Trang

Chủ Nhật, 15 tháng 10, 2023

4796. MỘT VÀI NHẬN XÉT VỀ ĐẠO LUẬT MẬU DẦN (1938).

 

MỘT VÀI NHẬN XÉT VỀ ĐẠO LUẬT MẬU DẦN (1938).

Đạo Hữu Dương Xuân Lương chia sẻ.

Đạo Luật Mậu Dần (1938) lập ra 4 cơ quan hành đạo: Hành Chánh, Phước Thiện, Phổ Tế và Tòa Đạo. Đây là bộ luật rất quan trọng của Đạo Cao Đài.


1/- Cơ sở lập ra Đạo Luật Mậu Dần “1938”.

Trang 04 Đạo Luật Mậu Dần viết: Chánh Trị Đạo hiệp nhau lập luật và quyết định phương pháp thật hành thì buộc Hội Thánh phải thi hành y theo, tức nhiên nó sẽ thành luật, vì bởi theo Thiên ý của Đức Chí Tôn là để trọn quyền cho chúng sanh tự lập luật mà tu, nên các nguyện ước của Quyền Vạn Linh cầu nài và Quyền Chí Tôn công nhận nhập thành với Tân Luật, gọi là Luật Hội Thánh.

Giải thích 1: Năm 1937 Hội Thánh Cao Đài mở Ba Hội Lập Quyền Vạn Linh tại Tòa Thánh Tây Ninh. Căn cứ vào Vi Bằng ghi lại những ước vọng, quyết định của Ba Hội Lập Quyền Vạn Linh, Hội Thánh soạn ra Đạo Luật Mậu Dần (1938). Quyền Vạn Linh thuộc về Chánh Trị Đạo là quyền của ba hội: Hội Nhơn Sanh, Hội Hội Thánh và Thượng Hội. Chánh Trị Đạo để kiểm soát và bàn định các việc, ví như biên soạn kịch bản cho Hành Chánh Đạo thực hiện. Hội Thánh Cửu Trùng Đài nắm quyền Hành pháp thuộc về Hành Chánh Đạo có nhiệm vụ thực hiện kịch bản của Chánh Trị Đạo.

Hội Nhơn Sanh từ phẩm Tín Đồ cho đến Lễ Sanh, Thượng Chánh Phối Sư là Nghị Trưởng. Hội Hội Thánh là các chức sắc Cửu Trùng Đài từ phẩm Giáo Hữu đến Chánh Phối Sư và đối phẩm bên Hiệp Thiên Đài; Thái Chánh Phối Sư là Nghị Trưởng. Thượng Hội có Giáo Tông là Hội Trưởng, Hộ Pháp là Phó Hội Trưởng, Hội viên là 4 vị Đầu Sư, 3 vị Chưởng Pháp, Thương Phẩm, Thượng Sanh. Quyền của Giáo Tông và Hộ Pháp hiệp lại là Quyền Chí Tôn tại thế nên hai vị nầy không bỏ phiếu trong Thượng Hội mà chờ cho Ba Hội bên dưới bỏ phiếu xong rồi nhị vị vào đại điện mật nghị và trở ra tuyên bố chấp nhận hay không.

Đức Hộ Pháp là Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài, khi Đức Quyền Giáo Tông Thượng Trung Nhựt đăng tiên (1934), Hội Thánh và Ba Hội Lập Quyền Vạn Linh năm 1937 tín nhiệm Ngài cầm luôn Quyền Chưởng Quản Cửu Trùng Đài. Ngài cầm quyền Chưởng Quản Nhị Hữu Hình Đài Hiệp Thiên và Cửu Trùng là cầm Quyền Chí Tôn tại thế để công nhận Đạo Luật Mậu Dần.

Giải thích 2: Quyền Chí Tôn có 3 diện: Quyền Chí Tôn tự hữu và hằng hữu: do chính Đức Chí Tôn cầm Quyền nầy là vô đối. Quyền Chí Tôn Vô Vi do Đức Chí Tôn ban cho Đức Lý Giáo Tông và Đức Hộ Pháp (phần vô vi) thể hiện qua các Đạo Nghị Định (thuộc pháp). Quyền Chí Tôn tại thế là quyền của phẩm Quyền Giáo Tông hữu hình (tham dự Thượng Hội và quyền của Đức Hộ Pháp phần hữu hình tham dự Thượng Hội) để đối trọng với 3 Hội Lập Quyền Vạn Linh để lập luật.

2/- Cách bố trí thể hiện ý chí Đạo Luật Mậu Dần, 1938.

2.1/- Ghi nhận về bố trí Đạo Luật Mậu Dần, 1938.

Đạo Luật Mậu Dần (1938) có 04 chương, 17 điều.

CHƯƠNG THỨ NHỨT: HÀNH CHÁNH.

Có 17 điều. Từ điều 01 đến điều 17.

Tại điều 10 và 11 ghi: (Thuộc về Phước Thiện, xem chương thứ hai)

Tại điều 14 ghi: (Về phần Phổ Tế, xin xem chương thứ ba)

Tại điều 15 ghi: (Về phần Tòa Đạo, xin xem chương thứ tư).

CHƯƠNG THỨ HAI: PHƯỚC THIỆN.

Chỉ có 02 điều: điều 10 và 11.

Lấy hai điều 10 & 11 của Chương Hành Chánh tạo thành.

CHƯƠNG THỨ BA: PHỔ TẾ.

Có 01 điều: điều 14.

Lấy điều 14 của Chương Hành Chánh tạo thành.

CHƯƠNG TÒA ĐẠO.

Có 01 điều: điều 15.

Lấy điều 15 của Chương Hành Chánh tạo thành.

Sau đó đến điều 16 & 17 là hết Chương Hành Chánh. Đạo Luật chấm hết ở Chương Tòa Đạo (Điều 15).

2.2/- Ý Chí khi lập Đạo Luật Mậu Dần, 1938.

Như vậy chứng tỏ Hành Chánh cầm quyền điều hợp (tổng thể); Phước Thiện, Phổ Tế và Tòa Đạo cầm quyền điều hành (bộ phận). Các cơ quan Phước Thiện, Phổ Tế, Tòa Đạo cực kỳ quan trọng được xem như ba trụ trong tứ trụ của Chánh Trị Đạo nhưng phải chịu sự điều động của Hành Chánh. Vì các điều để lập nên 03 cơ quan nầy điều thuộc về chương Hành Chánh.

Phước Thiện phải chịu sự điều động của Hánh Chánh Đạo. Hiền Tài Ban Thế Đạo hay văn phòng Ban Thế Đạo các nơi cũng đều phải chịu sự điều động của hành chánh tôn giáo địa phương. Đại Đạo Thanh Niên Hội cũng phải chịu sự điều động của Hành Chánh tôn giáo địa phương. Đó là một phần trong triết lý QUỐC ĐẠO.

Hành Chánh như một Viện Đại Học, Phước Thiện, Phổ Tế và Tòa Đạo như các phân khoa.

Xin mời xem bảng tóm lược:







3/- Một số thay đổi:

-/ Mỗi Văn Phòng của Đầu Tỉnh Đạo phải có một vị Giáo Hữu làm Đầu Phòng. Sau Hội Thánh Cao Đài đổi Đầu Tỉnh Đạo thành Khâm Trấn Đạo (gồm nhiều Châu Đạo, như cấp vùng trong quân sự), do một vị Giáo Sư làm Khâm Trấn.

-/ Mỗi Văn Phòng của Đầu Họ Đạo phải có một vị Lễ Sanh làm Đầu Phòng. Sau Hội Thánh Cao Đài đổi Đầu Họ Đạo thành Khâm Châu Đạo (là một tỉnh theo ranh giới hành chánh quốc gia) do một vị Giáo Hữu làm Khâm Châu.

-/ Mỗi Văn Phòng Đầu Quận Đạo phải có một vị Chánh Trị Sự làm Đầu Phòng. Sau Hội Thánh Cao Đài đổi Đầu Quận Đạo thành Đầu Tộc Đạo (là một quận theo ranh giới hành chánh quốc gia) do một vị Lễ Sanh làm Đầu Tộc. Tộc Đạo là đơn vị chọn nhân sự về dự Đại Hội Nhơn Sanh.

-/ Đầu Phòng Văn chịu trách công văn đến và đi, soạn thảo văn bản theo yêu cầu của Khâm Trấn, Khâm Châu hay Đầu Tộc. Đầu Phòng Văn chỉ huy các vị Thư ký trong văn phòng.

4/- Đạo và chánh trị không có buổi liên hiệp cùng nhau.

Điều thứ ba, khoản 7 qui định: Nếu như một ai còn đương quyền Đời mà muốn vào hàng phẩm Chức Việc, thì phải từ bỏ quyền Đời đặng để trọn tâm lo tròn trách nhậm Đạo.

Chức việc bao gồm 3 phẩm Thông Sự, Phó Trị Sự và Chánh Trị Sự. Chánh Trị Sự là Đầu Hương Đạo coi về chánh trị và luật lệ trong một xã, Phó Trị Sự coi về giáo hóa (chánh trị) trong một ấp, Thông Sự coi về luật lệ trong một ấp. Như vậy trong một xã có bao nhiêu ấp thì có bấy nhiêu Thông Sự và Phó Trị Sự để giúp cho Chánh Trị Sự. Bàn Trị Sự là một Chánh Trị Sự, một Phó Trị Sự và một Thông Sự. Từ Trấn Đạo đến Hương Đạo là 4 cấp hành chánh tôn giáo ở địa phương. Hệ thống Hành Chánh Đạo Nam và Nữ song song nhau. Nam lo bên Nam Nữ lo bên Nữ, khi khiếm khuyết thì hỗ trợ nhau.

Chữ đương quyền đời là các viên chức trong bộ máy quốc gia dù là hành pháp, tư pháp hay lập pháp đều không được, kể cả các đảng phái chính trị cũng không được.

5/- Chương III: Phổ Tế, Điều 14: Phương cách đối phó cùng các chi phái phản đạo.

Luật: Chiếu theo Thánh Giáo của Đức Chí Tôn và Đạo Nghị Định số 8 của Đức Lý Giáo Tông, thì toàn cả Chúng Sanh nhứt định không nhìn nhận các Chi Phái phản Đạo và phải định quyết là Bàn Môn Tả Đạo.

Khoàn 4: Đối với các Chi Phái do Đại Đạo lập thành mà phản loạn Chơn Truyền, ngày nay đã lỗi thệ cùng Thầy, thì xin Hội Thánh thể lòng đại từ đại bi của Đức Chí Tôn, mở kỳ ân xá cho họ đặng nhập môn tái thệ y theo Châu Tri số 31 đề ngày 18 tháng 9 năm Bính Tý, duy trong Châu Thành Tòa Thánh, những kẻ phản Đạo không đặng nhập môn trở lại mà thôi.

Khoản 5: - Hiện thời đương lo tạo tác Tòa Thánh, cấm nhặt các Chi Phái vào Thánh Địa toan mưu khuấy rối. Chừng nào Toà Thánh lập xong, dầu Chức Sắc các Chi Phái muốn nhập môn làm Tín Đồ đi nữa, thì cũng phải có Quyền Vạn Linh và Quyền Chí Tôn công nhận mới đặng.

6/- Cuộc qui nhứt năm 1969.

Có hai diễn tiến quan trọng trước khi Hội Thánh Cao Đài và Hội Thánh các Chi ký kết 9 điều kiện qui nhứt về Tòa Thánh Tây Ninh:

6.1/- Hai diễn tiến: ân xá & dạy đoàn kết.

 Thứ nhứt. Huấn Lịnh 380 (19-4-1949), Đức Hộ Pháp cầm quyền Chưởng Quản Nhị Hữu Hình Đài Hiệp Thiên và Cửu Trùng (Quyền Chí Tôn tại thế) ân xá: Bần-Đạo đã ân xá cho toàn cả Chi Phái, bất cứ là ai, nếu nhập môn lại và vâng y Luật Pháp Tòa-Thánh sẽ là Tín-đồ chánh-thức của Đạo Cao-Đài.... (ảnh 1)

Thứ hai. Thư Đức Hộ Pháp gởi Bắc Tông Đạo ngày 29-4-1958: Nguyên do lập chi phái là như thế. Hôm nay Qua cầu xin mấy em khi hiểu rõ căn do nguy hiểm ấy rồi thì mấy em không nên phân phe chia phái, tránh làm tai hại cho kẻ nghịch Đạo lợi dụng mấy em hại lại Đạo. Phải tìm phương thống nhất cả khối đức tin của mấy em nơi Đức Chí Tôn, Đức Phật Mẫu cùng các Đấng Thiêng Liêng thì Đạo mới đặng bền vững, bằng chẳng vậy, nếu mấy em còn chia rẽ nhau tức là mấy em tự mình diệt Đạo.

6.2/- Hội Thánh Cao Đài bàn định và thống nhất với các chi phái.

Ngày 09-5-1964 Hội Thánh Cao Đài ngồi lại với Hội Thánh các Chi tại Nội Ô Tòa Thánh Tây Ninh. Đại diện Hội Thánh Cao Đài là Ngài Bảo Thế Lê Thiện Phước, cụ Trần Văn Quế (Huệ Lương) là Trưởng phái đoàn các Chi, các vi bằng sau đó cho thấy cụ Phan Khắc Sữu có đóng góp tích cực. Các vị tiền bối nhìn nhận việc qui nhứt cơ đạo là quan trọng và tất yếu. Sau đó có thêm các phiên họp ngày 23-8-1964 tại Nam Thành Thánh Thất (đường Nguyễn Cư Trinh); ngày 19-7-1966 tại Tòa Thánh Tây Ninh.

Sau hết là vi bằng phiên họp ngày 24-2-1969 tại Tòa Thánh Tây Ninh, Giáo Hữu Ngọc Chánh Thanh đã đọc 9 điều kiện qui nhứt cho toàn hội nghe và thống nhất ký tên. Theo đó:

Điều II: Thống nhất các danh từ ĐẠI-ĐẠO TAM-KỲ PHỔ-ĐỘ gồm có:

a/- Một Toà Thánh duy nhất tại Tây Ninh, còn các nơi khác gọi là Thánh Thất hay Thánh Tịnh.

b/- Một Hội Thánh duy nhất tại Tòa Thánh Tây Ninh cầm quyền Chưởng Quản nền Đạo.

Điều III: Để tiến đến sự thống nhất toàn vẹn, tạm thời tôn trọng hệ thống tổ chức địa phương và Chức phẩm của mỗi Chi, chờ ngày quyền Thiêng liêng quyết định tại Cung Đạo TÒA THÁNH Tây Ninh do Hiệp Thiên Đài Toà Thánh phò loan. 

a/- Đứng vào hàng chức sắc Thánh Thể Đức Chí Tôn phải tùng y Đạo pháp, phế đời hành Đạo.

b/- Chức sắc các Chi về TÒA THÁNH tạm thời hành sự dưới quyền Hội Thánh Hiệp Thiên Đài tối thiểu là một năm mới được dâng lên quyền Thiêng liêng định vị tại cung Đạo.

c/- Khi hành lễ mặc áo tràng trắng, khăn đen, sắp ngôi thứ trên từng lầu Hiệp Thiên Đài. (ảnh 2)

(Nhận xét: Trong 9 Điều kiện qui nhứt gọi các Chi, không gọi Chi phái)

7/- Thành quả đầu tiên: Bán Nguyệt San THÔNG TIN của Hội Thánh Cao Đài TTTN số 54 ra ngày 10/5/Nhâm Tý (20/6/1972) đăng thông tin Phái đạo Từ Vân (100 Thích Quảng Đức, Phú Nhuận, Saigon) qui nhứt về Tòa Thánh Tây Ninh. Hội Thánh Cao Đài tiếp nhận, đưa vào Châu Đạo Gia Định và thuyên bổ chức sắc đến hành đạo.

Hết.

Câu hỏi cần giúp giải đáp: Trong 9 điều kiện qui nhứt có khoản nào dạy phải Tái Thệ hay không?

Ảnh 1: Huấn Lịnh ân xá







Ảnh 2: Điều kiện Qui Nhứt.