VNTB – Thư gởi Người Lính Quân Đội Nhân Dân Việt Nam
Phạm Bá Hoa
(VNTB) – Nếu Các Anh không đứng lên, sẽ không có quốc gia nào đến Việt Nam giành lại Quyền Làm Người thay Các Anh đâu,
Tôi là người Việt Nam. Chào đời năm 1930, phục vụ quân lực Việt Nam Cộng Hòa từ ngày 12/5/1954 đến Giờ Thứ 25 ngày 30/4/1975. Sau ngày tang thương này, lãnh đạo Việt Cộng đẩy tôi vào trại tập trung trên đất Nam ngày 14/6/1975, chuyển đến trại tập trung trên đất Bắc từ ngày 16/6/1976, ra khỏi trại tập trung ngày 9/9/1987 về đến nhà ở Sài Gòn chiều ngày 12/9/1987, rời khỏi Việt Nam tháng 4/1991 tị nạn cộng sản trong đợt H05, và đang sống tại Hoa Kỳ.
Ước mơ của tôi là được trở về Việt Nam sống trên quê hương cội nguồn của mình dưới chế độ dân chủ tự do. Vì vậy mà ước mơ đó luôn thúc đẩy tôi tổng hợp các tin tức và chọn lọc vào nội dung, giúp Các Anh và những thành phần yêu chuộng dân chủ tự do có nét nhìn rộng hơn và rõ hơn, về những sự kiện trên thế giới liên quan trực tiếp lẫn gián tiếp đến mục tiêu ngăn chận tham vọng thống trị thế giới của Trung Cộng, mà Hoa Kỳ và một số quốc gia phát triển đang thực hiện. Và khi lãnh đạo Việt Cộng tự suy yếu, hoặc Trung Cộng bị suy yếu thì lãnh đạo Việt Cộng không còn chỗ dựa, đó là cơ hội cho Các Anh và toàn dân đứng lên giành lại Quyền Làm Người của mình, nối tiếp dòng lịch sử oai hùng của dân tộc từ ngàn năm trước.
Là Người Lính trong Quân Đội gắn liền với hai chữ “Nhân Dân”, phải hiểu là Các Anh có trách nhiệm bảo vệ Nhân Dân, cũng là bảo vệ Tổ Quốc, vì Tổ Quốc với Nhân Dân là trường tồn, trong khi đảng cộng sản hay bất cứ đảng nào cầm quyền cũng chỉ một giai đoạn của lịch sử. Ngay cả Cộng Sản Quốc Tế là Liên Xô như đang chờ nắm quyền thống trị thế giới vô sản, đã phải sụp đổ từ đầu năm 1991 vì cộng sản là chế độ độc tài và độc ác. Liên Xô sụp đổ, kéo theo nhóm quốc gia cộng sản vùng Đông Châu Âu cùng sụp đổ.
Chưa hết, Các Anh hãy nhớ lại vào nửa thế kỷ trước đó, phát xít Đức bắt đầu chiến tranh xâm lăng Ba Lan từ tháng 10/1939 và chiếm gần hết Châu Âu, trong khi phát xít Nhật bắt đầu chiến tranh với Hoa Kỳ từ tháng 12/1941 và chiếm gần hết các quốc gia vùng Đông Nam Châu Á, nhưng đến nữa cuối năm 1945 thì cả Đức lẫn Nhật phải gục ngã -vì họ là chế độ độc tài và độc ác không thể tồn tại dài lâu- trước thế giới tự do do Hoa Kỳ dẫn đầu. Và nội dung tôi gởi đến Các Anh được đặt trên căn bản đó.
Với lá Thư này, tôi sưu tầm và chọn lọc được những bản tin liên quan đến các cuộc biểu tình chống Zero Covid, và chống độc tài tại Trung Cộng trong tuần lễ cuối của tháng 11/2022.
Người dân Bắc Kinh biểu tình.
Ngày 24/11/2022, vụ hỏa hoạn tại một khu chung cư ở Urumqi, thủ phủ của vùng viễn tây Tân Cương, làm cho 10 người chết và 9 người bị thương. Sự kiện này đã làm cho người dân phẫn nộ, không phải vì chết nhiều hay ít mà vì các biện pháp phong tỏa Zero Covid đã cản trở đoàn xe cứu hỏa trong việc chữa cháy và giải cứu các nạn nhân.
Thế là các thành phố lớn của Trung Cộng -kể cả thủ đô Bắc Kinh- người dân tập họp để tưởng niệm những người đã chết trong vụ hỏa hoạn tại Tân Cương, lên tiếng chống chính sách Zero Covid quá khắc nghiệt, đồng thời chống chế độ cộng sản và đòi tự do dân chủ.
Bài phân tách của Stephen McDonell phóng viên đài BBC tại Bắc Kinh về những cuộc biểu tình tại Trung Cộng, như sau: “Hành động phản kháng của người dân không phải bất thường tại Trung Cộng, vì sự bất mãn của người dân trong những năm qua liên quan đến các vấn đề, từ ô nhiễm độc hại, đến chiếm đất trái phép, hay một người dân trong cộng đồng bị Công An đối xử thậm tệ”.
“Nhưng lúc này thì có sự khác biệt. Có một chủ đề thường trực trong tâm trí người dân Trung Cộng, và khi nhiều người ngày càng chán nản với điều này, đã dẫn đến các cuộc phản đối chống những lệnh phong tỏa từ chính sách “Zero Covid” của chánh phủ. Sự phản đối xuất hiện dưới dạng người dân đạp đổ các rào chắn được dựng lên để thực hiện cách ly người dân từng khu vực, và hiện tại, các cuộc biểu tình lớn đã xảy ra trên đường phố tại những thành phố lớn, và tại các khuôn viên trường đại học trên khắp đất nước.
Johnny, 26 tuổi, tham gia biểu tình tại Bắc Kinh nói với Reuters rằng: “Tấm giấy trắng đại diện cho tất cả mọi thứ mà chúng tôi muốn nói nhưng không thể nói được. Tôi đến đây để bày tỏ sự thành kính đối với những nạn nhân trong vụ hỏa hoạn, tôi thật sự hy vọng chúng tôi có thể chứng kiến những biện pháp chống Covid này chấm dứt. Chúng tôi muốn sống trở lại một cuộc sống bình thường. Chúng tôi muốn có danh dự”.
Vào năm 2020, tại Hong Kong, các nhà hoạt động cũng giơ cao tấm giấy trắng để tránh những điều bị cấm theo luật mới về An Ninh Quốc Gia mới. Năm 2022 này, những người biểu tình tại Moscow, cũng đã sử dụng tấm giấy trắng để phản đối cuộc chiến tranh của Nga tại quốc gia Ukraine.
Trong khi đó trên Internet, một số người dùng đã bày tỏ sự đoàn kết bằng cách đăng tải những hình vuông trắng, hoặc hình ảnh cầm những tờ giấy trắng trên WeChat hay Weibo.
Ngày 28/11/2022, tại Bắc Kinh, hàng trăm thanh niên hầu hết đã biểu tình ở trung tâm thương mại của thành phố. Đầu tiên, một đám đông nhỏ tập trung dọc theo sông Liangma để cầu nguyện cho các nạn nhân của vụ hỏa hoạn ở Tân Cương, trước khi đám đông lớn dần lên, và cuối cùng là diễn hành xuống đường vành đai thứ ba của thành phố. Mọi người hô vang các khẩu hiệu chống Covid 19, đồng thời lên tiếng ủng hộ những người biểu tình ở Thượng Hải đang bị giam giữ, và kêu gọi các quyền tự do dân sự lớn hơn. “Chúng tôi muốn tự do”. Chúng tôi muốn tự do”.
Một người biểu tình đã nói với Selina Wang của CNN rằng: “Tôi rất bị sốc trước số người tham gia biểu tình. Mọi người Trung Hoa có lương tâm nên ở đây. Họ không cần phải nói lên ý kiến của mình, nhưng tôi hy vọng họ có thể sát cánh cùng chúng tôi”.
Sinh viên nhiều trường đại học biểu tình.
Tối 25/11/2022, hằng trăm Trường Cao Đẳng và Trường Đại Học khắp nơi, sinh viên đã biểu tình, dán áp phích phản đối. Ở nhiều nơi trên đất nước, cư dân trong các khu dân cư bị phong tỏa, đã phá bỏ các rào chắn và xuống đường, sau các cuộc biểu tình chống phong tỏa rầm rộ diễn ra ở con đường vừa mang tên Urumqi.
Những cảnh giận dữ và thách thức lan rộng như vậy, có nơi kéo dài đến tận sáng hôm sau. Thật ra, những cuộc biểu tình phản kháng chánh phủ vừa xảy ra như vậy, là sự kiện cực kỳ hiếm thấy ở Trung Cộng, nơi mà Đảng Cộng Sản luôn thẳng tay đàn áp mọi bất đồng chính kiến.
Nhưng ba năm sau đại dịch, người dân đã bị đẩy đến trước vực thẳm, bởi vì chánh phủ vẫn tiếp tục áp dụng các biện pháp phong tỏa xét nghiệm Covid và cách ly liên tục trong mấy tháng vừa qua, cũng như kiểm duyệt ngày càng thắt chặt, và liên tục tấn công các quyền tự do cá nhân.
Ngày 26/11/2022, có một video mà hãng tin Reuters chúng tôi chưa kiểm chứng được, đó là: “Cảnh một phụ nữ đứng trên bậc thềm tại Đại Học Bưu Chính Viễn Thông Nam Kinh, giơ cao tấm giấy trắng trước khi một người đàn ông không xác định danh tính, chen vào và giật lấy. Người đàn ông này sau đó chửi đám đông biểu tình:
“Một ngày kia, các người sẽ trả giá tất cả cho những gì đã làm”.
Các sinh viên đáp trả: “Bạn cũng vậy, và đất nước này cũng vậy”.
Ngày 27/11/2022, khoảng 100 sinh viên tập trung chung quanh một khẩu hiệu phản đối được viết trên vách tường trường Đại Học Bắc Kinh. Một sinh viên nói với CNN rằng: “Khi tôi đến hiện trường vào khoảng 1 giờ sáng, thấy các nhân viên bảo vệ đang dùng áo khoác để che dấu hiệu phản đối. “Nói không với phong tỏa, nói có với tự do. Nói không với xét nghiệm Covid. Nói có với thực phẩm”.
Thông điệp được viết bằng sơn đỏ, lặp lại khẩu hiệu của một cuộc biểu tình diễn ra ở Bắc Kinh hồi tháng 10 vừa qua, chỉ vài ngày trước cuộc họp quan trọng của Đảng Cộng Sản mà tại đó ông Tập đã chiếm quyền lực và nhiệm kỳ thứ ba.
“Mở mắt ra và nhìn thế giới, động lực không Covid là một lời nói dối”, đó là nội dung của khẩu hiệu phản đối tại Đại Học Bắc Kinh. Sau đó, đã phủ khẩu hiệu bằng sơn đen. Cuối cùng, các sinh viên cùng hát Quốc Tế Ca trước khi bị các giáo viên và nhân viên bảo vệ giải tán.
Các cuộc biểu tình cũng đã nổ ra trong các khuôn viên trường đại học -nơi đặc biệt nhạy cảm về mặt chính trị đối với Trung Cộng- do lịch sử từ các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ tại Quảng Trường Thiên An Môn do sinh viên lãnh đạo vào năm 1989.
Tại phía đông tỉnh Giang Tô, ít nhất hàng chục sinh viên từ Đại Học Truyền Thông, đã tập trung vào tối thứ Bảy (26/11/2022) để tưởng niệm những người thiệt mạng trong vụ hỏa hoạn ở Tân Cương. Các video cho thấy các học sinh giơ những tờ giấy trắng và đèn pin của điện thoại di động. Cuộc biểu tình trong khuôn viên trường tiếp tục vào chủ nhật (27/11/2022).
Tại Đại Học Thanh Hoa, một trường đại học ưu tú khác ở Bắc Kinh, hàng trăm sinh viên đã tập trung tại một quảng trường để phản đối chính sách Zero Covid và kiểm duyệt.
Người dân Thượng Hải biểu tình.
Thượng Hải tối 26/11/2022, nơi mà rất nhiều người trong số 25.000.000 cư dân của thành phố này, căm phẫn sâu sắc đối với chính sách Zero Covid đã bị phong tỏa trong thời gian dài. Hàng trăm cư dân đã tập trung để thắp nến cầu nguyện trên đường Urumqi, được đặt theo tên của thành phố, để tưởng nhớ các nạn nhân của vụ hỏa hoạn ở Tân Cương. Theo các video được lan truyền rộng rãi, thì nhà cầm quyền nhanh chóng kiểm duyệt trên phương tiện truyền thông xã hội trong nước.
Qua video của một người thu được, cho thấy chung quanh một đài tưởng niệm tạm thời, gồm: “Nến, hoa, và băng rôn, đám đông giơ cao những tờ giấy trắng mà theo chiến thuật mới là biểu tượng sự phản đối chống lại sự kiểm duyệt, và hô vang: “Cần nhân quyền. Cần tự do”.
Trong nhiều video mà hãng tin CNN xem được, người ta có thể nghe thấy mọi người hét lên yêu cầu “Chủ Tịch Tập Cận Bình và Đảng Cộng Sản cút đi”. Đám đông cũng hô vang “Không muốn xét nghiệm Covid, muốn tự do.” Và “Không muốn độc tài, muốn dân chủ.”
Công An yêu cầu người biểu tình không được hô vang “Hãy chấm dứt phong toả”, thì người biểu tình đáp lại với ý châm biếm “Muốn có thêm phong toả”. “Muốn được test Covid thêm nữa”.
Theo một nhân chứng nói với CNN: “Vào khoảng 3 giờ sáng, rất đông Công An lúc đầu đứng từ bên ngoài, bắt đầu tiến vào để đẩy lùi và chia đám đông ra thành những nhóm nhỏ, gây ra những cuộc đối đầu căng thẳng với những người biểu tình”.
Một nhân chứng khác thuật lại với CNN rằng: “Khoảng 4 giờ 30 phút sáng, tôi nhìn thấy một số người bị bắt đưa lên xe Công An bên cạnh đài tưởng niệm tạm thời. Một số người biểu tình góc bên kia cũng bị Công An lôi khỏi đám đông và đưa ra đám Công An đứng dọc theo hàng rào. Và các cuộc biểu tình dần dần giải tán trước khi trời sáng”.
Ngày 27/112022, cư dân Thượng Hải đã quay lại địa điểm này để tiếp tục phản đối, bất chấp đám đông Công An ngăn chận con đường. Chúng chen vào đám đông người dân biểu tình, và bắt đi nhiều người. Các video cho thấy: “Hằng trăm người tại một ngã tư cùng hét lớn “Thả người ra”. Thả người ra”. Lần này, Công An đông hơn, đàn áp dụng mạnh tay hơn, và bắt nhiều người hơn.
Trong một video khác, một người đàn ông cầm bó hoa cúc đang khom lưng vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, khi một sĩ quan Công An cố gắng ngăn anh lại Anh quay lại hỏi đám đông: “Tôi có phạm luật khi cầm hoa không?” Đám đông cùng hét lên: “Không. Không. Không”.
Người đàn ông nói lớn lên trong tiếng vỗ tay của đám đông: “Người Trung Hoa chúng ta cần dũng cảm hơn. Rất nhiều người trong chúng ta đã bị bắt ngày hôm qua. Chúng ta không nên sợ hãi”.
Người đàn ông đã vùng vẫy khi hơn chục Công An ép anh ta vào một chiếc xe bít bùng, trong khi đám đông giận dữ hét lên: “Thả anh ta ra. Thả ra”. Và tất cả lao về phía chiếc xe, nhưng chiếc xe đã chạy.
Các video khác cho thấy cảnh hỗn loạn khi Công An xô đẩy, kéo lê, và đánh đập người biểu tình.
Vào buổi tối cùng ngày, sau khi một người biểu tình bị kéo đi một cách thô bạo, hàng trăm người đã hét vào mặt Công An: “Bộ ba”, tiếng lóng ám chỉ Công An giống như các băng nhóm tội phạm địa phương.
Một người dân địa phương tên Frank Tsai nói với BBC rằng: “Tôi chưa từng thấy các cuộc biểu tình có quy mô thế này tại Thượng Hải trong 15 năm qua tôi sống ở đây. Hiện nay theo chính sách “zero Covid” của chánh phủ vẫn thực hiện xét nghiệm hàng loạt, người bị nhiễm Covid phải cách ly ở nhà hoặc cơ sở cách ly do chánh phủ giám sát. Các trường học và doanh nghiệp phải đóng cửa nếu có ca nhiễm, tất cả cửa hàng cũng phải đóng cửa, ngoại trừ cửa hàng bán thực phẩm”.
Theo một chuyên gia ở Thượng Hải xin giấu tên, nói với BBC rằng: “Cho đến ngày giờ này, chúng tôi chưa thấy điểm kết thúc phong tỏa”.
Giáo sư Rana Mitter -Giám Đốc Trung Tâm Trung Cộng tại Đại Học Oxford- nói rằng: “Các lãnh đạo cao nhất của Trung Cộng có thể chưa nhận ra được mức độ bất mãn của người dân liên quan đến các lệnh phong tỏa Covid, vì truyền thông và tự do ngôn luận bị kiểm soát nghiêm ngặt. Có thể có một lập luận rằng, hoặc những người ở cấp độ đó không nhận ra được người dân bất mãn đến thế nào, hoặc không thể tìm ra được cách giải quyết tốt nhất, xét về việc mở cửa hoặc sử dụng một chiến dịch vaccine khác”.
“Vấn đề mà lãnh đạo Trung Cộng đang đối mặt chừng như không có “một điểm kết thúc rõ ràng” là khi nào các lệnh phong tỏa sẽ được dỡ bỏ và trở lại trạng thái bình thường, với một lý do là không nhập, hoặc phê chuẩn vaccine mRNA, vốn được hầu hết các quốc gia Phương Tây sử dụng”.
“Theo một góc nhìn khác, thật khó khăn để lý giải “sốc” như thế nào, khi đám đông người biểu tình tại Thượng Hải kêu gọi Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phải từ chức. Cực kỳ nguy hiểm khi công khai chỉ trích Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Trung Hoa từ chức. Bạn có nguy cơ bị bỏ tù.
“Người biểu tình cũng xuất hiện trên một con đường ở thành phố Thượng Hải (Wulumuqi Lu), mang theo tên của thành phố tại Tân Cương, nơi xảy ra vụ hỏa hoạn khiến 10 cư dân thiệt mạng chỉ vì lệnh phong tỏa “Zero Covid” đã cản trở các nỗ lực chữa cháy.
“Trong đám đông, có tiếng của một người biểu tình hô to: “Tập Cận Bình”, thì đám đông cùng hô to như nối tiếp lời của một người trước đó “Hãy từ chức đi”.
Rồi đám đông liên tục cùng hô to “Tập Cận Bình hãy từ chức đi”. “Tập Cận Bình hãy từ chức đi”.
Đám đông lại hô vang “Đảng Cộng Sản Trung Hoa hãy từ chức”. Đảng Cộng sản Trung Hoa hãy từ chức”.
“Đối với một tổ chức chính trị không có sự ưu tiên nào lớn hơn là vẫn tiếp tục nắm quyền lãnh đạo, thì đây là một thách thức lớn. Nhưng, dường như lãnh đạo Trung Cộng đánh giá quá thấp sự bất mãn của người dân đối với lệnh phong tỏa Zero Covid, một chính sách có liên quan đến Chủ Tịch Tập Cận Bình, mà thời gian gần đây ông cam kết sẽ không thay đổi chính sách. Và thêm nữa, không có lối ra dễ dàng cho Đảng Cộng Sản Trung Hoa đã tự khiến mình rơi vào tình huống xấu.
“Có ba năm để chuẩn bị việc mở cửa trở lại, nhưng thay vì gia tăng các đơn vị chăm sóc tích cực ICU ở các bệnh viện, và nhấn mạnh đến nhu cầu tiêm vaccine, thì Trung Cộng lại đổ nguồn lực khổng lồ vào công tác xét nghiệm hàng loạt, phong tỏa, và các cơ sở cách ly để chiến thắng một con virus sẽ không bao giờ biến mất”.
Người dân Vũ Hán, Thành Đô, Quảng Châu biểu tình.
Vẫn tối 27/11/2022, các cuộc biểu tình rầm rộ đã lan đến Vũ Hán, Thành Đô, Quảng Châu, nơi hàng ngàn cư dân không chỉ kêu gọi chấm dứt các hạn chế của Covid, mà đáng chú ý hơn là kêu gọi các quyền tự do chính trị.
Khu vực tây nam Thành Đô, những đám đông lớn đã biểu tình dọc theo bờ sông nhộn nhịp trong một khu mua sắm và ẩm thực nổi tiếng, theo một người biểu tình được CNN phỏng vấn và các video lan truyền trực tuyến:
Bắt đầu bằng một phút mặc niệm để tưởng nhớ các nạn nhân vụ hỏa hoạn ở Tân Cương, sau đó trở thành phản đối chính trị độc tài độc đảng, khi đám đông ngày càng đông, lên tới hàng trăm người.
Đám đông hô vang hét lớn: “Phản đối chế độ độc tài”. “Chúng tôi không muốn những người cai trị suốt đời. Chúng tôi không muốn hoàng đế.”
Tại phía Nam thành phố Quảng Châu, hằng trăm người đã tập trung tại một quảng trường công cộng ở quận Haizhu, tâm điểm của đợt bùng phát Covid đang diễn ra của thành phố đã bị phong tỏa trong nhiều tháng. Đám đông cùng hét lớn:
“Chúng tôi không muốn phong tỏa, chúng tôi muốn tự do.
Tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do nghệ thuật, tự do đi lại, tự do cá nhân.
Trả lại tự do cho chúng tôi”.
Tờ giấy trắng trở thành biểu tượng cho các cuộc biểu tình chống các lệnh hạn chế Covid tại Trung Cộng. Hình ảnh và video trên hệ thống internet cho thấy sinh viên tại các trường đại học ở Nam Kinh và Bắc Kinh, đã giơ cao các tấm giấy trắng trong cuộc biểu tình im lặng, một chiến thuật mới nhằm tránh sự kiểm duyệt hay bị bắt giữ.
Ngày 28/11/2022, hãng tin China News Service dẫn lời một viên chức kiểm soát dịch bệnh thủ đô Bắc Kinh tuyên bố: “Sẽ không còn hàng rào ngăn chận người dân ra vào các khu chung cư có người bị COVID. Các lối đi sẽ được thông thoáng để vận chuyển y tế, thoát hiểm khẩn cấp và cấp cứu”.
Tin tức trên truyền thông phương Tây.
Ngày 28/11/2022:
– Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI), tổng hợp tin của các hãng thông tấn quốc tế: “Liên Hiệp Quốc và Hoa Kỳ đã yêu cầu Trung Cộng tôn trọng quyền biểu tình ôn hòa của người dân. Phong trào phản đối chính sách Zero Covid của Trung Cộng cũng diễn ra tại nhiều thành phố ở ngoại quốc.
– Theo Thông Tấn Xã AFP, Phủ Cao Ủy Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc, kêu gọi Trung Cộng “không giam cầm tùy tiện” những người biểu tình phản đối các chính sách dịch tễ một cách ôn hòa. Phát ngôn viên của Phủ Cao Ủy Nhân Quyền –Jeremy Laurence- cũng kêu gọi Trung Cộng đối xử với những người biểu tình “theo đúng luật pháp quốc tế về nhân quyền”.
– Trong một cuộc trả lời báo chí, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc John Kirby khẳng định: “Hoa Kỳ ủng hộ quyền biểu tình ôn hòa tại Trung Cộng, cũng như khắp nơi trên thế giới. Tổng Thống Joe Biden theo dõi các diễn biến tại Trung Cộng”.
Trước đó, một phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nói rằng: “Trung Cộng rất khó duy trì chính sách “Zero Covid”, trong khi đó chích ngừa, xét nghiệm, và điều trị thì “hiệu quả hơn là các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt”.
– Phong trào phản kháng chống chính sách Zero Covid của Trung Cộng Bắc Kinh lan ra ngoại quốc. Theo Reuters, biểu tình diễn ra tại hơn một chục thành phố trên thế giới, đặc biệt tại Luân Đôn (Anh quốc), Paris (Pháp quốc), Tokyo (Nhật Bản), Sydney (Australia). Các cuộc biểu tình thu hút hàng chục, thậm chí hàng trăm người. Tại Paris, cuộc biểu tình trước Trung Tâm Pompidou hôm 27/11/2022, thu hút khoảng 200 người.
– Vẫn bản tin Reuters, tham gia biểu tình phần lớn là sinh viên du học và giới ly khai Trung Hoa. Theo thông tấn xã Reuters, đây là các cuộc biểu tình hiếm hoi ở ngoại quốc ủng hộ phong trào phản kháng tại Trung Cộng.
Truyền thông Trung Cộng.
Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Cộng tuyên bố là chánh phủ không ghi nhận bất cứ một cuộc biểu tình nào ở ngoại quốc yêu cầu chấm dứt chính sách “Zero Covid”.
Cho đến nay -28/11/2022- truyền thông nhà nước Trung Cộng không đề cập đến các cuộc biểu tình. Riêng tờ Hoàn Cầu Thời Báo (Global Times) có bài viết cho rằng, truyền thông Phương Tây đã châm ngòi cho sự bất mãn của người dân liên quan đến chính sách Zero Covid của họ. Bài báo dẫn ý kiến của một chuyên gia từ Đại Học Phúc Đán: “Dựa trên các sự khác biệt về hệ tư tưởng, hầu như đã trở thành bản chất của các quốc gia và truyền thông Phương Tây trong việc chỉ trích những chánh phủ cộng sản, với mục tiêu lật đổ các chính phủ này bằng những cuộc cách mạng màu”.
Nhưng một số người diễn giải bài báo là một phản ứng không trực tiếp đến các cuộc biểu tình, và đồng thời bài báo trên Global Times cũng nêu các chính sách Covid của Trung Cộng “không bao giờ tĩnh tại” mà “luôn luôn được điều chỉnh liên tục”. Trang Tân Hoa Xã cũng nhấn mạnh đến nhu cầu ưu tiên phúc lợi cho người dân khi thực hiện các chính sách Covid, trong khi trang Nhân Dân Nhật Báo (China Daily) thì nói nhà cầm quyền địa phương đang hối thúc “để chỉnh sửa những sai lầm trong cách kiểm soát Covid”. (tóm lược bản tin của đài BBC trong e-mail happynguyen96@…….. ngày 29/11/2022)
Trung Cộng truy bắt người biểu tình
Ngày 1/12/2022, theo bản tin AFP thì số người nhiễm Covid vẫn tiếp tục tăng, nhưng Trung Cộng bắt đầu nới lỏng một số biện pháp y tế nghiêm ngặt tại một số nơi, điển hình là tại Bắc Kinh, Thành Đô, Tân Cương, những hàng quán, trung tâm thương mại, trường học, được phép hoạt động trở lại, trong khi nhóm chuyên gia Trung Cộng chủ trương cho phép bệnh nhân dương tính Covid 19 được tự cách ly tại nhà.
Trong cùng thời gian, Công An bắt đầu truy bắt những người tham gia các cuộc biểu tình phản đối chính sách Zero Covid, và nhất là những ai hô hào chống chánh phủ.
Thông tín viên RFI Stéphane Lagarde từ Bắc Kinh cho biết:
“Đi dạo dọc bờ kinh ở khu vực phía nam Bắc Kinh, có thể ở đây không có camera theo dõi. Chúng tôi có hẹn với một phụ nữ 35 tuổi. Cô đã tham gia cuộc xuống đường tối 27/11/2022 tại Bắc Kinh. Ngay hôm sau Công An đến nhà và đã gặp mẹ cô. Nhân chứng này kể lại: “Công An đến tìm tôi nhưng không gặp. Họ đã tìm đến nhà mẹ tôi vào lúc 2 giờ sáng, dọ hỏi bà xem tôi đang ở đâu. Khi tới nhà tôi, họ đã biết hết tất cả các hoạt động đi lại của tôi, mấy giờ tôi ra khỏi nhà, tôi đã tới phố nào tối hôm đó. Họ buộc tôi phải nhận là đã tham gia biểu tình”.
“Như rất nhiều người biểu tình khác, Công An đã tới gặp người phụ nữ này nhưng cô không bị bắt trên đường phố. Các tín hiệu điện thoại đã cho phép Công An tìm ra tông tích của phụ nữ này. Một Luật Sư bảo vệ người biểu tình đã cho biết; Điện thoại của người biểu tình bị tịch thu, một số người mất tích, như trường hợp của một nữ sinh viên ở Nam Kinh. Cô này là người đầu tiên giương cao một tờ giấy trắng. Theo lời vị Luật Sư này, hiện giờ không biết nữ sinh viên đó đang ở đâu. Một số khác thì đã bị bắt vào nhà giam vì gây rối trật tự công cộng.
Trấn áp, mất tích và hù dọa. Phụ nữ mà chúng tôi gặp được đã phải ký tên vào một văn bản cam kết từ nay trở đi sẽ không tham gia các các cuộc tập hợp trái phép. Cô nói “tôi hơi sợ, tại vì bây giờ tôi bị ghi danh, theo dõi, và mỗi lần trông thấy xe của Công An là tôi cảm thấy bất an. Tôi phải cẩn thận khi ra khỏi nhà và xóa hết các vết tích trên các ứng dụng lạ trên điện thoại. Tôi rút cả thẻ sim để tránh bị theo dõi qua điện thoại”.
“Điện thoại và các máy móc nhân diện khiến mọi người lo sợ. Nhiều người biểu tình cho biết giờ đây họ rất thận trọng với chiếc điện thoại di động vì cho rằng điện thoại của họ đã bị tin tặc thâm nhập”. (tóm lược bản tin của Thanh Hà trong e-mail lmyloan@….. ngày 2/12/2022
Nhận định
Với bản chất độc tài độc ác, Chủ Tịch Trung Cộng Tập Cận Bình rất có thể lợi dụng cái gọi là “chính sách Zero Covid”, không cho người dân ra ngoài để bảo đảm an toàn cho Hội Nghị Bắc Đới Hà hồi tháng 8/2022, và Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Hoa hồi tháng 10/2022. Rồi sau khi ông vẫn giữ được ghế thêm nhiệm kỳ nữa, ông liền quy tụ những viên chức thân tín vào Bộ Chính Trị và Quân Ủy Trung Ương để trước mắt là bảo vệ quyền lực của ông, và tiếp theo là liệu ông có được bài học kinh nghiệm Tổng Thống Nga xâm lăng Ukraine với phản ứng mạnh mẽ của Châu Âu và Hoa Kỳ, và ông sẽ áp dụng khi tấn công Đài Loan hay Việt Nam mà tránh né phản ứng quốc tế không?
Nhưng Chủ Tịch Trung Cộng bị người dân của ông vịn vào nguyên nhân “chính sách Zero Covid khắc nghiệt” đã chống đối mạnh mẽ chưa từng thấy từ sau vụ Thiên An Môn năm 1989, để thực hiện nguyên nhân chính là “đòi ông từ chức, đòi giải tán đảng cộng sản, đòi tự do, ..v..v….” Vì vậy mà tôi nghĩ, ông Tập chưa đụng đến chiến tranh, mà trước mắt là ông ta đang chỉnh sửa biện pháp nghiêm ngặt của chính sách Zero Covid, song song với hành động truy bắt những người chống đối chính trị.
Trong những ngày người dân Trung Hoa lục địa biểu tình dữ dội, truyền thông của đảng và nhà nước Việt Cộng không có một bản tin nào nói đến, cho thấy lãnh đạo Việt Cộng sợ hãi lây lan sang người dân Việt Nam, vì trong những tuần qua tại các tỉnh và thành phố ở Việt Nam đã xảy ra các cuộc biểu tình, tụ tập của người dân phản đối một số ngân hàng, doanh nghiệp vì bị mất tiền đầu tư vào các doanh nghiệp này.
Hà Nội cũng đã từng có kinh nghiệm về những vụ biểu tình quy tụ hàng ngàn người ở các thành phố lớn vào năm 2018 phản đối Dự luật Đặc khu.
Doanh nhân Đặng Thanh cho rằng: “Tình trạng biểu tình ở Trung Cộng sẽ tác động đến dân trí ở Việt Nam. Nó khích lệ đến nguyện vọng của người dân nước ta chế độ độc tài. Đặc biệt là trong thời gian gần đây. chánh phủ Việt Nam đã có những hành động được cho là thiếu cương quyết trong việc bảo vệ quyền lợi người dân, khi họ bị thiệt hại lớn bởi các ngân hàng.”
Ông Vũ Minh Trí nói: “Vận mệnh của Trung Cộng tương quan với vận mệnh của Việt Cộng. Trong bối cảnh Trung Cộng bị đông đảo người dân phản đối và người ta đòi thay đổi chế độ độc tài, thì phía Việt Cộng im lặng là điều dễ hiểu, vì trông người mà ngẫm đến ta, hay có tật giật mình.”
Luật sư -cũng là một nhà hoạt động xã hội ở Hà Nội- xin ẩn danh vì lý do an ninh, đặt câu hỏi: “Trung Cộng là một xã hội toàn trị hơn Việt Nam mà người dân còn biểu tình như vậy, thì tại sao người dân Việt Nam không thực hiện quyền biểu tình?”
Nói về quyền biểu tình của người dân, học giả Hà Hoàng Hợp nói: “Nhà nước Việt Nam trì hoãn nhiều năm việc ban hành luật biểu tình. Hy vọng sẽ không trì hoãn thêm nữa.”
Facebooker Dương Quốc Chính có 65.000 người dõi theo trên Facebook, cho rằng: ”Việc ngăn chặn tin tức của Việt Nam cũng rất ít tác dụng do mạng xã hội quá phổ biến. Truyền hình nhà nước (VTV) sẽ phải sớm đăng tin nay mai, vì “chặn vô ích thì chặn làm gì? Lại mang tiếng là bị đảng bạn chỉ đạo.”
Kết luận
Tôi vững tin là khi Trung Cộng thật sự hỗn loạn, hoặc ngay trong hàng ngũ lãnh đạo Việt Cộng hỗn loạn, thì đó là cơ hội giúp Các Anh cùng đồng bào đứng lên diệt trừ chế độ độc đảng độc tài trên quê hương Việt Nam, trong khi Cộng Đồng Tị Nạn Việt Cộng tại hải ngoại chúng tôi rất nhiều thuận lợi để vận động các quốc gia trợ giúp chúng ta cùng xây dựng chế độ Dân Chủ Tự Do và phát triển toàn diện, cùng lúc hòa nhập vào cộng đồng thế giới. Từ đó, người Việt Nam chúng ta sẽ ngẩng cao đầu giữa thế giới văn minh lịch sự, được hãnh diện trước những người ngoại quốc đến Việt Nam du lịch, tìm hiểu nếp sống văn hóa dân tộc với chiều dài lịch sử ngàn năm trước đã lừng danh thế giới.
Các Anh còn chần chờ gì nữa …. Lịch sử Việt Nam sẵn sàng đón nhận Các Anh như những anh hùng của thời cổ đại, đến thời cận đại, rồi thời đương đại, và đầu thế kỷ 21 này.
Nếu Các Anh không đứng lên, sẽ không có quốc gia nào đến Việt Nam giành lại Quyền Làm Người thay Các Anh đâu, vì họ chỉ trợ giúp mình chớ không ai làm thay cho mình đâu Các Anh à.
Và Các Anh đừng bao giờ quên rằng: “Tự do, không phải là điều đáng sợ, mà là nền tảng cho sự thịnh vượng của đất nước. Không có dân chủ, không thể có sự trỗi dậy và phát triển bền vững. Và chính chúng ta phải tranh đấu, vì Dân Chủ Tự Do không phải là quà tặng.
Texas, ngày 4 tháng 12 năm 2022