Phát biểu của Ts. Nguyễn Đình
Thắng tại buổi gây quỹ 28 tháng 4, 2017
LTS: Dưới đây là phỏng ghi lời
phát biểu của Ts. Nguyễn Đình Thắng tại buổi gây quỹ ngày 28 tháng 4 vừa qua ở
Falls Church, Virginia để tài trợ các hoạt động quốc tế của BPSOS, mà Ts.
Thắng là Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch.
Thưa quý vị ân nhân, quý vị thân hữu,
Hôm nay là ngày 28 tháng 4. Hai ngày nữa là đánh dấu 42 năm ngày
đau buồn, không riêng cho những người dân ở miền Nam; ngày ấy, tia hy vọng tự
do và dân chủ cũng bị dập tắt cho phân nửa dân tộc của chúng ta ở miền Bắc.
Bởi vậy, thật ý nghĩa khi ngày hôm nay chúng ta đến với nhau để
tiếp nối quyết tâm giải cứu và bảo vệ đồng bào là nạn nhân của chế độ độc tài,
trong đó có những người đang lâm nạn hay tù đày vì tranh đấu cho tự do và dân
chủ. Nhiều năm qua, quý vị đã tin yêu và hỗ trợ cho chúng tôi trong các công
tác này. Xin tri ân. Chúng tôi cũng tri ân rất nhiều người không có mặt hôm nay
nhưng lúc nào cũng sẵn lòng góp một bàn tay. Những ân nhân đó, những bạn đồng
hành đó không chỉ trong vùng thủ đô mà ở khắp Hoa Kỳ và nhiều quốc gia trên thế
giới, kể cả ở Việt Nam.
Nhờ sự khích lệ tinh thần, đóng góp công sức và trợ giúp vật thể
của rất nhiều những người có lòng mà BPSOS đến nay đã giải cứu được chục nghìn
đồng bào bị buôn bán làm nô lệ ở nhiều nơi trên thế giới, bảo vệ pháp lý cho
nghìn rưỡi đồng bào phải bỏ nước đi lánh nạn ở nhiều quốc gia trong vùng, cũng
như trợ giúp và can thiệp cho khoảng 120 nhà đấu tranh bị lâm nạn hay tù đày.
Chúng tôi không ngưng ở đó, vì như vậy mới chỉ là đối phó với
hậu quả. Chúng tôi chủ trương giải quyết vấn đề tận gốc, để không còn đồng bào
bị buôn làm nô lệ rồi phải giải cứu, không còn những nhà đấu tranh nhân quyền
phải đi lánh nạn để rồi phải bảo vệ, và không còn những tù nhân lương tâm để
rồi phải can thiệp. Để giải quyết đằng gốc, năm 2010 BPSOS đề xướng kế hoạch 10
năm dân chủ hoá Việt Nam và bắt đầu triển khai kế hoạch này vào tháng 7 năm
2011, qua cuộc họp mặt ngay tại thủ đô Hoa Kỳ của khoảng 250 người có lòng với
đất nước.
Quan khách (ảnh NQK)
Ví von với việc đồng áng, kế hoạch này gồm 2 công đoạn: cày và
cấy. Việt Nam là vùng đất cằn mà hạt dân chủ không thể nảy mầm. Trước hết, phải
cày cho bở đất ra. Đó là mục tiêu quốc tế vận trong 6 năm qua. Đến này đất đã
khá bở. Dưới áp lực quốc tế, chính quyền Việt Nam đã cam kết tôn trọng nhân
quyền khi thương thảo mậu dịch với Hoa Kỳ và đã ký một số công ước quốc tế về
nhân quyền với LHQ. Chúng tôi lại vận động các đạo luật có biện pháp trừng
phạt, mà nổi bật là Luật Magnitsky Toàn Cầu được ban hành cuối năm ngoái. Như
thế, chính quyền Việt Nam và cá nhân các giới chức chính quyền Việt Nam nay
phải đối mặt sự trừng phạt khi vi phạm các cam kết quốc tế. Nghĩa là đất cằn
đang nứt ra.
Công đoạn kế tiếp là gieo hạt mầm dân chủ trên khắp đất nước.
Đây là lúc cần nhiều, rất nhiều người hiệp sức và chia việc. Những người Việt
có lòng ở hải ngoại có thể kết lại theo từng nhóm thân hữu; mỗi nhóm kết nghĩa
với một cộng đồng tôn giáo, cộng đồng bản địa hay tổ chức xã hội dân ở trong
nước, một cách bền chặt và dài lâu về tinh thần, vật thể, và sự bảo vệ -- nếu
chính quyền đụng đến họ, lập tức nhóm kết nghĩa báo động quốc tế và vận động
chế tài. Mỗi cộng đồng nhỏ ấy chính là một mầm dân chủ. Kết nghĩa chính là chăm
sóc, vun xới cho hạt mầm ra lá, vươn lên, và trổ hoa. Nếu nơi nơi cùng làm như
vậy, vườn hoa dân chủ sẽ đến ngày nở rộ khắp quê hương.
Trong thời gian tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục cần sự hiệp lực
của quý vị cho cả 2 công đoạn, vừa cày vừa cấy, để sớm đưa đất nước đến nền dân
chủ vững bền và không thể thoái lui.
Giờ đây tôi xin giới thiệu một số người lẫn lộn trong số quan
khách. Họ ngồi ngay cùng bàn với quý vị. Họ có những kinh nghiệm cụ thể về 2
công đoạn cày và cấy, về công thức kết nghĩa trong-ngoài, để chia sẻ. Qua họ,
quý vị sẽ thấy là, mỗi người chỉ cần làm một việc nhỏ, vừa sức, nhưng đều đặn
và dài lâu, chúng ta sẽ cùng nhau thay đổi đất nước.
Anh Nguyễn Văn An, ngồi ở bàn trước mặt tôi, là người có kinh
nghiệm về công thức “1 vốn 10 lời” để giúp các nhà tranh đấu bị lâm nạn hay
đang bị tù đày. Tôi chỉ quen biết vợ chồng anh Anh qua buổi gây quỹ như thế này
năm ngoái. Khi biết được công việc của BPSOS, anh An và người bạn chung vốn
trong công ty của anh đã quyết định tài trợ 18 nghìn Mỹ kim cho một người trong
toán hoạt động của chúng tôi ở Thái Lan để chuyên lập hồ sơ xin trợ cấp khẩn
cấp từ các tổ chức nhân quyền quốc tế cho các nhà đấu tranh bị lâm nạn. Hai vợ
chồng anh An lại còn đóng góp riêng thêm 2 nghìn Mỹ kim nữa. Không chỉ có vậy,
anh An còn giúp dịch hồ sơ từ tiếng Việt sang tiếng Anh trước khi nộp đi. Trong
9 tháng qua, cách làm này đã đưa lại 92 nghìn Mỹ kim cho các nhà hoạt động bị
lâm nạn. Từ năm 2008 đến nay, BPSOS đã chuyển về trên nửa triệu Mỹ kim cho 120
người đấu tranh bị lâm nạn hay tù đày, dù chưa một lần kêu gọi gây quỹ tù nhân
lương tâm.
Ông Nguyễn Văn An cùng với Ts.
Nguyễn Đình Thắng (ảnh NQK)
Chị Ngô Thị Hiền sẽ chia sẻ công thức “kết nghĩa” qua trường hợp
tù nhân lương tâm Đặng Xuân Diệu. Chị Hiền cũng đã sát cánh với Hiệp Hội Giáo
Dân Cồn Dầu để kết nghĩa với Giáo Xứ Đông Yên, Tỉnh Hà Tĩnh. Giáo xứ này là địa
đầu của cuộc đấu tranh đòi công lý từ Formosa. Chị Hiền cũng là một trong số
người đầu tiên đóng góp cho kế hoạch 10 năm dân chủ hoá đất nước. Trong giai
đoạn cày sâu cuốc bẫm, chúng tôi chủ trương hoạt động âm thầm và bỏ tiền túi để
tự tài trợ trong những năm đầu. Chị Hiền đã đóng góp 10 nghìn Mỹ kim năm đầu
tiên, và rồi những năm sau đó. Riêng trong năm nay, chị Hiền cam kết 25 nghìn
Mỹ kim và đến nay đã đóng góp quá nửa.
Người nữa là Ts. Grant McClure, Chỉ Huy Trưởng tổ chức
Counterparts. Đây là mạng lưới những cựu cố vấn Hoa Kỳ trong cuộc chiến Việt
Nam. Tổ chức Counterparts đã chung vai sát cánh với BPSOS trong ¼ thế kỷ qua
trong cuộc tranh đấu bảo vệ cho các thuyền nhân trước hiểm hoạ cưỡng bức hồi
hương trước đây, và trong các cuộc vận động Quốc Hội để bảo vệ người tị nạn
Việt Nam ở Thái Lan và các cộng đồng tôn giáo ở trong nước ngày hôm nay. Nhân
đánh dấu 40 năm cộng đồng người Việt tị nạn ở Hoa Kỳ, chúng tôi đã vinh danh tổ
chức Counterparts tại Kennedy Center năm 2015.
Kế tiếp là chị Pham Mỹ Diễm, đồng sáng lập Hội Bạn Đồng Hành.
Đây là tổ chức gồm các vị cao niên đã qua khoá huấn luyện “Bạn Đồng Hành” của
BPSOS về sinh hoạt cộng đồng. Trong nhiều năm qua, hội này thực hiện các chương
trình phục vụ cho các bác cao niên ở trong vùng Bắc Virginia. Mới đây Hội Bạn
Đồng Hành nhận kết nghĩa với Hội Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam ở trong nước. Chị
Diễm có kinh nghiệm thế nào là “kết nghĩa” để chia sẻ.
Anh Nguyễn Quốc Khải có kinh nghiệm “kết nghĩa” với các tù nhân
lương tâm Đoàn Huy Chương và Nguyễn Hoàng Quốc Hùng trong nhiều năm qua. Hiện
nay anh Khải đang chung sức với BPSOS để giúp cho 18 thuyền nhân Việt Nam đang
kẹt ở Nam Dương. Họ vượt biển đến Úc tìm tự do, nhưng thuyền của họ bị chết máy
trong vùng biển Nam Dương. Tuần tới đây cựu Đại Sứ Joseph Rees, cố vấn của
chúng tôi về hoạt động quốc tế, sẽ lên đường đến thủ đô Jakarta, Nam Dương, để
vận động Cao Uỷ Tị Nạn LHQ và Toà Đại Sứ Hoa Kỳ can thiệp để họ được cứu xét
công bằng về tư cách tị nạn. Anh Khải đã giới thiệu với ĐS Rees một số người
Việt sinh sống ở Jakarta có thể giúp thăm nuôi và thông dịch cho 18 thuyền nhân
này.
Chị Lê Tống Mộng Hoa, ngồi ở bàn phía tay trái, có kinh nghiệm
kết nghĩa với dân oan kiêm tù nhân lương tâm Lê Thị Kim Thu khi còn trong tù và
sau khi ra khỏi tù. Cô Kim Thu giờ này đã định cư Hoa Kỳ. Nhóm Từ Thiện Tình
Thương và Hội Quảng Đà Virginia mà chị Mộng Hoa là thành viên đã đóng góp từ
năm này sang năm khác cho nhiều chương trình của BPSOS, như chiến dịch Cứu Cồn
Dầu trước đây và chiến dịch Cứu Đông Yên hiện nay. Mới đây nhất họ trợ giúp cho
Chùa Long Thọ ở Long Khánh, Đồng Nai.
Anh Đặng Đức Hân Hoan là người trẻ có kinh nghiệm về Ngày Vận
Động cho Việt Nam, tức Vietnam Advocacy Day, mà sắp tới đây sẽ là lần thứ 7
chúng ta vận động Quốc Hội và Hành Pháp Hoa Kỳ. Trong nhiều năm qua anh Hoan
đồng tổ chức sự kiện này, với sự tham gia của nhiều trăm đồng hương đến từ 30
tiểu bang Hoa Kỳ. Nhờ những cuộc vận động rầm rộ và liên luỷ ấy mà chúng ta nay
đã có Luật Magnitsky Toàn Cầu. Năm nay chúng ta sẽ khai thác triệt để các biện
pháp chế tài trong luật này.
Chị Hồng Phạm là người mà tôi quen biết từ mấy chục năm nay. Khi
còn là sinh viên, chúng tôi đã cùng hoạt động trong các sinh hoạt thanh niên
với ý nguyện thay đổi đất nước. Trong những năm gần đây Chị Hồng đã tiếp tay
chặt chẽ với BPSOS trong chương trình CAMSA, tức Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới ở
Á Châu, để giải cứu đồng bào vị buôn làm nô lệ. Chị Hồng luôn luôn là người bảo
trợ cho các chương trình gây quỹ hàng năm của BPSOS.
Cuối cùng, tôi xin giới thiệu Bà Minh Lượng, mẹ vợ của tôi, để
chia sẻ về việc hình thành nhóm kết nghĩa mới đây ở bên Canada. Nhóm này đang
kết nghĩa với Nhóm Tinh Thần Đoàn Kết Phật Giáo Việt Nam ở trong nước, là mạng
lưới những người quan tâm đến tiền đồ của Phật Giáo ở Việt Nam. Công thức của
nhóm là phát huy khả năng cho các cộng đồng Phật tử độc lập ở trong nước để báo
cáo vi phạm và thực thi quyền tự do tôn giáo. Các thành viên của nhóm kết nghĩa
ở Canada mỗi người cam kết đóng góp 1 Gia kim mỗi ngày, 365 ngày một năm. Nhóm kết
nghĩa này phối hợp chặt chẽ với nhóm kết nghĩa tương tự ở Seattle.
Nhân đây tôi cũng xin nhắc đến mẹ ruột của tôi, năm nay 83 tuổi,
đã kêu gọi các bạn cao niên, mỗi người đóng góp tuỳ theo khả năng để giúp một
số cộng đồng tôn giáo ở trong nước, và anh Nguyễn Đình Tiến, anh ruột của tôi –
anh Tiến không chỉ đóng góp tài chính mà còn giúp phiên dịch rất nhiều hồ sơ
báo cáo vi phạm. Các hồ sơ này đang được BPSOS dùng để vận dụng Luật Magnitsky
Toàn Cầu. Tôi cũng ghi nhận là ở nơi đây còn nhiều người nữa đã góp một bàn tay
cho kế hoạch dân chủ hoá Việt Nam. Họ ngồi ở ngay bàn của quý vị. Xin quý vị
hãy nói chuyện với họ.
Tôi mong rằng qua câu chuyện rất thực của họ, quý vị sẽ thấy
rằng mỗi người chỉ cần đóng góp vừa khả năng nhưng đúng cách thì chúng ta sẽ cùng
nhau sớm đem lại dân chủ cho đất nước.
Lần nữa xin cảm ơn quý vị.
Tài liệu liên quan: