Trang

Thứ Hai, 29 tháng 4, 2019

2861. Tình trạng xấu đi ở Việt Nam năm 2018.

Bản báo cáo của Ủy Hội Tự Do Tôn Giáo xem ra đã lấy nhiều thông tin chính xác từ các XHDS, đặc biệt là BPSOS.

Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế: Tình trạng xấu đi ở Việt Nam năm 2018
• Các vấn đề lớn trong bản báo cáo: Hội Cờ Đỏ, Chi Phái Cao Đài 1997, tình trạng vô quốc gia của người Tin Lành Hmong và Tây Nguyên, tù nhân lương tâm, đàn áp biểu tình ôn hoà
Mạch Sống, ngày 29 tháng 4, 2109
Hôm nay Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế (US Commission on International Religious Freedom, viết tắt là USCIRF) công bố bản phúc trình về tình trạng tự do tôn giáo ở 16 quốc gia bị xem là vi phạm tự do tôn giáo ở mức nghiêm trọng, trong đó có Việt Nam, và 12 quốc gia ở mức vi phạm khá nghiêm trọng. Bản phúc trình hàng năm này được gửi cho Quốc Hội, Toà Bạch Ốc và Bộ Ngoại Giao để đóng góp cho chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.

Trong hình ảnh có thể có: 2 người, mọi người đang đứng
Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS, tại buổi hội luận ở Quốc Hội Hoa Kỳ về USCIRF, ngày 11/04/2019 (ảnh ICC).
Bản phúc trình về tình trạng tự do tôn giáo ở Việt Nam trong năm 2018 cho thấy tình trạng xấu đi sau khi Luật Tín Ngưỡng và Tôn Giáo có hiệu lực.
Chi Phái Cao Đài 1997
Bản phúc trình đã nêu đích danh “Chi Phái Cao Đài Tây Ninh (Chi Phái 1997)” là công cụ do nhà nước quản lý và sử dụng. Chi phái này đã dùng bạo lực đánh chiếm các thánh thất Cao Đài, ép buộc các tín đồ Cao Đài tuân phục, và có nhiều hành vi đàn áp Đạo Cao Đài một cách nghiêm trọng khác. Bản phúc trình năm 2018 của USCIRF chỉ ra cho chính quyền Hoa Kỳ và quốc tế thấy rõ bản chất của chi phái này là thành phần “ngoài chính phủ” làm công cụ đàn áp áp tín đồ Cao Đài và diệt Đạo Cao Đài.
Hội Cờ Đỏ
Bản phúc trình nêu rõ, về thực chất, các hội cờ đỏ là những nhóm quần chúng có tổ chức hoạt động trong sự phối hợp chặt chẽ và có khi được điều động bởi các giới chức chính quyền địa phương để tấn công các giáo xứ Công Giáo. Một trường hợp điển hình được nêu ra là Giáo Xứ Kẻ Gai, nơi mà vị Linh Mục Chánh Xứ đã có đơn tố giác nhưng thay vì điều tra thủ phạm thì chính quyền đã triệu tập để điều tra một số giáo dân.
Người Hmong và Tây Nguyên “vô quốc gia”
Tình trạng hàng chục nghìn người Hmong và người Tây Nguyên đã bị mất hộ tịch, hộ khẩu, chứng minh nhân dân do không chịu từ bỏ Đạo Tin Lành theo lệnh của các chính quyền tỉnh và địa phương cũng được bản phúc trình nêu ra như một hình thức đàn áp tự do tôn giáo một cách nghiêm trọng. Các tín đồ Tin Lành này hoàn toàn không được hưởng các quyền và lợi ích của công dân dù họ sinh ra và lớn lên trên đất nước của chính họ.
Giáo hội Phật Giáo quốc doanh
Bản phúc trình giải thích sự khác biệt giữa Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất và Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam do nhà nước lập ra để thống lĩnh toàn bộ các Phật tử ở trong nướcvà soán đoạt các chùa chiền của Giáo Hội PGVNTN. Bản phúc trình báo cáo rằng Đức Tăng Thống của Giáo Hội PGVNTN, tuy đã thoát khỏi sự quản chế ở Thái Bình để về Chùa Từ Hiếu ở Sàigòn nhưng vẫn còn đứng trước áp lực từ phía chính quyền phải trở lại Thái Bình.
Phật Giáo Hoà Hảo
Bản phúc trình cho biết năm 2018 chứng kiến hàng loạt tín đồ Phật Giáo Hoà Hảo bị bắt, trong đó có luật gia Nguyễn Bắc Truyển, Ông Bùi Văn Trung và người con trai Bùi Văn Thâm. Cả 3 đều từng là tù nhân lương tâm. Con gái và vợ của Ông Trung cũng bị tuyên án tù. Hai tín đồ PGHH khác cũng bị bỏ tù là Nguyễn Hoàng Nam và Lê Thị Hồng Hạnh. Bản phúc trình cho biết là nhiều tín đồ PGHH đã bị ngăn chặn khi tham gia các ngày lễ trọng trong tôn giáo.
Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người và mọi người đang đứng
Tín đồ PGHH Nguyễn Hữu Tài cùng phái đoàn vận động tại trụ sở USCIRF, ngày 25/03/2019 (ảnh BPSOS).
Ép cải đạo
Theo bản phúc trình, trong năm 2018 chính quyền ở các tỉnh Tây Nguyên đã gia tăng biện pháp đối phó với các hội thánh tư gia của người Tây Nguyên theo đạo Tin Lành. Một mặt, chính quyền ngăn cản không cho người Tây Nguyên tiếp xúc với các mục sư và các chấp sự đến từ ngoài bản làng. Mặt khác, những ai đã tham gia các hội thánh tư gia thì bị ép phải gia nhập các hội thánh được nhà nước công nhận. Như một ví dụ, bản phúc trình đã dẫn trường hợp của Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ của người Tây Nguyên.
Tù nhân lương tâm
Bản phúc trình trích dẫn thông tin từ Chiến Dịch NOW! cho thấy là tính đến cuối năm 2018, có tổng cộng 244 tù nhân lương tâm và 20 người tranh đấu nhân quyền bị tạm giam. Trong số này, khoảng ¼ thuộc các sắc tộc Hmong, Tây Nguyên và Khmer Krom và không ít các tù nhân tôn giáo. Các tù nhân là tín đồ Phật Giáo Ân Đàn Đại Đạo cũng được nhắc đến. Bản phúc trình cho biết là tình trạng sinh sống của các tù nhân lương tâm thường rất tồi tệ.
Cưỡng chiếm đất đai
Chính sách cưỡng chiếm đất đai của các cộng đồng và tổ chức tôn giáo được tương trình bao gồm vụ cưỡng chế đất và phá nhà của một số giáo dân thuộc Giáo Xứ Cồn Dầu, Đà Nẵng vào cuối năm 2018, vụ lấn chiếm đất của Tổng Giáo Phận Hà Nội, kế hoạch lấn chiếm đất của Đan Viện Thiên An, vụ đập phá nhà và chiếm đất của cư dân Vườn Rau Lộc Hưng, vụ phong toả chùa An Cư ở Sơn Trà, Đà Nẵng, và các vụ đánh chiếm các thánh thất Cao Đài cũng như phá dỡ các nhà bảo quản đồ tang lễ của các tín đồ theo đạo Dương Văn Mình.
Đàn áp biểu tình
Bản phúc trình cũng nói đến các cuộc biểu tình rầm rộ trong tháng 6 năm 2018 với số lượng người tham gia đông chưa từng có để chống dự thảo Luật An Ninh Mạng và Luật Đặc Khu Kinh Tế mà nhiều cộng đồng tôn giáo đã tham gia, đặc biệt là Công Giáo. Tính đến tháng 11, 127 người đã bị bắt giam và không ít người đã bị đánh đập hoặc tra tấn bởi công an TPHCM. Trong luật quốc tế về nhân quyền, quyền tự do biểu đạt luôn luôn gắn liền với quyền tự do tôn giáo.
Luật Tín Ngưỡng và Tôn Giáo
Bản phúc trình chỉ ra khía cạnh lắt léo của luật này, mà Việt Nam quảng cáo như là một bước tiến đáng kể về tôn trọng và bảo vệ tự do tôn giáo. Thực tế, luật này đã tạo thuận tiện thêm cho các tổ chức tôn giáo được đăng ký hoặc công nhận, mà phần lớn là các tổ chức tôn giáo quốc doanh hoặc đã quy phục nhà nước. Trong khi đó, luật này siết chặt hơn không gian hoạt động của các tổ chức tôn giáo độc lập, không chấp nhận sự kiểm soát của nhà nước. Vì chính quyền thường sử dụng các tổ chức tôn giáo mà họ kiểm soát làm công cụ “ngoài chính quyền” để đàn áp các cộng đồng tôn giáo độc lập, luật mới đã làm cho tình trạng tồi tệ thêm.
Các nguồn thông tin
Khoảng 80% - 90% các thông tin trong bản phúc trình của USCIRF cho năm 2018 liên quan đến các hồ sơ mà BPSOS đã báo cáo với cơ quan này. Trong năm 2018, BPSOS cùng với một số tổ chức XHDS và cộng đồng tôn giáo ở trong nước thực hiện 45 bản báo cáo về các vụ vi phạm tự do tôn giáo và nhân quyền nói chung; 15 bản báo cáo về các vấn đề như Hội Cờ Đỏ, Chi Phái Cao Đài 1997, tình trạng vô quốc gia của các người Hmong và Tây Nguyên theo Đạo Tin Lành… và 4 bản báo cáo về các tù nhân lương tâm. Trong 5 năm qua BPSOS đã huấn luyện gần 2000 người thuộc các cộng đồng tôn giáo về thu thập và phối kiểm thông tin về đàn áp tôn giáo và 150 người viết báo cáo từ các thông tin này.
Các khuyến nghị
USCIRF khuyến nghị Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ chỉ định Việt Nam là quốc gia cần quan tâm đặc biệt (Country of Particular Concern, hoặc CPC), yêu cầu chính quyền Việt Nam cam kết thực hiện những biện pháp cụ thể để cải thiện tình trạng tư do tôn giáo và trả tự do cho tất cả tù nhân lương tâm. Bản phúc trình còn đề nghị Bộ Ngoại Giao giúp cho các nhà lãnh đạo tôn giáo, các người đấu tranh nhân quyền và các tổ chức xã hội dân sự tăng khả năng đối phó và đối tác với chính quyền các cấp. Cuối cùng, USCIRF đề nghị Quốc Hội Hoa Kỳ cử nhiều phái đoàn đến Việt Nam với trọng tâm là tự do tôn giáo và nhân quyền.
Thông tin liên quan
Bản phúc trình của USCIRF (bản dịch tiếng Việt): https://www.uscirf.gov/…/Vietnam%202019_Vientnamese%20trans…
Bản phúc trình của USCIRF (bản gốc tiếng Anh): https://www.uscirf.gov/…/d…/files/2019USCIRFAnnualReport.pdf