Trang

Thứ Sáu, 5 tháng 1, 2024

4867. Vài ý với Nhã Duy về một sự so sánh

 

Vài ý với Nhã Duy về một sự so sánh

Krishna Trần

6-1-2024. BÁO TIẾNG DÂN.

https://baotiengdan.com/2024/01/06/vai-y-voi-nha-duy-ve-mot-su-so-sanh/

Giống nòi lỡ bước văn minh chậm

Non nước đang chờ tiết khí cao

(Hoàng thân Vĩnh Sính trích dẫn cho quyển “Nhật Bản cận đại”)

Một chiếc máy bay của hàng không Nhật Bản lâm nạn tại Tokyo và mấy trăm hành khách thoát nạn trong vòng mười mấy phút, trong một tinh thần kỷ luật tuyệt vời, trước khi chiếc máy bay cháy rụi.

Khi tin này loan ra, tôi nghĩ ngay rằng, sẽ có những bài viết nào đó trên mạng xã hội, so sánh người Nhật và … người Việt.

Đúng như vậy. Nhã Duy, một tác giả khá quen thuộc trên trang Tiếng Dân, viết: “Người Nhật, kỷ luật trong tai nạn”, trong đó tác giả ca ngợi văn hóa và kỷ luật Nhật Bản, so với người Việt.

Chuyện tinh thần kỷ luật, trật tự, ngăn nắp của người Nhật, nước Nhật, vẫn thường xuyên làm cho cả thế giới thán phục, đâu riêng gì người Việt, đâu riêng gì Nhã Duy, mà tôi đây cũng thế.

Nhưng đọc bài của Nhã Duy xong, tôi thấy còn lấn cấn cái gì đó, đúng hơn là nhiều cái gì đó, mà không biết bắt đầu từ đâu.

Tôi bắt đầu bằng Samuel P. Huntington.

Một nền văn minh đầy sự riêng biệt

Huntington viết Sự xung đột giữa các nền văn minh (Clash between Civilizations) vào năm 1996, chưa đầy 10 năm sau khi khối cộng sản Đông Âu và Liên Xô sụp đổ. Trong quyển sách này ông dự báo rằng, xung đột tương lai của thế giới sẽ không phải là ý thức hệ như cuộc chiến tranh lạnh giữa hai khối tư bản tự do và cộng sản toàn trị, mà là giữa các nền văn minh lâu đời khác nhau. Dự báo này chứng tỏ khá chính xác trong trường hợp cuộc chiến Ukraine hiện nay (xung đột giữa hai thế giới Thiên chúa Tin Lành và Chính thống giáo). Dĩ nhiên còn những nguyên nhân khác nữa của cuộc chiến tranh tàn khốc đang diễn ra gần hai năm nay, nhưng mục đích của tôi không phải là nói về xung đột. Điều tôi muốn dẫn từ cuốn sách của Huntington là việc chia ra các nền văn minh trên thế giới, trong đó Nhật Bản đứng riêng biệt.

Nhật Bản là một quần đảo, mặc dù chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, nhưng người Hán chưa bao giờ cai trị Nhật Bản. Chỉ có hai lần quân đội nước ngoài đặt chân lên lãnh thổ Nhật Bản, đó là những chiến binh Mông Cổ vào thế kỷ 13, trước khi bị tiêu diệt hết. Lần thứ hai là các đội quân Hoa Kỳ chiếm đóng Nhật Bản sau khi nước này thua trận chiến thế giới lần thứ hai. Trong lịch sử độc lập rất riêng đó, điều quan trọng là, ảnh hưởng của người Hán không phải là một ảnh hưởng cưỡng bức như đối với Việt Nam, với gần 1000 năm Bắc thuộc.

Sự độc lập đó tạo điều kiện cho Nhật Bản có thể lựa chọn những gì hay của văn minh Khổng giáo, kết hợp với triết học Phật giáo (cũng sang Nhật theo ngã Trung Hoa), tạo nên một nền văn hóa mạnh mẽ, nhiều sự tốt đẹp, cho riêng mình.

Hình ảnh các khán giả Nhật Bản đi nhặt rác trong các sân vận động quốc tế, hình ảnh đoàn người kiên nhẫn xếp hàng chờ cứu trợ sau thảm họa Fukushima, hay những clip ngắn cho thấy người Nhật theo nhau qua cửa thoát hiểm ở sân bay Tokyo, chính là kết quả của hàng ngàn năm độc lập phát triển một cách chọn lọc như thế.

Những điều kiện như thế không có ở Việt Nam, núi liền núi sông liền sông với một đế quốc quá hùng mạnh, có điều hay nhưng cũng lắm cái dở hơi. Nhật Bản cũng thoát nạn thực dân khi các võ sĩ đạo thức thời mở cửa buôn bán với phương Tây, ủng hộ Minh Trị canh tân đất nước, trong khi Thiệu Trị và Tự Đức còn mãi làm thơ chữ Hán khi pháo thuyền thực dân Pháp đã vào đến Đà Nẵng. Thoát nạn thực dân, sau đó thua trận nhưng bị Mỹ chiếm đóng, thay vì Liên Xô, Nhật Bản lại thoát khỏi chế độ toàn trị cộng sản, không như các sĩ phu, trí thức xứ An Nam, phải cậy đến phương pháp cộng sản để giành độc lập, để rồi rơi vào thêm mấy mươi năm lạc hướng.

Quả táo Fuji và trái cam sành

Đương nhiên chẳng có gì để so sánh giữa chúng với nhau cả.

Sau khi xem lại Huntington, tôi vào trang New York Times, để xem người Mỹ nói gì về chiếc máy bay Nhật Bản lâm nạn. Trong bài “Khi ngọn lửa bùng lên, trật tự ngự trị bên trong máy bay của Japan Airlines”, có tới gần 1000 bình luận của độc giả, mà có tới hai phần ba so sánh Nhật Bản và Hoa Kỳ. Đa số viết rằng, nếu chuyện đó xảy ra ở Mỹ, thì với ý thức quyền lợi cá nhân quá cao, người Mỹ hẳn chết nhiều lắm trong một tai nạn tương tự.

Các độc giả Mỹ này có lý hơn khi họ so sánh hai quả táo, Fuji và Pennsylvania, cùng là táo cả. Hai quốc gia hiện đại tương đương nhau, khoa học kỹ thuật tương đương nhau. Và bên cạnh những người than phiền tính cách văn hóa “Me First”, của người Mỹ, nhiều người khác viết rằng, câu chuyện Nhật Bản là câu chuyện văn hóa, không phải mới dạy dỗ trẻ em hôm kia thì hôm nay có được, mà là nó hun đúc cả ngàn năm.

Mà có khi hai quả táo Fuji và Pennsylvania cũng khó so sánh.

Hai vợ chồng một người quen của tôi, người gốc Việt sống ở Mỹ, đi du lịch Nhật Bản về. Chị vợ ca ngợi hết lời sự sạch sẽ của nước Nhật, chị ca cẩm là nước Mỹ so với Nhật thì dơ bẩn quả, vì nhiều di dân đến từ các nước nghèo khó, và vì thế nên hạn chế di dân như Nhật Bản.

Nhật Bản là một quốc gia rất đồng nhất về sắc tộc, và như thế dễ quản trị hơn một nước đa sắc tộc như Mỹ.

Anh chồng bèn trả lời, rằng Mỹ có nhiều người nhập cư, thế là không thiếu lao động, dân số không già đi như Nhật Bản. Được cái này thì mất cái kia, mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh.

Quả táo Fuji có sâu không?

Có chứ!

Cách đây hơn 20 năm, tôi thăm đền Đế Thiên Đế Thích, thấy một đoàn du khách Nhật Bản do một anh hướng dẫn viên người Việt hướng dẫn. Một ông cụ đi trước một bà cụ, rồi quay lại nói gì đó với bà cụ mà vẻ mặt có vẻ cáu giận. Tôi bèn hỏi anh hướng dẫn viên người Việt. Anh ấy dịch câu của ông cụ là: Đi nhanh lên đi chứ, cái đồ ngu ngốc! Anh cho biết thêm là, những câu nói của đàn ông Nhật Bản tương tự như vậy, rất thường xuyên được nói với vợ họ.

Chuyện phân biệt đối xử với phụ nữ là chuyện của nhân loại, nhưng chuyện đó đối với nhân loại Nhật Bản trầm trọng hơn nhân loại phương Tây, mà xem chừng có thể là trầm trọng hơn cả nhân loại Việt Nam. Gần đây, quốc hội Nhật bàn xem phải làm thế nào để giải quyết cái gọi là “rape culture” của xã hội Nhật Bản, trong đó người phụ nữ bị hãm hiếp mà không thể, hoặc không dám đưa thủ phạm ra ánh sáng.

Tỷ lệ người tự tử ở Nhật đứng hàng đầu thế giới. Cũng không rõ đó có phải do nguyên nhân tinh thần kỷ luật quá tuyệt đối, sức ép công việc lên cá nhân quá lớn hay không! Nhưng dù gì đi nữa, một dân tộc có tỷ lệ tự tử cao như vậy thì khó mà nói rằng họ hạnh phúc. Một nền văn hóa như thế nào mà dân chúng không được hạnh phúc, thì có lẽ cũng nên xem xét cho tường minh mà sửa đổi.

What if

Ở cuối bài, tác giả Nhã Duy đặt câu hỏi theo dạng… Nếu: Thử hỏi rằng nếu đây là chuyến bay của hãng hàng không Việt hay Trung Quốc trong tình cảnh này thì sẽ như thế nào?

Một độc giả của bài báo trên tờ NYT mà tôi đề cập trên kia, viết rằng, đã đi du lịch nhiều nơi ở châu Á, thấy rằng người Á châu, trong đó có cả người Trung Quốc, rất có kỷ luật.

“Nếu” tức là chưa có, và đang không có. Và mọi sự có thể đổi thay.

Một trong những người Việt Nam am hiểu Nhật Bản là Hoàng thân Vĩnh Sính (1944-2014), là giáo sư lịch sử và văn hóa Nhật Bản tại Canada. Ông viết một quyển sách tên là “Nhật Bản cận đại, dành cho độc giả người Việt. Mở đầu quyển sách, ông trích dẫn hai câu thơ:

“Giống nòi lỡ bước văn minh chậm

Non nước đang chờ tiết khí cao”

Hai câu thơ này cũng hàm ý một sự so sánh. So sánh giữa nhanh và chậm, cao và thấp, nhưng khi đọc, tôi cảm nhận một sự cảm thông, hơn là lấn cấn.