Vatican mở hội nghị về bê bối giáo sĩ lạm dụng tình dục
Trong một nỗ lực làm dịu tình hình trước các cáo buộc về bê bối tình dục làm rung chuyển Giáo hội Công giáo La Mã, Giáo hoàng triệu tập một hội nghị giám mục ở Rome tuần này (21-23/02/2019).
Không lâu trước đó, ngài thừa nhận rằng có vụ trong một tu viện ở Pháp, các nữ tu bị những linh mục nam dùng như ''nô lệ tình dục''.
Hội nghị toàn cầu này diễn ra sau khi Giáo hoàng có cuộc trao đổi với nhóm C9, bao gồm chín vị hồng y là cố vấn cao cấp, được bổ nhiệm sau khi Giáo hoàng Francis lên ngôi.
Những câu chuyện về lạm dụng tình dục đã và đang xuất hiện khắp nơi trên thế giới.
Và Giáo hội đã bị cáo buộc đã che đậy tội phạm giới tu sĩ gây ra, và điều này ảnh hưởng đến uy tín đạo đức của Giáo hội.
Đức Giáo hoàng Francis đang phải chịu áp lực lớn để tỏ ra là vẫn đóng vai trò lãnh đạo và phải tìm ra giải pháp khả thi cho khủng hoảng có lẽ là lớn nhất từ trước đến nay của Giáo hội.
Ngoài ra, các câu hỏi, về hành vi, thái độ gì dẫn đến việc lạm dụng tình dục trong Công giáo trở nên phổ biến cũng sẽ là nỗi đau đầu cho Giáo hoàng.
Hội nghị này sẽ bao gồm các vị đứng đầu hội đồng giám mục từ 130 quốc gia trên thế giới.
Tuy nhiên, đây chỉ là những nỗ lực khởi đầu trong việc giải quyết mầm bệnh đã tồn tại trong đạo Công giáo từ những năm 1980.
Khi Jason Berry, phóng của viên tờ báo địa phương ở bang Louisiana của Hoa Kỳ, bắt đầu theo dõi câu chuyện về linh mục Gilbert Gauthe, anh không ngờ rằng mình sẽ châm ngòi cho vụ bê bối quốc tế vẫn còn bùng cháy hơn 30 năm sau.
Cuộc điều tra của Berry là tiền đề cho cuốn sách Lead Us Not Into Temptation, xuất bản năm 1992, dựa trên các thỏa thuận pháp lý Giáo hội đã dàn xếp đối với những người tố cáo họ vào cuối những năm 1980.
Năm 2002, cuộc điều tra của tòa soạn Boston Globe đã giúp tường thuật rộng rãi hơn về các vụ bê bối tình dục và hành vi che đậy nó của Giáo hội Công giáo.
Giới nhà báo trong cuộc đã nhận được giải thưởng Pulitzer danh giá, và những nỗ lực của họ được đưa lên màn ảnh qua bộ phim Spotlight.
Nhưng làn sóng bê bối vẫn chưa dừng lại ở đó.
Trong năm vừa rồi, cũng tại tiểu bang Pennsylvania, luật sư Josh Shapiro đã tập hợp và duyệt lại hàng trăm ngàn tài liệu liên quan đến Giáo phận địa phương.
Hàng chục nhân chứng đã đưa ra các bằng chứng khác nhau liên quan tới bê bối tình dục, và một số giáo sĩ đã thừa nhận tội ác của mình.
''Hơn 1000 nạn nhân là trẻ em được ghi lại trong hồ sơ của chính Giáo hội'', báo cáo của Shapiro cho biết, và ''hàng loạt tố cáo có cơ sở được nêu ra với hơn 300 linh mục''.
Báo cáo của ông được công bố vào tháng 12 năm ngoái, dài hơn 1000 trang và bao gồm những cáo buộc từ 70 năm qua, kể lại nhiều câu chuyện khủng khiếp.
Ở giáo phận Scranton, sau khi hãm hiếp một cô gái, một linh mục đã sắp xếp để cô đi phá thai. Vị cấp trên của linh mục đó, giám mục trong vùng, đã viết một bức thư, với nội dung:
''Đây là thời gian rất đen tối trong cuộc đời con, và ta thông hiểu cảm xúc của con như thế nào.''
Nhưng lá thư đó không dành cho cô gái mà để gửi cho linh mục hiếp dâm.
Ở một giáo phận khác có linh mục đã đến thăm một cô bé bảy tuổi trong bệnh viện sau phẫu thuật cắt amidan và đã cưỡng hiếp em.
Trong một chuyện khác, có linh mục đã lạm dụng tình dục bé trai chín tuổi và sau đó súc miệng cho nạn nhân bằng nước thánh để 'thanh tẩy' em nhỏ.
Báo cáo kết luận rằng những kẻ ấu dâm tàn bạo vẫn cứ hoạt động đều vì sự che đậy của Giáo hội, thông qua việc luân chuyển linh mục phạm tội đến các giáo xứ khác, và từ chối thông báo tội của họ cho chính quyền.
Các cáo buộc tình dục
Franco Mulakkal, từ một thị trấn nhỏ mang tên Kerala, nằm ở bờ biển Tây Nam Ấn Độ, đã vươn lên từ nghèo khó để lên tới hàng giám mục ở phía Bắc Ấn Độ.
Trong tháng 9 năm 2018, ông ta bị cảnh sát bắt vì có cáo buộc từ một tu nữ rằng cô thường xuyên bị cưỡng hiếp khi giám mục này đến thăm tu viện.
Giám mục Mulakkal, hiện nay đã mất quyền hành lễ, bác bỏ mọi cáo buộc, coi chúng là 'vô căn cứ và bịa đặt'.
Trong một lá thư gửi lên bề trên trong dòng tu, người nữ tu viết rằng vụ cưỡng hiếp đầu tiên xảy ra vào tháng 5 năm 2014 và lần cuối vào tháng 9 năm 2016.
Hồi tháng 1, các tu nữ đã kêu gọi thủ hiến tiểu bang Kerala can thiệp vì quan chức của Giáo Hội yêu cầu họ rời khỏi giáo phận trong nỗ lực xóa đi vụ bê bối.
Các tu nữ cho rằng họ dễ bị lạm dụng vì bị phụ thuộc vào linh mục và giám mục để có chỗ trú ngụ và lo ngại bị cho ra đường nếu tiếp tục tố cáo các vụ lạm dụng.
Ở Malawi, nơi tỷ lệ nhiễm HIV ở người trưởng thành đến 64 tuổi là hơn 10%, các nữ tu cũng là mục tiêu của lạm dụng tình dục vì họ được coi là "tinh khiết" và ít bị mang virus hơn.
'Sẽ không bao giờ tiếp diễn'
Năm 2012, chính phủ Úc đã cho lập Ủy ban Hoàng gia có nhiệm vụ điều tra các cáo buộc đối với hành vi lạm dụng trẻ em.
Các tổ chức có liên quan bao gồm các trung tâm chăm sóc dân cư cho những người trẻ tuổi, trường học, thể thao, nghệ thuật và các nhóm cộng đồng khác, và Giáo hội.
Ủy ban kết luận rằng 7% linh mục Công giáo La Mã của Úc bị cáo buộc lạm dụng trẻ em, trong thời gian từ năm 1950 đến 2010.
Trong nhà dòng mang tên St John of God Brothers, 40% thành viên ở đây đã bị buộc tội lạm dụng trẻ em.
Trả lời với BBC News, Chrissie Foster, người mẹ của hai đứa trẻ bị các linh mục lạm dụng ở Melbourne, cho biết sau khi tố cáo với chính quyền, gia đình của bà trở thành một chủ để tán gẫu.
''Họ cho rằng chúng tôi là những kẻ nói dối, rằng chúng tôi bịa chuyện để câu tiền.''
''Đó là những gì họ sẽ nói với giáo dân. Và giáo dân sẽ tin điều đó bởi vì chẳng ai tin rằng linh mục hãm hiếp trẻ em? Điều đó dễ nghe hơn sự thật rằng các linh mục lạm dụng tình dục trẻ em."
Vào tháng 8 năm 2018, Giáo hội Công giáo La Mã ở Úc đã công bố báo cáo chính thức của mình đối với Ủy ban Hoàng gia.
Đức Tổng Giám mục Mark Coleridge, người đứng đầu Hội đồng Giám mục Công giáo Úc phát biểu rằng ''nhiều giáo sĩ, giáo dân trong Giáo hội Úc đã ''thất bại trong nhiệm vụ bảo vệ và tôn vinh phẩm giá của mọi người, đặc biệt đối với những người dễ tổn thương nhất là trẻ em.''
''Với cùng một tiếng nói, các giám mục và những người đứng đầu Công giáo ở đây cam nguyện rằng những điều tương tự sẽ ''không bao giờ xảy ra nữa''.
Lạm dụng kinh hoàng
Mùa hè năm ngoái, Cục Điều tra Độc lập về lạm dụng tình dục trẻ em ở Anh đã công bố về cuộc điều tra đối với hai trường Công giáo La Mã uy tín nhất ở Anh: Ampleforth College, ở Bắc Yorkshire và Downside School, ở Somerset.
Theo báo cáo, các trường "ưu tiên các nhà sư và danh tiếng của họ hơn việc bảo vệ trẻ em" và "hành vị lạm dụng tình dục đã xảy ra trong nhiều thập kỷ qua, bao gồm các nạn nhân chỉ có tuổi đời 7 ở Ampleforth và 11 ở Downside".
Các nhân chứng bao gồm những người bị ép buộc tham gia vào các hành vi lạm dụng tình dục, đôi khi trước sự hiện diện của các bạn bè trang lứa.
Báo cáo kết luận rằng ''một số thủ phạm không hề che giấu chúng quan tâm đến trẻ em về mặt tình dục''.
''Sự lộ liễu trắng trợn của các hành vi này cho thấy có tồn tại một văn hóa chấp nhận các hành động lạm dụng ở đây," báo cáo cho biết.
Sau khi báo cáo được công bố, trường Ampleforth lên tiếng rằng ''tu viện và trường học muốn gửi lời xin lỗi chân thành nhất tới tất cả nạn nhân và những người sống qua vụ việc".
Tương tự, trường Downsize bày tỏ sự hối tiếc:
''Chúng tôi thừa nhận những thất bại và sai lầm nghiêm trọng trong việc bảo vệ các nhân vật liên quan, cũng như việc phản ứng kịp thời.''
Với hơn 1,2 tỷ tín đồ có mặt khắp nơi trên thế giới, mọi ánh mắt đang hướng về Giáo hoàng Francis.
Khi được bầu lên vào tháng 3 năm 2013, Giáo hoàng đã hiểu rõ những ảnh hưởng xấu của bê bối tình dục đối với Giáo hội.
Chỉ trong vòng một năm, ngài đã thăm trực tiếp sáu nạn nhân của các vụ bê bối tình dục từ Ireland, Anh và Đức. Trong một thánh lễ kín, gồm sự có mặt của sáu nạn nhân, ngài gửi đến họ một lời xin lỗi chân thành.
''Trước Chúa, ta bày tỏ nỗi buồn về tội lỗi và tội ác nghiêm trọng của các giáo sĩ đối với con," Giáo hoàng Francis nói trong bài giảng được Vatican công bố sau đó.
''Và ta mong muốn nhận được sự tha thứ. Ta xin sự tha thứ từ các con vì những sai lần của những người đứng đầu Giáo hội khi không thể ngăn chặn và phản ứng kịp thời trước tố cáo đến từ gia đình và chính nạn nhân. "
Ngay sau đó, Giáo hoàng Francis đã bổ sung tám thành viên mới vào Ủy ban Giáo hoàng về Bảo vệ Trẻ vị thành niên từ châu Phi, châu Đại Dương, châu Á và Nam Mỹ. Nhưng cơ quan này đã sớm bị mất thành viên.
Hai nhân vật duy nhất trong ủy ban từng là nạn nhân của quấy rối tình dục, Marie Collins và Peter Saunders, đã xin thôi.
Trong bức thư gửi đến Giáo hoàng, bà Marie Collins, từng bị một linh mục lạm dụng hồi 13 tuổi, viết rằng Giáo hoàng có thể muốn đề ra giải pháp nhưng bộ máy quan liêu của Vatican sẽ luôn tìm cách cản trở những thay đổi.
Sau khi ủy ban đưa ra một khuyến nghị rằng tất cả các thư từ của nạn nhân và những người sống sót sẽ được hồi đáp, bà Marie Collins phát hiện ra rằng trên thực tế, chưa ai nhận được phản hồi.
''Lời phát biểu của Giáo hội về việc chăm lo cho các nạn nhân của bạo hành tình dục đối với tôi nghe rất giả tạo,'' bà viết, '' khi mà giới quan chức ở Vatican còn không coi trọng những bức thư đó.''
''Đây là sự phản ánh cách mà Giáo hội xử lý các bê bối tình dục trước đây: nói lời lẽ tốt đẹp trước công chúng và làm ngược lại sau cánh cửa đóng kín."
Giáo hoàng Francis đã quyết định mở cửa, triệu tập một hội nghị thượng đỉnh chưa từng có để giải quyết vấn đề này. Nhưng để giảm kỳ vọng cao, trong chuyến bay trở về Rome từ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất,ngài nói với truyền thông rằng hội thảo kéo dài ba ngày như vậy sẽ chỉ là sự khởi đầu.
Nhiều người cho rằng Giáo hoàng chỉ nên đưa ra một sắc lệnh để Giáo hội tuân theo. Tuy nhiên để thực hiện áp dụng nguyên tắc chung cho toàn cầu quả là không đơn giản bởi vì Giáo hội tồn tại và vận hành trong các nền văn hóa và hệ thống tư pháp rất khác nhau.
Thật khó tưởng tượng ra thách thức lớn hơn cho vị giáo hoàng 82 tuổi này.
Ngài lên nắm quyền và thoạt đầu nhận được sự ủng hộ và yêu mến khắp nơi vì luôn chọn công tác mục vụ trên cả sự hào nhoáng của lễ lạt, đặt sự khiêm tốn và đồng cảm lên trên vinh hoa của chức quyền.
Nhưng giáo triều của ngài chấm dứt ra sao sẽ tùy thuộc vào hành động sắp tới của vị Giáo hoàng và các thủ tục và quy định ngài áp dụng, thực hiện để giải quyết tệ nạn lạm dụng.