Trang

Thứ Bảy, 13 tháng 10, 2018

2816: Từ độc tài đến dân chủ: chúng ta là yếu tố quyết định.

Từ độc tài đến dân chủ: chúng ta là yếu tố quyết định

·         10 năm dân chủ hoá Việt Nam: còn 1/3 lộ trình
Ts. Nguyễn Đình Thắng
Ngày 13 tháng 10, 2018
Muốn thay đổi thể chế từ độc tài sang dân chủ nhất thiết phải có một lực lượng dân chủ trên toàn xã hội với nhiều triệu người dân nhập cuộc. Một lực lượng dân chủ như vậy cần 3 yếu tố:

(1) Một số đông người dân phải có ý thức và thái độ đề kháng – ý thức đề kháng nghĩa là hiểu rằng mình có những quyền bất khả xâm phạm, còn thái độ đề kháng là quyết tâm đẩy lùi mọi hành vi xâm phạm dù đến từ đâu. Tạo ý thức và thái độ đề kháng nơi người dân tương đồng với lời kêu gọi “khai dân trí, chấn dân khí” của cụ Phan Chu Trinh.
(2) Các tổ chức làm phương tiện quy tụ và tập hợp người dân ở từng địa phương thành những khối người chặt chẽ để bảo vệ các quyền và lợi ích riêng và chung. Điểm này tương đồng với khái niệm “hậu dân sinh” của cụ Phan Chu Trinh.
(3) Một đội ngũ những người giỏi giang và có uy tín để điều hành các tổ chức kể trên trong sứ mạng “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” cho từng khối người dân, và liên kết các khối người dân ấy với nhau trên toàn xã hội.
Đầu năm 2010, BPSOS phát hành sách “Thông Điệp Hy Vọng và Trách Nhiệm” để trình bày chương trình 10 năm dân chủ hoá đất nước một cách hoà bình, ổn định và bền vững bằng cách xây dựng 3 yếu tố kể trên và tạo nên lực lượng dân chủ trên toàn xã hội Việt Nam.
Hội Nghị XHDS và Diễn Đàn Người Dân ASEAN, Đông Timor, tháng 8 năm 2016
Đối tượng là các cộng đồng
Chúng tôi không chủ trương kéo những cá nhân rời rẽ lại với nhau, vì thường không hữu hiệu, mà đầu tư vào những cộng đồng đã chứng tỏ ý thức và thái độ đề kháng.
Mỗi cộng đồng như vậy thường gồm từ vài trăm đến vài nghìn người gắn bó với nhau vì cùng tôn giáo, sắc tộc, truyền thống, văn hoá hoặc mối đe doạ. Trong nhiều năm hoặc nhiều chục năm họ đã sát cánh tranh đấu cho quyền và lợi ích chung dù phải đối mặt với sự đàn áp, tù đày, tra tấn và kể cả chết chóc. Vì họ không life stream trên Facebook, không ra tuyên cáo, không trả lời phỏng vấn trên báo đài nên ít được ai biết đến.
Chúng tôi biết họ qua số hàng nghìn người Việt lánh nạn ở Thái Lan mà chúng tôi đã tiếp xúc và bảo vệ trong 10 năm qua; phần lớn những người đi lánh nạn này là thành viên của các cộng đồng bị bách hại ở trong nước vì đã quyết tâm đấu tranh cho quyền và lợi ích của mình.
Chúng tôi hỗ trợ cho mỗi cộng đồng bằng cách: đào tạo nhóm nhân sự lõi, kết nối nhóm lõi này với nguồn ủng hộ dài lâu, giúp tập hợp và tổ chức người dân trong cộng đồng, và liên kết các cộng đồng đã tương đối vững chãi lại với nhau.
Đào tạo nhóm nhân sự lõi
Thường, một “nhóm lõi” gồm từ 3 đến 5 người, xuất thân từ cùng một cộng đồng và có tâm nguyện phục vụ cho chính cộng đồng của họ. Để xây dựng và bảo toàn nội lực cho cộng đồng, nhóm lõi phải cam kết không khiêu khích nhằm “mời chào” sự đàn áp từ chính quyền, không tham gia đảng hoặc tổ chức chính trị để không gây nguy hại cho chính mình hoặc cho người khác, và không manh động để làm hao tổn nội lực của cộng đồng.
Qua khoá đào tạo trực tuyến 12 tháng, họ học cách phân tích vấn nạn và tìm giải pháp, lập kế hoạch và chương trình hành động, quản lý các nguồn lực để thực hiện đề án, phát biểu nghị trường và vận động chính sách, huy động và tổ chức người dân, báo cáo vi phạm nhân quyền với quốc tế, khai dụng luật Việt Nam để bảo vệ quyền và lợi ích của mọi thành viên trong cộng đồng, đối tác và liên kết với các cộng đồng bạn…
Nhóm lõi là hạt mầm khởi động tiến trình tập hợp người dân trong cộng đồng và tổ chức họ lại thành một khối rắn chắc, hiểu theo nghĩa mềm nắn rắn buông.
Kết nối với nguồn ủng hộ dài lâu
Chúng tôi kết nối nhóm lõi của mỗi cộng đồng với một nhóm người Việt ở hải ngoại, gọi là “nhóm kết nghĩa” vì tuy không là ruột thịt nhưng tự nguyện làm anh chị em một nhà với nhóm lõi ở trong nước. Hai bên hiệp nhất với nhau trong sứ mạng chung và dài lâu là “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” cho toàn thể cộng đồng ấy.
Đây là công thức để những người Việt có lòng ở khắp thế giới tự do chủ động “góp vốn” -- trí tuệ, kinh nghiệm, kỹ năng, nguồn lực và quan hệ -- của mình một cách trực tiếp và hiệu quả để thay đổi hiện trạng của từng cộng đồng cụ thể ở trong nước.
Quan trọng hơn cả, nhóm kết nghĩa là điểm tựa tinh thần tạo sự tự tin cho nhóm lõi ở trong nước, là đường truyền các giá trị nhân bản và tấm gương tử tế đến mọi thành viên của cộng đồng, và là cánh cửa mở ra thế giới bên ngoài cho những con người sinh ra và lớn lên trong một xã hội bưng bít.
Hình thành các tổ chức XHDS “cộng đồng”
Nhóm lõi và nhóm kết nghĩa chung sức hình thành một hội tương trợ nhằm bảo vệ quyền và lợi ích cho mọi thành viên của cộng đồng. Chúng tôi gọi hội tương trợ đó là tổ chức XHDS “cộng đồng” vì sứ mạng của nó đúng nghĩa với một tổ chức XHDS và vì nó nằm gọn trong lòng của cộng đồng mà nó phục vụ. Mỗi tổ chức XHDS cộng đồng có 3 nhiệm vụ.
(1)   Giúp người dân trong cộng đồng ý thức về các quyền con người bất khả xâm phạm theo luật quốc tế và các quyền công dân mà nhà nước có nghĩa vụ tôn trọng và bảo vệ theo hiến pháp và luật quốc gia. Đấy là khai dân trí.
(2)   Chuyển thái độ của những người dân trong cộng đồng bị xâm phạm quyền và lợi ích từ sợ hãi sang tự tin, từ rụt rè sang chủ động, từ chấp nhận sang đề kháng. Đấy là chấn dân khí.
(3)   Hỗ trợ cho các nạn nhân đẩy lùi mọi hành vi xâm phạm quyền và lợi ích bởi các giới chức địa phương; nếu cần thiết thì huy động tổng lực của cộng đồng và sự yểm trợ quốc tế cho một kế hoạch đề kháng đa dạng, liên luỷ và dài lâu. Đấy là hậu dân sinh.
Khi các thành viên của một cộng đồng hiệp lực để giải quyết các vấn nạn, của riêng mình hoặc của chung cộng đồng, thì khả năng đề kháng của cộng đồng ấy sẽ tăng dần lên.
Liên kết toàn xã hội qua các tổ chức XHDS “chuyên”
Lạm dụng quyền lực là đặc tính của thể chế độc tài. Bởi vậy, đối phó ngay tại chỗ ở từng địa phương là tuyệt đối cần thiết nhưng chưa đủ vì chỉ mang tính cách cầm cự tạm thời. Giải pháp triệt để đòi hỏi một phong trào đề kháng toàn xã hội để thay đổi thể chế. Phong trào ấy sẽ hình thành khi hàng nghìn cộng đồng, mỗi cộng đồng đều đã phát triển nội lực, liên kết với nhau trên khắp đất nước.
Chúng tôi chủ trương tạo sự liên kết theo từng lĩnh vực quyền con người mà nhà nước Việt Nam đã cam kết với quốc tế, như quyền phụ nữ, quyền trẻ em, quyền tự do tôn giáo, quyền văn hoá, quyền không bị tra tấn, quyền được hưởng sự bảo vệ của luật pháp công minh, quyền của người lao động, v.v. Các cộng đồng có cùng nhu cầu và mục đích sẽ đến với nhau để hợp tác dài lâu.
Tác nhân cho sự liên kết là các tổ chức XHDS “chuyên” -- mỗi tổ chức như vậy đóng vai trò tâm điểm cho một mạng liên kết nhiều cộng đồng trong một lĩnh vực nhân quyền đặc thù. Khác với một tổ chức XHDS “cộng đồng”, vốn tập trung phục vụ trong nhiều lĩnh vực cho một cộng đồng nhất định, một tổ chức XHDS “chuyên” tập trung vào chỉ một lĩnh vực nhân quyền nhưng phục vụ cùng lúc cho nhiều cộng đồng.
Đằng sau các tổ chức XHDS chuyên là nhiều trăm người hoạt động XHDS có kiến thức chuyên sâu về các lĩnh vực nhân quyền đặc thù, có tầm vóc toàn xã hội, và có nhiều quan hệ ở cấp khu vực và quốc tế.
Sự hỗ trợ của chúng tôi dành cho các tổ chức XHDS chuyên bao gồm: huấn luyện nhóm lõi, giới thiệu với nhóm kết nghĩa ở hải ngoại, và kết nối với các tác nhân quốc tế và khu vực.
Tạo không gian an toàn cho mỗi cộng đồng
Môi trường tương đối an toàn là tiền đề cho người dân trong một cộng đồng tập hợp lại để phát triển nội lực. Muốn thế, việc tiên quyết là tách vũ khí bạo lực ra khỏi tay của bạo quyền. Chúng tôi thực hiện điều này bằng quốc tế vận, gồm 2 bước: Áp lực nhà nước Việt Nam cam kết về nhân quyền với quốc tế, và bảo đảm việc thực thi các cam kết ở cấp địa phương.
Để đổi lấy các lợi ích về kinh tế, mậu dịch, quốc phòng, viện trợ… từ thế giới tự do, Việt Nam đã ký 7 trong số 9 công ước LHQ quan trọng nhất về nhân quyền, chưa kể nhiều cam kết cài trong một số hiệp ước mậu dịch song phương và đa phương với các quốc gia dân chủ. Chúng tôi vẫn tiếp tục vận động quốc tế để áp lực Việt nam cam kết thêm nữa.
Công dụng của các cam kết quốc tế là chuyển sân chơi – hành vi đàn áp nhân quyền ở một địa phương không còn là chuyện nội bộ quốc gia mà đã trở thành sự vi phạm cam kết bởi chính quyền trung ương với quốc tế; hậu quả có thể là bị lên án trước công luận, bị kiểm điểm bởi LHQ, bị chậm trễ về ký kết hoặc thực thi các hiệp ước mậu dịch hoặc, nghiêm trọng hơn, bị chế tài tập thể. Không những thế, đích thân những giới chức hữu trách cũng có thể bị trừng phạt theo luật Magnitsky mà giờ này đã được nhiều quốc gia dân chủ thông qua.
Để khai thác các cam kết quốc tế này, một tổ chức XHDS cộng đồng phải có khả năng báo cáo nhanh và chính xác với quốc tế mọi vi phạm khi xảy ra cho bất cứ thành viên nào của cộng đồng. Khi chính quyền địa phương phải lùi bước do có sự theo dõi và can thiệp nhanh và mạnh của quốc tế, khoảng không gian tương đối an toàn sẽ mở ra cho người dân trong cộng đồng tập hợp lại và phát huy khả năng đề kháng.
Vận dụng “đội trừ bị” ở hải ngoại
Trong kế hoạch 10 năm dân chủ hoá Việt Nam, người Việt ở hải ngoại là chủ lực trong 3 lĩnh vực: (1) quốc tế vận để chuyển sân chơi; (2) mở không gian an toàn cho các cộng đồng trong nước; (3) nối kết XHDS Việt Nam với thế giới tự do.
Chúng tôi quan niệm rằng tập thể những người Việt ở hải ngoại là một lực lượng “trừ bị” quý báu. Qua bao tháng năm bươn chải trong cuộc sống mới, họ đã tích luỹ kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, nguồn lực, và các quan hệ gần xa trong khắp thế giới tự do, văn minh và phát triển. Phần lớn những gì đồng bào ở trong nước đang cần mà chưa có thì người Việt ở hải ngoại đã có sẵn và có thể cung ứng tức thì qua công thức “nhóm kết nghĩa”. Quan hệ “kết nghĩa” ấy cũng giúp cho một cộng đồng ở trong nước tăng ngay thế quốc tế vì bộ phận kết nghĩa ở hải ngoại gồm công dân của các quốc gia mà nhà nước Việt Nam đang cầu cạnh.
Chúng tôi chứng kiến nhiều cộng đồng, nhờ công thức “kết nghĩa”, đã tăng lực và thế đáng kể chỉ trong 6 tháng đến 1 năm.
Để nhân rộng công thức này cho hàng nghìn cộng đồng trên toàn quốc, những người Việt ở hải ngoại có lòng với đất nước cần nhận thức được tiềm năng của chính mình. Nếu làm đúng việc và đúng cách, họ hoàn toàn có khả năng để cùng với đồng bào ở trong nước chủ động tạo nên lực lượng dân chủ cần thiết để đưa đất nước từ độc tài đến dân chủ.
Chúng tôi có chương trình huấn luyện và hướng dẫn cho các nhóm kết nghĩa để chu toàn trách nhiệm kết nghĩa.
Kết luận
Dân chủ và độc tài là sự thể hiện ra ngoài của mối tương quan về lực và thế giữa người dân và chính quyền. Dân chủ là trạng thái mà người dân đủ lực và thế để ảnh hưởng chính sách, kiểm soát chính quyền, và thay đổi thể chế nếu cần. Độc tài là trạng thái ngược lại: chính quyền kiểm soát và khống chế người dân nhờ có lực và thế áp đảo. Để chuyển từ độc tài sang dân chủ, nhất thiết phải tăng dần lực và thế cho người dân, đồng thời giảm dần lực và thế của chế độ.
“Lực” là yếu tố nội tại của một nhóm người có tổ chức. Có 2 cách để tăng lực cho người dân: (1) tăng quy củ về tổ chức cho một cộng đồng; (2) tăng quy mô để ngày càng thêm người trong cộng đồng nhập cuộc.
“Thế” là khả năng khai dụng các yếu tố ngoại tại để bổ khuyết cho sự hạn chế về lực. Có 2 cách để tạo thế: (1) chuyển sân chơi để nắm thế thượng phong; (2) liên kết các tổ chức đã có quy củ để tạo thế “bứt mây động rừng”.
Tóm lại, công thức dân chủ hoá là: (1) các cộng động ở trong nước đã sẵn thái độ đề kháng phải tổ chức thật chặt chẽ để tăng nôi lực; (2) khi nội lực đã vững, các cộng đồng này phải liên kết với nhau trên toàn xã hội; (3) muốn thế, trước hết một đội ngũ nhân sự phải được đào tạo về tổ chức, về liên kết, và về khả năng đề kháng. Điều đáng mừng là tất cả những thành tố cần thiết để nạp vào công thức này đều đang nằm sẵn trong tay của chúng ta, những người Việt ở trong và ngoài nước.
Nay chỉ cần làm đúng việc và đúng cách thì một lực lượng đề kháng toàn xã hội sẽ hình thành để thay đổi thể chế từ độc tài sang dân chủ một cách hoà bình, ổn định và bền vững. Chúng ta có căn cứ để hy vọng. Biến niềm hy vọng ấy thành hiện thực chính là trách nhiệm lịch sử của những người Việt có lòng với quê hương và dân tộc.
Bài liên quan:
Dân chủ hoá: Từ sách lược lớn đến những việc làm nhỏ
http://machsongmedia.com/vietnam/danchu/1382-2018-08-05-20-57-08.html
Sách Thông Điệp Hy Vọng và Trách Nhiệm
http://www.machsongmedia.com/images/files/hvtn.pdf
Sơ đồ tóm tắt sách lược dân chủ hoá Việt Nam
http://dvov.org/wp-content/uploads/2018/08/Sach-luoc-dan-chu-hoa-Viet-Nam-1.pdf
Xây Dựng Nội Lực cho Một Cộng Đồng
http://dvov.org/wp-content/uploads/2018/08/Xay-Dung-Noi-Luc-Cam-Nang.pdf