Việt Nam: Hệ quả khi bị đưa vào Danh Sách Theo Dõi Đặc Biệt của Hoa Kỳ vì đàn áp tôn giáo
- TỰ DO TÔN GIÁO & NHÂN QUYỀN
- POSTED ON
- Cơ hội cho các cộng đồng và tổ chức tôn giáo đang bị bách hại
Mạch Sống, 4 tháng 12, 2022
Ngày 2 tháng 12, Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken công bố quyết định đưa Việt Nam vào Danh Sách Theo Dõi Đặc Biệt (Special Watch List, SWL). Đây hẳn là cú “sốc” lớn thứ 2 cho Việt Nam trong vòng chưa đầy 5 tháng. Ngày 19 tháng 7 vừa qua, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã xếp Việt Nam vào Hạng 3, là hạng tệ nhất, về buôn người, với nguy cơ chính phủ bị cấm vận và cá nhân các giới chức chính quyền bị chế tài.
https://machsongmedia.org/vietnam/quyenconnguoi/1883-viet-nam-he-qua-khi-bi-dua-vao-danh-sach-theo-doi-dac-biet-cua-hoa-ky-vi-dan-ap-ton-giao.html
Nguồn gốc của danh sách SWL
Đạo Luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Frank Wolf, được Quốc Hội thông qua và Tổng Thống ký ban hành ngày 16 tháng 12, 2016, thiết lập danh sách SWL mà trước đó không hề có.
Đạo luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế ban hành năm 1998 chỉ có danh sách Quốc Gia Quan Tâm Đặc Biệt (Country of Particular Concer, CPC) dành cho những quốc gia vi phạm quyền tự do tôn giáo một cách có hệ thống, nghiêm trọng và vẫn tiếp diễn. Quốc gia bị chỉ định là CPC phải đối mặt các biện pháp trừng phạt mà nặng nhất là cấm vận. Việt Nam đã 2 năm bị đưa vào danh sách CPC: 2005 và 2006.
Do Việt Nam cam kết cải thiện chính sách về tôn giáo, Hoa Kỳ đã rút Việt Nam khỏi danh sách CPC năm 2007. Nhiều tổ chức tranh đấu cho quyền tự do tôn giáo, kể cả BPSOS, và nhiều vị dân biểu Hoa Kỳ cho rằng Hành Pháp Hoa Kỳ thời Tổng Thống Bush (con) đã rút Việt Nam khỏi danh sách CPC quá sớm. Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế (US Commission on International Religious Freedom, USCIRF), do Quốc Hội thành lập năm 1998 như một cơ quan tư vấn độc lập cho cá Hành Pháp lẫn Lập Pháp Hoa Kỳ, trong suốt 15 năm qua liên tục đề nghị đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC.
Hình 1 -- Đoàn Việt Nam tại Hội Nghị Thượng Đỉnh Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế, Washington DC, ngày 28/06/2022 (ảnh BPSOS)
Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ lập luận rằng mức độ vi phạm tự do tôn giáo ở Việt Nam chưa đến mức phải đưa vào danh sách CPC. Và đó là khiếm khuyết lớn của đạo luật năm 1998: Chỉ có CPC hoặc không CPC, và thế nào là chạm ngưỡng CPC thì lại hoàn toàn do Bộ Ngoại Giao quyết định. Đó là lý do Việt Nam và một số quốc gia đã thoát bị chỉ định CPC dù có hành vi đàn áp tôn giáo nặng nề.
Để điều chỉnh, DB Christopher Smith (Cộng Hoà, New Jersey) đã đưa vào đạo luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Frank Wolf năm 2016 điều khoản thiết lập danh sách SWL. Dù theo Bộ Ngoại Giao một quốc gia chưa chạm ngưỡng CPC nhưng gần chạm ngưỡng này thì phải đưa vào danh sách SWL để theo dõi một cách sát sao. Nếu sau một thời gian vẫn không cải thiện thì đó là căn cứ để bị chỉ định CPC.
Theo dõi đặc biệt nghĩa là sao?
Đối với quốc gia trong danh sách SWL, Bộ Ngoại Giao, thông qua phái bộ Hoa Kỳ ở quốc gia đó, phải theo dõi sát sao và kiểm tra các báo cáo vi phạm quyền tự do tôn giáo để phối kiểm xem:
- Các vi phạm này có đạt mức nghiêm trọng không – nghiêm trọng là các hành vi như:
- Tra tấn, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm
- Giam giữ thời gian dài không có cáo buộc chính đáng
- Bắt cóc hoặc thủ tiêu
- Khước từ quyền sống, quyền an toàn cá nhân
- Sự vi phạm có tính hệ thống, chẳng hạn như xuất phát từ chính sách nhất quán từ trung ương, hay không.
- Sự vi phạm có kéo dài và còn tiếp diễn không.
Nếu hội đủ 3 yếu tố trên thì quốc gia trong danh sách SWL sẽ bị chỉ định là CPC.
Việc chỉ định CPC này có thể xảy ra một khi việc phối kiểm hoàn tất. Chẳng hạn, chỉ định CPC có thể xảy ra chỉ vài tháng sau khi một quốc gia bị đưa vào danh sách SWL.
Báo cáo Quốc Hội
Đối với quốc gia trong danh sách SWL, Bộ Ngoại Giao hàng năm phải cung cấp cho Quốc Hội danh sách các vi phạm nghiệm trọng, danh tính của những thủ phạm đằng sau mỗi vi phạm, và biện pháp chế tài đã áp dụng đối với từng thủ phạm.
Các biện pháp chế tài này bao gồm:
- Cấm nhập cảnh thủ phạm và cả vợ, chồng, con và cha mẹ của thủ phạm vĩnh viễn. Những ai đang ở Hoa Kỳ thì bị trục xuất và vĩnh viễn không được quay trở lại Hoa Kỳ.
- Đóng băng tài sản ở Hoa Kỳ, nếu có, của thủ phạm.
Thủ phạm bao gồm giới chức chính quyền và các tác nhân ngoài chính quyền, như thành viên của các tổ chức “quần chúng tự phát” hoặc của các tổ chức tôn giáo “quốc doanh” làm công cụ đàn áp của chính quyền, hoặc các cá nhân đóng vai âm binh cho nhà nước ném đá giấu tay trong chính sách bách hại tôn giáo.
Hình 2 - Các tham dự viên Hội Nghị SEAFORB ở Bali, Indonesia, ngày 7/11/2022 (ảnh BPSOS)
Cách nào để khai thác cơ hội
Trong 7 năm qua, BPSOS đã đào tạo khoảng 2 nghìn thành viên của khoảng 200 cộng đồng tôn giáo và cộng đồng bản địa ở Việt Nam về cách viết báo cáo vi phạm quyền tự do tôn giáo và nhân quyền nói chung. Với sự hỗ trợ của BPSOS, họ đã hoàn tất hơn 500 bản báo cáo gửi LHQ, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Uỷ Hội USCIRF, và nhiều toà đại sứ Phương Tây ở Việt Nam.
BPSOS cũng đã tạo cơ hội và phương tiện cho hàng trăm nhân sự của các cộng đồng này tiếp xúc các toà đại sứ và toà tổng lãnh sự ở Việt Nam và các phái đoàn quốc tế thăm viếng Việt Nam, tham gia các diễn đàn về tự do tôn giáo ở tầm vóc khu vực hoặc quốc tế, mà gần đây nhất là chuỗi hội luận trực tuyến về Đạo Cao Đài (tháng 12, 2021) và Tin Lành Tây Nguyên (tháng 3, 2022), Hội Nghị Thượng Đỉnh về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế ở thủ đô Hoa Kỳ (cuối tháng 6, 2022) và Hội Nghị Tự Do Tôn Giáo hay Niềm Tin Khu Vực Đông Nam Á ở Bali, Indonesia (đầu tháng 11, 2022).
Sự lên tiếng và hiện diện của chính các nạn nhân là nhân chứng đã góp phần đáng kể cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ khi quyết định đưa Việt Nam vào danh sách SWL.
Mục tiêu kế tiếp là giữ Việt Nam trong danh sách SWL và rồi bị chỉ định CPC trừ khi nhà nước Việt Nam thực sự tuân thủ các cam kết quốc tế về tôn trọng quyền tự do tôn giáo của người dân. Muốn thế, sách lược của chúng tôi bao gồm:
- Tăng đáng kể đội ngũ được đào tạo kỹ lưỡng để theo dõi tình trạng đàn áp tự do tôn giáo và báo cáo các vị phạm với LHQ, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Uỷ Hội USCIRF và quốc tế nói chung.
- Lọc ra 12 – 15 hồ sơ tiêu biểu mà BNG Hoa Kỳ đã quan tâm trước đây để làm phép thử về những cam kết cải thiện của nhà nước Việt Nam.
- Tạo cơ hội và phương tiện cho nhiều hơn nữa các nạn nhân làm nhân chứng để tiếp xúc trực tiếp với quốc tế.
- Thu thập thông tin về thủ phạm, kể cả giới chức chính quyền và các “tác nhân ngoài chính quyền”, để cung cấp cho BNG Hoa Kỳ nhằm cứu xét biện pháp chế tài.
Ngoài ra, chúng tôi cũng kêu gọi các cộng đồng bị bách hại, các tổ chức tôn giáo, các cá nhân bảo vệ nhân quyền thực hiện song song với chúng tôi các sách lược kể trên.
Thông tin liên quan:
Hoa Kỳ: Việt Nam trong danh sách theo dõi đặc biệt vì đàn áp tôn giáo một cách nghiêm trọng
https://machsongmedia.org/vietnam/quyenconnguoi/1881-hoa-ky-viet-nam-trong-danh-sach-theo-doi-dac-biet-vi-dan-ap-ton-giao-mot-cach-nghiem-trong.html
Tù nhân lương tâm tôn giáo: yếu tố đưa Việt Nam đến gần danh sách CPC
https://machsongmedia.org/vietnam/quyenconnguoi/1852-tu-nhan-luong-tam-ton-giao-yeu-to-dua-viet-nam-den-gan-danh-sach-cpc.html
Tường trình về cuộc họp khoáng đại về tự do tôn giáo Đông Nam Á tại Bali, Indonesia
https://www.sbs.com.au/language/vietnamese/vi/podcast-episode/tuong-trinh-ve-cuoc-hop-khoang-%C4%91ai-ve-tu-do-ton-giao-%C4%91ong-nam-a-tai-bali-indonesia/ckrnl53y2
Hội Nghị Thượng Đỉnh Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế 2022: Các thành quả
https://machsongmedia.org/vietnam/quyenconnguoi/1840-hoi-nghi-thuong-dinh-tu-do-ton-giao-quoc-te-2022-cac-thanh-qua.html
Bị đưa xuống Hạng 3 về buôn người, Việt Nam phải đối mặt với các biện pháp chế tài của Hoa Kỳ
https://machsongmedia.org/vietnam/chong-buon-nguoi/1842-bi-dua-xuong-hang-3-ve-buon-nguoi-viet-nam-phai-doi-mat-voi-cac-bien-phap-che-tai-cua-hoa-ky.html