Trang

Thứ Ba, 16 tháng 10, 2018

2817. Báo cáo đến Liên Hiệp Quốc: Việt Nam tra tấn dân...


Báo cáo gửi LHQ: Công an Việt Nam đàn áp người biểu tình bằng tra tấn và bạo lực

Thông Báo của BPSOS
Mạch Sống, ngày 15 tháng 10, 2018
Hôm nay, BPSOS cùng 5 tổ chức xã hội dân sự Việt Nam nộp bản báo cáo chung cho Uỷ Ban Chống Tra Tấn của Liên Hiệp Quốc để chuẩn bị cho cuộc kiểm điểm đối với Việt Nam về thực thi Công Ước LHQ về Chống Tra Tấn, sẽ diễn ra trong 2 ngày 14 và 15 tháng 11 tới đây.
Bản báo cáo chung này tập trung vào các vụ bạo hành và tra tấn của công an nhắm vào những người tham gia và hoặc bị tình nghi tham gia các cuộc biểu tình chống dự thảo luật an ninh mạng và dự thảo luật đặc khu kinh tế vào tháng 6 năm nay.

Đây là sự vi phạm trầm trọng Công Ước Chống Tra Tấn mà nhà nước Việt Nam đã ký ngày 7 tháng 11 năm 2013 và Quốc Hội Việt Nam đã chuẩn duyệt ngày 28 tháng 11 năm 2014. Các cam kết của Việt Nam bắt đầu hiệu lực ngày 5 tháng 2 năm 2015.
Lực lượng công an ở Hà Nội, Sài Gòn, Nha Trang, Đà Nẵng, Phan Rí Cửa… đã bắt bớ nhiều trăm người biểu tình và kể cả một số người chỉ quan sát hoặc chụp hình quay phim. Nhiều người đã bị đánh đập thô bạo khi bị bắt, họ bị giam giữ trái luật, và một số người bị tra tấn bởi các toán công an khảo tra.
 

Bản báo cáo nêu một số trường hợp điển hình làm minh chứng như Huỳnh Tấn Tuyên, cặp vợ chồng Trịnh Văn Toàn – Nguyễn Thanh Loan, Nguyễn Thuý Hạnh, Nguyễn Đăng Vũ, Nguyễn Hữu Tín… Bản báo cáo cũng nêu lên hàng loạt các vụ “bắt nguội” người biểu tình và những người kêu gọi biểu tình – họ bị bắt nhiều ngày hoặc nhiều tuần sau sự kiện, khi mà sự chú ý của công luận đã lắng xuống.
Có 3 công dân Hoa Kỳ trong số người bị bắt một cách tuỳ tiện. Hình ảnh William Nguyễn, cư dân Houston, bị đánh đập và lôi đi trên đường phố được nhiều báo chí quốc tế đăng tải. Michael Nguyễn, cư dân của Thành Phố Orange, Nam California, đã bị bắt cùng với với một số người bị tình nghi tham gia biểu tình dù chính đương sự thì không tham gia. Ngày 20 tháng 7, Ông William Nguyễn bị kết án và trục xuất khỏi Việt Nam còn Ông Michael Nguyễn vẫn bị tạm giam cho đến ngày hôm nay.
Nạn nhân thứ ba, Ông Đặng Minh Ty, là một công dân Hoa Kỳ cư ngụ tại thành phố San Jose, Bắc California. Ngày 16 tháng 6 Ông Ty bị bắt khi đang lai vãng ở một địa điểm du lịch trong thành phố Sài Gòn vào; lúc ấy không hề có cuộc biểu tình nào. Ông Ty đã bị công an Phường 6, Quận 3 tra tấn khi hỏi cung và chỉ được thả ra vào khuya ngày hôm sau.
Trong phần phân tích, bản báo cáo đối chiếu các điểm bất cập trong bản phúc trình mà Việt Nam nộp cho Uỷ Ban Chống Tra Tấn của LHQ ngày 13 tháng 9, 2017 về thực thi Công Ước LHQ về Chống Tra Tấn so với thực tế diễn ra vào tháng 6 năm nay.
Trong phần kết luận, bản báo cáo đưa ra 7 khuyến nghị cho chính quyền Việt Nam và 3 khuyến nghị cho Cao Uỷ Nhân Quyền của LHQ. Trong các khuyến nghị này, các tổ chức thực hiện bản báo cáo yêu cầu nhà nước Việt Nam xử trị thích đáng các thủ phạm tra tấn và bồi thường thoả đáng cho các nạn nhân, và mời Báo Cáo Viên Đặc Biệt của LHQ về Tra Tấn đến Việt Nam thị sát tình hình và tiếp xúc với các cơ quan hữu trách của nhà nước, các tổ chức XHDS và các nạn nhân.
Phần phụ lục của bản báo cáo liệt kê danh sách 65 người bị xử án tù và 10 người bị khởi tố tạm giam do liên quan đến các vụ biểu tình.
“Thực hiện bản báo cáo này nằm trong chương trình của chúng tôi để vừa áp lực chính quyền Việt Nam vừa hỗ trợ cho xã hội dân sự ở trong nước nhằm chấm dứt tình trạng tra tấn,” Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS, phát biểu.
BPSOS bắt đầu tập trung vào vấn đề tra tấn ở Việt Nam từ cuối năm 2010 như một mũi nhọn mới về nhân quyền và đã vận động mạnh mẽ Hành Pháp Obama để áp lực Việt Nam ký Công Ước LHQ về Chống Tra Tấn.
Các tổ chức XHDS đứng tên trong bản báo cáo bao gồm: Boat People SOS (BPSOS), Hội Bảo Vệ Người Bảo Vệ Nhân Quyền (Defend the Defenders), Hội Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam (Vietnamese Women for Human Rights), Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam (The Independent Journalists Association of Vietnam), Hội Cựu Tù Nhân Lương Tâm (Former Vietnamese Prisoners of Conscience) và Hội Bầu Bí Tương Thân.
Ngoài ra, BPSOS còn đứng tên chung trong bản báo cáo tổng quát về tình trạng tra tấn ở Việt Nam. Bản báo cáo này là nỗ lực chung của 6 tổ chức gồm có: Action by Christians for the Abolition of Torture (ACAT), BPSOS, Campaign to Abolish Torture in Vietnam (CAT-VN), Christian Solidarity Worldwide (CSW), Legal Initiatives for Vietnam (LIV), và Vietnam Coalition Against Torture (VN-CAT).
Tổ chức BPSOS kêu gọi những người có khả năng song ngữ giúp dịch 2 bản báo cáo tiếng Anh kể trên sang tiếng Việt để giúp người dân ở trong nước tiện theo dõi.
Bản báo cáo tập trung vào hành vi tra tấn người tham gia các cuộc biểu tình tháng 6 năm 2018: http://dvov.org/wp-content/uploads/2018/10/Information-for-CAT-examination-of-Vietnams-state-report.pdf
Bản báo cáo tổng quát về các trường hợp tra tấn: http://dvov.org/wp-content/uploads/2018/10/Joint-report-for-the-examination-of-Vietnam-by-UNCAT.pdf
Thông tin liên quan:
LHQ sắp kiểm điểm Việt Nam về thực thi Công Ước Chống Tra Tấn
http://machsongmedia.com/vietnam/nhanquyen/1398-2018-10-04-13-25-52.html
Chống Tra Tấn: Một Mũi Nhọn Nhân Quyền
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=2723