Trang

Thứ Bảy, 16 tháng 12, 2017

2475. BNS HÒA BÌNH CHUNG SỐNG. SỐ 01.

THƯ BAN BIÊN TẬP.
Kính quí vị.
Kính thưa quí đồng đạo.
Hiện nay Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ hay Đạo Cao Đài lập năm 1926 đang đối diện với một thực tế hiển nhiên là Hội Thánh Cao Đài không cầm quyền hành chánh tôn giáo. Từ Tòa Thánh Tây Ninh cho đến các Thánh Thất, Điện Thờ đang bị chi phái Cao Đài lập năm 1997 chiếm đoạt.

Người trung thành với Đạo Cao Đài 1926 tùy theo điều kiện, năng lực mà hiệp đồng nhau để giử gìn bản sắc trong lành của đạo.
Nhiều trang web đã được thành lập để bảo tồn giáo lý hay tranh đấu cho quyền thực hành tôn giáo của Đạo Cao Đài 1926.
Chúng tôi cũng tùy duyên lập ra trang web với mục đích:
./- Hội luận và hành động để phát huy quyền tự do tôn giáo (xã hội).
./- Làm sáng tỏ bản sắc trong lành của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ hay Đạo Cao Đài 1926 (tôn giáo).
Quyền tự do tôn giáo được thể hiện trong điều 18 Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (1948): Tất cả mọi người đều có quyền tự do có tư tưởng, tự do có lương tâm và tự do có tôn giáo; quyền này bao gồm cả quyền tự do thay đổi tôn giáo hay thế giới quan của mình cũng như quyền tự do biểu thị tôn giáo hay thế giới quan của mình bằng cách giảng dạy, thực hành, thờ phụng và tuân thủ giáo điều cho riêng cá nhân mình  hay chung với những người khác, ở nơi công cộng hay chốn riêng tư
Đồng thời Công Ước Về Quyền Dân Sự và Chính Trị cũng qui định tại điều 18: Quyền tự do tư tưởng, tự do lương tâm và tự do tôn giáo:
(1) Tất cả mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, tự do lương  tâm và tự do tôn giáo. Quyền này phải bao gồm quyền tự do có hoặc thay đổi tôn giáo hay thế giới quan theo ý mình,
Và quyền tự do biểu thị tôn giáo hay thế giới quan thông qua việc giảng dạy, thực hành, thờ phụng và cử hành các nghi lễ cho riêng cá nhân mình hay cùng với tập thể, ở chốn công cộng hay chỗ riêng tư.
(2) Không ai có thể bị bắt buộc phải giới hạn quyền tự do có hoặc đi theo một tôn giáo hoặc một thế giới quan tự chọn.
 (3) Quyền tự do biểu thị tôn giáo hay thế giới quan chỉ có thể bị giới hạn theo luật vì nhu cầu bảo vệ an toàn công cộng, trật tự công cộng, sức khoẻ công cộng, đạo lý hay những quyền tự do căn bản của người khác.
(4) Các quốc gia thành viên cam kết bảo đảm cho cha mẹ, hoặc người có quyền bảo dưỡng quyền được tự do giáo dục con cái mình về mặt tôn giáo và đạo lý theo cách thích hợp với niềm tin của mình.
Công ước mang tính ràng buộc cho nên quốc gia nào đã tham gia ký kết vào công ước thì có nghĩa vụ phải thi hành.
Theo đó tự do tôn giáo là một gói quyền bao gồm: tự do đi lại, tự do hội họp, tự do ngôn luận, tự do báo chí…Đó là nhân quyền trong thế giới hiện nay.
Công thức xây dựng xã hội của Đạo Cao Đài:
Cao Thượng Chí Tôn Đại Đạo Hòa Bình Dân Chủ Mục.
Đài Tiền Sùng Bái Tam Kỳ Cộng Hưởng Tự Do Quyền.
Theo đó nhiệm vụ của người đạo là đem công lý đánh đổ cường quyền để xây dựng xã hội hòa bình, dân chủ, tự do.
Hòa bình chung sống.
Dân chủ có nhân quyền.
Tự do trong đạo đức.
Những giá trị hòa bình, dân chủ, tự do trong tôn giáo phù hợp với nhân quyền, phù hợp với ước vọng của nhân loại.
Chúng tôi cố gắng trình chánh bửu pháp nhân quyền của Đạo Cao Đài 1926 để xã hội và hiền nhân quân tử tranh đấu cho nhân quyền hiểu rằng: Đạo Cao Đài là người bạn đồng hành với những người tranh đấu cho những điều chánh đáng.
Người Đạo Cao Đài ý thức được kho chí bửu trong tôn giáo để cùng nhau gìn giử, phát huy và đi đến việc làm chung: Mở Đại Hội Nhơn Sanh tại Tòa Thánh Tây Ninh từ đó công cử nhân sự cầm quyền hành chánh tôn giáo tiến đến xây dựng lại Hội Thánh Cao Đài.
Nay kính.
Ban Biên Tập BNS Hòa Bình Chung Sống.

LUẬN VỀ CHỮ TU.
15. 10. Mậu Dần. (06. 12. 1938).
Đức Hộ Pháp.
Trên công việc nhựt nhựt thường hành nó thuộc về thể pháp. Dầu ta có cúng lạy cho đến dập đầu bể trán mà không phụng sự cho Vạn Linh thì cũng không ích lợi gì cho Trời Phật. Cái lợi ích hơn hết là một đám con lầm lạc của Trời nó đang tâm tàn sát lẫn nhau mà ta ra tay cứu vãn được mới là ân nhân của xã hội. Khi ra trước Toà phán xét Đại Hội Long Hoa ta mới có đủ điều kiện bênh vực lập trường của mình; bằng chẳng vậy thì cái danh từ Tôn giáo của chúng ta đối với xã hội nó không có ý nghĩa.
Ta thường đọc những câu cứu khổ, cứu nạn; mà ngày nay tai nạn nhơn sanh đã đến không đi cứu cứ ngồi cậy mấy ông Phật cứu dùm hỏi vậy có chơn lý chăng?
Nếu mỗi lần chúng sanh bị nạn còn phải cậy chúng ta làm trung gian làm môi giới nữa sao?  Cũng như làm mà không dám làm thì không bao giờ rồi đặng.
Người tu hành có mục đích đem cái ân cho người chớ không phải đợi người làm ân cho mình, nghĩa là mình phải lo sự ấm no cho bá tánh tức là ta lo cho ta. Bởi Đức Chí-Tôn đã dành phần cho ta một nhiệm vụ đặc biệt là phải phụng sự cho Vạn Linh để giải khổ cho loài người trong lúc họ đang lâm nạn,  kêu la cầu cứu. Khi ta làm xong phận sự thì không ai chối cãi rằng ta không phải ân nhân của xã hội. Chừng ấy dù Ta không muốn về Tây Phương họ cũng lập bàn hương án để đưa Ta đặng đền ơn cứu tử.
Giữa thời kỳ hỗn loạn chiếc thuyền nhơn sanh gần đắm, kêu ca cầu cứu với các nhà Tôn giáo; ông thì ngồi lim dim lần chuỗi, ông thì lo nấu thuốc linh đơn, ông thì ngồi ngâm thi vịnh phú, còn kẻ chết đuối giữa vời không ai dòm ngó. Nếu trước công lý ba cái ngai ở thế gian để cho ba ông ngồi là phi lý. Phải để cho người dong thuyền ra vớt chúng sanh thật sự, đến khi vớt xong rồi thì ngồi mới là hợp lý.
Nói trắng ra nay hoàn cầu sắp nổi trận cuồng phong dữ dội nó sẽ lôi cuốn nhơn loại ra giữa dòng khổ hải chẳng riêng dân tộc nào mà nước Việt Nam ta cũng đồng chung số phận. Dầu cho ĐỨC DI LẠC có ra đời đi nữa không phải một mình Ngài mà vớt cả chúng sanh được, mà cần phải có cả môn đệ của Ngài giúp Ngài. Bởi Ngài là một vị tài công, còn các môn đệ cũng như những tay thuỷ thủ mới có thể đưa con thuyền nhơn loại qua khỏi bến bờ. Nếu chúng ta không có cái đại-chí để hiệp cùng ngài thì lát nữa đây cũng đắm chìm như bao kẻ khác.
Trận giặc thứ ba này không còn ai chối cãi rằng nó không nổ bùng ra đặng hai khối gặp nhau cũng như hai chiếc tàu sắp đụng lộn vậy. Chúng ta là bổn phận nhà tôn giáo cũng nên kết hợp làm một con Thuyền Bát Nhã. Nếu chúng sanh thiếu phước qua không khỏi nạn chiến tranh thì có ta chực sẵn để vớt kẻ sống sót lên tàu. Nên ta làm xong phận sự thì không còn ai chối cãi rằng: Ta không phải là một vị Bồ Tát tại thế...
Mặc dầu ta không dám bì với các nhà tiên tri buổi trước, chớ ta cũng nhận định được ngày tận thế hầu gần. Giữa lúc thanh trược bất phân, dầu cho có Chúa Cứu thế ra đời mà ngài không ẩn danh thì cũng bị quân nghịch bắt đóng đinh trên cây thánh giá. Nên Đức Di lạc Ngài phải mai danh trong màn bí mật xét ra thời kỳ nào cũng vẫn thế chớ không có chi lạ.
Vậy các bậc đạo đức chơn tu ai là người có đủ đức tin hãy sửa mình cho nên chí thánh để đợi đón rước Ngài đặng mà kết thúc Long Hoa Đại Hội./.







Ngày 12. 11. 1925 (Ất Sửu) ông Kiên và ông Lê Thế Vĩnh (sau đắc phong là Tiếp Thế) làm việc nhà báo. Hai ông nghe có việc cầu cơ nên tò mò đến dự, ông A.Ă. (Đức Chí Tôn) cho hai ông một bài thi dưới đây:
Thi
Một viết với thân giữa diễn đàn,
Bằng xua trước giặc vạn binh lang.
Nước nhà ví biết thân là trọng,
Dạy dỗ sao cho đặng mở mang.











NHỮNG ĐIỀU CĂN BẢN
“Nguyên lý Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ”

Khi một em bé cắp sách đến trường, em sẽ được học vần và cách ráp vần. Từ đó về sau em có học cao lên thì vẫn phải theo nguyên tắc đã được học khi vỡ lòng. Khi học về các phép tính đơn giản là cộng, trừ, nhân, chia thì nguyên tắc về các phép tính đó vẫn được áp dụng. Khi bắt đầu học về hình học phẳng người học phải học về tiền đề Euclit. Từ đó mọi chứng minh đều phải phù hợp với tiền đề. Cho dù một nhà bác học đi nữa cũng phải giử đúng nguyên tắc của bảng cửu chương.
Khi tìm hiểu, thảo luận về Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ (ĐĐTKPĐ) hay gọi tắt là Đạo Cao Đài chúng tôi nhận ra những điều căn bản. Lấy đó mà suy thì phù hợp với giáo lý và pháp luật đạo, sáng tỏ được nhiều vấn đề. Cũng từ đó mà chúng tôi nhận ra những lập luận mâu thuẩn và chứng minh nó trái với những điều căn bản trong thiên thơ (Thánh Ngôn Hiệp Tuyển).
Do vậy chúng tôi mạo muội gọi đó là nguyên lý để nhấn mạnh đến tầm quan trọng của nó và thảo luận với các bạn đồng sanh.
Nguyên lý 1: Vạn thù qui nhứt bổn.
Thầy dạy ngày 24 Avril 1926 “ 13-3- Bính Dần”.
Vốn từ trước Thầy lập ra Ngũ chi Đại-Đạo là:
Nhơn-đạo.
Thần-đạo.
Thánh-đạo.
Tiên-đạo.
Phật-đạo.
Tuỳ theo phong hoá cuả nhân loại mà gầy Chánh giáo, là vì khi trước Càn-vô đắc khán, Khôn vô đắc duyệt, thì nhơn-loại duy có hành đạo nội tư phương mình mà thôi.
Còn nay thì nhơn-loại đã hiệp đồng. Càn-Khôn dĩ tận thức, thì lại bị phần nhiều đạo ấy mà nhơn-loại nghịch lẫn nhau: nên Thầy mới nhứt định quy nguyên phục nhứt. Lại nữa, trước Thầy lại giao Chánh- Giáo cho tay phàm, càng ngày lại càng xa Thánh-Giáo mà làm ra cuộc Phàm-Giáo. Thầy lấy làm đau đớn, hằng thấy gần trót mười ngàn năm, nhân-loại phải sa vào nơi tội lỗi, mạt kiếp chốn A-Tỳ.
Thầy nhứt định đến chính mình Thầy độ rỗi các con, chẳng chịu giao Chánh Giáo cho tay phàm nữa.
Theo đây có 02 điều căn bản:
./- Từ thực tế là có rất nhiều đạo sẽ trở về cái gốc. (Thâu các Đạo hữu hình làm một).
./- Thầy cầm chánh giáo (Bát Quái Đài là nơi xuất phát giáo lý và pháp luật đạo. Thầy làm chủ BQĐ là cầm chánh giáo).
Nguyên lý 2: ĐĐTKPĐ đi từ hữu hình đến vô vi.
Ngày 15. 09. Bính Dần (1926) Phước Linh Tự Thánh Ngôn Hiệp Tuyển Q 1, trang 52, bản in năm 1972.
…Vì Tân Luật chưa ra nên Thầy phải giải.
Đã có Thánh Tượng Thầy thì là cốt Ngọc Hoàng con để lại chẳng nghĩa chi hết. Thầy nói cho các con rõ: Vì cớ nào trước từ Nhứt Tổ chí Lục Tổ thì thờ Thầy ngồi trước, vì trước là lớn phải vậy….
…Thầy lập Phật giáo từ khi khai Thiên lập Địa nên Phật giáo là trước, kế Tiên giáo rồi mới đến Nho giáo. Nay là Hạ ngươn hầu mãn, phải phục lại như buổi đầu nên phải phản tiền vi hậu.
Tỉ như lập Tam giáo qui nhứt thì:
Nho là trước
Lão là giữa.
Thích là chót.
Nên Thầy phải ngồi sau Phật, Tiên, Thánh, Thần mà đưa chúng nó lại Vô vi chi khí, chính là Niết Bàn đó vậy…
Từ lời dạy trên đây kết hợp với các lời dạy khác chúng biết rằng đã có 03 thời kỳ phổ độ: Nhứt kỳ, Nhị kỳ và Tam kỳ. Nhưng chỉ có 02 nguyên lý:
Thời Nhứt kỳ và Nhị kỳ: Nhứt bổn tán vạn thù.
Thời Tam kỳ: Vạn thù qui nhứt bổn.
Theo nguyên lý từ hữu hình đến vô vi nên Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc cũng nhiều lần kể lại rằng khi vâng lịnh mở đạo Đức Chí Tôn hỏi mở thể pháp trước hay bí pháp trước. Đức Ngài trả lời mở bí pháp trước. Đức Chí Tôn dạy phải mở thể pháp trước…
Nguyên lý 3: Dâng công đổi vị.
Đức Nguyệt-Tâm Chơn-Nhơn dạy ngày 14 tháng 2 Nhâm-Thân (20 Mars 1932) Thánh-Thất Kiêm-Biên.
Bần-Đạo chào Quyền Giáo-Tông, Hộ-Pháp, Tiếp-Đạo và Hội-Thánh Ngoại-Giáo.
Nam nữ Thiên-phong xin nghe: nước Thiên-Đường thì ít kẻ, cửa Địa-Ngục vẫn nhiều người, chưa từng thấy hạng nhơn-sanh nào mà tự-trọng thân hình chẳng hữu-ích chi cho cả cơ Tạo mà đoạt vị Thần, Thánh, Tiên, Phật. Ngôi vị Thiêng-liêng chẳng phải do nơi sự cầu may mà đoạt đặng.
Bần-Đạo khi đắc lịnh cầm Chưởng-Đạo lập Hội-Thánh giáo đạo tha phương, thì tùng lòng bác-ái của Chí-Tôn, mở rộng thế cho nhơn-sanh dâng công đổi vị, Bần-Đạo chẳng kể là nguyên-nhân, hóa-nhân hay là quỉ-nhân, ví biết lập công thì thành Đạo. Bần-Đạo để cho mỗi người tự-do định-phận, lại tùy thế khó-khăn mà gầy thành-công-quả: ấy vậy, nếu lấy phép công-bình thì tự-nhiên, nên thì thâu, hư thì bỏ…
Theo qui định của Hội Thánh Cao Đài thì những văn bút viết về tôn giáo mà Hội Thánh chưa kiểm duyệt thì chưa có giá trị trong hành chánh tôn giáo.
Cho nên những suy nghĩ trên đây cũng chỉ là suy nghĩ của những người đang học đạo trình bày với bạn đồng sanh với ước vọng: hiểu đúng được những điều căn bản chung thì khi đối thoại sẽ căn cứ vào đó làm qui tắc, từ đó dễ nhìn về cùng một hướng và có chung công việc./.


LÝ BẠCH

Có công phải biết gắng nên công,
Tu tánh đã xong tới luyện lòng.
Kinh sách đầy đầu chưa thoát tục,
Ðơn tâm khó định lấy chi mong.
27. 01. 1926.








KHAI ĐẠO NƠI CHÁNH PHỦ.
Ngày 23 tháng 8 năm Bính Dần (29-9-1926), ông Cựu Thượng Nghị Viện Lê Văn Trung vâng Thánh ý hiệp với chư Ðạo Hữu hết thảy là 247 người tại nhà ông Nguyễn Văn Tường đứng tên vào Tịch Ðạo để khai Ðạo với Chánh Phủ.
Tờ Khai Ðạo đến ngày Mùng một tháng chín (07-10-1926) mới gởi lên Chánh Phủ cho quan Nguyên Soái Nam Kỳ là ông Le Fol. Trong tờ nầy có 28 người đứng tên thay mặt cho cả chư Ðạo Hữu có tên trong Tịch Ðạo.
Tờ Khai ấy làm bằng chữ Lang Sa, phiên dịch ra như vầy:

Sài Gòn, Le 7 Octobre 1926.
Kính cùng Quan Thống Ðốc Nam Kỳ Sài Gòn,

Chúng tôi đồng ký tên dưới đây, kính cho Quan lớn rõ:
Vốn từ trước, tại cõi Ðông Pháp có ba nền Tôn Giáo lớn là: Thích Giáo, Lão Giáo, và Khổng Giáo, Tiên Nhơn chúng tôi sùng bái cả ba Ðạo ấy, lại nhờ do theo Tôn chỉ quý báu của các Chưởng Giáo truyền lại mới được an cư lạc nghiệp. Trong sử còn ghi câu: "Gia vô bế hộ, lộ bất thập di", chỉ nghĩa là con người thuở ấy an nhàn cho đến đổi ban đêm ngủ không đóng cửa nhà, còn ngoài đường thấy của rơi không ai thèm lượm.
Nhưng buồn thay cho đời thái bình phải mất vì mấy duyên cớ sau nầy:
1.                 Những người hành Ðạo đều phân chia ra nhiều Ðạo, nhiều phái mà kích bác lẫn nhau, chớ Tôn chỉ của Tam Giáo đều như một là làm lành lánh dữ và kỉnh thờ Ðấng Tạo Hóa.
2.                 Lại canh cải mối chánh truyền của các Ðạo ấy, làm cho thất chơn truyền.
3.                 Những dư luận phản đối nhau về Tôn Giáo, mà ta thấy hằng ngày cũng tại bả vinh hoa và lòng tham lam của nhân loại mà ra, nên chi người An Nam bây giờ đều bỏ hết những tục lệ tận thiện tận mỹ ngày xưa.
Thấy tình thế như vậy mà đau lòng, cho nên nhiều người An Nam, vì căn bổn, vì Tôn Giáo, đã tìm phương thế hiệp Tam Giáo lại làm một (Quy nguyên phục nhứt) gọi là Ðạo Cao Ðài hay là Ðại Ðạo.
May mắn cho chúng sanh, Thiên tùng Nhơn nguyện, Ðức Ngọc Hoàng Thượng Ðế hằng giáng Ðàn dạy Ðạo và hiệp Tam Giáo lập Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ tại cõi Nam nầy.
Tam Kỳ Phổ Ðộ nghĩa là Ðại Ân Xá lần thứ ba, những lời nói của Ðức Ngọc Hoàng Thượng Ðế giáng cơ dạy chúng tôi đều cốt để truyền bá Tôn chỉ Tam Giáo.
Ðạo Cao Ðài dạy cho biết:
1.                 Luân lý cao thượng của Ðức Khổng Phu Tử.
2.                 Ðạo đức của Phật Giáo và Tiên Giáo là làm lành lánh dữ, thương yêu nhân loại, cư xử thuận hòa mà lánh cuộc loạn ly giặc giã.
Chúng tôi gởi theo đây cho quan lớn nghiệm xét:
1.                 Một bản sao lục Thánh ngôn của Ðức Ngọc Hoàng Thượng Ðế.
2.                 Một bổn phiên dịch Thánh Kinh.
Chủ ý của chúng tôi là muốn làm sao cho nhơn loại được cộng hưởng cuộc hòa bình như buổi trước. Ðược như vậy, chúng sanh sẽ thấy đặng thời kỳ mới mẻ cực kỳ hạnh phúc không thế nào tả ra đặng.
Chúng tôi thay mặt cho nhiều người An Nam, mà đã nhìn nhận sở hành của chúng tôi và đã ký tên vào tờ Ðạo Tịch ghim theo đây, đến khai cho quan lớn biết rằng: Kể từ ngày nay chúng tôi đi phổ thông Ðại Ðạo khắp cả hoàn cầu.
Chúng tôi xin quan lớn công nhận Tờ Khai Ðạo của chúng tôi.

Ký tên:


- Mme Lâm Ngọc Thanh:
Nghiệp chủ ở Vũng Liêm.
- M. Lê Văn Trung:
Cựu Thượng Nghị Viện, thưởng thọ Ngũ Ðẳng Bửu Tinh (Chợ Lớn).
- Lê Văn Lịch:
Thầy tu - làng Long An (Chợ Lớn).
- Trần Ðạo Quang:
Thầy tu - làng Hạnh Thông Tây (Gia Ðịnh).
- Nguyễn Ngọc Tương:
Tri phủ - chủ quận Cần Giuộc.
- Nguyễn Ngọc Thơ:
Nghiệp chủ - Sài Gòn.
- Lê Bá Trang:
Ðốc Phủ Sứ - Chợ Lớn.
- Vương Quan Kỳ:
Tri Phủ sở Thuế Thân - Sài Gòn.
- Nguyễn Văn Kinh:
Thầy tu - Bình Lý Thôn, Gia Ðịnh.
- Ngô Tường Vân:
Thông Phán - Sở Tạo Tác, Sài Gòn.
- Nguyễn Văn Ðạt:
Nghiệp chủ - Sài Gòn.
- Ngô Văn Kim:
Ðiền chủ - Ðại Hương Cả, Cần Giuộc.
- Ðoàn Văn Bản:
Ðốc Học trường Cầu Kho.
- Lê Văn Giảng:
Thơ toán hảng Ippolito - Sài Gòn.
- Huỳnh Văn Giỏi:
Thông Phán sở Tân Ðáo - Sài Gòn.
- Nguyễn Văn Tường:
Thông Ngôn sở Tuần Cảnh - Sài Gòn.
- Cao Quỳnh Cư:
Thư ký Sở Hỏa Xa - Sài Gòn.
- Phạm Công Tắc:
Thư ký Sở Thương Chánh - Sài Gòn.
- Cao Hoài Sang:
Thư ký Sở Thương Chánh - Sài Gòn.
- Nguyễn Trung Hậu:
Ðốc Học Trường Tư Thục Ða Kao.
- Trương Hữu Ðức:
Thư ký Sở Hỏa Xa - Sài Gòn.
- Huỳnh Trung Tuất:
Nghiệp chủ Chợ Ðuổi - Sài Gòn.
- Nguyễn Văn Chức:
Cai Tổng - Chợ Lớn.
- Lại Văn Hành:
Hương Cả - Chợ Lớn.
- Nguyễn Văn Trò:
Giáo Viên - Sài Gòn.
- Nguyễn Văn Hương:
Giáo Viên - Ða Kao.
- Võ Văn Kỉnh:
Giáo Tập - Cần Giuộc.
- Phạm Văn Tỷ:
Giáo Tập - Cần Giuộc.

(Theo Đạo Sử của Bà Nữ Đầu Sư Hương Hiếu).





Đức Chí Tôn:
Dạy trẻ con toan trước dạy mình,
Cái công giáo hóa cũng đồng sinh.
Ðạo đời tua biết đời rằng trọng,
Một điểm quang minh một điểm linh.
Nghĩa là sắp nhỏ của con dạy, sau cũng nên người ở đời, ấy là đời nếu biết trọng đời thì gắng dạy nó nên hiền.
Một điểm quang minh là một hồn người, là vật tối linh của Thầy trân trọng. Nếu con muốn làm lành thì gắng dạy mấy hồn ấy đặng hiền













BẢN TUYÊN NGÔN
QUỐC TẾ NHÂN QUYỀN.
Theo VETO .
Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (TNQTNQ) là văn kiện đầu tiên và duy nhất tổng hợp các nhân quyền trên thế giới. TNQTNQ được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua vào ngày 10.12.1948 cho nên các quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc có nghĩa vụ tôn trọng và bảo vệ các nhân quyền này. TNQTNQ được dịch ra trên 300 thứ tiếng và như thế là văn bản được các quốc gia trên thế giới chấp nhận rộng rãi nhất.
TNQTNQ gồm phần dẫn nhập và 30 điều khoản qui định về nhân quyền (số thứ tự được dùng sau đây cũng là số của điều khoản liên hệ trong TNQTNQ). Phần diễn giải được lấy từ tài liệu
“Simplified version of UDHR”
http://www.ohchr.org/Documents/Publications/ABCannexesen.pdf.

NHỮNG NGUYÊN TẮC CĂN BẢN.

1/- Nhân phẩm và nhân quyền tự thân.
Tất cả mọi người sinh ra đều được tự do và bình đẳng về nhân phẩm và nhân quyền. Mọi người đều được phú bẩm về lý trí và lương tâm và vì thế phải đối xử với nhau trong tinh thần anh em.
Diễn giải Điều 1 TNQTNQ: Từ khi sinh ra trẻ em đã tự do và mỗi em cần phải được đối xử giống nhau. Các em đều có lý trí và lương tâm và cần đối xử tử tế với nhau.
2/- Nhân quyền là phổ quát.
2.1/-  Tất cả mọi người đều được hưởng tất cả những quyền và tự do được liệt kê trong Tuyên Ngôn này mà không phải chịu bất cứ một sự phân biệt nào, chẳng hạn như về chủng tộc, màu da, phái tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hay quan điểm nào khác, quốc tịch hay nguồn gốc xã hội, tài sản, dòng dõi hay địa vị gì khác.
2.2/- Cũng không được có sự phân biệt đối xử đối với con người dựa trên vị thế về chính trị, pháp lý hay quốc tế của quốc gia hoặc của lãnh thổ mà họ có thuộc về đó, cho dù quốc gia hay lãnh thổ này đã được độc lập hay còn bị đặt dưới sự bảo hộ, không được tự quản hay ở trong tình trạng bị hạn chế về chủ quyền.
Diễn giải Điều 2 TNQTNQ: Mọi người có thể đòi hỏi những quyền sau đây cho dù họ
a/-  khác nhau về màu da,
b/-  khác nhau về phái tính,
c/-  nói các ngôn ngữ khác nhau,
d/-  suy nghĩ khác nhau,
e/-   tin vào các tôn giáo khác nhau,
f/-  có nhiều hay ít của cải,
i/-  thuộc về các tầng lớp xã hội khác nhau,
j/-  đến từ các quốc gia khác nhau.
Ngoài ra bạn cũng có những quyền này dù xứ của bạn đã hay chưa được độc lập.
CÁC QUYỀN TỰ DO HOẶC QUYỀN DÂN SỰ VỀ THÂN THỂ
3/- Quyền sống, quyền có tự do và được an toàn.
Tất cả mọi người đều có quyền được sống, quyền có tự do và an toàn cá nhân.
Diễn giải Điều 3 TNQTNQ: Bạn có quyền được sống, và được sống trong tự do và an toàn.
4/- Quyền không bị làm nô lệ.
Không ai có thể bị bắt làm nô lệ hay tôi tớ. Mọi hình thức giữ và buôn bán nô lệ đều bị nghiêm cấm.
Diễn giải Điều 4 TNQTNQ: Không ai có quyền đối xử với bạn như là nô lệ của họ và bạn cũng không nên bắt ai làm nô lệ cho bạn.
5/- Quyền không bị tra tấn.
Không ai có thể bị tra tấn hoặc bị đối xử hay bị bắt chịu hình phạt một cách dã man, vô nhân đạo hay nhục nhã.
Diễn giải Điều 5 TNQTNQ:  Không ai có quyền tra tấn bạn.
…về PHÁP LÝ
6/- Quyền có tư cách pháp nhân trước pháp luật.
Mỗi người có quyền đòi hỏi được công nhận tư cách pháp nhân ở bất cứ nơi nào.
Diễn giải Điều 6 TNQTNQ:  Bạn phải được luật pháp bảo vệ giống nhau ở mọi nơi và giống như mọi người khác.
7/- Quyền được bình đẳng trước pháp luật.
Tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, và phải được pháp luật bảo vệ như nhau mà không phải chịu bất cứ sự phân biệt nào. Tất cả mọi người đều có quyền đòi hỏi được pháp luật bảo vệ như nhau để chống lại mọi hành vi phân biệt đối xử đi ngược với Tuyên ngôn này cũng như để chống lại mọi hành vi xúi giục dẫn đến một sự phân biệt đối xử như vậy.
Diễn giải Điều 7 TNQTNQ:  Luật pháp giống nhau cho mọi người và được áp dụng giống nhau cho mọi người.
8/- Quyền được tòa án bảo vệ.
Bất cứ ai cũng có quyền yêu cầu các toà án quốc gia có thẩm quyền bảo vệ một cách hữu hiệu trước những hành vi vi phạm các quyền căn bản của mình đã được hiến pháp hoặc luật pháp thừa nhận.
Diễn giải Điều 8 TNQTNQ:  Bạn phải có thể xin được tòa án bảo vệ cho bạn nếu những quyền mà bạn có trong quốc gia của bạn không được tôn trọng.
9/-  Quyền Không Bị Giam Giữ Trái Phép
Không một ai có thể bị bắt giữ, giam cầm hay trục xuất khỏi nước một cách độc đoán.
Diễn giải Điều 9 TNQTNQ:  Không ai có quyền bỏ tù bạn, giam giữ bạn hoặc đưa bạn ra khỏi quốc gia của bạn một cách không đúng đắn hoặc không có lý do đúng đắn.
10/- Quyền Được Xét Xử Công Bằng
Mỗi người đều có quyền như nhau trong việc đòi hỏi một toà án độc lập và vô tư mởphiên xử công khai và công bằng vềquyền, trách nhiệm của họ cũng như về bất cứ sự buộc tội hình sự nào đối với họ.
Diễn giải Điều 10 TNQTNQ: Nếu bạn bị đem ra xử án thì phiên tòa này phải công khai. Những người xử bạn không thể bị ảnh hưởng tác động của người khác.
11/- Quyền Được Suy Đoán Vô tội và Bất Hồi Tố
(1) Mỗi người, khi bị cáo buộc về hành vi phạm tội hình sự, có quyền đòi hỏi được xem là vô tội cho đến khi họ bị một toà án mở phiên xử công khai, trong đó họ có đủ mọi điều kiện để biện hộ, kết án theo đúng luật pháp.
(2) Không ai có thể bị kết án về một tội hình sự do những điều mình đã làm hay không làm, nếu vào thời điểm xảy ra những điều này luật pháp quốc gia hay luật pháp quốc tế đã không xem những điều ấy là tội hình sự. Không ai có thể bị tuyên một án phạt nặng hơn hình phạt đã được luật pháp quy định vào thời gian phạm pháp.
Diễn giải Điều 11 TNQTNQ: Bạn phải được xem là không có tội cho đến khi người ta chứng minh được rằng bạn có tội. Nếu bị cáo buộc một tội gì thì bạn luôn luôn phải được quyền tự bào chữa. Không ai có quyền tuyên án và trừng phạt bạn vì một việc mà bạn đã không làm.
…về AN CƯ
12/- Quyền Được Bảo Vệ Đời Sống Riêng Tư (Gia Đình, Nhà Riêng, Thư Tín, Danh Dự, Tiếng Tăm)
Không ai có thể bị xâm phạm một cách độc đoán vào đời sống riêng, gia đình, nhà ở, hay thư tín, cũng như bị xúc phạm danh dự hay tiếng tăm của mình. Mọi người đều có quyền được luật pháp bảo vệ trước những xâm phạm hoặc xúc phạm như vậy.
Diễn giải Điều 12 TNQTNQ: Bạn có quyền đòi hỏi được bảo vệ nếu có ai tìm cách xúc phạm đến danh dự của bạn, vào nhà bạn, mở thư của bạn, hay gây phiền toái cho bạn và gia đình bạn mà không có lý do đúng đắn.
13/- Quyền Tự Do Đi Lại Và Cư Trú
(1) Tất cả mọi người có quyền tự do đi lại và cư trú trong phạm vi biên giới của mỗi quốc gia.
(2) Tất cả mọi người đều có quyền rời khỏi bất cứ nước nào, kể cả nước mình, và quyền trở về nước mình.
Diễn giải Điều 13 TNQTNQ: Bạn được quyền đi và đến bất cứ nơi nào trong xứ của bạn. Bạn có quyền rời khỏi nước của bạn để đi đến một quốc gia khác; và bạn phải có quyền trở lại nước của bạn nếu bạn muốn.
14/- Quyền Tị Nạn
(1) Mỗi người có quyền đi lánh nạn và được cho lánh nạn ở những quốc gia khác khi bị truy bức.
(2) Quyền này không được xét đến, nếu đương sự thật sự bị truy nã vì các hành vi phạm tội không mang tính chính trị, hay do những hành vi trái với những mục tiêu và nguyên tắc của Liên Hiệp Quốc.
Diễn giải Điều 14 TNQTNQ: Nếu ai đánh bạn thì bạn có quyền đi đến một quốc gia khác và xin quốc gia này bảo vệ cho bạn. Bạn sẽ mất quyền này nếu bạn giết người hoặc nếu bạn không tôn trọng nhân quyền của người khác.
15. Quyền Có Quốc Tịch
(1) Tất cả mọi người đều có quyền có một quốc tịch.
(2) Không một ai có thể bị tước bỏ quốc tịch, hay bị từ chối quyền được thay đổi quốc tịch một cách độc đoán.
Diễn giải Điều 15 TNQTNQ: Bạn có quyền được thuộc về một quốc gia và không ai có thể ngăn cản bạn thuộc về một quốc gia khác mà bạn muốn nếu không có lý do đúng đắn.
16/- Quyền Tự do Kết Hôn và Lập Gia Đình
(1) Đàn ông và đàn bà ở tuổi trưởng thành có quyền kết hôn và lập gia đình, mà không phải chịu hạn chế vì lý do chủng tộc, quốc tịch hay tôn giáo. Họ có quyền bình đẳng khi kết hôn, trong hôn nhân và lúc chấm dứt hôn nhân.
(2) Việc kết hôn chỉ có thể tiến hành khi có sự đồng ý hoàn toàn và tự do của hai người muốn kết hôn.
(3) Gia đình phải được xem là một đơn vị tự nhiên và căn bản của xã hội, và cần được xã hội và nhà nước bảo vệ.
Diễn giải Điều 16 TNQTNQ: Khi được luật pháp công nhận trưởng thành, bạn có quyền kết hôn và lập gia đình. Màu da, quốc tịch hay tôn giáo không phải là lý do ngăn cản bạn làm điều này. Đàn ông và đàn bà có những quyền như nhau khi kết hôn, trong hôn nhân và khi ly thân hay ly hôn.
Không ai có quyền bắt bạn kết hôn. Chính quyền nước bạn cần bảo vệ gia đình bạn và các thành viên gia đình bạn.
17/- Quyền Sở Hữu
(1) Tất cả mọi người đều có quyền sở hữu tài sản của riêng mình hay chung với những người khác.
(2) Không ai có thể bị tước đoạt tài sản của mình một cách độc đoán.
Diễn giải Điều 17 TNQTNQ: Bạn có quyền có tài sản riêng và không ai có quyền lấy tài sản của bạn mà không có lý do đúng đắn.
…về TƯ TƯỞNG, TÔN GIÁO, PHÁT BIỂU, HỘI HỌP
18/. Quyền Tự Do Tư Tưởng, Lương Tâm và Tôn Giáo
Tất cả mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, tự do lương tâm và tự do tôn giáo; quyền này bao gồm cả quyền tự do thay đổi tôn giáo hay thế giới quan của mình cũng như quyền tự do biểu thị tôn giáo hay thế giới quan của mình bằng cách giảng dạy, thực hành, thờ phụng và tuân thủ giáo điều cho riêng cá nhân mình hay chung với những người khác, ở nơi công cộng hay chốn riêng tư.
Diễn giải Điều 18 TNQTNQ: Bạn có quyền tự do tin vào tôn giáo của bạn, thay đổi tôn giáo, và thực hành tôn giáo một mình hay cùng với những người khác.
19/. Quyền Tự Do Phát Biểu Quan Điểm 
Tất cả mọi người đều có quyền tự do có quan điểm và quyền tự do bày tỏ quan điểm. Quyền này bao gồm tự do giữ và bày tỏ quan điểm mà không bị ai quấy rầy và tự do tìm kiếm, thu nhận và quảng bá thông tin và ý kiến qua mọi phương tiện truyền thông bất kể biên giới quốc gia.
Diễn giải Điều 19 TNQTNQ: Bạn có quyền nghĩ bất cứ điều gì bạn muốn, nói bất cứ điều gì bạn thích và không ai được phép cấm bạn làm những điều này.
Bạn phải được quyền chia xẻ suy nghĩ của bạn với những người khác ở bất cứ quốc gia nào.

20/. Quyền Tự Do Hội Họp và Tự Do Lập Hội
(1) Tất cả mọi người đều có quyền tự do hội họp và lập hội một cách ôn hòa.
(2) Không một ai có thể bị bắt buộc phải gia nhập vào một hội đoàn.
Diễn giải Điều 20 TNQTNQ: Bạn có quyền tổ chức hoặc tham dự các buổi họp một cách ôn hòa. Không ai được phép bắt bạn phải gia nhập một nhóm.
…về CHÍNH TRỊ
21/. Quyền Tham Gia vào việc Điều Hành Đất Nước Dân Chủ
(1) Tất cả mọi người đều có quyền tham gia vào việc điều hành đất nước của mình, một cách trực tiếp hay qua các đại biểu được tuyển chọn một cách tự do.
(2) Tất cả mọi người đều có quyền nhận làm những chức vụ công cộng trong quốc gia một cách bình đẳng.
(3) Ý muốn của người dân phải là nền tảng của quyền lực chính quyền. Ý muốn này phải được thể hiện qua các cuộc bầu cử thực sự và định kỳ, theo nguyên tắc đầu phiếu phổ thông và bình đẳng, bằng phiếu kín, hay các thể thức bầu cử tự do tương đương như vậy.
Diễn giải Điều 21 TNQTNQ:  Bạn có quyền tham dự vào việc điều hành xứ sở của bạn bằng cách tham gia vào chính phủ hoặc bằng cách chọn những chính trị gia có cùng chính kiến như bạn.
Các chính phủ phải được bầu lên một cách thường xuyên và cuộc bầu cử phải kín. Bạn phải có quyền bỏ phiếu và mọi lá phiếu phải bình đẳng với nhau. Bạn phải có quyền nhận chức vụ công cộng giống như mọi người khác.
Các quyền trong lãnh vực kinh tế, xã hội và văn hoá
22/. Quyền An Sinh Xã Hội
Với tư cách là thành viên của xã hội, mỗi người đều có quyền được hưởng an sinh xã hội cũng như được hưởng các quyền về kinh tế, xã hội và văn hóa là những điều không thể thiếu được cho nhân phẩm và việc tự do phát huy nhân cách của mình; Những quyền này sẽ được thực hiện bằng những nỗ lực quốc gia và hợp tác quốc tế cũng như tuỳ theo cách thức tổ chức và tài nguyên của mỗi quốc gia.
Diễn giải Điều 22 TNQTNQ: Xã hội mà bạn đang sống phải giúp bạn phát triển và tận dụng tối đa tất cả các phúc lợi về văn hóa, việc làm và an sinh xã hội dành cho bạn và cho tất cả đàn ông và đàn bà trong xứ của bạn.


23/. Quyền Có Việc Làm và Được Trả Lương Xứng Đáng
(1) Tất cả mọi người có quyền có việc làm, quyền tự do chọn việc làm, quyền được hưởng các điều kiện làm việc công bằng và thuận lợi, và quyền được bảo vệ chống thất nghiệp.
(2) Tất cả mọi người đều có quyền đòi hỏi được trả lương như nhau cho công việc giống nhau mà không phải chịu bất cứ sự phân biệt đối xử nào.
(3) Tất cả mọi người đi làm đều có quyền được trả thù lao một cách công bằng và tương xứng để có thể bảo đảm một cuộc sống xứng đáng với nhân phẩm cho bản thân và gia đình mình; Nếu cần, tiền lương này sẽ được bù đắp thêm bằng các phương tiện an sinh xã hội khác.
(4) Tất cả mọi người đều có quyền thành lập và tham gia vào các nghiệp đoàn để bảo vệ quyền lợi của mình.
Diễn giải Điều 23 TNQTNQ: Bạn có quyền được làm việc, được tự do chọn công việc, và được nhận đồng lương đủ để nuôi bạn và gia đình bạn. Nếu người đàn ông và đàn bà cùng làm một công việc thì họ phải được trả lương giống nhau. Tất cả mọi người đi làm đều có quyền được hợp quần với nhau để bảo vệ quyền lợi của họ.
24/. Quyền Nghỉ Ngơi và Giải Trí
Tất cả mọi người đều có quyền được hưởng sự nghỉ ngơi và có thời gian rảnh rỗi, trong đó có việc hạn chế hợp lý số giờ làm việc cũng như có các ngày nghỉ định kỳ có trả lương.
Diễn giải Điều 24 TNQTNQ: Mỗi ngày làm việc không được phép quá dài vì mỗi người có quyền được nghỉ ngơi và phải có thể lấy ngày nghỉ có lương một cách đều đặn.
25/. Quyền Có Đời Sống Thoải Mái;
(1) Tất cả mọi người có quyền được hưởng một mức sống khả quan đủ bảo đảm về sức khỏe và sự an vui cho bản thân và gia đình, trong đó có cả các vấn đề liên quan thực phẩm, quần áo, chỗ ở, chăm sóc y tế và các dịch vụ xã hội cần thiết. Tất cả mọi người có quyền được hưởng an sinh xã hội khi bị lâm vào tình trạng thất nghiệp, đau ốm, tàn tật, goá bụa, tuổi già hay mất phương tiện mưu sinh do những hoàn cảnh ngoài ý muốn.
(2) Các bà mẹ và trẻ em có quyền đòi hỏi được chăm sóc và trợ giúp đặc biệt.
Tất cả mọi trẻ em, dù là con chính thức hay ngoại hôn, đều được xã hội bảo vệ một cách bình đẳng.
Diễn giải Điều 25 TNQTNQ: Bạn có quyền được có được bất cứ những gì bạn cần có để bạn và gia đình bạn: không bị đau ốm, không bị đói, có quần áo và nhà ở; để được trợ giúp nếu bạn không làm việc được, nếu bạn bị ốm đau, nếu bạn già yếu, nếu vợ hoặc chồng bạn bị chết, hay khi bạn không thể tự kiếm sống bởi bất cứ lý do nào ngoài ý muốn của bạn.
Người mẹ sắp sinh con và con của bà cần phải được trợ giúp đặc biệt. Tất cả trẻ em đều có những quyền giống nhau cho dù mẹ chúng có hay không có chồng.
26/. Quyền Được Hưởng Sự Giáo Dục
(1) Tất cả mọi người đều có quyền được hưởng sự giáo dục. Giáo dục phải được miễn phí, ít nhất là ở bậc tiểu học. Giáo dục cấp tiểu học có tính cưỡng bách. Giáo dục kỹ thuật và giáo dục chuyên nghiệp phải được mở rộng cho mọi người và giáo dục cao cấp phải được mở rộng bình đẳng cho mọi người dựa trên tiêu chuẩn tài năng.
(2) Giáo dục phải được điều hướng làm sao để có thể phát triển đầy đủ nhân cách, và để tăng cường sự tôn trọng các nhân quyền và các tự do căn bản.
Giáo dục phải đề cao sự thông cảm, sự bao dung, và sự thân thiện giữa mọi quốc gia, mọi nhóm chủng tộc hoặc tôn giáo, và hỗ trợ cho các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc.
(3) Cha mẹ có quyền ưu tiên chọn lựa phương cách giáo dục con cái mình.
Diễn giải Điều 26 TNQTNQ:  Bạn có quyền được đi học và mọi người phải đi học. Việc học các lớp tiểu học phải miễn phí. Bạn cần phải được học một cái nghề hoặc tiếp tục học lên cao khi bạn muốn. Ở trường bạn phải được phát triển mọi tài năng và bạn phải được giáo dục để thông cảm những người khác dù họ có thuộc về bất cứ chủng tộc, có bất cứ màu da hay quốc tịch nào khác.
Cha mẹ bạn có quyền chọn nội dung và cách giáo dục bạn.
27/. Quyền Được Tham Gia Vào Đời Sống Văn Hoá Của Cộng Đồng
(1) Tất cả mọi người có quyền được tự do tham gia vào sinh hoạt văn hóa của cộng đồng, được thưởng thức nghệ thuật và được hưởng các tiến bộ cũng như lợi ích của khoa học.
(2) Tất cả mọi người có quyền nhận được sự bảo vệ về tinh thần cũng như vật chất đối với tác quyền trên các tác phẩm khoa học, văn chương hay nghệ thuật.
Diễn giải Điều 27 TNQTNQ: Bạn có quyền được hưởng lợi từ nghệ thuật và khoa học của cộng đồng và từ tất cả những điều tốt lành của chúng. Công việc của nghệ sĩ, nhà văn hoặc khoa học gia phải được bảo vệ, và bạn phải có thể sống bằng công việc này.
Các quy định chung

28/. Quyền Được Hưởng Trật Tự Xã hội và Trật Tự Quốc Tế theo TNNQQT
Tất cả mọi người đều có quyền được hưởng một trật tự xã hội và trật tự quốc tế, trong đó các quyền và các tự do được nêu trong Tuyên Ngôn này được thực hiện đầy đủ.
Diễn giải Điều 28 TNQTNQ:  Để bảo đảm rằng các quyền của bạn được tôn trọng, người ta cần một „trật tự“ để có thể bảo vệ chúng. Loại „trật tự“ này có thể mang tính địa phương hay quốc tế.
29/. Các Giới Hạn của Nhân Quyền Trong Xã hội Dân Chủ
(1) Tất cả mọi người đều có những bổn phận đối với cái cộng đồng mà chỉ trong đó họ mới có thể phát triển một cách toàn vẹn và tự do nhân cách của mình.
(2) Khi hành xử những quyền và tự do, tất cả mọi người chỉ phải chịu những giới hạn nhất định do luật pháp đặt ra để cho những quyền và tự do của người khác cũng được thừa nhận và tôn trọng, cũng như để cho những đòi hỏi chính đáng về đạo lý, trật tự công cộng, và sự an lạc chung trong một xã hội dân chủ được thỏa mãn.
(3) Trong bất cứ trường hợp nào, việc thực hiện những quyền và tự do này cũng không đi ngược với những mục đích và tôn chỉ của Liên Hiệp Quốc.
Diễn giải Điều 29 TNQTNQ: Bạn cần phải có bổn phận đối với cộng đồng mà trong đó nhân cách của bạn có thể được phát triển đầy đủ. Pháp luật phải bảo vệ cho nhân quyền. Luât pháp phải tạo điều kiện để mỗi người phải tôn trọng người khác và được người khác tôn trọng mình.
30/. Nghiêm Cấm Triệt Tiêu Các Nhân Quyền và Tự Do
Không một điều nào trong Tuyên Ngôn này có thể được diễn giải để cho phép một quốc gia, một nhóm hay một cá nhân nào được quyền có những việc làm hay hành động nhằm tiêu hủy bất cứ quyền và tự do nào được liệt kê trong Tuyên Ngôn này.
Diễn giải Điều 30 TNQTNQ: Không có bất cứ xã hội hoặc con người nào ở bất cứ phần nào trên thế giới được phép phá hoại các quyền mà bạn vừa đọc qua
Hết.

LÝ BẠCH

Có công phải biết gắng nên công,
Tu tánh đã xong tới luyện lòng.
Kinh sách đầy đầu chưa thoát tục,
Ðơn tâm khó định lấy chi mong.
27. 01. 1926.






NHÀN ÂM ÐẠO TRƯỞNG.
Hoạch hiền hữu nên nhớ việc nước là vì Đạo vì Đời, tuy việc tình cờ chớ đó là Thiên ý. Đạo được rạng ngời chăng là do nơi kết quả trong bước đường của hiền hữu, cái khó là chỗ đó.
Bần đạo xin có mấy lời tâm huyết:
Gánh đời đã tự cất lên vai,
Trau chuốt sao cho đủ trí tài.
Tấn thối dè chừng mưu kế hiểm,
Thiệt hư gìn nhẹm chước phương hay.
Dụng quyền hơn Đức quyền tan nát,
Tạo thế kém nhân thế đọa đày.
Ví biết giống nòi đương thống khổ,
Trở đương cho vẹn phận làm trai.
LÀM TRAI CHO VẸN PHẬN
Nợ non sông muốn gánh, phải lo tròn,
Giữa bể khơi lắc lẽo chiếc thuyền con.
Cơn sóng gió liệu còn hay để mất,
Khóc nước loạn rừng con quốc quốc.
Máu thành sông thây chất ví non cao,
Kiếp ngựa trâu Việt chủng vẫn kêu gào,
Đá tinh vệ chừ bao cho lấp bễ.
Vận hội đến đã xây thời thế,
Bởi hung tàn chưa thoát lệ nô.
Bốn ngàn năm một gánh cơ đồ,
Chia rẽ mãi điểm tô không kịp bước.
Đời lấn Đạo đời xa cội phước,
Đạo dìu đời vận nước mới an.
Đức lập quyền dân được châu toàn,
Quyền xa đức nhơn gian thống khổ.
Lấy chí Thánh dìu Đời giác ngộ,
Dụng bạo tàn đâu phải chỗ an bang.
Trị theo Đời dân chúng vẫn lầm than,
Đó là dìu chúng đến con đường tự diệt.
Do bốn chữ Minh, Cang, Liêm, Khiết,
Đạo hay Đời trăm việc cũng thành.
Gắng đề phòng bã lợi đua tranh,
Cầm bạc giữ đạm thanh khi sớm tối.
Chậm rãi bước đường xa chớ vội,
Góp ý hay mở lối cang thường,
Thương đời cho trọn chữ thương.
Thảo xá Hiền Cung.
Ngày 15-11- Tân Mùi (23/12/1931).

MỤC LỤC.
Thư Ban Biên Tập…………..  trang 01.
Luận về chữ tu……………………...03.
Nguyên lý ĐĐTKPĐ…………….….05.
Khai đạo nơi chánh phủ……………..08.
Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền…….. 12.
Thi văn ……………………………….21.
Mục lục.