vạn-linh cũng có thể đoạt-vị vào hàng Thần, Thánh, Tiên, Phật đặng.
Trong quyền-hành ấy có nhiều đẳng-cấp, nên
khỏi phải chịu phẩm Người: ấy vậy Người là chủ-quyền của vạn-linh. Thầy nói rõ:
quyền Chí-Tôn là Thầy, quyền Vạn-linh là sanh-chúng, ngày nào quyền-lực
Chí-Tôn đặng hiệp một cùng Vạn-linh thì Đạo mới ra thiệt-tướng. Thầy đã
ban quyền-hành Chí-Tôn của Thầy cho hai đứa làm đầu Hội-Thánh là Giáo-Tông cùng
Hộ-Pháp. Vậy thì quyền-hành Chí-Tôn của Thầy đặng trọn-vẹn khi Giáo-Tông cùng
Hộ-Pháp hiệp một. Còn cả nhơn-loại thì là quyền lực Vạn-linh. Quyền-hành
Chí-Tôn của Thầy, duy có quyền-hành Vạn-linh đối-phó mà thôi.
Thái-Bạch hằng giận các con rằng: mọi điều
chi nó đã hiệp đồng cùng Hộ-Pháp mà ban-hành, thì các con lại còn khi lịnh mà
xem rẻ-rúng. Vậy thì từ đây hễ có mạng-lịnh chi đã đủ hai đứa nó hạ-truyền thì
các con phải hội đủ nhơn-sanh Hội-Thánh và Thượng-Hội mà xét nét cho cặn-kẽ phân-minh,
đặng thi hành phận-sự.
Thái-Bạch đã hứa cùng Thầy rằng, qua ngày
Tòa Tam-Giáo nữ-phái rồi, thì nó sẽ phong Thánh thêm nữa, Các con rán mà chìu
theo lòng nó nghe.
Thầy ban ơn cho các con.
Thăng
Bài số 2.
Tây Ninh (Phạm-Môn) 12 Février 1933
(29-12 Quí-Dậu)
BÁT NƯƠNG
Mầng nhau vì thấy giúp nên nhau,
Mầng Đạo từ đây đẹp vẻ màu.
Mầng xác chí-linh thêm mãnh-lực,
Mầng thần chơn-lý đặng danh cao.
Mầng duyên nhân-loại đường tu vững,
Mầng phước nguyên-hồn chẳng chút hao.
Mầng Đạo từ nay nâng thế-giới,
Mầng nền chánh-giáo trở thanh-cao.
Em an dạ, từ đây đã quan-kiến sự kết-cuộc
của Chí-Tôn đã định trước. Em nhớ lại, khi Ngọc-Hư định cho Hiệp-Thiên-Đài
cầm số-mạng nhơn-sanh, lập thành chánh-giáo, thì Đại-Từ-Phụ lại trở pháp, giao
quyền ấy cho Cửu-Trùng-Đài. Cả Ngọc-Hư Chư Thần, Thánh, Tiên, Phật đều
ngạc-nhiên sự lạ. Đại-Từ-Phụ phổ-giáo rằng: Hay, hay không lẽ để phận hèn,
ngày sau sẽ rõ thánh-ý Người quyết liệu.
LỤC NƯƠNG DIÊU TRÌ CUNG
Em chào mấy anh, em đương ở Ngự Quan-Cung,
Bát-Nương đến cho hay rằng mấy anh đương ngưỡng nghĩa, nên vội-vã đến hầu. Khi
mơi nầy em đặng tin lành: Ngọc-Hư lo chuyển pháp. Cả Thiên-thơ hủy phá, sửa-cải
pháp chơn-truyền. Chư Thần, Thánh, Tiên, Phật vui mừng chẳng xiết, Diêu-Trì
Từ-Mẫu đẹp dạ không cùng, nhưng vì cái mừng ấy mà làm cho Người đổ-lụy ngâm
bài than nầy:
Vú mẹ chưa lìa đám trẻ con,
Độ sanh chưa rõ phận vuông tròn.
Quyền cao Ngự-Mã là vinh bấy,
Phận mỏng Hiệp-Thiên biết giữ còn.
Lợt điểm Thánh tâm trần-tục khảo,
Vẻ tươi bợn thế nét dò-đon.
Thà xưa ví bẵng nay gìn vậy,
Lòng mẹ ngại-ngùng con hởi con!
Nhị-Ca ôi! Bài thi làm cho cả cung
Diêu-Trì đều đổ lụy. Mấy anh nên lấy nó làm phép hằng tâm, thì bước vinh-diệu
thiêng-liêng không lạc nẻo. Anh Qu...
Th..., lịnh Quan-Âm dạy anh ẩn-nhẫn, đợi Người lo giúp.
Thăng (hết)
KNS phân tích về sự trở pháp: Xin
xem bài Giáo Tông cầm quyền Chí Tôn tại thế.
Bài số 3.
Đức Hộ Pháp: Ngày 15 - 8 - Quí Dậu
(dl 4 - 10 - 1933).
Tại Tòa Thánh Tây Ninh.
(BÀI NẦY DÀI HƠN 30 TRANG DO VẬY
CHÚNG TÔI XIN TRÍCH ĐOẠN NHỮNG LỜI DẠY MẬT THIẾT VỚI ĐỀ TÀI)
…
Hễ có kiến thì có thức, kiến thức là căn
bổn của trí thức tinh thần. Muốn kiến thì nhờ nhãn, muốn thức thì nhờ trí. Ấy
vậy, lương tâm (gọi là linh tâm hay chơn linh) là Thiên Nhãn của trí thức loài
người. Vì cớ mà Đại Từ Phụ dạy thờ Thiên Nhãn.
Thiên Nhãn là hình trạng của lương tâm
toàn thể, làm nền móng cho Cao Đài, nghĩa là đền thờ cao trọng hay là đức tin
lớn của Chí Tôn tại thế nầy, y như hai câu thi của Đức Chưởng Đạo Nguyệt Tâm
(Victor Hugo):
L’ oeil mystique seul verra la religion
nouvelle,
La grande foi gite dans la conscience
universelle.
Có Thiên Nhãn mới tường chánh giáo,
Tin Cao Đài do đạo lương tâm.
Thờ Thiên Nhãn là thờ tánh mạng mình và
Chí Tôn, nghĩa là thờ lương tâm của toàn thiên hạ (Le culte de la conscience).
Bần đạo đã luận rằng, cả đạo mạch cốt yếu
giác mê chúng sanh qui bổn thiện, nhưng bổn thiện của thế gian ngày nay lửng
đửng lờ đờ dường mê mẩn giấc nồng vật dục.
Đời tỉ như người say ngủ, mơ màng trong ảo
mộng Nam Kha, các tôn giáo dùng phương chước đặng kêu thức tỉnh: ông thì lo
quạt nồng đấp lạnh, chờ đã giấc tỉnh hồn, ông thì vỗ đít đặng giựt mình, ông
lại chỏ miệng bên tai kêu dậy, ông lại thổi lỗ mũi đặng dứt ngơi, ông bỏ vật
nồng vào miệng đặng cho thức nhấp.
Còn Đại Từ Phụ đến tạo Đạo ngày nay thì tỉ
như Thầy cầm nơi tay một ngọn đèn rực rỡ quang minh (là chơn linh) mà soi vào
mắt phàm tâm kêu định tỉnh.
Hại những nỗi tà vạy, xảo trá, gian ngược,
hung bạo, tàn nhẫn, đã gây oán chác thù, vì tâm ác chất chứa tràn đời nên các
đạo khó mong qui thiện.
Đại Từ Phụ đến mở mắt linh hồn của chúng
ta rồi lại biểu ta xem coi thế sự đã thế nào, lại nhủ rằng, muốn trừ khổ của
nhơn sanh, các con ráng qui nguyên bổn thiện, nên Thầy mới dụng bác ái từ bi
làm cơ quan chuyển thế.
Thầy trao phẩm vị thiêng liêng làm thưởng
vật, lại giao thiện giáo gọi bổn căn: Thiên vị thì để thế truyền, thiện tâm nêu
bí pháp.
Bởi cớ nên Thầy dạy Bần đạo tạo linh bài
đặng thúc giục thế gian hành thiện.
Chương trình ban thưởng sẽ nấy cho quyền
vạn linh định đoạt.
Bất cứ dân tộc nước nào, chẳng kể bổn đạo
hay là ngoại đạo, đã tận tâm phước thiện, dâng công ích cho chúng sanh. Hễ có
ba Hội là Thượng Hội, Hội Thánh và Hội Nhơn Sanh đã nhìn nhận rằng, có công cả
với xã hội nhơn quần và đã đặng Giáo Tông phê chuẩn thì HTĐ ban linh bài đẳng
vị thiêng liêng.
Kỳ dư mấy vị Chức sắc Thiên phong đủ bằng
chứng lụy mình vì Đạo thì quyền Chí Tôn (nghĩa là Giáo Tông và Hộ Pháp hiệp
đồng) mới ban thưởng ân phong công nghiệp.
Những các hạng phẩm linh bài kể ra sau
đây:
1. Thính thiện.
2. Hành Thiện.
3. Giáo Thiện
4. Chí Thiện
5. Đạo Nhơn.
6. Chơn Nhơn.
7. Hiền Nhơn.
8. Thánh Nhơn.
9. Tiên Tử
10. Phật Tử.
Từ bậc Thính Thiện tới phẩm Chơn Nhơn thì
phận sự thật hành Thể pháp đặng giúp ích cho Hội Thánh về phương truyền giáo,
nên hiệp một với Cửu Trùng Đài. Tuy các Ngài không quyền chức đặc biệt thì mặc
dầu, mà quyền hành thiêng liêng đạo đức của mỗi người đã đào tạo tự nhiên phẩm
trật.
Không phân biệt tôn giáo nào tất cả, những
Đấng Đạo Nhơn tu theo Phật giáo, Tiên giáo, Thánh giáo, Thần giáo, Nho giáo,
cùng là các tôn giáo khác nữa, nói cho cùng là các Chi Phái tả đạo bàng môn mà
đã hữu công cùng chúng sanh, lại có quyền Vạn linh cầu thưởng và quyền Chí Tôn
công nhận thì họ cũng đặng đồng quyền đồng thể cùng Chức sắc Cửu Trùng Đài,
đặng giáo hóa chơn truyền phổ độ.
Từ bậc Hiền Nhơn tới Phật Tử, thì lo bảo
thủ Bí pháp tâm truyền và nhập cùng Hiệp Thiên Đài làm một. Chức trách của mấy
vị nầy cũng không phân biệt tôn giáo nào, hoặc là tu hay là không tu, quyền Vạn
linh và quyền Chí Tôn đã công nhận cho rằng đáng phẩm thì cũng đặng đồng thể
đồng quyền cùng Chức sắc HTĐ, chung nắm quyền hành luật pháp.
Ấy là lời ước thuyết, còn chương trình
quyết định, khi quyền Vạn linh và quyền Chí Tôn phê chuẩn rồi thì Hội Thánh sẽ
tuyên bố ban hành.
Vậy thì Đại Từ Phụ đến khai Tam Kỳ Phổ Độ
có đem theo một gia nghiệp thiêng liêng xuống thế, rồi nắm tay các bậc lương
sanh mà dắt đến một nơi vinh diệu, lại bảo rằng: Các con phải leo cho thấu trên
chót Đài Cao nầy cùng Thầy đặng xem toàn thể của địa hoàn, ngó cho chường, suy
cho quyết, rồi chung tâm hiệp trí cùng Thầy lo liệu bề chuyển thế.
Đại Từ Phụ còn giao nơi tay của chúng ta
những phần thưởng hữu hình và quyền lực thiêng liêng của Thầy đã sẵn sàng dành
để mà nhủ rằng:
“Của cải nầy đủ thế lực cám dỗ nhơn sanh
qui hồi Bổn thiện”.
Thừa tánh tham của phù du thế tục, các con
trao phẩm vị thiêng liêng. Do tâm dữ tranh quyền lộc công danh, các con đổi Chí
linh Bổn thiện.
Cơ quan cứu khổ chúng sanh cũng do nơi đó.
Chúng ta phải tưởng tượng lại coi Ngũ Chi
Đại Đạo là Phật giáo, Tiên giáo, Thánh giáo, Thần giáo và Nho giáo bây chừ
chẳng khác nào như ngũ mã tranh tiên, còn Thầy đến bảo ta làm Chủ khảo.
Ông chủ khảo không phải là Mã Ôn, mà Mã Ôn
thế nào làm chủ khảo, nên chúng ta không tùng một đạo giáo nào mà hành chánh
pháp của Chí Tôn, chỉ nắm chặt chủ quyền ngồi phán đoán, đặng nâng cao giá trị
của Phật pháp hiệp chơn truyền, mới vẹn tiếng chấn hưng Phật đạo.
Dầu hồi buổi chưa tu, chúng ta đã chán
thấy sự hay dở của Ngũ Chi Đại Đạo là thế nào và cũng thấu rõ lẽ chánh tà của
kẻ cầm quyền hành đạo. Chẳng cần để luận những Chi tả đạo bàng môn, dầu chánh
pháp chơn truyền mà đời chế giảm sửa đương cũng đã thành phàm giáo.
Ta đã lãnh vai làm chủ khảo, thì buộc mắt
ta phải xem cho chánh, tai phải nghe cho chánh, miệng ta phải nói cho chánh,
thân ta phải làm cho chánh, trí ta phải định cho chánh, tâm ta phải giữ cho
chánh, thì mới đủ quyền hành cầm cân công bình thưởng phạt thiêng liêng, hiệp
tâm lý đặng qui nguyên phục nhứt.
Kìa chúng ta đã thấy chán chường dưới mắt
những điều lưu hại của tả đạo bàng môn : Hoặc là theo Nho tông, thay vì quạt
nồng đấp lạnh cho đời, lại nhốt dân chúng vào hòm chôn sống, hay là quăng vào
nơi tuyết giá lầm than; hoặc là theo Thần giáo, thay vì lo giục thức tỉnh người
đời, lại sát phạt ra trường lưu huyết; hoặc là theo Thánh giáo, thay vì kêu
thức tỉnh người đời lại để miệng buông lời chửi rủa; hoặc là học theo Tiên
giáo, thay vì hòa giải cho an ổn tâm đời, lại tính kế đồ mưu giục loạn; hoặc là
theo Phật giáo, thay vì tùng phương giải khổ, lại tăng thêm sầu thảm của chúng
sanh.
Một trường náo nhiệt đua tranh, xem mặt
Đạo còn hơn mặt thế.
Chúng ta đã chán ngán những xảo mị của đời
nên quyết tầm chơn, nương theo Từ Phụ.
Bần đạo thấy đặng một lẽ phi thường không
phương hiểu, nghĩa là những trang đạo đức lại có sẵn tâm tu, đã hưởng mùi chánh
giáo của Chí Tôn mà còn thối gót phục tùng tả đạo.
Thật là làm chủ không muốn, làm tớ lại vừa
lòng, tâm lý nhơn sanh vốn không cùng đoán.
Thầy đã tuyển chọn các bậc lương sanh, lập
nên Hội Thánh đặng làm hình thể của Thầy, ban cho đủ uy linh quyền thế, làm cho
Hội Thánh đủ quí hóa cao trọng đặng đáng mặt làm thầy, lập luật pháp, tuyển
hiền tài, định quyền hành, phân đẳng cấp, nhứt là luật pháp thì thật là một cơ
quan độc thiện làm cho hòa nhã liên lạc cả con cái của Thầy, hầu giảm hại chia
phe lập phái. (Thầy đã nói: Kẻ nào chia phe lập phái là kẻ thù nghịch của
Thầy.) Hễ thù địch của Thầy tức là thù địch của nhơn sanh, mà thù địch
của nhơn sanh ấy là thù địch của toàn Hội Thánh.
Đối với thù địch xưa nay, tâm phàm vốn ít
hay thiện xử. Vậy thì sự thù oán nghịch lẫn của vài vị Thiên phong trong Hội
Thánh gẫm cũng thường tình. Xin mấy vị rộng nghe ráng hiểu.
Nào dè những cơ quan pháp luật, thay vì buộc
con cái của Thầy chung hiệp cùng nhau, lại đào tạo quyền hành quí trọng nên mùi
thơm, giục cho sanh chúng tranh giành, làm cửa Đạo biến thành trường náo nhiệt.
Ôi! Sự thất vọng của Thầy rất nên
thê thảm!
Hại thay mới 8 năm truyền giáo, nên nhơn
sanh chưa đủ thông luật Đạo cho cùng, bị cám dỗ nên nghe lời xảo lảo của kẻ bất
lương, giúp thế lực cho tà tâm xô chánh giáo.
Thật ra thì nhơn sanh ngày nay còn theo
người chớ chưa theo Thầy, nghe Chức sắc chớ không nghe Đạo. Nếu chúng sanh theo
người thì là theo phàm tâm, mà phàm tâm vốn một người một thể, dầu cho tánh đức
của mấy vị Giáo chủ cũng chẳng phù hợp nhau nên sanh hại chia phe lập phái.
Bần đạo thử hỏi, thoảng như Đạo phải cô
thế điêu tàn, tội trọng ấy đổ cho ai gánh?
Của cải của Trời cho nhơn sanh, nhơn sanh
chê, nhơn sanh đốt thì nhơn sanh chịu. Báu của ai phòng để dạ giữ gìn, còn của
thế mà mất đi cũng thế, miễn cho kẻ tà tâm có thế lực đôi hồi, loạn Hội Thánh
đoạt vị ngôi là thỏa vọng. (Ấy là học theo truyện Tề Thiên loạn Thiên cung
đặng nài chức Bậc Mã Ôn).
Chẳng biết những người tâm đạo
mới nghĩ ra sao?
Nè chư Đạo hữu lưỡng phái,
Xin nhớ rằng Đạo là của chung cả chúng
sanh, dầu cho ai thù ai oán, ai giận ai hờn, mưu hại lẫn nhau cũng trối kệ, chớ
vì thù oán giận hờn, ai ra tay độc phá nền Đạo thì người ấy là tội nhân của
toàn sanh chúng đa nghe.
Bần đạo hằng đặng tin tức của mấy tỉnh Hậu
giang cho hay rằng nhiều tay phản Đạo, đi khắp nơi kích bác Pháp Chánh Truyền,
lại dối gạt Pháp Chánh Truyền đầy nỗi hại.
Có nhiều Đạo hữu phản kháng hỏi: Hại tại
nơi đâu? Thì kẻ phản Đạo không phương giải rõ.
Bần đạo cũng bắt chước hỏi: Hại tại
chỗ nào?
Á phải! Có hại thật, thật có hại cho
quyền Hội Thánh, vì Bần đạo ban rộng rãi cho nhơn sanh đủ thế lực quyền hành
dám kháng cự cùng quyền Hội Thánh.
Hỏi: Người đồ mưu kích bác Pháp Chánh
Truyền là ai ? - Có phải một vị đại Thiên phong của Hội Thánh và những
Chức sắc phe đảng của Ngài. Chư Đạo hữu chư Đạo muội lưỡng phái tìm hiểu cho
cùng thì biết rõ ràng chơn lý.
(Ôi! Ai đã để hy vọng một ngày kia
làm chúa cả của toàn nền Đạo thì cũng lo giảm thế lực của nhơn sanh đặng dễ dỗ
dễ tranh, hầu lợi dụng lấy quyền công cử. Ấy cũng là phàm kế mà thôi.)
Cái hại thật của Hội Thánh là tại sao cho
Chánh Trị Sự một quyền hành cùng phẩm Đầu Sư nơi địa phận một làng sở tại, còn
Thông Sự một quyền Hộ Pháp, Phó Trị Sự lại giống Giáo Tông, song hành chánh nội
trong một xóm.
Lại nữa, Đạo chia ra ba quyền đặc biệt:
* Quyền Nhơn sanh : là từ phẩm Lễ Sanh,
Chánh Trị Sự, Phó Trị Sự, Thông Sự và cả phái viên toàn đạo hiệp đồng định luật
lịnh phục hành Thể pháp. Chánh Phối Sư phái Thượng làm Chủ tọa. Hội nầy có hai
vị Chức sắc Cửu Trùng Đài và Hiệp Thiên Đài dự hội.
* Quyền Hội Thánh : là Hiệp Thiên Đài thì
Thập nhị Thời Quân, Cửu Trùng Đài thì từ phẩm Chánh Phối Sư, Phối Sư, Giáo Sư
và Giáo Hữu thì vâng luật pháp thi hành chánh trị, Chánh Phối Sư phái Thái làm
Chủ tọa hội nầy.
* Quyền Thượng Hội: là HTĐ thì Hộ Pháp.
Thượng Phẩm, Thượng Sanh; Cửu Trùng Đài thì Giáo Tông, Chưởng Pháp và Đầu Sư,
cầm luật pháp điều hòa đạo mạch. Thượng Hội không quyền sửa trị, duy thi hành
luật lịnh Chí Tôn, kỳ dư khi nào Hội Thánh và Hội Nhơn Sanh phản khắc cùng nhau
làm nền Đạo chinh nghiêng nguy hiểm thì Đầu Sư mới đặng thống quyền nắm
Đạo pháp thi hành chánh trị. (Quyền Thống nhứt phải có đủ quyền Vạn linh và
quyền Chí Tôn hiệp đồng ban cho mới đặng). Hội nầy của quyền Chí Tôn (là Giáo
Tông và Hộ Pháp) làm Chủ tọa.
Trừ hai vị Đại Thiên phong là Giáo Tông và
Hộ Pháp đã thay quyền Chí Tôn tại thế ra, cả ba Hội công đồng mới có quyền Vạn
linh đủ phép.
Ấy vậy, Đạo có Quyền Vạn linh chớ không có
Hội Vạn linh.
Chư Đạo hữu lưỡng phái biết đặng luật nầy
thì sao cũng buồn cười cho Hội Vạn linh của Quyền Ngọc Đầu Sư buổi nọ! (Ngọc
Trang Thanh, Lê Bá Trang).
Vậy thì Hội Nhơn sanh là một quyền lực của
Vạn linh, nếu không phân trách nhậm công bình, thiếu phương thế mong chi giữ
pháp.
Ôi! Nhiều Đạo đã khi rẻ chúng sanh
và chúng sanh chê Đạo cũng bởi thiếu cơ quan nầy mà chớ.
Bần đạo nhớ lại khi ban hành Pháp Chánh
Truyền thì làm cho nhiều vị Thiên phong Cửu Trùng Đài thất chí, nhứt là Cụ Lớn.
Bần đạo mới nói trên đây, đã sai một vị
kia ra lập phái đặng kích bác chơn truyền, hầu đánh đổ quyền hành Chánh
Trị Sự, Phó Trị Sự và Thông Sự, nghĩa là quyền nhơn sanh cho tận diệt. May thay
có Chí Tôn phò trợ nên không kết quả chút nào và nghe ra Chi phái ấy ngày nay
đã tan tành rời rã.
Bần đạo nghĩ cũng nực cười vì họ cũng có
thế dỗ dành cho tín đồ lầm lạc, thật là họ dụng phản gián mưu sâu đặng xúi nhơn
sanh tự vận.
Đảng phái ấy đã cả gan dám lột cổ pháp và
cổi sắc lịnh một vị Trị Sự đương bận hành lễ, liệng trước mặt của đông người,
mà sao nhiều vị tín đồ cũng không hiểu nghĩa.
Bần đạo khổ thân nhọc trí, càng lo bảo hộ
quyền thế của mỗi người, càng bị nhiều kẻ đồ mưu xúi người ơn đem trả oán.
Thiệt tâm lý của người đời rất nên ghê gớm.
Đạo là Đạo, mà ai cũng Đạo.
Thể pháp (nghĩa là ngoại dung) thì buộc,
nào là phẩm, nào là quyền hành, chớ trước Bí pháp (nghĩa là nội dung) cả con
cái của Chí Tôn đồng một bực.
Không phân lớn nhỏ, chẳng kể sang hèn,
hình tướng Chí Linh vẫn đồng một thể.
Bần đạo hằng nghe mấy vị Chức việc mấy Họ
Đạo Lục Tỉnh than rằng: Phận thiệt thòi nên không dám trèo đèo luận biện với Bề
trên Chức sắc.
Bần đạo xin tỏ rằng: Duy bậc phẩm hèn của
Đạo mới dày công nghiệp với Chí Tôn, còn có công nghiệp thì có đủ quyền hành,
có quyền hành thì có tự do ngôn luận. Cũng vì chư Đạo hữu trong Hội Nhơn Sanh
chưa hiểu rõ quyền hành nên Chức Sắc Thiên Phong lộng phép. (Xin chư Đạo hữu
lưỡng phái đọc luật cho thường, rồi kiếm hiểu).
Chúng ta chưa hề đã để ý định cho mình mẩy
tay chơn của châu thân ta mỗi phần giá, vì lớn nhỏ cũng đồng cốt nhục, dầu
trọng khinh cũng cùng một thể thân, lễ nghi kia để dỗ mắt phàm, phẩm vị nọ giục
ham bụng thế.
Chí Tôn đã dạy rằng, phải tùy theo phong
hóa của các sắc dân sanh mà truyền giáo, thì người cũng tùy Nhơn đạo lập chơn
truyền, bởi ta tham trọng thế lớn quyền, Thầy mới tạo ngôi Tiên vị Phật.
Đại Từ Phụ một hôm kia than cùng Bần đạo
rằng: Thầy không phương nào đến cùng các con khác hơn cơ bút. Thầy còn phải trụ
tinh ba chơn truyền của Ngũ Chi Đại Đạo lại mà làm cho chúng sanh hiểu Đạo đặng
dễ dàng nên phải dụng bút cơ giáo hóa.
Hễ mọi điều chi có hữu ích thì có hữu hại.
“Sau nầy Thầy e cho cơ bút sẽ hại cho nhơn
sanh mê tín dị đoan cũng bởi vì ưa ham phẩm vị. Nào là thành Tiên hiển Phật,
nào là xưng Thánh hô Thần, xúi tục tánh ham gần mộng mị.”
Lời tiên tri nầy ngày nay kết
quả.
Ta thử thầm hỏi lấy tâm ta rằng: Đại Từ
Phụ muốn cho ta ra phận sự gì? Nó ắt trả lời: Thế thì Thầy muốn cho ta thiện
niệm thiện hành, thiện tu thiện giáo, đặng nêu gương cảm hóa người đời, còn làm
trái hẳn tôn chỉ cao thượng của Thầy mà gieo ác thì là kế Quỉ vương giục loạn.
Hành đạo là khó, mà bảo chơn lại càng khó,
bởi đó mà phận sự của Hội Thánh rất nên yếu trọng. Nầy là mặt luật, nọ là nhơn
tâm, vẫn đôi bên phản khắc. Nếu muốn đắc nhơn tâm phải phế vong mặt luật, còn
như thi hành chánh luật ắt là thất nhơn tâm, hỏi Hội Thánh phải hành pháp thể
nào đặng vừa lòng công chúng?
Phải theo công chúng bỏ chơn truyền hay là
nắm chơn truyền đặng hành quyền cùng công chúng?
Phải quấy để lòng người suy gẫm, Bần đạo
không minh luận ra đây.
Sự vừa lòng công chúng đã hại nhiều tôn
giáo chơn chánh qui phàm, chúng ta nên noi gương ấy mà tùng theo, hay là phải
tìm đường xa lánh?
Còn như không vừa theo công chúng, người
chê bai xa lánh Đạo mới sao?
Thật là khổ! Phải cho có đủ khôn
ngoan trí thức thiêng liêng mới tìm thấy trung dung Đại Đạo.
Hạng phẩm và trách nhậm đặc biệt phân minh
của Hội Thánh có nên để cho rối loạn cùng chăng?
Nếu trật tự không vững gìn, dầu Chí Tôn có
cho Hội Thánh quyền hành cao trọng thể nào, Đạo rẻ giá bất năng vô ích.
Luật pháp cốt để giữ nghiêm trật tự của
Chức sắc Thiên phong biết phận sự mình, hiểu phẩm hạnh mình, đủ thể diện bảo an
Hội Thánh.
Hỏi những tay đã đồ mưu phá tiêu pháp luật
ở nội tâm muốn tính điều gì? Bần đạo tưởng chắc cả thảy Đạo hữu lưỡng
phái nam nữ đều đồng ý đồng thinh mà trả lời rằng: Họ quyết chắc tìm phương
diệt Đạo.
Thật phải vậy đó chút. Hễ phá pháp luật là
phá giá trị của Hội Thánh, mà Hội Thánh mất giá trị thì Đạo phải điêu tàn tiêu
diệt. Bần đạo tưởng muốn hại Đạo, không có thế nào hay hơn là phá tiêu pháp
luật.
Hiệp Thiên Đài là cơ quan bảo thủ chơn
truyền có nên để cho Chức sắc lộng quyền phá tiêu pháp luật hay không?
Bần đạo để cho chúng sanh định lý mà trả lời giùm, chớ ngòi bút của kẻ biết tu
chẳng nỡ để câu ác luận. Chức sắc Thiên phong cốt để thi hành luật pháp, chớ
chẳng phải nương chánh giáo đặng làm quyền. Hễ vị nào lập thế lực riêng thì vị
ấy tự nhiên lộng pháp.
Bần đạo hằng nghe văng vẳng bên tai những
tiếng thị phi ác cảm rằng: Bần đạo binh người nầy, vì kẻ nọ, mà không thấu rõ
đủ bằng cớ binh vì.
Đã hai phen chung chịu, trước kia với Cao
Thượng Phẩm, sau nầy với Quyền Giáo Tông, Bần đạo bị khép vào án đồng lõa đồng
tình hay là án bất minh tư vị. Ôi! Miệng mối lưỡi lằn không phương giải nghĩa.
Nhơn sanh chỉn thấy đặng bóng dáng phương
ngoài mà nghị luận, nào biệt phân đặng binh luật pháp với binh người, lẽ thiệt
hư nếu hiểu lý cùng noi thì thấy vì Đạo chớ không vì mị.
Bần đạo đã cầm luật pháp nơi Hiệp Thiên
Đài đặng bảo an Hội Thánh thì những người xâm phạm luật pháp, lạm dụng Đạo
quyền phải đi ngang qua mặt Bần đạo hành quyền trước đã, rồi mới toan rối loạn
chơn truyền, sanh chiến tranh phấn đấu tự nhiên, thắng Bần đạo mới mong hại
Đạo.
Hại thay! Thật ra cũng có lắm kẻ tà
tâm, may nương cội Đạo đã làm điều tồi tệ đắc tội với nhơn sanh, lại lạm hưởng
phận sự bảo hộ Hội Thánh của Bần đạo phải thi hành nên hại Bần đạo nhiều phen
phải cùng chung nhục nhã.
Ôi! Phận sự cầm cân công bình thiêng
liêng của Chí Tôn tại thế, vốn không phải dễ. Hễ muốn trọng hồn thì phải nghiêm
trừng xác thịt, mà nghiêm trừng xác thịt vốn là phương kết oán gây thù, còn
trọng xác thịt, rộng thứ dung thì linh hồn sẽ tự nhiên sa đọa, mà để các đẳng
linh hồn sa đọa thì lại đắc tội cùng Thầy.
Làm cho vẹn phận sự khó thôi rất khó!
Trách nhậm yếu trọng ấy, chẳng phải ngồi
lim dim ngủ gục mà làm cho Đạo bành trướng cả thể dường nầy. Bần đạo nhớ lại
buổi trước Đạo còn sơ khai hỗn độn, Chí Tôn lại rộng mở cửa đặng chực rước
chúng sanh, các tôn giáo các đạo chi rần rần rộ rộ, lộn xộn lao xao, kẻ thì bán
bí pháp, người tụng mướn kinh, hại chánh giáo chơn truyền một lúc chịu ô danh
trược diện.
Lo sửa sang chỉnh đốn mấy năm trường thôi
đã hết hơi, dân Việt Nam mê tín khắp nơi nơi, nào bóng nào chàng, nào đồng nào
cốt, nào bùa Tiên nào phép Phật, đã đặng hồi đắc giá chợ đông người, bán mắc rẻ
kiếm lời, lường gạt thế.
Khi ở Thủ Đức trở về Tòa Thánh thì thấy
nào là kẻ theo ông Ngọc Lịch Nguyệt, học trì thoàn niệm chuỗi từ bi, ngồi lần
hột lim dim ngủ gục; nào người thì theo làm học trò ông Giác Hải (Hòa Thượng
Như Nhãn) đánh mõ chuông tụng mãi Di-Đà, ngoài Thánh địa thì đồng cốt lên xưng
quỉ gọi ma, còn Chức sắc xúm giành nhà giựt đất.
Bần đạo cố gắng lo trừ khử đặng bảo thủ
chơn truyền, trót mấy năm tà pháp vừa yên, kế Chức sắc tranh quyền lấn chức.
Bần đạo cũng chẳng vì khen mà ham, mà cũng
chẳng vì chê mà thối chí, sự buồn vui đã chán ngán với tuồng đời, chẳng còn sót
điều chi rằng thú vị, nay đã dâng trọn tâm hồn cùng xác thịt cho Đại Từ Phụ, sự
oán thù đã vô giá trị với thường tình, chẳng sợ khinh, không cầu trọng.
Vị nể ai? Vị nể đặng làm gì?
Ngảnh lại đời thấy quí là chi, đặng mưu
lợi phòng khi vị nể. Ấy vậy, đời không mến, thế không ưa, còn sót lại chi hay
thân buộc trói.
Thế thường nói: Để cho người mà xử người
thì chưa hề có công bình chánh đáng. Phải biết tận tâm lý và hiểu trọn hành vi
của người thì mới định đặng công bình tội phước.
…
Hội Thánh Đại Đạo ngày nay cũng thế, nỗi
thảm khổ của Chức sắc Thiên phong mấy ai thấy rõ, phòng để luận cho công, nhờ
Chí Tôn nung trí giục lòng, bằng chẳng vậy khó mong thành Đạo. Nỗi cơ đời ép
bức, nỗi phận sự khó khăn, lo bảo tồn cả triệu sanh linh, khỏi khổ hạnh vốn
không phải dễ.
Bần đạo coi lại những kẻ để lòng gieo ác
cảm, đều là người trốn lánh phận mình, Đạo không nên mà đời cũng chưa đủ, xúm
vầy đoàn kết lũ hại người lành, hay là tay ghét ngõ ganh hiền, cứ xúm ngõ
kim tiền hô kiếm trộm, cùng những trang Chức sắc lo mua tiếng cầu danh,
miếng đỉnh chung tính bỏ không đành, còn quyền Đạo cũng tranh cũng lấn. Cả thảy
chưa dâng công cho Đạo, chỉ lấy tiếng bua danh, những vị ấy có hửi cái khổ của
Hội Thánh là dường nào mà xử định phân minh mùi vị?
Bần đạo đã trót 8 năm chầy, lao tâm tiêu
tứ, lo tìm phương bảo thủ chơn truyền, hằng bị nỗi khó khăn gay trở. Trong thì
Chức sắc Thiên phong nghịch lẫn, ngoài tà quyền kiếm thế ép đè, khổ nhọc trăm
bề, gian nan khó nói.
Nào là mưu giục loạn, nào là kế phân tâm,
dẹp sự nọ, biến điều kia, khuyên hờn nầy sanh oán khác.
Nào là tiếng gièm pha miệng thế, nào là
lời kích bác phái tà, làm nghiêng ngửa Đạo tâm, hại chia phui Hội Thánh. Tội
nghiệp thay, có nhiều vị Thiên phong Chức sắc chịu không kham hổ nhục của ác
đời, cực chẳng đã phải kiếm chước lui chơn, lập thế lực lo phương hành Đạo.
Thật sự rối rắm của Đạo là do nơi trở cảnh
mà biến thành, chớ chẳng ai nỡ cố tâm hại Đạo.
Cuộc bất hiệp tác đã nảy sanh ra trong
hàng Đại Thiên phong cầm quyền hành chánh, đều tại không đồng ý đồng tình, trên
không biết dưới, dưới chẳng hiểu trên, sự hành động bất hòa mới sanh nghịch
lẫn.
Ông thì lo tìm phương giải ách, ông lại
toan lập thế phổ thông, hao của nhọc công, muôn điều khổ nhọc. Nếu quả nhiên có
tâm hại Đạo thì còn lo vụ tất vẻ lịch xinh chánh giáo mà làm gì, cho bị dể
bị khi, thêm lao tâm tổn trí. Dầu mấy vị vì danh vì thể, lo xui mưu làm loạn đặng
tụ phái lập phe đi nữa, cũng có công giúp ích chơn truyền, nơi khổ hải đóng
thuyền ra tế độ.
Ấy vậy, thiệt nhục cho Bần đạo là không
phương làm hòa nhã cả Chức sắc Thiên phong, để mếch dạ chênh lòng, mới gieo
phiền kết hận, song xét cho cạn lẽ, thì nhơn tâm biến cải, dầu Thánh nhơn cũng
khó nỗi ngừa, hễ xảo ngữ vốn dễ nghe, còn thiệt ngôn hay nặng dạ. Chẳng biết
người đạo đức ở thế nào cho thiên hạ vừa lòng. Hèn chi Phật tỉ đời như Thất đầu
xà, nghĩa là hình trạng thất tình phàm thể.
Chớ chi Đại Từ Phụ ban cho Bần đạo phương
thế nào mà làm cho chư Đại Thiên phong yếu trọng của Hội Thánh bớt để tai nghe
lời siểm nịnh của đám tà, thì nền Đạo chẳng đâu ra nông nỗi.
Người muốn nên cho Đạo thì phần ít, còn kẻ
giục hư lại vốn phần nhiều, vì những tánh nết tự kiêu, vì đầy lòng ganh ghét.
Bần đạo xin thưa cho chư Đạo huynh chư Đạo
tỷ cùng chư Đạo hữu nam nữ lưỡng phái một điều nầy:
Chúng ta tu hay là không tu. Nếu như tu
thì phải hiền, như còn muốn dữ thà bước cho xa cửa Đạo.
Chúng ta đã lãnh phận sự đặc biệt và yếu
trọng là cảm hóa thế nào cho đời đã tệ hóa ra hay, người bạo tàn hóa ra hiền
ngõ. Nếu còn nêu gương tàn nhẫn thì khuyến giáo đặng ai, cứ mong lòng tranh trí
lấn tài, ắt tàn hại cái hay đạo đức.
Sở vọng của Đạo cốt yếu là làm cho thiên
hạ thương yêu, vì sự thương yêu là một quyền hành độc thiện, mà chư Chức sắc
thay vì yêu thương lại chọc cho hờn cho ghét, thì hành vi ngược ngạo biết là
bao! (Đạo thiên hạ đã ghét rồi đa, làm thế nào cho thương đặng mới là hay, còn
hại ghét hoài ra thường sự).
Bần đạo để lời tâm huyết nầy:
Chúng ta đã chung khổ cùng nhau tạo thành
nền Đạo, dầu không tình cũng nghĩa, dầu bỏ nghĩa còn công, đã 8 năm khổ hạnh
chia đồng, hóa giọt thảm mặn nồng bằng cốt nhục. Nay vừa đặng mảy may hạnh
phúc, nỡ nào còn cân nhục so vinh, nên cũng mình mà hư ấy tại mình, trọng là
thế, khinh kia cũng thế. Đời tồi tệ miệng còn nói lễ, Đạo dường bao chẳng kể
tôn ti, nếu ta bày ra tiếng thị phi, biểu sao chúng chẳng khi chẳng dể, cùng
nhau đã đồng minh đồng thệ, của thiêng liêng huynh đệ nên nghì, hơn mà chi thua
ấy là chi, mưu hại lẫn nhau vì cừu hận, ráng giữ chặt tánh hờn nét giận, ngọn
hỏa tâm thiêu tận đền thờ, Đạo sử ghi kiếp kiếp để nhơ, nơi cửa Thánh ơ hờ hóa
quỉ, bớt nghe hồ mị, theo Đấng Chí Tôn, sống sót kia xin ngó đến hồn, đừng đợi
thác thây chôn để trược.
Độ tâm lý không cân không thước, lấy tinh
thần làm chước làm mưu, tâm là bình Bát vu, đức là cây Phất chủ, hạnh là bộ
Xuân Thu, trối kệ đời khen trí chê ngu, đã tự chủ trí ngu tự hiểu, lấy tánh đức
từ bi làm kiểu, đưa ân hồng dìu níu tay phàm, mặc ai còn danh mến lợi ham, trối
kệ những tước ham quyền chuộng, mồi chung đỉnh đủ nhàm ưa muốn, mỏi quì lên cúi
xuống cửa công khanh, còn chi hay phòng giựt phòng giành, có chi trọng phỏng
tranh phỏng lấn.
Chúng ta ví biết mình cho cùng tận, thì
hằng ngày nên hỏi lại mình rằng: Phải Đại Từ Phụ mượn xác thịt của ta đặng thay
hình thể của Người hay chăng?
Nếu lương tâm đã cho phận sự ta để thay
thế cho Thầy thì chúng ta phải tùng phương châm của Thầy, bắt chước y nguyên,
đừng sai một vẻ, mới mong tụ họp con cái của Thầy chun vào cửa Đạo, bằng chẳng
thì thà thối bước ra khỏi Thánh Thể của Thầy hơn ở lại làm nhơ làm trược.
Vậy Bần đạo cả tiếng kêu những người đã
một lỡ hai lầm và những bậc xả thân vì Đạo, phải hiệp tâm hiệp trí cùng nhau,
chỉ ngó một mình Thầy làm đường chơn thật, rồi tha thứ nhau hay là giúp đỡ lẫn
nhau đặng tròn phận sự cùng Thầy hầu làm gương báu cho đời, tìm chí thiện do
tình lẫn ái.
Vậy chúng ta đồng lực lại với nhau đặng un
đúc nền Đạo cho chắc chắn và tạo Đền Thờ của Thầy cho trang nghiêm mỹ lệ đặng
qui hồi cả chúng sanh vào nơi lòng thương yêu vô tận của Chí Tôn mà làm cho
thân hình của Người khỏi chia phui rời rã.
Nếu mấy lời tâm huyết nầy không lọt
vào tai của chư vị yếu nhơn của Đạo thì Bần đạo sẽ đợi xem cho toàn sự hành
động của mỗi người, rồi tuyên bố cho cả chúng sanh thấu đáo./.
Bài số 4.
ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ÐỘ |
(Ðệ Cửu Niên) |
Bài Diễn Văn của Ðức Quyền Giáo Tông đọc
tại Tòa Thánh, ngày mùng 8 tháng 4 năm Giáp Tuất (1934).
Vía Ðức Phật Thích Ca Về Phương Diện Chánh
Thể Ðạo
Chư Ðạo Hữu cùng chư Ðạo Muội,
Buổi chênh nghiêng Ðạo đã hầu qua. Tâm lý
toàn con cái của Ðức Ðại Từ Phụ dường như đặng chuẩn thằng, an tịnh đủ để trọn
trí thức tinh thần suy gẫm, nên Tệ Huynh ngày nay toại chí lượm lặt những lời
châu ngọc của Ðức Chí Tôn và các Ðấng Thiêng Liêng thuyết giáo đặng chỉ rõ
Thánh ý nơi nào để cho Ðạo phải chịu khảo đảo dường ấy. Cái hữu ích của sự khảo
đảo sẽ tỏ tường nơi Bài Thuyết Pháp này, nhưng xin chư Hiền Hữu, chư Hiền Muội
cố tâm tìm hiểu.
Các Tôn Giáo đã lập thành tại mặt thế nầy
đã đoạt đặng một cái quyền hành hữu vi kiên cố, thì trước kia cũng phải chịu
khổ hạnh nương lấy một quyền hành bạc nhược, yếu ớt của tâm lý mà thôi.
Ôi, quyền hành tâm lý buổi nào thì cũng
gặp sẵn một tay thù địch mạnh mẽ, cường thạnh, oai nghiêm, là quyền Ðời hiện
hữu. Sự xung đột của quyền Ðời và quyền Ðạo tự cổ chí kim tự nhiên đều có.
Chúng ta đã choán biết rằng những quyền lực mà hành thế đều nương theo tinh
thần mà sản xuất. Trứng tinh thần ấy nở sanh quyền lực, vì cớ cho nên các quyền
hành đã có đủ thế lực mạnh mẽ, nắm thế trị vào tay, hễ vừa thấy trí thức tinh
thần của nhơn sanh ướm mòi sản xuất một cái trứng quyền hành chi khác nữa thì
đã sợ lưu hại mình nên toan phương đạp đổ.
Cuộc kết quả sự phản kháng ấy hoặc thành,
hoặc bại, có ảnh hưởng của tương lai sanh hoạt quyền lực đương nhiên của họ vì
cớ mà sự xung đột hằng xem dữ dội.
Ấy là phương khảo thí tài lực của trí thức
tinh thần, hầu làm cho trí thức tinh thần sanh điều hay, bày điều dở; hay thì
chánh dở thì tà; chánh thì còn tà thì dứt. Ấy vậy, dầu cho sự xung đột của
quyền Ðạo với quyền Ðời thoảng đã làm cho lao tâm tiêu tứ của những trang chấp
chánh Ðạo quyền đi nữa, là phương chước tô điểm vẽ vời cho lịch xinh mặt Ðạo.
Phận sự bảo trọng lấy mình là dễ; còn phận sự bảo Ðạo vốn khó vô cùng. Ðáng lẽ
những kẻ khuyến khích cho Tệ Huynh bảo trọng lấy mình nên gọi là người ơn; còn
những người khuyên lơn, bảo tồn nền Ðạo nên cho là kẻ nghịch mới phải. Tệ Huynh
tưởng khi chẳng cần nói thì chư Hiền Hữu, chư Hiền Muội cũng đã choán biết
rằng: Chẳng lẽ Chí Tôn chọn lựa Tệ Huynh giao cầm quyền mối Ðạo đặng bảo trọng
lấy Tệ Huynh mà thôi. Trái ngược thì lại nhủ rằng: Phải hủy mình đặng bảo tồn
sanh chúng. Chẳng lẽ chúng ta đành cho rằng trọng mình hơn trọng Ðạo là chơn
lý.
Ôi! Biết bao phen, đêm khuya thanh vắng,
Tệ Huynh nằm gát tay lên trán thầm hỏi lấy mình:
Một mảnh thân phàm nầy, cô thân bạc nhược
nầy, yếu ớt hèn mọn nầy, có đủ tài đức chi mà Ðại Từ Phụ lại tin giao một cái
giang san sự nghiệp của toàn nhơn loại hoàn cầu đặng cho gánh vác.
Càng nghĩ càng lo, lo rồi lại sợ; sợ không
kham trách nhậm mạng Trời. Càng suy càng tủi, tủi rồi lại khóc; khóc sợ không
phương nâng đỡ nổi chơn truyền.
Ðại Từ Phụ lại quy tụ con cái của Ngài gần
trên một triệu sanh linh, biểu bảo hộ, nâng niu dạy dỗ?
Anh thì nghèo, em thì khó, gia nghiệp
không mà quyền thế cũng không, bị cường bức ép đè mang khổ hạnh.
Ðã chín năm Tệ Huynh thấy ngờ ngờ trước
mắt nhiều thảm trạng khó khăn; tinh những tiếng khóc than chẳng dứt. Kẻ thì
đói, người thì đau; Chức Sắc thì hèn, Tín Ðồ thì dở, mối thương tâm chất chứa
đầy lòng, giọt huyết lệ toàn đêm chẳng ngớt.
An đâu đặng mà tịnh, vui đâu đặng mà nhàn.
Chúng sanh thì khóc, Hội Thánh thì than mà chẳng thấy một ai lo trọn Ðạo. Tệ
Huynh xem lại những trang yếu trọng chấp chánh Ðạo quyền, thay vì chia đau sớt
thảm, lo giải khổ cho chúng sanh, lại cố ý giựt giành quyền thế. Nhiều vị lại
muốn cho Tệ Huynh ngồi đó điềm nhiên những thảm khổ ngơ tai bịt mắt; lại buộc
Tệ Huynh phải an tịnh đặng đắc Ðạo thành Tiên, dầu mối Ðạo chinh nghiêng đừng ngó
đến.
Cái sở vọng của các người ấy, Tệ Huynh để
cho chư Hiền Hữu, chư Hiền Muội kiếm hiểu coi họ để tại nơi nào không cần cạn
tỏ.
Vì Tệ Huynh biết đặng cái bí mật huyền vi
ấy, nên không khứng nghe lời mới nảy sanh ra trường ác cảm.
Nào là lường gạt nhơn sanh, nào là tranh
giành quyền tước, gieo nhục nhã khắp nơi, lấy quyền Ðời chế Ðạo. Một trường
ngôn luận xảo quyệt, dối gian truyền cùng làng khắp xóm, nhưng sự kết cuộc cũng
không hại chi cho danh thể của Tệ Huynh, duy làm cho thiên hạ chê khinh Chánh
Giáo. Chẳng biết lương tâm của những kẻ phá Ðạo ngày nay nó phải thế nào, lẽ tà
chánh trọng khinh sao chẳng rõ.
Tệ Huynh ngồi nhớ lại đã cách mười năm,
nghĩa là hạ tuần năm Sửu, Tệ Huynh còn làm Thượng Nghị vào lầu ra các; trong
thì bạn ngoài thì quan, nẻo hoạn lộ hèn sang đã chán, lẽ nhục vinh đã ngán với
tuồng đời, mùi cay đắng đã từng quen với mặt thế, nào là mày trung nào là mặt
nịnh đã trông nom mỏi mắt mòn hơi, nên mới biết chê đời mến Ðạo.
Nay lục tuần hầu đến, lẽ nên hư quyền biến
cũng đã thừa; có chi hay phòng mến phòng ưa; có chi trọng phòng yêu phòng
chuộng. Tệ Huynh hằng hỏi lấy mình, cái ngày của Ðại Từ Phụ sai Hộ Pháp và
Thượng Phẩm đem lịnh vào nhà mà dạy một đứa tội tình nầy phải dâng trọn xác hồn
cho Ngài làm lợi khí mở chơn truyền, nên gọi là ngày hữu duyên hay là ngày trả
nợ? Nếu phải trả nợ thì Thầy lại nào đành giao một cái gia nghiệp vĩ đại của
nhơn sanh cho một kẻ tham gian ngược, còn như gọi rằng duyên thì chắc đủ lực
quyền cầm vững Ðạo.
Ðã chín năm xông lướt trên con đường đi
than lửa, bước chông gai mà cũng có thể bảo thủ chơn truyền của Thầy vững vàng
toàn hảo, thì không phải là một tay giả mạo hay là một đứa tội nhơn, mà làm cho
Thánh chất đặng thắng hơn phàm tánh.
Bởi biết mình, biết Thầy, biết người, biết
Ðạo, mới yên trí Ðạo tâm, giữ gìn Ðạo mạch.
Tệ Huynh duy có một sở vọng là ngày nào
Ðạo đắc thành, đời đặng thái bình thì thối bước lui chơn liền đặng thích chí du
sơn ngoạn thủy; cái vui cùng tận của Tệ Huynh ở tại nơi đó mà thôi, chớ chẳng
phải tại mến đời ngồi chịu khổ.
Ngày nay là ngày vía Ðức Thích Ca Mâu Ni
mà Tệ Huynh không giải tích Ðức Thích Ca, vì chư Hiền Hữu Lưỡng Phái cũng hiểu
rõ tích của Ngài, và chư Hiền Hữu cũng thông suốt Phật Ðạo chút ít rồi.
Tệ Huynh chỉ để thì giờ quí báu đặng nhắc
cho chư Hiền Hữu Lưỡng Phái nhớ một hai Tôn chỉ quí trọng của Ðại Ðạo Tam Kỳ
Phổ Ðộ đương thời, nhứt là về phương diện thể của Ðạo.
Tuy Tệ Huynh không giảng Phật Ðạo, chớ Ðại
Ðạo ngày nay cũng là Phật Ðạo, vì gồm hết Tam Giáo (Nho, Thích, Ðạo) và Thích
Ca cũng là Thầy, Thầy là Thích Ca.
Tệ Huynh hằng nhắc chư Hiền Hữu, chư Hiền
Muội rằng: Ðạo vẫn một, mà mỗi thời kỳ khai Ðạo thì phương diện khác nhau vì
Ðạo khai phải phù hạp với dân trí đương thời khai Ðạo.
Khi Ðức Thích Ca mở Ðạo Phật thì nhơn sanh
buổi ấy còn Thánh Ðức nhiều; cá nhơn đều ngán sự khổ não truân chuyên ở thế nên
Thiên Ðình phú cho Ngài lấy tôn chỉ tiêu cực diệt Tứ Khổ (Sanh, Lão, Bịnh, Tử)
mà độ chúng.
Ngài cũng bị lắm điều truân chuyên khổ
não, lao thân tiêu tứ với đời, mà chừng thành Ðạo cũng bị quỉ phá một hồi dữ
dội, rồi mới thành Ðạo.
Ðức Lão Tử khai Ðạo Tiên thì dùng huyền
diệu pháp làm tôn chỉ cao thượng, vì đương buổi ấy thì nhơn sanh ưa huyền diệu
phép tắc.
Ngài cũng bị nhơn sanh cho là Lão già mê
hoặc chúng. Ðệ tử của Ngài cũng lần lần xa Ngài cho đến đổi khi Ngài đi qua Hàm
Cốc Quan vô Nha môn của Doãn Hỉ đặng độ ông nầy là chơn linh Ngươn Thỉ thì Từ
Giáp là học trò hầu cận Ngài vì mê sắc mà sa ngã rồi cũng xa Ngài. Mà Ðạo Tiên
cũng thành tựu và cũng truyền bá tứ phương vậy.
Khổng Phu Tử thọ lịnh Thiên Ðình xuống khai
Ðạo Nho đặng sửa nhơn luân trong buổi Châu mạt. Vì trong buổi ấy cang thường,
luân lý suy đồi, nên nhơn sanh thấy cái Ðạo nhơn luân của Ngài hay sửa đời đặng
thì khâm phục.
Ngài cũng lắm công nhọc nhằn với đời, qua
Tề bị Yến Anh, qua Yên bị phế, qua Triệu bị đuổi, kẻ bắt người buộc, ăn vạc nằm
sương nhọc nhằn biết mấy. Ðến đổi nhà Tần tàn bạo không xiết kể, phần thi khanh
Nho (đốt sách, chôn học trò) mà Ðạo Nho cũng loan truyền khắp hoàn cầu.
551 năm sau Khổng Phu Tử mới có khai Ðạo
bên Thái Tây, nên Thầy cho Ðức Chúa Jésus Christ giáng sanh khai Ðạo Thánh cho
phù hạp với dân trí Âu Châu.
Ðức Chúa Jésus cũng bị cường quyền Israel
áp bức cho đến đổi, hồi ban sơ thì có 12 vị Thánh Tông Ðồ theo Ngài, mà sau còn
có một Thánh Pierre mà thôi.... Nhưng Người cũng phải chối Chúa ba phen đặng
tránh cường quyền bắt buộc.
Chừng Ðạo thành thì có Du Già bắt Ngài mà
nạp cho Chánh Phủ hành hình, đóng đinh trên cây Thánh Giá; hành xác Ngài gớm
ghiếc như thế đặng cho nhơn sanh kinh khủng mà bỏ Ðạo, mà Ðạo Thánh cũng gieo truyền
khắp cả hoàn cầu.
Lúc Ðạo Gia Tô truyền qua Ðông Pháp thì
vua An Nam cũng nhặt cấm, bắt mấy người theo Ðạo Gia Tô quá Thập Tự, ai không
bước ngang qua thì bị tử hình.
Hình phạt gớm ghê như thế mà cũng có người
chí Thánh, thọ tử mà thôi chớ không chịu chối Ðạo.
Xét kỹ lại, thiệt người xưa là Thánh Ðức,
ít ai bì kịp, cứ giữ chánh tâm làm trọng, thủy chung như nhứt mà thôi.
Ngảnh lại đời nay mà ngán cho đời!! Ôi,
trong tám năm dư chuông Thánh truy hồn, Ðạo Trời đem tin cứu thế mà hễ có nghe
phưởng phất lời đồn huyễn hoặc chi của người toan phá Ðạo thì mau mau cuốn
Thánh Tượng, dẹp Thiên Bàn lòng toan chối Ðạo....
Biết bao nhiêu người nịnh quyền hiếp thế,
xu phụ theo nịnh tà mong toan phá Ðạo, rước rắn rừng vô cắn gà nhà, nạp chí
Thánh vô đề lao cho phỉ lòng oán hận.
Con một cha, gà một ổ, mà làm cho đổ lụy
rơi châu, gieo thảm sầu cho lắm người tâm thành trí vẹn phải dừng chơn thối
bước! Quạ nuôi tu hú cũng còn biết thương, người đi một đường sao nỡ hại nhau
như thế?
Ai toan bứng gốc phá chồi của nền Ðạo, thì
để Thiêng Liêng quyết đoán, mình cứ nắm giữ luật lệ của Thầy và Ðức Lý Giáo
Tông đã thành lập từ buổi ban sơ thì thành Ðạo, vì luật lệ của Ðại Ðạo Tam Kỳ
Phổ Ðộ thể Thiên hành hóa là món binh khí diệt Tà quyền.
Ðời có thạnh có suy, Ðạo động tịnh chuyển xây,
Lửa thử vàng, gian nan thử Ðạo.
Trong 8 năm qua rồi, biết bao phen vẹt mây
ngút thấy Trời xanh mà cũng lắm lúc xem đất bằng sóng dậy.
Thầy đã nói tiên tri rằng: "Chi chi
qua Quí Dậu cũng phải cho thành Ðạo, mà trước khi Ðạo thành thì Tam Thập Lục
Ðộng quỉ về phá Tòa Thánh dữ dội lắm, mà trừ an nội loạn rồi mới thành Thiên
cơ".
Ngày nay bảo tố dữ dội đã qua rồi, Tệ
Huynh nhìn thấy mấy em đã bị bao phen khảo đảo, thảm khổ vô cùng, mà mấy em
cũng ngồi vững trong thuyền Bác Nhã của Thầy độ rước thì Tệ Huynh hết sức vui
mừng nên nguyện rằng sẽ đem hết dạ yêu thương mà dìu dắt mấy em về cùng Thầy
cho đến chốn.
Các Ðấng Thiêng Liêng cũng có nói trước:
"Rồi đây Nguyên Nhân sẽ đến rần rần, có lắm anh hào thành tâm giúp
Ðạo".
Cơ Trời mầu nhiệm, cao sâu, người đâu thấy
đặng!
Từ ngày ác khí nổi lên xông đột, bên bạo
tàn trương nanh múa vút, thì bên Thánh Ðức hiền lương có lắm anh hào đem hết
trí thức tinh thần ra công giúp Ðạo.
Tạo Hóa vần xây chuyển thế, Âm Dương thiệt
khéo đầu cơ.
Khiến cho Tệ Huynh nhớ lời tiên tri của
Bát Nương Diêu Trì Cung hồi ban sơ có dạy rằng:
"Hễ gặp người an bang tế thế,
Nên quì mà nghênh lấy lễ trọng người.
Cổi thân ra mảnh áo tơi,
Che mưa đở nắng cho đời nguy nan".
Tôn chỉ cao thượng của Ðại Ðạo Tam Kỳ là
lập công quả cùng Thầy lo độ rỗi Nguyên Nhân, truyền bá chơn Ðạo cho đời biết
chữ nhàn là quí, đức là trọng, đặng hết tranh tranh đấu đấu, lập quyền lấn thế
nhau, báng sán nhau, hại sanh chúng nguy nan đời đời kiếp kiếp.
Từ hai mươi năm nay, xem trong hoàn cầu
thiệt đâu đâu cũng là một cảnh sầu không tỏa ra cho cùng tận được. Biết bao
người bị lượn sóng vô tình vật chất chụp đè trên biển khổ, ham lo sung sướng
cho mảnh thi hài, bo bo vừa lòng tình dục. Ít ai ngó xuống thương đồng loại cực
khổ biết bao! Kể không xiết số người thất nghiệp truân chuyên, cơm tẻ ngày hai
không có, mảnh tơi che cật chẳng lành. Tôi phản Chúa, người phá Ðạo, trò nghịch
Thầy, cha lìa con, vợ xa chồng, huynh đệ bất hòa, bằng hữu tranh nhau cũng vì
mối nhơn luân suy bại, chẳng còn thấy Chúa Thánh tôi hiền, phụ từ tử hiếu,
trông chi gặp tháng Thuấn ngày Nghiêu, nhà nhà lạc nghiệp thái bình âu ca.
Ðấng Hóa Công là Ðại Từ Phụ chung của cả
nhơn sanh trông thấy hoàn cảnh như vầy cũng đổ lụy rơi châu với bầy con dại,
biết bao thương xót lũ con hoang ra đường gây tội lỗi, trong mấy muôn năm phải
bị luân hồi, trả vay mãi mãi như chóng vần xây. Từ việc rất lớn lao tới việc tế
vi mảy mún, thạnh suy bỉ thới cũng phải chuyển vần y như luật Trời đã định.
Ðạo Trời đem tin cứu thế, thức tỉnh nhơn
sanh phải tu tâm dưỡng tánh, theo lành lánh dữ cho khỏi nạn luân hồi vay trả;
hằng ngày phải nhớ câu: "Oan gia nghi giải bất nghi kiết".
Người phải thương nhau như con một cha. Cả
hoàn cầu là đại chánh chung cả nhơn loại, không hại lẫn nhau, lấy lễ phép mà
giao thiệp cùng nhau, lấy công bình mà đối đãi cùng nhau.
Lo cho Ðạo hữu trong nền Ðạo có cơ sở làm
ăn, biết làm lành là quí.
Que l'humanité soit une, une comme race,
une comme religion, une comme penseé.
Ấy là cuộc sửa đời lập Tân Thế Giái (Ere
nouvelle) của Ðại Từ Phụ đã tuyên ngôn từ buổi khai Ðạo.
Theo lý chánh, thật hành chỉ rõ trên đây
thì nhiều người trong Ðạo lại chê, còn theo việc mị mộng ăn ngọ, ăn chuối,
tuyệt cốc, tịnh luyện thì ưa, còn nguyên nhân lỡ bước ai lo?
Trong 8 năm qua rồi, Tệ Huynh đây và Hiền
Ðệ Phạm Công Tắc là Hộ Pháp của ÐÐTKPÐ, hiệp cùng nhiều Thiên Phong đã để hết
tâm thành trí vẹn đặng thi hành cho hoàn tất mấy điều của Thầy và Ðức Lý Giáo
Tông đã dạy bảo.
Ôi, biết bao phen bị đánh đổ, lắm người
trong Ðạo không hiểu tôn chỉ Ðại Ðạo, lại còn biếm nhẻ nói Tệ Huynh lo việc hữu
hình chớ không lo vô vi tịnh luyện.
Bởi vậy mới rồi đây, Tệ Huynh có đắc lịnh
dạy bảo phải chỉ rõ phương diện chánh thể của Ðạo, xin giải:
Trước đây, Tệ Huynh có nói Thầy lập Ðạo kỳ
nầy phù hạp với dân trí ngày nay đã tăng tiến khỏi Ngươn Tấn Hóa đến địa vị tối
cao, cho nên chủ nghĩa Cựu Luật của các Tôn Giáo hiện thời không đủ sức kềm chế
đức tin của toàn nhơn loại.
Theo chánh thể của ÐÐTKPÐ, thì có ba Hội,
đã định quyền hành đặc biệt:
a). Thứ nhứt là Hội Nhơn Sanh:
Trong Hội Nhơn Sanh thì Chánh Phối Sư phái
Thượng là Chủ Trưởng.
Hội Viên thì từ Lễ Sanh đổ xuống Chánh Trị
Sự, Phó Trị Sự, Thông Sự và người Phái Viên thay mặt cho nhơn sanh.
Trong Nội Luật Hội Nhơn Sanh của ba Chánh
Phối Sư lập ra có chỉ rõ luật lệ. Ấy vậy từ hàng Tín Ðồ cùng đồng nhi đều có
người thay mặt đặng xem xét việc Ðạo rồi đệ lên Hội Thánh phán đoán.
Vạn vật cũng có ảnh hưởng trong Hội Nhơn
Sanh vì người là Chúa của Vạn vật. Xét kỹ thì Thầy công bình không xiết kể và
lo việc hóa sanh không ngằn không tận.
b). Thứ nhì là Hội Thánh:
Trong Hội Thánh thì có Thái Chánh Phối Sư
làm Chủ Trưởng. Hội Viên thì từ Giáo Hữu, Giáo Sư và Phối Sư thiệt thọ có trách
nhậm hành chánh đặc biệt.
Trong Nội Luật Hội Thánh của ba Chánh Phối
Sư lập ra có chỉ rõ thức lệ. Hội Thánh có quyền xem xét các việc của Hội Nhơn
Sanh dâng lên và các việc hành chánh trong Ðạo, rồi đệ lên Thượng Hội.
c). Thứ ba là Thượng Hội:
Thượng Hội thì cũng có Nội Luật chỉ rõ
thức lệ. Trong Thượng Hội thì Giáo Tông làm Chủ Trưởng, Hộ Pháp làm Phó Chủ
Trưởng. Hội Viên thì có:
Thượng Phẩm
Thượng Sanh
Ba vị Chưởng Pháp
Ba vị Ðầu Sư
Và Ðầu Sư Nữ Phái
Không cần nhắc thì Chư Hiền Hữu Lưỡng Phái
cũng hiểu rằng mấy Ðại Thiên Phong kể trên đây có hành chánh phận sự lớn lao
của mình thì mới đặng vào Thượng Hội.
Thượng Hội để giúp Giáo Tông và Hộ Pháp
điều đình cả nền Ðạo lớn lao của Thầy.
Thượng Hội có quyền xem xét các điều nghị
luận của Hội Thánh và Hội Nhơn Sanh rồi hoặc đệ lên cho Giáo Tông và Hộ Pháp
phê chuẩn hay là trả lại cho Hội Thánh định đoạt lại.
Ba Hội (Thượng Hội, Hội Thánh, và Hội Nhơn
Sanh) toàn nhập lại theo thức lệ rành rẽ thì gọi là Quyền Vạn Linh, chớ không
phải ai muốn lập Hội Vạn Linh, tổ chức gì theo ý riêng của mình rồi muốn đem ai
lên làm Chủ Trưởng tổ chức gì cũng được.
Như vậy thì có Luật lệ gì đâu? Mà không
Luật lệ thì là không phải Ðạo.
Trên ba Hội, thì có Giáo Tông và Hộ Pháp.
Giáo Tông làm chủ Cửu Trùng Ðài thì lo
việc Chánh Trị của Ðạo, có Chưởng Pháp và Ðầu Sư ở trung gian giúp sức điều
đình các Luật lệ truyền xuống cho ba Chánh Phối Sư nắm trọn quyền hành chánh.
Giáo Tông có quyền định đoạt trong việc Chánh Trị của Ðạo.
Hộ Pháp thì lo giữ Luật lệ của Ðạo cho
khỏi sái Thiên Ðiều vì Luật lệ của ÐÐTKPÐ ngày nay thì thế cho Thiên Ðiều.
Hộ Pháp có quyền đặc biệt về ân xá cũng
như Giáo Tông có quyền Chánh trị vậy.
Hộ Pháp chưởng quản Hiệp Thiên Ðài, có
Thượng Phẩm, Thượng Sanh và Thập Nhị Thời Quân giúp sức.
Giáo Tông và Hộ Pháp hiệp một là Quyền Chí
Tôn.
Tệ Huynh có thọ lịnh chỉ rõ phương diện
Chánh thể của ÐÐTKPÐ của Thầy khai trong buổi Hạ Ngươn chuyển thế đây y trên
đó. Xin chư Hiền Hữu Lưỡng Phái rán nhớ và lo phận sự, đừng sai luật Ðạo mà bị
tội, và mình tuân trọn Luật Ðạo của Thầy thì là món binh khí diệt Tà quyền giả
mị đó.
Tệ Huynh xin nhắc lời Tuyên ngôn của Ðại
Từ Phụ hồi buổi ban sơ, Thầy có nói: "Thầy lập Ðại Ðạo Tam Kỳ nầy là lập
một cái trường công quả, nếu các con đi ngoài trường công quả ấy thì không
trông mong gì về cùng Thầy đặng".
Trường công quả của Thầy có đôi bên: Một
bên vô hình là các Ðấng Thiêng Liêng (Phật, Tiên, Thánh, Thần) cũng lập công
quả trong buổi chuyển thế nầy. Các Ðấng Thiêng Liêng thường theo một bên chúng
ta đặng ám trợ chúng ta về phần vô vi.
Còn các việc hữu hình tại thế là các việc
phải có thi hành như chúng ta bây giờ đây mới làm đặng thì về phần chúng ta
phải lo làm rồi có các Ðấng Thiêng Liêng ám trợ.
Thí dụ như đi độ rỗi nhơn sanh phải nói
Ðạo cho người nghe, như phải lập mấy cuộc để giúp thế đang nguy nan, như nhà
trường dạy kẻ cô độc học, nhà thương, nhà dưỡng lão cùng các nghề nghiệp cho
đạo hữu có phương làm ăn đặng cơm tẻ ngày hai, có áo quần che thân ấm cật....
thì chúng ta phải lo hết rồi các Ðấng Thiêng Liêng ám trợ cho thành tựu.
Nếu chúng ta làm biếng không làm công quả
chi cho Ðạo bên hữu hình thì các Ðấng Thiêng Liêng theo mình không lập công quả
được thì tội trọng về phần mình chịu lấy.
Từ hồi tạo Thiên lập Ðịa tới ngày nay
trong mỗi kỳ khai Ðạo không có thời kỳ nào mà chính mình Thầy là Chủ Tể Càn
Khôn Thế Giới xuống mà lập ra, không có một Tôn Giáo nào đặng một vị Ðại Tiên
là Ðức Lý Thái Bạch lãnh làm Giáo Tông như ngày nay vậy.
Tệ Huynh đây là lãnh về phần xác thay thế
cho Ngài đặng lo làm các việc hữu hình tại thế cho Ngài, rồi ở trong có Người
ám trợ.
Tệ Huynh xin chỉ rõ quyền hành lớn lao của
Ðức Lý Ðại Tiên Thái Bạch Kim Tinh cho mấy em rõ:
Ánh Thái Cực biến sanh Thái Bạch,
Hiện Kim Tinh trọng trách Linh Tiêu.
Quyền năng dâng thửa Thiên Triều,
Càn Khôn Thế Giái dắt dìu Tinh Quân.
Tinh Quân thọ sắc thuở Phong Thần,
Cho đến Ðường Triều mới biến thân.
Thái Bạch Kim Tinh đương trị thế,
Trường Canh Trích Tử đến thăm trần.
Ðộng Ðình thi rượu đong muôn đấu,
Bồng Ðảo câu Tiên nắm một cần.
Vâng lịnh Ngọc Hư nay xuống thế,
Tam Kỳ độ rỗi các Nguyên Nhân.
Ngài nói rằng: "Hễ Ðạo trọng thì Chư
Hiền Hữu trọng, vậy thì chư Hiền Hữu biết mình trọng mà lo sửa vẹn người đời.
Từ đây Lão hằng gìn giữ cho Chư Hiền Hữu
hơn nữa. Nếu thoảng Lão ép lòng cầm quyền thưởng phạt phân minh, là cố ý muốn
giá trị chư Hiền Hữu thêm cao trọng hơn nữa. Vậy Lão xin đừng để dạ phiền hà
nghe."
Xin Chư Hiền Hữu Lưỡng Phái ghi nhớ mấy
lời châu ngọc ấy đặng sửa mình. Hết lòng cảm tạ mấy em và Chư Tôn có công mệt
mỏi ngồi nghe mấy lời tôi cạn tỏ rồi đó.
Hết dạ khẩn cầu cho nền Ðạo chóng hoằng
khai.
PHẦN HAI.
NGUYÊN VĂN CÁC LUẬT
1/- Luật lệ chung các hội.
2/- Nội Luật Hội Nhơn Sanh.
3/- Nội Luật Hội Hội Thánh.
4/- Nội Luật Thượng Hội
@@@
ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ÐỘ.
Ðệ Cửu niên.
TOÀ THÁNH TÂY NINH.
&&&
LUẬT LỆ CHUNG CÁC HỘI.
Khi nhóm Hội Chư Nghị viên tuân y điều lệ
sau đây:
Ðiều Thứ Nhứt: Lễ trước lúc mở hội.
Khi Nghị Trưởng vào hội lại ghế Chủ toạ
thì chư Nghị viên phải đứng dậy thủ lễ với người chờ người ngồi trước rồi chư
Nghị viên mới ngồi sau.
Khi cả thảy ngồi xuống thì Nghị trưởng
đứng dậy trước, rồi cả thảy đứng dậy sau và phải giữ vẽ nghiêm trang. Ðoạn tay
bắt ấn tý lấy dấu và mặc niệm năm câu chú và cầu khẩn Ðức Chí Tôn bố trí chung
rồi cả Hội đọc Kinh Nhập Hội. Khi đọc rồi niệm câu chú của Ðại Từ Phụ.
Ðoạn chờ cho Nghị trưởng ngồi rồi Chư Nghị
viên mới ngồi sau.
Ðiều Thứ Nhì: Mở Hội.
Khi đâu đó ngồi xong xã êm tịnh thì Nghị trưõng
rung một tiếng chuông cho Chư Nghị viên nghe đặng lẳng lặng. Rồi Nghị trưởng mở hội bảo Từ Hàng đọc tờ vi bằng nhóm kỳ
trước. Thoãn như cả Nghị viên có đọc tờ vi bằng ấy rồi thì Nghị trưởng hỏi Nghị
viên tờ vi bằng ấy đặt ra có y theo lời đã bàn định chăng và cả Nghị viên đều
công nhận hết chăng?
Nếu có
điều chi mà cả Hội định phải sửa đổi vì không y theo lời đã bàn định thì Nghị
trưởng cho lịnh Từ hàng lập tức sửa lại liền và cho biết luôn sự kết quả các
lời bàn định trong tờ vi bằng ấy.
Kế đó đem
các vấn đề trong chương trình bửa nhóm mà bàn định.
Ðiều Thứ Ba: Phận sự Nghị trưởng.
Trong hội nhóm Nghị trưởng hay là Chủ toạ
đem các vấn đề sắp đặc có thứ tự trong chương trình cho Nghị viên bàn luận.
Nghị viên không đặng bàn tính việc gì khác
hơn là vấn đề đang tranh luận cho tới vấn đề “tạp vụ”.
Nghị trưởng khi xướng đề ra nói rành rẽ
cho chư Nghị viên thông hiểu, rồi để cho Nghị viên tự do bàn luận chẳng nên cải
lẫy điều chi với Nghị viên và chờ khi bàn cải rồi thì kết luận những ý kiến của
chư Nghị viên và cho hiểu rõ mà công nhận hay là huỷ bỏ.
Ðiều Thứ Tư: Phận sự Phó Nghị trưởng.
Phó Nghị trưởng giúp Nghị trưởng về việc
ban hành các lời bàn định. Trước khi mời nhóm hội chung trí với Nghị trưởng lập
chương trình và khi Nghị trưởng vắng mặt vì bận việc, hoặc phải hành đạo phương
xa, hoặc khi đau ốm thì Phó Nghị trưởng đủ quyền thay thế.
Ðiều Thứ Năm: Phận sự Từ Hàng.
Từ hàng giúp Nghị trưởng lập chương trình,
thiệp mời, lập vi bằng và lo các giấy tờ trong văn phòng Nghị trưởng và Phó
Nghị trưởng.
Khi hội nhóm lúc Nghị viên bàn tính thì
chăm chỉ biên các lời bàn tính, rồi chừng bãi hội lập vi bằng và tờ sao lục các
lời bàn tính. Từ hàng được chọn lựa người phụ sự đặng giúp mình trong việc giấy
tờ.
Ðiều Thứ Sáu: Cách bỏ thăm.
Việc bỏ thăm có hai cách:
a- Khi việc cần yếu trọng hệ thì phải bỏ
thăm kín.
b- Khi việc thường thì bỏ thăm dơ tay.
Những việc chi bàn tính nếu được phân nữa
số thăm của cả Nghị viên hiện diện thêm một lá nữa thì việc ấy được công nhận.
Thoản như số thăm đồng nhau Nghị trưởng bỏ thăm bên nào thì lời bàn định bên ấy
được công nhận.
Nếu một phần năm (1/5) Nghị viên hiện diện
xin bỏ thăm kín thì Nghị trưởng cho lịnh y theo.
Ðiều Thứ Bảy: Số Nghị viên.
Kỳ nhóm lệ: Dầu số Nghị viên hiện diện bao
nhiêu hội cũng cứ nhóm và lời bàn định cũng có giá trị như khi nhóm đều đủ vậy.
Kỳ nhóm ngoại lệ: Số Nghị viên phải được
phân nữa cái số chung và thêm một vị nữa nếu chẳng đủ số định trên đây thì Nghị
trưởng đình lại và cho Quyền Chí Tôn hay hoặc là huỷ bỏ quyền hội hay là trừng
trị cách nào tuỳ ý. Còn Hội cũng cứ việc hội như số Hội viên đều đủ.
Ðiều Thứ Tám: Những việc Nghị viên muốn
đem ra hội.
Nghị viên nào muốn xin canh cải, thêm bớt
huỷ bỏ điều chi trong Luật đạo hoặc nói khác xin hạch hỏi, kích trách tại giữa
hội thì phải gởi tờ xin trước ngày nhóm y theo hạng lệ đã định trong nội luật
mỗi Hội nhóm.
Ðiều Thứ Chín: Quyền bàn tính.
Mổi Hội viên được quyền nói thông thả song
phải thủ lễ nghĩa, giữ hạnh khiêm cung lấy lời tao nhã êm thuận chẳng nên nóng
nãy và lớn tiếng mà làm cho mất vẽ ôn hoà của Hội.
Mỗi khi muốn nói phải đưa tay xin phép rồi
chờ Nghị trưởng phân theo thứ tự cho phép mới được nói.
Chừng được phép nói, khi nhóm Ðại Hội nếu
số Nghị viên trên hai mươi người thì phải đứng dậy nói.
Trong một cái vấn đề đem ra bàn luận thì
Nghị viên được phép nói ba lần mà thôi, mỗi lần chẳng đặng quá 5 phút.
Nghị viên nào có xin trước y theo điều thứ
tám đã buộc thì được quyền đem việc mình muốn xin sửa cải, hoặc mình muốn tra
vấn, ra nói một lần trong nửa giờ; khi phải minh triết thêm nửa thì được nói
thêm hai lần nửa, mổi lần 10 phút đồng hồ.
Khi hai hoặc nhiều Nghị viên đưa tay lên
một lược xin phép nói thì Nghị trưởng định cho người chức lớn hoặc như đồng
chức nhau thì người tuổi tác lớn nói trước rồi kế cho đến hết người xin một
lược.
Ðiều Thứ Mười: Buổi nhóm.
Mổi buổi nhóm không nên quá 4 giờ đồng hồ;
Chư Nghị viên phải đến cho đúng giờ nhóm chớ nên vô cớ mà bê trể.
Như Nghị trưởng định nhóm giờ nào khi quá
giờ ấy 15 phút đồng hồ phải mở Hội không kể số Nghị viên nhiều ít.
Thoảng như Nghị trưởng vắng mặt hoặc đến
trể thì Phó Nghị trưởng thay thế, một Nghị viên chức lớn hoặc lâu củ hơn hết
hoặc tuổi tác lớn hơn hết ngồi ghế Phó Nghị trưởng.
Chừng Nghị trưởng đến thì ngồi chỗ Nghị
viên.
Còn như Nghị trưởng và Phó Nghị trưởng
vắng mặt hoặc đến trể thì hai Nghị viên chức lớn, hoặc lâu củ hơn hết ngồi Nghị
trưởng và Phó Nghị trưởng.
Chừng Nghị trưởng và Phó Nghị trưởng đến
thì ngồi chổ Nghị viên.
Nếu vô cớ mà không đến nhóm Hội thì phải
bị phần phạt có định trong các nội luật.
Ðiều Thứ Mười Một: Tư cách Nghị viên.
Nghị viên nếu là Chức Sắc hay Chức Việc
thì phải mặc Thiên Phục hay Ðạo Phục.
Còn Tín đồ thì phải mặc y phục thường cho
trang hoàng sạch sẽ, phải bạch y theo hạng Phái viên của Hội Thánh ban cho.
Cả Nghị viên đều phải thủ lễ nghĩa chung
với nhau. Ngồi trên ghế mình phải ngay thẳng không nên dựa nghiêng dựa ngữa
hoặc xếp bằng hoặc co chơn lên vén ống quần mà gãi. Không nên hút thuốc ăn
trầu, phải ngồi một chổ chờ cho đến khi Hội giải tán.
Trước khi giải tán thì Hội Trưởng và Nghị
viên đồng đứng dậy như trước khi nhập hội và tụng kinh Kinh Bãi Hội. Ðoạn lấy
dấu niệm câu chú của Ðại Từ Phụ rồi xá ba xá mà lui ra cho có hàng ngủ thứ tự.
Ðương nhóm mà vị nào có việc phải ra ngoài
thì phải xin phép Nghị trưởng xong rồi phải vô liền.
Nếu vị nào làm mất cách lịch sự giữa Hội
thì Nghị trưởng rung chuông, xin vị ấy giử phép lịch sự. Khi Nghị viên đương
nói mà nổi giận, làm điều vô lễ thì Nghị trưởng rung chuông ngăn lại đặng
khuyên giải.
Nếu chẳng khứng nghe thì Nghị trưởng hỏi ý
kiến của cả Nghị viên khác, như phần đông đồng ý kiến thì Nghị trưởng mời ra
khỏi hội.
Thoảng như cường ngạnh thì Nghị trưởng
rung chuông ngưng bàn tính chừng 5 phút trở lại; đệ vị ấy ra ban nội trị; chừng
yên rồi thì rung chuông nhóm lại.
Khi một Nghị viên đang bàn luận thì người khác
ngồi nghe chẳng nên xen vô làm đứt đoạn. Nghị trưởng sẽ rung chuông chỉ trách
người nào làm mất phép lịch sự ấy.
Nghị trưởng khi thấy Nghị viên nào tỏ sắc
giận giũi xin phép nói đặng cố ý tỏ nét giận của mình ra thì được quyền không
cho phép nói.
Ðiều Thứ Mười Hai: Hỏi ý kiến Nghị viên.
Khi có điều chi cần phải hỏi ý kiến từ
Nghị viên thì Nghị trưởng phải hỏi trước hết vị nào nhỏ chức hơn, hoặc khi đồng
chức thì vị nào nhỏ tuổi hơn hết, cứ như vậy cho đến Phó Nghị trưởng.
Ðiều Thứ Mười Ba: Ðại Hội tại Toà Thánh.
Hội Thánh và Hội Nhơn Sanh.
Hai Hội nầy nhóm tại nhà nhóm trong Toà
Thánh.
Lễ khai mạc: Trước giờ mở hội thì Nghị
trưởng phái vài Nghị viên đi rước Giáo Tông và Hộ Pháp đến dự lễ.
Khi Nhị vị Ðại Thiên Phong nầy đến thì Lễ
viện cho lịnh nhạc trổi tiếp mừng. Chánh Phó Nghị trưởng, Chức sắc Hiệp Thiên
Ðài và Nội chánh Nam Nữ ra tại cửa đón rước. Cả Hội viên đồng đứng dậy chờ cho
Nhị vị an toạ mới ngồi sau. Giáo Tông ngồi ghế Chủ toạ bên tay mặt thì Hộ Pháp,
bên tay trái thì Nghị trưởng.
Giáo Tông đọc bài diễn văn khai hội. Hộ
Pháp chú giải những luật pháp mà hội không hiểu rõ. Kế đó Nghị Trưởng đọc bài
diễn văn chương trình buổi nhóm .
Khi Nhị vị Ðại Thiên Phong về; Chánh; Phó
Nghị trưởng và Chức sắc đồng đưa ra đến cửa còn Hội viên cũng đứng dậy như khi
hai vị Ðại Thiên Phong đến.
Ty cảnh sát tuần phòng ở ngoài hầu giử.
Lúc nhóm Hội Nhơn Sanh thì một Lễ Sanh
Phái Ngọc lãnh cai quản Ty ấy mặc thiên phục, buộc giây sắc lịnh Tam Sắc Ðạo
của Hiệp Thiên Ðài ban cho trong lúc Hội nhóm khi Hội giải tán thì đem nạp lại
cho Hiệp Thiên Ðài.
Lúc nhóm Hội Thánh thì một Giáo Hữu Phái
Ngọc cai quản Ty ấy; mặc thiên phục buộc giây sắc lịnh Tam Sắc Ðạo của Hiệp
Thiên Ðài ban cho trong lúc Hội nhóm. Khi Hội giải tán thì đem nạp lại cho Hiệp
Thiên Ðài. (Mổi 2 giờ đồng hồ đổi phiên canh).
Ðiều Thứ Mười Bốn: Ban Uỷ Viên.
Ngánh:
Khi Nghị trưởng và cả thảy đều trở lại chổ
ngồi yên rồi thì Hội chọn cử bốn Ban Uỷ viên Ngánh:
1- Phái Thái.
2- Phái Thượng.
3- Phái Ngọc.
4- Phái Nữ.
Ðặng chia các việc đã đem vào chương trình
hầu bàn tính ít người cho dễ dàng thấu đáo mọi việc.
Mổi ban Uỷ viên có chừng 5 hoặc 7 nghị
viên:
. Một Nghị trưởng.
. Một phúc sự viên.
. Mấy vị kia làm Nghị viên.
Mổi khi bàn định điều chi rồi thì phúc sự
viên tóm tắc lại lập một tờ phúc để đệ ra Ðại Hội nghị quyết.
Chư Nghị viên Ban uỷ viên khi nhóm thì mặc
đạo phục dùng hằng ngày.
Ðiều Thứ Mười Lăm:
Hội Nhơn Sanh thường xuyên và Hội Thánh
thường xuyên cũng nhóm tại nhà nhóm, nhưng không có lễ nhạc rước đưa Giáo Tông
và Hộ Pháp vì hai vị nầy không cần đến nhóm Hội.
Ty Cảnh sát tuần phòng cũng canh giử nhưng
không mặc Thiên phục và đạo phục với dây sắc lịnh.
Ðiều Thứ Mười Sáu: Thượng Hội.
Bửa lễ khai hội thường lệ thì có ba Nam
Chánh Phối Sư đến rước Giáo Tông và Hộ Pháp và cả Nghị viên Nam.
Nữ Chánh phối sư thì đi rước Nữ Ðầu Sư.
Cả Chức sắc Hiệp Thiên Ðài và Cửu Trùng
Ðài Nam Nữ hiện diện tại Toà Thánh mà không có phận sự cần yếu mặc Thiên phục
đến trước điện hầu chực tiếp rước. Khi Giáo Tông và Hộ Pháp đến thì Lễ Viện cho
lịnh đánh 6 hồi chuông trống. Dứt hồi chuông trống thì chư Nghị viên vào Ðại
Ðiện làm lễ bái Ðấng Chí Tôn, nhạc đánh bản tấu Quân Thiên chừng nhạc dứt cả
Nghị viên toạ vị mới khai hội.
Bốn Chánh Phối Sư tạm xuất ngoại chờ có
lịnh mời mới đến.
Cả Chức sắc khác vào Thiên Phong Ðường chờ chừng bãi hội đến hầu lễ đưa.
Hội nhóm tại bữu điện nơi Ðại Ðiện thì nổi
hương đăng, cửa màn mở ra, 6 Lễ Sanh ba phái đứng hầu trong Bát Quái Ðài, 2 Lễ
Sanh Nữ hầu bàn Phật Quan Âm, 2 Lễ Sanh Phái Ngọc hầu bàn Quan Thánh. Mổi giờ
đồng hồ phải thay đổi.
Ty Tuần Phòng cảnh sát và Bảo Thể Quân có
một vị Giáo Sư Phái Ngọc cai quản đứng trước cửa hầu giử chỉnh tề cho đến bãi
hội. Mổi 2 giờ thì đổi phiên. Chức sắc ấy mặc Thiên Phục và buộc giây sắc lịnh
Tam Sắc Ðạo của Hiệp Thiên Ðài ban cho trong lúc Hội nhóm. Khi Hội giải tán thì
đem nạp lại cho Hiệp Thiên Ðài.
Lúc bãi hội chư Nghị viên ra về Lễ viện
cũng cho lịnh đánh 6 hồi chuông trống là lễ đưa. Bốn Chánh Phối Sư đưa chư Nghị
viên đến dinh mỗi vị.
Ðiều Thứ Mười Bảy:
Thượng Hội thường xuyên thì nhóm tại Giáo
Tông Ðường không có mấy lễ rước đưa như Hội thường lệ.
Ty Cảnh Sát tuần phòng cũng canh giử nhưng
mặc y phục thường và không buộc giây sắc lịnh. Lễ Viện không đổ chuông trống và
đánh nhạc.
Ðiều thứ Mười Tám:
Nếu ngày sau có điều chi sửa cải huỷ bỏ
hoặc cần ích thì truất bỏ hoặc thêm vô luật lệ nầy.
Lập Tại Toà Thánh Ngày 16-11- Năm
Giáp Tuất.
(22- Décembre 1934).
Hộ Pháp.
Chưởng quản Nhị Hữu Hình Ðài.
Hiệp Thiên và Cửu Trùng.
Phạm Công Tắc.
&&&
ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ÐỘ.
Ðệ Cửu niên.
TOÀ THÁNH TÂY NINH.
&&&
HỘI NHƠN SANH.
NỘI LUẬT.
&&&
CHƯƠNG THỨ NHỨT.
VỀ ÐẠI HỘI TẠI TOÀ THÁNH.
Ðiều Thứ Nhất:
Chiếu theo Ðạo Nghị Ðịnh thứ 4 điều thứ 7
của Ðức Lý Giáo Tông và Phạm Hộ Pháp thì Thượng Chánh Phối Sư là Nghị trưởng
Hội Nhơn Sanh.
Hội Nhơn Sanh sắp đặc như sau nầy:
I-Thượng Chánh Phối Sư … Nghị Trưởng.
II- Nữ Chánh Phối Sư … Phó Nghị Trưởng.
III- Lễ Sanh, Chánh Trị Sự, Phó Trị Sự, Thông
Sự, Phái Viên:….. Nghị Viên.
VI_ Một Nghị Viên Nam; và một Nghị Viên Nữ
… Từ Hàng.
V- Hai Nghị Viên Nam và hai Nghị Viên Nữ
…. Phó Từ Hàng.
Ðiều Thứ Hai:
Thái và Ngọc Chánh Phối Sư và các Quản lý
Toà Nội Chánh đều đến dự Hội hoặc trả lời những điều nào nghị viên không rõ mà
xin bày tỏ hoặc minh triết những vấn đề nghị viên hạch hỏi. Nếu một vấn đề nào
bị công kích thì Chánh Phối Sư hay là Quản lý thuộc về vấn đề ấy phải trả lời
hay là bày tỏ cho khỏi sanh điều khó khăn cho việc bàn cải.
Ðiều Thứ Ba:
Một Chức Sắc Hiệp Thiên Ðài đến chứng kiến
và bảo thủ Luật Lệ không cho Hội phạm đến.
Ðiều Thứ Tư:
Hội Nhơn Sanh để bàn tính những việc sau
nầy:
1/- Giáo hoá Nhơn Sanh.
2/- Lo liệu phương hay cho Ðạo với Ðời
khỏi điều phản khắc và nâng cao tinh thần trí thức của Nhơn Sanh.
3/- Phổ Ðộ Nhơn Sanh vào cửa Ðạo dìu dắt
Tín đồ cho khỏi trái bước và trọn vâng các luật lệ của Ðạo.
4/- Xin sửa cải thêm bớt hay huỷ bỏ những
luật lệ của Ðạo không phù hợp với trình độ trí thức tinh thần của Nhơn Sanh.
5/- Lo cho nền Ðạo được trong ấm ngoài êm,
và đủ phương liệu đặng phổ thông nền chơn giáo.
6/- Xem xét và công nhận phương diện chánh
trị của Ðạo quan sát sổ thâu xuất tài sản và nghị sổ phỏng định năm tới.
Ðiều Thứ Năm:
Mổi năm Hội Nhơn Sanh nhóm nhằm ngày rằm
tháng Giêng nhưng Hội viên và Phái viên phải có mặt tại Toà Thánh ngày 13 tháng
đó và phải ở lại cho đến ngày bãi hội.
Khi đến Toà Thánh thì lại Nội chánh (Lại
Viện) ghi giấy thông hành chừng về cũng trở lại Nội chánh ghi giấy thông hành.
Nếu vô cớ đến trễ thì không đặng dự nhóm.
Ðiều Thứ Sáu:
Mổi năm mùng một tháng chạp thì Nghị
trưởng gởi chương trình những vấn đề sẽ đem ra bàn cải cho các Ðầu Tỉnh Ðạo lúc
Hội Nhơn Sanh nơi Tỉnh Ðạo nhóm ngày rằm tháng nầy đem ra bàn cải xem xét trước
cho kỷ lưỡng.
Ðiều Thứ Bảy:
Hội viên và Phái viên nhớ mỗi năm đến lệ
về nhóm chớ không có thơ mời và cũng nhớ đem giấy chứng rằng mình là Hội viên
hay Phái viên đặng nhập hội.
Ðiều Thứ Tám:
Nghị Viên muốn xin canh cải thêm bớt, huỷ
bỏ điều chi trong luật Ðạo hay là điều chi khác nữa thì phải gởi tờ xin 20 ngày
trước bửa Hội nhóm. Cũng phải chỉ rõ mình xin sửa cải thêm bớt hay là huỷ bỏ
việc gì.
Ðiều Thứ Chín:
Khi nhóm hội cả hội phải tuân y thể lệ của
bổn “LUẬT” lệ chung các “HỘI”.
Nếu vô cớ mà không đến nhóm Hội thì phải
bị mất quyền Hội viên hay là Phái viên. Nếu là Hội viên thì mất quyền ấy ba
năm, còn Phái viên thì trong 3 năm không có quyền ra ứng cử.
Cả Nghị viên phải mặc Thiên Phục hay là
Ðạo Phục tuỳ theo phẩm mình.
Ðiều Thứ Mười:
Nội trong 20 ngày sau khi Hội nhóm thì Từ
hàng phải lập vi bằng cho rồi trong đó Nghị trưởng, Phó Nghị trưởng, Từ hàng
Nam Nữ và một Chức sắc Hiệp Thiên Ðài ký tên vào.
Vi bằng nầy phải lập 5 bổn:
. Một bổn gởi cho Thượng Hội.
. Hai bổn cho Hội Thánh.
. Một bổn cho Hiệp Thiên Ðài.
. Một bổn giữ lưu chiếu.
Khi Hội Thánh và Thượng Hội gởi lại cho
Thượng Chánh Phối Sư ba bổn đã công nhận hay là bắt bẻ khoản nào thì Thượng
Chánh Phối Sư giử lưu chiếu một bổn và gởi ngay cho Nữ và Ngọc Chánh Phối Sư
mỗi vị một bổn đặng lo liệu cách thi hành.
Ðiều Thứ Mười Một:
Trước bửa Ðại Hội mà Nam Nữ Phải nhóm
chung nhau Thượng Chánh Phối Sư hoặc Nữ Chánh Phối Sư có điều chi phải hỏi ý
kiến riêng Hội viên phái của mình thì được quyền mời nhóm (Nam theo Nam Nữ theo
Nữ).
Kỳ nhóm nầy Từ hàng phái nào theo phái
nấy, lập vi bằng hai bổn. Nghị trưởng và Từ hàng ký tên để lưu chiếu một bổn
còn một bổn thì như Chánh Phối Sư Nam thì gởi cho Chánh Phối Sư Nữ; còn Nữ
Chánh Phối Sư thì gởi cho Chánh Phối Sư Nam hầu hiểu rõ những điều mà mổi phái
đã bàn tính.
Ðiều Thứ Mười Hai: Nhóm ngoại lệ.
Khi có việc chi thật trọng hệ cần yếu thì
được phép nhóm ngoại lệ Ðại Hội tại Toà Thánh một năm một kỳ mà thôi.
Thiệp mời nhóm gởi trước 15 ngày; hoặc gởi
điện tín thì 3 ngày trước.
&&&
CHƯƠNG THỨ HAI.
VỀ SỰ CHỌN CỬ PHÁI VIÊN.
Ðiều Thứ Mười Ba:
Lễ Sanh, Chánh PhóTrị Sự và Thông Sự đều
có quyền đến dự nhóm Hội Nhơn Sanh nhưng bửa ấy mà cả thảy đều đến Toà Thánh
thì nơi Làng nơi Quận không còn Chức Sắc, Chức Việc; phận sự phải bỏ bê e xảy
ra điều khó khăn vậy định như sau đây rất tiện:
Sau khi nhóm tại Tỉnh đặng bàn cải quyết
định và lập vi bằng các vấn đề trong chương trình của Thượng Chánh Phối Sư gởi
đến thì mổi phẩm chọn cử một Hội Viên đặng thay mặt cho Tỉnh mình hầu đến Toà
Thánh mà dự Ðại Hội.
Còn Phái Viên thì cũng một vị như mấy phẩm
đã kể trên đây.
Việc chọn cử nầy phải tuân y Ðạo Nghị Ðịnh
thứ 20 của Ðức Quyền Giáo Tông và Phạm Hộ Pháp.
Tại Tỉnh Thành Tây Ninh là Tỉnh THÁNH ÐỊA
cũng tuỳ y một luật ấy.
Nghị viên Hội Nhơn Sanh lãnh trách nhiệm
một hạn kỳ là ba năm.
Phái viên đắc cử Nghị Viên Hội Nhơn Sanh
chụp ba tấm hình giao cho Ðầu Tỉnh Ðạo gởi cho Nội Chánh (Lại Viện) đặng gắn
vào giấy chứng nhận và sổ bộ cùng vô khuôn treo tại nhà Hội .
Cả Lễ Sanh Chức Việc và Phái Viên không
đắc cử Nghị viên Hội Nhơn Sanh được thông thả đến Toà Thánh nhập hội nhưng được
dự thính mà thôi, nơi Hội có sắp đặc chổ ngồi cho chư vị được dự thính.
Muốn tỏ ý kiến chi cho Hội thì do nơi Chư
Nghị viên ở Tỉnh Ðạo của mình mà thôi.
&&&
CHƯƠNG THỨ BA.
HỘI NGÁNH THƯỜNG XUYÊN.
Ðiều Thứ Mười Bốn:
Lập một Hội Ngánh thường xuyên đặng bàn
tính các điều thường ngoại chương trình với việc trọng hệ cần yếu xãy ra thình
lình nhứt là việc Thượng Chánh Phối Sư hoặc Chức Sắc nào mà Hội Thánh cho quyền
thông công với Chánh Phủ. Thượng và Nữ Chánh Phối Sư cũng làm Chánh Phó Nghị
Trưởng.
Từ hàng Chánh Phó cũng lãnh y phận sự.
Nghị viên thì sắp đặc y như sau đây:
Cũng có mặt một hoặc vài Chức Sắc Nội
Chánh tuỳ theo việc bàn tính và một Chức Sắc Hiệp Thiên Ðài.
Một năm nhóm ba kỳ (4 tháng một kỳ).
Nhóm kỳ thứ nhất: Mùng 06-4.
Nhóm kỳ nhì: 13- 8. Phải đến trước.
Nhóm Kỳ ba: 13-11 bửa Hội 01 ngày.
Khi có việc trọng hệ gấp rút thì Nghị trưởng
được quyền gởi điện tín mời nhóm nhưng mà một năm không quá hai lần. Ðiện tín
mời nhóm gởi ba ngày trước bửa nhóm.
Nội trong 10 ngày sau khi nhóm Hội thì lập
vi bằng và làm y như nhóm Ðại Hội.
Chánh Phó Nghị trưởng, Từ Hàng Nam Nữ với
một Chức Sắc Hiệp Thiên Ðài ký tên tờ vi bằng.
Lúc Ðại Hội Nhơn Sanh thường lệ trước khi
giải tán thì chư Nghị viên các Tỉnh Nam kỳ (Nam và Nữ riêng nhau) phải phái mỗi
Tỉnh một vị đặng thay mặt nơi Hội thường xuyên cho Tỉnh của mình.
Toàn các nước Lân Bang cũng đồng quyền y
như phép công cử nơi Việt Quốc mà sắp đặc những Phái viên về nhập Ðại Hội Nhơn
Sanh và Thượng Hội theo như Luật Lệ sở định nầy:
Nghị Viên Nam và Nữ phải đồng một số.
Toà Thánh sẽ lập Khách đình để cho chư
phái viên ngoại bang đến cư ngụ nhứt là sẽ cấp đất Toà Thánh đặng chia cho mổi
Tỉnh Ðạo cất nhà cửa cùng cơ sở vỉnh cửu đặng người thay mặt mình ở thường
xuyên gần Toà Thánh.
Ðiều Thứ Mười Lăm:
Ban Uỷ viên xem xét tài chánh Hội Ngánh
thường xuyên chọn ba Nghị viên Nam và ba Nghị viên Nữ đặng mỗi kỳ nhóm lệ
thường xuyên ba ngày trước bửa nhóm xem xét sổ sách của Hộ Viện rồi lập tờ phúc
đem ra trình cho Hội. Mổi kỳ nhóm lệ thì Nghị viên lãnh làm kiểm sát phải đến
Toà Thánh trước ba ngày đặng có thời giờ xem xét sổ sách.
Ðiều Thứ Mười Sáu:
Nếu ngày sau có điều chi cần sửa cải, huỷ
bỏ hoặc cần ích thì truất bỏ hoặc thêm vô luật lệ nầy.
Lập Tại Toà Thánh.
Ngày 16-11- Năm Giáp Tuất.
(Le 22-Décembre 1934).
Phạm Hộ Pháp
Chưởng Quản Nhị Hữu Hình Ðài Hiệp
Thiên và Cửu Trùng.
Ký Tên: Phạm Công Tắc.
@@@
Ðánh máy lại theo bản in năm Bính Tý
(1936):
THÁI HOÀ ẤN QUÁN – TOÀ THÁNH TÂY NINH.
Ngày 04-3-Ất Dậu. (2005).
ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ÐỘ.
Ðệ Cửu niên.
TOÀ THÁNH TÂY NINH.
&&&
HỘI THÁNH.
NỘI LUẬT.
&&&
CHƯƠNG THỨ NHỨT.
ÐẠI HỘI HỘI THÁNH.
Ðiều Thứ Nhứt:
Chiếu theo Pháp Chánh Truyền và Ðạo Nghị
Ðịnh Thứ Tư điều thứ 5 và thứ 6 của Ðức Lý Giáo Tông và Phạm Hộ Pháp thì các
phẩm vị Chức Sắc kể sau đây đặng vào Hội Thánh.
1- Thái Chánh Phối Sư …. Nghị Trưởng.
2- Nữ Chánh Phối Sư …. Phó Nghị trưởng.
3- Phối Sư, Giáo Sư, Giáo Hửu: Nam Nữ ….
Nghị viên.
4- Một Nghị viên Nam và một Nghị viên Nữ
…. Từ hàng.
5- Hai Nghị viên Nam và hai Nghị viên Nữ
….. Phó Từ hàng.
6- Thượng và Ngọc Chánh Phối Sư với Chánh
Phó Quản lý Cửu Viện thay mặt cho Nội chánh đặng minh triết các vấn đề để chư
Nghị viên không rõ đem ra hạch hỏi được quyền bàn cải và bỏ thăm.
7- Thập Nhị Thời Quân Hiệp Thiên Ðài phải
có mặt bửa Hội nhóm đặng lo bảo thủ Ðạo Luật không cho Hội phạm đến.
Nếu một vấn đề nào sau khi bàn cải rồi mà
Cửu Trùng Ðài bỏ thăm thuận còn Hiệp Thiên Ðài thì bỏ thăm nghịch hoặc là Cửu
Trùng Ðài bỏ thăm nghịch mà Hiệp Thiên Ðài bõ thăm thuận thì vấn đề ấy phải bàn
tính mà bỏ thăm lại.
Nếu hai phen bàn cải mà vẫn cũng còn phản
khắc nhau thì Chánh Chủ Hội tuyên bố liền rằng vấn đề ấy sẽ dâng lên Thượng Hội
định đoạt.
Ðiều Thứ Hai:
Chức Sắc Hàm phong được dự thính mà thôi.
Có sắp đặt chổ riêng cho những vị nầy ngồi.
Ðiều Thứ Ba:
Hội Thánh bàn định mấy việc sau đây:
1- Các vấn đề của Hội Nhơn Sanh đã bàn
định hoặc của Thượng Hội gởi xuống đặng lập phương ban hành.
2- Lo về sự phổ độ, việc hành đạo tha
phương, tài liệu, tài chánh của Ðạo và cả nền Chánh Trị của Ðạo.
3- Bàn cải và công nhận sổ phỏng định thâu
xuất năm tới.
4- Xin sửa cải thêm bớt hay là huỷ bỏ
những luật lệ không phù hạp với sự tấn hoá về tâm trí nhơn sanh.
5- Các việc có ảnh hưởng về nền Ðạo.
Ðiều Thứ Tư:
Mổi năm Hội nhóm thường lệ một kỳ ngày rằm
tháng bảy.
Nội trong ngày 12-7 Nghị viên phải có mặt
tại Toà Thánh và phải ở lại cho đến ngày mãn hội. Khi đến Toà Thánh thì lại Nội
Chánh (Lại Viện) ghi giấy thông hành chừng về cũng trở lại Nội chánh ghi giấy
thông hành.
Nếu vô cớ mà đến trể thì không đặng dự
nhóm.
Ðiều Thứ Năm:
Nghị Trưởng lập chương trình các việc sẽ
đem bàn tính rồi nội ngày rằm tháng sáu gởi cho cả Thiên phong mổi vị một bản.
Ðiều Thứ Sáu:
Nghị viên mổi năm đến lệ về nhóm chớ không
có thơ mời riêng.
Ðiều thứ Bảy:
Nghị viên nào muốn xin canh cải thêm bớt,
huỷ bỏ điều chi trong luật Ðạo hay là điều chi khác nữa thì phải gởi tờ xin
trước ngày mùng một tháng sáu đặng Hội Thánh xem xét và Nghị trưởng ghi vào
chương trình.
Như có điều chi muốn hạch hỏi hay là công
kích tại giữa Hội thì trong tờ xin chỉ rõ ràng về khoản chi trước ngày rằm
tháng sáu đặng Hội Thánh đủ thời giờ mà minh triết.
Trong mấy ngày Hội nhóm Nghị viên được
quyền xin hạch hỏi hoặc công kích Nội Chánh; Nội Chánh có quyền trả lời liền
lúc đó hầu làm cho vui lòng Nghị viên. Thoản như nhằm việc trọng hệ phải quan
sát lại thì Nghị trưởng được quyền đình lại đến kỳ nhóm Hội thánh thường xuyên
đem vấn đề ấy ra mà minh triết hoặc gởi thơ cùng các châu tri trả lời các lời
hỏi.
Ðiều Thứ Tám:
Khi nhóm Hội chư Nghị viên tuân y Luật Lệ
chung các Hội.
Buổi nhóm nếu vô cớ mà không đến nhóm Hội
thì phải bị đệ ra Tam Giáo Toà.
Tư cách Nghị viên: cả Nghị viên phải mặc
Thiên phục cho trang hoàng giữ vẽ nghiêm trang.
Ðiều Thứ Chín:
Nội trong 20 ngày sau khi nhóm thì Từ Hàng
lập vi bằng (5 bổn) (Nghị trưởng Chánh Phó và Từ Hàng Nam Nữ với một Chức Sắc
Hiệp Thiên Ðài ký tên).
. Giử lưu chiếu một bổn.
. Ðệ lên cho Thượng Hội ba bổn.
. Hiệp Thiên Ðài một bổn.
Chừng Thượng Hội gởi trả ba bổn lại; Nghị
trưởng giử lưu chiếu một bổn và giao cho Ngọc Chánh Phối Sư và Nữ Chánh Phối Sư
mổi vị một bổn đặng ban hành.
Ðiều Thứ Mười: Nhóm Ngoại Lệ.
Khi có việc chi thật trọng hệ cần yếu thì
được phép nhóm ngoại lệ một năm một kỳ mà thôi. Thiệp mời nhóm gởi trước 15
ngày, hoặc gởi điện tín thì ba ngày trước.
Ðiều Thứ Mười Một:
Trước bửa Ðại Hội mà Nam Nữ phải nhóm
chung nhau . Thái Chánh Phối Sư hoặc Nữ Chánh Phối Sư có điều chi phải hỏi ý
kiến riêng Chức sắc phái của mình thì được quyền mời nhóm riêng (Nam theo Nam;
Nữ theo Nữ).
Kỳ nhóm nầy Từ Hàng phái nào theo phái
nấy. Lập vi bằng hai bổn Nghị trưởng và Từ hàng ký tên để lưu chiếu một bổn còn
một bổn thì như Chánh Phối Sư Nam thì gởi cho Chánh Phối Sư Nữ . Còn Chánh Phối
Sư Nữ thì gởi cho Chánh Phối Sư Nam hầu hiểu rõ những điều của của mỗi phái đã
bàn tính.
&&&
CHƯƠNG THỨ HAI.
HỘI NGÁNH THƯỜNG XUYÊN.
Ðiều Thứ Mười Hai.
Lập một Hội Ngánh thường xuyên đặng bàn
tính các việc thường ngoài chương trình hoặc điều trọng hệ cần yếu xãy ra thình
lình nhứt là việc Thượng Chánh Phối Sư hay là chức sắc nào của Hội Thánh cho
quyền thông công với Chánh Phủ.
Mỗi năm nhóm ba kỳ (4 tháng 1 kỳ).
Kỳ nhứt: 13-2.
Kỳ nhì: 13-6. Nội ngày 12 phải có mặt.
Kỳ Ba: 13-10. tại Toà Thánh.
Nội trong 10 ngày sau khi nhóm thì lập vi
bằng và làm y như nhóm Ðại Hội (Vi bằng cũng có 5 vị kể phẩm tước trong điều
thứ 9 ký tên vào).
Khi có việc trọng hệ cần kíp thì Nghị
trưởng được quyền gởi điện tín mời nhóm nhưng mà một năm không quá hai kỳ. Ðiện
tín mời gởi ba ngày trước bửa nhóm.
Nghị viên nếu vô cớ không đi nhóm thì bị
đệ ra Tam Giáo Toà.
Hội viên của Ban thường xuyên phải lập như
sau nầy:
Thái Chánh Phối Sư cũng làm… Nghị trưởng.
Nữ Chánh Phối Sư cũng làm… Phó Nghị
trưởng.
Từ hàng Nam Nữ lảnh y phận sự Ðại Hội.
Số Nghị viên định như sau đây:
Thượng và Ngọc Chánh Phối Sư và chư Quản
lý Nội chánh (như quản lý viện nào vắng mặt thì Phó quản lý thay thế).
Chín Nghị viên chọn trong thiên phong và
các Tỉnh chia ra 9 quận như sau đây:
1- Sài Gòn- Chợ Lớn –Tân An.
2- Gia Ðịnh -Tây Ninh.
3- Bà Rịa – Biên Hoà -Thủ Dầu Một.
4- Mỷ Tho- Gò Công.
5- Bến Tre – Trà Vinh.
6- Sa Ðéc – Vĩnh Long.
7- Châu Ðốc –Hà Tiên- Long Xuyên.
8- Cần Thơ- Rạch Giá.
9- Bạc Liêu- Sóc Trăng.
(Mỗi quận cũng cử thêm một Nghị viên).
Mổi nước lân bang như Cao Miên Ai Lao vv…
được cử từ một đến 3 Nghị viên tuỳ ý.
(Cũng cử 1 hoặc 3 chánh và 1 hoặc 3 phụ) .
Nghị viên quận Nam Kỳ lãnh trách nhậm một
năm mà thôi.
Còn Nghị viên lân bang được lãnh một năm
hay ba năm tuỳ ý.
Nghị viên Nam và Nữ phải đồng một số.
Toà Thánh sẽ lập Khách đình cho Chư vị nầy
đến cư ngụ.
Ðiều Thứ Mười Ba:
Ban uỷ viên xem xét tài chánh.
Hội Ngánh thường xuyên chọn hai Nghị viên
Nam và hai Nghị viên Nữ ở các Tỉnh Nam Kỳ hoặc các nước lân bang đặng mỗi kỳ 4
tháng; ba ngày trước khi nhóm Hội thường xuyên xem xét sổ sách bút toán của Hộ
Viện một lần rồi lập tờ phúc đem ra trình khi nhóm Hội.
Mổi kỳ nhóm Hội Ngánh thì Nghị viên lãnh
làm kiểm sát phải đến Toà Thánh trước ba ngày đặng có thời giờ xem xét sổ sách.
Ðiều thứ Mười Bốn:
Nếu ngày sau còn có điều chi sửa cải huỷ
bỏ hoặc cần ích cho Hội Thánh thì truất bỏ hoặc thêm vào Luật Lệ nầy.
Lập tại Toà Thánh ngày 16-11- Năm
Giáp Tuất.
(Le 22 Décembre-1934).
Phạm Hộ Pháp.
Chưởng Quản Nhị Hữu Hình Ðài.
Hiệp Thiên và Cửu Trùng.
Ký Tên: Phạm Công Tắc.
@@@
Ðánh máy lại theo bản in năm Bính
Tý (1936):
THÁI HOÀ ẤN QUÁN – TOÀ THÁNH TÂY
NINH.
Ngày 04-3-Ất Dậu. (2005).
ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ÐỘ.
&&&
THƯỢNG HỘI.
NỘI LUẬT.
Toàn Thế Giới Càn Khôn chính có hai quyền.
Trên thì là quyền hành CHÍ TÔN của ÐẤNG TẠO HOÁ. Dưới là quyền hành của VẠN
LINH. Nghĩa là sanh chúng.
Quyền hành CHÍ TÔN trọn nơi thế nầy thì là
tại quyền Giáo Tông và Hộ Pháp hiệp một. Hai bên phản khắc nhau thì Chánh Trị
Ðạo phải bị đổ.
Quyền hành VẠN LINH nghĩa là của sanh
chúng đều có đủ trọn vẹn nơi THƯỢNG HỘI, HỘI THÁNH VÀ HỘI NHƠN SANH hiệp đồng.
Nếu ba hội phản khắc nhau thì quyền hành ấy tiêu huỷ.
Trong Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ có ba Ðài:
CỬU TRÙNG ÐÀI là hình thể phần xác vì Ðấng
Chí Tôn không có xuống thế với xác thân trong buổi khai Ðạo nơi miền Á Ðông kỳ
thứ ba nầy (3me Amnistie de DIEU en Orient).
Lại dùng huyền diệu vô vi bí mật cơ bút y
theo thiên thơ tiền định mà khai và truyền Ðạo.
HIỆP THIÊN ÐÀI là khí, là khí lực nghĩa là
luồng điển quang liên kết cả Thánh Ðức cùng xác thịt (Lien de relation ou
flamme divine) làm trung gian hiệp Cửu Trùng Ðài với Bát Quái Ðài.
BÁT QUÁI ĐÀI là Thiêng Liêng là Thần
(Puissance maitresse qui dirige l’Univers ou autrement dit “Sagesse ou intelligence
D’vine”).
Cửu Trùng Ðài là hình thể hửu vi của Ðấng
Chí Tôn chia ba hội:
1- Hội Nhơn Sanh.
2- Hội Thánh.
3- Thượng Hội.
Ba hội nầy hiệp cùng nhau là hình thể hữu
vi của Ðấng Chí Tôn nên phải có quyền đặc biệt đủ phương độ tận nhơn sanh vô
nền Ðại Ðạo lo tu hành ra bực Thượng Sanh.
THƯỢNG HỘI.
Ðiều Thứ Nhất: Thượng hội thì có.
1- Giáo Tông …. Hội Trưởng.
2- Hộ Pháp ... Phó Hội Trưởng.
3- Thượng Phẩm ... Nghị viên.
4- Thượng Sanh …. Nghị viên.
5- Ba vị Chưởng Pháp. .. Nghị viên.
6- Ba vị Ðầu Sư Nam Phái. … Nghị viên.
7- Ðầu Sư Nữ Phái. ….. Nghị viên.
Ðiều Thứ nhì:
Mổi khi Hội thì mổi vị phải có mặt trừ ra
khi nào vì việc Ðạo mà phải đi xa thì mới được phép vắng mặt, khi nào có bịnh
không dự Hội được thì phải có thơ xin kiếu và chọn vị nào trong Hội thay mặt
cho mình.
Ðiều Thứ Ba:
Thượng Hội để xem xét và phê chuẩn.
1- Các điều của Hội Nhơn Sanh và Hội Thánh
bàn luận về việc Ðạo.
2- Các điều ước (voeux) của Hội Nhơn Sanh
và Hội Thánh. Trừ ra các điều nào hoặc của Hội Nhơn Sanh mà Hội Thánh đã đánh đổ
hay là của Hội Thánh mà đã bị Hội Nhơn Sanh đã đánh đổ thì không được phép đem
vào Thượng Hội nếu không có đơn của hai ông chủ hội kêu nài.
3- Thượng Hội bàn luận và định đoạt các
việc cần gấp hoặc yếu trọng phải ban hành trong Ðạo.
Ðiều Thứ Tư:
Trừ ra mấy vị Ðại Thiên Phong có quyền
trong Thượng Hội chỉ trong điều thứ nhất thì không có ai khác được dự thính
Thượng Hội.
Ðiều Thứ Năm:
Thượng Hội chọn một vị Từ Hàng trong hàng
Thiên Phong Cửu Trùng Ðài từ Giáo Sư đổ lên.
Từ Hàng lo giử gìn giấy tờ sổ sách của
Thượng Hội và trước mổi kỳ Hội phải tùng Giáo Tông đặng lập chương trình và
viết thơ mời Hội khi Thượng Hội nhóm thì dự thính và lo biên các lời luận của
mổi Hội viên đặng chừng mãn hội tức cấp làm tờ kiết nhận mổi kỳ Hội với phải
nhắc nhở những điều Thượng Hội đã có định trước mà Hội viên quên trong lúc Hội
nhóm.
Sau khi Hội nhóm phải lo phụ giúp Giáo
Tông thi hành các điều đã bàn định.
Ðiều Thứ Sáu:
Từ Hàng được lãnh phận sự công quả trong
bốn năm kể từ ngày Thượng Hội chọn.
Trong bốn năm nếu Từ Hàng không tròn phận
sự thì Thượng Hội chọn người khác thế. Nếu tròn công quả siêng năng đạo đức đủ
khi mãn bốn năm thì Thượng Hội cũng chọn cử lại nửa.
Ðiều Thứ Bảy:
Ba vị Ðầu Sư Nam phái và Ðầu Sư Nữ phái có
quyền cai trị về phần Ðạo và phần Ðời của chư môn đệ Chí Tôn thì phải lập tờ
phúc những điều bàn tính của Hội Nhơn Sanh và Hội Thánh. Tờ phúc ấy phải đệ lên
cho Giáo Tông xét nét rồi đem ra Thượng Hội bàn tính trước Hội thường niên ít
nữa là 15 ngày.
Ðiều Thứ Tám:
Cả tờ giấy chi đem ra cho Thượng Hội phải
cho cả hội viên quan sát xét nét trước khi ngày Hội nhóm ít nửa là 7 ngày.
Ðiều Thứ chín:
Mổi vị hội viên có trọn quyền bàn cải các
việc đem ra hội đặng cho Giáo Tông và Hộ Pháp rõ thấu chân lý mà định quyền
Chánh trị của Ðạo. Thượng Hội cốt yếu là giúp Giáo Tông và Hộ Pháp hiểu thấu
tâm lý Nhơn Sanh và Hội Thánh đặng xây chuyển quyền hành Chí Tôn theo vạn linh
ước vọng.
Nếu muốn bàn cải việc chi thì xin phép ông
Hội Trưởng rồi chờ được phép mới mở lời bàn tính chớ nên cản lời của Hội viên
khác đương luận và tỏ ý kiến.
Thoản như có nghe một Hội viên bàn tính
điều chi không phù hạp với mình thì biên cho nhớ; rồi khi Hội viên ấy dứt tiếng
mới xin phép Hội trưởng đặng tỏ ý kiến của mình. Trong mổi việc đem ra bàn luận
mổi Hội viên được xin nói đến ba lần mổi lần không quá 5 phút đồng hồ hay là
một lần không quá 15 phút.
Ðiều Thứ Mười:
Trong mổi việc chừng cả Hội viên tỏ hết ý
kiến và bàn luận rồi thì Hộ Pháp và Giáo Tông có ý kiến chi thì mới bày tỏ ra
sau rốt. Chừng rồi Hội trưởng định bỏ thăm bên nào phần đông thì Thượng Hội
tuân theo.
Ðiều Thứ Mười Một:
Giáo Tông và Hộ Pháp hiệp một thì là quyền
Chí Tôn nên không có bỏ thăm. Nếu cả ba hội phản khắc nhau thì quyền Chí Tôn
nghĩa là của Giáo Tông và Hộ Pháp hiệp một chủ định thể nào thì Chánh Trị của
Ðạo y theo thế ấy.
Còn như quyền hành Giáo Tông và Hộ Pháp
phản khắc nhau nửa thì cả thảy về chánh trị và chúng sanh đều bị huỷ bỏ.
Chừng ấy Hội Nhơn Sanh, Hội Thánh, Thượng
Hội phải nhóm lại mà định đoạt sửa cải lại nửa.
Nếu có việc chi trái Luật Ðạo thì Giáo Tông
và Hộ Pháp hiệp cùng nhau đặng trọn quyền ban truyền xuống cho Ðầu Sư định đoạt
lại.
Ðiều Thứ Mười Hai:
Mổi năm sau ngày lễ Noel thì nhóm Thượng
Hội thường lệ đặng xem xét và phê chuẩn:
Các việc Ðạo đã ban hành trong năm.
Các việc của Hội Nhơn Sanh và Hội Thánh đệ
lên.
Các việc Ðạo sẽ ban hành năm tới.
Sổ sách thâu xuất năm qua rồi.
Sổ thâu xuất và phỏng định năm tới.
Sổ trục xuất Tín đồ; án Toà Tam Giáo hình
phạt; và các việc tạp tụng Hoà Viện.
Cầu Phong.
Ðiều Thứ Mười Ba:
Ngoài Hội thường lệ thì ba tháng Thượng
Hội nhóm một lần.
Còn có việc gấp rút thì Hội Trưởng gởi tờ
giấy mời hội liền hay là gởi tờ hỏi ý kiến của chư Hội viên.
Ðiều Thứ Mười Bốn:
Sau khi hội Thượng Hội thì Giáo Tông và Hộ
Pháp phải đình Hội lại 15 phút đồng hồ đặng hai người vào Ðại Ðiện mật nghị rồi
phải trở ra cho Thượng Hội hay những điều của hai đàng nhứt tâm quyết định.
Ðiều Thứ Mười lăm:
Ngày sau có điều chi cần ích cho Thượng
Hội thì sẽ đem thêm vô Nội Luật nầy.
Làm tại Toà Thánh Ngày 22-Giêng.
Nhâm Thân .
(27- Février 1932).
Hộ Pháp. Ký tên: Phạm Công Tắc. |
Quyền Giáo Tông. Ký tên: Thượng Trung Nhựt.
|
Ðánh máy lại theo bản in năm Bính Tý
(1936):
THÁI HOÀ ẤN QUÁN – TOÀ THÁNH TÂY NINH.
Ngày 04-3-Ất Dậu. (2005).
PHẦN BA.
CÁC BÀI THAM KHẢO
Hội Thánh chưa kiểm duyệt, khi đọc
nên cẩn thận.
TÌM HIỂU MỘT SỐ VẤN
ĐỀ
BA HỘI LẬP QUYỀN VẠN
LINH.
Theo giáo lý Tôn Giáo Cao Đài thì Càn-Khôn
thế giới, chỉnh có hai quyền: trên là quyền-hành Chí-Tôn của Thầy, dưới là
quyền-hành của sanh-chúng….
Quyền Chí-Tôn là Thầy, quyền Vạn-linh
là sanh-chúng, ngày nào quyền-lực Chí-Tôn đặng hiệp một cùng Vạn-linh thì Đạo
mới ra thiệt-tướng….
Còn cả nhơn-loại thì là quyền lực
Vạn-linh. Quyền-hành Chí-Tôn của Thầy, duy có quyền-hành Vạn-linh đối-phó mà
thôi.
Quyền Vạn Linh trong Tôn Giáo thể
hiện qua Ba Hội: Hội Nhơn Sanh, Hội Thánh, Thượng Hội. (HNS, HT, TH).
Ba Hội nầy có một luật chung là
Luật Lệ Chung Các Hội, và mỗi Hội đều có Luật qui định thành phần và cách thức
hội.
Trong bài nầy chúng tôi không đi
vào phân tích Luật Lệ qui định cho từng hội theo Nội Luật mà chỉ nhằm tìm hiểu:
HNS lần đầu tiên có vào năm nào.
Cách thức biểu quyết ở từng hội.
A/- HỘI
NHƠN SANH LẦN ĐẦU.
Tôn giáo lấy nhơn sanh làm gốc nên
có cơ chế và luật pháp bảo đảm cho nhơn sanh thể hiện quyền lực rất rõ ràng.
Vai trò, nhiệm vụ của Nhơn Sanh trong Tôn Giáo Cao Đài rất
quan trọng. Đây là điều mà các Tôn Giáo thời Nhứt Kỳ
Phổ Độ và Nhị Kỳ Phổ Độ chưa từng có.
Đức Hộ Pháp nói về tầm quan trọng
của Nhơn Sanh trong Tôn Giáo Cao Đài:
… “Thật ra nhơn sanh ngày nay theo NGƯỜI
chớ chưa theo ĐẠO, nghe CHỨC SẮC chớ không nghe ĐẠO” …
Đức Hộ Pháp nhấn mạnh rằng HNS là một cơ chế
mà các tôn giáo có mặt trên địa cầu nầy chưa hề có. “Hội Nhơn Sanh là một
quyền lực của Vạn Linh nếu không phân trách nhiệm công bình, thiếu phương thế
mong chi giữ pháp.
“Ôi nhiều
Đạo đã khi rẻ chúng sanh và chúng sanh chê Đạo cũng bởi thiếu cơ quan nầy mà
chớ”
… “Cũng vì chư Đạo Hữu trong Hội
Nhơn Sanh chưa hiểu rõ quyền hành nên Chức Sắc Thiên Phong lộng phép ‘xin chư
Đạo Hữu lưỡng phái đọc luật cho thường rồi kiếm hiểu’. (Đền
Thánh: 15-8-Quí Dậu ‘04-10-1933’).
Các Tôn giáo dù ở thời đại nào cũng
nhằm mục đích giáo dân vi thiện cũng lấy bác ái công bằng làm nền tảng. Nhưng
chưa có một tôn giáo nào công bố trước nhân loại là khai cơ tận độ. Điều nầy đồng
nghĩa với việc Tôn Giáo chỉ chọn một phần người để độ rỗi…
Hẳn nhiên có nhiều lý do từ bản thân tôn giáo
cho đến hoàn cảnh dân trí, trình độ khoa học kỷ thuật… của xã hội cho nên các
tôn giáo chưa đủ điều kiện để công bố là khai cơ tận độ. Nhưng có một lý do
biện chứng rất cơ bản là các Tôn giáo trước đây chưa có một cơ chế dân chủ,
chưa có cơ chế thể hiện quyền của nhơn sanh trong tôn giáo; chưa vận dụng được
sức mạnh vô đối của nhơn sanh trong tôn giáo cho nên chưa đủ điều kiện để công
bố là khai cơ tận độ.
Vai
trò của nhơn sanh trong các tôn giáo trước đây hầu như là con số 0.
Xưa quyền hành trong Tôn giáo tập
trung về cho thượng tầng còn hạ tầng thì chỉ biết có tùng phục vâng theo… Bộ
máy của Thượng Tầng cũng không có giới hạn độ số cho nên hạ tầng vốn dĩ đã nhỏ
bé lại càng nhỏ bé trước thượng tầng.
Nay đến Tam Kỳ Phổ Độ thì bộ máy
thượng tầng được qui định rất chặt chẽ, bất di bất dịch. Nhân sự thượng tầng
của Cửu Trùng Đài Nam Phái từ phẩm Giáo Hữu trở lên có độ số hẳn hoi. Còn từ Lễ Sanh trở xuống Tín đồ thì không hạn
chế.
Cách lập pháp như vậy so ra thì
suốt trong tiến trình lập pháp của nhân loại từ Âu sang Á từ cổ chí kim chưa hề
có. (Điều nầy thể hiện tính cách lập pháp tiên tiến của Tôn Giáo Cao Đài. Tôn
giáo cung ứng cho nhân loại những kiến thức mới và rất cách mạng về cách thức
lập pháp cho một tổ chức từ nhỏ đến lớn… chắc chắn là trong tiến trình xây dựng
dân chủ và nhân quyền thì nhân loại sẽ nhận ra và phải cầu lấy để xây dựng cuộc
sống hạnh phúc cho bản thân và dân tộc mình).
Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ tuyên bố
trước toàn nhân loại là mở cơ tận độ… Vậy nguồn năng lực nào đáp ứng cho cơ tận
độ?
Nguồn năng lực vô biên cung ứng sức
mạnh cho tôn giáo thực thi cơ tận độ chính là lấy năng lượng từ Nhơn Sanh. Muốn
lấy năng lượng từ Nhơn Sanh thì không phải chỉ dán nhãn hiệu HNS, hay kêu gọi
bằng những từ ngữ mỹ miều, giả tạo, êm ái và chung chung.
Muốn có được sức mạnh của nhơn sanh
phải có cơ chế, có luật pháp rõ ràng để nhơn sanh thể hiện ý chí và quyền lực
của mình đúng như câu: Ý DÂN LÀ Ý TRỜI.
I/- BA HỘI LẬP QUYỀN VẠN LINH ĐẦU TIÊN.
Đạo Cao Đài tổ chức Lễ Khai Đạo vào
đêm 14-15/10- Bính Dần (1926) thì đầu năm Đạo thứ sáu đã có mở BA HỘI LẬP QUYỀN
VẠN LINH. (1).
Theo những văn bản mà chúng tôi có
được thì lần đầu tiên mở ba hội như sau:
-
Hội Nhơn Sanh nhóm ngày 15-10- Tân Vì (24-11-1931).
-
Hội Thánh nhóm ngày 16-18/ 11- Tân Vì (24- 26/ 12-1931).
- Thượng Hội nhóm ngày 27-28-29/
11- Tân Vì (04-05-06/01-1932).
Như vậy lần đầu tiên mở Hội Nhơn
Sanh là ngày 15-10- Tân Vì (24-11-1931).
Ba Hội nầy nhóm giải quyết vấn đề
gì?
Một trong những nội dung ba hội
giải quyết là công nhận Nội Luật Toà Thánh. (Đức Quyền Giáo Tông Thượng Trung
Nhựt và Đức Hộ Pháp ký ban hành Nội Luật Toà Thánh ngày 15-01- Nhâm Thân
“20-01-1932”).
“Lưu ý là
có Hội nhưng chưa có Nội Luật cho các Hội”.
* * * Liên hệ đến các Đạo Nghị Định
vào ngày 03/10/Canh Ngọ (22/11/1930).
1/- Đạo Nghị
Định thứ nhì.
Điều thứ tư: Chánh Phối Sư đặng
trọn quyền thông công cùng Chánh Phủ và Nhơn Sanh nhưng buộc phải có Hội Viên
Nhơn Sanh và Hội Thánh chăm nom cơ hành động.
2/- Đạo Nghị
Định thứ tư.
Điều thứ tư: Thượng Chánh Phối
Sư đặng quyền thay mặt cho toàn đạo mà giao thông cùng Chánh Phủ và cả Tín Đồ
quyền giáo dục nơi tay người nắm, làm chủ toạ Hội Nhơn Sanh.
Căn cứ vào nội dung trích dẫn ta
nhận thấy đến thời điểm tháng 11/1930 cơ chế Hội Nhơn Sanh vẫn chưa hoàn chỉnh.
Cho nên sau các Đạo Nghị Định thì Hội Thánh mới soạn thảo Nội Luật…. Và ban
hành vào ngày 16-11-Giáp Tuất (22-12-1934).
(Một điều cần lưu ý là các Đạo Nghị
Định được thành lập vào ngày 03-10-Canh
Ngọ (22-11-1930). Ngày nầy chưa đến ngày kỷ niệm Lễ Khai Đạo nghĩa là còn ở năm
Đạo thứ tư. Nhưng vì sao các Đạo Nghị Định đều ghi là Đệ Ngũ Niên.
Đó là vì cuối Đạo Nghị Định thứ
nhứt đến Đạo Nghị Định thứ năm đều có câu: Nghị Định nầy ban hành kể từ ngày
rằm tháng 10 năm Canh Ngọ. Chỉ riêng Đạo Nghị Định thứ sáu là không có câu
trên).
II/- CĂN CỨ VÀO ĐÂU MÀ TỔ CHỨC.
1/- Chúng tôi tìm trong Thánh Ngôn Hiệp
Tuyển và Đạo Sử của Bà Nữ Đầu Sư Hương Hiếu từ 15-10 Tân Mùi “24-11-1931” trở
về trước không có đàn cơ nào chỉ dẫn Hội Thánh cách thức tổ chức Ba Hội Lập
Quyền Vạn Linh.
Đàn cơ chỉ dẫn về Ba Hội Lập Quyền
Vạn Linh do Đức Chí Tôn dạy vào ngày
15-11-Tân Mùi (23-12-1931) tại Thảo Xá Hiền Cung. “TNHT. Q.2 T. 83”.
“Ngày Hội
Nhơn Sanh là 15-10- Tân Vì ‘24-11-1931’ thì một tháng sau là ngày15-11- Tân Mùi
(23-12-1931) mới có đàn cơ chỉ dạy”.
Như vậy
thời kỳ nầy Hội Thánh đã có được sự hướng dẫn trước ngày 15-11- Tân Mùi (23-12-
1931) để tổ chức thực hiện Hội Nhơn Sanh, Hội Thánh, Thượng Hội.
Sau khi có đàn cơ ngày 15-11-Tân
Mùi thì Hội Thánh mới soạn thảo và ban hành Nội Luật như ta thấy trên văn bản
hiện nay.
(Lưu ý rằng đây là nói về phương
diện sử liệu để xác định thời điểm công việc diễn ra chứ không phải đặc vấn đề
công kích Hội Thánh tổ chức như thế có giá trị hay không có giá trị. Hai vấn đề
đó hoàn toàn khác nhau. Cũng như Tân Luật được hướng dẫn thực thi một số điều
trước khi thành lập Pháp Chánh Truyền… rồi sau khi có Pháp Chánh Truyền mới
hoàn chỉnh Tân Luật)
2/- Ngày 07-3- Quí Dậu (01-4-1933) Đức Quyền
Giáo Tông Thượng Trung Nhựt và Đức Hộ Pháp ký Châu Tri 01. (Mở đầu có chiếu
theo những điều của Thượng Hội đã quyết định ngày 25-12-1932- Như vậy Thượng
Hội nầy khác thời điểm với Thượng Hội tháng 01- 1932 thông qua Nội Luật.).
Thông Tri có những điều quan trọng
về nhân sự:
Điều 1: Thượng Đầu Sư Thượng Trung
Nhựt chỉ còn cầm quyền Giáo Tông mà thôi.
Điều 2: …Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu,
Bảo Thế Lê Thiện Phước, Hiến Đạo Phạm Văn Tươi cầm quyền Chưởng Pháp.
Điều 4: Khai Pháp Trần Duy Nghĩa
cầm quyền Ngọc Chánh Phối Sư.
Khai Đạo Phạm Tấn Đãi cầm quyền
Thái Chánh Phối Sư.
Khai Thế Thái Văn Thâu cầm quyền
Thượng Chánh Phối Sư.
3/- Ngày 08-4- Giáp Tuất (20-5-1934) Đức
Quyền Giáo Tông đọc diễn văn nhân Lễ Vía Đức Phật Thích Ca… Có phân tích 03
Hội: Hội Nhơn Sanh; Hội Thánh; Thượng Hội… (Lưu ý là thời điểm nầy chỉ có
Luật Thượng Hội mà chưa có ban hành Nội Luật về Luật Lệ Chung Các Hội; Hội Nhơn
Sanh và Hội Thánh- Vì đến 16-11- Giáp Tuất mới ban hành các Luật trên).
4/- Ngày 22-01- Nhâm Thân (1932) Đức Quyền
Giáo Tông Thượng Trung Nhựt và Đức Hộ Pháp ký ban hành Nội Luật Thượng Hội.
5/- Ngày 16-11- Giáp Tuất (22-12-1934) Đức
Hộ Pháp ký ban hành 03 luật:
. Luật Lệ Chung Các Hội.
. Nội Luật Hội Nhơn Sanh.
. Nội Luật Hội Thánh.
Với tư cách: Hộ Pháp Chưởng Quản
Nhị Hữu Hình Đài Hiệp Thiên và Cửu Trùng.
(Theo bản in: Thái Hoà Ấn Quán Long Thành- Tây Ninh. Bính Tý Niên 1936).
(Đức Quyền Giáo Tông Thượng Trung
Nhựt đăng tiên là ngày 13-10- Giáp Tuất (19- 11-1934) thì ngày 06-11 Giáp Tuất
Đức Hộ Pháp được công cử cầm luôn quyền Giáo Tông của Cửu Trùng Đài. Ngày 16-11-Giáp Tuất (22-12-1934) Đức Hộ Pháp
đã ký ban hành 03 luật kể trên).
(TNHT Q2. T: 97. Đức Lý Giáo Tông cũng xác nhận giao cho Đức
Hộ Pháp ½ quyền của Giáo Tông ‘Nghĩa là giao về phần hữu hình còn phần vô vi
thì Đức Lý Giáo Tông không có giao’).
(Ngày 06-11-Giáp Tuất (1934) có
cuộc họp công cử Đức Hộ Pháp kiêm nhiệm Quyền Giáo Tông của Cửu Trùng Đài… có
bản ghi là Hội Thánh công cử có bản ghi là Nhơn Sanh công cử. Do không thấy được tư liệu gốc nên chúng tôi
không xác định được…
Sở dĩ chúng tôi thận trọng ở đây là
vì từ ngày 19-5-Quí Dậu ‘11-6-1933’ thì đã có xảy ra vụ Hội Vạn Linh tại Đền
Thánh. Tham gia trong vụ nầy có đủ ba vị Quyền Chưởng Pháp và Q. Ngọc Đầu Sư Lê
Bá Trang cùng nhiều vị Chức Sắc Chức Việc… Các ông Nguyễn Phan Long làm Nghị
Trưởng, Trương Duy Toản Phó Nghị Trưởng, Tuyết Tấn Thành Từ Hàn, Phạm văn Long
Phó Từ Hàn… Sự việc nầy sai với Luật Đạo… Đức Hộ Pháp đã có nói đến trong diễn
văn ngày 15-8- Quí Dậu ‘04-10-1933’ tại Đền Thánh)
Xác định cho đúng ngày tháng tổ
chức Hội Nhơn Sanh lần đầu là rất khó chúng tôi đã phải chỉnh sửa rất nhiều
lần… nhưng lần nầy cũng có thể là còn sơ sót.
Nhưng chúng tôi chấp nhận đúc kết
thành văn bản vì trong quá trình học đạo chúng tôi thấy cách thức tổ chức Hội
Nhơn Sanh là điều rất mới và rất quan trọng nên đưa lên thành đề tài để cùng
nhau lưu ý là chính.
Tiếc vì Hội Thánh Cao Đài đang bị
giải thể nên Ban Đạo Sử cũng không có để đối chiếu xem có văn bản nào khác với
các mốc thời gian hay là sự kiện trên hay không.
Ước mong sao quí vị đạo tâm lưu ý
bổ túc hay sửa đổi nếu có những văn bản rõ ràng để hiểu thời gian mở Hội Nhơn
Sanh lần đầu được chính xác hơn.
B/- CÁCH THỨC BIỂU QUYẾT TỪNG HỘI.
Tìm hiểu cách thức biểu quyết ở
từng hội ta thấy có điểm chung là không có trường hợp nào gặp trở ngại khi phải
biểu quyết.
LUẬT LỆ CHUNG CÁC HỘI.
Điều Thứ Sáu: Cách bỏ thăm.
Việc bỏ thăm có hai cách:
a/- Khi
việc cần yếu trọng hệ thì phải bỏ thăm kín.
b/- Khi
việc thường thì bỏ thăm dơ tay.
Những việc chi bàn tính nếu được
phân nữa số thăm của cả Nghị viên hiện diện thêm một lá nữa thì việc ấy được
công nhận. Thoản như số thăm đồng nhau Nghị trưởng bỏ thăm bên nào thì lời bàn
định bên ấy được công nhận.
Nếu một phần năm (1/5) Nghị viên
hiện diện xin bỏ thăm kín thì Nghị trưởng cho lịnh y theo.
I/- ĐẠI HỘI NHƠN SANH.
Nghị Trưởng của Hội Nhơn Sanh là
Thượng Chánh Phối Sư chỉ tham gia biểu quyết khi nào cuộc biểu quyết rơi vào
trường hợp 50% thuận và 50% không thuận. Phiếu của Thượng Chánh Phối Sư là
phiếu dự bị để giải quyết khi số phiếu hai bên ngang nhau.
Toàn thể nghị viên của ĐHNS là một
khối khi biểu quyết. Một vần đề khi bỏ thăm thì cần 50% số người hiện diện cộng
thêm vào một lá thăm nữa thì việc ấy được công nhận. Khi vấn đề đã được công nhận
thì Nghị Trưởng không có quyền bỏ phiếu.
Các thành phần có tham gia vào HNS
như Thái Chánh Phối Sư, Ngọc Chánh Phối Sư, Hiệp Thiên Đài… nhưng không phải là Nghị Viên của HNS nên
không có tham gia biểu quyết.
ĐHNS biểu quyết theo đa số và không
bao giờ có trường hợp nào phải biểu quyết lại lần thứ hai cho cùng một vấn đề.
II/- HỘI HỘI THÁNH.
Điều Thứ Nhứt:
Nếu một vấn đề nào sau khi bàn cải
rồi mà Cửu Trùng Đài bỏ thăm thuận còn Hiệp Thiên Đài thì bỏ thăm nghịch hoặc
là Cửu Trùng Đài bỏ thăm nghịch mà Hiệp Thiên Đài bõ thăm thuận thì vấn đề ấy
phải bàn tính mà bỏ thăm lại.
Nếu hai phen bàn cải mà vẫn cũng
còn phản khắc nhau thì Chánh Chủ Hội tuyên bố liền rằng vấn đề ấy sẽ dâng lên
Thượng Hội định đoạt.
Nhận xét: Các Nghị Viên của ĐHHT
vẫn chấp hành theo cách thức biểu quyết ở luật lệ chung.
Đồng thời phải chấp hành thêm những
qui định riêng cho ĐHHT như:
1/- Các Nghị Viên chia thành 02 hệ.
a/- Hệ của Cửu Trùng Đài biểu quyết riêng.
Nghị Trưởng là Thái Chánh Phối Sư là nhân sự của Cửu Trùng Đài nên bỏ thăm theo
luật lệ chung.
b/- Hệ của Hiệp Thiên Đài biểu quyết riêng.
Hệ nầy không có nghị trưởng nên mọi phần tử đều bỏ thăm.
2/- Khi mỗi hệ đã có ý kiến nhứt định rồi
thì mới đem ý kiến ấy so lại với nhau coi có thống nhất chăng rồi giải quyết
như luật định….
Nhân sự của Hiệp Thiên Đài rất ít
so với nhân sự Cửu Trùng Đài. Cách bỏ thăm nầy bảo đảm cho giá trị ý kiến của
hai Đài ngang nhau.
Cách biểu quyết ở ĐHHT hẳn nhiên là
có khi phải bỏ thăm lại và luật qui định rõ chỉ được quyền bỏ thăm lại có một
lần duy nhất.
III/- THƯỢNG HỘI.
1/- Hội
Trưởng và Phó Hội Trưởng:
Có điều cần lưu ý rằng Thượng Hội
có Hội Trưởng và Phó Hội Trưởng chớ không có Nghị Trưởng và Phó Nghị Trưởng.
Điều Thứ Mười của Luật Lệ Chung Các Hội qui
định:
…. Như Nghị trưởng định nhóm giờ
nào khi quá giờ ấy 15 phút đồng hồ phải mở Hội không kể số Nghị viên nhiều ít.
Thoảng như Nghị trưởng vắng mặt
hoặc đến trể thì Phó Nghị trưởng thay thế, một Nghị viên chức lớn hoặc lâu cũ
hơn hết hoặc tuổi tác lớn hơn hết ngồi ghế Phó Nghị trưởng.
Chừng Nghị trưởng đến thì ngồi chỗ
Nghị viên.
Còn như Nghị trưởng và Phó Nghị
trưởng vắng mặt hoặc đến trể thì hai Nghị viên chức lớn, hoặc lâu củ hơn hết
ngồi Nghị trưởng và Phó Nghị trưởng.
Chừng Nghị trưởng và Phó Nghị
trưởng đến thì ngồi chổ Nghị viên….
Điều luật nầy áp dụng cho Nghị
Trưởng và Phó Nghị trưởng của ĐHNS và ĐHHT chớ không áp dụng cho TH.
2/- Cách thức
của Thượng Hội.
Điều Thứ Mười:
Trong mỗi việc chừng cả Hội viên tỏ
hết ý kiến và bàn luận rồi thì Hộ Pháp và Giáo Tông có ý kiến chi thì mới bày
tỏ ra sau rốt. Chừng rồi Hội trưởng định bỏ thăm, bên nào phần đông thì Thượng
Hội tuân theo.
Điều Thứ Mười Một:
Giáo Tông và Hộ Pháp hiệp một thì là quyền Chí
Tôn nên không có bỏ thăm. Nếu cả ba hội phản khăc nhau thì quyền Chí Tôn nghĩa
là của Giáo Tông và Hộ Pháp hiệp một chủ định thể nào thì Chánh Trị của Đạo y
theo thế ấy. Còn như quyền hành Giáo Tông và Hộ Pháp phản khắc nhau nửa thì cả
thảy về chánh trị và chúng sanh đều bị huỷ bỏ.
Chừng ấy Hội Nhơn Sanh, Hội Thánh,
Thượng Hội phải nhóm lại mà định đoạt sửa cải lại nửa. Nếu có việc chi trái
Luật Đạo thì Giáo Tông và Hộ Pháp hiệp cùng nhau đặng trọn quyền ban truyền
xuống cho Đầu Sư định đoạt lại.
Điều Thứ Mười Bốn:
Sau khi hội Thượng Hội thì Giáo
Tông và Hộ Pháp phải đình Hội lại 15 phút đồng hồ đặng hai người vào Đại Điện
mật nghị rồi phải trở ra cho Thượng Hội hay những điều của hai đàng nhứt tâm
quyết định.
Phân tích các điều trên ta thấy
Thượng Hội có hai cấp: biểu quyết và phán quyết. Từng phần: khi thảo luận.
“Biểu quyết”. Chung cuộc: khi hội xong.
“Phán quyết”
a/- Biểu
quyết từng phần: “điều 10”.
Sau khi bàn luận theo thứ tự đã
định xong rồi thì Giáo Tông cho bỏ thăm. Bên nào có số thăm nhiều thì TH tuân
theo. “Chỉ có các Nghị Viên Bỏ thăm còn Giáo Tông và Hộ Pháp thì không bỏ
thăm”.
b/- Biểu
quyết chung cho cả cuộc hội: “Điều 11 và 14”
Theo điều 11:
+ Giáo Tông và Hộ Pháp không bỏ
thăm nhưng lại phán quyết trong cả 2 trường hợp:
-
Thượng Hội không thống nhất với quyết định hai hội trước.
-
Thượng Hội thống nhất với quyết định hai hội trước.
+ Khi Giáo Tông và Hộ Pháp cùng
phán quyết thì lại xảy ra hai trường hợp:
-
Hai vị có cùng chung một phán quyết.
-
Hai vị không cùng chung một phán quyết.
Theo điều 14:
Dù theo trường hợp nào thì trước
khi bế mạc cả Thượng Hội cũng phải đình lại 15 phút để chờ hai vị Hộ Pháp và
Giáo Tông vào đại điện mật nghị và công bố phán quyết ngay sau đó. (Ở HNS và
HHT khi điều gì đã được thông qua của toàn hội thì khi bế mạc được giữ y không
có việc xét lại…)
Kết quả ở Thượng Hội không phụ
thuộc vào biểu quyết của các Nghị Viên TH mà tuỳ thuộc vào quyền Chí Tôn tại
thế sau khi hai vị vào đại điện mật nghị.
Tóm lại: Cách thức bỏ thăm ở HNS
rất dễ hiểu. “Cả hội là một khối và biểu quyết qua một giai đoạn”. (Một Hội: một hệ; một giai đoạn).
Cách thức bỏ thăm ở ĐHHT “Cả hội
chia thành hai hệ ngang nhau: Hiệp Thiên và Cửu Trùng và qua 02 giai đoạn- giai
đoạn riêng của mỗi hệ rồi mới đến ý kiến của Hội Thánh”. (Một Hội: hai hệ; hai giai đoạn).
Cách thức bỏ thăm ở TH “Cả Thượng
Hội chia thành hai cấp: biểu quyết và phán quyết. Biểu quyết là các nghị
viên-điều 10. Phán quyết qua hai giai đoạn: Trong khi Hội- điều 11; và sau khi
Hội xong-điều 14”. (Một Hội: hai
cấp; ba giai đoạn).
Số nhân sự càng ít chừng nào thì
quyền hành càng cao và cách làm việc càng có qui trình chi tiết hơn.
Chúng tôi hy vọng những phân tích
trên đây là chính xác nhưng nếu có gì sai sót xin quí vị thông cảm và chỉ dẫn
để điều chỉnh lại… xin kính lời cám ơn trước./.
& &
&
(1): Các kỳ
Hội Nhơn Sanh.
1/- Hội Nhơn
Sanh năm 1931.
2/- Hội Nhơn Sanh năm 1932.
3/- Hội Nhơn Sanh năm 1937.
4/- Hội Nhơn Sanh năm 1946.
5/- Hội Nhơn Sanh năm 1951.
6/- Hội Nhơn Sanh năm 1964.
7/- Hội Nhơn Sanh năm 1967.
8/- Hội Nhơn Sanh năm 1974.
(Cao Canh Tân biên soạn: 2007)
Hội Thánh chưa kiểm duyệt, khi đọc
nên cẩn thận.
THIỆT TƯỚNG CỦA ĐẠO CAO ĐÀI
“Về nguyên lý đạo pháp”.
Muốn
hiểu được căn cơ vấn đề nầy thiết tưởng phải căn cứ vào Thánh Ngôn hay văn bút
của Hội Thánh Cao Đài ban hành.
A- VĂN BÚT HỘI THÁNH: CƠ SỞ XÁC ĐỊNH.
Văn
bút của Hội Thánh có thể chia làm hai diện:
*
Phần tổng quát:
Giúp
cho người học đạo hiểu và tin rằng khai mở Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là để hoá giải
tất cả những nhu cầu chính đáng về vật chất và tinh thần của nhân loại trong
minh triết.
Tôn
giáo Cao Đài là một phát minh mới, tự trong lòng tôn giáo ẩn chứa nguồn cung vô
tận cho nhân loại đang có nhu cầu xây dựng một cuộc sống trong bác ái công
bằng.
*
Phần cụ thể:
Trích
từ Thiên Thơ định nghĩa thế nào là Tướng thiệt của Đạo Cao Đài.
Tiếp
theo là phần trích lục các văn bút chính thống của quí vị tiền bối.
I-
PHẦN TỔNG QUÁT.
1-
Thánh Ngôn Hiệp Tuyển “TNHT”.
a-
Q.1. 18. 24 Avril 1926 “13-3- Bính Dần”.
Vốn từ trước Thầy lập ra Ngũ chi Đại-Đạo là:
Nhơn-đạo
Thần-đạo
Thánh-đạo
Tiên-đạo
Phật-đạo
Tuỳ theo phong hoá cuả nhân loại mà gầy Chánh-Giáo, là
vì khi trước Càn-vô đắc khán, Khôn vô đắc duyệt, thì nhơn-loại duy có hành đạo
nội tư phương mình mà thôi.
Còn nay thì nhơn-loại đã hiệp đồng. Càn-Khôn dĩ tận
thức, thì
lại bị phần nhiều đạo ấy mà nhơn-loại nghịch lẫn nhau: nên Thầy mới nhứt định
quy nguyên phục nhứt …
b-
(((TNHT Q. 1. T. 45. 12 tháng 8 năm Bính Dần
…. Bính - Thầy giao cho con lo một trái Càn-Khôn; con
hiểu nghĩa gì không?... Cười... Một trái như trái đất tròn quay,
hiểu không? Bề Kính tâm ba thước ba tấc, nghe con, lớn quá mà phải vậy mới
đặng, vì là cơ mầu nhiệm Tạo-Hóa trong ấy, mà sơn màu xanh da trời; cung
Bắc-Đẩu và Tinh-Tú vẽ lên Càn-Khôn ấy. Thầy kể Tam-Thập-Lục-Thiên, Tứ-Đại-Bộ-
Châu ở không-không trên không khí, tức là không phải Tinh-Tú, còn lại
Thất-thập-nhị-Địa và Tam-Thiên thế giái thì đều là Tinh-Tú. Tính lại ba ngàn
bảy mươi hai ngôi sao, con phải biểu vẽ lên đó cho đủ. Con giở sách
thiên-văn Tây ra coi mà bắt chước. Tại ngôi Bắc-Đẩu con phải vẽ hai cái
bánh lái cho đủ và sao Bắc-Đẩu cho rõ ràng. Trên vì sao Bắc-Đẩu vẽ con mắt
Thầy; hiểu chăng? Đáng lẽ trái ấy phải bằng chai, đúc trong một ngọn đèn cho nó
thường sáng; ấy là lời cầu nguyện rất qúi báu cho cả nhơn-loại Càn-Khôn
Thế-Giới đó; nhưng mà làm chẳng kịp, thì tùy con tiện làm thế nào cho kịp
đại-hội - Nghe à!
Còn chư Phật, chư Tiên, Thánh, Thần đã lên cốt thì để
dài theo dưới, hiểu không con?
Đọc
hai đoạn Thánh Ngôn trích ra trên đây thiết tưởng môn đệ của Chí Tôn đủ tự tin
rằng: Cơ mầu nhiệm của tạo hoá đã đem xuống cho thế gian nầy & đặc để trong
Tôn giáo Cao Đài.
Vậy
thì mọi vấn đề chi nhân loại thắc mắc nói chung và cái thiệt tướng của Đạo Cao
Đài nói riêng .... phải có trong văn bút Cao Đài vậy
2-
Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo.
PMCK:
…Hội nguơn hữu Chí Linh huấn chúng…
(Nguơn
hội nầy do Đấng Chí Linh dạy… mà Đấng Chí Linh thì bày từ a đến z, từ thậm thâm
đến vô thượng đều chỉ tường tận… chỉ có môn sinh chịu học cùng không mà thôi…)
…Kỳ
khai tạo nhứt linh đài…
Dạy
lần nầy nhứt định tạo ra sự khôn ngoan và tinh tấn… khi trãi bước trên đường
tấn hoá…
-
Khai cửu Đại Tường và Tiểu Tường:
Nắm
cây huệ kiếm gươm thần,
Dứt
tan sự thế nợ trần từ đây.
Nhứt
Cửu: …Khá tỉnh thức tiền duyên nhớ lại…
Nhị
Cửu: …Thần im lìm dường nét thiều quang…
Tam
Cửu: …Hội Thánh minh giao sách trường xuân…
Tứ
Cửu: …Trừ quái khí roi thần chớp nháng,
Bộ Lôi Công giải tán
trược quang…
Ngũ
Cửu: …Đắc văn sách thông thiên định địa….
Lục
Cửu: …Cung Lập Khuyết tìm duyên định ngự…
Thất
Cửu: …Kiến Chuẩn Đề thạch xá giải thi…
Bát
Cửu: …Cung Tận Thức thần thông biến hoá...
Cửu
Cửu: …Cung Trí Giác trụ tinh thần…
Tiểu
Tường: …Bồ Đề dạ dẫn hồn thượng tấn…
Đại
Tường: …Khai cơ tận độ cửu tuyền diệt vong...
3
- Đạo Sử Q.2: T. 237: 29-7-B.D.
…. Như Nhãn hiền đồ Thầy không muốn nói với con bằng
tiếng Hớn Ngôn vì tiếng An Nam từ đây Thầy cho là Chánh Tự đặng lập Đạo của
Thầy nên buộc phải nói rõ ràng với con.
Thời kỳ dấu diếm Thiên cơ đã qua rồi…
II-
ĐỊNH NGHĨA “thiệt tướng Cao Đài”.
TNHT
Q.2: T.83: Tây-Ninh (Thảo-xá Hiền-Cung), ngày 23 Décembre 1931
…Các
con phải nhớ rằng toàn Thế-giới Càn-khôn, chỉnh có hai quyền: trên là
quyền-hành Chí-Tôn của Thầy, dưới là quyền-hành của sanh-chúng. Thầy đã lập
hình-thể hữu-vi của Thầy, nghĩa là Hội-Thánh của Đại-Đạo ngày nay rồi thì Thầy
cũng phải ban quyền-hành trọn-vẹn của Thầy cho hình-thể ấy, đặng đủ phương
tận-độ chúng-sanh, còn các con cả thảy đều đứng vào hàng sanh-chúng, dưới
quyền-hành chuyển thế của đời, nghĩa là toàn nhơn-loại đồng quyền cùng Thầy, mà
tạo-hóa vạn-linh vốn là con-cái của Thầy, vậy thì vạn-linh cũng có thể đoạt-vị
vào hàng Thần, Thánh, Tiên, Phật đặng.
Trong
quyền-hành ấy có nhiều đẳng-cấp, nên khỏi phải chịu phẩm Người: ấy vậy Người là
chủ-quyền của vạn-linh. Thầy nói rõ: quyền Chí-Tôn là Thầy, quyền Vạn-linh là
sanh-chúng, ngày nào quyền-lực Chí-Tôn đặng hiệp một cùng Vạn-linh thì
Đạo mới ra thiệt-tướng. Thầy đã ban quyền-hành Chí-Tôn của Thầy cho hai
đứa làm đầu Hội-Thánh là Giáo-Tông cùng Hộ-Pháp. Vậy thì quyền-hành Chí-Tôn của
Thầy đặng trọn-vẹn khi Giáo-Tông cùng Hộ-Pháp hiệp một. Còn cả nhơn-loại thì là
quyền lực Vạn-linh. Quyền-hành Chí-Tôn của Thầy, duy có quyền-hành Vạn-linh
đối-phó mà thôi.
B- GIẢI ĐÁP VẤN ĐỀ
Phần
làm rõ thiết tưởng nên chia làm 02 diện:
*
Văn bút của các vị tiền bối.
*
Các Luật Lệ liên quan.
I-
Văn bút tiền nhân.
1-
Đức Quyền Giáo Tông Thượng Trung Nhựt.
Diễn
văn ngày 08-4-Giáp Tuất “1934”.
Đạo
Sử Bà Nữ Đầu Sư Hương Hiếu Q.2 Trang 293. (Bản in Hoa Kỳ).
...Bởi
vậy mới rồi đây, Tệ Huynh có đắc lịnh dạy bảo phải chỉ rõ phương diện chánh thể
của Ðạo, xin giải:
Trước
đây, Tệ Huynh có nói Thầy lập Ðạo kỳ nầy phù hạp với dân trí ngày nay đã tăng
tiến khỏi Ngươn Tấn Hóa đến địa vị tối cao, cho nên chủ nghĩa Cựu Luật của các
Tôn Giáo hiện thời không đủ sức kềm chế đức tin của toàn nhơn loại.
Theo
chánh thể của ÐÐTKPÐ, thì có ba Hội, đã định quyền hành đặc biệt:
a).
Thứ nhứt là Hội Nhơn Sanh:
Trong
Hội Nhơn Sanh thì Chánh Phối Sư phái Thượng là Chủ Trưởng.
Hội
Viên thì từ Lễ Sanh đổ xuống Chánh Trị Sự, Phó Trị Sự, Thông Sự và người Phái
Viên thay mặt cho nhơn sanh.
Trong
Nội Luật Hội Nhơn Sanh của ba Chánh Phối Sư lập ra có chỉ rõ luật lệ. Ấy vậy từ
hàng Tín Ðồ cùng đồng nhi đều có người thay mặt đặng xem xét việc Ðạo rồi đệ
lên Hội Thánh phán đoán.
Vạn
vật cũng có ảnh hưởng trong Hội Nhơn Sanh vì người là Chúa của vạn vật. Xét kỹ
thì Thầy công bình không xiết kể và lo việc hóa sanh không ngằn không tận.
b).
Thứ nhì là Hội Thánh:
Trong
Hội Thánh thì có Thái Chánh Phối Sư làm Chủ Trưởng. Hội Viên thì từ Giáo Hữu,
Giáo Sư và Phối Sư thiệt thọ có trách nhậm hành chánh đặc biệt.
Trong
Nội Luật Hội Thánh của ba Chánh Phối Sư lập ra có chỉ rõ thức lệ. Hội Thánh có
quyền xem xét các việc của Hội Nhơn Sanh dâng lên và các việc hành chánh trong
Ðạo, rồi đệ lên Thượng Hội.
c).
Thứ ba là Thượng Hội:
Thượng
Hội thì cũng có Nội Luật chỉ rõ thức lệ. Trong Thượng Hội thì Giáo Tông làm Chủ
Trưởng, Hộ Pháp làm Phó Chủ Trưởng. Hội Viên thì có:
·
Thượng Phẩm
·
Thượng Sanh
·
Ba vị Chưởng Pháp
·
Ba vị Ðầu Sư
·
Và Ðầu Sư Nữ Phái
Không
cần nhắc thì chư Hiền Hữu Lưỡng Phái cũng hiểu rằng mấy Ðại Thiên Phong kể trên
đây có hành chánh phận sự lớn lao của mình thì mới đặng vào Thượng Hội.
Thượng
Hội để giúp Giáo Tông và Hộ Pháp điều đình cả nền Ðạo lớn lao của Thầy.
Thượng
Hội có quyền xem xét các điều nghị luận của Hội Thánh và Hội Nhơn Sanh rồi hoặc
đệ lên cho Giáo Tông và Hộ Pháp phê chuẩn hay là trả lại cho Hội Thánh định
đoạt lại.
Ba Hội (Thượng Hội, Hội Thánh, và Hội Nhơn Sanh) toàn
nhập lại theo thức lệ rành rẽ thì gọi là Quyền Vạn Linh, chớ không
phải ai muốn lập Hội Vạn Linh, tổ chức gì theo ý riêng của mình rồi muốn đem ai
lên làm Chủ Trưởng tổ chức gì cũng được.
Như
vậy thì có Luật lệ gì đâu? Mà không Luật lệ thì là không phải Ðạo.
Trên ba Hội, thì có Giáo Tông và Hộ Pháp.
Giáo
Tông làm chủ Cửu Trùng Ðài thì lo việc Chánh Trị của Ðạo, có Chưởng Pháp và Ðầu
Sư ở trung gian giúp sức điều đình các Luật lệ truyền xuống cho ba Chánh Phối
Sư nắm trọn quyền hành chánh. Giáo Tông có quyền định đoạt trong việc Chánh Trị
của Ðạo.
Hộ
Pháp thì lo giữ Luật lệ của Ðạo cho khỏi sái Thiên Ðiều vì Luật lệ của ÐÐTKPÐ
ngày nay thì thế cho Thiên Ðiều.
Hộ
Pháp có quyền đặc biệt về ân xá cũng như Giáo Tông có quyền Chánh trị vậy.
Hộ
Pháp chưởng quản Hiệp Thiên Ðài, có Thượng Phẩm, Thượng Sanh và Thập Nhị Thời
Quân giúp sức.
Giáo Tông và Hộ Pháp hiệp một là Quyền Chí Tôn.
Tệ
Huynh có thọ lịnh chỉ rõ phương diện Chánh thể của ÐÐTKPÐ của Thầy khai trong
buổi Hạ Ngươn chuyển thế đây y trên đó. Xin chư Hiền Hữu Lưỡng Phái rán nhớ và
lo phận sự, đừng sai luật Ðạo mà bị tội, và mình tuân trọn Luật Ðạo của Thầy
thì là món binh khí diệt tà quyền giả mị đó.
Tệ
Huynh xin nhắc lời tuyên ngôn của Ðại Từ Phụ hồi buổi ban sơ, Thầy có nói: "Thầy
lập Ðại Ðạo Tam Kỳ nầy là lập một cái trường công quả, nếu các con đi ngoài
trường công quả ấy thì không trông mong gì về cùng Thầy đặng".
Trường
công quả của Thầy có đôi bên: Một bên vô hình là các Ðấng Thiêng Liêng (Phật,
Tiên, Thánh, Thần) cũng lập công quả trong buổi chuyển thế nầy. Các Ðấng Thiêng
Liêng thường theo một bên chúng ta đặng ám trợ chúng ta về phần vô vi.
Còn
các việc hữu hình tại thế là các việc phải có thi hành như chúng ta bây giờ đây
mới làm đặng thì về phần chúng ta phải lo làm rồi có các Ðấng Thiêng Liêng ám
trợ.
Thí
dụ như đi độ rỗi nhơn sanh phải nói Ðạo cho người nghe, như phải lập mấy cuộc
để giúp thế đang nguy nan, như nhà trường dạy kẻ cô độc học, nhà thương, nhà
dưỡng lão cùng các nghề nghiệp cho đạo hữu có phương làm ăn đặng cơm tẻ ngày
hai, có áo quần che thân ấm cật... thì chúng ta phải lo hết rồi các Ðấng Thiêng
Liêng ám trợ cho thành tựu…
b-
Diễn văn của Đức Hộ Pháp.
“Chủ
toạ” kỳ Hội Nhơn Sanh năm Đinh Sữu (1937).
Ngày
nay Đấng Chí Tôn đến lập Đạo đặng nhìn nhận cả con cái của Người là cả thảy
Chúng Sanh. Thay vì lấy quyền hành Chí Linh mà làm chúa Người lại dụng tánh đức
thương yêu lấy lòng từ bi quãng đại, tôn con cái của Người vi chủ.
Nghĩa
là Người giao quyền hành của Người lại cho Chúng Sanh lập quyền cho con cái của
Người là Quyền Vạn Linh.
Quyền
Vạn Linh là gì?
Là
Tổng hợp cả 3 quyền:
1-
Quyền Hội Nhơn Sanh.
2-
Quyền Hội Thánh.
3-
Quyền Thượng Hội.
Quyền
Hội Nhơn Sanh: Tức là quyền của bậc Tín Đồ tới bậc Lễ Sanh.
Nghĩa
là từ phẩm hữu sanh tới Thượng Sanh.
Quyền
Hội Thánh: Tức là Quyền của bậc Giáo Hữu tới Đầu Sư.
Nhưng
Đầu Sư có đặc quyền làm đầu Chánh Trị Đạo. Vì đã vào Hội Thánh tức là bậc hữu
phẩm tới Thượng Phẩm.
Quyền
Thượng Hội: Tức là quyền Giáo Tông và Hộ Pháp. Còn dưới quyền Thượng Hội thì có
Chưởng Pháp là Tể Tướng của Thượng Hội. Nếu có điều chi trắc trở thì Quyền Chí
Tôn hỏi nơi Chưởng Pháp mà định đoạt chớ Chưởng Pháp không có quyền hành chi
cả.
Chưởng
Pháp phải hiểu cả tâm đức của Đời và Đạo mà liệu phương hoá giải (Conseil
Juridique).
Cả
ba quyền hiệp lại thì đồng quyền cùng quyền Chí Linh Của Đấng Chí Tôn. Đối với
quyền Chí Tôn mà nó còn ngang phẩm thì dầu cho các Đấng Thiêng Liêng cũng còn
phải dưới quyền ấy nữa.
Ấy
vậy ngoài ra quyền Chí Tôn thì chẳng ai có quyền hành nào phong thưởng Thiên
Phong Chức Sắc của Hội Thánh. Duy có Đức Lý Giáo Tông và Đức Chưởng Đạo Nguyệt
Tâm Chơn Nhơn là hai Đấng đã có lịnh Chí Tôn cho được quyền phong thưởng thì
phẩm tước ấy mới nên giá trị.
Ngoài
hai Đấng ấy ra dầu cho một vị Đại Giác Kim Tiên hay là Cái Thiên Cổ Phật mà
không thừa mạng lịnh của Chí Tôn và không quyền hành nơi cửa Đạo nghĩa là không
lãnh mạng lịnh trong buổi Tam Kỳ Phổ Độ nầy thì không đặng quyền phép phong
tước cho ai tất cả.
Ngày
nay bọn Tã Đạo Bàn Môn phong thưởng chẳng do Thiên mạng đều là cơ quan tà giáo
mà thôi.
Cơ
phong thưởng là chỉ do nơi quyền Vạn Linh hiệp đồng hay là hay là quyền Chí Tôn
chớ chẳng phải ai muốn phong thưởng cũng đặng.
….
Đức
Hộ Pháp lại tiếp: Từ đây cả quyền thăng thưởng trong Hội Thánh hay là Nhơn Sanh
cũng vậy Chí Tôn đã nấy giao quyền cho vạn linh. Đức Lý Giáo Tông đã mật lịnh
cho Bần Đạo làm như vậy rồi mới đem lên cho quyền Chí Tôn phong thưởng mà thôi.
Bần Đạo chỉ có quyền phong thưởng tới bậc Lễ Sanh còn từ bậc Giáo Hữu đổ lên
Bần Đạo xin rữa tay không còn quyền hành chi hết.
Bần Đạo xin trạng vẽ ba quyền hành
ấy ra đây cho toàn Đạo rõ thấy:
CHÍ LINH ĐỐI VỚI VẠN LINH.
Bát Quái Đài |
(CHÍ TÔN) (Các Đấng Thiêng
Liêng) (Giáo Tông và Hộ
Pháp) |
Quyền Đạo
|
Cửu Trùng Đài và Hiệp Thiên Đài
|
(Giáo Tông và Hộ
Pháp) (Hội Thánh) (Chúng Sanh) |
Quyền Thánh Thể tức
là Quyền Hội Thánh |
id |
(Lễ Sanh) (Chức Việc) (Tín đồ) |
Quyền Thế. |
Quyền
Chí Tôn: Luật Thiên Điều tức là Thiên luật.
Quyền
Hội Thánh: Luật Hội Thánh.
Quyền
Nhơn sanh: Thế luật và Tân Luật.
a-
Cả Thánh giáo tổng hợp lại là Luật của Chí Tôn tức Thiên Luật.
b-
Lập Thánh Thể của Người rồi Người lại dạy Đức Lý Giáo Tông lập Tân Luật cùng
Đạo Nghị Định ấy là Luật của Hội Thánh với Luật hành động từ 12 năm nay.
c-
Luật của Chúng Sanh là Luật Đời (Code pénal), tổng hợp lại với Luật Đạo.
II-
Xác Định Quyền Vạn Linh & Quyền Chí Tôn
Muốn
dẫn chứng CHÍNH XÁC phải rút từ hai trích đoạn:
1-
Đức Quyền Giáo Tông:
Trên ba Hội, thì có Giáo Tông và Hộ Pháp
2-
Đức Phạm Hộ Pháp:
Trừ hai vị Đại Thiên phong là Giáo Tông và Hộ Pháp đã
thay quyền Chí Tôn tại thế ra, cả ba Hội Công Đồng mới có quyền Vạn linh đủ
phép.
3-
Kết Luận:
a-
Quyền Chí Tôn là quyền của Hộ Pháp và Giáo Tông trong Thượng Hội. Đó là QUYỀN
CHÍ TÔN TRONG NHÂN THẾ VẬY. “Hay Chí Linh trong nhân thế”
b-
Quyền Vạn Linh từ Phẩm Chưởng Pháp trong Thượng Hội xuống cho đến Hội Nhơn
Sanh.
4-
Điều cần lưu ý: (Chứng minh từ Luật lệ có liên quan)
a-
Danh xưng của Giáo Tông và Hộ Pháp trong Thượng Hội
-
Giáo Tông là Hội Trưởng của Thượng Hội.
-
Hộ Pháp là Phó Hội Trưởng của Thượng Hội.
*
Về cơ cấu nhân sự hai vị nầy ở trong Thượng Hội
*
Nhưng về quyền lực hai vị hiệp lại thì ở trên Thượng Hội.
(Ba
Hội nhưng có thể đến 04 công đoạn…)
Điều
nầy được chứng minh qua:
Cách
thức bỏ thăm của Thượng Hội.
[[[Điều
Thứ Mười:
Trong mổi việc chừng cả Hội viên tỏ hết ý kiến và bàn
luận rồi thì Hộ Pháp và Giáo Tông có ý kiến chi thì mới bày tỏ ra sau rốt.
Chừng rồi Hội trưởng định bỏ thăm, bên nào phần đông thì Thượng Hội tuân theo.
Điều
Thứ Mười Một:
Giáo Tông và Hộ Pháp hiệp một thì là quyền Chí Tôn nên
không có bỏ thăm. Nếu cả ba hội phản khăc nhau thì quyền Chí Tôn nghĩa là của
Giáo Tông và Hộ Pháp hiệp một chủ định thể nào thì Chánh Trị của Đạo y theo thế
ấy. Còn như quyền hành Giáo Tông và Hộ Pháp phản khắc nhau nửa thì cả thảy về
chánh trị và chúng sanh đều bị huỷ bỏ.
Chừng ấy Hội Nhơn Sanh, Hội Thánh, Thượng Hội phải
nhóm lại mà định đoạt sửa cải lại nữa.
Nếu có việc chi trái Luật Đạo thì Giáo Tông và Hộ Pháp
hiệp cùng nhau đặng trọn quyền ban truyền xuống cho Đầu Sư định đoạt lại.
Điều
Thứ Mười Bốn:
Sau khi hội Thượng Hội thì Giáo Tông và Hộ Pháp phải
đình Hội lại 15 phút đồng hồ đặng hai người vào Đại Điện mật nghị rồi phải trở
ra cho Thượng Hội hay những điều của hai đàng nhứt tâm quyết định.
Phân
tích các điều trên ta thấy Thượng Hội có hai cấp: biểu quyết và phán quyết.
-
Từng phần: khi thảo luận. “biểu quyết”.
-
Chung cuộc: khi hội xong. “Phán quyết”
a-
Biểu quyết từng phần: “điều 10”.
Sau
khi bàn luận theo thứ tự đã định xong rồi thì Giáo Tông cho bỏ thăm. Bên nào có
số thăm nhiều thì thượng hội tuân theo.
“Chỉ có các Nghị Viên Bỏ thăm còn Giáo Tông và Hộ Pháp
thì không bỏ thăm”.
b-
Biểu quyết chung cho cả cuộc hội: “Điều 11 và 14”
Theo
điều 11:
+
Giáo Tông và Hộ Pháp không bỏ thăm nhưng lại phán quyết trong cả 2 trường hợp:
-
Thượng Hội không thống nhất với quyết định hai hội trước.
-
Thượng Hội thống nhất với quyết định hai hội trước.
+
Khi Giáo Tông và Hộ Pháp cùng phán quyết thì lại xãy ra hai trường hợp:
-
Hai vị có cùng chung một phán quyết.
-
Hai vị không cùng chung một phán quyết.
Theo
điều 14:
Dù
theo trường hợp nào thì trước khi bế mạc cả Thượng Hội cũng phải đình lại 15
phút để chờ hai vị Hộ Pháp và Giáo Tông vào đại điện mật nghị và công bố phán
quyết ngay sau đó. (chú ý: Ở HNS và HHT khi điều gì đã được thông qua
của toàn hội thì khi bế mạc được giữ y không có việc xét lại…)
Kết
quả ở Thượng Hội không phụ thuộc vào biểu quyết của các Nghị Viên TH mà tuỳ
thuộc vào quyền Chí Tôn tại thế sau khi hai vị vào đại điện mật nghị. Đây là
điều mà hai hội bên dưới không có và cũng là công đoạn thứ tư trong ba hội vậy]]]
b-
Thái Chánh Phối Sư trong Hội Thánh. (Theo Nội Luật)
Khi
bỏ thăm các Nghị Viên chia thành 02 hệ. (Cửu Trùng Đài & Hiệp Thiên Đài)
Hệ
của Cửu Trùng Đài biểu quyết riêng.
Thái
Chánh Phối Sư ở trong Hội Hội Thánh là nhân sự của Cửu Trùng Đài nên bỏ thăm
theo luật lệ chung.
(Nghị
Trưởng Hội Hội Thánh theo chổ chúng tôi hiểu thì chỉ có ¼ lá phiếu.
Tại
sao là ¼ lá phiếu?
Vì
Hiệp Thiên Đài và Cửu Trùng Đài mổi bên ½ quyền quyết định.
Mà
Nghị Trưởng Hội Hội Thánh là nhân sự Cửu Trùng Đài nên chỉ có ½ quyền quyết
định cho ½ quyền của Cửu Trùng Đài.
[½
trong quyền riêng của Cửu Trùng Đài + ½ trong quyền chung= ¼]
Kết
luận: ¼ lá phiếu có ý nghĩa như vậy)
c-
Thượng Chánh Phối Sư trong Hội Nhơn Sanh:
Khi
bỏ thăm: Toàn thể nghị viên của ĐHNS là một khối khi biểu quyết. Một vấn đề khi
bỏ thăm thì cần 50% số người hiện diện cộng thêm vào một lá thăm nữa thì việc ấy
được công nhận. Khi vấn đề đã được công nhận thì Nghị Trưởng không có quyền bỏ
phiếu.
Nghị
Trưởng của Hội Nhơn Sanh là Thượng Chánh Phối Sư chỉ tham gia biểu quyết khi
nào cuộc biểu quyết rơi vào trường hợp 50% thuận và 50% không thuận.
Phiếu
của Thượng Chánh Phối Sư là phiếu dự bị để giải quyết khi số phiếu hai bên
ngang nhau. (Nghị Trưởng Hội Nhơn Sanh chỉ có ½ lá phiếu)
@ @ @
Kết
luận: Từ lời dạy của Đức Chí Tôn trong TNHT về TƯỚNG THIỆT CAO ĐÀI chúng tôi đã
căn cứ vào Pháp Luật Tôn giáo để hiểu:
1- Quyền
Chí Linh trong nhân thế là Quyền Giáo Tông và Hộ Pháp hiệp một.
2-
Khi
ý muốn của Quyền Vạn Linh phù hợp với ý của Quyền Chí Tôn tại thế (Giáo Tông và
Hộ Pháp) thì đạo ra thiệt tướng.
Đó
là ý nghĩa của Tướng Thiệt Cao Đài “Về Luật Pháp & Tổ chức – Và từ đó mới
có quyết sách cho nội dung Chánh Trị Đạo” hầu giúp nhau gọi cho đúng tên.
Đạo
Pháp Vô Biên cho nên hẳn nhiên là sẽ còn nhiều công trình tìm hiểu sâu xa hơn
nữa vậy./.
(XEM tiếp bài GIÁO TÔNG CẦM QUYỀN CHÍ TÔN TẠI THẾ...).
@@@
LỜI
BỔ SUNG: Sau khi trình bày đề tài một thời gian thì chúng tôi “ngộ” ra rằng:
Tướng thiệt của Đạo là Chánh Trị Đạo và Hành Chánh Đạo được nhịp nhàng với
nhau.
Chánh
trị đạo có thể hiểu:
-
Cơ chế để nhóm họp, bàn thảo.
-
Nội dung bàn thảo.
-
Các cơ quan của chánh trị đạo.
-
Hành chánh tôn giáo.
Như
vậy phần chúng tôi trình bày trên là cơ chế để ba hội lập quyền bàn thảo về nội
dung của chánh trị đạo.
Từ
có nội dung của chánh trị đạo thì các cơ quan của chánh trị đạo là Hành Chánh,
Phước Thiện, Phổ Tế và Tòa Đạo tùy nhiệm vụ mà thực thi về mặt chuyên môn. Còn
mặt Hành Chánh tôn giáo thì tùy vào cấp Trung Ương, Trấn, Châu, Tộc hay Hương
mà tiến hành theo khuôn viên đã định.
Hội Thánh chưa kiểm duyệt, khi đọc nên cẩn thận.
HỆ LUẬN TẤT NHIÊN:
GIÁO TÔNG CẦM QUYỀN CHÍ TÔN TẠI
THẾ.
“Thực tế của Thượng Hội”.
Đây là một vấn đề sẽ làm cho nhiều người
không am hiểu hay không đọc hết bài viết nầy nghiêm túc sẽ phản ứng rất mạnh mẽ
… Nên Chúng Tôi chỉ có một lời cần yếu: XIN CHỈ GIÁO CÁI KHÔNG ĐÚNG trong bài
viết …
Còn như không CHỈ RA ĐƯỢC CÁI SAI thì đây
là đáp số đúng cho bài toán …
Có thể kể 04 cơ sở: 1/- Thánh Ngôn Hiệp
Tuyển. “Câu đã dẫn chứng”. 2/- Châu Tri 21 Ngày 10-11- Giáp Tuất “16-12-1934”.
3/- - Luật Thượng Hội. “Điều 11& 14”. 4/- Văn bút của Giáo Tông và Hộ Pháp.
“Đã trích dẫn”.
@@@
I- Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
TNHT. Q2: T. 83: Tây-Ninh (Thảo-xá
Hiền-Cung), ngày 23 Décembre 1931.
… Các
con phải nhớ rằng toàn Thế-giới Càn-khôn, chỉnh có hai quyền: trên là
quyền-hành Chí-Tôn của Thầy, dưới là quyền-hành của sanh-chúng. Thầy đã lập
hình-thể hữu-vi của Thầy, nghĩa là Hội-Thánh của Đại-Đạo ngày nay rồi thì Thầy
cũng phải ban quyền-hành trọn-vẹn của Thầy cho hình-thể ấy, đặng đủ phương
tận-độ chúng-sanh, còn các con cả thảy đều đứng vào hàng sanh-chúng, dưới
quyền-hành chuyển thế của đời, nghĩa là toàn nhơn-loại đồng quyền cùng Thầy, mà
tạo-hóa vạn-linh vốn là con-cái của Thầy, vậy thì vạn-linh cũng có thể đoạt-vị
vào hàng Thần, Thánh, Tiên, Phật đặng.
Trong
quyền-hành ấy có nhiều đẳng-cấp, nên khỏi phải chịu phẩm Người: ấy vậy Người là
chủ-quyền của vạn-linh. Thầy nói rõ: quyền Chí-Tôn là Thầy, quyền Vạn-linh là
sanh-ch Chí-Tôn đặng hiệp một cùng Vạn-linh thì Đạo mới ra
thiệt-tướng. Thầy đã ban quyền-hành Chí-Tôn của Thầy cho hai đứa làm đầu
Hội-Thánh là Giáo-Tông cùng Hộ-Pháp. Vậy thì quyền-hành Chí-Tôn của Thầy đặng
trọn-vẹn khi Giáo-Tông cùng Hộ-Pháp hiệp một. Còn cả nhơn-loại thì là quyền lực
Vạn-linh. Quyền-hành Chí-Tôn của Thầy, duy có quyền-hành Vạn-linh đối-phó mà
thôi.
II- Châu Tri 21.
Văn
Phòng Nội Chánh. |
ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ. |
CHÂU TRI.
THÁI; THƯỢNG; NGỌC CHÁNH PHỐI SƯ.
Kính cùng Chư Chức Sắc Thiên Phong Nam Nữ,
Chư Chức Việc và Chư Đạo Hữu lưỡng phái.
Kính Chư Hiền Huynh và Chư Hiền Tỷ.
Hội Thánh xin cho toàn đạo hay rằng:
Chiếu theo tờ vi bằng kỳ nhóm Hiệp Thiên
Đài và Cửu Trùng Đài tại Toà Thánh ngày 26-10- Giáp Tuất (dl: 02-12-1934) thì
quyền hành Chưởng Quản Nhị Hữu Hình Đài đều giao cho Đức Hộ Pháp cầm, ấy là
tuân theo thể pháp định cho Hộ Pháp phải kiêm quyền hành Giáo Tông khi Giáo
Tông qui vị, cũng như Giáo Tông phải kiêm quyền hành Hộ Pháp khi Hộ Pháp qui
vị.
Giữa Đại Hội Đức Hộ Pháp có tỏ ý cho Hội
Thánh biết rằng Ngài muốn lập một Ban Phụ Chánh để giúp Ngài; trong Ban Phụ Chánh
có đủ Chức Sắc Hiệp Thiên Đài và Cửu Trùng Đài nam nữ.
Sau nầy sẽ có Đạo Nghị Định nói về ban
nầy.
Sự xây trở trong nền Chánh Trị của Đạo
chẳng qua là vì Thiên Thơ tiền định, đến lúc Chí Tôn chuyển thế thì tức nhiên
phải có chuyển pháp, điều ấy nếu ráng kiếm hiểu thì cũng không chi lạ.
Hội Thánh chỉ ước mong cho chư Hiền Huynh
và chư Hiền Tỷ biết rằng dầu Hiệp Thiên Đài hay Cửu Trùng Đài đều là người của
Hội Thánh, còn sự hiệp nhứt của nhị Đài là phương thuốc hay đương thời, xin chư
Hiền Huynh và chư Hiền Tỷ ráng tận tâm đôi lúc nữa thì sẽ thấy điều vui mừng
chung trước mắt và hiểu rõ thiên ý của Đức Chí Tôn buổi nầy.
Rất mong thay.
Nay Kính.
Toà Thánh ngày 10-11- Giáp Tuất.
(16-12- 1934).
Thái Chánh Phối Sư. |
Thượng Chánh Phối Sư. |
Ngọc Chánh Phối Sư. |
III- Thượng Hội Nội Luật
Điều Thứ Mười Một:
Giáo Tông và Hộ Pháp hiệp một thì là quyền
Chí Tôn nên không có bỏ thăm. Nếu cả ba hội phản khăc nhau thì quyền Chí Tôn
nghĩa là của Giáo Tông và Hộ Pháp hiệp một chủ định thể nào thì Chánh Trị của
Đạo y theo thế ấy. Còn như quyền hành Giáo Tông và Hộ Pháp phản khắc nhau nửa
thì cả thảy về chánh trị và chúng sanh đều bị huỷ bỏ.
Chừng ấy Hội Nhơn Sanh, Hội Thánh, Thượng
Hội phải nhóm lại mà định đoạt sửa cải lại nửa.
Nếu có việc chi trái Luật Đạo thì Giáo
Tông và Hộ Pháp hiệp cùng nhau đặng trọn quyền ban truyền xuống cho Đầu Sư định
đoạt lại.
Điều Thứ Mười Bốn:
Sau khi hội Thượng Hội thì Giáo Tông và Hộ
Pháp phải đình Hội lại 15 phút đồng hồ đặng hai người vào Đại Điện mật nghị rồi
phải trở ra cho Thượng Hội hay những điều của hai đàng nhứt tâm quyết định.
IV- Văn Bút của Giáo Tông và Hộ Pháp.
1- Đức Quyền Giáo Tông Thượng Trung Nhựt.
Diễn văn ngày 08-4-Giáp Tuất “1934”.
Đạo Sử Bà Nữ Đầu Sư Hương Hiếu Q.2 Trang
293. Bản in Hoa Kỳ.
… Thượng Hội để giúp Giáo Tông và Hộ
Pháp điều đình cả nền Ðạo lớn lao của Thầy.
Thượng Hội có quyền xem xét các điều nghị
luận của Hội Thánh và Hội Nhơn Sanh rồi hoặc đệ lên cho Giáo Tông và Hộ Pháp
phê chuẩn hay là trả lại cho Hội Thánh định đoạt lại.
Ba Hội (Thượng Hội, Hội Thánh, và Hội Nhơn
Sanh) toàn nhập lại theo thức lệ rành rẽ thì gọi là Quyền Vạn Linh, chớ không
phải ai muốn lập Hội Vạn Linh, tổ chức gì theo ý riêng của mình rồi muốn đem ai
lên làm Chủ Trưởng tổ chức gì cũng được.
Như vậy thì có Luật lệ gì đâu? Mà không
Luật lệ thì là không phải Ðạo.
Trên ba Hội, thì có Giáo Tông và Hộ Pháp.
Giáo Tông làm chủ Cửu Trùng Ðài thì lo
việc Chánh Trị của Ðạo, có Chưởng Pháp và Ðầu Sư ở trung gian giúp sức điều đình
các Luật lệ truyền xuống cho ba Chánh Phối Sư nắm trọn quyền hành chánh. Giáo
Tông có quyền định đoạt trong việc Chánh Trị của Ðạo.
Hộ Pháp thì lo giữ Luật lệ của Ðạo cho
khỏi sái Thiên Ðiều vì Luật lệ của ÐÐTKPÐ ngày nay thì thế cho Thiên Ðiều.
Hộ Pháp có quyền đặc biệt về ân xá cũng
như Giáo Tông có quyền chánh trị vậy.
Hộ Pháp chưởng quản Hiệp Thiên Ðài, có
Thượng Phẩm, Thượng Sanh và Thập Nhị Thời Quân giúp sức.
Giáo Tông và Hộ Pháp hiệp một là Quyền Chí
Tôn.
2- Phạm Hộ Pháp.
Diễn Văn ngày 15-8- Quí Dậu:
* Quyền Thượng Hội: là HTĐ thì Hộ
Pháp, Thượng Phẩm, Thượng Sanh; Cửu Trùng Đài thì Giáo Tông, Chưởng Pháp và Đầu
Sư, cầm luật pháp điều hòa đạo mạch. Thượng Hội không quyền sửa trị, duy thi
hành luật lịnh Chí Tôn, kỳ dư khi nào Hội Thánh và Hội Nhơn Sanh phản khắc cùng
nhau làm nền Đạo chinh nghiêng nguy hiểm thì Đầu Sư mới đặng thống quyền nắm
Đạo pháp thi hành chánh trị. (Quyền Thống nhứt phải có đủ quyền Vạn linh và
quyền Chí Tôn hiệp đồng ban cho mới đặng). Hội nầy của quyền Chí Tôn (là Giáo
Tông và Hộ Pháp) làm Chủ tọa.
Trừ hai vị Đại Thiên phong là Giáo Tông và
Hộ Pháp đã thay quyền Chí Tôn tại thế ra, cả ba Hội công đồng mới có quyền Vạn
linh đủ phép.
KẾT LUẬN.
Căn cứ vào 04 cơ sở trích dẫn trên đây…
Theo Pháp Chánh Truyền thì:
- Phẩm Giáo Tông sẽ được bầu ra để điều
hành CƠ ĐẠO. (Trừ trường hợp đặc biệt do Thầy giáng cơ ban thưởng)
- Phẩm Hộ Pháp không có qui định bầu nhân
sự thay thế.
Như vậy khi VÀO ĐẠI ĐIỆN MẬT NGHỊ “Theo
điều 14- Nội Luật Thượng Hội” Giáo Tông sẽ VÀO CÓ MỘT MÌNH “về hữu hình”.
Và khi trở ra cũng chỉ có một mình Giáo
Tông công bố có nhìn nhận các điều từ ba hội dâng lên hay là không …
Câu 3 & 4 Kinh Xuất Hội.
Vạn- linh đã hiệp Chí-linh,
Hội xong cậy sức công bình thiêng liêng.
Đã thể hiện rõ nét trong trường hợp cụ thể
nầy…
Vậy GIÁO TÔNG CẦM QUYỀN CHÍ TÔN TẠI THẾ là
một hệ luận tất nhiên vậy.
Tóm lại:
Sau khi Đức Chí Tôn dạy về Ba Hội lập Quyền Vạn Linh thì có bài dạy về
SỰ TRỞ PHÁP. Nghĩa là khi Đức Hộ Pháp vâng lịnh Chí Tôn cầm quyền Nhị Hữu Hình
Đài Hiệp Thiên và Cửu Trùng lập thành chánh giáo xong thì Đại Từ Phụ giao (Quyền
Chí Tôn tại thế) lại cho Cửu Trùng Đài. Sự giao lại thể hiện trong Nội Luật
Thượng Hội. Khi Ba Hội bàn định xong rồi thì dâng lên cho Giáo Tông và Hộ Pháp
vào đại điện mật nghị trong 15 phút. Hộ Pháp đã về thiêng liêng vị (vô vi) nên
chỉ có Giáo Tông vào rồi trở ra công bố; ấy là Quyền Chí Tôn tại thế./.
ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ÐỘ.
&&&
THƯỢNG HỘI.
NỘI LUẬT.
Toàn Thế Giới Càn Khôn chính có hai quyền.
Trên thì là quyền hành CHÍ TÔN của ÐẤNG TẠO HOÁ. Dưới là quyền hành của VẠN
LINH. Nghĩa là sanh chúng.
Quyền hành CHÍ TÔN trọn nơi thế nầy thì là
tại quyền Giáo Tông và Hộ Pháp hiệp một. Hai bên phản khắc nhau thì Chánh Trị
Ðạo phải bị đổ.
Quyền hành VẠN LINH nghĩa là của sanh
chúng đều có đủ trọn vẹn nơi THƯỢNG HỘI, HỘI THÁNH VÀ HỘI NHƠN SANH hiệp đồng.
Nếu ba hội phản khắc nhau thì quyền hành ấy tiêu huỷ.
Trong Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ có ba Ðài:
CỬU TRÙNG ÐÀI là hình thể phần xác vì Ðấng
Chí Tôn không có xuống thế với xác thân trong buổi khai Ðạo nơi miền Á Ðông kỳ
thứ ba nầy (3me Amnistie de DIEU en Orient).
Lại dùng huyền diệu vô vi bí mật cơ bút y
theo thiên thơ tiền định mà khai và truyền Ðạo.
HIỆP THIÊN ÐÀI là khí, là khí lực nghĩa là
luồng điển quang liên kết cả Thánh Ðức cùng xác thịt (Lien de relation ou
flamme divine) làm trung gian hiệp Cửu Trùng Ðài với Bát Quái Ðài.
BÁT QUÁI ĐÀI là Thiêng Liêng là Thần
(Puissance maitresse qui dirige l’Univers ou autrement dit “Sagesse ou intelligence
D’vine”).
Cửu Trùng Ðài là hình thể hửu vi của Ðấng
Chí Tôn chia ba hội:
1- Hội Nhơn Sanh.
2- Hội Thánh.
3- Thượng Hội.
Ba hội nầy hiệp cùng nhau là hình thể hữu
vi của Ðấng Chí Tôn nên phải có quyền đặc biệt đủ phương độ tận nhơn sanh vô
nền Ðại Ðạo lo tu hành ra bực Thượng Sanh.
THƯỢNG HỘI.
Ðiều Thứ Nhất: Thượng hội thì có.
1- Giáo Tông …. Hội Trưởng.
2- Hộ Pháp ... Phó Hội Trưởng.
3- Thượng Phẩm ... Nghị viên.
4- Thượng Sanh …. Nghị viên.
5- Ba vị Chưởng Pháp. .. Nghị viên.
6- Ba vị Ðầu Sư Nam Phái. … Nghị viên.
7- Ðầu Sư Nữ Phái. ….. Nghị viên.
Ðiều Thứ nhì:
Mổi khi Hội thì mổi vị phải có mặt trừ ra
khi nào vì việc Ðạo mà phải đi xa thì mới được phép vắng mặt, khi nào có bịnh
không dự Hội được thì phải có thơ xin kiếu và chọn vị nào trong Hội thay mặt
cho mình.
Ðiều Thứ Ba:
Thượng Hội để xem xét và phê chuẩn.
1- Các điều của Hội Nhơn Sanh và Hội Thánh
bàn luận về việc Ðạo.
2- Các điều ước (voeux) của Hội Nhơn Sanh
và Hội Thánh. Trừ ra các điều nào hoặc của Hội Nhơn Sanh mà Hội Thánh đã đánh đổ
hay là của Hội Thánh mà đã bị Hội Nhơn Sanh đã đánh đổ thì không được phép đem
vào Thượng Hội nếu không có đơn của hai ông chủ hội kêu nài.
3- Thượng Hội bàn luận và định đoạt các
việc cần gấp hoặc yếu trọng phải ban hành trong Ðạo.
Ðiều Thứ Tư:
Trừ ra mấy vị Ðại Thiên Phong có quyền
trong Thượng Hội chỉ trong điều thứ nhất thì không có ai khác được dự thính
Thượng Hội.
Ðiều Thứ Năm:
Thượng Hội chọn một vị Từ Hàng trong hàng
Thiên Phong Cửu Trùng Ðài từ Giáo Sư đổ lên.
Từ Hàng lo giử gìn giấy tờ sổ sách của
Thượng Hội và trước mổi kỳ Hội phải tùng Giáo Tông đặng lập chương trình và
viết thơ mời Hội khi Thượng Hội nhóm thì dự thính và lo biên các lời luận của
mổi Hội viên đặng chừng mãn hội tức cấp làm tờ kiết nhận mổi kỳ Hội với phải
nhắc nhở những điều Thượng Hội đã có định trước mà Hội viên quên trong lúc Hội
nhóm.
Sau khi Hội nhóm phải lo phụ giúp Giáo
Tông thi hành các điều đã bàn định.
Ðiều Thứ Sáu:
Từ Hàng được lãnh phận sự công quả trong
bốn năm kể từ ngày Thượng Hội chọn.
Trong bốn năm nếu Từ Hàng không tròn phận
sự thì Thượng Hội chọn người khác thế. Nếu tròn công quả siêng năng đạo đức đủ
khi mãn bốn năm thì Thượng Hội cũng chọn cử lại nửa.
Ðiều Thứ Bảy:
Ba vị Ðầu Sư Nam phái và Ðầu Sư Nữ phái có
quyền cai trị về phần Ðạo và phần Ðời của chư môn đệ Chí Tôn thì phải lập tờ
phúc những điều bàn tính của Hội Nhơn Sanh và Hội Thánh. Tờ phúc ấy phải đệ lên
cho Giáo Tông xét nét rồi đem ra Thượng Hội bàn tính trước Hội thường niên ít
nữa là 15 ngày.
Ðiều Thứ Tám:
Cả tờ giấy chi đem ra cho Thượng Hội phải
cho cả hội viên quan sát xét nét trước khi ngày Hội nhóm ít nửa là 7 ngày.
Ðiều Thứ chín:
Mổi vị hội viên có trọn quyền bàn cải các
việc đem ra hội đặng cho Giáo Tông và Hộ Pháp rõ thấu chân lý mà định quyền
Chánh trị của Ðạo. Thượng Hội cốt yếu là giúp Giáo Tông và Hộ Pháp hiểu thấu
tâm lý Nhơn Sanh và Hội Thánh đặng xây chuyển quyền hành Chí Tôn theo vạn linh
ước vọng.
Nếu muốn bàn cải việc chi thì xin phép ông
Hội Trưởng rồi chờ được phép mới mở lời bàn tính chớ nên cản lời của Hội viên
khác đương luận và tỏ ý kiến.
Thoản như có nghe một Hội viên bàn tính
điều chi không phù hạp với mình thì biên cho nhớ; rồi khi Hội viên ấy dứt tiếng
mới xin phép Hội trưởng đặng tỏ ý kiến của mình. Trong mổi việc đem ra bàn luận
mổi Hội viên được xin nói đến ba lần mổi lần không quá 5 phút đồng hồ hay là
một lần không quá 15 phút.
Ðiều Thứ Mười:
Trong mổi việc chừng cả Hội viên tỏ hết ý
kiến và bàn luận rồi thì Hộ Pháp và Giáo Tông có ý kiến chi thì mới bày tỏ ra
sau rốt. Chừng rồi Hội trưởng định bỏ thăm bên nào phần đông thì Thượng Hội
tuân theo.
Ðiều Thứ Mười Một:
Giáo Tông và Hộ Pháp hiệp một thì là quyền
Chí Tôn nên không có bỏ thăm. Nếu cả ba hội phản khắc nhau thì quyền Chí Tôn
nghĩa là của Giáo Tông và Hộ Pháp hiệp một chủ định thể nào thì Chánh Trị của
Ðạo y theo thế ấy.
Còn như quyền hành Giáo Tông và Hộ Pháp
phản khắc nhau nửa thì cả thảy về chánh trị và chúng sanh đều bị huỷ bỏ.
Chừng ấy Hội Nhơn Sanh, Hội Thánh, Thượng
Hội phải nhóm lại mà định đoạt sửa cải lại nửa.
Nếu có việc chi trái Luật Ðạo thì Giáo Tông
và Hộ Pháp hiệp cùng nhau đặng trọn quyền ban truyền xuống cho Ðầu Sư định đoạt
lại.
Ðiều Thứ Mười Hai:
Mổi năm sau ngày lễ Noel thì nhóm Thượng
Hội thường lệ đặng xem xét và phê chuẩn:
Các việc Ðạo đã ban hành trong năm.
Các việc của Hội Nhơn Sanh và Hội Thánh đệ
lên.
Các việc Ðạo sẽ ban hành năm tới.
Sổ sách thâu xuất năm qua rồi.
Sổ thâu xuất và phỏng định năm tới.
Sổ trục xuất Tín đồ; án Toà Tam Giáo hình
phạt; và các việc tạp tụng Hoà Viện.
Cầu Phong.
Ðiều Thứ Mười Ba:
Ngoài Hội thường lệ thì ba tháng Thượng
Hội nhóm một lần.
Còn có việc gấp rút thì Hội Trưởng gởi tờ
giấy mời hội liền hay là gởi tờ hỏi ý kiến của chư Hội viên.
Ðiều Thứ Mười Bốn:
Sau khi hội Thượng Hội thì Giáo Tông và Hộ
Pháp phải đình Hội lại 15 phút đồng hồ đặng hai người vào Ðại Ðiện mật nghị rồi
phải trở ra cho Thượng Hội hay những điều của hai đàng nhứt tâm quyết định.
Ðiều Thứ Mười lăm:
Ngày sau có điều chi cần ích cho Thượng
Hội thì sẽ đem thêm vô Nội Luật nầy.
Làm tại Toà Thánh Ngày 22-Giêng.
Nhâm Thân .
(27- Février 1932).
Hộ Pháp. Ký tên: Phạm Công Tắc. |
Quyền Giáo Tông. Ký tên: Thượng Trung Nhựt. |
Ðánh máy lại theo bản in năm Bính Tý
(1936):
THÁI HOÀ ẤN QUÁN – TOÀ THÁNH TÂY NINH.
Ngày 04-3-Ất Dậu. (2005).
PHẦN BA.
CÁC BÀI THAM KHẢO
Hội Thánh chưa kiểm duyệt, khi đọc
nên cẩn thận.
TÌM HIỂU MỘT SỐ VẤN
ĐỀ
BA HỘI LẬP QUYỀN VẠN
LINH.
Theo giáo lý Tôn Giáo Cao Đài thì Càn-Khôn
thế giới, chỉnh có hai quyền: trên là quyền-hành Chí-Tôn của Thầy, dưới là
quyền-hành của sanh-chúng….
Quyền Chí-Tôn là Thầy, quyền Vạn-linh
là sanh-chúng, ngày nào quyền-lực Chí-Tôn đặng hiệp một cùng Vạn-linh thì Đạo
mới ra thiệt-tướng….
Còn cả nhơn-loại thì là quyền lực
Vạn-linh. Quyền-hành Chí-Tôn của Thầy, duy có quyền-hành Vạn-linh đối-phó mà
thôi.
Quyền Vạn Linh trong Tôn Giáo thể
hiện qua Ba Hội: Hội Nhơn Sanh, Hội Thánh, Thượng Hội. (HNS, HT, TH).
Ba Hội nầy có một luật chung là
Luật Lệ Chung Các Hội, và mỗi Hội đều có Luật qui định thành phần và cách thức
hội.
Trong bài nầy chúng tôi không đi
vào phân tích Luật Lệ qui định cho từng hội theo Nội Luật mà chỉ nhằm tìm hiểu:
HNS lần đầu tiên có vào năm nào.
Cách thức biểu quyết ở từng hội.
A/- HỘI
NHƠN SANH LẦN ĐẦU.
Tôn giáo lấy nhơn sanh làm gốc nên
có cơ chế và luật pháp bảo đảm cho nhơn sanh thể hiện quyền lực rất rõ ràng.
Vai trò, nhiệm vụ của Nhơn Sanh trong Tôn Giáo Cao Đài rất
quan trọng. Đây là điều mà các Tôn Giáo thời Nhứt Kỳ
Phổ Độ và Nhị Kỳ Phổ Độ chưa từng có.
Đức Hộ Pháp nói về tầm quan trọng
của Nhơn Sanh trong Tôn Giáo Cao Đài:
… “Thật ra nhơn sanh ngày nay theo NGƯỜI
chớ chưa theo ĐẠO, nghe CHỨC SẮC chớ không nghe ĐẠO” …
Đức Hộ Pháp nhấn mạnh rằng HNS là một cơ chế
mà các tôn giáo có mặt trên địa cầu nầy chưa hề có. “Hội Nhơn Sanh là một
quyền lực của Vạn Linh nếu không phân trách nhiệm công bình, thiếu phương thế
mong chi giữ pháp.
“Ôi nhiều
Đạo đã khi rẻ chúng sanh và chúng sanh chê Đạo cũng bởi thiếu cơ quan nầy mà
chớ”
… “Cũng vì chư Đạo Hữu trong Hội
Nhơn Sanh chưa hiểu rõ quyền hành nên Chức Sắc Thiên Phong lộng phép ‘xin chư
Đạo Hữu lưỡng phái đọc luật cho thường rồi kiếm hiểu’. (Đền
Thánh: 15-8-Quí Dậu ‘04-10-1933’).
Các Tôn giáo dù ở thời đại nào cũng
nhằm mục đích giáo dân vi thiện cũng lấy bác ái công bằng làm nền tảng. Nhưng
chưa có một tôn giáo nào công bố trước nhân loại là khai cơ tận độ. Điều nầy đồng
nghĩa với việc Tôn Giáo chỉ chọn một phần người để độ rỗi…
Hẳn nhiên có nhiều lý do từ bản thân tôn giáo
cho đến hoàn cảnh dân trí, trình độ khoa học kỷ thuật… của xã hội cho nên các
tôn giáo chưa đủ điều kiện để công bố là khai cơ tận độ. Nhưng có một lý do
biện chứng rất cơ bản là các Tôn giáo trước đây chưa có một cơ chế dân chủ,
chưa có cơ chế thể hiện quyền của nhơn sanh trong tôn giáo; chưa vận dụng được
sức mạnh vô đối của nhơn sanh trong tôn giáo cho nên chưa đủ điều kiện để công
bố là khai cơ tận độ.
Vai
trò của nhơn sanh trong các tôn giáo trước đây hầu như là con số 0.
Xưa quyền hành trong Tôn giáo tập
trung về cho thượng tầng còn hạ tầng thì chỉ biết có tùng phục vâng theo… Bộ
máy của Thượng Tầng cũng không có giới hạn độ số cho nên hạ tầng vốn dĩ đã nhỏ
bé lại càng nhỏ bé trước thượng tầng.
Nay đến Tam Kỳ Phổ Độ thì bộ máy
thượng tầng được qui định rất chặt chẽ, bất di bất dịch. Nhân sự thượng tầng
của Cửu Trùng Đài Nam Phái từ phẩm Giáo Hữu trở lên có độ số hẳn hoi. Còn từ Lễ Sanh trở xuống Tín đồ thì không hạn
chế.
Cách lập pháp như vậy so ra thì
suốt trong tiến trình lập pháp của nhân loại từ Âu sang Á từ cổ chí kim chưa hề
có. (Điều nầy thể hiện tính cách lập pháp tiên tiến của Tôn Giáo Cao Đài. Tôn
giáo cung ứng cho nhân loại những kiến thức mới và rất cách mạng về cách thức
lập pháp cho một tổ chức từ nhỏ đến lớn… chắc chắn là trong tiến trình xây dựng
dân chủ và nhân quyền thì nhân loại sẽ nhận ra và phải cầu lấy để xây dựng cuộc
sống hạnh phúc cho bản thân và dân tộc mình).
Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ tuyên bố
trước toàn nhân loại là mở cơ tận độ… Vậy nguồn năng lực nào đáp ứng cho cơ tận
độ?
Nguồn năng lực vô biên cung ứng sức
mạnh cho tôn giáo thực thi cơ tận độ chính là lấy năng lượng từ Nhơn Sanh. Muốn
lấy năng lượng từ Nhơn Sanh thì không phải chỉ dán nhãn hiệu HNS, hay kêu gọi
bằng những từ ngữ mỹ miều, giả tạo, êm ái và chung chung.
Muốn có được sức mạnh của nhơn sanh
phải có cơ chế, có luật pháp rõ ràng để nhơn sanh thể hiện ý chí và quyền lực
của mình đúng như câu: Ý DÂN LÀ Ý TRỜI.
I/- BA HỘI LẬP QUYỀN VẠN LINH ĐẦU TIÊN.
Đạo Cao Đài tổ chức Lễ Khai Đạo vào
đêm 14-15/10- Bính Dần (1926) thì đầu năm Đạo thứ sáu đã có mở BA HỘI LẬP QUYỀN
VẠN LINH. (1).
Theo những văn bản mà chúng tôi có
được thì lần đầu tiên mở ba hội như sau:
-
Hội Nhơn Sanh nhóm ngày 15-10- Tân Vì (24-11-1931).
-
Hội Thánh nhóm ngày 16-18/ 11- Tân Vì (24- 26/ 12-1931).
- Thượng Hội nhóm ngày 27-28-29/
11- Tân Vì (04-05-06/01-1932).
Như vậy lần đầu tiên mở Hội Nhơn
Sanh là ngày 15-10- Tân Vì (24-11-1931).
Ba Hội nầy nhóm giải quyết vấn đề
gì?
Một trong những nội dung ba hội
giải quyết là công nhận Nội Luật Toà Thánh. (Đức Quyền Giáo Tông Thượng Trung
Nhựt và Đức Hộ Pháp ký ban hành Nội Luật Toà Thánh ngày 15-01- Nhâm Thân
“20-01-1932”).
“Lưu ý là
có Hội nhưng chưa có Nội Luật cho các Hội”.
* * * Liên hệ đến các Đạo Nghị Định
vào ngày 03/10/Canh Ngọ (22/11/1930).
1/- Đạo Nghị
Định thứ nhì.
Điều thứ tư: Chánh Phối Sư đặng
trọn quyền thông công cùng Chánh Phủ và Nhơn Sanh nhưng buộc phải có Hội Viên
Nhơn Sanh và Hội Thánh chăm nom cơ hành động.
2/- Đạo Nghị
Định thứ tư.
Điều thứ tư: Thượng Chánh Phối
Sư đặng quyền thay mặt cho toàn đạo mà giao thông cùng Chánh Phủ và cả Tín Đồ
quyền giáo dục nơi tay người nắm, làm chủ toạ Hội Nhơn Sanh.
Căn cứ vào nội dung trích dẫn ta
nhận thấy đến thời điểm tháng 11/1930 cơ chế Hội Nhơn Sanh vẫn chưa hoàn chỉnh.
Cho nên sau các Đạo Nghị Định thì Hội Thánh mới soạn thảo Nội Luật…. Và ban
hành vào ngày 16-11-Giáp Tuất (22-12-1934).
(Một điều cần lưu ý là các Đạo Nghị
Định được thành lập vào ngày 03-10-Canh
Ngọ (22-11-1930). Ngày nầy chưa đến ngày kỷ niệm Lễ Khai Đạo nghĩa là còn ở năm
Đạo thứ tư. Nhưng vì sao các Đạo Nghị Định đều ghi là Đệ Ngũ Niên.
Đó là vì cuối Đạo Nghị Định thứ
nhứt đến Đạo Nghị Định thứ năm đều có câu: Nghị Định nầy ban hành kể từ ngày
rằm tháng 10 năm Canh Ngọ. Chỉ riêng Đạo Nghị Định thứ sáu là không có câu
trên).
II/- CĂN CỨ VÀO ĐÂU MÀ TỔ CHỨC.
1/- Chúng tôi tìm trong Thánh Ngôn Hiệp
Tuyển và Đạo Sử của Bà Nữ Đầu Sư Hương Hiếu từ 15-10 Tân Mùi “24-11-1931” trở
về trước không có đàn cơ nào chỉ dẫn Hội Thánh cách thức tổ chức Ba Hội Lập
Quyền Vạn Linh.
Đàn cơ chỉ dẫn về Ba Hội Lập Quyền
Vạn Linh do Đức Chí Tôn dạy vào ngày
15-11-Tân Mùi (23-12-1931) tại Thảo Xá Hiền Cung. “TNHT. Q.2 T. 83”.
“Ngày Hội
Nhơn Sanh là 15-10- Tân Vì ‘24-11-1931’ thì một tháng sau là ngày15-11- Tân Mùi
(23-12-1931) mới có đàn cơ chỉ dạy”.
Như vậy
thời kỳ nầy Hội Thánh đã có được sự hướng dẫn trước ngày 15-11- Tân Mùi (23-12-
1931) để tổ chức thực hiện Hội Nhơn Sanh, Hội Thánh, Thượng Hội.
Sau khi có đàn cơ ngày 15-11-Tân
Mùi thì Hội Thánh mới soạn thảo và ban hành Nội Luật như ta thấy trên văn bản
hiện nay.
(Lưu ý rằng đây là nói về phương
diện sử liệu để xác định thời điểm công việc diễn ra chứ không phải đặc vấn đề
công kích Hội Thánh tổ chức như thế có giá trị hay không có giá trị. Hai vấn đề
đó hoàn toàn khác nhau. Cũng như Tân Luật được hướng dẫn thực thi một số điều
trước khi thành lập Pháp Chánh Truyền… rồi sau khi có Pháp Chánh Truyền mới
hoàn chỉnh Tân Luật)
2/- Ngày 07-3- Quí Dậu (01-4-1933) Đức Quyền
Giáo Tông Thượng Trung Nhựt và Đức Hộ Pháp ký Châu Tri 01. (Mở đầu có chiếu
theo những điều của Thượng Hội đã quyết định ngày 25-12-1932- Như vậy Thượng
Hội nầy khác thời điểm với Thượng Hội tháng 01- 1932 thông qua Nội Luật.).
Thông Tri có những điều quan trọng
về nhân sự:
Điều 1: Thượng Đầu Sư Thượng Trung
Nhựt chỉ còn cầm quyền Giáo Tông mà thôi.
Điều 2: …Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu,
Bảo Thế Lê Thiện Phước, Hiến Đạo Phạm Văn Tươi cầm quyền Chưởng Pháp.
Điều 4: Khai Pháp Trần Duy Nghĩa
cầm quyền Ngọc Chánh Phối Sư.
Khai Đạo Phạm Tấn Đãi cầm quyền
Thái Chánh Phối Sư.
Khai Thế Thái Văn Thâu cầm quyền
Thượng Chánh Phối Sư.
3/- Ngày 08-4- Giáp Tuất (20-5-1934) Đức
Quyền Giáo Tông đọc diễn văn nhân Lễ Vía Đức Phật Thích Ca… Có phân tích 03
Hội: Hội Nhơn Sanh; Hội Thánh; Thượng Hội… (Lưu ý là thời điểm nầy chỉ có
Luật Thượng Hội mà chưa có ban hành Nội Luật về Luật Lệ Chung Các Hội; Hội Nhơn
Sanh và Hội Thánh- Vì đến 16-11- Giáp Tuất mới ban hành các Luật trên).
4/- Ngày 22-01- Nhâm Thân (1932) Đức Quyền
Giáo Tông Thượng Trung Nhựt và Đức Hộ Pháp ký ban hành Nội Luật Thượng Hội.
5/- Ngày 16-11- Giáp Tuất (22-12-1934) Đức
Hộ Pháp ký ban hành 03 luật:
. Luật Lệ Chung Các Hội.
. Nội Luật Hội Nhơn Sanh.
. Nội Luật Hội Thánh.
Với tư cách: Hộ Pháp Chưởng Quản
Nhị Hữu Hình Đài Hiệp Thiên và Cửu Trùng.
(Theo bản in: Thái Hoà Ấn Quán Long Thành- Tây Ninh. Bính Tý Niên 1936).
(Đức Quyền Giáo Tông Thượng Trung
Nhựt đăng tiên là ngày 13-10- Giáp Tuất (19- 11-1934) thì ngày 06-11 Giáp Tuất
Đức Hộ Pháp được công cử cầm luôn quyền Giáo Tông của Cửu Trùng Đài. Ngày 16-11-Giáp Tuất (22-12-1934) Đức Hộ Pháp
đã ký ban hành 03 luật kể trên).
(TNHT Q2. T: 97. Đức Lý Giáo Tông cũng xác nhận giao cho Đức
Hộ Pháp ½ quyền của Giáo Tông ‘Nghĩa là giao về phần hữu hình còn phần vô vi
thì Đức Lý Giáo Tông không có giao’).
(Ngày 06-11-Giáp Tuất (1934) có
cuộc họp công cử Đức Hộ Pháp kiêm nhiệm Quyền Giáo Tông của Cửu Trùng Đài… có
bản ghi là Hội Thánh công cử có bản ghi là Nhơn Sanh công cử. Do không thấy được tư liệu gốc nên chúng tôi
không xác định được…
Sở dĩ chúng tôi thận trọng ở đây là
vì từ ngày 19-5-Quí Dậu ‘11-6-1933’ thì đã có xảy ra vụ Hội Vạn Linh tại Đền
Thánh. Tham gia trong vụ nầy có đủ ba vị Quyền Chưởng Pháp và Q. Ngọc Đầu Sư Lê
Bá Trang cùng nhiều vị Chức Sắc Chức Việc… Các ông Nguyễn Phan Long làm Nghị
Trưởng, Trương Duy Toản Phó Nghị Trưởng, Tuyết Tấn Thành Từ Hàn, Phạm văn Long
Phó Từ Hàn… Sự việc nầy sai với Luật Đạo… Đức Hộ Pháp đã có nói đến trong diễn
văn ngày 15-8- Quí Dậu ‘04-10-1933’ tại Đền Thánh)
Xác định cho đúng ngày tháng tổ
chức Hội Nhơn Sanh lần đầu là rất khó chúng tôi đã phải chỉnh sửa rất nhiều
lần… nhưng lần nầy cũng có thể là còn sơ sót.
Nhưng chúng tôi chấp nhận đúc kết
thành văn bản vì trong quá trình học đạo chúng tôi thấy cách thức tổ chức Hội
Nhơn Sanh là điều rất mới và rất quan trọng nên đưa lên thành đề tài để cùng
nhau lưu ý là chính.
Tiếc vì Hội Thánh Cao Đài đang bị
giải thể nên Ban Đạo Sử cũng không có để đối chiếu xem có văn bản nào khác với
các mốc thời gian hay là sự kiện trên hay không.
Ước mong sao quí vị đạo tâm lưu ý
bổ túc hay sửa đổi nếu có những văn bản rõ ràng để hiểu thời gian mở Hội Nhơn
Sanh lần đầu được chính xác hơn.
B/- CÁCH THỨC BIỂU QUYẾT TỪNG HỘI.
Tìm hiểu cách thức biểu quyết ở
từng hội ta thấy có điểm chung là không có trường hợp nào gặp trở ngại khi phải
biểu quyết.
LUẬT LỆ CHUNG CÁC HỘI.
Điều Thứ Sáu: Cách bỏ thăm.
Việc bỏ thăm có hai cách:
a/- Khi
việc cần yếu trọng hệ thì phải bỏ thăm kín.
b/- Khi
việc thường thì bỏ thăm dơ tay.
Những việc chi bàn tính nếu được
phân nữa số thăm của cả Nghị viên hiện diện thêm một lá nữa thì việc ấy được
công nhận. Thoản như số thăm đồng nhau Nghị trưởng bỏ thăm bên nào thì lời bàn
định bên ấy được công nhận.
Nếu một phần năm (1/5) Nghị viên
hiện diện xin bỏ thăm kín thì Nghị trưởng cho lịnh y theo.
I/- ĐẠI HỘI NHƠN SANH.
Nghị Trưởng của Hội Nhơn Sanh là
Thượng Chánh Phối Sư chỉ tham gia biểu quyết khi nào cuộc biểu quyết rơi vào
trường hợp 50% thuận và 50% không thuận. Phiếu của Thượng Chánh Phối Sư là
phiếu dự bị để giải quyết khi số phiếu hai bên ngang nhau.
Toàn thể nghị viên của ĐHNS là một
khối khi biểu quyết. Một vần đề khi bỏ thăm thì cần 50% số người hiện diện cộng
thêm vào một lá thăm nữa thì việc ấy được công nhận. Khi vấn đề đã được công nhận
thì Nghị Trưởng không có quyền bỏ phiếu.
Các thành phần có tham gia vào HNS
như Thái Chánh Phối Sư, Ngọc Chánh Phối Sư, Hiệp Thiên Đài… nhưng không phải là Nghị Viên của HNS nên
không có tham gia biểu quyết.
ĐHNS biểu quyết theo đa số và không
bao giờ có trường hợp nào phải biểu quyết lại lần thứ hai cho cùng một vấn đề.
II/- HỘI HỘI THÁNH.
Điều Thứ Nhứt:
Nếu một vấn đề nào sau khi bàn cải
rồi mà Cửu Trùng Đài bỏ thăm thuận còn Hiệp Thiên Đài thì bỏ thăm nghịch hoặc
là Cửu Trùng Đài bỏ thăm nghịch mà Hiệp Thiên Đài bõ thăm thuận thì vấn đề ấy
phải bàn tính mà bỏ thăm lại.
Nếu hai phen bàn cải mà vẫn cũng
còn phản khắc nhau thì Chánh Chủ Hội tuyên bố liền rằng vấn đề ấy sẽ dâng lên
Thượng Hội định đoạt.
Nhận xét: Các Nghị Viên của ĐHHT
vẫn chấp hành theo cách thức biểu quyết ở luật lệ chung.
Đồng thời phải chấp hành thêm những
qui định riêng cho ĐHHT như:
1/- Các Nghị Viên chia thành 02 hệ.
a/- Hệ của Cửu Trùng Đài biểu quyết riêng.
Nghị Trưởng là Thái Chánh Phối Sư là nhân sự của Cửu Trùng Đài nên bỏ thăm theo
luật lệ chung.
b/- Hệ của Hiệp Thiên Đài biểu quyết riêng.
Hệ nầy không có nghị trưởng nên mọi phần tử đều bỏ thăm.
2/- Khi mỗi hệ đã có ý kiến nhứt định rồi
thì mới đem ý kiến ấy so lại với nhau coi có thống nhất chăng rồi giải quyết
như luật định….
Nhân sự của Hiệp Thiên Đài rất ít
so với nhân sự Cửu Trùng Đài. Cách bỏ thăm nầy bảo đảm cho giá trị ý kiến của
hai Đài ngang nhau.
Cách biểu quyết ở ĐHHT hẳn nhiên là
có khi phải bỏ thăm lại và luật qui định rõ chỉ được quyền bỏ thăm lại có một
lần duy nhất.
III/- THƯỢNG HỘI.
1/- Hội
Trưởng và Phó Hội Trưởng:
Có điều cần lưu ý rằng Thượng Hội
có Hội Trưởng và Phó Hội Trưởng chớ không có Nghị Trưởng và Phó Nghị Trưởng.
Điều Thứ Mười của Luật Lệ Chung Các Hội qui
định:
…. Như Nghị trưởng định nhóm giờ
nào khi quá giờ ấy 15 phút đồng hồ phải mở Hội không kể số Nghị viên nhiều ít.
Thoảng như Nghị trưởng vắng mặt
hoặc đến trể thì Phó Nghị trưởng thay thế, một Nghị viên chức lớn hoặc lâu cũ
hơn hết hoặc tuổi tác lớn hơn hết ngồi ghế Phó Nghị trưởng.
Chừng Nghị trưởng đến thì ngồi chỗ
Nghị viên.
Còn như Nghị trưởng và Phó Nghị
trưởng vắng mặt hoặc đến trể thì hai Nghị viên chức lớn, hoặc lâu củ hơn hết
ngồi Nghị trưởng và Phó Nghị trưởng.
Chừng Nghị trưởng và Phó Nghị
trưởng đến thì ngồi chổ Nghị viên….
Điều luật nầy áp dụng cho Nghị
Trưởng và Phó Nghị trưởng của ĐHNS và ĐHHT chớ không áp dụng cho TH.
2/- Cách thức
của Thượng Hội.
Điều Thứ Mười:
Trong mỗi việc chừng cả Hội viên tỏ
hết ý kiến và bàn luận rồi thì Hộ Pháp và Giáo Tông có ý kiến chi thì mới bày
tỏ ra sau rốt. Chừng rồi Hội trưởng định bỏ thăm, bên nào phần đông thì Thượng
Hội tuân theo.
Điều Thứ Mười Một:
Giáo Tông và Hộ Pháp hiệp một thì là quyền Chí
Tôn nên không có bỏ thăm. Nếu cả ba hội phản khăc nhau thì quyền Chí Tôn nghĩa
là của Giáo Tông và Hộ Pháp hiệp một chủ định thể nào thì Chánh Trị của Đạo y
theo thế ấy. Còn như quyền hành Giáo Tông và Hộ Pháp phản khắc nhau nửa thì cả
thảy về chánh trị và chúng sanh đều bị huỷ bỏ.
Chừng ấy Hội Nhơn Sanh, Hội Thánh,
Thượng Hội phải nhóm lại mà định đoạt sửa cải lại nửa. Nếu có việc chi trái
Luật Đạo thì Giáo Tông và Hộ Pháp hiệp cùng nhau đặng trọn quyền ban truyền
xuống cho Đầu Sư định đoạt lại.
Điều Thứ Mười Bốn:
Sau khi hội Thượng Hội thì Giáo
Tông và Hộ Pháp phải đình Hội lại 15 phút đồng hồ đặng hai người vào Đại Điện
mật nghị rồi phải trở ra cho Thượng Hội hay những điều của hai đàng nhứt tâm
quyết định.
Phân tích các điều trên ta thấy
Thượng Hội có hai cấp: biểu quyết và phán quyết. Từng phần: khi thảo luận.
“Biểu quyết”. Chung cuộc: khi hội xong.
“Phán quyết”
a/- Biểu
quyết từng phần: “điều 10”.
Sau khi bàn luận theo thứ tự đã
định xong rồi thì Giáo Tông cho bỏ thăm. Bên nào có số thăm nhiều thì TH tuân
theo. “Chỉ có các Nghị Viên Bỏ thăm còn Giáo Tông và Hộ Pháp thì không bỏ
thăm”.
b/- Biểu
quyết chung cho cả cuộc hội: “Điều 11 và 14”
Theo điều 11:
+ Giáo Tông và Hộ Pháp không bỏ
thăm nhưng lại phán quyết trong cả 2 trường hợp:
-
Thượng Hội không thống nhất với quyết định hai hội trước.
-
Thượng Hội thống nhất với quyết định hai hội trước.
+ Khi Giáo Tông và Hộ Pháp cùng
phán quyết thì lại xảy ra hai trường hợp:
-
Hai vị có cùng chung một phán quyết.
-
Hai vị không cùng chung một phán quyết.
Theo điều 14:
Dù theo trường hợp nào thì trước
khi bế mạc cả Thượng Hội cũng phải đình lại 15 phút để chờ hai vị Hộ Pháp và
Giáo Tông vào đại điện mật nghị và công bố phán quyết ngay sau đó. (Ở HNS và
HHT khi điều gì đã được thông qua của toàn hội thì khi bế mạc được giữ y không
có việc xét lại…)
Kết quả ở Thượng Hội không phụ
thuộc vào biểu quyết của các Nghị Viên TH mà tuỳ thuộc vào quyền Chí Tôn tại
thế sau khi hai vị vào đại điện mật nghị.
Tóm lại: Cách thức bỏ thăm ở HNS
rất dễ hiểu. “Cả hội là một khối và biểu quyết qua một giai đoạn”. (Một Hội: một hệ; một giai đoạn).
Cách thức bỏ thăm ở ĐHHT “Cả hội
chia thành hai hệ ngang nhau: Hiệp Thiên và Cửu Trùng và qua 02 giai đoạn- giai
đoạn riêng của mỗi hệ rồi mới đến ý kiến của Hội Thánh”. (Một Hội: hai hệ; hai giai đoạn).
Cách thức bỏ thăm ở TH “Cả Thượng
Hội chia thành hai cấp: biểu quyết và phán quyết. Biểu quyết là các nghị
viên-điều 10. Phán quyết qua hai giai đoạn: Trong khi Hội- điều 11; và sau khi
Hội xong-điều 14”. (Một Hội: hai
cấp; ba giai đoạn).
Số nhân sự càng ít chừng nào thì
quyền hành càng cao và cách làm việc càng có qui trình chi tiết hơn.
Chúng tôi hy vọng những phân tích
trên đây là chính xác nhưng nếu có gì sai sót xin quí vị thông cảm và chỉ dẫn
để điều chỉnh lại… xin kính lời cám ơn trước./.
& &
&
(1): Các kỳ
Hội Nhơn Sanh.
1/- Hội Nhơn
Sanh năm 1931.
2/- Hội Nhơn Sanh năm 1932.
3/- Hội Nhơn Sanh năm 1937.
4/- Hội Nhơn Sanh năm 1946.
5/- Hội Nhơn Sanh năm 1951.
6/- Hội Nhơn Sanh năm 1964.
7/- Hội Nhơn Sanh năm 1967.
8/- Hội Nhơn Sanh năm 1974.
(Cao Canh Tân biên soạn: 2007)
Hội Thánh chưa kiểm duyệt, khi đọc
nên cẩn thận.
THIỆT TƯỚNG CỦA ĐẠO CAO ĐÀI
“Về nguyên lý đạo pháp”.
Muốn
hiểu được căn cơ vấn đề nầy thiết tưởng phải căn cứ vào Thánh Ngôn hay văn bút
của Hội Thánh Cao Đài ban hành.
A- VĂN BÚT HỘI THÁNH: CƠ SỞ XÁC ĐỊNH.
Văn
bút của Hội Thánh có thể chia làm hai diện:
*
Phần tổng quát:
Giúp
cho người học đạo hiểu và tin rằng khai mở Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là để hoá giải
tất cả những nhu cầu chính đáng về vật chất và tinh thần của nhân loại trong
minh triết.
Tôn
giáo Cao Đài là một phát minh mới, tự trong lòng tôn giáo ẩn chứa nguồn cung vô
tận cho nhân loại đang có nhu cầu xây dựng một cuộc sống trong bác ái công
bằng.
*
Phần cụ thể:
Trích
từ Thiên Thơ định nghĩa thế nào là Tướng thiệt của Đạo Cao Đài.
Tiếp
theo là phần trích lục các văn bút chính thống của quí vị tiền bối.
I-
PHẦN TỔNG QUÁT.
1-
Thánh Ngôn Hiệp Tuyển “TNHT”.
a-
Q.1. 18. 24 Avril 1926 “13-3- Bính Dần”.
Vốn từ trước Thầy lập ra Ngũ chi Đại-Đạo là:
Nhơn-đạo
Thần-đạo
Thánh-đạo
Tiên-đạo
Phật-đạo
Tuỳ theo phong hoá cuả nhân loại mà gầy Chánh-Giáo, là
vì khi trước Càn-vô đắc khán, Khôn vô đắc duyệt, thì nhơn-loại duy có hành đạo
nội tư phương mình mà thôi.
Còn nay thì nhơn-loại đã hiệp đồng. Càn-Khôn dĩ tận
thức, thì
lại bị phần nhiều đạo ấy mà nhơn-loại nghịch lẫn nhau: nên Thầy mới nhứt định
quy nguyên phục nhứt …
b-
(((TNHT Q. 1. T. 45. 12 tháng 8 năm Bính Dần
…. Bính - Thầy giao cho con lo một trái Càn-Khôn; con
hiểu nghĩa gì không?... Cười... Một trái như trái đất tròn quay,
hiểu không? Bề Kính tâm ba thước ba tấc, nghe con, lớn quá mà phải vậy mới
đặng, vì là cơ mầu nhiệm Tạo-Hóa trong ấy, mà sơn màu xanh da trời; cung
Bắc-Đẩu và Tinh-Tú vẽ lên Càn-Khôn ấy. Thầy kể Tam-Thập-Lục-Thiên, Tứ-Đại-Bộ-
Châu ở không-không trên không khí, tức là không phải Tinh-Tú, còn lại
Thất-thập-nhị-Địa và Tam-Thiên thế giái thì đều là Tinh-Tú. Tính lại ba ngàn
bảy mươi hai ngôi sao, con phải biểu vẽ lên đó cho đủ. Con giở sách
thiên-văn Tây ra coi mà bắt chước. Tại ngôi Bắc-Đẩu con phải vẽ hai cái
bánh lái cho đủ và sao Bắc-Đẩu cho rõ ràng. Trên vì sao Bắc-Đẩu vẽ con mắt
Thầy; hiểu chăng? Đáng lẽ trái ấy phải bằng chai, đúc trong một ngọn đèn cho nó
thường sáng; ấy là lời cầu nguyện rất qúi báu cho cả nhơn-loại Càn-Khôn
Thế-Giới đó; nhưng mà làm chẳng kịp, thì tùy con tiện làm thế nào cho kịp
đại-hội - Nghe à!
Còn chư Phật, chư Tiên, Thánh, Thần đã lên cốt thì để
dài theo dưới, hiểu không con?
Đọc
hai đoạn Thánh Ngôn trích ra trên đây thiết tưởng môn đệ của Chí Tôn đủ tự tin
rằng: Cơ mầu nhiệm của tạo hoá đã đem xuống cho thế gian nầy & đặc để trong
Tôn giáo Cao Đài.
Vậy
thì mọi vấn đề chi nhân loại thắc mắc nói chung và cái thiệt tướng của Đạo Cao
Đài nói riêng .... phải có trong văn bút Cao Đài vậy
2-
Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo.
PMCK:
…Hội nguơn hữu Chí Linh huấn chúng…
(Nguơn
hội nầy do Đấng Chí Linh dạy… mà Đấng Chí Linh thì bày từ a đến z, từ thậm thâm
đến vô thượng đều chỉ tường tận… chỉ có môn sinh chịu học cùng không mà thôi…)
…Kỳ
khai tạo nhứt linh đài…
Dạy
lần nầy nhứt định tạo ra sự khôn ngoan và tinh tấn… khi trãi bước trên đường
tấn hoá…
-
Khai cửu Đại Tường và Tiểu Tường:
Nắm
cây huệ kiếm gươm thần,
Dứt
tan sự thế nợ trần từ đây.
Nhứt
Cửu: …Khá tỉnh thức tiền duyên nhớ lại…
Nhị
Cửu: …Thần im lìm dường nét thiều quang…
Tam
Cửu: …Hội Thánh minh giao sách trường xuân…
Tứ
Cửu: …Trừ quái khí roi thần chớp nháng,
Bộ Lôi Công giải tán
trược quang…
Ngũ
Cửu: …Đắc văn sách thông thiên định địa….
Lục
Cửu: …Cung Lập Khuyết tìm duyên định ngự…
Thất
Cửu: …Kiến Chuẩn Đề thạch xá giải thi…
Bát
Cửu: …Cung Tận Thức thần thông biến hoá...
Cửu
Cửu: …Cung Trí Giác trụ tinh thần…
Tiểu
Tường: …Bồ Đề dạ dẫn hồn thượng tấn…
Đại
Tường: …Khai cơ tận độ cửu tuyền diệt vong...
3
- Đạo Sử Q.2: T. 237: 29-7-B.D.
…. Như Nhãn hiền đồ Thầy không muốn nói với con bằng
tiếng Hớn Ngôn vì tiếng An Nam từ đây Thầy cho là Chánh Tự đặng lập Đạo của
Thầy nên buộc phải nói rõ ràng với con.
Thời kỳ dấu diếm Thiên cơ đã qua rồi…
II-
ĐỊNH NGHĨA “thiệt tướng Cao Đài”.
TNHT
Q.2: T.83: Tây-Ninh (Thảo-xá Hiền-Cung), ngày 23 Décembre 1931
…Các
con phải nhớ rằng toàn Thế-giới Càn-khôn, chỉnh có hai quyền: trên là
quyền-hành Chí-Tôn của Thầy, dưới là quyền-hành của sanh-chúng. Thầy đã lập
hình-thể hữu-vi của Thầy, nghĩa là Hội-Thánh của Đại-Đạo ngày nay rồi thì Thầy
cũng phải ban quyền-hành trọn-vẹn của Thầy cho hình-thể ấy, đặng đủ phương
tận-độ chúng-sanh, còn các con cả thảy đều đứng vào hàng sanh-chúng, dưới
quyền-hành chuyển thế của đời, nghĩa là toàn nhơn-loại đồng quyền cùng Thầy, mà
tạo-hóa vạn-linh vốn là con-cái của Thầy, vậy thì vạn-linh cũng có thể đoạt-vị
vào hàng Thần, Thánh, Tiên, Phật đặng.
Trong
quyền-hành ấy có nhiều đẳng-cấp, nên khỏi phải chịu phẩm Người: ấy vậy Người là
chủ-quyền của vạn-linh. Thầy nói rõ: quyền Chí-Tôn là Thầy, quyền Vạn-linh là
sanh-chúng, ngày nào quyền-lực Chí-Tôn đặng hiệp một cùng Vạn-linh thì
Đạo mới ra thiệt-tướng. Thầy đã ban quyền-hành Chí-Tôn của Thầy cho hai
đứa làm đầu Hội-Thánh là Giáo-Tông cùng Hộ-Pháp. Vậy thì quyền-hành Chí-Tôn của
Thầy đặng trọn-vẹn khi Giáo-Tông cùng Hộ-Pháp hiệp một. Còn cả nhơn-loại thì là
quyền lực Vạn-linh. Quyền-hành Chí-Tôn của Thầy, duy có quyền-hành Vạn-linh
đối-phó mà thôi.
B- GIẢI ĐÁP VẤN ĐỀ
Phần
làm rõ thiết tưởng nên chia làm 02 diện:
*
Văn bút của các vị tiền bối.
*
Các Luật Lệ liên quan.
I-
Văn bút tiền nhân.
1-
Đức Quyền Giáo Tông Thượng Trung Nhựt.
Diễn
văn ngày 08-4-Giáp Tuất “1934”.
Đạo
Sử Bà Nữ Đầu Sư Hương Hiếu Q.2 Trang 293. (Bản in Hoa Kỳ).
...Bởi
vậy mới rồi đây, Tệ Huynh có đắc lịnh dạy bảo phải chỉ rõ phương diện chánh thể
của Ðạo, xin giải:
Trước
đây, Tệ Huynh có nói Thầy lập Ðạo kỳ nầy phù hạp với dân trí ngày nay đã tăng
tiến khỏi Ngươn Tấn Hóa đến địa vị tối cao, cho nên chủ nghĩa Cựu Luật của các
Tôn Giáo hiện thời không đủ sức kềm chế đức tin của toàn nhơn loại.
Theo
chánh thể của ÐÐTKPÐ, thì có ba Hội, đã định quyền hành đặc biệt:
a).
Thứ nhứt là Hội Nhơn Sanh:
Trong
Hội Nhơn Sanh thì Chánh Phối Sư phái Thượng là Chủ Trưởng.
Hội
Viên thì từ Lễ Sanh đổ xuống Chánh Trị Sự, Phó Trị Sự, Thông Sự và người Phái
Viên thay mặt cho nhơn sanh.
Trong
Nội Luật Hội Nhơn Sanh của ba Chánh Phối Sư lập ra có chỉ rõ luật lệ. Ấy vậy từ
hàng Tín Ðồ cùng đồng nhi đều có người thay mặt đặng xem xét việc Ðạo rồi đệ
lên Hội Thánh phán đoán.
Vạn
vật cũng có ảnh hưởng trong Hội Nhơn Sanh vì người là Chúa của vạn vật. Xét kỹ
thì Thầy công bình không xiết kể và lo việc hóa sanh không ngằn không tận.
b).
Thứ nhì là Hội Thánh:
Trong
Hội Thánh thì có Thái Chánh Phối Sư làm Chủ Trưởng. Hội Viên thì từ Giáo Hữu,
Giáo Sư và Phối Sư thiệt thọ có trách nhậm hành chánh đặc biệt.
Trong
Nội Luật Hội Thánh của ba Chánh Phối Sư lập ra có chỉ rõ thức lệ. Hội Thánh có
quyền xem xét các việc của Hội Nhơn Sanh dâng lên và các việc hành chánh trong
Ðạo, rồi đệ lên Thượng Hội.
c).
Thứ ba là Thượng Hội:
Thượng
Hội thì cũng có Nội Luật chỉ rõ thức lệ. Trong Thượng Hội thì Giáo Tông làm Chủ
Trưởng, Hộ Pháp làm Phó Chủ Trưởng. Hội Viên thì có:
·
Thượng Phẩm
·
Thượng Sanh
·
Ba vị Chưởng Pháp
·
Ba vị Ðầu Sư
·
Và Ðầu Sư Nữ Phái
Không
cần nhắc thì chư Hiền Hữu Lưỡng Phái cũng hiểu rằng mấy Ðại Thiên Phong kể trên
đây có hành chánh phận sự lớn lao của mình thì mới đặng vào Thượng Hội.
Thượng
Hội để giúp Giáo Tông và Hộ Pháp điều đình cả nền Ðạo lớn lao của Thầy.
Thượng
Hội có quyền xem xét các điều nghị luận của Hội Thánh và Hội Nhơn Sanh rồi hoặc
đệ lên cho Giáo Tông và Hộ Pháp phê chuẩn hay là trả lại cho Hội Thánh định
đoạt lại.
Ba Hội (Thượng Hội, Hội Thánh, và Hội Nhơn Sanh) toàn
nhập lại theo thức lệ rành rẽ thì gọi là Quyền Vạn Linh, chớ không
phải ai muốn lập Hội Vạn Linh, tổ chức gì theo ý riêng của mình rồi muốn đem ai
lên làm Chủ Trưởng tổ chức gì cũng được.
Như
vậy thì có Luật lệ gì đâu? Mà không Luật lệ thì là không phải Ðạo.
Trên ba Hội, thì có Giáo Tông và Hộ Pháp.
Giáo
Tông làm chủ Cửu Trùng Ðài thì lo việc Chánh Trị của Ðạo, có Chưởng Pháp và Ðầu
Sư ở trung gian giúp sức điều đình các Luật lệ truyền xuống cho ba Chánh Phối
Sư nắm trọn quyền hành chánh. Giáo Tông có quyền định đoạt trong việc Chánh Trị
của Ðạo.
Hộ
Pháp thì lo giữ Luật lệ của Ðạo cho khỏi sái Thiên Ðiều vì Luật lệ của ÐÐTKPÐ
ngày nay thì thế cho Thiên Ðiều.
Hộ
Pháp có quyền đặc biệt về ân xá cũng như Giáo Tông có quyền Chánh trị vậy.
Hộ
Pháp chưởng quản Hiệp Thiên Ðài, có Thượng Phẩm, Thượng Sanh và Thập Nhị Thời
Quân giúp sức.
Giáo Tông và Hộ Pháp hiệp một là Quyền Chí Tôn.
Tệ
Huynh có thọ lịnh chỉ rõ phương diện Chánh thể của ÐÐTKPÐ của Thầy khai trong
buổi Hạ Ngươn chuyển thế đây y trên đó. Xin chư Hiền Hữu Lưỡng Phái rán nhớ và
lo phận sự, đừng sai luật Ðạo mà bị tội, và mình tuân trọn Luật Ðạo của Thầy
thì là món binh khí diệt tà quyền giả mị đó.
Tệ
Huynh xin nhắc lời tuyên ngôn của Ðại Từ Phụ hồi buổi ban sơ, Thầy có nói: "Thầy
lập Ðại Ðạo Tam Kỳ nầy là lập một cái trường công quả, nếu các con đi ngoài
trường công quả ấy thì không trông mong gì về cùng Thầy đặng".
Trường
công quả của Thầy có đôi bên: Một bên vô hình là các Ðấng Thiêng Liêng (Phật,
Tiên, Thánh, Thần) cũng lập công quả trong buổi chuyển thế nầy. Các Ðấng Thiêng
Liêng thường theo một bên chúng ta đặng ám trợ chúng ta về phần vô vi.
Còn
các việc hữu hình tại thế là các việc phải có thi hành như chúng ta bây giờ đây
mới làm đặng thì về phần chúng ta phải lo làm rồi có các Ðấng Thiêng Liêng ám
trợ.
Thí
dụ như đi độ rỗi nhơn sanh phải nói Ðạo cho người nghe, như phải lập mấy cuộc
để giúp thế đang nguy nan, như nhà trường dạy kẻ cô độc học, nhà thương, nhà
dưỡng lão cùng các nghề nghiệp cho đạo hữu có phương làm ăn đặng cơm tẻ ngày
hai, có áo quần che thân ấm cật... thì chúng ta phải lo hết rồi các Ðấng Thiêng
Liêng ám trợ cho thành tựu…
b-
Diễn văn của Đức Hộ Pháp.
“Chủ
toạ” kỳ Hội Nhơn Sanh năm Đinh Sữu (1937).
Ngày
nay Đấng Chí Tôn đến lập Đạo đặng nhìn nhận cả con cái của Người là cả thảy
Chúng Sanh. Thay vì lấy quyền hành Chí Linh mà làm chúa Người lại dụng tánh đức
thương yêu lấy lòng từ bi quãng đại, tôn con cái của Người vi chủ.
Nghĩa
là Người giao quyền hành của Người lại cho Chúng Sanh lập quyền cho con cái của
Người là Quyền Vạn Linh.
Quyền
Vạn Linh là gì?
Là
Tổng hợp cả 3 quyền:
1-
Quyền Hội Nhơn Sanh.
2-
Quyền Hội Thánh.
3-
Quyền Thượng Hội.
Quyền
Hội Nhơn Sanh: Tức là quyền của bậc Tín Đồ tới bậc Lễ Sanh.
Nghĩa
là từ phẩm hữu sanh tới Thượng Sanh.
Quyền
Hội Thánh: Tức là Quyền của bậc Giáo Hữu tới Đầu Sư.
Nhưng
Đầu Sư có đặc quyền làm đầu Chánh Trị Đạo. Vì đã vào Hội Thánh tức là bậc hữu
phẩm tới Thượng Phẩm.
Quyền
Thượng Hội: Tức là quyền Giáo Tông và Hộ Pháp. Còn dưới quyền Thượng Hội thì có
Chưởng Pháp là Tể Tướng của Thượng Hội. Nếu có điều chi trắc trở thì Quyền Chí
Tôn hỏi nơi Chưởng Pháp mà định đoạt chớ Chưởng Pháp không có quyền hành chi
cả.
Chưởng
Pháp phải hiểu cả tâm đức của Đời và Đạo mà liệu phương hoá giải (Conseil
Juridique).
Cả
ba quyền hiệp lại thì đồng quyền cùng quyền Chí Linh Của Đấng Chí Tôn. Đối với
quyền Chí Tôn mà nó còn ngang phẩm thì dầu cho các Đấng Thiêng Liêng cũng còn
phải dưới quyền ấy nữa.
Ấy
vậy ngoài ra quyền Chí Tôn thì chẳng ai có quyền hành nào phong thưởng Thiên
Phong Chức Sắc của Hội Thánh. Duy có Đức Lý Giáo Tông và Đức Chưởng Đạo Nguyệt
Tâm Chơn Nhơn là hai Đấng đã có lịnh Chí Tôn cho được quyền phong thưởng thì
phẩm tước ấy mới nên giá trị.
Ngoài
hai Đấng ấy ra dầu cho một vị Đại Giác Kim Tiên hay là Cái Thiên Cổ Phật mà
không thừa mạng lịnh của Chí Tôn và không quyền hành nơi cửa Đạo nghĩa là không
lãnh mạng lịnh trong buổi Tam Kỳ Phổ Độ nầy thì không đặng quyền phép phong
tước cho ai tất cả.
Ngày
nay bọn Tã Đạo Bàn Môn phong thưởng chẳng do Thiên mạng đều là cơ quan tà giáo
mà thôi.
Cơ
phong thưởng là chỉ do nơi quyền Vạn Linh hiệp đồng hay là hay là quyền Chí Tôn
chớ chẳng phải ai muốn phong thưởng cũng đặng.
….
Đức
Hộ Pháp lại tiếp: Từ đây cả quyền thăng thưởng trong Hội Thánh hay là Nhơn Sanh
cũng vậy Chí Tôn đã nấy giao quyền cho vạn linh. Đức Lý Giáo Tông đã mật lịnh
cho Bần Đạo làm như vậy rồi mới đem lên cho quyền Chí Tôn phong thưởng mà thôi.
Bần Đạo chỉ có quyền phong thưởng tới bậc Lễ Sanh còn từ bậc Giáo Hữu đổ lên
Bần Đạo xin rữa tay không còn quyền hành chi hết.
Bần Đạo xin trạng vẽ ba quyền hành
ấy ra đây cho toàn Đạo rõ thấy:
CHÍ LINH ĐỐI VỚI VẠN LINH.
Bát Quái Đài |
(CHÍ TÔN) (Các Đấng Thiêng
Liêng) (Giáo Tông và Hộ
Pháp) |
Quyền Đạo |
Cửu Trùng Đài và Hiệp Thiên Đài |
(Giáo Tông và Hộ
Pháp) (Hội Thánh) (Chúng Sanh) |
Quyền Thánh Thể tức
là Quyền Hội Thánh |
id |
(Lễ Sanh) (Chức Việc) (Tín đồ) |
Quyền Thế. |
Quyền
Chí Tôn: Luật Thiên Điều tức là Thiên luật.
Quyền
Hội Thánh: Luật Hội Thánh.
Quyền
Nhơn sanh: Thế luật và Tân Luật.
a-
Cả Thánh giáo tổng hợp lại là Luật của Chí Tôn tức Thiên Luật.
b-
Lập Thánh Thể của Người rồi Người lại dạy Đức Lý Giáo Tông lập Tân Luật cùng
Đạo Nghị Định ấy là Luật của Hội Thánh với Luật hành động từ 12 năm nay.
c-
Luật của Chúng Sanh là Luật Đời (Code pénal), tổng hợp lại với Luật Đạo.
II-
Xác Định Quyền Vạn Linh & Quyền Chí Tôn
Muốn
dẫn chứng CHÍNH XÁC phải rút từ hai trích đoạn:
1-
Đức Quyền Giáo Tông:
Trên ba Hội, thì có Giáo Tông và Hộ Pháp
2-
Đức Phạm Hộ Pháp:
Trừ hai vị Đại Thiên phong là Giáo Tông và Hộ Pháp đã
thay quyền Chí Tôn tại thế ra, cả ba Hội Công Đồng mới có quyền Vạn linh đủ
phép.
3-
Kết Luận:
a-
Quyền Chí Tôn là quyền của Hộ Pháp và Giáo Tông trong Thượng Hội. Đó là QUYỀN
CHÍ TÔN TRONG NHÂN THẾ VẬY. “Hay Chí Linh trong nhân thế”
b-
Quyền Vạn Linh từ Phẩm Chưởng Pháp trong Thượng Hội xuống cho đến Hội Nhơn
Sanh.
4-
Điều cần lưu ý: (Chứng minh từ Luật lệ có liên quan)
a-
Danh xưng của Giáo Tông và Hộ Pháp trong Thượng Hội
-
Giáo Tông là Hội Trưởng của Thượng Hội.
-
Hộ Pháp là Phó Hội Trưởng của Thượng Hội.
*
Về cơ cấu nhân sự hai vị nầy ở trong Thượng Hội
*
Nhưng về quyền lực hai vị hiệp lại thì ở trên Thượng Hội.
(Ba
Hội nhưng có thể đến 04 công đoạn…)
Điều
nầy được chứng minh qua:
Cách
thức bỏ thăm của Thượng Hội.
[[[Điều
Thứ Mười:
Trong mổi việc chừng cả Hội viên tỏ hết ý kiến và bàn
luận rồi thì Hộ Pháp và Giáo Tông có ý kiến chi thì mới bày tỏ ra sau rốt.
Chừng rồi Hội trưởng định bỏ thăm, bên nào phần đông thì Thượng Hội tuân theo.
Điều
Thứ Mười Một:
Giáo Tông và Hộ Pháp hiệp một thì là quyền Chí Tôn nên
không có bỏ thăm. Nếu cả ba hội phản khăc nhau thì quyền Chí Tôn nghĩa là của
Giáo Tông và Hộ Pháp hiệp một chủ định thể nào thì Chánh Trị của Đạo y theo thế
ấy. Còn như quyền hành Giáo Tông và Hộ Pháp phản khắc nhau nửa thì cả thảy về
chánh trị và chúng sanh đều bị huỷ bỏ.
Chừng ấy Hội Nhơn Sanh, Hội Thánh, Thượng Hội phải
nhóm lại mà định đoạt sửa cải lại nữa.
Nếu có việc chi trái Luật Đạo thì Giáo Tông và Hộ Pháp
hiệp cùng nhau đặng trọn quyền ban truyền xuống cho Đầu Sư định đoạt lại.
Điều
Thứ Mười Bốn:
Sau khi hội Thượng Hội thì Giáo Tông và Hộ Pháp phải
đình Hội lại 15 phút đồng hồ đặng hai người vào Đại Điện mật nghị rồi phải trở
ra cho Thượng Hội hay những điều của hai đàng nhứt tâm quyết định.
Phân
tích các điều trên ta thấy Thượng Hội có hai cấp: biểu quyết và phán quyết.
-
Từng phần: khi thảo luận. “biểu quyết”.
-
Chung cuộc: khi hội xong. “Phán quyết”
a-
Biểu quyết từng phần: “điều 10”.
Sau
khi bàn luận theo thứ tự đã định xong rồi thì Giáo Tông cho bỏ thăm. Bên nào có
số thăm nhiều thì thượng hội tuân theo.
“Chỉ có các Nghị Viên Bỏ thăm còn Giáo Tông và Hộ Pháp
thì không bỏ thăm”.
b-
Biểu quyết chung cho cả cuộc hội: “Điều 11 và 14”
Theo
điều 11:
+
Giáo Tông và Hộ Pháp không bỏ thăm nhưng lại phán quyết trong cả 2 trường hợp:
-
Thượng Hội không thống nhất với quyết định hai hội trước.
-
Thượng Hội thống nhất với quyết định hai hội trước.
+
Khi Giáo Tông và Hộ Pháp cùng phán quyết thì lại xãy ra hai trường hợp:
-
Hai vị có cùng chung một phán quyết.
-
Hai vị không cùng chung một phán quyết.
Theo
điều 14:
Dù
theo trường hợp nào thì trước khi bế mạc cả Thượng Hội cũng phải đình lại 15
phút để chờ hai vị Hộ Pháp và Giáo Tông vào đại điện mật nghị và công bố phán
quyết ngay sau đó. (chú ý: Ở HNS và HHT khi điều gì đã được thông qua
của toàn hội thì khi bế mạc được giữ y không có việc xét lại…)
Kết
quả ở Thượng Hội không phụ thuộc vào biểu quyết của các Nghị Viên TH mà tuỳ
thuộc vào quyền Chí Tôn tại thế sau khi hai vị vào đại điện mật nghị. Đây là
điều mà hai hội bên dưới không có và cũng là công đoạn thứ tư trong ba hội vậy]]]
b-
Thái Chánh Phối Sư trong Hội Thánh. (Theo Nội Luật)
Khi
bỏ thăm các Nghị Viên chia thành 02 hệ. (Cửu Trùng Đài & Hiệp Thiên Đài)
Hệ
của Cửu Trùng Đài biểu quyết riêng.
Thái
Chánh Phối Sư ở trong Hội Hội Thánh là nhân sự của Cửu Trùng Đài nên bỏ thăm
theo luật lệ chung.
(Nghị
Trưởng Hội Hội Thánh theo chổ chúng tôi hiểu thì chỉ có ¼ lá phiếu.
Tại
sao là ¼ lá phiếu?
Vì
Hiệp Thiên Đài và Cửu Trùng Đài mổi bên ½ quyền quyết định.
Mà
Nghị Trưởng Hội Hội Thánh là nhân sự Cửu Trùng Đài nên chỉ có ½ quyền quyết
định cho ½ quyền của Cửu Trùng Đài.
[½
trong quyền riêng của Cửu Trùng Đài + ½ trong quyền chung= ¼]
Kết
luận: ¼ lá phiếu có ý nghĩa như vậy)
c-
Thượng Chánh Phối Sư trong Hội Nhơn Sanh:
Khi
bỏ thăm: Toàn thể nghị viên của ĐHNS là một khối khi biểu quyết. Một vấn đề khi
bỏ thăm thì cần 50% số người hiện diện cộng thêm vào một lá thăm nữa thì việc ấy
được công nhận. Khi vấn đề đã được công nhận thì Nghị Trưởng không có quyền bỏ
phiếu.
Nghị
Trưởng của Hội Nhơn Sanh là Thượng Chánh Phối Sư chỉ tham gia biểu quyết khi
nào cuộc biểu quyết rơi vào trường hợp 50% thuận và 50% không thuận.
Phiếu
của Thượng Chánh Phối Sư là phiếu dự bị để giải quyết khi số phiếu hai bên
ngang nhau. (Nghị Trưởng Hội Nhơn Sanh chỉ có ½ lá phiếu)
@ @ @
Kết
luận: Từ lời dạy của Đức Chí Tôn trong TNHT về TƯỚNG THIỆT CAO ĐÀI chúng tôi đã
căn cứ vào Pháp Luật Tôn giáo để hiểu:
1- Quyền
Chí Linh trong nhân thế là Quyền Giáo Tông và Hộ Pháp hiệp một.
2-
Khi
ý muốn của Quyền Vạn Linh phù hợp với ý của Quyền Chí Tôn tại thế (Giáo Tông và
Hộ Pháp) thì đạo ra thiệt tướng.
Đó
là ý nghĩa của Tướng Thiệt Cao Đài “Về Luật Pháp & Tổ chức – Và từ đó mới
có quyết sách cho nội dung Chánh Trị Đạo” hầu giúp nhau gọi cho đúng tên.
Đạo
Pháp Vô Biên cho nên hẳn nhiên là sẽ còn nhiều công trình tìm hiểu sâu xa hơn
nữa vậy./.
(XEM tiếp bài GIÁO TÔNG CẦM QUYỀN CHÍ TÔN TẠI THẾ...).
@@@
LỜI
BỔ SUNG: Sau khi trình bày đề tài một thời gian thì chúng tôi “ngộ” ra rằng:
Tướng thiệt của Đạo là Chánh Trị Đạo và Hành Chánh Đạo được nhịp nhàng với
nhau.
Chánh
trị đạo có thể hiểu:
-
Cơ chế để nhóm họp, bàn thảo.
-
Nội dung bàn thảo.
-
Các cơ quan của chánh trị đạo.
-
Hành chánh tôn giáo.
Như
vậy phần chúng tôi trình bày trên là cơ chế để ba hội lập quyền bàn thảo về nội
dung của chánh trị đạo.
Từ
có nội dung của chánh trị đạo thì các cơ quan của chánh trị đạo là Hành Chánh,
Phước Thiện, Phổ Tế và Tòa Đạo tùy nhiệm vụ mà thực thi về mặt chuyên môn. Còn
mặt Hành Chánh tôn giáo thì tùy vào cấp Trung Ương, Trấn, Châu, Tộc hay Hương
mà tiến hành theo khuôn viên đã định.
Hội Thánh chưa kiểm duyệt, khi đọc nên cẩn thận.
HỆ LUẬN TẤT NHIÊN:
GIÁO TÔNG CẦM QUYỀN CHÍ TÔN TẠI
THẾ.
“Thực tế của Thượng Hội”.
Đây là một vấn đề sẽ làm cho nhiều người
không am hiểu hay không đọc hết bài viết nầy nghiêm túc sẽ phản ứng rất mạnh mẽ
… Nên Chúng Tôi chỉ có một lời cần yếu: XIN CHỈ GIÁO CÁI KHÔNG ĐÚNG trong bài
viết …
Còn như không CHỈ RA ĐƯỢC CÁI SAI thì đây
là đáp số đúng cho bài toán …
Có thể kể 04 cơ sở: 1/- Thánh Ngôn Hiệp
Tuyển. “Câu đã dẫn chứng”. 2/- Châu Tri 21 Ngày 10-11- Giáp Tuất “16-12-1934”.
3/- - Luật Thượng Hội. “Điều 11& 14”. 4/- Văn bút của Giáo Tông và Hộ Pháp.
“Đã trích dẫn”.
@@@
I- Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
TNHT. Q2: T. 83: Tây-Ninh (Thảo-xá
Hiền-Cung), ngày 23 Décembre 1931.
… Các
con phải nhớ rằng toàn Thế-giới Càn-khôn, chỉnh có hai quyền: trên là
quyền-hành Chí-Tôn của Thầy, dưới là quyền-hành của sanh-chúng. Thầy đã lập
hình-thể hữu-vi của Thầy, nghĩa là Hội-Thánh của Đại-Đạo ngày nay rồi thì Thầy
cũng phải ban quyền-hành trọn-vẹn của Thầy cho hình-thể ấy, đặng đủ phương
tận-độ chúng-sanh, còn các con cả thảy đều đứng vào hàng sanh-chúng, dưới
quyền-hành chuyển thế của đời, nghĩa là toàn nhơn-loại đồng quyền cùng Thầy, mà
tạo-hóa vạn-linh vốn là con-cái của Thầy, vậy thì vạn-linh cũng có thể đoạt-vị
vào hàng Thần, Thánh, Tiên, Phật đặng.
Trong
quyền-hành ấy có nhiều đẳng-cấp, nên khỏi phải chịu phẩm Người: ấy vậy Người là
chủ-quyền của vạn-linh. Thầy nói rõ: quyền Chí-Tôn là Thầy, quyền Vạn-linh là
sanh-ch Chí-Tôn đặng hiệp một cùng Vạn-linh thì Đạo mới ra
thiệt-tướng. Thầy đã ban quyền-hành Chí-Tôn của Thầy cho hai đứa làm đầu
Hội-Thánh là Giáo-Tông cùng Hộ-Pháp. Vậy thì quyền-hành Chí-Tôn của Thầy đặng
trọn-vẹn khi Giáo-Tông cùng Hộ-Pháp hiệp một. Còn cả nhơn-loại thì là quyền lực
Vạn-linh. Quyền-hành Chí-Tôn của Thầy, duy có quyền-hành Vạn-linh đối-phó mà
thôi.
II- Châu Tri 21.
Văn
Phòng Nội Chánh. |
ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ. |
CHÂU TRI.
THÁI; THƯỢNG; NGỌC CHÁNH PHỐI SƯ.
Kính cùng Chư Chức Sắc Thiên Phong Nam Nữ,
Chư Chức Việc và Chư Đạo Hữu lưỡng phái.
Kính Chư Hiền Huynh và Chư Hiền Tỷ.
Hội Thánh xin cho toàn đạo hay rằng:
Chiếu theo tờ vi bằng kỳ nhóm Hiệp Thiên
Đài và Cửu Trùng Đài tại Toà Thánh ngày 26-10- Giáp Tuất (dl: 02-12-1934) thì
quyền hành Chưởng Quản Nhị Hữu Hình Đài đều giao cho Đức Hộ Pháp cầm, ấy là
tuân theo thể pháp định cho Hộ Pháp phải kiêm quyền hành Giáo Tông khi Giáo
Tông qui vị, cũng như Giáo Tông phải kiêm quyền hành Hộ Pháp khi Hộ Pháp qui
vị.
Giữa Đại Hội Đức Hộ Pháp có tỏ ý cho Hội
Thánh biết rằng Ngài muốn lập một Ban Phụ Chánh để giúp Ngài; trong Ban Phụ Chánh
có đủ Chức Sắc Hiệp Thiên Đài và Cửu Trùng Đài nam nữ.
Sau nầy sẽ có Đạo Nghị Định nói về ban
nầy.
Sự xây trở trong nền Chánh Trị của Đạo
chẳng qua là vì Thiên Thơ tiền định, đến lúc Chí Tôn chuyển thế thì tức nhiên
phải có chuyển pháp, điều ấy nếu ráng kiếm hiểu thì cũng không chi lạ.
Hội Thánh chỉ ước mong cho chư Hiền Huynh
và chư Hiền Tỷ biết rằng dầu Hiệp Thiên Đài hay Cửu Trùng Đài đều là người của
Hội Thánh, còn sự hiệp nhứt của nhị Đài là phương thuốc hay đương thời, xin chư
Hiền Huynh và chư Hiền Tỷ ráng tận tâm đôi lúc nữa thì sẽ thấy điều vui mừng
chung trước mắt và hiểu rõ thiên ý của Đức Chí Tôn buổi nầy.
Rất mong thay.
Nay Kính.
Toà Thánh ngày 10-11- Giáp Tuất.
(16-12- 1934).
Thái Chánh Phối Sư. |
Thượng Chánh Phối Sư. |
Ngọc Chánh Phối Sư. |
III- Thượng Hội Nội Luật
Điều Thứ Mười Một:
Giáo Tông và Hộ Pháp hiệp một thì là quyền
Chí Tôn nên không có bỏ thăm. Nếu cả ba hội phản khăc nhau thì quyền Chí Tôn
nghĩa là của Giáo Tông và Hộ Pháp hiệp một chủ định thể nào thì Chánh Trị của
Đạo y theo thế ấy. Còn như quyền hành Giáo Tông và Hộ Pháp phản khắc nhau nửa
thì cả thảy về chánh trị và chúng sanh đều bị huỷ bỏ.
Chừng ấy Hội Nhơn Sanh, Hội Thánh, Thượng
Hội phải nhóm lại mà định đoạt sửa cải lại nửa.
Nếu có việc chi trái Luật Đạo thì Giáo
Tông và Hộ Pháp hiệp cùng nhau đặng trọn quyền ban truyền xuống cho Đầu Sư định
đoạt lại.
Điều Thứ Mười Bốn:
Sau khi hội Thượng Hội thì Giáo Tông và Hộ
Pháp phải đình Hội lại 15 phút đồng hồ đặng hai người vào Đại Điện mật nghị rồi
phải trở ra cho Thượng Hội hay những điều của hai đàng nhứt tâm quyết định.
IV- Văn Bút của Giáo Tông và Hộ Pháp.
1- Đức Quyền Giáo Tông Thượng Trung Nhựt.
Diễn văn ngày 08-4-Giáp Tuất “1934”.
Đạo Sử Bà Nữ Đầu Sư Hương Hiếu Q.2 Trang
293. Bản in Hoa Kỳ.
… Thượng Hội để giúp Giáo Tông và Hộ
Pháp điều đình cả nền Ðạo lớn lao của Thầy.
Thượng Hội có quyền xem xét các điều nghị
luận của Hội Thánh và Hội Nhơn Sanh rồi hoặc đệ lên cho Giáo Tông và Hộ Pháp
phê chuẩn hay là trả lại cho Hội Thánh định đoạt lại.
Ba Hội (Thượng Hội, Hội Thánh, và Hội Nhơn
Sanh) toàn nhập lại theo thức lệ rành rẽ thì gọi là Quyền Vạn Linh, chớ không
phải ai muốn lập Hội Vạn Linh, tổ chức gì theo ý riêng của mình rồi muốn đem ai
lên làm Chủ Trưởng tổ chức gì cũng được.
Như vậy thì có Luật lệ gì đâu? Mà không
Luật lệ thì là không phải Ðạo.
Trên ba Hội, thì có Giáo Tông và Hộ Pháp.
Giáo Tông làm chủ Cửu Trùng Ðài thì lo
việc Chánh Trị của Ðạo, có Chưởng Pháp và Ðầu Sư ở trung gian giúp sức điều đình
các Luật lệ truyền xuống cho ba Chánh Phối Sư nắm trọn quyền hành chánh. Giáo
Tông có quyền định đoạt trong việc Chánh Trị của Ðạo.
Hộ Pháp thì lo giữ Luật lệ của Ðạo cho
khỏi sái Thiên Ðiều vì Luật lệ của ÐÐTKPÐ ngày nay thì thế cho Thiên Ðiều.
Hộ Pháp có quyền đặc biệt về ân xá cũng
như Giáo Tông có quyền chánh trị vậy.
Hộ Pháp chưởng quản Hiệp Thiên Ðài, có
Thượng Phẩm, Thượng Sanh và Thập Nhị Thời Quân giúp sức.
Giáo Tông và Hộ Pháp hiệp một là Quyền Chí
Tôn.
2- Phạm Hộ Pháp.
Diễn Văn ngày 15-8- Quí Dậu:
* Quyền Thượng Hội: là HTĐ thì Hộ
Pháp, Thượng Phẩm, Thượng Sanh; Cửu Trùng Đài thì Giáo Tông, Chưởng Pháp và Đầu
Sư, cầm luật pháp điều hòa đạo mạch. Thượng Hội không quyền sửa trị, duy thi
hành luật lịnh Chí Tôn, kỳ dư khi nào Hội Thánh và Hội Nhơn Sanh phản khắc cùng
nhau làm nền Đạo chinh nghiêng nguy hiểm thì Đầu Sư mới đặng thống quyền nắm
Đạo pháp thi hành chánh trị. (Quyền Thống nhứt phải có đủ quyền Vạn linh và
quyền Chí Tôn hiệp đồng ban cho mới đặng). Hội nầy của quyền Chí Tôn (là Giáo
Tông và Hộ Pháp) làm Chủ tọa.
Trừ hai vị Đại Thiên phong là Giáo Tông và
Hộ Pháp đã thay quyền Chí Tôn tại thế ra, cả ba Hội công đồng mới có quyền Vạn
linh đủ phép.
KẾT LUẬN.
Căn cứ vào 04 cơ sở trích dẫn trên đây…
Theo Pháp Chánh Truyền thì:
- Phẩm Giáo Tông sẽ được bầu ra để điều
hành CƠ ĐẠO. (Trừ trường hợp đặc biệt do Thầy giáng cơ ban thưởng)
- Phẩm Hộ Pháp không có qui định bầu nhân
sự thay thế.
Như vậy khi VÀO ĐẠI ĐIỆN MẬT NGHỊ “Theo
điều 14- Nội Luật Thượng Hội” Giáo Tông sẽ VÀO CÓ MỘT MÌNH “về hữu hình”.
Và khi trở ra cũng chỉ có một mình Giáo
Tông công bố có nhìn nhận các điều từ ba hội dâng lên hay là không …
Câu 3 & 4 Kinh Xuất Hội.
Vạn- linh đã hiệp Chí-linh,
Hội xong cậy sức công bình thiêng liêng.
Đã thể hiện rõ nét trong trường hợp cụ thể
nầy…
Vậy GIÁO TÔNG CẦM QUYỀN CHÍ TÔN TẠI THẾ là
một hệ luận tất nhiên vậy.
Tóm lại:
Sau khi Đức Chí Tôn dạy về Ba Hội lập Quyền Vạn Linh thì có bài dạy về
SỰ TRỞ PHÁP. Nghĩa là khi Đức Hộ Pháp vâng lịnh Chí Tôn cầm quyền Nhị Hữu Hình
Đài Hiệp Thiên và Cửu Trùng lập thành chánh giáo xong thì Đại Từ Phụ giao (Quyền
Chí Tôn tại thế) lại cho Cửu Trùng Đài. Sự giao lại thể hiện trong Nội Luật
Thượng Hội. Khi Ba Hội bàn định xong rồi thì dâng lên cho Giáo Tông và Hộ Pháp
vào đại điện mật nghị trong 15 phút. Hộ Pháp đã về thiêng liêng vị (vô vi) nên
chỉ có Giáo Tông vào rồi trở ra công bố; ấy là Quyền Chí Tôn tại thế./.