Trang

Thứ Tư, 4 tháng 9, 2019

2915. HÃY CỨU SỐNG MỴ CHÂU.


CHÚNG TA  CẦN THẢO LUẬN VỀ CÂU KẾT:
chúng ta những con dân Việt Nam có tín nguỡng cần phải làm gì để chúng ta không trở thành nạn nhân như nàng Mỵ Châu?


Hãy Cứu Sống Mỵ Châu

TS Phan Quang Trọng

(xin đăng lại một bài viết cũ nhân ngày 22/8 - “Ngày Quốc tế Tưởng niệm Nạn nhân bị Bạo hành vì Tôn giáo hay Niềm tin”)

Một xã hội lành mạnh phải quy tụ và cân bằng hai yếu tố pháp trị và đạo lý. Luật pháp hợp lý và phân minh để bảo vệ những quyền căn bản của người dân. Đạo lý trong sáng và hướng thượng để duy trì những giá trị đạo đức và nhân bản. Đạo lý và pháp luật phải hợp tác để gìn giữ kỷ cương cho xã hội. Những chỗ chi li mà pháp lý không thể đem áp dụng thì đã có đạo lý kềm chế.



 Một quốc gia mà luật pháp không phân minh, đạo lý bị chà đạp là quốc gia đang trong hoạ diệt vong. Cái quốc gia ấy là nuớc Việt Nam hiện tại. Chính nguyên chủ tịch nhà cầm quyền, ông Đỗ Muời cũng phải nhìn nhận ..."các quan hệ đạo đức giữa người với nguời, một trong những phương diện quan trọng nhất của văn hóa, có nhiều mặt bị sa sút nghiêm trong." Vì một trong những sinh hoạt quan trọng nhất để phát huy đạo đức xã hội là tôn giáo đã bị chính quyền xem thuờng và trù dập thì tránh sao khỏi cảnh đạo lý suy đồi? Tôn giáo là tim, chính trị là đầu trong cơ thể là dân tộc. Một cơ thể khoẻ mạnh phải có đời sống tâm linh trong sáng của quả tim và tinh thần duy lý khai phóng của bộ óc. Cơ thể thiếu hai điều kiện trên là cơ thể bệnh hoạn, suy nhược. Nhưng tại Việt Nam như nhận xét của Ông Đỗ Quý Toàn "chính trị đã thay thế đạo đức và chính trị đã chiếm chỗ của pháp luật." Vì thế sinh lộ cho dân tộc là dân chủ đa nguyên để xây dựng nền pháp trị quang minh trong đó quyền tự do tín ngưỡng phải là buớc đầu để vực lại đạo lý xã hội. Bài viết này xin lạm bàn về tầm quan trọng của đời sống tâm linh trong việc cải thiện xã hội.

Trong lịch sử nhân loại, trước khi con người khám phá ra những mô thức chính trị để áp đặt lên xã hội thì tôn giáo đã xuất hiện rất lâu trước đó. Tôn giáo kéo con người ra khỏi nỗi lo âu và đau khổ, giải thoát con người khỏi những hư vọng trần thế, nâng con người từ động vật thời hồng hoang lên ngang hàng với thần thánh. Khi lo âu, đau khổ, hư vọng còn xuất hiện thì tôn giáo còn tồn tại. Như vậy, không đến nỗi võ đoán khi nói tôn giáo sẽ tồn tại với con người cho đến ngày hoàng hôn của nhân loại. Chế độ chính trị nào đồng hóa tôn giáo với những sai lỗi quá khứ để biện minh cho những trù dập, cấm đoán là những hành động không những vong bản mà còn thiếu sáng suốt. Vì những sai lầm lịch sự, nếu có, là sai lầm của con người núp bóng tôn giáo. Hoặc nếu quan niệm tôn giáo như một hệ thống quyền lực thế gian thuần túy để ngụy biện "tôn giáo là nha phiến ru ngủ quần chúng" là việc làm cóp nhặt theo khuôn mẫu, kinh viện của đàn anh đi trước một cách ngây thơ. Triết gia Karl Marx sinh trưởng trong xã hội công nghiệp phôi thai và có lẽ còn mang nặng nỗi ám ảnh ảnh hưởng của tôn giáo vào chính trường Âu châu thời Trung cổ. Lênin có lần sống lưu vong thời "tiền cách mạng" trong một tu viện đã thấy lối tổ chức chặt chẽ của một đạo giáo? Đám mây tôn giáo u ám trung cổ được chuyển giao đến Marx cộng với sự nhận thức một sức mạnh huyền nhiệm của tôn giáo làm Lênin hoảng sợ!

Marx chưa từng được sống trong một xã hội tư bản hẳn hoi, Lênin chưa tìm hiểu ngọn ngành cái sức mạnh mà ông lo sợ trong việc nâng cao đời sống đạo lý của nhân loại. Hậu sinh nhắm mắt đưa chân theo cẩm nang phôi thai, phiến diện những tư tưởng thuần lý trí là một mạo hiểm. Vì khi chính trị và tôn giáo mâu thuẫn thì chỉ có thể làm hại lẫn nhau và tàn phá cơ thể chung là dân tộc. Tôn giáo và chính trị phải liên kết trong ngay thẳng và tôn trọng vì cả hai là thành phần quan yếu của cơ thể. Tim không đưa máu về óc, não bộ không làm trọng tài giữa những cơ năng, cơ thể sẽ băng hoại và tự hủy. Tôn giáo lấn lướt chính trị như thời Trung cổ Âu châu làm sinh hoạt xã hội ngột ngạt, ngụy tín. Chính trị trù dập tôn giáo như Việt Nam hiện nay làm đời sống đầy giẫy phản trắc, vô đạo, và vô luân. Đức Đạt Lai Lạt Ma thư1 14 đã viết trong hồi ký của ngài: "nếu chủ nghĩa duy vật và tiến bộ kỹ thuật giải quyết được mọi vấn đề của nhân loại thì ở những xứ cộng sản hay kỹ nghệ tân tiến nhất phải đầy những khuôn mặt tươi cười. Nhưng chúng ta không thấy như vậy. Cũng tương tự, nếu loài người chỉ sống vì những thao thức tâm linh thì chúng ta ai cũng sống sung sướng nhờ các tôn giáo. Nhưng như thế thì lại không tiến bộ được. Vậy sự phát triển về vật chất và tâm linh đều cần thiết."

Việt Nam như lời nhận định của ông Phan Tấn Hải; "trong hai thế kỷ qua (VN) đã gần như đứng ngoài những trò chơi tao nhã của nhân loại và hoàn toàn đắm chìm vào những thử nghiệm của các chủ nghĩa chính trị." Để duy trì hay áp đặt một chủ nghĩa chính trị phải dùng đến bạo lực và trò chơi bạo lực chắc chắn không phải của tôn giáo, nên tôn giáo như Công Giáo đã bị vùi dập liên tục từ thời Minh Mạng cho đến nay. Được yên trong những năm Việt Nam Cộng Hòa thì bị cho là đứng về phía chính quyền hay quyền lực Âu Tây. Ông Phan quả không sai khi nhận xét: "tôn giáo đứng giữa những mê lộ chính trị của dân tộc trong thế kỷ qua như một người em tội nghiệp, như đứa trẻ ngây thơ."

Thật tội nghiệp, vì chỉ mang tham vọng đem đạo vào đời để cải thiện đời sống con người mà tôn giáo bị đối xử thậm tệ như một thứ tội phạm. Lối đối xử của chính trị với tôn giáo ngày nay tại Việt Nam còn tàn độc hơn nhiều so với những tác hại thời phong kiến trước đây. Vì mục tiêu không chỉ nhắm vào sự tiêu hủy con người trực tiếp mà đến cả một truyền thống lâu đời, cả một ý thức hệ duy tâm lành mạnh. Hậu quả là hố ngăn cách, nghi ngờ giữa tôn giáo và chính trị trở nên trầm trọng, phản tác dụng. Mối nguy hại lâu dài của việc đánh mất tôn giáo là sự đánh mất một hệ thống đạo lý được quy tụ và hun đúc bởi dân tộc Việt Nam qua những hấp thụ và sàng lọc lâu dài. Việt Nam là nơi "đa giáo đồng nguyên" tập trung nhiều tôn giáo cao thượng nhất của nhân loại. Con người Việt Nam thời xưa được nuôi dưỡng bằng tinh thần Nhân Trí Dũng của Đạo Khổng, quan niệm thanh tịnh, an nhiên, dĩ đức báo oán của Đạo Lão, đức từ bi hỷ xả, từ bỏ tham sân si của Đạo Phật, và chủ trương công bình bác ái của Thiên Chúa Giáo (TCG). Xuất phát từ một nền đạo đức cao đẹp như vậy, Việt Nam ngày nay là một xã hội mà đạo lý tha hóa và suy đồi. Đạo đức suy đồi biểu hiện ở chỗ quá xem trọng kim tiền, ích kỷ và tham lam, lừa dối và nghi kỵ, hận thù và bạo lực. Việt Nam hiện nay có câu đồng dao rất phổ biến nghe khôi hài nhưng cũng rất đau lòng:

"Tiền là tiên là phật
là sức bật con người
là nụ cười tuổi trẻ
là sức khỏe ông già
là cái đà danh vọng
là cái lọng che thân
là cán cân công lý."

Trong lịch sử dân tộc không lúc nào đồng tiền lên đỉnh danh vọng như vậy, ngay cả thời kỳ Bắc thuộc hay thực dân đô hộ. Vì ít nhất trong những thời kỳ đen tối của đất nước ngày trước, đạo lý còn được trân quý, kính trọng tại gia đình, làng xã. Tầng lớp sĩ phu quay về nơi thâm sơn nương vào dân để giúp duy trì văn hóa và truyền thống dân tộc. Ngày nay những tổ chức duy trì đạo lý, văn hóa và giáo dục, như tôn giáo và tầng lớp trí thức chân chính.vv. Bị chính trị tàn phá hung bạo thì lấy gì để bảo đảm luân thường đạo lý? Viễn cảnh của Việt Nam tương lai có xác mà không hồn, có cơm áo mà không còn nhân phẩm, không phải là nhận xét bi quan của ông Đỗ Quý Toàn mà thôi, ngày chính các đảng viên cộng sản cao cấp cũng có những nhận xét tương tự. Nhưng nguyên nhân thì được người cộng sản viện dẫn là do chính sách cởi mở kinh tế, để văn hóa đồi trụy du nhập từ các nước tư bản bên ngoài vào. Vậy tại sao ở Tây phương Tư bản đã có hàng thế kỷ mà xã hội, văn hóa của họ không đến nỗi suy vi như chúng ta? Nhà văn Mai Văn Tạo trong nước đã nói lên một phần sự thật trên tờ Tuổi Trẻ: "đã quá lâu ta hết sức lơ đãng với sứ mệnh trồng người, bỏ bê văn hóa dân tộc, lãng quên truyền thống cổ truyền. Thuần phong mỹ tục, lễ giáo gia phong không ngó ngàng. Dù không có giai đoạn mở cửa ta cũng phải cứu nguy, vì lẽ nguy cơ đổ vỡ không phải từ bên ngoài tràn ngập mà tự ta hủy hoại ta."

Nhưng phần lớn sự thật là ở chỗ người cộng sản đã lấy chính trị mà chà đạp đạo lý thì không ai dám nhắc đến! Đó chính là căn nguyên của những sa sút nghiêm trọng mà ông Đỗ Mười chỉ mới gợi mà chưa dám nhận, của những "cái nhà của chúng ta hiện nay đang nhiều rác rưởi và dơ bẩn" mà ông Phạm Văn Đồng chỉ kêu gọi quét dọn nhưng không nói rõ phải quét dọn thế nào cho sạch. Ngày nay trên khắp thế giới con người đã nhận ra những giá trị tinh thần của tôn giáo trong công cuộc xây dựng, ngay cả nước Nga là cái nôi của chủ nghĩa cộng sản còn can đảm sửa sai chính sách về tôn giáo cho kịp đà tiến với cộng đồng nhân loại. Ông Gorbachev đã nói với Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II: "chúng tôi cần những giá trị thiêng liêng, cần một cuộc cách mạng tinh thần. Đây là con đường độc nhất đưa đến một nền văn hóa mới và một nền chính trị mới ... những giá trị luân lý mà tôn giáo đã làm nảy sinh và đúc kết trong hàng thế kỷ, có thể giúp cho công việc đổi mới đất nước của chúng tôi".

Thật vậy, ngoài vai trò căn bản là phát triển những giá trị luân lý và đạo đức, tự do tín ngưỡng tại Việt Nam là con đường hiệu quả nhất để giúp hòa hợp và hòa giải dân tộc Việt Nam. Trong suốt chiều dài của lịch sử, dân tộc Việt Nam đã thử nghiệm nhiều thể chế chính trị nhưng không thể chế nào tồn tại mãi với dân tộc, ngay cả những thể chế tưởng phù hợp nhất. Nhưng mỗi khi một tôn giáo đến với cơ thể dân tộc đều ở lại vĩnh viễn, mặc dù có thể có những phản ứng ban đầu do chưa quen với môi trường hay được Việt hóa cho phù hợp. Truyền thống bao dung của tôn giáo cộng thêm được chấp nhận ưu ái và trân trọng trong lòng dân tộc, tôn giáo sẽ là nhịp cầu vững chắc nối kết những bất đồng chính kiến, là khả năng xoa dịu những hận thù quá khứ để dân tộc đạt được khả năng phát triển như một nuớc văn minh. Nhà văn vô thần Youri Davidov đã công nhận: "Nói đến bao dung thì dễ dàng hơn đối với những người của giáo hội (TCG), vì họ có truyền thống lâu dài hàng thế kỷ về điểm này."

Ngoài ra tự do tín ngưỡng là bước thử nghiệm dân chủ hóa an toàn nhất cho nhà cầm quyền tại Việt Nam. Vì do bản chất hòa giải và hướng thượng, tôn giáo sẽ không bao giờ chấp nhận giải pháp dùng bạo lực hay lạm quyền để đạt đến cứu cánh của họ. Một ưu điểm khác của tôn giáo rất quan trọng cho tình hình kinh tế và xã hội Việt Nam là khả năng đóng góp vật chất của tôn giáo trong những lĩnh vực cấp thiết như giáo dục, y tế, xã hội, kinh tế, vv. Tự do tín ngưỡng còn giúp kêu gọi những cơ quan nhân đạo quốc tế quan tâm đến các vấn đề nhân quyền khác tại Việt Nam hơn. Nếu nhà cầm quyền Việt Nam thực sự quan tâm đến tương lai đất nước, muốn tạo điều kiện để tôn giáo giúp việc xây dựng đạo lý, giúp hòa hợp, hòa giải dân tộc, giúp thử nghiệm dân chủ, xây dựng kinh tế và xã hội, việc thi hành tự do tín ngưỡng phải được thực hiện thế nào cho có hiệu quả? Nhiều tôn giáo đã đóng góp ý kiến, trong phạm vi bài này chúng tôi xin đơn cử việc thực thi 6 điểm về tôn giáo trong bản góp ý của Hội đồng Giám mục Việt Nam gửi cho nhà nước Việt Nam ngày 14 tháng 4, 1991.

Sáu điểm góp ý về tôn giáo có thể tóm tắt như sau: thực thi đứng đắn quyền tự do tín ngưỡng có ghi trong hiến pháp của nước Việt Nam. Những nghị quyết về tôn giáo nên giải nghĩa rõ ràng để tránh tình trạng "trống đánh xuôi kèn thổi ngược", hay địa phương tự ý khai triển để trù dập tôn giáo (1). Cán bộ nhà nước hoạt động trong lĩnh vực tôn giáo cần hiểu biết chính xác, khách quan, sinh hoạt và tâm lý của người có tôn giáo để tạo điều kiện cho việc tiếp xúc thông cảm và đoàn kết (2). Quyền tự do tín ngưỡng, được tôn trọng như một quyền lợi chứ không phải như một đặc ân (3). Luật pháp, nghị quyết, nghị định về tôn giáo phải đem ra lấy ý kiến toàn dân nhất là tín đồ tôn giáo trước khi thi hành để tránh làm phương hại đến tình cảm của các cộng đồng tôn giáo (4). Cho phép những nhà lãnh đạo tinh thần phục vụ tín hữu ở những địa phương cần sự có mặt của họ (5). Tạo điều kiện cho tôn giáo thực hành lý tưởng bác ái, phục vụ người nghèo, nhất là ở những nơi xa xôi hẻo lánh (6).

Có thế tôn giáo mới có thể trở thành liều thuốc linh nghiệm trong tình hình hiện tai. Việc thực nghiệm này phải thi hành trong tinh thần ngay thẳng, tôn trọng, tránh hoảng sợ để rồi đi vào con đường cũ như việc đàn áp tôn giáo trong những năm qua. Để giúp cho việc hòa hợp hòa giải có hiệu quả tín đồ các tôn giáo cũng nên tránh đồng hóa các sai lầm quá khứ với tôn giáo, thành tâm chấp nhận vai trò của tất cả các tôn giáo chân chính tại Việt Nam, tránh gây thêm hiểu lầm do ngộ nhận giữa các tôn giáo, và đặc biệt can đảm thực thi quyền công dân trong việc đòi hỏi nhà cầm quyền VN tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của tôn giáo mình. Đồng bào VN sống tại nước ngoài dùng quyền hạn công dân của mình tại nước tự do sở tại lên tiếng báo động về những trù dập tôn giáo trong nước.

Trong huyền sử Việt Nam, một câu chuyện thương tâm xảy ra trong hàng ngũ lãnh đạo vì những màu thuận giữa trách nhiệm và tình cảm là chuyện Trọng Thủy và Mỵ Châu. Trọng Thủy theo lệnh của cha là Triệu Đà hỏi cưới con vua An Dương Vương là Mỵ Châu với mục đích lấy cắp chiếc nó thần vô địch của vua An Dương Vương. Vì quyền lợi của cha, Trọng Thủy đã hy sinh tình cảm gia đình, giúp cha thực hiện ý đồ và cuối cùng đánh chiếm giang sơn của vua An Dương Vương. Trên đường trốn chạy, An Dương Vương tìm ra nguyên nhân nên đã giết chết con gái mình rồi tự vẫn. Còn Mỵ Châu, nàng đã trân trọng tình nghĩa vợ chồng cho đến chết mặc dù bị phản bội. Câu chuyện làm chúng ta liên tưởng đến nghĩa vụ quốc tế của người cộng sản mà họ đã thực thi quá nghiêm chỉnh đến nỗi quên đi nghĩa vụ với gia đình là nước Việt Nam. Nàng Mỵ Châu xinh đẹp chung thủy là dân tộc Việt Nam đang chết dần mòn vì một ý thức hệ sai lầm, tàn bạo. Nếu đuợc viết lại trang sử này, chúng ta những con dân Việt Nam có tín nguỡng cần phải làm gì để chúng ta không trở thành nạn nhân như nàng Mỵ Châu?