Trang

Chủ Nhật, 4 tháng 12, 2022

4405. Mỹ vẫn chưa đưa Việt Nam vào danh sách Quan ngại Đặc biệt (CPC)

 

3708. Mỹ vẫn chưa đưa Việt Nam vào danh sách Quan ngại Đặc biệt (CPC) – gồm các quốc gia vi phạm quyền tự do tôn giáo nghiêm trọng nhất

Đôi lời: Hoa Kỳ có hai danh sách các nước bị coi là vi phạm quyền tự do tôn giáo hàng đầu trên thế giới. Danh sách thứ nhất bao gồm những quốc gia vi phạm nghiêm trọng nhất, gọi là Countries of Particular Concerns (CPC). Danh sách thứ hai là những quốc gia vi phạm chưa nghiêm trọng bằng CPC.

https://basam.vet/2022/12/05/3708-my-van-chua-dua-viet-nam-vao-danh-sach-quan-ngai-dac-biet-cpc-gom-cac-quoc-gia-vi-pham-quyen-tu-do-ton-giao-nghiem-trong-nhat/

Năm 2004, Việt Nam đã bị đưa vào CPC. Đến năm 2006, trước khi TT Mỹ George W. Bush đến Hà Nội dự Hội nghị Thượng đỉnh APEC, Hoa Kỳ đã xóa tên Việt Nam khỏi danh sách CPC.

Thế nhưng, sau đó không bao lâu, là liên tục diễn ra những vụ việc mà có lẽ phải nói rằng người Mỹ lại tiếp tục bị “lừa” (hoặc vờ bị lừa). Điển hình là những vụ giáo xứ Cồn Dầu ở Đà Nẵng, Tu viện Bát Nhã ở Lâm Đồng (nơi Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã đặt hy vọng, công sức rất nhiều trong niềm tin chế độ Cộng sản VN sẽ thay đổi ít nhiều như ông đã từng hy vọng suốt từ trước 1975), v.v..

Từ 2006, nhiều tổ chức, cá nhân có ảnh hưởng ở Mỹ, VN và trên thế giới, đặc biệt là Uỷ Ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF), đã yêu cầu đưa VN trở lại CPC, nhưng cho tới nay vẫn chưa có kết quả.

Nếu chỉ đọc tựa đề trên các bài báo của BBC, RFA dưới đây, độc giả dễ lầm tưởng Hoa Kỳ vẫn rất “nghiêm khắc” với VN trong vấn đề tự tôn giáo. Đọc hết hai bài viết, chưa chắc đã nhận ra thực chất bên trong của vấn đề. Đọc thêm bài thứ ba (từ tháng 4/2022), sẽ thấy rõ hơn một chút.

“Thực chất” đó là gì? Nói ngắn gọn, Mỹ vẫn đang thua VN, hoặc ít ra là quá lúng túng, trước cái gọi là “ngoại giao cây tre”, không chỉ về tự do tôn giáo. Một bên vẫn hy vọng, như đã từng hy vọng với Trung Quốc, là chế độ cộng sản sẽ có thay đổi tích cực nào đó theo cách nhìn của mình, đồng thời lại luôn sợ cái “cây tre” này nó ngả thêm về phương Bắc. Một bên vẫn muốn làm, muốn tỏ ra không ngừng đi đầu trong thực hiện các quyền tự do con người trên thế giới.

Ba Sàm


Mỹ đưa Việt Nam vào ‘Danh sách Theo dõi Đặc biệt’ vì ‘vi phạm nghiêm trọng’ tự do tôn giáo

BBC

4 tháng 12 2022

Ngay phần đầu của thông cáo ngày 02/12, Hoa Kỳ khẳng định những vi phạm quyền tự do tôn giáo đang gieo rắc sự chia rẽ, xói mòn an ninh kinh tế và đe dọa đến sự ổn định chính trị và nền hòa bình toàn cầu.

Cụ thể, trong thông cáo ngày 02/12/2022, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố đưa Việt Nam vào ‘Danh sách Theo dõi Đặc biệt’ (Special Watch List). 

“Hôm nay tôi đưa Algeria, Cộng hòa Trung Phi, Comoros và Việt Nam vào ‘Danh sách Theo dõi Đặc biệt’ vì có tham gia hoặc chấp nhận những vi phạm nghiêm trọng về quyền tự do tôn giáo.”

Với các vi phạm nghiêm trọng hơn thì các nước bị Mỹ đưa vào Danh sách Quan ngại Đặc biệt (Countries of Particular Concern) gồm Trung Quốc, Cuba, Eritrea, Iran, Nicaragua, Bắc Hàn, Pakistan, Nga, Saudi Arabia, Tajikistan và Turkmenistan.

Hiện Việt Nam chưa đưa ra phản hồi chính thức về thông cáo này của chính phủ Mỹ. Trước đó, Việt Nam luôn khẳng định tự do tôn giáo là “sự thật không thể xuyên tạc”.

Hiến pháp Việt Nam năm 2013 có ba nội dung quan trọng liên quan đến quyền tự do tôn giáo:

  • Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.
  • Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
  • Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, vấn đề tự do tôn giáo tại Việt Nam hiện vẫn đáng lo ngại trong hồ sơ của các tổ chức nhân quyền quốc tế.

Theo Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế Việt Nam 2021 của Hoa Kỳ, chính quyền Việt Nam sách nhiễu, hành hung, bắt người, truy tố, theo dõi, từ chối hoặc không trả lời yêu cầu đăng ký và các yêu cầu xin phép khác của các tổ chức tôn giáo độc lập.

Gần đây nhất, ông Phan Văn Thu, tù nhân tôn giáo, người sáng lập Ân Đàn Đại Đạo – một tổ chức Phật giáo độc lập được chính quyền miền Nam Cộng hòa công nhận trước năm 1975 – vừa qua đời trong trại giam Gia Trung, tỉnh Gia Lai, được cho là do một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Năm 2022 có thể thấy nổi bật nhất là việc giới chức Việt Nam bắt giữ và xét xử bốn người của Tịnh Thất Bồng Lai – một tổ chức tôn giáo độc lập ở Long An.

Kết quả, tòa đã y án đối với ông Lê Tùng Vân 5 năm tù và năm bị cáo còn lại, mỗi người từ 3 đến 5 năm tù.

Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) đã đưa ông Lê Tùng Vân và năm bị cáo khác vào Freedom of Religion or Belief Victims List (Danh sách Nạn nhân Tự do Tôn giáo và Niềm tin) toàn cầu.

Có tự do tôn giáo qua phiên phúc thẩm vụ Tịnh Thất Bồng Lai?

Ngay sau phiên xử phúc thẩm vụ Tịnh Thất Bồng Lai vào ngày 02 – 03/11 vừa qua ở Long An, Luật sư Đặng Đình Mạnh nói với BBC News Tiếng Việt:

“Trong phiên tòa ngày 02 và 03/11/2022, thì chiều ngày 02/11/2022, khi tự bào chữa, ông Lê Thanh Hoàn Nguyên có cho rằng quyền tự do tôn giáo của ông ấy không được tôn trọng.”

“Tôi nghĩ, nguyên nhân từ việc ông ấy và các thành viên của Thiền Am vốn là những người tu hành tại gia theo cách mà họ cảm nhận về đức Phật, họ không theo đạo Phật và cũng không gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhưng lại bị bên bị hại là ông Trần Ngọc Thảo, pháp danh là Thích Nhật Từ tố cáo rằng họ giả tu, giả chùa, giả sư nên bức xúc phát ngôn như thế.”

Về việc chủ tọa Hội đồng xét xử (HĐXX) liên tục ngắt lời và cắt cử công an đứng xung quanh các bị cáo khi nói lời sau cùng, Luật sư Mạnh cho rằng quyền của các bị cáo đã không được bảo đảm.

“Căn cứ theo quy định tố tụng hình sự, trong phần tranh luận, khi đối đáp thì các bị cáo được tham gia. Tuy nhiên, trong phiên tòa vào chiều ngày 03/11, vị chủ tọa tuyên bố cắt phần này, cho nên, cả năm luật sư đều đứng dậy đề nghị HĐXX tôn trọng quyền đối đáp của các bị cáo do luật pháp quy định.

“Theo đó, năm luật sư đều không có ý chống lại quyết định của chủ tọa mà chỉ đang bảo vệ quy định luật pháp và quyền của thân chủ mình mà thôi. Sau đó, đến phần nói lời sau cùng thì chủ tọa phiên tòa liên tục cắt lời của bị cáo và yêu cầu họ chỉ được nói theo gợi ý của chủ tọa. Điều này, rất tiếc, lần nữa, quyền của các bị cáo lại không được bảo đảm.”

Trả lời BBC News Tiếng Việt, liệu phiên phúc thẩm vừa qua có phải là một ví dụ về phiên tòa bỏ túi ở Việt Nam hay không, Luật sư Mạnh nhận định:

“Tôi không rõ đây có phải là phiên tòa bỏ túi hay không. Nhưng cân nhắc về thời gian nghị án và thời gian tuyên bản án rất dài như vậy, dễ làm cho người theo dõi phiên tòa cho rằng đây là một phiên tòa bỏ túi.”

Ông Mạnh cũng cho biết sau phiên phúc thẩm thì các thân chủ của ông đang cân nhắc khiếu nại, yêu cầu xét xử giám đốc thẩm vụ án.

“Đối với tội danh mà tòa án đã xét xử theo điều 331 Bộ luật Hình sự (BLHS), thì thân chủ chúng tôi đang cân nhắc về việc khiếu nại, yêu cầu xét xử giám đốc thẩm vụ án.”

“Thậm chí, tái thẩm vì các chứng cứ mà luật sư nộp bổ sung trong phiên tòa phúc thẩm đã chưa được xem xét. Đồng thời, với tội danh theo điều 174 BLHS về ‘Lừa đảo’, thì chúng tôi cũng đã có sự chuẩn bị để tham gia vào quá trình điều tra vụ án.”

‘Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội’

Ngày 29/11, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính khẳng định:

“Phật giáo có nhiều đóng góp quan trọng trong công cuộc “Hộ Quốc, an Dân”; nhiều nhân vật lịch sử, anh hùng dân tộc mà tên tuổi, sự nghiệp gắn liền với đạo Phật. Trong những năm qua, với phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”.

Phát biểu tại Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ 9 của Giáo hội Phật giáo Việt Nam bế mạc ngày 29/11, Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc nói về tự do tôn giáo như sau:

“Bên cạnh đó, trong những năm qua, hoạt động đối ngoại của Phật giáo ngày càng được mở rộng, đa dạng từ tham gia các tổ chức quốc tế, tới phát triển các Hội Phật tử người Việt nam ở nước ngoài, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của bà con Việt kiều, góp phần tích cực vào công tác đối ngoại nhân dân, đối ngoại tôn giáo và đấu tranh nhân quyền, khẳng định tự do tôn giáo ở Việt Nam hiện nay.

Ông Phúc cũng nhấn mạnh lại đường hướng hành đạo là “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội” và vai trò của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam.

“Với đường hướng hành đạo là ‘Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội’, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tiếp nối dòng chảy truyền thống, không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, luôn đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, đoàn kết các tôn giáo, khẳng định mối quan hệ gắn bó không thể tách rời giữa đạo pháp và dân tộc.”

“Giáo hội luôn là tổ chức thành viên tin cậy của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, có nhiều đóng góp quan trọng, xứng đáng trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đóng góp tích cực trên tất cả lĩnh vực kinh tế – xã hội, chung sức, đồng lòng cùng toàn dân xây dựng và phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh, nhân dân ngày càng có cuộc sống yên vui, hạnh phúc.”

Trong một bài viết trên BBC News Tiếng Việt vào tháng Hai năm nay, Tiến sĩ triết học Nguyễn Hữu Liêm nêu nhận định của ông về ‘Mẫu số chung giữa số phận Cộng sản và số đông tín đồ Phật giáo’ ở Việt Nam như sau:

“Về mặt quốc gia thì sự xuống cấp ở chất lượng con người, ít nhất là về bình diện đạo đức công dân, đang tạo ra khủng hoảng chính trị lớn cho Đảng cầm quyền. Như cuối thời nhà Lý và Trần gần ngàn năm trước, Phật Giáo Việt Nam đang đi vào khủng hoảng song song với sự suy thoái đạo đức chính trị của hệ thống cầm quyền.

Sự suy tàn của Phật giáo, theo đánh giá của tôi, đang đi song hành với sự suy đồi của đế chế Cộng sản của ngày hôm nay.”


Việt Nam thuộc nhóm các nước bị Hoa Kỳ giám sát đặc biệt về tự do tôn giáo

RFA

03-12-2022

Việt Nam nằm trong nhóm các nước thuộc Danh sách Giám sát Đặc biệt (Special Watch List) của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về tự do tôn giáo.

Thông cáo phát đi ngày 2/12 của Ngoại trưởng Antony Blinken nêu rõ bốn nước Algeria, Cộng hòa Trung Phi, Comoros và Việt Nam thuộc Danh sách Giám sát Đặc biệt vì can dự vào hay dung thứ cho những vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo.

Các nước có mức độ vi phạm nặng hơn bị liệt vào danh sách Quan tâm Đặc biệt (Countries of Particular Concerns- CPC) gồm Burma, Trung Quốc, Cuba, Eritria, Iran, Nicaragua, Bắc Triều Tiên, Nga, Ả Rập Xê út, Tajikistan và Turmekistan.

Việt Nam từng bị liệt vào danh sách CPC, tuy nhiên đến năm 2006 trước khi gia nhập Tổ chức Thương Mại Thế giới WTO, được rút tên khỏi danh sách Các nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo- CPC.

Báo cáo về Tự do Tôn giáo Quốc tế 2021 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố vào ngày 2/6 vừa qua nêu rõ Hiến pháp Việt Nam qui định mọi cá nhân đều có quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng; trong khi đó Luật Tín ngưỡng- Tôn giáo lại cho phép Chính phủ Hà Nội quyền kiểm soát đáng kể đối với các thực hành tôn giáo theo những điều khoản mơ hồ với lý do an ninh quốc gia và đoàn kết dân tộc.

Nhiều vụ sách nhiễu, bắt bớ, đàn áp quyền tự do tôn giáo- tín ngưỡng tại các địa phương trên cả nước Việt Nam bị nêu rõ trong báo cáo.

Trong ngày 2/12, Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế (USCIRF) cũng công bố báo cáo mới về danh sách nạn nhân tự do tôn giáo hay niềm tin. Trong danh sách này có ông Phan Văn Thu thuộc Ân Đàn Đại Đạo, người tử vong trong nhà tù Gia Trung hôm 20/11 khi phải thụ án chung thân vì niềm tin tôn giáo của ông.

USCIRF, trong báo cáo thường niên năm 2022 công bố hồi tháng tư vừa qua, đề nghị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào lại danh sách Các Quốc gia cần Quan tâm Đặc biệt (CPC) về tự do tôn giáo.

Căn cứ cho đề nghị đó là vì Việt Nam có những vi phạm mang tính hệ thống, liên tục và quá mức quyền tự do tôn giáo.

Hà Nội luôn bác bỏ những cáo buộc về vi phạm quyền tự do tôn giáo- tín ngưỡng của người dân trong nước mà Hoa Kỳ cũng như các tổ chức theo dõi nhân quyền nêu ra.


USCIRF tiếp tục đề xuất đưa Việt Nam vào danh sách CPC

26/04/2022

Uỷ Ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) đề nghị Chính phủ Mỹ xếp Việt Nam vào danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo (CPC) vì “các vi phạm có hệ thống, liên tục và nghiêm trọng”, đồng thời khuyến nghị Washington xác lập một thỏa thuận mang tính ràng buộc mới với chính phủ Việt Nam để yêu cầu cải thiện hơn nữa về tự do tôn giáo.

Báo cáo tình hình tự do tôn giáo Việt Nam được USCIRF công bố hôm 25/4 viết: “Chính quyền tiếp tục đàn áp các cộng đồng tôn giáo độc lập, bao gồm cả người Hmong và người Thượng theo đạo Tin lành, Phật giáo Hòa Hảo thuần túy, Giáo hội Phật giáo Thống nhất, tín đồ Cao Đài độc lập, và tín đồ của các phong trào tôn giáo khác như Pháp Luân Công, Dương Văn Mình, Hội Thánh Đức Chúa Trời, đạo Hà Mòn”.

Báo cáo nêu rằng Chính phủ Việt Nam đã liệt nhiều nhóm trong số này là “tôn giáo lạ”, “tà đạo” hoặc “dị giáo” và thường được viện dẫn các lý do an ninh để đàn áp họ, khiến một số – chẳng hạn như Hà Mòn – được biết là đối diện sự tuyệt chủng, mặc dù người đứng đầu cơ quan quản lý tôn giáo của quốc gia này nói rằng “sẵn sàng đón đạo lạ”.

Theo Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam, tính đến tháng 4/2021, Việt Nam có 85 “đạo lạ”.

Vào tháng 6/2021, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng, đồng thời là Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ, phát biểu rằng: “Dự báo thời gian tới, Việt Nam sẵn sàng đón tất cả các tôn giáo, thậm chí là các đạo lạ, đó là xu hướng phát triển tự nhiên, có tôn giáo là có tín đồ…”.

“Trong suốt năm 2021, nhà chức trách thường xuyên dẹp phá các buổi lễ tôn giáo, các buổi học giáo lý và sách nhiễu, giam giữ, đe dọa các nhà hoạt động thuộc các nhóm tôn giáo độc lập. Các nhóm Tin lành người Hmong và Thượng không đăng ký vẫn dễ bị bức hại. Chính quyền địa phương sách nhiễu, giam giữ, đe dọa và lạm dụng thể chất các thành viên của Hội thánh Tin lành Đấng Christ người Thượng ở tỉnh Phú Yên”, báo cáo của USCIRF viết.

Trả lời phỏng vấn VOA vì sao Việt Nam vẫn bị đề xuất đưa vào danh sách CPC, bà Anurima Bhargava, Ủy viên của USCIRF, nói:

“Tại sao Việt Nam tiếp tục nằm trong danh sách CPC?… Đó là sự tiếp tục sách nhiễu đối với các nhà lãnh đạo tôn giáo và một số cách đối xử đối với những người sống trong các cộng đồng miền núi ở Việt Nam, người Thượng và người Hmong, đây là một vài trong số những nhóm khác nữa mà họ đặc biệt dễ bị tổn thương và chúng tôi tiếp tục quan ngại về vấn đề này.

“Các nhóm tôn giáo độc lập này muốn thực hành tôn giáo của họ mà không bị chính quyền trừng phạt. Tuy nhiên khả năng họ có thể thực hiện được điều đó hay không là lý do chính mà chúng tôi vẫn quan ngại về những gì đang diễn ra ở Việt Nam”.

VOA đã liên lạc Ban Tôn giáo Chính phủ và Bộ Ngoại giao Việt Nam để yêu cầu cho ý kiến về báo cáo mới nhất của USCIRF nhưng hai cơ quan này chưa phản hồi.

Từ Thái Lan, ông Y Quynh Bdap, sáng lập viên của tổ chức Montagnards Stand For Justice (MSFJ), nói với VOA rằng ông đồng tình với nhận định của USCIRF về tình hình tự do tôn giáo Việt Nam trong năm qua và đồng tình với đề xuất đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC, theo Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế (IRFA) của Hoa Kỳ.

Ông nói:

“Họ tuyên truyền trong các buôn làng và quần chúng để tẩy chay Hội thánh Tin lành Đấng Christ và Hội thánh Tư gia độc lập. Chính quyền cho rằng hai hội thánh này là hai hội thánh “phản động” hay “tà giáo” và nói rằng nếu ai tiếp cận với hai hội thánh này đều bị xử lý. Hành vi này là sự vi phạm rất nghiêm trọng.”

“Việt Nam phải trở lại danh sách CPC, trở lại CPC để các tổ chức quốc tế biết được và Việt Nam biết rằng Việt Nam phải tuân thủ những gì đã ký kết với quốc tế. Chúng tôi mong rằng Việt Nam sẽ có được quyền tự do tôn giáo và người dân Việt Nam được hưởng những quyền ấy,” ông Y Quynh Bdap nói thêm.

Việt Nam từng bị chính phủ Hoa Kỳ đưa vào danh sách CPC từ tháng 9/2004 đến tháng 11/2006.

Kể từ khi Việt Nam được xoá tên khỏi danh sách này từ 2006 đến nay, hàng năm USCIRF đều đề nghị đưa Việt Nam trở lại CPC vì các vi phạm về tự do tôn giáo.

Cáo cáo 2022 của USCIRF cũng nêu sự quan ngại về việc chính quyền Việt Nam giam cầm dài hạn các tù nhân lương tâm tôn giáo, điển hình như Mục sư Tin lành người Thượng Y Yich, đang thụ án 12 năm tù ở trại An Phước, tỉnh Bình Dương, hay ông Phan Văn Thu, sáng lập viên nhóm Ân Đàn Đại Đạo, đang thụ án tù chung thân ở trại Gia Trung, tỉnh Gia Lai.

Uỷ viên Bhargava hôm 25/4 cho VOA biết rằng bà vẫn đang cập nhập thông tin và tiếp tục vận động để nhà hoạt động tôn giáo Nguyễn Bắc Truyển, người đang thụ án 11 năm tù tại trại giam An Điềm, tỉnh Quảng Nam, sớm được phóng thích.

Theo danh sách Nạn nhân của sự đàn áp tôn giáo của USCIRF, hiện Việt Nam có 66 nạn nhân, trong đó có 58 người chưa được trả tự do.

Ngoài việc đề xuất chính quyền của Tổng thống Joe Biden đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC, USCIRF còn khuyến nghị Hoa Kỳ ký một thỏa thuận mang tính ràng buộc mới với chính phủ Việt Nam để yêu cầu cải thiện hơn nữa về tự do tôn giáo.