·
Buổi
điều trần mới chỉ là khởi đầu; các bước kế tiếp đang được triển khai
Đố ai không chạnh lòng trước cảnh một phụ nữ quỳ xuống để khẩn
khoản những người có lương tâm và lương tri trên thế giới cứu mạng cho thân
nhân mình ở Việt Nam. Hành động quỳ xuống ấy toát lên nỗi thống khổ và tuyệt
vọng của một con người trước cảnh em trai chết không toàn thây, cha mẹ già đang
đứt ruột, người em dâu bỗng thành goá phụ, người cháu 9 tuổi nay mồ côi cha, và
3 người em trai đang bị đe doạ mạng sống phải bỏ nhà đi trốn.
Hình ảnh chị Mỹ-Phượng, chị ruột của anh Nguyễn Hữu Tấn, tín đồ
PGHH chết trong đồn công an Tỉnh Vĩnh Long ngày 3 tháng 5, quỳ xuống để xin cứu
mạng cho thân nhân ở Việt Nam đã lan đi thật nhanh qua nhiều phương tiện truyền
thông. Về buổi điều trần ngày 25 tháng 5 ở Quốc Hội Hoa Kỳ, có thể nhiều người
không nhớ nội dung của các bài phát biểu nhưng chắc chắn họ biết về sự kiện kể
trên, vốn hoàn toàn không nằm trong chương trình của buổi điều trần.
Sau buổi điều trần tôi đưa chị Mỹ-Phượng đến gặp riêng Dân Biểu
Christopher Smith, vị dân biểu chủ toạ, để trình bày về thảm cảnh gia đình. Mới
nói được vài câu, chị nghẹn ngào không nói gì thêm được gì nữa mà chỉ lập đi
lập lại lời khẩn khoản: “Em trai của tôi chết rồi. Tôi không muốn gia đình có
thêm người bị chết. Hãy cứu gia đình tôi.” Nước mắt của chị cứ tuôn ra. Một tay
tôi đỡ tay chị và tay kia đặt lên lưng của chị, vỗ nhẹ để trấn an. Tay tôi rung
theo từng tiếng nấc dội ra từ lồng ngực của con người đang thống khổ ấy.
Bất ngờ, chị Mỹ-Phượng quỳ thụp xuống, miệng tiếp tục thốt lên:
“Hãy cứu lấy gia đình tôi.” Cảnh 3 người quỳ gối trở thành biểu tượng cho buổi
điều trần, và đã có nhiều ý kiến khác nhau về hình ảnh ấy. Riêng tôi, vì ở tại
chỗ, có lẽ tôi cảm nhận được sâu sắc hơn những người chỉ xem qua video hay hình
ảnh.
Tôi có cảm giác là chị Mỹ-Phượng đã khuỵu xuống vì nỗi đau dày
xéo tâm can đã lên đến tột cùng. Chị nói chỉ vừa đủ nghe, nhưng tôi có cảm giác
chị đang gào thét lên với cả nhân thế. Mắt của tôi bỗng ướt. Nhìn qua Dân Biểu
Smith, tôi thấy mắt của Ông cũng đỏ hoe.
DB Smith, Ts. Thắng và chị
Mỹ-Phượng, từ video của RFA
Chiều hôm trước, anh Hà Nhân Sinh, tín đồ PGHH ở vùng thủ đô, đã
đưa vợ chồng chị Mỹ-Phượng ghé văn phòng BPSOS ngay sau khi họ đáp chuyến bay
từ Atlanta đến Bắc Virginia. Mục đích của buổi họp là để chuẩn bị cho ngày hôm
sau. Thế nhưng chị Mỹ-Phượng không dứt ra khỏi hình ảnh chết tức tưởi của người
em trai và hoàn cảnh ngặt nghèo của gia đình ở Việt Nam. Mặc những lời căn dặn
của tôi, chị cứ quay về những kỷ niệm với người em trai – em nó hiền lành lắm,
không hề gây sự với ai, và được lối xóm yêu mến. Chị tin rằng em trai của chị
không bao giờ làm gì bạo động và chắc chắn không bao giờ tự sát. Chị kể lại nỗi
khiếp sợ và khủng hoảng tinh thần của cha mẹ và các người em trai và em dâu.
Chị nói đến người cháu 9 tuổi bây giờ mẹ không dám cho đến trường vì sợ nói hớ
ra điều gì cấm kị thì nguy hiểm cho cả nhà. Cậu bé cứ hỏi miết: Ba đâu rồi? Tại
sao người ta cắt cổ ba? Và người mẹ đã bỏ ăn bỏ ngủ, thẫn thờ ngồi tựa lưng vào
vách tường, vùi đầu trong tay khóc suốt ngày và đêm. Chồng của chị Mỹ-Phượng
đôi lần cố lôi vợ trở lại đề tài của buổi họp nhưng không được.
Qua buổi tiếp xúc ngắn ngủi, tôi nhận ra những dấu hiệu của sự
chấn động tâm lý thường thấy nơi người vừa trải qua tai hoạ thảm khốc hay đang
chứng kiến tai hoạ xảy đến cho người thân. Biết rằng nói chuyện thêm thì càng
khơi lên nỗi đau của chị Mỹ-Phượng mà cũng chẳng căn dặn gì thêm được, tôi nhờ
anh Sinh đưa hai vợ chồng về nghỉ, để lấy lại sức và chuẩn bị cho một ngày dài
sắp đến.
Nhờ đã nói chuyện với chị Mỹ-Phượng chiều ngày hôm trước, khi
nhận thấy chị đang có động tác quỳ xuống, tôi hiểu ngay rằng lúc ấy chị không
hành động theo lý trí mà đang bị cuốn trôi theo cảm xúc choán ngợp. Tôi níu tay
để kéo chị đứng dậy nhưng không được. Tôi vội quỳ xuống theo, như một tín hiệu
cảm thông và để san sẻ bớt nỗi đau của chị. Cùng lúc, Dân Biểu Smith vừa nắm
tay chị kéo đứng dậy vừa nói khẽ: “Làm ơn, xin đừng làm thế.” Cũng không lay
chuyển được chị, Ông bèn quỳ xuống theo. Thế là cả 3 chúng tôi ở trong tư thế
quỳ.
Trên internet, khi bàn về buổi điều trần ngày hôm ấy, chẳng mấy
ai nhắc đến nội dung của các lời phát biểu mà chỉ chú thích về sự kiện chị
Mỹ-Phượng đã quỳ xuống để cầu xin thế giới cứu mạng cho những người thân còn
sống sau cái chết nghiệt ngã và thảm khốc của người em trai trong đồn công an
Tỉnh Vĩnh Long.
Trong suốt thời gian quỳ, tôi quên bẵng là có những người khác ở
chung quanh. Căn phòng dường như im bặt, không âm thanh nào khác hơn lời khẩn
cầu của một phụ nữ với lòng nát tan. Khi đứng lên, tôi mới nhận ra là có nhiều
người đang vây quanh, chụp ảnh, quay phim hay lặng người theo dõi. Mắt của họ
đều đỏ hoe. Anh Hùng, chồng của chị Mỹ-Phượng, mí mắt sưng húp có lẽ vì khóc đã
nhiều.
Hình ảnh của căn phòng lúc ấy vượt trên mọi lý lẽ bình thường.
Đó là hình ảnh của tình người. Tình cảm của người chị, người con, người cô khi
thân nhân đang kẹt trong vòng vây của bạo lực ở quê nhà. Tình cảm của một vị
dân biểu khác màu da nhưng cùng dòng máu đồng loại. Tình cảm của những người
Việt đang thổn thức cho thân phận của đồng bào máu cháy ruột mềm. Những tình
cảm ấy nói lên tính nhân bản, trọng con người, quý sự sống trong thế giới loài
người văn minh, tương phản với phong cách hung tợn và khinh thường mạng người
phổ biến trong nhiều giới cầm quyền ở Việt Nam.
Trong khi mọi người còn đang an ủi vỗ về chị Mỹ-Phương, DB Smith
và tôi cùng với 2 nhân viên pháp lý của Ông đã bàn riêng với nhau một số việc
phải làm để bảo vệ ngay cho vợ con, cha mẹ và anh em của anh Tấn. Qua ngày hôm
sau, bên lề của buổi họp với vị cố vấn trưởng về Á Châu vụ của Tổng Thống Trump
ở Toà Bạch Ốc, tôi chia sẻ với một giới chức Bộ Ngoại Giao có mặt về những dự
tính đã bàn với DB Smith. Người này cho biết sẵn sàng hưởng ứng. Khi trở về văn
phòng, tôi lập tức triển khai kế hoạch, với 2 mục đích.
Mục đích cấp thời là bảo vệ sự an toàn cho thân nhân của anh Tấn
ở Việt Nam. Để đạt mục đích này, chúng tôi sắp xếp để cơ quan Liên Hiệp Quốc và
một số chính quyền Phương Tây tiếp xúc trực tiếp với các người trong gia đình
của anh Tấn ở Việt Nam và với chị Mỹ-Phượng ở Hoa Kỳ.
Mục đích dài lâu hơn là áp lực chính quyền Việt Nam phải điều
tra và xử trị các giới chức liên can. Trong mục đích dài lâu này, BPSOS đang
chuẩn bị mở hồ sơ Số 7 về danh sách đề nghị chế tài theo Luật Magnitsky Toàn
Cầu đối với các giới chức chính quyền trực tiếp liên can hay cố tình bao che
cho thuộc cấp đã liên can đến cái chết của anh Tấn.
DB Smith và các vị dân biểu
tham gia buổi điều trần, ngày 25/05/2017 (ảnh VOA)
Tôi kêu gọi đồng bào ở
trong nước và đồng hương ở hải ngoại hãy giúp cho chúng tôi trong cả 2 mục đích
này. Đới với đồng bào ở hải ngoại, xin hãy tham gia Ngày Vận Động Cho Việt Nam
năm nay, được tổ chức ở Quốc Hội Hoa Kỳ vào ngày 29 tháng 6 tới đây. Chúng tôi
cần thật nhiều phái đoàn đến từ các tiểu bang và vùng cử tri khác nhau ở khắp
Hoa Kỳ để vận động các dân biểu và thượng nghị sĩ ủng hộ việc chế tài các giới
chức chính quyền Việt Nam đã vi phạm nhân quyền một cách nghiêm trọng, kể cả
trường hợp của anh Nguyễn Hữu Tấn. Những đồng hương ở các quốc gia khác cũng có
thể tham gia để yểm trợ. Để tham gia các phái đoàn, xin ghi danh
tại: http://tiny.cc/VNAD2017.
Đối với đồng bào ở trong nước, xin hãy đưa thông tin về cái chết
của anh Nguyễn Hữu Tấn ở đồn công an Tỉnh Vĩnh Long và những hoạt động quốc tế
vận đang diễn ra ở ngoài này cho mọi người dân theo dõi. Đó là cách để vô hiệu
hoá các nỗ lực bưng bít thông tin của chính quyền hay các thông tin sai lệch
của dư luận viên.
Trên đây là 2 việc cần làm trong đoản kỳ. Chúng tôi sẽ giới
thiệu các công việc cho từng thời kỳ tiếp theo.
Ts. Nguyễn Đình Thắng
Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS
Bắc Virginia, ngày 29 tháng 5, 2017