Cha mẹ làm được 'ba việc không quản, năm điều không chiều', con càng xuất sắc
Giúp NTDVN sửa lỗi
Khi giáo dục con cái, cha mẹ cần thực hiện được “ba việc không quản”, “năm điều không chiều”, để sau này con có thể phát triển tốt hơn, tương lai trở nên xuất sắc hơn.
https://www.ntdvn.net/van-hoa/cha-me-lam-duoc-ba-viec-khong-quan-nam-dieu-khong-chieu-con-cang-xuat-sac-367694.html
Cha mẹ bồi dưỡng đức tính chăm chỉ của con cái ngay từ khi còn nhỏ. (Nguồn ảnh: pexels)
Cách giáo dục khác biệt của cha mẹ mang đến cho trẻ một cuộc sống khác. Các bậc cha mẹ có tầm nhìn xa, biết cách nghiêm khắc khi nào họ nên nghiêm khắc, để con biết điều gì nên làm và điều gì không nên làm. Họ sẵn sàng buông tay khi đến lúc phải buông, để trẻ biết tự lập và dũng cảm đương đầu với sóng gió. Đây mới chính là tình yêu thương tốt đẹp nhất dành cho trẻ.
Ba việc không quản
- Những việc trẻ có thể tự làm
Cha mẹ muốn đào tạo khả năng tự lo liệu bản thân của con thì trước hết cần phải buông tay, để cho con tự làm một số việc trong khả năng của mình. Cha mẹ cứ để mặc cho con tự làm, thì con mới có thể trưởng thành.
- Những lựa chọn mà trẻ có thể thực hiện
Người lớn không ngừng lựa chọn hướng đi và con đường sống cho riêng mình, và trẻ em cũng cần phải lựa chọn. Cha mẹ nên cho con cái quyền và tự do lựa chọn, để con học cách lựa chọn khi chúng còn nhỏ.
Khi trẻ học cách lựa chọn mặc gì và làm gì, khi lớn lên và đối mặt với những lựa chọn như công việc và hôn nhân, trẻ có thể lắng nghe con tim mình và đưa ra những lựa chọn phù hợp nhất cho chính mình.
- Bí mật nhỏ của riêng trẻ
Nên cho phép trẻ có những bí mật và sự riêng tư của riêng mình, sự hiểu biết thực sự là giao tiếp tốt với trẻ, bước vào nội tâm của trẻ, chứ không phải là tọc mạch vào sự riêng tư của trẻ.
Đối với con người, bí mật thường gắn liền với trách nhiệm, và hơn nữa cần chịu trách nhiệm một cách độc lập. Vì vậy, hãy cho phép trẻ có những bí mật nhỏ của riêng mình, không gian nhỏ của riêng mình.
Năm điều không chiều
1. Trẻ không có phép tắc
Không có phép tắc, quy củ làm sao có thể nên người. Đây là một phương châm giáo dục từ thời cổ đại. Đừng nghĩ rằng trẻ còn nhỏ mà có thể để mặc không uốn nắn, nếu nuông chiều trẻ từ bé, khi lớn lên sẽ không dạy dỗ được, “Bé không vin, cả gãy cành”.
Nên giáo dục trẻ từ nhỏ để giúp trẻ hiểu các quy tắc xã hội, và chỉ rõ cho trẻ biết điều gì nên làm và điều gì không nên làm. Việc này ban đầu làm sẽ không dễ dàng, nhưng sẽ rất hiệu quả nếu cha mẹ kiên trì làm.
2. Trẻ không làm việc nhà
Những thói quen tốt cần được trau dồi ngay từ khi còn nhỏ.
Cha mẹ nuông chiều con một cách mù quáng và ôm đồm hết mọi việc làm thay cho con, không những làm hạ chỉ số hạnh phúc của trẻ mà còn sinh ra nhân cách không lành mạnh ở trẻ, ảnh hưởng đến cuộc sống của trẻ sau này.
Cha mẹ nên rèn luyện cho trẻ thói quen làm việc nhà ngay từ khi còn nhỏ, để trẻ biết tự chăm sóc bản thân, đồng thời cũng là rèn luyện đức tính chăm chỉ của trẻ, có lợi cho việc học tập, cuộc sống và công việc của trẻ.
3. Trẻ em không tôn trọng người lớn tuổi
Ngày nay, con trẻ đều được xem như báu vật trong gia đình, có những trẻ hư hỏng, từ nhỏ đã lớn tiếng quát mắng với người già, không kính nể gì. Điều này cha mẹ tuyệt đối không được nuông chiều con.
Kính già yêu trẻ là đức tính truyền thống tốt đẹp, và cũng là phép lịch sự cơ bản nhất. Một đứa trẻ ở nhà không biết tôn kính người lớn tuổi, khi ra ngoài xã hội sẽ không biết cách cư xử lịch sự, vì vậy đứa trẻ như thế sẽ khiến mọi người xa lánh.
4. Trẻ ích kỷ
Cha mẹ thường lấy con cái làm trung tâm trong mọi việc, sẽ dễ nảy sinh thói xấu của trẻ - tính ích kỷ.
Trẻ chỉ muốn một mình tận hưởng những điều tốt đẹp, và cho nghĩ rằng mọi người nên phải nhường mọi thứ cho mình, theo thời gian lâu dần, trẻ chỉ biết đòi lấy chứ không biết cho đi, thậm chí còn không nghĩ đến việc quan tâm và biết ơn người khác. Những đứa trẻ như vậy khi lớn lên sẽ không được mọi người yêu quý, dễ biến thành kẻ vong ân bội nghĩa, chưa nói đến việc hiếu thảo với cha mẹ.
Cha mẹ nên dạy con cách trao yêu thương, hơn nữa cần dạy con về lòng biết ơn. Một đứa trẻ biết biết ơn sẽ trân trọng tất cả những gì nó có được, cảm thấy vui vẻ hạnh phúc với những thứ có được trước mắt.
5. Trẻ khóc lóc, ăn vạ
Cha mẹ cần có nguyên tắc và không thể lúc nào cũng thỏa hiệp với con trẻ, kể cả khi trẻ khóc lóc, ăn vạ. Bởi vì cha mẹ thỏa hiệp quá nhiều khiến trẻ hình thành một phán đoán sai lầm - con khóc là có thể đạt được điều mình muốn - điều này đang giúp trẻ thiết lập một quan niệm sai lầm.
Cha mẹ cần học cách kiên quyết từ chối những yêu cầu vô lý của con, để con hiểu được nguyên tắc và giới hạn của người lớn, sau nhiều lần lặp lại như vậy trẻ tự nhiên sẽ hiểu được rằng cố tình gây rối cũng không thể đạt được mục đích.
Minh An
Theo Secretchina